Hôm nay,  

Vì Sao Chống Imf ?

17/04/200000:00:00(Xem: 5328)
Đó là một câu hỏi khó. Bạn hãy thử hỏi tất cả những người từng biểu tình ở Seattle năm ngoái, và tại Washington DC trong tuần này. Họ biểu tình để chống một hội nghị các Bộ Trưởng Tài Chánh toàn cầu do hai cơ quan quốc tế - Ngân Hàng Thế Giới WB và Quỹ Tiền Tệ IMF - tổ chức. Không nói chuyện rộng lớn, cứ thử tách riêng ra một cơ quan thôi, thí dụ như IMF, cơ quan từng “gây nợ máu” toàn cầu, từng bị biểu tình liên tục ở Indonesia, Nam Hàn và Thái Lan các năm qua. Vì sao họ chống IMF" Không bao nhiêu người trả lời được, bởi vì ngay cả khi xóa bỏ cơ quan này, thì cũng phải dựng một cơ quan tương tự như vậy, và chính sách có thể phải khác, nhưng có một mục tiêu vẫn không đổi: thúc đẩy các chính phủ cải tổ và áp dụng các chính sách để ổn định hệ thống tài chánh của họ. Nghĩa là phải gây đau đớn cho các nước nào mà IMF nhúng tay vào. Đơn giản, nhưng không cải tổ thì là sớm tiêu tùng.

Cuộc biểu tình tại Wahington DC có nhiều niềm vui hơn là nỗi đau đớn. Hàng chục ngàn người, hầu hết là Hoa Kỳ, đời sống ổn định, đa số là sinh viên, đổ xô xuống đường chống hội nghị WB&IMF. Biểu tình bị giải tán, bị gậy cảnh sát đánh đập, bị ăn lựu đạn cay. Bị bắt 700 người, trong đó nhiều người bị thương. Nhưng vẫn không thấy chút gì của đau thương.

Nó không hề giống chút nào với những cuộc biểu tình của hàng ngàn công nhân Nam Hàn khi biết tin công ty mình sập tiệm, hay cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân Thái vừa sau khi cuộc khủng hoảng Á Châu bùng nổ và tiền tệ nước này chỉ còn một phần ba trị giá, và cũng không giống gì với việc Indonesia níu áo xin IMF cứu nguy và rồi những cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của Tổng Thống Suharto và rồi những cuộc bạo động tôn giáo. Nước mắt nơi Á Châu là nước mắt thật, là xương, là máu.

Nước mắt tại Hoa Kỳ là nước mắt giả, là phản ứng hóa học giữa mắt người biểu tình với hóa chất xịt từ bàn tay cảnh sát. Vậy mà tại Á Châu, không có IMF nhảy vào cứu nguy thì hỏng. Ít nhất thì áp lực buộc Nam Hàn, Thái Lan, Indonesia cải tổ phần lớn là từ IMF, và từ hàng chục tỉ đô la đổ vào từ IMF. Đến nỗi có lúc báo nguy cạn quỹ.

Hãy thử nhìn về cuộc biểu tình ở Washington DC. Bản tin Bloomberg hôm Chủ Nhật ghi rằng, Dan Five, Jaykub Young và Trim Bissell cùng chia xẻ mục đích với hàng ngàn người biểu tình ở Wsahington hôm Chủ Nhật và ngăn chận cuộc hội nghị tổ chức bởi WB và IMF. Nhưng điểm chung chỉ tới đó thôi.

Five, một sinh viên 23 tuổi tốt nghiệp Đại Học Indiana, nói là “toàn cầu hóa kinh tế không phải là giải pháp.”
Young, một thanh niên da đỏ 20 tuổi tốt nghiệp trung học, người hát bài ca da đỏ cổ cả ngàn năm, nói rằng anh chống vì IMF và WB thúc đẩy người ta “hưởng lợi mà không tôn trọng tất cả các sinh vật.”
Và Bissel, 57 tuổi, một cựu phản chiến thời Cuộc Chiến VN và bây giờ hoạt động cho công đoàn, tố cáo IMF và WB chỉ thúc đẩy thêm các xưởng mồ hôi bằng cách buộc các nước cắt giảm lương và gác bỏ các công đoàn.

Nghĩa là nhiều dòng suối, nhưng cùng đổ về một sông.
Chưa hết. Vẫn còn có những người biểu tình liên tục cả tuần mà không biết tại sao họ biểu tình. Như một nữ sinh viên khoa sử 30 tuổi giấu tên, nói rằng cô chỉ mới biết (nhờ truyền đơn) vài giờ trước đó về mục tiêu đấu tranh của cô - nghĩa là chống lại thực phẩm đổi gien.

Nhưng cũng có những người rất là chín chắn. Thí dụ như Rebecca Habansky, làm việc tại một hội bất vụ lợi cung cấp gia cư giá rẻ, thuộc nhóm 40 người ngồi xe van lái từ New York về dự. Habansky lý luận trầm trọng hơn, y kiểu các kinh tế gia trên Wall Street Journal, rằng “Các tổ chức quốc tế khổng lồ này có quá nhiều ảnh hưởng và có quá ít tính khả tín để nương cậy.”
Và cũng có những người mang nặng mối thù. Thí dụ như Walden Bello, giám đốc Focus on the Global South, một tổ chức môi sinh ở Thái Lan, nói là “Lý do hợp lý nhất tại sao tất cả chúng tôi biểu tình là để dẹp luôn các cơ quan này. Họ gây quá nhiều thiệt hại, và thế đủ rồi.”

Vậy thôi. Nước Mỹ vui tưng bừng. Đấu tranh cho dân nghèo thế giới. Đấu tranh bảo vệ thú vật. Đòi quyền công đoàn. Đòi giữ môi sinh. Nhưng rồi không thấy ai lên tiếng ghi công cho WB, IMF. Kể cả nhà nước Hà Nội, nơi nhận quá nhiều tiền viện trợ từ 2 cơ quan này trong thập niên qua. Tại sao đại sứ Lê Bằng không tổ chức biểu tình ghi ơn IMF và WB" Tiền đó đâu có phải tiền chùa đâu, có nhận cũng phải biểu tình ghi công chứ.

Vấn đề nơi đây, chúng ta không tranh luận về tính đúng hay sai của các cuộc biểu tình. Mà chỉ mời gọi độc giả cùng cảm nhận hạnh phúc khi đọc các bản tin biểu tình. Đó mới thật là dân chủ. Ở nước mình đã có quá nhiều hiện diện của IMF và WB. Nhưng lại quá ít những cuộc biểu tình tưng bừng như vậy. Không hạnh phúc sao, khi nhìn thấy ý dân được tự do giãi bày trên phố - điều không thấy được ở Việt Nam mình. Vui tới chảy nước mắt vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.