Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

01/09/200100:00:00(Xem: 4534)
Hỏi (Bà Nguyễn Thị Thôi): Cách đây gần hai tháng, trong lúc tôi và chồng tôi đang đi shop để mua một ít đồ đạc. Bất thình lình chồng tôi bị trượt té vì dẫm phải sữa tươi ở trên sàn của khu vực shopping.
Thoạt tiên chồng tôi tự đứng dậy được, tôi bèn dìu chồng tôi đến chiếc ghế dài để ngồi nghĩ. Nhưng sau đó chồng tôi có cho tôi biết là ông ta sẽ không thể nào tiếp tục đi được nữa và yêu cầu tôi kêu xe ambulance để đưa ông đến bệnh viện.
Tôi đã vào tiệm thuốc tây gần đó và nhờ họ gọi xe ambulance giùm. Thế là chừng 10 phút sau, xe ambulance đến và thế là chồng tôi được chở vào bệnh viện.
Sau khi khám nghiệm và chụp hình quang tuyến, bác sĩ có cho biết là có vấn đề với cột xương sống của chồng tôi. Sau đó mới biết được là cột xương sống của chồng tôi bị giãn. Thế là ông ta phải nghỉ việc kể từ ngày đó.
Chồng tôi làm việc cho một công ty chuyên đóng bàn ghế đã hơn 10 năm nay. Bác sĩ có cho biết rằng chồng tôi khó có thể trở lại làm những công việc mà ông ta đã làm trước khi xảy ra tai nạn, và cũng có thể là ông ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại làm việc bình thường được.
Xin LS cho biết là nếu ý kiến vừa nêu trên của bác sĩ là đúng với sự thật thì số tiền bồi thường cho chồng tôi sẽ được tính như thế nào và chừng bao nhiêu" Nếu sau này khi họ đã bồi thường cho chồng tôi, và sau khi nhận được tiền bồi thường, chồng tôi may mắn chữa trị khỏi hẳn chứng nhức lưng; trong trường hợp đó chồng tôi có phải bồi hoàn lại phần nào số tiền đã nhận được hay không"
Trả lời: Nếu chồng bà thực sự bị thương tật vĩnh viễn và không thể nào trở lại để làm việc bình thường được nữa thì việc bồi thường cho chồng bà sẽ được tính toán dựa trên hai loại tiền bồi thường thiệt hại khác nhau đó là “tiền bồi thường thiệt hại đặc biệt” (special damages) và “tiền bồi thường thiệt hại tổng quát” (general damages).
“Tiền bồi thường thiệt hại đặc biệt” là tiền bồi thường cho những sự mất mát “có thể chứng minh được với sự chính xác tương đối” (can be proved with relative precision). Ví dụ chồng của bà có thể chứng minh một cách chính xác về số tiền chi phí mà ông ta đã trả cho bệnh viện hoặc thuốc men trong suốt thời gian kể từ lúc bị tai nạn cho đến ngày được tòa xét xử.
Ngược lại, “tiền bồi thường thiệt hại tổng quát” (general damages), sẽ được bồi thường cho những sự mất mát không thể tính toán và chứng minh được một cách chính xác. Đó là những gì mà chồng bà phải gánh chịu trong tương lai và những thứ đó không thể nào tính toán được một cách chính xác trong hiện tại. “Tiền bồi thường thiệt hại tổng quát” không những chỉ là tiền bồi thường về những sự đau đớn hoặc thiệt hại xảy ra trong tương lai mà ngay cả trong hiện tại. Vì thế, sự đau đớn được tính toán để bồi thường không những chỉ là sự đau đớn mà chồng bà phải chịu đựng trong tương lai mà luôn cả sự đau đớn mà chồng bà phải chịu đựng kể từ ngày bị tai nạn cho đến ngày được tòa xét xử, vì sự đau đớn này không thể nào tính toán chính xác được.
Khi đưa ra số “tiền bồi thường thiệt hại tổng quát” (general damages) liên hệ đến các chi phí bệnh viện, thuốc men, hoặc sự chăm sóc trong tương lai, thì chồng bà sẽ được bồi thường cho tất cả các chi phí được xem như là hợp lý mà chồng bà phải chi dùng để chữa trị cho những thương tích và sự chăm sóc đặc biệt do thương tật gây ra. Đây là nguyên tắc căn bản để tính toán các phí tổn mà nạn nhân phải gánh chịu trong tương lai. Khi đưa ra quyết định liên hệ đến việc liệu một chi phí đặc biệt nào đó có hợp lý đối với tình huống của “nguyên đơn” (the plaintiff) hay không" Tòa thường cân nhắc về các phí tổn liên hệ đến “lợi ích sức khỏe” (health benefit) của “nguyên đơn”.

Trong vụ Sharman kiện Evans (1977). Trong vụ đó, “nguyên đơn” (the plaintiff), một người đàn bà 20 tuổi, bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi gây ra do lỗi của “bị đơn” (the defendant), là chồng chưa cưới của cô ta. Cô ta bị bán thân bất toại, không còn nói được nữa, và chịu đựng sự hít thở rất khó khăn. Thoạt tiên, tòa buộc “bị đơn” bồi thường cho cô ta một số tiền là $300,547.50 trong đó gồm khoảng chừng $150,000 đến $170,000 là tiền mà cô ta cần dùng cho sự chăm sóc và thuốc men trong tương lai. Tuy nhiên, sau đó Tối Cao Pháp Viện đã cho rằng số tiền bồi thường đó đã vượt quá mức và đã giảm xuống còn $270,500. Trong việc cứu xét về tiền bồi thường thiệt hại đối với sự chăm sóc và thuốc men trong tương lai tòa đã cho rằng chi phí về việc chăm sóc tại nhà cho “nguyên đơn” đã vượt hẳn chi phí mà cô ta được chăm sóc trong bệnh viện, và tòa cho rằng . . . lợi ích đối với cô ta về việc được chăm sóc tại nhà thay viø được chăm sóc trong bệnh viện không liên hệ gì đến “lợi ích sức khỏe” (heath benefit) của cô ta cả, mà đó chỉ là một sự tận hưởng đối với đời sống vì sự cảm nhận là được hưởng không khí của nhà mình. (Về điểm này, chắc quý độc giả đã không đồng ý với quan điểm của tòa, vì nếu cô ta không bị thương tật gây ra do lỗi của “bị đơn” thì cô ta đương nhiên được quyền tận hưởng bầu không khí ấm cúng của gia đình mà không phải bị giam hãm hoặc giới hạn trong phòng chữa trị và sự chăm sóc của các ý tá tại bệnh viện. Vì thế, khi cô ta chọn lựa để được chữa trị ở nhà hầu cảm nhận được bầu không khí ấm cúng của gia đình thì “bị đơn” phải gánh chịu toàn bộ chi phí đó. Hơn nữa, không khí thoải mái trong lúc chữa trị cũng là một phần của “health benefit” ). Tòa không cần lưu tâm đến sự chọn lựa của “nguyên đơn” trong việc xử dụng tiền bồi thường. Tuy nhiên, tiền bồi thường thiệt hại sẽ không thể tính nhiều hơn nếu “nguyên đơn” thực sự muốn chi dụng nhiều về sự chăm sóc mà tòa nhận thấy là không hợp lý. Tòa sẽ không chiết giảm số tiền bồi thường thiệt hại nếu có chứng cớ rằng “nguyên đơn” thực sự không có ý định chi dùng tiền bạc vào việc chăm sóc.
Trong vụ Griffiths kiện Kerkemeyer. Trong vụ đó, “nguyên đơn” đã bị thương tật trầm trọng do lỗi của “bị đơn” gây ra, sự thương tật này buộc “nguyên đơn” phải được chăm sóc suốt đời. Chứng cớ cho thấy rằng sự chăm sóc sẽ do gia đình và vị hôn thê của “nguyên đơn” đảm trách mà không phải trả phí tổn. “Bị đơn” tranh cãi rằng tiền bồi thường không được tính thêm chi phí bệnh viện và chăm sóc, vì “nguyên đơn” thực sự không trả các chi phí đó. Tuy nhiên, tòa đã đưa ra phán quyết rằng số tiền bồi thường thiệt hại phải bao gồm chi phí được tính toán dựa vào thời gian mà vị hôn thê và gia đình sẽ chăm sóc cho nạn nhân, mặc dầu nạn nhân không bị buộc phải trả tiền cho sự chăm sóc đó.
Riêng đối với câu hỏi là sau khi nhận được tiền bồi thường, chồng bà may mắn chữa trị khỏi hẳn chứng nhức lưng; trong trường hợp đó, chồng bà có phải bồi hoàn lại phần nào số tiền đã nhận được hay không" Tôi xin trả lời cho bà biết rằng khi tòa đã đưa ra phán quyết để bồi thường cho chồng bà một số tiền nhất định nào đó, thì dù sau này sức khỏe của chồng bà có tệ hại hơn nhiều so với sự dự đoán trong lúc xét xử thì chồng bà cũng không có quyền để đòi bồi thường thêm. Ngược lại, nếu chồng bà may mắn được bình phục, thì xin bà hãy cám ơn thượng đế mà không phải lo lắng về chuyện trả lại phần nào cho số tiền mà chồng bà đã được bồi thường trước đó. Ngoài ra chồng bà có quyền đòi bồi thường về việc mất khả năng làm việc để kiếm tiền trong tương lai. Việc này tùy vào tuổi tác và khả năng chuyên môn của chồng bà.
Hy vọng những luật lệ và các phán quyết vừa trưng dẫn có thể trả lời được phần nào cho những thắc mắc mà bà đã nên lên trong thư. Chúc chồng bà sớm hồi phục.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.