Hôm nay,  

2 Cái Chết Của Một Thành Phố

16/09/200500:00:00(Xem: 5516)
- Chắc hẳn bạn cũng như tôi đã theo dõi những hình ảnh tàn phá chết chóc của thành phố New Orleans sau trận bão Katrina với lòng buồn vô hạn. Nhưng nếu bạn đọc những tờ báo của giới yêu nhạc thì hình như có một cái chết khác buồn cũng không kém: đó là cái chết, dưới con mắt của họ, của nền văn hoá độc nhất vô nhị đã nở rộ tại New Orleans, cái nền văn hoá đã khai sinh ra nhạc jazz và đã trở thành một thứ truyện thần thoại của lịch sử âm nhạc loài người.
Những vết hằn trên thân thể New Orleans không thể kể hết được sự mất mát. Hàng ngàn người chết, nguyên những khu phố bị tàn phá hư hại trong đó có những viên ngọc quý như con đường Bourbon Street đã được ca ngợi trong vô số ca khúc và là nơi những thần tượng thuở trước như Louis Armstrong, BB King và Jelly Roll Morton đã từng trình diễn. Có khu French Quarter với cái nét rất Tây, khu Basin Street, khu Garden District, có viện bảo tàng jazz và còn nhiều kho tàng khác nữa, tất cả đã khiến cho nhạc sĩ Digby Fairweather phải than khóc: "Đối với người chơi jazz, chẳng khác gì một người rất thân vừa mới nhắm mắt". Danh nhạc Harry Connick Jr cũng buồn theo: "Trọn cuộc đời nhạc sĩ của tôi nằm hết ở đây. Nhìn thấy tất cả bị phủ dưới mặt nước là một điều ngoài sức chịu đựng của tôi".
Nhưng nhà đổ thì có thể dựng lại, đường hư cũng có thể vá lại. Điều làm người ta lo sợ hơn là cái hồn, cái tinh túy của New Orleans một khi đã ra đi có thể sẽ không bao giờ trở lại nữa. Du khách thường bảo New Orleans không phải là một thành phố Mỹ mà là một khu phố vùng đảo Carribean. Nó khác hẳn tất cả những nơi khác tại Hoa Kỳ, từ kiến trúc cho tới dân tình và phong thái. Nó toát ra một sức sống yêu đời kỳ diệu do sự trộn lẫn hài hoà tuyệt vời giữa các chủng tộc từ châu Âu, châu Mỹ La-Tinh, châu Phi, da trắng, da đỏ lẫn da đen - một thành phố như lúc nào cũng đang ca hát nhảy múa, hội hè ăn uống. Trên đường phố luôn sầm uất, bánh beignet của người Pháp được bày bên cạnh bánh mufaletta, một loại bánh không biết do anh chàng người Ý nào sáng chế ra, chỉ biết nó ngon kinh khủng.

Người ta kể rằng thuở đầu, người nô lệ da đen đã tụ họp hát hỏng với nhau tại công viên Congo Square bây giờ, rồi nhạc jazz, nhạc blues, nhạc Dixieland ra đời. Các loại nhạc chòng chéo lẫn nhau dẫn tới điệu rythm and blues và cuối cùng là phong trào rock and roll phát triển cho tới ngày nay. Ảnh hưởng của thành phố này trên âm nhạc thế giới sâu rộng đến thế đó. Người chơi nhạc đổ xô về New Orleans vì kiếm việc ở đây quá dễ: nơi đâu cũng toàn là nhạc và nhạc. Ngay cả trong những đám ma, người ta đưa ma đi với nhạc thánh buồn và đưa nhau về với nhạc jazz kích động...
Nhưng rồi Katrina ập tới. Thay thế nắng ấm là một bầu trời xám xịt. Người yêu nhạc lo lắng rằng sau trận bão này, những khu phố xưa sẽ bị san bằng để được tái thiết. Những toà nhà chung cư mới sẽ mọc lên thay vào đó, tân thời hơn, hào nhoáng hơn, nhưng liệu người dân cũ sẽ có trở về đây ở hay không và nếu họ trở về, cái không khí bình dân đầy ắp khi xưa liệu còn sống sót được hay không"
Mối lo càng lớn hơn nữa khi nhìn thấy cảnh hỗn loạn xảy ra ngay sau trận bão. Giữa bao nhiêu những tấm gương hy sinh cao cả thì ngoài đường trộm cướp nổi lên như rươi. Người ta nổ súng, hiếp dâm, thậm chí bắn cả vào trực thăng cứu trợ - người khùng, người bệnh hoạn hay người ác" Đường phố tràn ngập những khuôn mặt nhớn nhác sợ hãi của những người dân da đen nghèo túng. Với những đoàn xe tuần của quân đội ngổn ngang súng ống, quang cảnh trông chẳng khác gì một vùng chiến.
Có phải một cái gì đã đổ gẫy" Sự hài hoà, khoan dung, cởi mở vô tư đã nhường chỗ chăng cho một cái gì dữ dằn, không biết tha thứ và không biết chấp nhận nhau" Nhìn ngược lại thời gian, người ta mới nhận thấy là văn hoá Creole đặc thù của New Orleans đã thoi thóp từ nhiều năm nay. Những phòng vũ zydeco và ngôn ngữ Creole đã không ngớt héo hắt đi và linh hồn New Orleans có thể đã nhón bước ra đi mà không ai để ý... cho tới ngày hôm nay!
Thưa bạn, không có gì buồn hơn nhìn thấy một nền văn hoá như chìm xuống trước mắt mình. Tôi đang ngồi thầm cầu nguyện cho New Orleans thì chợt nghĩ tới nước mình. Ở nước ta không có một Katrina mà hàng trăm Katrina: sau cuộc chiến dai dẳng, hai tai hoạ khủng khiếp đã ập tới - tai hoạ cộng sản và tai hoạ mafia tư bản - khiến cho xã hội dân ta như bị cướp mất linh hồn. Tính chân thật và cuộc sống hiền lành bị khủng hoảng đến độ nhà làm phim Trần Văn Thủy phải quay cuốn phim "Chuyện Tử Tế" như một tờ di chúc...
Văn hoá là một sinh vật luôn thay đổi, tôi vẫn biết thế. Nhưng khi thấy cái đẹp cáo chung, tôi vẫn không sao dằn được nỗi buồn vô hạn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.