Hôm nay,  

Cia Và Hội Chứng Tiêu Viễn Sơn

30/07/200400:00:00(Xem: 4905)
Hoa Kỳ thất bại trong việc ngăn ngừa khủng bố vì thiếu trí tưởng tượng" Không, vì thừa tính thư lại và bị hội chứng Tiêu Viễn Sơn.
Trong tháng Bảy, trước Đại hội đảng Dân chủ, Hoa Kỳ nhận được hai điều răn về tình báo: của Thượng viện và của Ủy ban Điều tra vụ 9/11. Trước đó, Hoa Kỳ cũng đã nhận được cả chục điều răn của quân khủng bố.
Năm 1983, 244 binh sĩ Mỹ tử thương trong vụ đánh bom tại Beirut, của Lebanon. Mười năm sau, trung tâm World Trade Center tại New York cũng bị đánh bom, cũng bằng một xe vận tải có đặt chất nổ. Bảy năm sau, đến chiến hạm USS Cole bị đánh bom tại Yemen, bằng chiếc xuồng có đặt chất nổ. Giữa các vụ đó là một khách sạn tại Yemen bị đặt bom năm 1992, bên trong có nhân viên Mỹ; là tòa cao ốc Khobar Towers bị đánh sập tại Saudi Arabia năm 1996; vụ hai sứ quán Mỹ bị tấn công tại Châu Phi năm 1998.
Bảo rằng tình báo Hoa Kỳ thiếu trí tưởng tượng nên không lường trước được vụ khủng bố 9/11 là nhục mạ trí thông minh của các cơ quan phụ trách về tình báo và an ninh. Sau các vụ khủng bố bằng hỏa tiễn, xe bom và xuồng bom, quân khủng bố có thể sẽ dùng phương tiện gì để tấn công" Bằng xuồng thì quá chậm, bằng xe hơi thì quá nhỏ, phải bằng cái gì đó đi nhanh hơn và có sức tàn phá lớn hơn. Thí dụ như máy bay. Năm 1995, tên khủng bố Hồi giáo Abdul Hakim Murad khai tại Manila là y đã cùng Rami Yousef bàn tính việc tấn công trụ sở CIA bằng máy bay. Yousef là thủ phạm vụ tấn công World Trade Center năm 1993. Tình báo Philippines đã lập tức thông báo cho Hoa Kỳ từ năm đó. Có cần trí tưởng tượng không" Hay thiếu một điều gì khác nữa"
Vì sao Mỹ không đoán ra"
Năm 1996, dù đã được Manila cho biết, bản tường trình của Ủy ban (Al) Gore về an ninh hàng không không nói đến việc quân khủng bố có thể cướp máy bay và dùng đó làm phương tiện cảm tử để tấn công Hoa Kỳ. Cuối năm 1998, Tổng thống Bill Clinton được tình báo tường trình trong bản phúc trình hàng ngày, rằng Osama Bin Laden chuẩn bị cướp máy bay Mỹ để tấn công. Mãi đến tháng Tám năm 2001, khi Zacarias Moussaoui bị bắt, biên bản vụ này có tựa đề rất vệ sinh: "Hồi giáo cực đoan học lái máy bay". Và Moussaoui thoát.
Điện ảnh và tiểu thuyết trinh thám Hoa Kỳ làm cả thế giới say mê vì khả năng tưởng tượng phong phú, nhưng khả năng đó không vào tới hệ thống tình báo và an ninh Mỹ. Vì hệ thống đó sống trong một thế giới biệt lập, được xây dựng và tiếp tục tồn tại cho một mục tiêu đã lỗi thời. Và vì người Mỹ hồn nhiên sống trong một thế giới hư ảo.
Reuel Marc Gerecht là một học giả của viện nghiên cứu bảo thủ American Enterprise Institute, trước đó, ông từng làm việc trong cơ quan CIA, nên có thể coi là một người biết việc. Không có ông, người ta cũng biết rằng CIA kém về tình báo nhân sự (human intelligence) vì dựa vào tình báo điện tử nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nhờ ông ta, trong một bài viết hồi đầu tháng, người ta mới biết rằng CIA rất khó tuyển người cộng tác từ các nước khác, nhất là các nước trong khối cộng sản,và hầu hết những người cộng tác đều làm trong tinh thần thiện nguyện, hơn là vì tiền bạc. Ngược lại, những người Mỹ hợp tác với tình báo Liên xô chẳng hạn, thì làm việc đó để kiếm tiền!
Những vấn đề ấy, chẳng lẽ tình báo Hoa Kỳ không biết" Nhưng biết mà không duyệt lại nhận thức của mình thì cũng như không. Vì sao lại có hiện tượng đó" Vì quán tính: thói quen suy tư và làm việc theo tập quán.
Trong nửa thế kỷ, nói đúng hơn là từ khi thành lập, năm 1947, CIA là tấm khiên - phù hiệu của cơ quan này - bảo vệ nước Mỹ chống lại mối nguy đáng sợ nhất là Liên xô và cơ quan KGB.

Trong mục tiêu tấn công Hoa Kỳ, KBG phải tìm hiểu xem lãnh đạo Mỹ biết gì và muốn gì, từ đó tìm hiểu xem CIA biết gì về mình để từ đó vừa phòng ngự vừa đánh hỏa mù cho đối phương bị lầm lạc. KBG cũng phải tìm hiểu xem Hoa Kỳ có những kế hoạch phòng vệ nào hay bửu bối gì phương hại cho Liên xô bằng cách xâm nhập vào bộ máy chiến tranh của Mỹ. Đồng thời, KGB cũng phải khuynh đảo để tranh thủ hậu cứ của Tây phương, là các quốc gia trong Thế giới thứ ba. Quy luật đấu tranh muôn thuở, biết mà cứ làm như chưa, và còn làm đối phương hiểu lầm, là những chuyện xưa như trái đất. Ít ra cũng xưa bằng lịch sử loài người.
Tình báo Hoa Kỳ được xây dựng rồi củng cố căn cứ trên những mục tiêu ưu tiên đó của KGB. Nó được rập khuôn theo lối hành động của KGB, trở thành âm bản của tình báo Liên xô, dù Hoa Kỳ không phải là Liên bang Xô viết. Sự khác biệt về văn hóa và chính trị của hai chế độ khiến CIA rất thiện nghệ trong lãnh vực tình báo điện tử mà rất kém về tình báo nhân sự, và rất kém về tâm lý. Ngược với KGB.
Trong nửa thế kỷ, hai siêu cường và bộ máy tình báo của đôi bên tập trung theo dõi nhau, đến độ tiêm nhiễm lẫn nhau vì lối suy nghĩ đó, cho đến ngày Liên xô sụp đổ. Đối với Hoa Kỳ, mọi sự chỉ đáng chú ý khi là Liên xô, đối thủ đáng theo dõi khi là KGB hoặc có liên hệ đến KGB. Quân khủng bố mà ăn lương của KGB thì lọt mắt xanh. Không thì thoát. Al Qaeda đã thoát như vậy. Tabilan đã cầm quyền tại Afghanistan từ 1996 cũng vì lý do đó.
Nước Mỹ và tình báo Mỹ không hiểu là tình hình đã thay đổi sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và một phong trào mới đã xuất hiện.
Nguyên Tổng thống George H. Bush (41) từng là Giám đốc CIA mà còn hồn nhiên tuyên bố sau khi Liên xô tan rã, là thế giới đang bước qua một "trật tự mới". Nguyên Tổng thống Bill Clinton là người có trách nhiệm nặng nhất vì tám năm cầm quyền của ông cũng là tám năm bành trướng của al-Qaeda và khủng bố Hồi giáo, và ông để hụt cả chục cơ hội tiêu diệt kẻ thù. Đương kim Tổng thống George W. Bush cũng có trách nhiệm, vì sau vụ 9/11 vẫn không chủ động cải tổ lại hệ thống tình báo, cho đến khi Ủy ban Điều tra 9/11 khiển trách mới tỏ vẻ sốt sắng nghiên cứu việc cải tổ. Vào tuần qua!
Trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, có hai nhân vật cừu thù là Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Họ sống với ý chí tiêu diệt đối thủ. Khi vị sư áo xám trong chùa Thiếu Lâm lập mưu đánh chết (giả) cả hai để hóa giải mối thù, cả hai sau đó đều hụt hẫng: sống mất định hướng. Họ bị hội chứng Tiêu Viễn Sơn. Làm sao đòi hỏi họ có trí tưởng tượng, để thấy ra những mối nguy khác"
Đó là truyện hư cấu, để giải trí.
Ngoài đời, và trong thế giới tình báo, sự thật nó khốc liệt hơn vậy, nên chúng ta không thấy vui khi chính quyền Bush tiếp tục duy trì một hệ thống tình báo đầy tính thư lại, được dựng lên để chống lại một kẻ thù nay đã chết, mà không nhìn ra những mối nguy mới, phân tán và mờ ảo hơn Liên xô và KGB gấp ngàn lần. Không phải là CIA hay các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ mới thiếu trí tưởng tượng. Bộ máy an ninh đối ngoại của Bush mới mắc tật đó. Họ chưa ra khỏi hội chứng Tiêu Viễn Sơn.
Còn phe đối lập" Họ chưa hề quan tâm đến mối nguy Liên xô và KGB, đến độ chủ hòa bằng mọi giá. "Thà đỏ hơn chết" có thể là khẩu hiệu. Mà họ cũng chẳng hề quan tâm đến lãnh vực an ninh. Hãy kiểm lại thành tích đầu phiếu của John Kerry thì rõ. Ông ta còn lạc quan hơn Bush 43, đến độ cắt giảm ngân sách tình báo Mỹ: cuộc chiến đã tàn, dựng tấm khiên đó làm gì nữa!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.