Hôm nay,  

Toà Thánh Biết Gì Về Tự Do Tôn Giáo Ở Việt Nam?

10/04/200200:00:00(Xem: 4509)
(Bản dịch từ Ý Ngữ : Nguyễn Học Tập)

Nguyên bản: Dr. Karoline Dietrich và Rev.Dr. Michael Hainz S.J. (Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Dòng Tên Muenchen - Đức)

Tình trạng hiện tại ở Việt Nam đối với các tổ chức tôn giáo và đối với các tín đồ, so với các cuộc khủng bố rầm rộ của chế độ cộng sản sau biến cố năm 1954 ở miền Bắc và 10 năm sau khi thống nhất năm 1976 ở miền Nam, chúng ta phải nhìn nhận rằng có tiến triển.

Trong thập niên 1990, Chính Quyền Hà Nội có đường lối xa lánh chính sách bách hại tôn giáo một cách trắng trợn và hiện tại cũng tỏ ra ôn hòa và nhân nhượng hơn đối với các tôn giáo. Nhưng chính sách "nhân nhượng" của thập niên 1990 được thực hiện vào việc nới rộng tự do hành đạo, nhưng đồng thời Chính Quyền vẫn không thay đổi chính sách kiểm soát đối với các tôn giáo.

Quyền tự do, nhất là trong lãnh vực phụng tự, tôn giáo nào được công nhận đều được hưởng, nhưng đồng thời Chính Quyền cũng gia tăng kiểm soát và việc cho phép hay cấm đoán được thực thi một cách tuỳ hỷ.

Hiện nay các tín hữu cũng như các tổ chức tôn giáo Ở Việt Nam, bằng thái độ chống đối, ý thức rằng tự do tôn giáo là một cái gì hơn việc nhân nhượng cho phép đi lễ lạy ở các nơi thờ phượng. Ví dụ, chúng ta có thể hồi tưởng lại trường hợp ông Hà Hải, Tổng Thư Ký của PGHH, theo tin tức của Hội Quốc Tế Bảo Vệ Nhân Quyền Đức cho biết, bị cầm tù từ 19.11.2000 chỉ vì xin được gặïp Tổng Thống Bill Clinton, nhân dịp Tổng Thống thăm viếng Việt Nam.

1 - Vấn đề nhân nhượng và kiểm soát của Chính Quyền

Sau khi chiến tranh kết thúc và thống nhất hai miền Nam - Bắc dưới thể chế Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào năm 1976, tại miền Nam xảy ra nhiều vụ trưng thu và hợp tác xã hóa. Tiến trình vừa kể cũng được áp đụng đối với các tôn giáo qua việc trưng thu đất đai, trường sở, Đại Học, bệnh viện và nhiều cơ sở khác. Theo tài liệu về nhân quyền do Jacqueline Desbarats và Carl D. Jackson ghi nhận dựa theo lời tường thuật của hàng trăm ngàn người tỵ nạn, giữa năm 1975 và năm 1982 ít nhất có đến 65.000 người bị xử tử và trên 850.000 người khác bị tù đày từ năm này qua năm khác (Weggel O., Suedost asien aktuell, 2 (1999) 146 ).

Như vậy, những gì đã xảy ra ở miền Bắc sau biến cố cộng sản nằm quyền năm 1954, cũng xảy ra ở miền Nam. Thời đó có hơn 800.000 người công giáo di cư vào Nam, do các cuộc đàn áp và trưng thu gây nên. Thánh đường bị đóng cửa, linh mục và thành phần các dòng tu bị đưổi về quê quán; nhiều linh mục, tu sĩ bị hành huyết.

Nhưng từ thập niên 1990 bắt đầu có sự thay đổi. Một đàng một số yếu tố nội địa bắt buộc phải xét lại sâu đậm hơn, do đó ngay trong Đảng Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng có nhiều thành phần có khuynh hướng cải tổ thắng thế hơn. Theo chiều hướng đó, chúng ta có thể kể việc rút quân khỏi Cam bốt (1989), sau 10 năm tranh chấp. Cũng cần đặt biệt chú ý đến việc dân chúng trở thành nghèo khổ do tình trạng kinh tế thảm bại và tình trạng bất công xã hội đến mức báo động ở nhiều vùng , mặt cho chính sách thống nhất đất nước được đẩy mạnh. Nhưng những yếu tố quyết định đưa đến cải cách (hay đổi mới) đó là từ năm 1990, nhiều yếu tố ngoại tại xảy ra , như việc sụp đổ bức tường Bá Linh và việc "chiến tranh lạnh" kết thúc, cũng như tiến trình toàn cầu hoá kinh tế càng ngày càng lớn mạnh. Mọi lãnh vực kinh tế đều bắt đầu được " đổi mới", cùng với nhiều luật lệ liên hệ. Một số yếu tố kinh tế thị trường được đề ra, như quyền tư hữu và quyền cơ xưởng tự trị. Song song với các cải tổ thực hữu nầy cũng có một vài giải mở về xã hội và chính trị thực hiện. Chương trình cải tổ chính trị, được gọi là " đổi mới ", được thông qua lần đầu tiên năm 1986 trong kỳ Đại Hội Đảng lần thứ VI, đã tạo nên một cuộc chuyển hướng.Việc mất đi sự hổ trợ của Nga Sô đã được thay thế bằng việc xích lại gần hơn với Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, một thực tại mà Việt Nam miễn cưỡng phải chấp nhận. Nếu không muốn con đường nào khác hơn là chọn một bước nhảy vọt can đảm theo chiều hướng Tây Âu.

Nguyên tắc thích hợp hơn không phải nhằm đạt được kết quả kinh tế để cứu đất nước khỏi bần cùn, cho bằng để cứu nguy chế độ và bảo đảm tương lai cho xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là thu hẹp lại ảnh hưởng Quốc Gia để nới rộng hơn sự phát triển tư nhân và cá nhân và đồng thời cũng nới rộng cho nhiều tự do hơn. Nhưng việc cải tổ vừa kể chỉ thực hiện phần lớn trong lãnh vực kinh tế. Đối với lãnh vực ý thức hệ như chính trị, văn hoá, giáo dục và học vấn, báo chí và các phương tiện truyền thông chẳng hạn, Đảng không bao giờ muốn mất đi tính cách độc quyền của mình.

Đối với tôn giáo, chính sách đổi mới nhằm loại bỏ chiến lược loại trừ và đàn áp để đổi lấy quyền kiểm soát chặt chẽ hơn cho Quốc Gia. Cũng vậy, không những thực trạng chính trị bị biến thành mơ hồ, mà cả thể chế luật pháp cũng không có gì chắc chắn. Trong tình trạng vừa kể lại cần phân biệt rỏ ràng hoàn cảnh của các tôn giáo được chính thức chấp nhận đối với những Giáo Hội và cộng đồng tôn giáo không được nhìn nhận. Về vấn đề nầy, trườøng hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cấm đoán , tranh chấp và sau cùng bị thay thế bởi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam , không phải là trường hợp duy nhất, ai cũng nghe nói tới.

Ngoài ra cũng không nên quên sự khác biệt từng vùng: hoàn cảnh khác biệt về nhiều phương diện giữa miền Bắc và miền Nam. Sự kiểm soát và cho phép trong nhiều trường hợp tùy thuộc vào chính quyền tỉnh, và ngay cả tình trạng của mỗi tôn giáo một khác tùy từng tỉnh một.

Để khỏi khơi động sự chú ý công luận thế giới và sự chỉ trích của đồng nghiệp thương mãi Tây Âu , Chính Quyền CSVN cố tránh hết sức có thể việc dùng đến các sự can thiệp thô bạo và các phương thức có thể tạo nên kinh hoàng , ví dụ bỏ tù , kết án tử hình hay tra tấn trong lao xá…. Nhưng những thể thức đàn áp chính trị và tôn giáo khác , kín đáo hơn đã được nghĩ ra và áp dụng, như việc dùng các phương thức dọa nạt: lục soát gia cư thường xuyên và điều tra khẩu cung "làm việc", lưu đày các thành phần chính trị và tôn giáo chống đối ở những vùng xa hoặc cho áp dụng câu lưu tại gia trường kỳ. Phương thức cuối cùng nây đã được áp dụng từ 18 năm nay đối với Mục Sư Lap Ma và gia đình của Mục Sư, đặc trách phân khu tây nam của Giáo Hội Tin Lành ở Việt Nam. Nhiều vị sư lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng ở trong cùng một tình trạng, ví dụ TT Thích Long Tri, là vị chức sắc hàng thứ ba trong phẩm trật Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất, hay TT Thích Huyền Quang đã và đang bị câu lưu tại gia liên tục từ năm 1982 đến nay. Việc Việt Nam đã ký Thỏa Ước Quốc Tế bảo vệ dân quyền và quyền tự do chính trị từ năm 1982 vẫn không ảnh hưởng gì đến các phương thức hành xữ trên, không ảnh hưởng gì đến việc áp dụng khoan hồng có định kỳ . Và do đó dư luận quần chúng cũng không có gì thay đổi , mà đáng lý ra Chính quyền Việt Nam phải chứng tỏ được những tiến bộ nào đó đối với việc nhân quyền được tôn trọng thực sự , mặc cho vào dịp kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước, năm 2000, trên 20.000 tù nhân chính trị được phóng thích, đó là hành động ân xá chưa tứng thấy.

Vị đặc trách LHQ về tự do tôn giáo, Abdelfattah Amor, từ 19 đến 28 1988 đã đến Việt Nam, được Ủy Ban LHQ về Nhân Quyền phái đến , đã tường trình ngày 30.04.1999 trước Ủy Ban là ông bị Chính Quyền ngăn cản mạnh mẽ trong việc thu thập tin tức và giao tiếp với dân chúng. Do đó không ai lạ gì Chính Quyền CSVN không đếm xỉa gì đến bản tưòng trình trên của ông A. Amor. Những gì tương tợ cũng đã xảy ra trong chuyến thăm viếng của Tổng Thống Bill Clinton vào tháng 11.2000, một lần nữa trong dịp nầy sự mâu thuẩn giữa thực tại chính trị , hình thức cởi mở và thiện chí "đổi mới" được phơi bày ra trước mắt ngoại quốc. Đồng thời với cuộc viếng thăm nầy của Tòa Nhà Tự Do (Freedom House), một tổ chức Hoa Kỳ về nhân quyền đã công bố 8 tài liệu mật, do chính vài thành phần của Đảng và Nhà Nưóc cung cấp: đó là những chỉ thị, với các lý do liên hệ, về việc đàn áp Tin Lành, bị coi là "kẻ thù của Quốc Gia".

Đúng vậy, trong những năm gần đây, chế độc CSVN đã tăng cường hành động chống Giáo Hội Tinh Lành . Hành động nầy được thực hiện nhứt là dối với các sắc dân cư ngụ ở các miền cao nguyên Trung Phần và ở các tỉnh tây đông. Đầu tháng hai năm rồi trong các tỉnh Pleiku và Ban Mê Thuộc, nơi ẩn náo của người thiểu số Tinh Lành Degar ("Con cái của núi non ", cũng được gọi là " người thượng", danh từ được phát xuất từ thời pháp thuộc), trên 20.000 người đã đứng lên phản đối kịch liệt , mà Chính Quyền chỉ có thể dẹp yên bằng cách quy tựu hùng hậu lực lượng an ninh và quân đội. Theo các tin tức do tổ chức " Cộng Đồng Người Thượng Pleiku" , trụ sở được đặt tại Hoa Kỳ , cung cấp thì Chính Quyền CSVN đã dùng xe thiết giáp bao vây tất cả các làng mạc của Người Thượng. Đường điện thoại bị cắt đứt, do đó chỉ còn có thể liên lạc được bằng điện thoại di động. Nhiều toán người, càng ngày càng nhiều, đang tìm cách trốn chạy.

Cần phải nói rằng chưa có tự do tôn giáo đầy đủ . Các tôn giáo bị thiệt hại trong các hoạt động của mình, bởi lẽ Chính Quyền từ chối việc hoàn trả các cơ sở và của cải khác đã trưng thu ; nhiều phương thức giới hạn được áp dụng với chiến lược nghiêng cứu tỉ mĩ, nhứt là những phương thức kiểm soát gắt gao đối với các tổ chức tôn giáo , đối các vị lãnh đạo và các việc thực thi tôn giáo bằng những giấy phép. Chúng ta cũng cần phải thêm rằng các giới hạn được áp dụng cho việc được tuyển chọn vào chức vụ có tính cách tôn giáo ( (linh mục, đời sống tu sĩ ...),những cản trở trong việc đào tạo hàng giáo phẩm và việc cấm đoán tự do báo chí được tự xuất bản. Chúng ta cũng đừng quên rằng các cộng đồng tôn giáo bị cấm đoán trong việc dấn thân hoạt động vào y tế, cứu tế xã hội , đào tạo và giáo dục.

Điều vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo là các tôn giáo không được nhìn nhận như là những cộng đồng xã hội tự do và độc lập. Các tôn giáo bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt về ý thức hệ và chỉ được cho phép hành đạo nếu hoạt động của tôn giáo chịu đặt mình dưới quyền lợi của Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa.

2 - Tình trạng pháp lý của các tôn giáo.

Trong cách hành xử của mình, Chính Quyền phân chia giữa các tôn giáo được công nhận và các tôn giáo không được công nhận, nghĩa là các tôn giáo bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là những ai thuộc thành phần các tôn giáo bất hợp pháp, bị xem là kẻ thù của Quốc Gia, có thể bị đàn áp và không được hưởng bất cứ một bảo đảm pháp luật nào.

Tình trạng của sáu tôn giáo được công nhận là tình trạng nào và đâu là những vấn đề hợp pháp hóa các tôn giáo, sau đây là kết quả:

a) Phật Giáo: là cộng đdồng tôn giáo đông đảo nhất và theo ước tính không chính thức Phật Giáo chiếm đến 80% trên dân số 75 triêu người Việt Nam ( tài liệu của Ủy Ban LHQ về tự do tôn giáo, ). Là một trong những tôn giáo được hợp thức hóa và có số phận " hẩm hiu" nhất. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1975 là Tổ chức Phật Giáo miền Trung và miền Nam Việt nam, bị Đảng Cộng Sản giải tán năm 1981 và bị thay thế bằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, được Đảng và Nhà Nước bảo trợ và trung thành với Đảng.

Theo những gì được tổ chức Human Rights Wacht cho biết, thì từ đó đến nay xảy ra những mối căn thẳng giữa Chính Quyền và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo Hội không chấp nhận tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

b) Khoảng hai triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không chấp nhận một Ủy Ban gồm 11 người, được thành lập năm 1999 và thân Chính Quyền, đại diện cho tôn giáo Hoà Hảo. Chính nhờ Ủy Ban vừa kể mà năm 1999 PGHH đã được chính thức công nhận. Vị Niên Trưởng Hoà Hảo, Cụ Lê Quang Liêm luôn luôn bị cảnh sát hành hạ, kể từ tháng 9 năm 1999 từ khi Cụ ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư chung với các Vị Lãnh Đạo các tôn giáo khác yêu cầu được tự do tôn giáo rộng rãi hơn, và từ tháng 2 năm 2000 , như Human Rigths Wacht cho biết, Cụ đã tuyên bố việc hoạt động lại của " Tổ Chức Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo ", tổ chức đối lập lại Ủy Ban Hòa Hảo, do Chính Quyền kiểm soát.

c) Tôn giáo Cao Đài (với khoảng 3 triệu tín hữu), là một tôn giáo thu thập lại một cách cô đọng các yếu tố của Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Lảo Giáo. Cao Đài Giáo được nhìn nhận năm 1997, nhưng theo Human Ritghts Wacht, thì còn đang bị nhóm lãnh đạo thân Chính Quyền hướng dẩn. Nhóm lãnh đạo nầy đang bị nhiều tín hữu Cao Đài tẩy chay.

d) Khoảng 70.000 tín hữu Tin Lành hiện nay họp thành cộng đồng tôn giáo đang trên đà phát triển mạnh. Tình trạng của anh em Tin Lành là tình trạng chung của các tôn giáo vừa được đề cập. Ngày 9 thánh 2 năm 2001 Giáo Hội Tin Mừng Việt Nam (Evangelica) được thành lập, là một tổ chức tôn giáo thân Chính Phủ. Các cộng đồng tôn giáo tại gia (comunità domestiche) không được chấp nhận, nhưng là những cộng đồng trong thời gian gần đây trong số những tôn giáo thiểu số lôi kéo thêm được nhiều tín hữu nhất.

Tổ Chức Bảo Vệ Nhân Quyền vừa kể còn cho biết rằng Chính Quyền và Ủy Ban Tôn Giáo đã dùng nhiều thủ đoạn trong việc thành lập và tuyển chọn thành phần lãnh đạo. Tổ Chức trên còn cho biết, không những căn cứ theo các lời phản đối của các tín hữu Tin Lành Việt nam, mà còn chiếu theo hai tài liệu mật Chính Trị Bộ của Đảng mà Tổ Chức có được, là Đảng cho mình "có những hành vi can thiệp tích cực vào nội bộ của Giáo Hội Tin Mừng đối với nhân sự và cấu trúc của Giáo Hội, theo chủ trương của chương trình tự do có kiểm soát", trong khi đó thì Đảng cũng cho rằng Giáo Hội Tin Lành ở miền Nam là "vũ khí mật sau chiến tranh của Mỹ" (Associazione Internazionale Per i Diritti Umani, La Chiesa Evangelica del Viet Nam è manipolata, comunicato stampa del 9.02.2001).

e) Giáo Hội Công Giáo (với 6-7 triệu tín hữu ) là Giáo Hội duy nhất được chính thức công nhận và không có sự phân chia giữa Giáo Hội chính thức và Giáo Hội chui. Tuy vậy, năm 1975 cùng với việc thành lập tổ chức thân Chính Phủ Công Giáo và Dân Tộc, Chính Quyền có mưu đồ gây áp lực đối với người công giáo Việt Nam. Dầu vậy chúng ta đừng coi thường ảnh hưởng của tổ chức nầy qua chính sách tôn giáo của họ. Cho đến nay, đây là tổ chức duy nhất được phép xuất bản một tập san chính thức về tôn giáo.

Cần chú ý rằng , nói cách chung Giáo Hội Công Giáo hiện tại cũng như trong qúa khứ phải đương đầu với những điều kiện nặng nề nhứt là về việc giới hạn hàng giáo phẩm và các dòng tu.

Điều vừa kể được thể hiện rỏ rệt qua các thỉnh nguyện của các Giám Mục Việt Nam về việc hạn chế do Chính quyền áp đặt đối với các thẩm quyền của các Ngài: quyền cắt đặt chức vụ và thuyên chuyển các Linh Mục; quyền tự do của các Giám Mục và Linh Mục được di chuyển để thi hành nhiệm vụ mục vụ của họ; quyền xây cất thánh đường và chủng viện; Quyền tự do báùo chí, in ấn và phát hành tập san công giáo chính thức và sách vở và cuối cùng là quyền đặc biệt tế nhị được tuyển chọn các ứng viên vào thụ huấn và truyền chức Linh Mục. Nói cách chung, các vấn đề liên hệ đến việc tuyển chọn các Giám Mục được giải quyết, nhờ việc viếng thăm thường niên của phái đoàn Tòa Thánh trong 11 năm nay. Hiện nay còn hai tông toà trống ngôi của hai giáo phận quan trọng miền Bắc: Hải Phòng và Hưng Hoá.

Và cuối cùng Giáo Hội Công Giáo đang bị khủng hoảng trầm trọng vì thiếu Linh Mục. Bởi vì mỗi năm Chính Quyền khước từ giấy phép cho nhiều ứng viên muốn vào một trong các chủng viện quen thuộc. Đối với các thanh thiếu niên nam nữ muốn vào các dòng tu cũng vậy.

3 - Hệ thống kiểm soát của Chính Quyền đối với các tôn giáo

Trong bản tường trình A. Amor, mà chúng tôi đã nhiều lần trích dẩn, chúng ta có thể biết được ba phương thức mà Chính quyền dùng để kiểm soát các tôn giáo và kiểm soát tín hữu.

Trước hết bản tường trình đề cập đến hệ thống luật pháp , nhứt là hệ thống hình luật và nghị định CP31, rất thường được áp dụng, liên quan đến các vụ quản thúc tại gia, hình phạt có thể kéo dài đến hai năm và không cần xét xử đối với những cá nhân bị xem như là nguy hiểm đến an ninh công cộng và an ninh Quốc Gia.

Kế đến A.Amor đề cập đến tổ chức hành chánh được tiên liệu đối với các vấn đề tôn giáo. Tổ chức hành chánh nầy được cấu trúc trên bốn cơ quan chính: Văn Phòng Tôn Giáo Vụ của Chính Quyền, ngoài ra có trụ sở trung ương đặt tại Hà Nội, Văn Phòng còn có các chi ngánh đặt tại các tỉnh và quận; Cơ Quan đặc trách điều động dân chúng , là cơ quan thẩm vấn của Đảng về ý thức hệ và sách lược; Mặt Trận Nhân Dân , theo khuôn đúc của Trung Cộng, có nhiệm vụ kiểm soát ý thức hệ đối với thành phần trí thức và các cơ sở văn hoá; sau cùng, hoạt động liên hệ chặt chẽ với ba cơ cấu trên là Bộ Nội Vụ, "vì lý do an ninh" được phép kiểm soát và len lỏi thâm nhập vào các nơi phụng tự và các cơ cấu tôn giáo.

Sau cùng A. Amor nói đến "hệ thống kiểm soát ba từng lớp": một giấy phép cư trú (một loại giấy phép chứng nhận thường trú và ghi nhận địa chỉ , hộ khẩu , cần thiết để có thể được cư ngụ ở một nơi cố định nào đó và cần thiết mỗi khi thay đổi chổ ở). Không có giấy đó sẽ không có cách gì xin việc làm hoặc liên lạc với các cơ quan công cộng như học đường, bệnh viện...; một phân bộ của cảnh sát đặc trách kiểm soát dân chúng, ban cho hay thu hồi giấy phép cư trú vừa kể và trong một vài trường hợp có thể bắt người không cần án trát; và sau cùng là giấy khai lý lịch (bắt buộc đối với các ứng viên để trở thành linh mục) chứng minh rằng người đương cuộc trung thành với Quốc Gia và sẵn sàng cộng tác chính trị không những của đương sự ứng viên mà còn của cả thân nhân và những người quen biết.

Đối với vị thế các tôn giáo và việc thực thi tôn giáo, điều 70 Hiến Pháp 15.4.1992 tuyên bố nhìn nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng là một cách tuyên bố mơ hồ. Đìều vừa kể tuyên bố: Cấm mọi hành vi làm thương tổn đến tự do tín ngưỡng và tôn giáo hay lợi dụng tôn giáo hành động ngược lại luật pháp và chính trị Quốc Gia".

Ngoài ra cũng theo A. Amor, quyền căn bản về tự do tôn giáo được tuyên bố ở điều vừa kể không được cho đưa vào các điều khoản luật pháp một cách thoả đáng và hữu hiệu.

Cũng cần phải đề cập đến nghị định 26/1999/ND-CP ngày 19.041999 về vấn đề giới hạn tự do tôn giáo, mà trong khoản thời gian năm 1998 A. Amor chưa được biết đến. Nghị định vừa kể thay thế nghị định 69/HDBT, cũng chứa đựng những điều khoản hạn chế tương tự. Hai nghi định vừa được trích dẩn bắt buộc việc giảng dạy và thực thi tôn giáo phải tuân phục luật pháp, đường lối chính trị và ý thức hệ Quốc Gia. Ngoài ra hai nghị định cũng ra lệnh nhất là phải được giấy phép để có thể thực hành phượng tự một cách hợp pháp, nói cách chung và đặc biệt đối với những cuộc biểu lộ tôn giáo thứ yếu. Giấy phép đó cũng bắt buộc đối với những việc in ấn sách báo tôn giáo hay tin tức nội bộ của Giáo Hội... , dù sao đi nữa thì sách báo vừa kể không được in tại nhà in riêng- ngoại trừ trường hợp trong các nhà tập, các chủng viện hay trong các nhà đào tạo của một dòng tu. Giấy phép trên cũng bắt buộc phải có đối với ứng viên được nhận để được truyền chức linh mục, đối với chương trình đào tạo hàng giáo phẩm và các thành viên của các dòng tu, và ngoài ra đối với việc tuyển chọn chức sắc của Phật Giáo, việc tuyển chọn Giám Mục Công Giáo và các Vị có trách nhiệm các tôn giáo khác.

Quyết định vừa kể, ở chương 2 của Nghị Định 1999, có giá trị ngay cả đối với những người đại diện cho các cộng đồng (ông câu, ông trùm, ông biện trong họ đạo chẳng hạn) và các giảng viên giáo lý địa phương cũng vậy.

Cần phải xin phép cho tất cả các việc đi lại đó đây của các tu sĩ ở quốc nội cũng như xuất ngoại, cho tất cả các việc thuyên chuyển đến các chức vụ khác và ngay cả đối với các cuộc thăm viếng của các của các vị đại diện các tổ chức tôn giáo ngoại quốc.

Ở chương 5 của Nghị Định, quyết định "trừng phạt việc thực hành các nghi lễ dị đoan", nhưng không xác định rỏ thế nào là di đoạn. Các lối cữ hành nghi lễ "dị đoan" như vừa kể cũng được quy trách cho các nghi thức các tôn giáo không được chính thức thừa nhận hay các tôn giáo được thừa nhận nhưng không tuân lệnh các cơ quan kiểm soát của Chính Quyền. Rất nhiều giới hạn khắt khe đối với linh mục và nam nữ tu sĩ.

Nghị định 1999 được ban hành vì đã có nhiều việc chống đối nổi lên. Nhưng so với nghững quyết định trước đó, Nghị Định mới cũng chẳng đem lại những cải tổ nào đáng kể. Đồng thời đọc Nghị Định mới (1999) người ta có thể đặt giả thiết rằng Nghị Định mới được ban hành với chủ đích cho phép Chính Quyền can thiệp nặng nề vào các tôn giáo đã có ý thức được rỏ ràng hơn về năng chức của mình và đang trở thành đối tượng cho các mối quan tâm quốc tế.

Sau cùng A. Amor cũng liệt kê một loạt các điều khoản hình luật đặc biệt cứng rắng của năm 1985 (được sửa đổi và gia trọng thêm các năm sau đó : 1989, 1991, 1992 và 1997). Chúng tôi chỉ có thể kể ra đây điều 73 và các điều khoản kế tiếp của chương I về vấn đề "an ninh Quốc Gia" và điều 205a về việc lạm dụng các quyền dân chủ . Chương I tuyên án phạt tù chung thân và tử hình đối với những ai "bất tuân luật", được diển tả một cách mông lung. Được coi là phạm pháp bất cứ ai , ví dụ như , "hoạt động nhằm lật đổ quyền lực nhân dân" ( điều 73), do thám (điều 74), mưu hại nền thống nhất Quốc Gia (điều 81) và dưới cùng một đề mục các nhà làm luật CSVN cũng liệt kê hành động nhằm chia rẽ tín đồ của một tôn giáo ra khỏi những ai không thuộc hệ, và sau cùng cũng được quy trách cho cùng một tội phạm (bị án tù chung thân hoặc tử hình) hành động tuyên truyền chống hệ thống xã hội chủ nghĩa ( điều 82).

Cũng cần chú ý đến điều 25a tuyên phạt "ai lạm dụng quyền tự do tư ttưởng, tự do báo chí và tôn giáo, hoặc dùng không theo phương thức pháp luật quyền hội họp và các quyền dân chủ". Nhưng điều vừa kể không xác định rỏ hơn thế nào là lạm dụng theo tinh thần luật định.

Những hình phạt khác, cũng không được xác định rỏ thế nào là , ví dụ như ,"phá rối trật tự công cộng" (điều 198) và "thực hành các nghi thức di đoạn" ( điều 199) .

4 - Các tôn giáo đấu tranh dành quyền tự chủ.

Một dấu hiệu thực hữu hy vọng là trong những thời gian gần đây các tôn giáo bắt đầu cộng tác với nhau. Đây không phải là điều hiển nhiên phải có, nếu chúng ta nhìn vào lịch sữ cuộc sống xung đột giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo thường xuyên phát hiện trong thời gian bị đô hộ cũng như thời gian sau đó. Ngày 5 tháng 9 năm 1999, liên quan đến Nghị Định 1999 về việc giới hạn quyền hành xử tôn giáo, bốn vị có thẩm quyền của bốn tôn giáo đã gửi một thỉnh nguyện thư đến Chính Quyền yêu cầu Chính Quyền tôn trọng hơn đối với quyền tự do tôn giáo. Ai trong chúng ta cũng còn nhớ đến "Tuần Lễ Cầu Nguyện" ở Huế tháng 2.2001, một hình thức chống đối ôn hòa, được các vị đại diện Phật Giáo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng tham dự với đại diện các tôn giáo khác.

Tất cả các sự kiện trong thời gian gần đây cho thấy rằng thành viên các tôn giáo không còn chỉ mãn nguyện trong các việc thực thi tôn giáo hoàn toàn đặt dưới sự cho phép của Chính Quyền nữa. Các Vị đang dấn thân để đạt được việc hành xử tất cả các hoạt động tôn giáo, gồm cả việc đào tạo hàng giáo phẩm và giáo dân, xuất bản báo chí bằng chính các nhà xuất bản của mình chớ không qua Chính Quyền và sau cùng việc nới rộng đối với các việc phục vụ và can thiệp khác nhau vào xã hội, do thành phần thanh thiếu niên và các phần tử người dân thiểu số thực hiện. Trên thực tế, các tôn giáo mà các cơ quan giáo dục và xã hội của họ bị trưng thư sau cuộc thống nhất đất nướa năm 1976, đang ước muốn xả thân giúp đở người khác bằng những phương thức khác hơn là chỉ cử hành nghi lễ phụng tự.

Ví dụ việc hành xử đê tiện của Chính Quyền ngăn cấm các Vị Phật Giáo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đem tặng vật đến cứu trợ đồng bào bị lụt vùng châu thổ sông Cửu Long vào tháng 9 năm 2000 chứng tỏ hậu quả ngu xuẩn của nghị quyết Chính Quyền cấm đoán các tôn giáo trong các hoạt động xã hội của mình. Các hoàn cảnh thực tại mà các tôn giáo đang muốn dấn thân đối phó là sự nghèo khổ của dân chúng, các nồng độ căn thẳng xã hội ngày càng lớn mạnh và sự mất định hường của đại đa số dân chúng trước sự đột nhập của nền " kinh tế tư bản man dại", các nhu cầu của công cuộc đổi mới mà chính giới trẻ đang phải đối phó , nhưng không được chuẩn bị trước. Trước những nhu cầu như vậy, các tôn giáo đang bị cột tay, không thể tiên liệu được và các nhu cầu đó đang tràn sang nhiều lãnh vực khác: từ việc thiếu phát triển xã hội và việc nhiều trẻ thơ và thanh thiếu niên không có được một nền học vấn thoả đáng, chúng ta có thể bước sang các lỗ hổng trong hệ thống y tế, nhứt là ở đồng quê, để đi đến việc thiếu cứu tế đối với các người tàn tật, các người bị nhiểm bệnh Aids và các bệnh tật khác. Thật là một điều thảm hại nhận xét rằng làm sao Chính Quyền, trước những "cơn bệnh xã hội" đang tiếp tục lan tràn và chính Chính Quyền cũng đã tự thú bất lực trong các bản tường trình chính thức của mình trong các năm gần đây ( buôn bán thuốc phiện, tham nhũng, mãi dâm, Aids và phá thai), lại còn ngần ngại không kêu cứu đến các điều khoản về luân lý của các cộng đồng tôn giáo. Điều đó cho thấy rỏ rằng vấn đế của các tôn giáo ở Việt Nam không chỉ liên hệ đến việc bênh vực quyền tự do tôn giáo. Các tôn giáo đang tranh đấu cho những nhu cầu mà họ có thể can thiệp một cách hữu hiệu trên bình diện công cộng và xã hội, trước tình trạng nguy ngập của Việt Nam hiện tại.

5 - Cộng Đồng Quốc Tế giúp được gì cho Việt Nam"

Nhờ vào những cải cách về cơ chế, luật pháp và kinh tế trong 15 năm vừa qua Nước Việt Nam Cộng Sản không còn bị loại khỏi thị trường thế giới và khỏi các chương trình hợp tác của các Quốc Gia kỷ nghệ. Trái lại Việt nam có khả năng thu hút vốn đầu tư ngoại quốc: năm 1999 có đến 2.298 dự án đầu tư ngoại quốc với tổng số ngân khoản lên đến 35,4 triệu Mỹ Kim, và tạo được 292.600 chổ làm. Để có kết quả trong việc cải tiến kinh tế, Việt Nam đã nhờ sự giúp đở lớn lao của Nhật, Hoa kỳ, Âu Châu và của các thành viên khối Asean và Úc. Dần dân được hội nhập vào thị trường thế giới, Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ để canh tân hoá. Trước sự giảm thiểu đầu tư ngoại quốc mới đây ( 39% ít hơn so với năm 1999) Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới đang tỏ ra nghi ngại (riserve). Hai tổ chức vừa kể kêu gọi Việt Nam hãy loại bỏ các chướng ngại vật về thủ tục hành chánh, đưa ra những đạo luật áp dụng hữu lý , như thể thức mới về các quyền xử dụng đất đai.

Tuy nhiên nhiệm vụ của các Quốc Gia ngoại quốc không thể chỉ giới hạn vào việc đầu tư tài chánh và đòi hỏi cho có được một tình trạng tin cậy được, thích hợp cho việc đầu tư. Phải chăng các Quốc Gia ngoại quốc còn có trách nhiệm quốc tế trong việc có thể can thiệp vào lãnh vực nhân quyền bằng cách tạo áp lực chính trị và các điều kiện đặc biệt liên quan đến việc tài trợ và ký kết thương ước"

Trước tiên lãnh vực hợp tác phát triển là lãnh vựa quan trọng để đạt đến mục đích nầy. Theo sự hiểu biết của Ủy Ban Tham Vấn các Quốc Gia cung cấp viện trợ, họp tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1999, thì Việt Nam từ năm 1993 đến năm 1999 đã nhận viện trợ 15,1 tỷ Mỹ Kim do các quốc gia cung cấp. Sự việc các thỏa ước hợp tác phát triển trong thập niên 1990 trở đi (ví dụ thỏa ước ký kết với Cộng Đồng Âu Châu và với Đức) đều là những thỏa ước " có điều kiện" (các thỏa ước có hiệu lực nếu Quốc Gia nhận viện trợ chấp nhận điều kiện về tôn trọng nhân quyền và thi hành các nguyên tắc dân chủ), có thể là một bước tiến trong chiều hướng chính đáng. Nhưng chính sách vừa kể một mình sẽ chưa thể có hiệu quả thoả đáng.

Ví dụ các thoả ước thương mãi cũng có thể đượïc đặt "với điều kiện", như thoả ước vừa được ký kết trong tháng bảy vừa qua giữa Hoa kỳ và Việt Nam hay thoả ước đang soạn thảo với Cộng Đồng Âu Châu. Trong các thoả ước đó, các " partner" Tây Âu có thể đưa ra các đòi hỏi quyết liệt hơn về nhân quyền. Cộng Đồng Âu Châu có thể theo lời khuyến cáo của Quốc Hội Âu Châu đặt việc tôn trọng nhân quyền thành các điều kiện của thỏa ước và đưa ra những yêu sách thực tế trong lúc đàm phán. Chỉ có một áp lực nhứt quyết và có hệ thống của công luận thế giới và nhứt là của các "partner" thương mãi có thể trợ lực cho các lực lượng canh tân ở nội địa Việt Nam có khả năng chiến đấu hữu hiệu để đạt được quyền tự do tôn giáo rộng lớn hơn và sự tôn trọng nhân quyền và quyền dân sự.

Người ta nhận thấy khuynh hương canh tân (cần được chúng ta hổ trợ như vừa nói) đang được diển ra không những trong lãnh vực dân sự , mà ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng Sản , đã bị rách nát và mất định hướng.

Sau cùng chúng ta đừng quên vai trò của các phương tiện truyền thông trên bình diện quốc tế. Với phương tiện truyền thông chúng ta có thể tố cáo và tưởng niệm các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Về vấn đề nầy chúng ta đừng quên tầm quan trọng của Internet. Ngay từ bây giờ những ai bị bách hại về tôn giáo và chính trị Internet là một con đường mới để báo cho thế giới biết. Nhưng để đạt được mục đích vừa kể, những người bị bách hại cần phải xác tín rằng tình trạng của họ, của các người thân của họ và của các chiến hữu đồng đội của họ có thể được cải tiến, nếu họ không giữ im lặng và núp trong bóng tối lẩn trốn. Họ phải công khai tố cáo và phổ biến tin tức ra ngoại quốc.

( Chú thích của người dịch:

1) Nữ Tiến Sĩ Karoline Dietrich là TS nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Dòng Tên ở Muenchen - Đức.

2) Linh Mục Tiến Sĩ Michael Hainz S.J., thành viên nghiên cứu của Viện.

3) Tựa của bài " TOÀ THÁNH VATICAN BIẾT GÌ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM "" được người dịch sửa lại từ tựa đề nguyên bản "La libertà religiosa in Viet Nam" (Tự do tôn giáo ở Việt Nam), để lưu ý quý độc giả liên quan đến những sự kiện mới xảy ra không lâu. Trước khi có bài viết nầy của TS Karoline Dietrich và Lm TS Michael Hainz S.J., chúng ta đã có ĐÁP TỪ DTC CHO HDGMVN, trong đó DTC đã đề cập đến lý tưởng tranh đấu của Cha Lý mà chúng tôi đã ghi lại trong một Thỉnh Nguyện Thư và trao cho Ngài; lý tưởng đó , một phần rất lớn cũng được hai TS của Viện nghiêng Cứu Xã Hội Dòng Tên đề cập đến.

Và những gì hai TS của Viện viết trong bài, chúng tôi chắc chắn rằng Toà Thánh cũng đã nhận được. Bởi lẽ bài viết mà chúng tôi dịch ra hầu qúy độc giả đã được đăng trên nguyệt sang AGGIORNAMENTI SOCIALI , 3 ( 03.2002), 229-239, cơ quan ngôn luận về các vấn đề xã hội của các Cha Dòng Tên ở Ý.

Như vậy từ nay không ai còn chối cãi được là TDTG đang bị đàn áp ở Việt Nam.

DTC cũng như hàng giáo phẩm ngoại quốc, Đức cũng như Ý qua bài viết nầy của hai TS thuộc Viện Nghiên Cứu Xã Hội dòng Tên, đã biết đến thực trạng bách hại tôn giáo ở Việt Nam. Qua Đáp Từ của DTC cũng như qua bài viết nầy của hai TS vừa kể, chúng ta biết các Vị đã nhìn thấy các đòi hỏi của Cha Lý, của anh chị em Nguyệt Biều - An Truyền và của dân tộc Việt Nam cho TDTG là chính đáng.

Bổn phận của chúng ta, giáo sĩ hay giáo dân cũng vậy, là tích cực ủng hộ mạnh mẽ cuộc tranh đấu chính đáng của dân tộc, mà DTC và hàng giáo phẩm ngoại quốc đang trợ lực chúng ta. Đất nước là đất nước của chúng ta, đồng bào là đồng bào ruột thịt của chúng ta.Chúng ta không đứng ra tranh đấu để cải tiến, đem lại cho đồng bào một cuộc sống người cho ra người, thì ai làm thay cho chúng ta" Đây là lúc thuận tiện, các Vị đã biết đến và đang hổ trợ chúng ta giải quyết vấn đề. Đừng để mất cơ hội và cũng đừng khoán trắng trách nhiệm chúng ta cho người khác. Nếu chúng ta không đang bị "khớp mõm, buộc chân", thái độ im thinh thít, nói bâng quơ và nó bậy có lợi cho CS, phương hại đến công cuộc tranh đấu cho TDTG của dân tộc, là thái độ của những ai không còn khả năng phán đoán và không còn nghe được tiếng nói của lương tâm, nếu không phải là chính CS đang đội lốt.

Nguyễn Học Tập

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.