Hôm nay,  

Vài Suy Nghĩ Về Ông Trần Thiện Chưởng Và Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu

23/10/199900:00:00(Xem: 7178)
Trong số báo đề ngày 8 tháng 10, tôi đã trình bầy một số suy tư của tôi về ông Trần Thiện Chưởng. Ngày 15 tháng 10, vì tầm quan trọng của bài tường thuật Đại Hội Thường Niên và Cuộc Bầu Cử Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát nên phần hai của bài viết được dời lại số báo tuần này. Trong bài viết hôm nay, tôi xin nêu một số thắc mắc về bản Phúc Trình Nhân Quyền của anh Phạm Văn Thành, và những suy nghĩ của tôi quanh việc Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu mời anh Thành sang Úc.

BẢN PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN CỦA ANH PHẠM VĂN THÀNH
Giống như phần đông người Việt tại Úc, tôi chưa một lần được hân hạnh gặp anh Thành. Nhưng việc anh dũng cảm trở về Việt Nam đối đầu với cộng sản, việc anh trải qua những năm tháng tù đầy trong ngục tù cộng sản, vẫn không cùn nhụt nhuệ khí, đã khiến tôi rất khâm phục anh. Nhất là khi nhìn những tấm hình của anh trong các phiên tòa của cộng sản, tôi thấy ở anh luôn luôn có hào khí chính nghĩa, có niềm tin mãnh liệt vào điều anh làm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những điều anh làm ở bên Mỹ, những lời tuyên bố của anh trong thời gian gần đây cùng nội dung của bản phúc trình nhân quyền do anh soạn thảo, tôi không tránh khỏi nhiều điều thắc mắc. Tuy thế ở đây, tôi chỉ nêu một số thắc mắc ngắn gọn quanh bản phúc trình nhân quyền được anh Phạm Văn Thành soạn thảo.
Trong thời gian không đầy một tháng qua, Sàigòn Times nhận được tất cả 8 bản Phúc Trình Nhân Quyền của anh Phạm Văn Thành trong đó có 5 bản gửi qua Internet, một bản anh Chưởng trao tay nhân dịp phỏng vấn. Tất cả 8 bản đều là những bản ấn hành tại Hoa Kỳ.
Căn cứ vào nội dung bản phúc trình, tôi được biết, anh Phạm Văn Thành đã hoàn thành xong bản phúc trình vào ngày 25 tháng 11 năm 1998, tức là đúng 20 ngày sau kể từ khi anh được cộng sản trả tự do ngày 5/11/98. Toàn bộ bản phúc trình gồm 32 trang, kể lại những vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam tại các trại tù Trung ương số 5, Nam Hà, Thanh Cẩm, B34, Z30A và Z30D. Trong bản phúc trình có 3 bản tư liệu theo thứ tự B (Danh sách những tù nhân chính trị đã bị cộng sản tử hình), C (Danh sách tù nhân chính trị hiện còn bị cộng sản giam cầm), và D (Hình ảnh một số tù nhân chính trị, chụp năm 1994 tại trại A20, Xuân Phước).
Rõ ràng, với nội dung đầy đủ chi tiết và hình ảnh như vậy, cá nhân anh Thành không thể nào nhớ nằm lòng để có thể hoàn thành được bản phúc trình. Vả lại, chuyện anh Thành khi rời Việt Nam, mang theo đầy đủ tài liệu và hình ảnh, để viết bản phúc trình cũng là chuyện rất khó. Một người tù trong nhà tù cộng sản, được cộng sản trả tự do ngày 5 tháng 11 với điều kiện phải lập tức rời khỏi Việt Nam, chắc chắn anh Thành không thể mang trong người cả đống tài liệu cùng hình ảnh tù nhân. Vậy mà khi tới Pháp ngày 6 tháng 11, không đầy 20 ngày sau, anh đã hoàn thành bản phúc trình. Điều này chứng tỏ anh Thành đã không viết bản phúc trình một mình mà phải viết với sự trợ giúp của một tổ chức hoặc một nhóm người nào khác. Ai đã trợ giúp anh Thành và mức độ trợ giúp nhiều hay ít, không thấy anh Thành đề cập. Hiển nhiên, vì nguyên tắc bảo mật, anh Thành có quyền giữ kín điều này.
Có điều, sau khi đọc bản phúc trình của anh Thành, tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao trong bản phúc trình lại có hình chụp các tù nhân tại trại A20.
Đọc bản phúc trình trang 6, do chính anh Thành viết, tôi được biết, ngày 14 tháng 9 năm 1993, anh Thành cùng mười người đàn ông khác, bị cộng sản giải đến trại A20, Phú Yên, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600 cây số. Đến trang 19 của bản phúc trình, anh Thành viết, “Cuối cùng, tôi cũng đính kèm hình ảnh một số tù nhân chính trị mà chúng tôi đã lén chụp được năm 1994, tại trại A20, Xuân Phước”.
Nhìn những tấm hình màu chụp các tù nhân và căn cứ vào những gì anh Thành đã viết, tôi có vài thắc mắc như sau.
Thứ nhất, anh Thành là một tù nhân, mới chân ướt chân ráo đến trại tù A20, làm sao anh có được máy hình để chụp hình tù nhân" Không nói đến nhà tù cộng sản, chỉ nói nhà tù Úc, việc tù nhân mang máy hình vô tù là chuyện hoàn toàn không tưởng. Thậm chí ngay cả du khách, ký giả, phóng viên, hay nhân viên trại giam, kể cả giám đốc trại cải huấn cũng không được phép tùy tiện mang máy hình vô trong nhà tù. Nhà tù Úc đã vậy, chắc chắn tại nhà tù cộng sản, kỷ luật còn khắt khe gấp bội. Nhất là nhà tù A20, nơi được anh Thành mô tả ở trang 7 trong bản phúc trình, nguyên văn như sau:
“Trại tù A20 Xuân Phước là trại tù “kỷ luật” của hệ thống các trại tù Cộng sản Miền Nam Việt Nam. Những thành phần được coi là “nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia” đều bị đầy đọa ở đây”.
Đọc đoạn văn trên đây, qúy độc giả phải đồng ý, chuyện người tù Phạm Văn Thành hay bất cứ tù nhân nào khác, được phép mang máy hình vô tù là chuyện không hợp lý.
Thứ hai, một giả thuyết được đặt ra ở đây là có thể anh Thành đã khôn ngoan qua mắt được cộng sản, bí mật mang vô trong tù một chiếc máy hình loại nhỏ xíu của điệp viên 007. Chuyện này cũng khó tin, hoang đường không khác gì phim 007. Nhưng dù có cho giả thuyết này là đúng, ta cũng khó có thể chấp nhận được chuyện anh Thành chụp hình các tù nhân. Có mấy lý do. Một, anh Thành là một người tù trẻ, mới vô tù, làm sao tù cũ đủ tin tưởng để cho anh khơi khơi chụp hình họ. Hai, chuyện một người tù trẻ, chân ướt chân ráo từ ngoại quốc về tính chuyện lật đổ cộng sản, bị cộng sản bắt trong vòng một tuần lễ, nay vô tù, có được máy hình, đòi chụp hình tù cũ lại càng là chuyện vô lý hơn. Chuyện vô lý này, tù cũ không thể chấp nhận mà ngay cả người tù mới là anh Thành cũng không dại dột gì làm.
Điểm thứ ba, anh Thành cho biết những bức hình tù nhân có trong bản phúc trình là hình chụp lén. Sự thực, nhìn vô những bức hình màu trong bản phúc trình được gửi qua Internet, tôi thấy đó không phải là hình “chụp lén” như anh Thành đã viết. Có mấy lý do khiến tôi tin như vậy. Một, tất cả các tấm hình đều chụp giữa ban ngày vào một ngày nắng đẹp, có bầu trời xanh, có mây trắng. Hai, hầu hết các bức hình trong số gần 20 tấm hình đều được chụp từ một góc độ nhất định. Nếu chụp lén, không thể nào chụp gần hai chục tù nhân từ một góc độ với một hậu cảnh vào một thời điểm nhất định trong ngày. Ba, nhìn nét mặt của tất cả những tù nhân được chụp, tôi thấy rõ ràng, không một ai tỏ ra bị chụp hình lén lút. Trái lại, tất cả đều có gương mặt cương nghị, vẻ mặt bình thản, phảng phất sự chế ngự nội tâm. Điều này chứng tỏ cả người chụp lẫn người bị chụp đều không hề lén lút như anh Thành đã viết trong bản phúc trình.
Kinh nghiệm tù đầy trong chế độ cộng sản của hàng trăm ngàn người Việt trong đó có bản thân tôi, đủ để tôi tin tưởng kết luận, những bức hình tù nhân được anh Thành viện dẫn trong bản phúc trình, không thể nào là những bức hình do tù nhân chụp lén. Kinh nghiệm tù đầy trong chế độ cộng sản đủ để tôi kết luận: Trong nhà tù cộng sản, chỉ có cộng sản mới có quyền và có thể chụp hình tù nhân. Và muốn chụp hình một lúc cả hai chục tù nhân trong một nhà tù chuyên chứa những tù nhân “nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia”, chắc chắn lệnh chụp hình tù phải là lệnh từ cấp trên.
Từ giả thuyết hữu lý này, tôi buộc phải đi đến kết luận: Anh Thành bằng cách này hay cách khác đã có được những tấm hình tù nhân từ trong tay cộng sản. Có thể anh Thành đã mua chuộc được thượng úy Hiển, đại úy Huấn hay thượng úy Thành là những người được anh Thành mô tả “tất cả đều rất vui vẻ, lịch sự với anh em chúng tôi”. Cũng có thể, một cán bộ cộng sản cao cấp nào đó nhìn thấy chính nghĩa dân tộc, tin tưởng anh Thành nên đã lấy cắp những tấm hình trao cho anh Thành. Cũng có thể, một tổ chức kháng chiến tại trại tù A20 đã lấy cắp hình ảnh và lý lịch tù nhân trao cho anh Thành để anh Thành phanh phui trước công luận. Dĩ nhiên, ở đây có nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng chắc chắn chuyện “chụp lén” như anh Thành đã viết trong bản phúc trình là điều không thể nào chấp nhận được.
* * *
Trình bầy những thắc mắc, những nghi ngờ trên, tuyệt nhiên, tôi không hề có ý nghi ngờ lập trường chính trị của anh Phạm Văn Thành. Như trên đã nói, tôi khâm phục lòng dũng cảm, tinh thần chống cộng và hào khí chính nghĩa của anh Thành. Nhưng nếu như trong quá khứ, cộng sản đã biết dùng những tên gián điệp, những bùa phép để qua mặt cả phủ tổng thống, cả CIA để thao túng tôn giáo, thao túng chính trường Miền Nam suốt mấy chục năm, thì hiện tại, cộng sản cũng sẵn sàng làm mọi chuyện để thao túng cộng đồng người Việt hải ngoại bằng cách hóa giải sức mạnh chống cộng của các hội đoàn, đoàn thể đấu tranh chính trị.


Với những nghi ngờ quanh nội dung bản phúc trình, cộng với những toan tính “thổi lửa” của anh Thành và luật sư Hùng, những lời tuyên bố đòi gồm thâu các hội đoàn, đoàn thể vô mạng lưới chính trị của hai anh, tôi không thể không lo ngại suy đoán: Biết đâu, cộng sản đã dùng các hình ảnh và lý lịch tù nhân làm lá bài nhân quyền, tạo lập một thần tượng đấu tranh chống cộng tại hải ngoại, để rồi sau đó, chính thần tượng đó, vì vô tình không biết hoặc vì ngây thơ thiếu kinh nghiệm, quay ra đánh phá các hội đoàn, đoàn thể chống cộng tại hải ngoại.
Là những người Việt tỵ nạn cộng sản, chúng ta rất kính trọng và ngưỡng mộ những người dám dấn thân chống cộng như anh Phạm Văn Thành. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh chống cộng, chúng ta luôn luôn phải cảnh giác trước mọi mưu mô của cộng sản. Sức mạnh chính trị, tiềm lực kinh tế của người Việt hải ngoại hiện nay luôn luôn là mục tiêu thao túng của cộng sản. Đó là thực tế bất khả chối cãi. Dĩ nhiên, để thao túng cộng đồng người Việt hải ngoại, cộng sản có rất nhiều mưu kế thâm độc. Vì vậy, khi anh Phạm Văn Thành sang Úc với ý định tố cáo những hành động vi phạm nhân quyền của cộng sản, chúng ta có bổn phận hậu thuẫn. Nhưng nếu anh Thành sang đây với danh nghĩa nhân quyền, trong khi thực tế, anh có ý định “thổi lửa” tấn công các hội đoàn, đoàn thể... đương nhiên, chúng ta phải cảnh giác và lên tiếng phản đối.
Là những tổ chức, đoàn thể có truyền thống đấu tranh chống cộng sản suốt mấy chục năm, nay những tổ chức, đoàn thể đó lên tiếng phản đối việc mời anh Thành sang Úc, chắc chắn sự phản đối đó không thể là “sự hiểu lầm nhất thời” như anh Nguyễn Hiệp tuyên bố. Trái lại, sự phản đối đó đã căn cứ trên những bằng chứng xác thực, những đúc kết một cách thận trọng từ những việc làm, những lời nói của anh Thành trong thời gian mấy tháng qua. Là những hội đoàn, đoàn thể, tổ chức đấu tranh chính trị, có thành tích chống vi phạm nhân quyền suốt mấy chục năm qua, dĩ nhiên, những tổ chức, hội đoàn, đoàn thể đó có bổn phận hậu thuẫn bất cứ ai chiến đấu cho mục tiêu tự do, dân chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, bất cứ ai, nếu lợi dụng danh nghĩa nhân quyền, lợi dụng tiếng nói của những tù nhân chính trị để tính chuyện “thổi lửa” thiêu đốt các hội đoàn, giải tán các đoàn thể, gồm thâu các tổ chức đấu tranh chống cộng của người Việt hải ngoại, chắc chắn chúng ta phải phản đối.
Trên đây là một số điểm ngắn gọn trong số rất nhiều thắc mắc của tôi về bản phúc trình của anh Thành cũng như những việc anh Thành và luật sư Hùng đã làm bên Mỹ. Sau đây, tôi xin trình bầy một số thắc mắc quanh những điểm không thống nhất giữa anh Chưởng và anh Hiệp.


NHỮNG ĐIỂM KHÔNG THỐNG NHẤT GIỮA ANH CHƯỞNG VÀ ANH HIỆP
Qua lời của anh Trần Thiện Chưởng trong bài phỏng vấn của Sàigòn Times, và của anh Nguyễn Hiệp do Việt Luận phỏng vấn, tôi được biết anh em cựu sinh viên Việt Nam tại Úc đã có nguyện vọng thành lập Hội Cựu Sinh Viên từ lâu để góp phần trong công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam. Nguyện vọng đó rất đáng qúy, rất đáng trân trọng. Tôi tha thiết mong thế hệ cha anh, biết tôn trọng những nguyện vọng chính đáng đó, đồng thời biết gần gũi, giúp đỡ để anh em cựu sinh Việt Nam có thể gánh vác những trách nhiệm nặng nề của cộng đồng, của dân tộc.
Tuy nhiên, cũng qua lời của hai anh, Chưởng và Hiệp, có một số điểm không thống nhất, khiến nhiều người, trong đó có tôi thắc mắc.
Theo lời của anh Chưởng thì sau khi nhận được bản Phúc Trình Nhân Quyền của anh Phạm Văn Thành qua Internet, anh vô cùng xúc động nên có ý mời anh Thành sang Úc. Vì thế, anh mới đem ý nghĩ đó ra bàn bạc với anh em trong hội, trong đó có anh Nguyễn Hiệp. Khi được hỏi thời điểm nhận được bản phúc trình qua Internet, anh Chưởng cho biết, khoảng hai tuần trước khi họp với Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị của Bác Sĩ Tiến. Kế đó, anh Chưởng cũng xác nhận, thời điểm nhận được bản phúc trình chắc chắn sau ngày 22 tháng 7 là ngày ghi trên bản phúc trình, mà anh Chưởng đã trao cho tôi trong buổi phỏng vấn.
Nhưng trong bài phỏng vấn được báo Việt Luận đăng tải ngày 8 tháng 10 năm 1999, anh Nguyễn Hiệp lại xác nhận: “Bản phúc trình Nhân Quyền báo Sàigòn Times có là bản in tại Hoa Kỳ (7/1999), bản chúng tôi có được là bản in ở Pháp (12/1998), nghĩa là chúng tôi đã có từ lâu trước ngày 22 tháng 7 năm 1999”.
Qua câu trả lời của anh Chưởng và Hiệp, mâu thuẫn được đặt ra ở đây không phải là hai bản phúc trình khác ngày tháng mà là ngày anh Chưởng nhận bản phúc trình đã mâu thuẫn với ngày anh Hiệp nhận được bản phúc trình. Như trên đã trình bầy, anh Chưởng khẳng định, anh chỉ đọc được bản phúc trình của anh Thành qua Internet sau ngày 22 tháng 7 năm 1999. Còn anh Nguyễn Hiệp thì lại xác nhận “chúng tôi đã có [bản phúc trình] từ lâu, trước ngày 22 tháng 7 năm 1999”. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này" Giữa hai sự kiện được hai anh đưa ra, sự kiện nào đúng"
Theo anh Nguyễn Hiệp, những chi tiết này không quan trọng và không đáng bàn. Nhưng theo tôi, nếu trước ngày 22 tháng 7 năm 1999, anh Phạm Văn Thành và luật sư Hùng đã công bố ý định sang Úc “thổi lửa”, thì những chi tiết trên rất quan trọng vì qua đó, mọi người sẽ hiểu rõ ý định sang Úc “thổi lửa” của anh Thành và việc anh Chưởng, anh Hiệp có ý mời anh Thành sang Úc có liên quan với nhau hay không. Việc minh bạch những chi tiết này càng trở nên quan trọng khi dư luận có người cho rằng, Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu được thành lập vào cuối tháng 6/99 chẳng qua chỉ nhằm có danh nghĩa mời anh Thành sang Úc, để anh Thành với tấm áo khoác nhân quyền, tự do đánh phá Mặt Trận, một tổ chức mà anh Chưởng và anh Hiệp không ưa, hậu quả từ những mâu thuẫn quanh việc lèo lái phong trào sinh viên học sinh Việt Nam tại Úc.
Thắc mắc thứ hai là anh Chưởng đã xác nhận, chính anh là người đầu tiên có ý mời anh Thành sang Úc sau khi đọc bản phúc trình của anh Thành từ trên Internet. Ý định đó chỉ có và chỉ được anh em trong Hội bàn sau ngày 22 tháng 7. Nhưng theo lời anh Nguyễn Hiệp, ngay từ 24 tháng 5, chính anh Hiệp đã gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với anh Phạm Văn Thành và mong mỏi anh Thành sang thăm Úc Châu.
Danh chính ngôn thuận, nếu việc mời anh Phạm Văn Thành sang Úc nói chuyện về nhân quyền là một việc làm chính đáng, tại sao hai nhân vật then chốt của tổ chức đứng mời là anh Hiệp và anh Chưởng lại có những lời tuyên bố thiếu thống nhất như vậy"
Thắc mắc thứ ba, tại sao khi anh Nguyễn Hiệp có được bản Phúc Trình Nhân Quyền in tại Pháp (12/98), các tổ chức, đoàn thể chính trị khác tại Úc lại chưa hề nhận được bản phúc trình" Nhất là Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Và Nạn Nhân Cộng Sản, một tổ chức quan trọng, có uy tín trong vấn đề chống vi phạm nhân quyền xưa nay, đáng lẽ phải là một trong những tổ chức đầu tiên được nhận bản phúc trình từ anh Thành, tại sao hội này cũng không hề nhận được mà phải chờ để anh Hiệp gửi" Lạ lùng hơn, anh Hiệp và anh Chưởng xưa nay không phải là người có thành tích trong hoạt động chống vi phạm nhân quyền. Chính anh Chưởng cũng thừa nhận suốt thời gian mười mấy năm qua anh chỉ hoạt động xã hội mà không có những quan tâm thích đáng đối với vấn đề nhân quyền. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao bản phúc trình nhân quyền của anh Thành lại gửi tới anh Hiệp mà không gửi tới các hội đoàn, đoàn thể chính trị của người Việt tại Úc, trong đó có Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Nạn Nhân Cộng Sản"
Điểm quan trọng nữa là theo lời của anh Nguyễn Hiệp, Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu được thành lập vào cuối tháng 6 năm 1999. Như vậy, thời điểm khi anh Hiệp nhận được bản phúc trình là thời điểm trước khi Hội Cựu Sinh Viên được thành lập. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây, thời điểm đó, anh Hiệp đã nhận bản phúc trình nhân quyền của anh Thành với tư cách cá nhân hay với tư cách đoàn thể" Nếu là đoàn thể, thì đó là đoàn thể nào" Nếu là cá nhân thì cá nhân đó có tư cách gì" Đâu là nguyên nhân khiến đoàn thể và cá nhân anh Hiệp nhận được bản phúc trình nhân quyền trong khi các hội đoàn, đoàn thể khác tại Úc lại không nhận được"
Tôi biết anh Thành, anh Chưởng, anh Hiệp và qúy anh em trong Hội Cựu Sinh Viên Việt Nam Úc Châu là những người có lòng yêu nước, có tinh thần dấn thân, có dạ quan hoài đến thực trạng cộng sản vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Nhưng trong cuộc đấu tranh chống cộng sản, giành tự do dân chủ cho quê hương, thiết tưởng, chỉ có lòng yêu nước, tinh thần dấn thân và dạ quan hoài không chưa đủ, mà còn đòi hỏi ở kinh nghiệm đấu tranh, khả năng phán đoán thù bạn, cùng bản lĩnh, tầm nhìn, để có thể thấy rõ những mưu mô thâm độc của cộng sản. Nếu thiếu đi những khả năng cùng những kinh nghiệm qúy báu đó, các anh sẽ dễ dàng phạm phải những sai lầm nguy hiểm, chỉ biết cắm đầu cắm cổ, tận tâm tận lực “thổi lửa” mà không hề biết lửa đó không hề thiêu đốt cộng sản, trái lại, lửa đó đang thiêu đốt chính chúng ta, trong đó có các anh.

Hữu Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.