Hôm nay,  

Hạt Giống Như Lai

06/09/200500:00:00(Xem: 5539)


Tiếng gõ cửa dồn dập, khẩn cấp, nóng nảy, cuồng nộ.... Tôi buông cuốc, không kịp rửa tay, vừa chạy lên nhà trên, vừa chùi hai bàn tay bết bùn vào quần jean.
Cửa mở. Bạn ào vào như cơn lốc, nước mắt tuôn như suối, nức nở như sấm chớp mưa giông! Tôi dùng nguyên bàn tay lem luốc, ấn mạnh bạn xuống ghế và ra lệnh:
- Ngồi yên đó, ta rửa tay, pha trà xong rồi hãy khóc tiếp.
Không ngờ trong tình cảnh đó, bạn lập tức tuân hành mệnh lệnh, nín bặt, không cả tiếng sụt sùi. Được đáp ứng bất ngờ, tôi lại là người bối rối. Tôi cố tình đổ nước vào ấm thật đầy, để lâu sôi, cố tình nhẩn nha rửa bình trà dù bình đã sạch lắm. Tôi câu giờ chuyện pha trà vì chưa biết sẽ mở lời với bạn thế nào. Cùng học đạo với nhau đã lâu, tôi chưa bao giờ thấy bạn tỏ lộ sự bi thảm đến thế! Tôi phải làm gì để chia xẻ với bạn đây"
Đặt khay trà xuống bàn, chúng tôi nhìn nhau, im lặng. Chắc bạn khóc đã nhiều trước khi đến đây, đôi mắt mới đỏ ngầu, sưng húp thế kia. Hai bàn tay bạn run rẩy, xoắn vào nhau. Hình như bạn đang cố dùng lực xiết mạnh vào hai tay để nén tiếng khóc. Tôi buột miệng:
- Khóc đi! Đừng giữ lại! nước mắt tuôn ra nhẹ ngàn lần hơn nước mắt nuốt vào!
Như chỉ chờ có thế, con đê vỡ bung, sức nước hung hãn cuốn phăng làng mạc, thôn xóm. Đột nhiên, không bắt nguồn từ dây mơ rễ má nào, câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ vụt ngang như lằn chớp: “Tôi ngồi trên bờ. Vuốt ngọn cỏ mơ”. Khi viết câu này, không biết Thầy Tuệ Sỹ viết về tình huống nào, tâm trạng nào nhưng vô tình lại đang tả tình tả cảnh rất đúng với hai chúng tôi, một đứa đang khóc như sông trôi mùa lũ, một đứa lại thản nhiên như kẻ ngồi trên bờ, vuốt ngọn cỏ mơ. Cám ơn Thầy Tuệ Sỹ, chính hai câu thơ xẹt ngang khung trời giông bão này đã giúp tôi cách chia xẻ niềm đau khổ với bạn. Tôi cứ ngồi yên, nhìn bạn khóc, thỉnh thoảng tiếp tế giấy lau. Không biết bao lâu, rồi mưa cũng phải ngớt, gió cũng phải ngừng. Tôi rót trà vào tách, đưa cho bạn. Bạn đỡ lấy, nhìn tôi, rồi lí nhí mở lời:
- Đạo hữu biết không ....
Đã có chủ định, tôi chặn ngay:
- Không, tôi không biết, chuyện gì cũng sẽ kể sau. Ngày mai phải trả bài cho Thầy rồi mà tôi còn nhiều điểm lúng túng quá, bạn phải giúp tôi với. Tư tưởng Kinh Duy Ma cao siêu, nhiều ẩn dụ quá, như khu rừng thiền mênh mông, không cẩn trọng là lạc ngay.
Quả nhiên, bạn bị tôi lái nhẹ sang hướng khác mà không hay. Bạn vừa lau nước mắt, vừa hỏi:
- Mình đang học Kinh Duy Ma Cật, phẩm thứ tám phải không"
- Đúng, phẩm “Phật Đạo” đó. Khi ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi “Những gì là hạt giống của Như Lai"” câu trả lời của ngài Văn Thù khó hiểu quá! Bạn nhớ câu đó không"
Bạn quên khóc, đi ngay vào bài học:
- Nhớ, Văn Thù Sư Lợi trả lời rằng “62 tà kiến và hết thảy phiền não ở khắp cõi đều là hạt giống Như Lai cả”.
Tôi lại cố tình khơi sâu vào bài học, xòe mười ngón tay ra và bắt đầu lẩm nhẩm tính:
- Hữu thân là hạt giống, vô minh hữu ái là hạt giống, tham sân si, tứ điên đảo, thập bất thiện là hạt giống .....
Bạn tiếp lời:
- Thất thức xứ, bát tà pháp, cửu não xứ là hạt giống .....
Tôi ngắt lời:
- Chúng ta sẽ phải học từng phần trong 62 tà kiến đó; nhưng riêng phần phiền não, ta có thể ôn bài với nhau bây giờ vì đó là phần tôi chưa thấu triệt khi ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi: “Sao lại thế" Sao tà kiến và phiền não lại là hạt giống Như Lai"”.
Tới đây, không những bạn ngưng khóc mà còn mỉm cười:
- Ừ, trong Kinh diễn tả là ngài Duy Ma hỏi ngài Văn Thù nhưng thật ra ngài Duy Ma hỏi cho chúng ta đấy chứ! Các ngài đã khéo lồng những tình tiết này khiến khi học Kinh chúng ta cảm thấy gần gũi, thích thú. Ngài Văn Thù đã trả lời rằng; “ Đúng, tà kiến và phiền não chính là hạt giống Như Lai vì đối với những người đã thấy pháp vô vi rồi mà vào Niết Bàn thì không thể phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nữa.
Tôi phải giả ngây thơ để bạn nói tiếp:
- Sao thế" Người đã thấy vô vi thì dễ cầu pháp hơn chứ"
Bạn hăng say:
- Ấy, tuần trước, khi học tới đây Thầy cũng nhắc phải cẩn thận. Quả nhiên, khi giảng rộng ra thì nghe thế mà không phải thế!. Người đã thấy vô vi, ví như đã ở trên gò cao; gò cao làm sao mọc được hoa sen mà chỉ nơi bùn lầy nước đọng sen mới vươn lá, đơm hoa; hoặc, cũng như khi gieo hột giống, có ai tung hột trên không trung trăng thanh gió mát mà hột nẩy mầm được không" hay phải gieo xuống đất bùn phân ẩm mới đâm chồi nẩy lộc"
Tôi bàn thêm:
- Nói nôm na thì như người trí không còn cầu học nữa, dừng lại ở giới hạn hiểu biết đó, cho là đã đủ, quá đủ. Ngược lại, người ngu si, biết mình ngu nên miệt mài học, phát tâm cầu học đến vô cùng nên có thể vượt qua người trí, đạt đến tột đỉnh mà trong phạm vi cầu đạo ta có thể gọi là đạt đến Phật quả.
Bạn đồng ý ngay:
- Trong Kinh Duy Ma có nhấn mạnh thêm về đoạn này với hình ảnh liên đới rất hay, là người không lặn xuống biển sâu thì không tìm được ngọc trai quý giá; không khác gì người không trầm luân trong biển phiền não sẽ chẳng tìm được ngọc Nhất Thiết Trí vì từ chông gai mới bừng lên hào khí, từ khổ đau mới phát sanh trí huệ. Do đó mà ngài Văn Thù nói rằng, phiền não là hạt giống Như Lai.
Tôi reo lên:
- Đúng rồi, hạt giống đó chính từ mầm phiền não mà nở thành bông sen.
Giọng bạn bỗng trở lại buồn bã:
- Tri và hành là hai việc khác nhau. Biết thế mà làm được thế mới khó.
Sợ cơn giông bão lại kéo về, tôi vội vã trấn an:
- Đường tu cũng như đường đời, chúng ta luôn phải đối đầu với thuận và nghịch, có thế ta mới nhìn ra chân lý, nên đôi khi chúng ta phải cám ơn nghịch cảnh vì không có nghịch cảnh ta không có dịp biết mình tu chứng tới đâu. Chỉ khi chúng ta thoát ra khỏi sự chi phối của ngoại cảnh ta mới vào được thế giới Diệu Hỷ, đó là thế giới không bị sương gió trần ai xao động.
Bạn thuộc bài hơn tôi tưởng khi phát biểu:
- Đã vào thế giới Diệu Hỷ thì làm gì còn tu với chứng nữa. Trong phẩm bẩy “Quán chúng sanh” chúng ta vừa học, tôi rất thích đoạn Thiên nữ thị hiện rải hoa cúng dường và đàm luận cùng ngài Xá Lợi Phất. Mỗi câu hỏi, câu đáp ở đoạn này là mỗi bài pháp trí tuệ tuyệt vời.
- Thí dụ.
- Thí dụ ư " Đây nhé, khi Xá Lợi Phất hỏi Thiên nữ “Trong Tam-thừa Như Lai, cô tu ở thừa nào"” thì thiên nữ trả lời “ Tôi không tu thừa nào cả!” Xá Lợi Phất lại hỏi gặng “Không tu thừa nào thì cô có phải là đệ tử của Như Lai không"” Tới đây Thiên nữ mới nói rõ: “Khi đi vào rừng cây chiên đàn, ta sẽ chỉ ngửi thấy mùi hương chiên đàn mà thôi, không mùi nào khác nữa”. Câu trả lời đầy trí tuệ này khai mở cho chúng ta suy nghĩ rằng Thiên nữ đã lìa khỏi khái niệm tam thừa, chỉ còn thừa duy nhất là nhất thừa mà thôi; và nhất thừa đó không tách rời tam thừa, nhất thừa đó dung chứa tam thừa.
Tôi hỏi vặn:
- Ý bạn định nói Thanh-Văn-thừa, Duyên-Giác-thừa chỉ là phương tiện dẫn đến Bồ-Tát-thừa, phải không"
Tưởng tôi phản đối, bạn ngạc nhiên, cao giọng:
- Chứ không phải phẩm bẩy nói rõ vậy ư"
Tôi im lặng mỉm cười. Hình như bạn vừa nhận ra “âm mưu” của tôi, là hóa giải phiền não của bạn bằng cách ôn bài học “phiền não là hạt giống Như Lai”. Nhưng nhận ra điều đó có hại gì đâu khi nó giúp bạn biết rằng mọi sự trên đời đều có hai mặt như chiếc mề đay, và mặt trái mới là mặt quan trọng vì đó là mặt tàng ẩn những gì ta phải chống trả, đối phó, hứng chịu và nếm mọi đắng cay. Công lực ta có hay không là khi trực diện mặt trái đó.
Sau khi xả thiền, bạn chậm rãi đọc cho tôi nghe bài kệ của Thiền-sư Vạn Hạnh, và đọc luôn cả bài dịch của Thích Mật Thể như sau:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Trước khi về bạn còn ra vườn hái mấy bông ngọc lan, loanh quanh ngắm những cành bưởi trĩu trái mà tôi vẫn chưa phải nghe “chuyện gì bi thảm đến nỗi khóc như mưa bão!!!”
Bạn đã thấu triệt bài học “Phiền não là hạt giống Như Lai” mà bạn không hay.
Nguyễn Bỉ Ngạn



Truyền Thống Khất Thực:
Tại Sao Và Khi Nào"
Thư Viện Hoa Sen
LGT: Tại sao quý sư đi khất thực" Theo luật, khất thực vào giờ nào trong ngày, tại nơi nào, với nghi thức nào" Để độc giả hiểu về một truyền thống trong Phật Giaó, bài sau đây từ Thư Viện Hoa Sen, nguyên được phat1 thanh hôm Thứ Bảy ở Quận Cam và Houston giaỉ thích chi tiết về luật khất thực như sau.
Thưa quý thính giả,
Tuần qua, ban biên tập Thư Viện Hoa Sen chúng tôi nhận được thư của một thính gỉa, nội dung như sau: "Trong một dịp về thăm quê nhà gần đây, tôi thấy có một vị Sư đứng khất thực tại trước cửa Đông chợ Bến Thành và vào một dịp khác ghé thăm khu Little Saigon, miền Nam California, tôi cũng thấy có một vị Sư áo vàng đứng khất thực trước cổng sau thương xá Phước Lộc Thọ. Tôi không biết đường lối khất thực của nhà Phật như thế nào" Khất thực có phải là đi xin ăn hay đi xin tiền vì tôi thấy có người bỏ tiền vào bình bát" Xin vui lòng giảng giải cho tôi biết về pháp khất thực của nhà Phật như thế nào."
Thưa quý thính giả,
Việc đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác, và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ khất sĩ có từ đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin Pháp của Phật để tu hành nuôi tâm. Từ ban đầu, họ không phải là những nhà tu khổ hạnh tự hành xác để sám hối và không xem lối sống đơn giản tự nó là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người.
Khất thực có nghĩa là xin ăn. Cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chính mạng thanh tịnh. Tưởng cũng nên nói thêm ở đây là tu sĩ của một số tôn giáo khác ở xã hội Ấn Ðộ thời đức Phật còn tại thế, thường dùng những phương tiện không chính đáng để mưu sinh, bởi lẽ những công việc ấy nhẹ nhàng, dễ làm, không khó nhọc như các nghề coi bói toán, xem tinh tú, bùa chú, xem ngày xấu, giờ tốt, xem phong thổ, địa lý, xây nhà, đào ao, v…v... Ðức Phật nhận thấy đây là điều không thể chấp nhận và không phải là việc làm của người tu sĩ Phật giáo, không phải là hành chánh mệnh thanh tịnh.


Đi khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi rỉ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý, ... Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của người xuất gia. Các vị đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Ở các nước theo Nam Tông Phật giáo, chư Tăng đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Bắc Tông Phật giáo thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong ba tháng an cư kiết hạ, có nơi còn ba tháng kiết đông nữa; đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm cúng dường trai tăng thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai.
Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà. Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh, các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên, cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.
Khất thực xong, các vị trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Đây là bữa ăn duy nhất trong ngày. Thông thường thức ăn được phân ra làm bốn phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. Khi thọ dụng thức ăn các vị Tỷ kheo xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành, ngon không ham, dở không bỏ. Thọ dụng cúng phẩm của người đời vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Sau bữa ăn, các vị rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ trong chốc lát, liền lại đến một gốc cây hay căn nhà trống, hay tịnh thất ngồi thiền định như hành Tứ niệm xứ hay niệm hơi thở vào, hơi thở ra.
Hằng năm, chư Tăng ni an cư vào ba tháng mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có thiện nam, tín nữ, đến tịnh xá "để bát" và lo tứ sự cúng dường. Cứ đến ngày lễ Bố-tát vào ngày trăng tròn và ngày đầu trăng, chúng Tỳ kheo cùng sống trong một vùng phải tập họp lại một chỗ gọi là giới trường để tụng đọc Giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa. Chư Ni thì có đại diện đến xin lãnh giới ở chư Tăng và trở về tịnh xá riêng của Ni để tụng đọc Giới bổn Ni. Ngoài ba tháng an cư, chư Tăng được tung ra khắp các phương hướng, đi đến các trú xứ khác nhau, trong các quốc độ, vừa khất thực để độ nhật, vừa thuyết pháp độ sinh, và vừa nỗ lực tinh cần tiếp tục hành Thiền để đoạn trừ tham sân si.
Thưa quý thính giả,
Pháp Khất thực do Phật truyền cho các đệ tử xuất gia phù hợp với nguyên lý Trung đạo, tức là tránh xa hai cực đoan: Thứ nhất là tránh xa sự sung sướng thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát mà không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp với thức ăn mỹ vị, và thứ hai là tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không giống như phái tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn dư thừa mà ăn.
Theo Kinh Phật, sự xin ăn của tu sĩ đem lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh:
Đối với vị Tỳ kheo khất thực thì có năm điều lợi ích:
(1) tâm trí được rảnh rang, ít phiền não,
(2) không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh nhai,
(3) đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn,
(4) đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa, thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều hơn nữa, tránh khỏi sự thâu trữ vật thực tiền của và
(5) có nhiều thì giờ tu hành.
Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị Tỳ kheo khất thực còn mang lại ba điều lợi ích cho chúng sinh như:
(1) tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ,
(2) tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và
(3) Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải.
Theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực vị khất sĩ nguyện rằng: "Nguyện cho các vị Khất gỉa thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ."
Trong khi đi khất thực, vị khất sĩ giữ tâm bình đẳng: theo thứ tự nhà của dân chúng mà xin ăn, không chỉ đến xin nơi nhà giầu, cũng không chỉ xin nơi nhà nghèo. Có lần đức Phật quở Tôn gỉa Ca Diếp bỏ nhà giầu mà xin nhà nghèo, quở Tôn gỉa Tu Bồ Đề bỏ nhà nghèo mà xin nhà giầu. Vì trước đó Tôn Giả Ca Diếp nghĩ rằng "người nghèo thật đáng thương, ít phước, nếu không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn, nên đến đó xin để nhờ đó họ bố thí cúng dường mà được phước về sau". Trái lại, Tôn giả Tu-Bồ-đề lại cho rằng: "Người giàu, nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau lại nghèo khổ." Mỗi vị đều trình bày lý do của mình, Đức Phật mới quở trách các vị ấy là bậc A-la-hán có tâm phân biệt, không bình đẳng. Khi đi vị Khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, đi hết bảy nhà nếu không ai cúng dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó. Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị Khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho Khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: "chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực".
Thưa quý thính giả,
Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và một phần của miền Nam Việt Nam chư Tăng vẫn tiếp tục theo truyền thống khất thực này. Ở Trung Hoa, Triều Tiên và Tây Tạng truyền thống khất thực dường như đã hoàn toàn biến mất. Dưới Triều nhà Đường ở Trung Hoa, một tông phái đặc biệt, Luật Tông, được thành lập với mục đích làm sống lại truyền thống khất thực xưa, và đem ra thực hành những giới luật nghiêm ngặt của Luật Tạng. Dưới triều đại nhà Tống, các Thiền Sư thực hành khất thực và sự thực hành này còn tồn tại nơi những Thiền Sư Nhật Bản. Tuy nhiên ở Nhật Bản, khất thực không phải là nguồn sinh sống chính mà chỉ là một sự tập luyện kỷ luật cho những vị sơ tu hay là một cách lạc quyên vào những dịp đặc biệt và cho những mục đích từ thiện. Đối với Phật giáo phương Tây, vì hoàn cảnh xã hội không giống như hoàn cảnh các quốc gia phương Đông, nên pháp Khất thực khó thực hiện. Đa số các Tăng ni không đi khất thực nên các nhu cầu ăn uống đều do các Phật tử tại gia cúng dường.
Riêng tại Việt Nam hình ảnh các vị tăng áo vàng đi khất thực không còn nhiều nữa bởi nhiều lý do không hay cho lắm, trong đó có những vị Sư giả đi khất thực! Thật là buồn khi chính Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải ra thông tư giới hạn nghiêm ngặt việc khất thực để bảo vệ danh dự của tăng đoàn nhất là tăng đoàn của hệ phái Khất sĩ và Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam. Ðối với hệ phái Khất sĩ và Nam tông, sau ngày 1.5.2001, nếu vị nào vẫn muốn giữ hạnh khất thực thì phải xin phép với giáo hội và sẽ được giáo hội cấp gấy chứng nhận cùng với phù hiệu đàng hoàng. Các vị này phải hành trì đúng chánh pháp, đúng luật qui định của giới khất sĩ, tức là chỉ đi khất thực từ 8 giờ đến 10 giờ sáng. Sau 10 giờ sáng là phải trở về trú xứ. Chỉ được thọ nhận vật thực, không được nhận tiền bạc. Về hành trang chỉ gồm có một chiếc bình bát duy nhất, không được mang theo túi hay đãy. Ðối với Ni giới, khi đi khất thực, phải đi từ hai vị trở lên, không được đi một mình riêng lẻ.
Nói tóm lại, vì nhu cầu tu học, nên vấn đề ăn uống cần phải được giản dị, thực phẩm phải được xem như là dược thực, vì thế Tăng đoàn thời Đức Phật phải đi khất thực. Khất thực là chính sách thực hành giáo pháp, là truyền thống của chư Phật. Các thầy Tỳ kheo phải giữ tâm bình đẳng mà đi khất thực từng nhà, không phân biệt giầu nghèo sang hèn để tạo cho đủ mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ duyên thực hành hạnh bố thí cầu phước, nhân dịp đó quý thầy nói pháp khuyên dạy mọi người tu hành. Khi đi không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, luôn điều phục thân tâm trong chánh niệm, đi theo thứ lớp: Nếu hàng Phật tử thỉnh thọ trai thì không cần theo thứ lớp, cứ đi thẳng đến nhà thí chủ thỉnh mình. Còn khất thực phải theo thứ lớp. Ai cho gì ăn nấy, không được phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở, chay mặn, không được qui định người thí chủ phải cúng dường như thế nào, mà là tùy điều kiện khả năng và phát tâm của thí chủ. Đó mới gọi là trí không phân biệt. Cũng vậy khi ăn thì phải trộn các món ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon món dở và không phân biệt mùi vị. Mục đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống xác thân mà tu hành giải thoát.
Ban Biên Tập
www.thuvienhoasen.org
(Bài này đã được phát thanh ngày 3 tháng 9 tại Nam California và 4 tháng 9, 2005 tại Houston Texas)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.