Hôm nay,  

Pháp Quyền Và Đảng Quyền

17/03/200100:00:00(Xem: 3899)
Tin ông Lê Khả Phiêu có thể mất chức Tổng bí thư đảng bay ra như bươm bướm trong nước và ngoài nước. Chưa bao giờ người ta thấy một tình trạng như vậy trong suốt các kỳ đại hội đảng CSVN kể từ ngày thành lập đảng. Những tin đó do chính những “nguồn” bí mật từ nội bộ Trung ương đảng đưa ra ngoài chứng tỏ sự chọn người đang gập khó khăn và những phe phái trong đảng đấu đá nhau về vấn đề nhân sự lãnh đạo đã đến thời kỳ gay go nhất.

Thế giới bên ngoài không chú ý nhìn xem ai sẽ làm chủ nước Việt Nam mà chỉ muốn biết ai sẽ làm chủ đảng, tại sao vậy" Đó là vì người thật sự lãnh đạo đất nước không phải ông Chủ tịch Nhà nước mà là ông Tổng bí thư đảng Cộng sản. Trong hệ thống quyền lực của chế độ, Tổng bí thư đảng ngồi trên cả ông Chủ tịch Nhà nước, một chức vụ trên danh nghĩa là lãnh đạo nước. Từ thời ông Tôn Đức Thắng, chức vụ chủ tịch nhà nước chỉ là một chức vụ làm vì, ngồi đó để bảo sao làm vậy chớ không có quyền hành thực sự. Đến chức vụ Thủ tướng, người trực tiếp lãnh đạo bộ máy chính quyền cũng đứng hàng thứ ba dưới chức vụ “làm vì” nói trên, đủ hiểu Thủ tướng cũng chỉ là một anh thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Cách tổ chức này thật quái gở, nó chính là nguyên nhân sự thất bại của đảng trong việc cai trị đất nước.

Vậy ai chọn ông lãnh đạo tối cao của đất nước" Dân không được quyền chọn, chỉ có đảng được quyền chọn, trong khi đảng viên chỉ có khoảng trên 2.5 triệu người, còn dân chúng có 79 triệu người. Nhưng có thật đảng viên được chọn người lãnh đạo hay không" Khi những tin về việc thay đổi Tổng bí thư loan đi khắp thế giới, bộ Ngoại giao Hà Nội đã phải bác bỏ những tin đó là “vô căn cứ” để trả lời mập mờ: “Vấn đề nhân sự của Trung ương đảng sẽ do Đại hội đảng quyết định”. Đại hội đảng có khoảng gần 2,000 đại biểu đã được sàng lọc kỹ qua nhiều đợt trước khi được phép đến dự, nhưng chính số người này cũng không được lựa chọn lãnh đạo. Bởi vì nếu cho các đại biểu dự đại hội tùy ý lựa chọn thì xin hỏi Trung ương đảng phải họp trước để làm gì" Rút cuộc việc chọn người lãnh đạo cả nước chỉ nằm trong tay khoảng trên 160 người Trung ương đảng. Nhưng ai đã ủy nhiệm cho 160 người đó chọn ngôi chí tôn của cả nước" Không phải dân và cũng không phải đảng đã ủy nhiệm. Ban Chấp hành Trung ương chỉ là con đẻ của đại hội đảng kỳ trước, năm 1996.

Ban Chấp hành Trung ương theo thông lệ một năm họp hai lần, nên Trung ương hiện nay chọn ra từ 5 năm trước, đáng lý phải họp đến lần thứ 10 là xong đến đại hội tới. Nhưng đầu năm 2001 nó đã phải họp đến lần thứ 11 và rồi còn hẹn họp lần nữa trước khi quyết định mở Đai hội 9, hiển nhiên cái thông lệ đó đã “không thông” chút nào, nó đã có chuyện bất thường. Từ đầu năm Tây đến nay một tháng ruỡi đã trôi qua, sự kéo dài đó cho thấy một thế kẹt, không tìm được sự đồng ý của tất cả. Sự thiếu đồng thuận, thiếu nhất trí này có nhiều nguyên nhân. Đơn giản nhất là thiếu người xứng đáng để trao cho một chức vụ tối quan trọng. Phức tạp hơn, - và đã có nhiều bằng chứng cho thấy rõ - đó là vì tranh chấp quyền và lợi của những phe phái trong đảng. Nhưng tôi muốn nói đến một nguyên nhân thật khách quan. Thời thế ngày nay không cho phép một Tổng bí thư đảng ngồi trên những người lãnh đạo nhà nước và chính phủ.

Chính chế độ Xô-viết trước khi sụp đổ đã nhìn thấy thực tế này nên trong kỳ đại hội đảng năm 1988, đảng Cộng sản Liên Xô đã chấp thuận một loạt những nghị quyết cải tổ cấu trúc chế độ Xô-Viết. Đại hội đảng này có vẻ bất thường vì nó đã họp công khai chớ không phải họp trong phòng kín như trước. Năm 1989, Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư đảng, được bầu làm Tổng Thống của Liên Xô. Một xu thế mới bắt đầu, đó là xu thế chuyển dần quyền lực của đảng tăng cường quyền lực của nhà nước tức chính quyền pháp định, theo sự đòi hỏi của thời thế. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, nó không còn là một xu thế nữa mà là một hiện thực. Các chế độ Cộng sản Đông Âu tiếp theo nhau tan rã để chuyển quyền lực đảng về tay chính quyền.

Đảng quyền không thể ngồi trên pháp quyền, vì pháp quyền là luật pháp của cả nước. Xu thế này vẫn tiếp tục. Trung Quốc là nước Cộng sản lớn nhất thế giới, nhưng Giang Trạch Dân đã chuẩn bị thế rút lui sau hai nhiệm kỳ pháp định, tăng cường quyền lực Quốc hội, dứt khoát bài trừ tham nhũng, cho phép chính phủ do Chu Dung Cơ cầm đầu tháo gỡ nạn quốc doanh, người ta thấy Trung Quốc đã đi vào tiến trình rút bớt quyền lực của đảng và nhà nước ra khỏi các hoạt động kinh tế. Vẫn biết hoàn cảnh mỗi nước một khác, Trung Quốc với một dân số trên một tỷ người, đất lại quá rộng, nạn địa phương lộng hành quá nhiều, không có gì chắc chắn đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sớm chấp nhận dân chủ thật sự đa nguyên đa đảng. Trung Cộng không hoàn toàn rút ra khỏi chính quyền, họ chỉ tìm cách nào hợp lý và hợp pháp nhất để có ảnh hưởng quyết định đến đường lối và sách lược của chính quyền. Họ đã thấy thời đại đảng quyền ngồi trên pháp quyền không thể tồn tại.

Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam họp trong tuần này. Người ta chưa biết họ có những quyết định như thế nào. Đảng đã nói đến những thử thách của thế kỷ 21, nhưng có một thử thách quan trọng nhất phải đối phó là những nguời Cộng sản phải thay đổi cấu trúc chế độ của họ. Muốn làm việc này, trước hết đảng Cộng sản bắt buộc phải tự cải tạo chớ không có cách nào khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.