Hôm nay,  

Mậu Dịch Thế Giới Sẽ Về Đâu Trong Thế Kỷ Xxi? tại Sao Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới Tại Seattle Thất Bại?

28/12/199900:00:00(Xem: 6162)
Mục Tiêu Của Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới Tại Seattle
Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization viết tắt là WTO) gồm 135 nước hội viên đã họp tại Seattle từ ngày 30.11.1999 đến ngày 3.12.1999. Chương trình của Hội Nghị gồm có phần I là thảo luận những vấn đề thuộc vòng thương thuyết Uruguay (1986-94) nhưng chưa hoàn toàn giải quyết xong: thuế nhập cảng đánh trên các sản phẩm kỹ nghệ, canh nông, dịch vụ, hàng vải và quần áo. Phần II là thảo luận về việc mở vòng thương thuyết mới mà có người gọi là “Vòng Thiên Niên Kỷ Mới.” hoặc “Vòng Thương Thuyết Clinton”. Chính quyền Clinton muốn khởi công xây dựng một nền tảng kinh tế thế giới cho thế kỷ 21 trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Clinton mãn hạn. Vòng Uruguay chấm dứt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Clinton và chính quyền Clinton đã đẩy mạnh việc thành lập WTO vào năm 1995 để thay thế Tổng Thỏa Hiệp Về Quan Thuế và Mậu Dịch (General Agreement on Tariffs and Trade viết tắt là GATT). Ngoại trừ một vài chi tiết nhỏ đạt được thỏa hiệp của các phe liên hệ, Hội Nghị Seatlle không đạt được cả hai phần I và II kể trên.
Những cuộc biểu tình rầm rộ đã làm đình trệ chương trình khai mạc của Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới cấp Bộ Trưởng tại Seattle. Đây là lần thứ ba đã có một buổi họp như vậy kể từ ngày WTO được thành lập. Tuy nhiên những cuộc biểu tình đó không trực tiếp làm cho Hội Nghị Seattle thất bại như một số những người tổ chức biểu tình đã tuyên bố. Chính nhờ những cuộc biểu tình mà quần chúng đã biết nhiều hơn về WTO. Chính sách của chính phủ Clinton về mậu dịch thế giới đã được bà Charlene Barshefsky, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa-Kỳ (US Trade Representative) mô tả khá đầy đủ trong bài diễn văn của bà đọc trong cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Hoa-Kỳ vào ngày 23.11.1999. Cho tới nay chúng ta không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ là những cuộc biểu tình tại Seattle làm thay đổi chính sách ngoại thương của Hoa-Kỳ. Trái lại, qua những biến chuyển sau Hội Nghị Seattle, chính quyền Clinton đã bãi bỏ lập trường đòi WTO thành lập những nhóm chuyên viên nghiên cứu đặc biệt về các tiêu chuẩn lao động và môi sinh vì những chống đối mãnh liệt của những nước đang mở mang.
Tại Sao Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới Tại Seattle Thất Bại"
Một tuần lễ sau khi Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới ở Seattle chấm dứt, tờ báo Washington Post làm một cuộc phỏng vấn khá rộng rãi những viên chức Mỹ và ngoại quốc trong các phái đoàn của các quốc gia hội viên về lý do làm cho Hội Nghị thất bại. Những người được phỏng vấn đưa ra hai giải thích được tóm tắt như sau: (1) thiếu chuẩn bị; (2) mâu thuẫn chính trị không giải quyết được. Thật vậy Hội Nghị Seattle đã không được tổ chức chu đáo. Ông tân Tổng Giám Đốc của WTO Michael Moore của Tân Tây Lan chỉ nhậm chức vọn vẹn được trên hai tháng trước khi hội nghị khai mạc và những người phụ tá của ông Tổng Giám Đốc mãi đến cuối mùa Thu mới đến trình diện làm việc. Việc bổ nhiệm ông Michael Moore có nhiều rắc rối, kéo dài nhiều tháng mới giải quyết xong làm tê liệt WTO một thời gian. Ngoài ra, bà Charlene Barshefsky, Đại Diện Mậu Dịch của Hoa-Kỳ, trong suốt từ đầu năm 1999 đến hai tuần lễ trước ngày khai mạc Hội Nghị Seattle đã quá bận tâm với cuộc thương thuyết về mậu dịch không kém phần quan trọng giữa Hoa-Kỳ và Trung Quốc.
Để chuẩn bị cho Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới cấp bộ trưởng ở Seattle, một hội nghị thâu hẹp đã được tổ chức tại Geneva. Tuy nhiên, hội nghị thâu hẹp này cũng không đạt được một thỏa hiệp nào cả. Đây là một dấu hiệu báo trước những khó khăn cho hội nghị tiếp theo tại Seattle. Tại đây các phái đoàn phải thảo luận đến quá nhiều vấn đề và đã không có đủ thì giờ để giải quyết. Phần sau đây đặc biệt bàn thêm về những mâu thuẫn về quyền lợi của các nước hội viên trong WTO và nhiều vấn đề ngày càng phức tạp mà tổ chức này phải giải quyết.
Các Quốc Gia Hội Viên Có Quá Nhiều Mâu Thuẫn Sâu Sắc Về Quyền Lợi
Một trong những lý do khiến Hội Nghị Seattle thất bại là tại các quốc gia hội viên có quá nhiều mâu thuẫn quyền lợi về nhiều lãnh vực khác nhau. Lãnh vực thứ nhất là canh nông. Đây là một vấn đề gai góc. Hoa-Kỳ, Úc Châu, Gia Nã Đại, Argentina, Brazil và các quốc gia xuất cảng nông phẩm muốn các nước Âu Châu và Nhật Bản giảm bớt bao cấp (subsidies) đối với nông phẩm xuất cảng và sau cùng loại bỏ hẳn chế độ này. Các nước nghèo cũng đòi hỏi Âu Châu và Nhật mở rộng thị trường nông phẩm. Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản đồng ý sẽ giảm bao cấp nhưng không đồng ý loại bỏ hẳn. Trái lại hai khối đại cường kinh tế này đã thành công trong việc yêu cầu WTO chấp thuận chính sách bao cấp nông phẩm đề bảo vệ môi sinh và các nông trại ở thôn quê. Nếu nông dân không bán được nông phẩm với giá cao để có đủ lợi tức để sống thì họ sẽ bán ruộng đất đi và rời thôn quê lên thành thị sống. Dân số ở thành thị sẽ tăng lên. Ruộng đất bỏ hoang sẽ được khai thác cho mục tiêu kỹ nghệ hoặc nhà cửa sẽ mọc lên. Điều này sẽ ảnh hưởng môi sinh ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Cũng trong lãnh vực canh nông, Hoa-Kỳ muốn WTO thành lập một nhóm chuyên viên để nghiên cứu luật lệ về nông phẩm biến chế bằng kỹ thuật thay đổi “gene”. Kỹ thuật này tiếng Anh gọi là agricultural biotechnology. Danh từ này được tạm dịch sang tiếng Việt là kỹ thuật sinh học áp dụng vào nông học và gọi tắt là kỹ thuật nông sinh học. Hoa Kỳ tin rằng kỹ thuật mới này có triển vọng đem lại nhiều ích lợi cho nông nghiệp như tăng gia năng suất, giảm nhu cầu về hai yếu tố sản xuất căn bản trong canh nông là đất đai và nước, giảm mức tiêu thụ thuốc sát trùng, thuốc trừ bệnh và phân hóa học, sản xuất nông phẩm lành mạnh hơn bằng cách làm bớt lượng mỡ, tăng lượng sinh tố, loại bỏ những chất sinh ra bệnh dị ứng (allergies). Hoa-Kỳ muốn WTO sau này sẽ ấn định luật lệ cho phép xuất nhập cảng những loại nông phẩm biến chế này.
Liên Hiệp Âu Châu đã chống lại đề nghị này vì cho rằng chưa chứng minh được những thực phẩm biến chế bằng kỹ thuật nông sinh học có an toàn cho người hay không. Trong lãnh vực thực phẩm còn một vấn đề quan trọng là sự an toàn cho sức khoẻ. Trường hợp được nhiều người biết đến nhất là việc Liên Hiệp Âu Châu cấm nhập cảng thịt bò có chất kích thích tố của Hoa-Kỳ và Gia-Nã-Đại. Hai nước xuất cảng mang vấn đề ra kiện trước WTO. Qua hai lần xử, bồi thẩm đoàn gồm những luật sư chuyên về mậu dịch quốc tế đã phán quyết cho Hoa-Kỳ và Gia-Nã-Đại thắng vì Liên Hiệp Âu Châu không có đủ bằng chứng khoa học để tuyên bố là loại thịt bò này không an toàn. Có một số người chỉ trích là WTO đã can thiệp vào tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn của Liên Hiệp Âu Châu. WTO giải thích là Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới không phải là một cơ quan làm luật mà chỉ có tránh nhiệm ngăn ngừa không cho một quốc gia hội viên nào lạm dụng những tiêu chuẩn này để kỳ thị hàng hóa nhập cảng.
Lãnh vực thứ hai là dịch vụ. Nhiều nước cấm các công ty dich vụ ngoại quốc hoạt động trong nước như ngân hàng, cơ sở dịch vụ tài chánh, trường học, hãng bảo hiểm, cơ quan cố vấn về quản trị, công ty viễn thông, hãng chuyên chở. Trái lại, Hoa-Kỳ, Âu Châu và Nhật muốn mở rộng ngành dịch vụ, một ngành ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với kinh tế của Hoa-Kỳ và cả thế giới, lấn át các ngành khác. Như tại Hoa-Kỳ, kỹ nghệ dịch vụ chiếm 70 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, và trị giá $3.5 trillion. Đối với Việt-Nam, ngành dịch vụ chiếm khoảng 42.6 % của tổng sản lượng quốc gia so với canh nông (26.7 %) và công nghiệp (31.2 %). Tuy nhiên việc khai phóng thị trường cho kỹ nghệ dịch vụ chỉ mới bắt đầu. Những nước nghèo có khuynh hướng không muốn mở khu vực kinh tế dịch vụ cho bên ngoài vào đầu tư. Kỹ nghệ dịch vụ nói chung đòi hỏi vốn nhiều, khả năng quản trị và chuyên môn cao. Những nước nghèo thường yếu về những ngành dịch vụ, cho nên không muốn cạnh tranh với các nước kỹ nghệ về lãnh vực này.
Nhật Bản và nhiều quốc gia mới đang kỹ nghệ hóa như Đài Loan, Tân Gia Ba, Đại Hàn muốn duyệt lại kỹ lưỡng luật lệ cấm bán dưới giá vốn (dumping) của WTO. Những nước này cho rằng Hoa-Kỳ và Cộng Đồng Âu Châu đã dựa vào các luật lệ về bán dưới giá của GATT/WTO để ngăn cấm nhiều hàng hóa bán với giá chính đáng xâm nhập vào thị trường nội địa. Hoa-Kỳ không đồng ý thảo luận lại vấn đề bán dưới giá thành, nhưng có thể bàn thêm để làm sáng tỏ luật lệ của vòng Uruguay về vấn đề này.
Âu Châu và Hoa-Kỳ lại cũng không đồng ý với nhau về luật lệ đầu tư và cạnh tranh. Âu Châu muốn có những cuộc thảo luận để có thể thiết lập một số luật lệ chung cho các nước về hai vấn đề này. Hoa-Kỳ không chấp thuận ý kiến của Âu Châu. Nhiều tổ chức tư nhân cho rằng luật đầu tư và cạnh tranh sẽ xâm phạm vào chủ quyền quốc gia. Theo đó, những luật lệ hiện hành của những nước hội viên sẽ bị những luật của WTO áp chế. Thí dụ luật giúp những công ty của các sắc dân thiểu số có thể bị ảnh hưởng. Vào tháng 9 vừa qua, Thống Đốc của Tiểu Bang California Gray Davis đã phủ quyết một dự luật đòi hỏi chính quyền tiểu bang và địa phương dành ưu tiên mua hàng chế tạo tại Mỹ. Lý do là TWO cấm không cho phép các chính phủ liên bang, tiểu bang hoặc tỉnh ưu đãi những kỹ nghệ địa phương trong việc thu mua hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ.
Trong lãnh vực kỹ thuật tin học (information technology), Hoa Kỳ muốn tiếp tục đình chỉ việc đánh thuế vào những truyền đạt điện tử (electronic transmission) từ nước này qua nước khác và giảm quan thuế đánh vào các sản phẩm “high tech”. Việc đình chỉ đánh thuế đã được chấp thuận. Nhưng về việc hạ thấp thêm giá biểu quan thuế còn nhiều ý kiến bất đồng.
Hoa Kỳ muốn WTO thiết lập một nhóm chuyên viên để nghiên cứu và đi tới việc đặt ra một số những tiêu chuẩn lao động áp dụng vào mậu dịch. Hoa-Kỳ ủng hộ việc cấm dùng sức lao động của trẻ em, quyền tự do lập nghiệp đoàn, ấn định các quyền lợi khác của giới lao động. Các quốc gia đang mở mang chống lại đề nghị này vì hai lý do: (1) các nước nghèo không thể thỏa mãn những tiêu chuẩn lao động áp dụng chung cho các nước kỹ nghệ; (2) những tiêu chuẩn này sẽ trở thành hàng rào cản ngăn cấm hàng hóa của các nước nghèo bán vào các nước kỹ nghệ. Đề tài này trở thành nóng bỏng trong thời gian Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới họp tại Seatlle vì Tổng Thống Clinton trong cuộc phỏng vấn đã tuyên bố rằng tiêu chuẩn lao động cần được làm thành luật của WTO và ông ủng hộ biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia nào vi phạm. Các nước đang mở mang, do Ai Cập và Ấn Độ lãnh đạo, đả phá đề nghị của Hoa-Kỳ. Các nước này tin rằng Hoa-Kỳ định dùng tiêu chuẩn lao động như một biện pháp mới để hạn chế nhập khẩu. Sau khi Hội Nghị Seattle khai mạc được hai ngày, vì gập sự chống đối mạnh mẽ của các nước nghèo, chính quyền Clinton muốn tìm một giải pháp thay thế như yêu cầu các cơ quan quốc tế khác như Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Liên Hiệp Quốc cùng với WTO nghiên cứu các tiêu chuẩn lao động. Một số quốc gia sợ rằng tiếp theo quyền lợi của công nhân, các nước Tây Phương sẽ áp đặt lên những nước kém mở mang điều kiện về nhân quyền.

Tương tự như vậy, Hoa-Kỳ muốn mở rộng chương trình nghị sự để bao gồm cả vấn đề môi sinh. Liên Hiệp Âu Châu và Nhật Bản cũng đã đưa ra lý do là muốn bảo vệ môi sinh và thôn quê nên cần phải duy trì chính sách bao cấp nông phẩm. Các chính phủ từ Châu Mỹ Latin qua Á Châu chỉ trích mạnh mẽ Hoa-Kỳ và cho là vì năm 2000 là năm bầu cử Tổng Thống Hoa-Kỳ, chính sách quốc nội của Hoa-Kỳ đã đẻ ra hai điều kiện mới là môi sinh và lao động. Nhưng vấn đề môi sinh đã đặt ra từ trước. Một số quốc gia hội viên của WTO đã kiện nhau về vấn đề môi sinh. Thí dụ Hoa-Kỳ đã cấm nhập cảng tôm từ các nước Á Châu vì những quốc gia này không dùng loại lưới đặc biệt để bảo vệ những loại rùa biển hiếm có trong danh sách những giống vật đang bị hiểm họa diệt vong đe dọa. Hoa-Kỳ đã bị thua trong vụ kiện trước bồi thẩm đoàn của WTO. Hoa Kỳ đề nghị giảm bớt thuế nhập cảng các sản phẩm gỗ. Tuy nhiên những tổ chức bảo vệ môi sinh cho rằng biện pháp này sẽ làm tăng nhu cầu về gỗ và rừng sẽ bị khai phá nhiều hơn tại Nam Dương, Mã Lai, Phần Lan và Hoa-Kỳ. Trái lại tổ chức bảo vệ môi sinh ủng hộ đề nghị của chính quyền Clinton giảm bao cấp cho nông dân và những người sống về nghề đánh cá vì như vậy đất đai và khu vực cá sinh sống sẽ không bị tận dụng quá mức.
Một số vấn đề liên quan đến các nước nghèo đã được đề cập tới ở trên. Nhưng không phải chí có vậy thôi, những nước này còn có nhiều đòi hỏi chính đáng và gập nhiều khó khăn mà những nước kỹ nghệ hóa cần phải giúp đỡ. Những nước đang mở mang muốn có thêm thời gian để thay đổi luật lệ cho phù hợp với đòi hỏi của vòng thương thuyết Uruguay. Những nước kỹ nghệ đồng ý chỉ cho các nước nghèo nhất được gia hạn và những nước nghèo còn lại sẽ được giúp đỡ về kỹ thuật. Các nước đang mở mang cũng yêu cầu Âu Châu và Nhật Bản giảm bớt thuế nhập cảng và bớt hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu để mở rộng thị trường cho họ bán nông phẩm. Hiện nay nông phẩm trên thế giới vẫn phải chịu thuế nhập cảng rất cao trung bình khoảng 50%. Do đó mà giá thực phẩm tại Âu Châu và Nhật cao hơn giá tại Hoa-Kỳ lần lượt là 34 % và 134 %. Một vấn đề khó khăn nữa mà các nước nghèo đang phải đối phó là các nước này bị bó buộc phải mua dược phẩm của những quốc gia tây phương với giá cắt cổ vì luật lệ về bằng sáng chế và chế độ kiểm soát chặt chẽ việc phân phối thuốc. Do đó họ yêu cầu sửa luật lệ này để giảm giá dược phẩm xuống. Theo luật của WTO, trong những trường hợp khẩn trương, luật sáng chế liên quan đến những dược phẩm tối cần thiết được miễn thi hành. Điều 31 cho phép dược phẩm cần thiết được sản xuất tại địa phương với điều kiện phải trả sở phí về quyền sử dụng bằng sáng chế. Theo luật WTO, hãng phát minh ra dược phẩm bắt buộc phải cấp giấy phép trong trường hợp khẩn trương. Một cách khác là dùng phương pháp nhập cảng song hành (parallel importing). Danh từ này có nghiã là nhập cảng từ một nước thứ ba có dược phẩm rẻ hơn. Sau khi Thái Lan vào khoảng đầu năm nay sản xuất được thuốc trụ sinh Flucanazole để chống một loại bệnh meningitis thường phát hiện cùng lúc với bệnh AIDS với giá $1 một viên thuốc, hãng Glaxo Wellcome của Hoa-Kỳ đã giảm giá thuốc AZT từ $7.36 một viên xuống còn $1.
WTO Ngày Càng Phải Đối Phó Với Nhiều Vấn Đề Phức Tạp Hơn
Trong những vòng thương thuyết trước đây, các quốc gia chỉ phải đối phó với những vấn đề tương đối giản dị như ấn định lại thuế xuất nhập cảng, giảm bớt hay bãi bỏ chế độ hạn chế số lượng nhập khẩu, giảm bớt hay bãi bỏ chế độ bao cấp xuất cảng, v.v. Những vấn đề này phần lớn liên quan đến hàng hóa qua lại các biên giới quốc gia. Thời gian sau này, WTO phải đương đầu với lãnh vực dịch vụ. Những công ty dịch vụ ngoại quốc qua đầu tư vào một quốc gia khác mở văn phòng tại quốc gia chủ, phải đương đầu với luật lệ, thuế má, v.v của nước bản xứ. Vì vậy ngành dịch vụ đi rất sâu vào chính sách và chính trị của nước bản xứ với ảnh hưởng hai chiều.
Ngày nay, định nghĩa của danh từ mậu dịch quốc tế đã rộng lớn hơn khi các quốc gia hội viên mang vào thêm nhiều vấn đề như luật lệ đầu tư và cạnh tranh, vấn đề mậu dịch và môi sinh, vấn đề mậu dịch và tiêu chuẩn lao động, thực phẩm an toàn. Tất cả những lãnh vực mới mẻ này đưa mậu dịch quốc tế vượt ra khỏi tầm vóc thông thường. Sự bành trướng WTO đã gây chia rẽ giữa một khối bao gồm các quốc gia giầu đã kỹ nghệ hóa và khối bao gồm các nước nghèo còn đang mở mang. Ông Daniels K. Tarullo, giáo sư tại Đại Học Georgetown, cựu Chuyên Viên Kinh Tế của Tổng Thống Clinton, nhận xét là WTO có thể trở thành nạn nhận do sự thành công của chính mình. Không giống như GATT, WTO không phải là một cơ quan dân cử có quyền xét xử những cuộc tranh chấp về mậu dịch giữa các quốc gia hội viên và có quyền chế tài những hội viên nào không tôn trọng quyết định của WTO. Sự bành trướng WTO đã gập sự chống đối ngay tại những nước kỹ nghệ hóa vì nhiều tổ chức đã cho rằng WTO đã xâm phạm vào luật lệ nội bộ của các nước.
Sự Thất Bại của Hội Nghị Seattle Có Trầm Trọng Không"
Thật ra sự thất bại của Hội Nghị Seatlle không có gì đáng ngạc nhiên và trầm trọng cả. Một số chuyên viên kinh tế phân tích tình hình ngay trước ngày khai mạc của Hội Nghị đã có những nhận định khá rõ ràng rằng hội nghị sẽ không thành công. Một ngày trước khi Hội Nghị Seatlle khai mạc, Kinh Tế Gia Robert J. Samuelson đã đưa ra nhận xét là”mậu dịch thế giới chưa cần một thỏa hiệp mới và hội nghị có thể là một sự thất bại thê thảm về phương diện giao tế công cộng,” và đây là “một hội họp không có chủ đích.” Giáo Sư Kinh Tế Học Jagdish Bhagwati của Columbia University khuyên để các tổ chức chuyên môn của LHQ phụ trách các vấn đề mội sinh, lao động và thiếu nhi. GS Bhagwati viết “Don’t Muddy the Water” và “Why try to kill two birds with one stone, when a second stone is handy"”
Sự thất bại cũng không có gì trầm trọng cả. Các nước phải mất bốn năm bàn cãi mới đạt tới thỏa hiệp GATT. Sau mỗi vòng thương thuyết như vòng Kennedy (1963-67) và vòng Tokyo (1973-79), phải mất thêm một vài năm mới có thể bắt đầu một vòng thương thuyết mới. Vòng thương thuyết Uruguay cũng tốn mất bốn năm thảo luận mới được các nước hội viên chấp thuận. Việc đình trệ có thể được chấp nhận. Điều nguy hiểm là sự thất bại kỳ này có làm cho thế giới trở về tình trạng bế quan tỏa cảng thời xa xưa nữa hay không. Với khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay và những ích lợi hiển nhiên của việc tăng gia mậu dịch thế giới mang lại cho mọi quốc gia, việc đóng cửa biên giới hạn chế mua bán với thế giới bên ngoài là một điều lạc hậu.
Tương Lai Của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới Trong Thế Kỷ XXI
Mậu dịch hay dùng một danh từ giải dị hơn là nghiệp vụ xuất nhập cảng giữa hai nước hoặc nhiều quốc gia với nhau đều giúp cho cả mọi bên bán được số hàng thặng dư nhờ đó có ngoại tệ để mua những thứ không sản xuất được trong nước. Mậu dịch cung cấp phương tiện cho các quốc gia canh tân nền kinh tế và nâng cao mức sống của con người bằng nhập cảng và đầu tư để có những sản phẩm, nguồn tài chánh, kỹ thuật và khả năng quản trị. Trong gần nửa thế kỷ vừa qua, tổng sản lượng của thế giới đã tăng gấp sáu lần, mậu dịch tăng 14 lần. Số lượng hàng hóa xuất cảng trên thế giới đã từ $312 tỉ Mỹ kim vào năm 1970 tăng vọt lên gần $2,000 tỉ Mỹ kim vào năm 1980 và gần $3,500 tỉ Mỹ kim vào năm 1990. Đây là kết quả của hai vòng thương thuyết Tokyo và Uruguay. Mậu dịch quốc tế đã đóng góp một phần khá quan trọng vào sự tiến bộ về kinh tế thế giới này. Mậu dịch ngày càng bành trướng trên khắp thế giới nhờ phương tiện giao thông nhanh chóng và kỹ thuật thông tin tối tân. Thế giới cần một tổ chức để điều hòa sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Do đó mà một cơ quan như WTO rất là cần thiết. Sự thất bại của Hội Nghị Seattle đáng tiếc nhưng vai trò của WTO không phải là chấm dứt tại đây. Sau Hội Nghị Seatlle hai tuần, đại diện của Liên Hiệp Âu Châu và Hoa-Kỳ đã nhóm họp tại thủ đô Hoa-Thịnh-Đốn vào ngày 17.12.1999 và đã tìm cách khai thông lại những bế tắc tại Hội Nghị Seattle. Một số một số biện pháp quan trọng sau đây đã được các nước đề nghi lên WTO: (1) Mời nhiều nước tham gia vào tiến trình quyết định của WTO; (2) Minh bạch hoá những dịch vụ của WTO và cho phép công chúng được xem xét những tài liệu của WTO; (3) Cho công chúng được quyền xem xét những thủ tục giải quyết những vụ tranh tụng mậu dịch giữa các quốc gia hội viên; (4) Đặc biệt mở rộng thêm thị trường cho những nước kém mở mang nhất; (5) Đẩy mạnh sự hợp tác giữa WTO và Tổ Chức Lao Động Quốc Tế để bảo đảm rằng quyền lợi của công nhân được bảo vệ trong những hiệp ước thương mại song phương; (6) Nghiên cứu những biện pháp để bảo đảm mậu dịch không làm thiệt hại môi trưòng và không can thiệp vào những tiêu chuẩn cao bảo vệ chặt chẽ môi sinh của mỗi quốc gia.
Theo luật lệ của WTO, các quốc gia hội viên cứ mỗi hai năm ít nhất họp một lần ở cấp bộ trưởng. Hội nghị này có đủ thẩm quyền để quyết định về mọi vấn đề được qui định bởi các thỏa hiệp mậu dịch đa phương. Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên họp tại Singapore vào tháng 12, 1996. Hội nghi thứ hai họp tại Geneva vào tháng 5, 1998 và lần thứ ba là Hội Nghị Seattle vừa qua. Hội nghị lần thứ tư có thể nhóm vào giữa năm 2001. Hội nghị này cũng sẽ chú trọng vào các ngành dịch vụ, canh nông và kỹ nghệ. Thứ đến là việc chính phủ thu mua dịch vụ hàng hóa và dịch vụ, mua bán qua internet (e-commerce), và kỹ nghệ tin học.
Hiện nay có thêm 32 nước đã nộp đơn xin gia nhập WTO, kể cả Trung Quốc với 1.3 tỉ dân. Với những nước mới này, WTO sẽ có tổng cộng 167 hội viên so với 23 nước đã ký vào GATT đầu tiên 1947. Con số này chứng tỏ các quốc gia tin tưởng vào WTO. Khác với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chẳng hạn, mọi quyết định của WTO đều dựa vào nguyên tắc nhất trí đồng nghĩa với đa số tuyệt đối. Mỗi quốc gia đều có cùng một lá phiếu như nhau. Vì vậạy WTO mất nhiều thì giờ hơn để lấy ý kiến của mọi quốc gia hội viên. Trong tương lai với sự gia nhập của Nga và Trung Quốc với nền kinh tế tuy chưa phát triển mạnh mẽ như các nước tây phương, nhưng lại là những nước lớn. Vì vậy WTO sẽ gập khó khăn hơn để đạt được những thỏa hiệp giữa các nước khác nhau.
Trên đây là sự phát triển theo chiều rộng. WTO chính nó cũng không được hoàn hảo nên cần được cải thiện theo chiều sâu mỗi khi có những thiếu sót được khám phá ra. Phát triển theo chiều sâu sẽ gập những vấn đề khó khăn vì liên quan đến chủ quyền quốc gia. Thí dụ một số quốc gia sẽ không đồng ý về luật cho phép tự do lập nghiệp đoàn chẳng hạn. WTO cũng phải uyển chuyển và liên tục cải tiến để có thể đáp ứng với tình hình kinh tế mới. Nếu không, các quốc gia sẽ tự động lập thành những khối kinh tế riêng rẽ qua những thỏa hiệp song phương, đa phương hoặc theo vùng. Trong trường hợp này WTO sẽ mất chỗ đứng. WTO sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề tương đối mới và phức tạp hơn liên quan đến mậu dịch quốc tế như dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, và cạnh tranh đồng thời hợp tác với tổ chức LHQ về vấn đề lao động, môi sinh, và thiếu nhi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.