Hôm nay,  

Chung Cư Âu Châu

13/06/200000:00:00(Xem: 5840)
Thống nhất Âu châu là ước mơ của các nhà lãnh đạo Tây phương, kể cả Mỹ và Tây Âu, từ khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt. Từ thời đó người ta vẫn dùng một ngôn từ hoa mỹ đầy tính ngoại giao là tạo ra một mái nhà chung cho Âu châu, nhưng cho đến thời hậu chiến tranh lạnh, giấc mộng vẫn không thành. Tại sao khó như vậy người ta vẫn cố làm cho bằng được"

Sau khi Liên Sô sụp đổ, một mảng lớn của khối Cộng sản quốc tế đã bể ở trời Âu với những nước Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê, ba nước Ban-tích cạnh Liên Sô tách rời, dĩ chí Belarus và Ukraine nằm trong ruột Liên Sô cũng đã trở thành hai nước độc lập, nước Nga trở thành Liên bang Cộng hòa Nga với một chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng bầu cử tự do. Đây là thời điểm tốt nhất để thu Âu châu về một mối, nhưng mộng vẫn không thành bởi vì cái nôi của Liên Sô thời xưa là nước Nga đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác trong khi lại phải vật lộn với những tàn tích của một chế độ kinh tế do chủ nghĩa Cộng sản để lại sau 70 năm thống trị. Liên bang Nga rất lớn, nửa nằm ở Âu, nửa nằm ở Á, có niềm tự ái dân tộc rất cao. Nga chống lại việc gia nhập khối NATO và cũng không muốn những nước Đông Âu hay những nước cũ của Liên Sô giáp Tây phương vào khối này. Tinh thần quốc gia cực đoan Nga, được đảng Cộng sản thúc đẩy, cho rằng nhập NATO có nghĩa là đầu hàng quân sự trước Tây phương. Nước Nga cũng không muốn gia nhập “Mái nhà Âu châu” vì nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là không thích hình ảnh một người khổng lồ gia nhập Âu châu chỉ để làm thứ em út dưới mái nhà này.

Những tư tưởng trên đã lỗi thời vào đầu thế kỷ 21. Và cả hình ảnh “Mái nhà Âu châu” mà người ta hình dung năm xưa cũng đã lạc hậu với thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Thế giới ngày nay đã hết hình ảnh lưỡng cực suýt làm địa cầu biến thành bãi đất hoang, nhưng cũng không thể nào có hình ảnh độc cực để một nước dù là siêu cường duy nhất còn lại làm bá chủ thiên hạ. Thế giới ngày nay là thế giới đa cực và bình đẳng. Căn nhà Âu châu cũng vậy, nó không thể là căn nhà dưới sự chỉ đạo của một ông gia chủ. Nó là căn nhà có nhiều gia đình, nhiều chủ, mỗi gia đình có một hộ riêng. Bởi vậy tôi muốn đổi từ ngữ “Mái nhà Âu châu” thành “Chung cư Âu châu” cho hợp thời hơn. Thế nhưng nhiều chủ hay đa cực cũng có những vấn đề rất phức tạp của nó. Bằng cớ là những cuộc chiến ở Bosnia, ở Kosovo, và biết bao vấn đề tranh chấp về tư tưởng hay quan niệm chính trị, về quyền lợi kinh tế và thương mại. Những bất đồng này, cũng như những tranh chấp muôn thuở của con người sống trong cùng một tập thể xã hội, chỉ có thể giải quyết bằng những lệ luật chung được tất cả đồng thuận trong tinh thần dân chủ. Cuộc sống trong một chung cư cũng vậy, nó không thể thành hình nếu các hộ không tuân theo quy luật chung để sinh hoạt thường ngày. Sự việc đó chỉ là chuyện thường, ai cũng biết nói ra. Nhưng cũng phải có một người làm cái gì đó để thúc đẩy cho bằng được sự hình thành điều kiện không thể thiếu của một thế giới cần sống trong ổn định để phát triển.

Chúng tôi muốn nói đến chuyến đi của Tổng Thống Clinton mới đây tại Âu châu. Đã có không thiếu gì những lời bàn xuôi tán ngược về chuyến đi này. Có người nói chuyến đi không thu được gì. Hiện ở Mỹ đang có mùa tranh cử, tất nhiên cũng có những lời mỉa mai, nói Clinton vào lúc nhiệm kỳ sắp hết muốn vớt vát lại một cái gì trong lãnh vực đối ngoại để làm “di sản” truyền lại cho hậu thế. Clinton không ra tranh cử nữa nhưng ông đi Âu châu để tạo tư thế cho con gà của ông là Al Gore kiếm thêm phiếu để lên kế vị ông, mong sách lược chủ trương của ông có người kế tục. Tất cả đều có thể đúng, nhưng tôi nghĩ “cố gắng làm một cái gì đó” cũng còn hơn là chửi bới lẫn nhau trong nội bộ để tranh lấy cái “credit” (tín dụng), mong kiếm được chút tiền còm nhá nhem như “tiền mềm” chẳng hạn. Bước chân đầu tiên của Clinton đã đặt xuống Bồ Đào Nha và cũng không phải ngẫu nhiên ông đứng ở hải cảng Lisbon để nói lên mục đích chuyến Âu du này.
Lisbon là nơi Christopher Columbus đã đi qua trước khi vượt Đại Tây Dương hơn 5 thế kỷ trước đây để tìm ra một Thế giới mới gọi là châu Mỹ. Ngày nay người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa, nhưng mấy ai nhận thấy một sự thật. Nếu không có Columbus mở đường việc nối kết các lục địa thì làm sao có tiến trình toàn cầu hóa" Vẫn biết mỗi thời một thế. Năm xưa sự nối kết các lục địa là để chiếm đất mở rộng các đế quốc thuộc địa, gây chém giết và tranh dành đưa đến những cuộc chiến khốc liệt và quy mô, kể cả hai cuộc thế chiến. Ngày nay toàn cầu hóa không phải để áp bức và làm chủ độc quyền, mà xây dựng “chung cư” hợp với bước tiến của tư duy nhân loại. Nhưng tiến trình toàn cầu hóa còn gay go nguy hiểm hơn chuyến đi của Columbus năm xưa. Clinton nói đến một chuyến ra khơi và ông hy vọng Bồ Đào Nha có hải cảng Lisbon sẽ giúp ông trong một chuyến “thám hiểm mới”, bởi vì sau đó ông sẽ đi Nga. Khi ghé qua nước Đức ông nhận giải thưởng Charlemagne mà thành phố biên giới Aachen hàng năm vẫn tặng những người xét ra có công “phục vụ cho sự thống nhất và cộng đồng Âu châu, cho nhân loại và hòa bình thế giới”. Hoa mỹ và khoa trương phù phiếm chăng" Ai cũng làm được chuyện đó, nhưng tìm ra những sáng kiến và tư tưởng lớn ít người làm được.

Tôi thích những người vượt biển, không phải vì tài hàng hải mà vì óc mạo hiểm dũng cảm của họ, dám chấp nhận thử thách để tìm những phương trời mới. Tôi nghĩ những thuyền nhân Việt Nam có thể gọi Kha Luân Bố là Thánh tổ của họ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.