Hôm nay,  

Diễn Đàn Độc Giả

25/11/200100:00:00(Xem: 4529)
Hoan nghênh việc bạch hóa mọi chuyện của tân BCHCĐ
Nguyễn Đức Thành - Bonnyrigg NSW

Tôi xin lỗi vì không tham gia sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, nhưng vẫn hưởng ứng mọi lời kêu gọi của qúy vị khi biểu tình chống cải lương CS hay dịp 30/4. Tôi cũng rất chịu khó theo dõi chuyện xây cất TTSHCĐ. Thú thực, vì không hiểu biết nhiều nên nghe lời ong tiếng ve tôi cũng vừa buồn, vừa nghi ngờ lại vừa bực nữa. Người ta vẫn bảo "trúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết mà". Vì thế nên tuần rồi đọc báo Sàigòn Times thấy có bài phỏng vấn Bác sĩ Tiến là mới trúng cử chủ tịch CĐ đã ưu tiên một, giải quyết mọi chuyện về xây cất TT để ai thắc mắc gì thì trả lời. Như vậy tôi xin vỗ tay hoan hô. Mình giải quyết sao cho minh bạch mọi chuyện rồi còn làm tiếp cho đến nơi đến chốn, chứ đâu có thể để dang dở như vậy hoài. Người ta nói an cư thì mới lạc nghiệp. Chuyện thiên hạ nói ra nói vô với ác ý thì vẫn biết mình chả cần nghe. Nhưng thiên hạ nhân, thiên hạ ý. Người này đã vậy, còn người kia. Việc chung, mỗi người mỗi tý phải đóng góp vô. Nhưng trong lòng đã nghi ngờ thì làm sao đóng góp một cách chân tình cho được. Vậy họp lại giải quyết một lần cho xong. Còn những vị nào xưa nay nghi ngờ, chạy ngược chạy xuôi hết "méc cảnh sát" rồi "méc báo chí" rồi "rỉ tai xì xầm to nhỏ" thì nếu qúy vị có thiện chí, xin hãy gọi điện thoại hỏi ngày giờ buổi họp đó bao giờ, ở đâu rồi đến đó mà thắc mắc, ba mặt một lời, chả việc gì mà phải đi mách tụi tây tụi tàu làm gì. Chuyện gì cũng vậy, giải quyết trong nhà trong cửa không xong thì mới mang chuyện đến cửa quan. Tôi chẳng phải dậy khôn ai, nhưng ông cha ta đã dậy, "trong nhà đóng cửa bảo nhau". Bảo nhau trong nhà mà không được thì mới nhờ đến họ hàng, bằng hữu giải quyết. Bạn bè họ hàng giải quyết không được thì hãy thưa gửi. Làm vậy nó mới có tình. Chứ còn chuyện gì cũng cứ thẳng băng thì không nên.

* * *
Bullshit might get you to the top, but it won't keep you there
John Nguyen - Footscray VIC

Sau khi đọc báo hai tuần qua, tôi vừa bực vừa tức cười trước việc làm của những vị có danh mà không có thực. Sống ở bên Úc này có tự do, dân chủ mà xem ra những vị đó vẫn không học hỏi được điều hay, lẽ phải của thiên hạ, vẫn cứ khư khư đem ba chuyện dốt nát hù dọa thiên hạ, chụp nón cối vô người này người nọ để được ghế cao ngất ngưởng ngồi. (...) Tha lỗi cho tôi phải nói vậy. Nhân đây xin chép câu chuyện của người tây (xin qúy báo giữ nguyên tiếng Anh thì mới thú) để qúy vị ngẫm nghĩ coi. Chuyện như thế này: A turkey was chatting with a bull. "I would love to be able to get to the top of that tree," sighed the turkey, "but I haven't got the energy". "Well, why don't you nibble on some of my droppings"" replied the bull. "They're packed with nutrients." The turkey pecked at a lump of dung and found that it actually gave him enough strength to reach the first branch of the tree. The next day, after eating some more dung, he reached the second branch. Finally after a fortnight, there he was proudly perched at the top of the tree. Soon he was promptly spotted by a farmer, who shot the turkey out of the tree. Đó chuyện là vậy. Ngụ ngôn mà. Vậy bài học của câu chuyện này là gì" Xin thưa: "Bullshit might get you to the top, but it won't keep you there." Ra đi như vậy là phải lắm!

* * *
Cần vạch mặt chỉ tên những tên làm báo trở cờ!
Kỹ sư Hùng - Canley Vale NSW

Gần đây tôi đọc một bài viết trên báo Viet Mercury ở Mỹ, tôi rất căm giận tác giả của nó. Đó là bài phóng sự nhiều kỳ về Việt Nam của một ông tên là Nguyễn Tường Phong. Cứ theo như lời giới thiệu của tòa soạn thì ông này là một nhà báo, nhưng tôi trước ở VN cũng cầm viết cả chục năm, nhưng chưa hề biết đến ông nhà báo nào có cái họ nổi danh Nguyễn Tường mà viết báo lại phản động như ông này. Nguyên văn phần lời tòa soạn của Việt Mercury như sau: "Vào đầu năm nay, nhà báo Nguyễn Tường Phong đã về thăm lại ba miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam. Đây là loạt phóng sự nhiều kỳ về chuyến đi cuủa ông viết riêng cho Việt Mercury. Nguyễn Tường Phong hiện cư ngụ tại Louisiana." Rồi sau đó, ông nhà báo phản động này viết dựng đứng những chuyện không có để tô vẽ cho CS. Tôi xin chép một số đoạn ông viết để qúy báo và qúy độc giả suy nghĩ: "Lúc này tôi mới nhớ là cách đây không lâu, một ký giả ngoại quốc khi thăm Việt Nam về đã hạ bút phán là ông ta có cảm tưởng ở Việt Nam, buổi sáng cả nước rủ nhau đi uống cà phê và buổi tối thì cả nước rủ nhau đi nhậu. (...) Việc cả nước đi uống cà phê, theo như tôi nhìn tận mắt, sờ tận tay là có thật và cả nước buổi tối đi nhậu còn... thật hơn. (...) Tôi ngồi yên lặng, lòng xúc động, vẫn những bài hát của một thời... Hai mươi sáu năm đã qua, những gì còn được trân trọng giữ gìn hẳn phải được nhiều người quí mến. Nghe nhạc đến khuya, chúng tôi kéo nhau qua vũ trường Maxim's. Chọn một bàn, chúng tôi gọi thức uống ngồi xem dân Sài Gòn ăn chơi. Chẳng khác gì, vẫn là những yếu tố của một Sài Gòn về đêm. Bia, rượu mạnh, đàn ông, đàn bà, tiền và gái nhẩy... Bóng tối, người đẹp trong tay, thở hít mùi da thịt, son phấn ngất ngây, nhạc dập dìu, thỉnh thoảng nếu có mở nhẹ mắt sẽ chẳng thấy gì ngoài những ánh kim tuyến lấp lánh trên mi mắt người đàn bà như những ánh sao... giữa bầu trời cao vút xa xăm..." Sau khi dựng đứng nhiều chuyện, ông nhà báo phản động này phán: "Sài Gòn ơi, tôi không biết thiên đàng như thế nào nhưng không hiểu có cần một thiên đàng nào hơn nữa"" Trên đây là những chuyện thật 100%. Qúy vị nào không tin cứ ghé vô coi cho rõ, rồi viết bài chửi thẳng vào mặt họ cho họ biết. Thiệt tôi cứ tưởng những người Việt tỵ nạn đến Mỹ là thành phần tinh hoa, cao qúy, có ăn học hơn người. Chứ cứ như lão Tường Phong này thì thật đúng là Phong đòn gánh, phong cùi, phong hủi... Đã viết "không có thiên đường nào hơn thiên đường Sàigòn" thì còn sang Mỹ sống làm gì, cha"!

* * *
Những thắc mắc của bốn thanh niên trẻ
Vinh, Hùng, Toàn, Tuấn - Barthurst NSW

Chúng em ở cùng một nơi, có vài điều thắc mắc và băn khoăn bấy lâu nay. Những điều này làm chúng em rất khó chịu và hầu như bế tắc trong việc giải quyết vì không biết hỏi ai. Nay em mong được anh chiếu cố và vui lòng nhín ít thì giờ quý báu của anh. Chúng em vốn là những người sinh sau đẻ muộn, nên mọi biến cố xảy ra trước năm 1975 nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tụi em. Nếu có được chỉ là tham khảo tài liệu mà thôi. Em có quen một người khoảng 55 tuổi. Anh ấy tự giới thiệu anh ta là sĩ quan của QLVNCH. Anh ấy đã nói những điều mà theo em nó làm tổn thương cũng như đụng chạm đến Người Việt Tự Do ở hải ngoại. Anh ấy nói: "Trường Sĩ Quan Thủ Đức có dạy các sinh viên Sĩ Quan về cách bắt gà trộm mà không kêu để mưu sinh, thoát hiểm". Điều này có đúng không" Đó là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai, nước Đại Hàn có nằm trong khu vực Đông Nam Á hay không" Nếu không, xin anh cho biết vị trí của nó ở đâu trong châu Á" - Sinh viên sĩ quan Thủ Đức năm 1970 là khóa mấy" Khi ra trường mang lon và chức vụ gì" - Sinh viên Đại Học Y Khoa SàiGòn vào năm 1970 có bị tổng động viên hay không" - Có chiếc tàu nào loại tàu tuần kinh rạch (còn gọi là BCF) của Hải quân VN đến Mã Lai vào năm 1975 lúc mất nước không anh"

Chúng em kính mong được anh trả lời để tụi em được rõ, chứ cứ như cái ông sĩ quan Thủ Đức đó nói với tụi em thế thì tụi em ức quá. Theo thiển kiến của em thì làm gì có cái vụ quân trường nào mà dạy sĩ quan đi bắt gà trộm để mưu sinh thoát hiểm. Ông ta nói ông ta là sĩ quan mà ông bảo ông chưa bao giờ nghe nói về khối ASEAN. Nhưng theo sự hiểu biết của em thì khối ASEAN có 9 quốc gia, nhưng không có Nam Hàn và Nhật vì theo em nghĩ Nam Hàn thuộc Trung Á nên không nằm trong khối ASEAN, mặc dù Nam Hàn là 1 trong những nước Á châu có nền kinh tế mạnh. Còn nữa, ông ta nói với tụi em là khi tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân các cấp buông súng đầu hàng là ông ta xuống tàu Hải Quân và chĩa súng ra lịnh cho tàu phải ra đi và chiếc tàu đến Mã Lai. Chuyện nghe thật là chói tai, nhưng tụi em đâu biết nói sao! Vì lúc mất nước tụi em còn quá nhỏ nên đâu hiểu gì. Sau này lớn lên tụi em có đọc báo chí và nghe đâu tàu Hải quân VN chỉ có đến Phi Luật Tân mà thôi, vì ở đó có căn cứ Hải Quân Mỹ rất lớn. Phải nói thật là tờ báo Sàigòn Times của anh đọc hết ý. Nhất là mục Diễn Đàn Độc Giả và bài viết của anh về vấn đề "Ủng hộ một liên danh trong cuộc bầu cử Cộng Đồng", cũng như ý kiến anh nêu ra về vụ ông Cần trong vấn đề Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng.

Thân gửi Vinh, Hùng, Toàn, Tuấn! Trước hết, anh chị em trong tòa soạn chân thành gửi lời chúc sức khỏe tới các bạn, và rất mong các bạn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong tình đồng bào, ruột thịt. Về những câu hỏi của các bạn, sẽ có người trả lời thật tường tận trong số báo tới. Vì số báo tuần này quá eo hẹp. Rất mong các bạn thông cảm với tòa soạn.

* * *
Một vòng Âu Châu (Tiếp theo số 237)
Lâm Hữu Xưa - Vic

Giữa lúc không khí thật im lặng khác lạ trong phòng chờ đợi, hình như mọi người đang suy nghĩ và theo đuổi những riêng tư thật xa xăm, về một người thương, thân nhân gia đình, hay sự an toàn cho chuyến bay sắp sửa khởi hành chăng" Rồi chúng tôi được cho biết chuyến bay sẽ tiếp tục và theo ý kiến của Hoa Kỳ, nên bay ra ngoài Ấn Độ tránh xa không phận Pakistan, một nước tức khắc bị nghi ngờ vì thái độ không thân thiện với Hoa Kỳ. Do đó máy bay phải lấy thêm nhiên liệu và đã cất cánh lúc hơn 12 giờ đêm, thay vì như dự trù của chuyến bay LH 703 là 11.05pm, thuộc hãng hàng không Lufhansa.

Theo chân đoàn người bước vô phi cơ, tôi cố gắng không nghĩ gì. Tìm thấy số ghế, cất hành lý xách tay vào gác kệ bên trên. Tôi sửa soạn chỗ ngồi cho dễ chịu, cài dây an toàn để chờ máy bay cất cánh rời Bangkok. Rời phi đạo, máy bay nâng dần độ cao, tôi có cảm tưởng như mình đang chới với trong không trung, với một định mệnh thật mong manh. Khi máy bay đạt đủ tầm cao, hành khách được gỡ dây an toàn và các tiếp viên hàng không, bắt đầu phát các khăn nóng, cho nước uống, rồi kế tiếp một phần ăn khá thịnh soạn. Bữa ăn ấy, tôi uống đến một vài ly rượu đỏ, mục đích cố tìm một giấc ngủ thật ngon, để khỏi bận tâm vì những suy nghĩ mông lung. Nhìn quanh tôi thấy ai cũng chìa ly ra nhiều lần, không hiểu tửu lượng của họ cao hay tại cũng cùng vướng bận một suy tính như tôi"!

Đêm ấy tôi có được một giấc ngủ bình yên, khá dài, rất xứng đáng, đến khi bất chợt thức giấc, tôi nhìn lên màn ảnh, thấy máy bay đang bay ở một độ cao hơn 30 ngàn feets, tương đương với hơn 10 ngàn thước. Tự nhiên trong đầu tôi lại nghĩ đến những tình huống tồi tệ có thể xảy ra, và với một cao độ này kể như thân xác mình đành về với cát bụi! Tôi nhìn quanh, xem có cái gì khác lạ chăng" Tôi quan sát khá kỹ từng người mà tôi có thể nhìn thấy trong tầm mắt. Phía bên trái, sau tôi một hàng ghế, có một thanh niên trẻ, nước da ngăm đen, cứ bấm đèn kêu tiếp viên xin rượu uống hoài làm tôi phát ớn. Tôi cứ canh chừng không dám ngủ lại, cũng may chỉ là chuyện thông thường của một hành khách khoái gỡ gạc!

Tình cờ bấm các băng tần tìm nghe nhạc, tôi được thưởng thức những tấu khúc rất êm dịu, vô cùng độc đáo của một nghệ sĩ độc tấu vĩ cầm danh tiếng tên là Midori. Cô nàng bây giờ đã luống tuổi, sinh quán tại Osaka và hiện sống ở New York. Cô ta hiện cầm đầu một tổ chức gây quỹ, nhằm khuyến khích các trường dạy âm nhạc cho các thiếu nhi, bắt đầu từ các lớp mẫu giáo và tiểu học tại Hoa Kỳ. Nhắc tới NY, tôi lại như nhìn thấy thật rõ ràng về hình ảnh và nơi chốn của WTC, mà cách đó mấy tiếng đồng hồ thôi đã biến mất. Nơi ấy vào những ngày trước X.Mas năm 1994, tôi được một bạn đồng môn mời tôi bay từ San Francisco sang qua NY và lưu lại đấy một đôi ngày, xuôi ngược khắp các địa danh nổi tiếng của Brooklyn và Manhattan. Tôi thấy những cây kiểng chung quanh WTC được giăng đèn màu rực rỡ để chào đón Giáng Sinh, như vẫn còn thắp sáng trong ký ức, bỗng nhiên lại về thật gần trong tôi. Những cây Anh Đào ấy chắc đã không còn đứng đó để cười với gió đông thật lạnh của một Nữu Ước dễ thương.

Từ Bangkok phải bay mất 10 tiếng rưỡi mới tới Fankfurt, một phi trường quốc tế lớn nhất của Đức Quốc. Xuống phi cơ lúc 6.15 sáng giờ địa phương, phải mất hơn một giờ mới xong thủ tục kiểm soát của nhân viên Di Trú và Quan Thuế. Tuy chỉ là hành khách chuyển tiếp thôi, mà cũng không tránh được sự kiểm soát nghiêm nhặt và hạch hỏi rất chi tiết.

Xong xuôi, tôi tới cổng ra phi cơ để đáp chuyến bay, cũng của hãng Lufthansa, cất cánh lúc 7.45 và tới phi trường Heathrow của Anh quốc vào lúc 9.30 sáng. Phi trường nằm ở ngoại ô Luân Đôn, cách chừng 30km. Khi xuống phi cơ tôi liên lạc theo chỉ dẫn, nên gặp được nhân viên đại diện cho hãng du lịch Trafalgar khá dễ dàng. Chờ một chút thì có xe bus nhỏ đến đón vào khách sạn Paragon. Đến trưa ngày 12/9 thì tôi đã có mặt ở Luân Đôn, nhận phòng và được báo thêm vài chi tiết để sáng mai nhập vào đoàn đi tours trong vòng 12 ngày, qua các nước như Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Áo, Đức và Hòa Lan. Tours này có tên là "European Experience".

Tắm rửa qua loa, tôi xuống phố tìm thức ăn; khá ngạc nhiên khi tình cờ nhìn thấy một bảng hiệu với hai chữ "Ha Long" nằm ở một góc đường cách khách sạn không bao xa. Dù là bảng hiệu không có dấu nhưng tôi đoán là của người Việt quả không sai, khi tôi bước vào...

Sau một vài câu Anh ngữ thông thường, tôi và anh người Việt giao dịch trong cửa tiệm đã nhanh chóng trao đổi những đàm thoại sơ giao. Khi anh biết tôi từ đâu đến, anh nói anh đã có dịp sang Úc một lần để thăm một người bạn ở Sydney. Cửa tiệm thật nhỏ nhưng gọn gàng, khách ra vào đều đặn. Tôi rất cảm kích tình đồng hương, khi mình đến ở một góc trời xa xăm mà vẫn còn trao đổi được bằng ngôn ngữ thâm sâu của riêng mình. Nhưng tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, vì người Việt mình phải lang bạt khắp nơi; đi tìm những giấc mơ được sống bình thường như bao nhiêu dân tộc khác; vốn bình yên, hạnh phúc trên quê hương của chính họ!

Bữa ăn hôm ấy tôi cố gắng nhưng rồi cũng đành bỏ mứa, vì trong người mệt mỏi tệ hại. Có lẽ do những giờ bay dài, xuyên qua nhiều múi giờ mà cơ thể mình chưa kịp thích ứng giữa ngày và đêm. Mặc dầu ao ước rất to lớn trong tôi, muốn được tận mắt nhìn thấy sông Thames, nào là Big Ben, cung điện của Nữ Hoàng, mộ bia của Karl Marx; và nhất là công viên Hyde Park ở đâu" Để trả lời cho một câu hỏi khi tôi vào vấn đáp Anh ngữ, Tú Tài 2 năm nọ, tại Hội Đồng Cần Thơ, tôi chỉ cần đừng bị zero là an toàn, vì tôi có thừa điểm viết. Thế mà tôi vẫn không lọt qua kỳ 1, vì không nhìn kỹ bản đồ đính kèm một bài học trong quyển L'Anglais par la conversation("!), lại cộng thêm chiếc áo sơ mi chim cò, làm tôi bị gẫy câu đầu và mất cơ hội để có hai câu tiếp. Chiếc áo mà tôi đã khẩn cấp mượn của một người bạn, thay cho cái áo trắng lấm bụi đường của tôi, để kịp giờ vào hạch miệng! Xin cho tôi được gọi về một kỷ niệm trên, trong những năm, tháng êm đềm, để tưởng nhớ người bạn ấy. Anh ta đi ngay vào Võ Bị, nhiều năm sau tôi gặp được một lần, và anh mãi mãi nằm xuống ở chiến trường Phú Quốc.

Sau khi ăn xong, tôi quyết định quay trở lại phòng ngủ, chỉ định ngả lưng một chút thôi. Không ngờ đến khi giật mình tỉnh giấc, thì trời đã tối, đã quá trễ cho tôi lang thang ở ngoài phố xá xa lạ! Mặc dầu không như New York về đêm, nhưng thôi đành không dám.

Sáng sớm, hôm sau 13/9, trên đường ra khỏi thành phố Luân Đôn, tôi mới biết mình đã thật sự đánh mất cơ hội rất hiếm có để biết và nhớ Luân Đôn. Tôi buồn như mình đã mất một tặng vật quí giá nhất trong tuổi thơ. Tôi đã đến tận nơi mà vẫn không nhìn thấy được những vang danh của thành phố sương mù muôn thuở! Tôi rời Anh với một tâm trạng luyến tiếc, ngẩn ngơ, biết đến bao giờ mới có cơ may trở lại!

Sau khi ghé lại trụ sở chính của Trafalgar để đón thêm vài người đồng hành và lấy tiền đổi cho từng du khách để tiêu vặt dọc đường. Mỗi người sẽ đổi tối thiểu là 200 Mỹ kim (hoặc 200 Úc kim) để lấy một số tiền tương đương bằng nhiều ngoại tệ của các nước mà mình sẽ đi qua. Tất cả số tiền từ 200 Mỹ kim; gồm có 500 Shillings Áo, 40 Francs Thụy Sĩ, 60 Marks Đức, 200 Francs Pháp, 70,000 Lire Ý, 75 Guilders Hòa Lan. Số tiền lẻ này để xài trong lúc xe dừng lại ở các trạm nghỉ ngơi ngắn hạn. Du khách cần mua báo chí, cà phê, bánh kẹo... hay xử dụng WC; vì hầu hết ở các nước Âu Châu các tiện nghi công cộng đều phải trả tiền. Ngoài ra, thường thì các mua sắm lớn, trả bằng thẻ tín dụng là tiện lợi hơn cả.

Từ Luân Đôn, đi về hướng Đông Nam, vượt qua một đoạn đường chừng 130km thì đến Dove, bến phà qua biển Manche để sang Pháp. Chung quanh bến phà là những thành vách đá cao vài mươi thước, bên trên có lâu đài rất cổ xưa. Khung cảnh rất hoang dã, nơi đây là cảnh chính trong phim Brave Heart, đã đưa Mel Gibson đến giải Oscar trước đây.

Xuống phà là chúng tôi giã từ người tài xế lái xe bên trái. Sang bên kia là Pháp, chúng tôi sẽ có xe bus khác và tài xế lái xe bên phải, để cùng chúng tôi đi suốt 12 ngày còn lại. Eo biển Anh-Pháp, rộng chừng 30km và mất độ 1giờ bằng phà, rộng lớn và tiện nghi, có cả nhân viên Di Trú làm việc trên phà, trước khi xuống phà phải trình thông hành, vì đi theo nhóm nên thủ tục chỉ sơ sài cho xong chuyện. Bên kia là Calais, địa danh đầu tiên mà chúng tôi bước chân vô nước Pháp. Chúng tôi bắt đầu làm quen với anh tài xế mới, anh ta tên Mark, người Áo, lái xe chuyên nghiệp cho hãng du lịch. Tôi lại chưa đề cập đến người hướng dẫn chúng tôi, bà ta tên là Janet, phải nói là một tours guider điêu luyện, 20 năm trong nghề. Chữ viết của bà khá ngoằn ngoèo, nhưng trình độ phổ thông rất là uyên bác. Bà thuộc từng địa danh với nhiều chi tiết rất ngoạn mục. Những dữ kiện của bà toàn là thế kỷ và thế kỷ... hàng ngàn năm, mấy trăm năm trước và sau BC. Rất tiếc vừa nhìn, vừa nghe không thể nào thu thập để nhớ hơn 10 % theo đầu óc kém cỏi của tôi. Phải chi tôi có cái máy ghi âm nho nhỏ bỏ túi, thì ngoài chuyện học hỏi 12 ngày Anh ngữ, tôi đã có thêm một kiến thức sâu rộng hơn về Âu châu mà trước đây tôi không có mấy.

Cách Calais không xa, đi dọc bờ biển về hướng Bắc là bãi biển Dunkerque, là nơi quân đội đồng minh đổ bộ lên Pháp hồi thế chiến thứ 2, để giải phóng Pháp và từng phần tiêu diệt quân Đức và kết thúc trận chiến ác liệt của nhân loại vào năm 1945. Trên xa lộ 43, cũng vẫn hướng đông nam, chúng tôi được cho biết rất nhiều địa danh, làng mạc; nơi đã xảy ra nhiều trận địa nổi tiếng trong lịch sử đệ nhị thế chiến. Vì là đoạn đầu trong giai đoạn phản công, nên hai bên đã tập trung những lực lượng lớn lao để giành phần thắng. Những trận đẫm máu nhất đều xảy ra quanh đây, trước khi quân đồng minh đưa được tướng De Gaulle vào thủ đô Paris. Trong số những vết tích đã nhạt nhòa với những cánh đồng xanh tươi bây giờ; chúng tôi còn nhìn thấy một tượng đài kỷ niệm, nơi mà một đơn vị Gia Nã Đại tổn thất nặng nề nhất, vì đơn vị phải băng qua một cánh đồng trống, dưới hỏa lực khủng khiếp của Đức Quốc Xã.

Lúc 2.30 chiều chúng tôi xa Calais hơn 100km tới Arras chuyển sang xa lộ 37 và chuyển vào xa lộ 17 tại Péronne; từ đó đi thẳng xuống Paris. Từ Calais đến Paris gần 300km. Gần vào nội thành Paris, xe phải di chuyển khá chậm vì phải chen lấn vào một lưu lượng xe cộ nhộn nhịp nhất, nhì thế giới. Chúng tôi tới chỗ dừng chân ở Paris lúc hơn 6 giờ chiều, tại khách sạn Kyriad, phố La Vilette, thuộc quận 19 thì phải" Nằm hướng Bắc, cách Paris chừng 20 phút xe bus. Nhận phòng nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân. Nghỉ ngơi một chút xíu, xuống tập họp ở tiền đình khách sạn để chờ xe bus trở lại đón đi ăn tại một nhà hàng có ca nhạc giúp vui, với những bản nhạc dân ca nổi tiếng và phổ thông của Pháp. Thức ăn thì đúng truyền thống địa phương, rượu ngon của Pháp và đặc biệt nhất là món Sea Snail, quốc vị khoái khẩu của dân Pháp. Chúng tôi có được một bữa ăn tối thật vui, với không khí ồn ào khác với sự trầm lặng trong các nhà hàng của Anh. Cá nhân tôi như được sống lại những buổi chiều, mỗi nhà hàng chỉ ăn một món đắc ý, rồi đi chỗ khác... của Sàigòn, Chợ Lớn năm xưa. Rời nhà hàng, chúng tôi được đưa qua các đường phố chính của Paris, chầm chậm dọc theo đại lộ Champ Élyseé, để cảm nhận được ý nghĩa của danh tặng, Paris là kinh đô ánh sáng!

Buổi chiều trước khi tới nhà hàng, chúng tôi được hướng dẫn đến khu Moulin Rouge, một khu Chị Em Ta, trước kia được kể là nhộn nhịp và vĩ đại nhất thế giới. Nhưng bây giờ đã xuống cấp từ dưới thời tổng thống Francois Mitterant ("!) chỉ còn là hàng thứ 2, sau khu vực đèn đỏ ở Amsterdam của Hòa Lan ngày nay.

(còn tiếp)

Lâm Hữu Xưa - Vic.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.