Hôm nay,  

Đối Sách Của Tq Với Đài Loan, Hậu Quả Với Ổn Định Thế Giới

16/08/200500:00:00(Xem: 5379)
- Năm 2000 quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật (Section 1202, National Defense Authorization Act for Fiscal Year 2000, Public Law 106-65) yêu cầu bộ Quốc phòng soạn một bản báo cáo cho Quốc hội về chiến lược quân sự hiện nay của Trung quốc và những gì Trung quốc dự tính trong 20 năm tới. Sau 5 năm nghiên cứu bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vừa đệ trình Quốc hội bản báo cáo nói trên.
Bản báo cáo tóm tắt dài 45 trang bao gồm nhiều khía cạnh liên quan đến lực lượng quân sự của Trung quốc về lý thuyết cũng như về thực tế. Bài bình luận này chỉ giới hạn về đối sách của Trung quốc đối với Đài Loan dưới con mắt của tình báo Hoa Kỳ, và những hậu quả của nó.
Trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung quốc-Đài Loan, ngày 14 tháng 3 năm 2005 quốc hội Trung quốc đã thông qua một bộ luật gọi là “luật chống ly khai” (anti-secession law) gồm 10 điều nhắm ngăn chận Đài Loan tuyên bố độc lập.
Điều 1 ghi nhận mục đích của bộ luật là ngăn chận ý định của Đài Loan tách ra khỏi Trung quốc. Điều 2 xác định rằng Đài Loan là một phần đất bất khả phân của Trung quốc, và Trung quốc sẽ không để cho Đài Loan tách ra khỏi Trung quốc dưới bất cứ hình thức nào. Điều 3 xác định quan hệ Trung quốc – Đài Loan là việc nội bộ của Trung quốc không nước nào bên ngoài có quyền can thiệp. Điều 4 xác định sự thống nhất quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân Trung quốc cũng như nhân dân Đài Loan. Điều 5 xác định điều kiện tiên quyết để Trung quốc thương thuyết với Đài Loan để tìm một giải pháp hòa bình là Đài Loan chấp nhận nguyên tắc một nước Trung quốc. Trong thời gian đó Đài Loan có thể theo một thể chế chính trị khác với lục địa (trong bộ luật, Trung quốc không dùng cụm từ “một nước, hai thể chế” như đã dùng trước đây). Điều 6 nói những con đường để tiến tới thống nhất Trung quốc trong hòa bình là trao đổi văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, thể thao và những “hoạt động khác” giúp thăng tiến hòa bình và ổn định. Điều 7 ghi ra một số vấn đề hai bên sẽ thảo luận với nhau trên căn bản bình đẳng. Điều 8 nói Hội đồng Bộ trưởng và Quân ủy Trung ương sẽ “quyết định và thi hành” những biện pháp “không hòa bình” để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ Trung quốc nếu các thế lực ly khai hay một biến chuyển nào đó làm cho Đài Loan ly khai ra khỏi Trung quốc, hoặc khi mọi con đường thống nhất Đài Loan với lục địa bằng phương pháp hòa bình đã được dùng mà không có kết quả. Điều 9 nói trong trường hợp có chiến tranh Trung quốc sẽ làm hết sức mình để bảo vệ sinh mạng, tài sản và các thứ quyền căn bản của nhân dân Đài Loan và ngoại kiều ở Đài Loan cũng như quyền của dân Đài Loan ở nước ngoài. Điều 10 tuyên bố luật có hiệu lực từ ngày công bố.
Bộ luật chống ly khai nhắm mục đích làm nản lòng Đài Loan và Hoa Kỳ trong nỗ lực ly khai, nhưng Trung quốc không đặt mình vào hoàn cảnh bị động nếu Hoa Kỳ muốn gây chiến với Trung quốc vì một mục đích lâu dài nào đó. Điều 8 của bộ luật chống ly khai không nói nhất thiết sẽ có chiến tranh nếu Đài Loan tuyên bố độc lập mà chỉ xác định trong trường hợp này Trung quốc sẽ lấy những quyết định cần thiết.
Theo giới tình báo Hoa Kỳ chính sách của Trung quốc vừa thuyết phục vừa áp lực Đài Loan đừng tuyên bố độc lập gồm các mặt trận ngoại giao, kinh tế, tâm lý và quân sự. Trung quốc khuyến khích và tạo điều kiện dễ dãi mời gọi Đài Loan đầu tư vào lục địa càng nhiều càng tốt. Đầu tư nhiều, giới kinh doanh Đài Loan sẽ không muốn thấy có chiến tranh làm đổ vỡ. Trung quốc ve vãn 26 nước trên thế giới đang công nhận Đài Loan và vận dụng ngoại giao “cũ cà rốt và cây gậy” để không một nước nào khác nữa công nhận Đài Loan. Trung quốc cũng xử dụng áp lực quân sự bằng các cuộc phối trí và thao diễn quân sự có tính đe dọa.
Bản báo cáo của bộ quốc phòng Hoa Kỳ lượng định rằng nếu Trung quốc quyết định dùng sức mạnh Trung quốc cũng sẽ dùng một cách tiệm tiến và trong một giới hạn chừng mực trước không buộc các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Liên hiệp quốc phải vào cuộc ngay.
Dùng vũ khí nguyên tử nổ cao trên không trung để làm nhiễu loạn hệ thống phòng thủ bằng điện toán của Đài Loan là một. Tuy nhiên phương pháp này không dễ giới hạn trên vùng trời Đài Loan mà có thể ảnh hưởng sang vùng trời Trung quốc, Nhật Bản, Phi Luật Tân và gây rối loạn trong sự lưu thông bằng đường biển và nhất là đường hàng không trong vùng và sẽ tạo nên một phản ứng mạnh của quốc tế.
Trung quốc có thể gởi các đội quân đặc biệt độn nhập Đài Loan để phá hoại các cơ sơ kinh tế, quân sự, giao thông. Trung quốc cũng có thể dùng hỏa tiễn và không lực tấn công chớp nhoáng Đài Loan để làm tê liệt bộ máy lãnh đạo chính trị và quân sự trước khi Hoa Kỳ hay các lực lượng khác có thể đến tiếp ứng.
Trong mọi tính toán Trung quốc e ngại nhất là sự can thiệp của Hoa Kỳ. Cho nên Trung quốc phải tìm mọi cách trì hoãn quyết định của Hoa Kỳ và nếu Hoa Kỳ đã quyết định can thiệp thì tìm cách làm chậm sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ tại chỗ. Điều này đòi hỏi những hoạt động ngoại giao ngay từ lúc này.
Trung quốc còn có một chọn lựa khác để áp lực Đài Loan là phong tỏa. Phong tỏa có thể là bước đầu để tiến hành một cuộc đổ bộ quy mô. Trung quốc có thể lấy cớ Đài Loan là một phần đất của Trung quốc buộc tàu bè các nước khác trước khi cập bến Đài Loan phải ghé vào một hải cảng của Trung quốc để được kiểm soát. Trung quốc cũng có thể lấy lý do đang thí nghiệm hỏa tiễn để cấm thương thuyền các nước lui tới Đài Loan. Tuy nhiên khả năng kiểm soát vùng biển và vùng trời của hải và không quân Trung quốc chung quanh Đài Loan có giới hạn nên việc ngăn chận gián tiếp này nếu có thể làm trong eo biển Đài Loan cũng không làm được dễ dàng trong vùng biển phía đông Đài Loan, xa các căn cứ Trung quốc, ngoại trừ phong tỏa bằng mìn. Nhưng phong tỏa sẽ không làm nhụt ý chí của các nhà lãnh đạo Đài Loan và phản ứng của quốc tế có thể sẽ làm cho Trung quốc mệt mỏi trước.
Giải pháp sau cùng đối với Trung quốc để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực là một cuộc đổ bộ quy mô. Có nhiều cách đổ bộ Đài Loan. Cách được giới chức quân sự Trung quốc nghiên cứu kỹ nhất là lập một đầu cầu trên đảo để đưa quân vào, sau đó thọc vào nội địa cắt đôi hòn đảo hoặc chiếm các cơ sở quân sự và chính trị đầu não. Cuộc đổ bộ cần những chiến dịch yễm trợ như chiến dịch phá hoại điện tử, phong tỏa đường biển, đánh phá bằng không lực và mặt trận tiếp vận. Khi đầu cầu đã được thiết lập tiếp vận là khâu quan trọng nhất và cần được bảo vệ bởi hải lục không quân. Giới tình báo Hoa Kỳ cho rằng lúc này Trung quốc có khả năng thực hiện một cuộc đổ bộ nhưng Trung quốc còn nghi ngờ sự thành công của chiến dịch vì khả năng không vận, thủy vận và kỹ thuật phối hợp liên quân còn thô sơ. Đó là chưa nói đến khả năng chống trả của quân đội Đài Loan và sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Theo giới tình báo Hoa Kỳ có hai vần đề làm cho Trung quốc phải suy tính kỹ trước khi quyết định đổ bộ Đài Loan. Thứ nhất là khả năng còn hạn chế của lực lượng quân sự Trung quốc, phản ứng của Đài Loan và quốc tế. Một cuộc đổ bộ không thành công có thể làm sụp đổ chế độ Bắc Kinh. Thứ hai là một cuộc đổ bộ (dù thành công hay không) sẽ làm tiêu hao tiềm lực của Trung quốc và kéo dài thời gian Trung quốc trở thành một siêu cường với tất cả cái vinh dự của nó. Đài Loan là nguồn đầu tư lớn nhất của Trung quốc, một cuộc hành quân gây tổn thất tại Đài Loan là một đòn nặng đối với kinh tế chung của cả lục địa và đảo quốc. Và sau một cuộc xâm lăng sự trừng phạt của quốc tế là điều không tránh khỏi. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng đến uy tín của Trung quốc đối với các quốc gia lân bang. Một cuộc xâm lăng Đài Loan có thể sẽ làm cho Trung quốc mất quyền tổ chức Thế Vận Hội 2008 hoặc nếu không mất cũng bị thế giới tẩy chay. Hiện nay Trung quốc đang chờ đợi Thế Vận Hội 2008 như một dịp để Trung quốc xuất hiện như một siêu cường ngang ngữa với Hoa Kỳ. Sau cùng nếu Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ Đài Loan cuộc đổ bộ sẽ khó thành công mà hậu quả sẽ là một trận chiến tranh lạnh kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
Tuy nhiên nếu chiến tranh giữa Trung quốc và Hoa Kỳ xẩy ra vì Đài Loan, Trung quốc có suy vi thì Hoa Kỳ cũng mệt mỏi. Suy vi và mệt mỏi về lâu về dài sẽ làm bên nào đuối sức trước (trước những gánh nặng quốc tế khác) có thể là một câu hỏi nằm trong tính toán của Trung quốc và Hoa Kỳ.
Qua báo cáo của bộ Quốc phòng đệ trình quốc hội Hoa Kỳ vấn đề quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ-Đài Loan trở thành một vấn đề nóng mà những nhà lãnh đạo chính trị cả hai bên đều cần có những cái nhìn chính xác có tính viễn kiến vào cục diện tương lai để không đưa thế giới vào một cuộc phiêu lưu mà không ai có thể tìm thấy con đường ra.
Bản báo cáo của tình báo Hoa Kỳ miêu tả một cái nhìn khá thấu triệt về Trung quốc trong 15 năm tới. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định Trung quốc sẽ là một cường quốc về kinh tế và quân sự, Trung quốc sẽ tranh chấp vai trò lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ, Trung quốc có một kế hoạch chi tiết để thống nhất Đài Loan bằng đường lối hoà bình và bằng bạo lực quân sự.
Nhưng hai câu hỏi quan trọng là: Thứ nhất, nếu Trung quốc không thống nhất Đài Loan bằng phương pháp hòa bình trong một thời gian chấp nhận được Trung quốc có dùng vũ lực thống nhất Đài Loan không" Câu hỏi thứ hai: nếu Trung quốc tấn công Đài Loan, Hoa Kỳ có can thiệp để cứu Đài Loan không" Cả hai câu hỏi đều không có trả lời dứt khoát.
Về câu hỏi thứ nhất, điều 8 của luật “chống ly khai” chỉ rõ Trung quốc có thề dùng phương pháp không hòa bình (nghĩa là vũ lực) nếu các phương pháp hòa bình kéo dài quá lâu không có kết quả. Nhưng bao lâu gọi là lâu" Và đó là chỗ để các nhà lãnh đạo Trung quốc co giản. Ngoại trừ Đài Loan đơn phương tuyên bố độc lập (phản ứng của Trung quốc bằng vũ lực có thể được thế giới thông cảm ở một mức độ nào đó), trong mọi trường hợp khác một cuộc tấn công Đài Loan sẽ làm hư hỏng toàn bộ kế hoạch siêu cường của Trung quốc, và đó là điều các nhà lãnh đạo Trung quốc sẽ cân nhắc kỹ trước khi hành động.
Câu hỏi thứ hai, nếu Trung quốc đánh Đài Loan, Hoa Kỳ có nhảy vào cuộc không" Hoa Kỳ chưa hề xác định thái độ về việc này. Hoa Kỳ có nhiều khó khăn nếu nhảy vào cuộc, và Hoa Kỳ có nhiều lý do để không nhảy vào. Hoa Kỳ nhảy vào có thể làm cho chiến tranh lan rộng và biến thành thế chiến. Hoa Kỳ không nhảy vào uy tín Hoa Kỳ có thể suy giảm nhưng không làm Hoa Kỳ mất vị thế siêu cường sau khi Trung quốc vì cuộc tấn công (dù thắng lợi) trở nên suy kém. Nếu Hoa Kỳ không can thiệp bằng bộ binh mà chỉ yễm trợ cuộc kháng chiến của Đài Loan bằng mọi phương tiện chiến tranh giới hạn khác thì sau trận đánh Hoa Kỳ sẽ còn sung sức hơn Trung quốc.
Như vậy, nhìn từ cả hai phía, một cuộc chiến sẽ có nhiều bất trắc mà không bên nào có thể nhìn thấy trước ngoại trừ một điều khá chắc chắn là cả hai bên đều “sức đầu vỡ trán” dù thắng hay bại. Đó là chưa nói đến mối nguy của một trận chiến nguyên tử mà kết quả là sự toàn diệt thế giới.
Bình thường, đa số các nhà lãnh đạo trên thế giới - kể cả những nhà lãnh đạo độc tài –đều có lương tri và sự tỉnh táo cần thiết để không lấy những quyết định có thể đưa quốc gia mình đến suy vong, chưa nói đến đưa dân tộc mình đến hủy diệt. Nhưng có những tính toán mà người lãnh đạo cho là “nhìn xa thấy rộng” nhưng kết quả có thể đưa quốc gia đến bên bờ vực thẳm.
Lịch sử thế giới chứng tỏ rằng không phải quyết định nào của các nhà lãnh đạo chính trị cũng có tính hợp lý. Năm 1914 thế giới chiến tranh thứ nhất bùng nổ do quyết định của nhà lãnh đạo Đức Kaiser Wilhelm mượn đường đánh Pháp đưa quân xâm lăng Bĩ để cuối cùng thua trận mất cả một đế quốc và giết 8 triệu quân nhân. Không có một sử gia nào có thể lý giải sự hợp lý trong quyết định của vua Kaiser Wilhelm. Nước Đức của ông đang giàu có, mạnh và được lân bang nể sợ, và liên minh vững chắc với hai đế quốc Áo-Hung và Ottoman không sợ ai uy hiếp.
Bản nghiên cứu tình báo của Hoa Kỳ về sức mạnh và ý đồ của Trung quốc có thể làm cho Hoa Kỳ thấy cần phải có những biện pháp đề phòng sự lớn mạnh của Trung quốc. Nếu chỉ đề phòng và làm những gì cần thiết để không cho phép Trung quốc dùng kỹ thuật và hiểu biết của mình để trong tương lai đánh lại mình (như ngăn chận việc chuyển nhượng kỹ thuật tối tân đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí), hoặc tạo điều kiện để Trung quốc dân chủ hóa (vì một nước dân chủ thường ít phiêu lưu) thì đó là một sách lược bình thường. Nhưng gần một thế kỷ làm đàn anh trên thế giới Hoa Kỳ có khuynh hướng cảm thấy bất an khi thấy ai ngang hàng với mình và nhất là có thể đe dọa mình, nên Hoa Kỳ có thể có những chính sách mạnh tay nguy hiểm.
Với cuộc chiến tại Iraq không có gì hứa hẹn ở cuối đường hầm cho cả hai bên lâm chiến, nếu không dàn xếp được nó có cơ biến thành một cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo và thế giới Tây phương. Với làn sóng khủng bố đang lan từ thủ đô này đến thủ đô khác, và nhất là tại Hoa Kỳ sự đe dọa của một vụ khủng bố bằng vũ khí giết người hằng loạt không còn là điều gọi là “unthinkable’ nữa, cái tâm lý chiến tranh, tâm lý hành động mạnh và tâm lý phiêu lưu càng được nuôi dưỡng và thúc bách.
Trong không khí của một lò thuốc súng, bản báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ có khả năng làm cho không khí chính trị trên thế giới trở nên ngột ngạt hơn.
Trần Bình Nam
August 15, 2005
BinhNam@sbcglobal.net
http://www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.