Hôm nay,  

Thế Giới Trong Năm 2005

24/01/200600:00:00(Xem: 5891)
Năm 2005 là một năm mà thiên tai đại họa liên tục giáng xuống quả địa cầu mỏng manh của chúng ta, gieo rắc chết chóc tang thương khắp nơi. đây là năm mà ông giám đốc của tổ chức cứu trợ United Nations World Food Program cho là “năm tệ hại nhất từ 1945 đến nay”. Trong bản báo cáo thường niên, ông viết: “Năm 2005 quả là một năm có quá nhiều thiên tai, một năm thật kinh khủng (annus horibilis) cho cả trăm triệu người xuyên suốt các quốc gia đang phát triển”.
Tuy sóng thần tàn phá vùng Nam Á khiến 230,000 người tử vong và 5 triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất xảy ra 5 ngày cuối 2004, nhưng những hậu quả tàn khốc của nó vẫn còn vang vọng trong năm 2005.
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí, trong khi cả vùng Nam Á, đặc biệt là Nam Dương vẫn còn đang vất vả đương đầu với những vấn nạn từ sóng thần thì vào tháng 3/05, đảo Nias thuộc Nam Dương lại bị một trận động đất kinh hoàng khiến cho 2,000 người tử vong.
Kế đến là cơn bão Katrina tàn phá vùng vịnh Mễ Tây Cơ vào cuối tháng 8/05, nhận chìm cả thành phố New Orleans, biến sân vận động Superdome thành một thứ địa ngục trần gian khi hơn 50,000 người tản cư dồn vào đó tránh lụt rồi bị kẹt luôn tại đấy, phải sống trong sự thiếu thốn cùng cực và đồng thời là nạn nhân của những băng đảng du đãng quấy nhiễu hoành hành trong khi chính phủ Mỹ chần chờ không có biện pháp giải quyết thích hợp. Cơn bão này đã phơi bày thật rõ rệt sự yếu kém và thiếu sót của chính phủ Hoa Kỳ trong việc đối phó với những thiên tai có tầm cỡ lớn như thế.
Con tạo quả thật là trớ trêu. Trong lúc nhiều nơi bị lũ lụt, bão táp tàn phá thì tại nhiều nơi khác, chẳng hạn như ở Phi Châu, nạn hạn hán đã đưa cả triệu người vào vòng đói khát, chết chóc. Ác ôn hơn nữa là với nạn hạn hán thì giặc cào cào châu chấu nổi lên tàn hại những gì còn sót lại. ở Niger, vào tháng 10/05 đã có báo động đỏ về giặc châu chấu sa mạc tạo nguy cơ chết chóc ở một mức khó dự trù nổi.
Tiếp theo đó là trận động đất dữ dội, với sức chấn động lên tới 7.6 độ địa chấn Richter giết hại hơn 73,000 nhân mạng ở phía đông Hồi Quốc và khiến cho hơn 3,3 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thê thảm hơn nữa là vụ địa chấn này xảy ra ở vùng núi non hiểm trở ngay khi mùa Đông bắt đầu ở Bắc Bán Cầu, tạo thêm muôn vàn cơ cực cho nạn nhân vì các cơ quan cứu trợ từ thiện không có phương cách đưa đồ tiếp tế đến cho họ. Cho đến khi bài này được viết thì vẫn còn hơn 500,000 người sống trơ trọi trong những căn lều ọp ẹp mỏng manh giữa mùa đông rét lạnh.
Nhưng không phải chỉ có thiên tai đại họa mới gieo tang tóc đau thương cho nhân loại. Trong suốt năm 2005, nhiều cuộc chiến tranh vốn đã kéo dài từ nhiều năm trước vẫn tiếp tục diễn ra, lắm lúc tàn hại hơn những năm trước, mà điển hình nhất là cuộc chiến ở Sudan, một quốc gia Phi Châu gần miền sa mạc Sahara. Mặc dù vào đầu năm 2005, cuộc nội chiến kéo dài suốt hơn 20 năm giữa chính quyền Hồi Giáo ả Rập miền Bắc và kháng chiến quân da đen theo Kitô Giáo miền Nam đã chấm dứt sau một cuộc hòa đàm kéo dài 3 năm, nhưng sự tàn sát của dân vô tội ở khu Darfur - miền Tây quốc gia này - vẫn tiếp diễn với sự khuyến khích ngầm của chính phủ trung ương khi phiến quân Janjaweed gốc ả Rập thẳng tay tàn sát, hãm hiếp bình địa hóa các làng thôn của người da đen tuy họ cũng theo đạo Hồi như phiến quân. Sự tấn công chém giết này trở nên tàn bạo và ráo riết hơn từ tháng 9/05, thế nhưng, thế giới Tây Phương, đặc biệt là Mỹ, Anh, Úc, vẫn điềm nhiên tọa thị, không có nỗ lực gì để ngăn chận chuyện này cả.
Tại Iraq, chiến tranh vẫn tiếp diễn với thương vong lên đến mức vài chục ngàn dân chúng vô tội. Một trong những vụ việc tạo ra số tử vong cao nhất, lên đến hơn 1,000 người, với hơn 500 người bị thương tật, xảy ra vào tháng 9/05, khi giữa một cuộc lễ tôn giáo giữa thủ đô Bá Đa thì bỗng có tin đồn khủng bố sẽ tấn công khiến dân chúng hoảng sợ, ùa chạy, dẫm đạp lên nhau, gây chết chóc.
Khủng bố quyết tử vẫn tiếp tục hành động xuyên suốt năm 2005 để chống lại việc mà họ cho là sự xâm lăng của Hoa Kỳ. Một trong những tên tuổi trở thành lẫy lừng trong hàng ngũ quân khủng bố là Abu Musab al Zarqawi, tên trùm khủng bố gốc Jordan, chẳng những gieo rắc đau thương ở Iraq mà còn mang cả kinh hoàng đến cho quê cha đất tổ của hắn, khi hắn cho đàn em ôm bom tấn công vào một số khách sạn ở thành phố Amman, giết hại 56 người.
Mặc dù cuối cùng, cuộc tổng tuyển cử đã được diễn ra tại Iraq, và những người ủng hộ cho việc liên quân Mỹ Anh Úc tấn công chiếm đóng Iraq, cho rằng nền dân chủ thực sự đã được liên quân mang đến cho một xứ sở đã hơn 3 thập niên sống trong gông cùm độc tài tàn bạo của gia đình Hussein, thế nhưng, không ai thấy được một viễn ảnh tốt đẹp cho đất nước này vì mầm mống chia rẽ, tranh quyền vẫn còn hiển hiện giữa các phe Kurds và Suni thiểu số và Shi’ite đa số, điển hình là những giằng co tranh cãi trong việc thông qua bản hiến chương trong tháng 10/05. Ngoài ra, tại Iraq, phiên tòa xử hung thần Saddam Hussein cũng bắt đầu trong tháng 10/05. Tuy nhiên, Saddam Hussein đã ương bướng và khôn ngoan biến phiên tòa thành nơi chụp mũ "xâm lăng" cho Hoa Kỳ.
Rất nhiều bình luận gia cho rằng Hoa Kỳ và đồng minh Anh & Úc đã nhai phải cái gân gà tại Iraq, nuốt thì khó mà tiếp tục nhai thì mỏi mồm, lại càng không thể nhổ ra được. Việc tham chiến ở Iraq là một nguyên tố chủ yếu khiến chính phủ Lao động cầm quyền ở Anh bị mất đi rất nhiều ghế trong kỳ tổng tuyển cử trong năm, mặc dầu vẫn tạo được thành tích chưa từng có trong lịch sử: lãnh tụ Lao động duy nhất trong lịch sử của đảng này đã liên tục thắng 3 cuộc tổng tuyển cử.
ở Hoa Kỳ, chỉ vỏn vẹn một năm sau khi tái đắc cử trong vinh quang, thì cũng vì sự sa lầy ở Iraq, với số binh sĩ Mỹ thương vong vượt quá 2,000 người, và vì thiếu viễn kiến cùng chính sách rõ rệt cho ba năm còn lại của nhiệm kỳ 2 này mà uy tín của George Bush sa sút thảm hại, đến độ mà giới bình luận gia cho rằng nó sẽ làm cho đảng Cộng Hòa đại bại trong kỳ bầu cử quốc hội (Congress) trong năm tới đây.
Trở lại lò thuốc súng Trung Đông với những chết chóc đau thương, vào tháng 2/05 cựu thủ tướng Lebanon Rafik Hariri bị ám sát bằng mìn. Syria bị cho là nước đứng trong bóng tối giật dây sát hại ông. Cái chết của ông đã tạo nên một luồng sóng phẫn nộ trong dân chúng, tạo nên một cuộc cách mạng thầm lặng, được mệnh danh là Bách Hương Cách Mạng (Cedar Revolution - vì cây bách hương là hình tượng tiêu biểu của quốc gia này), với hàng triệu người dân xuống đường một cách ôn hòa để đòi thủ tướng thân Syria phải từ chức. Và cuối cùng, chính quyền đã bị lật đổ.
Chính quyền ở Kyrgyztan cũng bị lật nhào một cách chớp nhoáng vào tháng 3/05 trong một cuộc cách mạng được mệnh danh là Cách Mạng Uất Kim Hương - Tulip Revolution - khi tổng thống Askar Akayev (vốn có khuynh hướng thân Trung cộng) tháo chạy trước cuộc biểu tình, thoạt đầu ôn hòa, nhưng sau đó trở thành bạo động của dân chúng để dọn đường cho Kumanbek Bakiyev (thân Nga, từng là đệ tử của Askayev) lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia Trung Á này.

ở Do Thái cũng có một cuộc cách mạng lý thú. Thủ tướng Ariel Sharon vì bất mãn với sự cứng cổ, thủ cựu, hiếu chiến quyết phá hoại những nỗ lực từ chính chính phủ của ông ngỏ hầu tìm giải pháp đảm bảo hòa bình vĩnh viễn giữa Do Thái và Palestine của các đồng chí đồng đảng trong đảng cầm quyền Likud - một đảng do chính ông góp phần sáng lập thuở xưa - quyết định ly khai, mang một dân biểu đồng chí hướng thành lập một tân đảng, có tính trung dung hơn, kết hợp với những đảng khác để thành lập chính phủ. Hy vọng phần đất đã đẫm máu dân vô tội từ cả hai dân tộc rồi đây sẽ tìm được bình an dài hạn. Tin mới nhất vào đầu năm 2006 cho biết, ông Sharon đã đứt mạch máu não, phải vào bệnh viện cấp cứu, ở trong tình trạng nguy kịch. Quả người tính không bằng trời định!
Thủ tướng Nhật Bản, Junichiro Koizumi, cũng làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ để thực hiện chính sách tư hữu hóa hệ thống bưu điện toàn quốc. Vì bị quốc hội, đặc biệt là khá đông đồng chí đồng đảng ngăn trở, không cho phép ông thi hành chính sách này, thủ tướng Koizumi quyết định giải tán quốc hội, kêu gọi tổng tuyển cử chuyên chú nhắm vào một đề tài duy nhất: tư hữu hóa bưu điện. Dân chúng Nhật Bản đã ủng hộ ông nhiệt tình, giúp ông dẹp bỏ sự chống đối trong nội bộ đảng và đồng thời đánh tan đối thủ đáng gờm là đảng Dân Chủ (DP) trao cho đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) của ông 296 trong tổng số 480 ghế tại quốc hội.
Về phần Palestine thì lịch sử cũng đã sang trang từ đầu năm 2005 với việc ông Mamoud Abbas, một người được xem là trung dung và trong sạch, được dân chúng Palestine tín nhiệm bầu vào chức vị chủ tịch Palestine, kế vị cố lãnh tụ Yasser Arafat. Ai cũng hy vọng rằng ông Abbas sẽ có đủ uy tín với những nhóm khủng bố (hoặc kháng chiến yêu nước - tùy theo quan niệm của từng người) xé lẻ trong hàng ngũ Palestine, để buộc họ tuân thủ theo lệnh đình chiến hầu mở đường cho cuộc hòa đàm Palestine-Do Thái được tái tục.
Không biết hòa bình rồi có sẽ được vãn hồi tại Trung đông hay không, nhưng chiến cuộc vẫn tiếp diễn ở A Phú Hãn tạo nhiều cơ cực cho dân chúng ở quốc gia này, vốn đã được Hoa Kỳ cùng đồng minh “giúp đỡ tái lập nền dân chủ”.
Mặc dù hang ổ của Osama bin Laden, trùm khủng bố Hồi giáo quá khích đã bị san bằng từ nhiều năm qua, nhưng các tổ chức khủng bố trong mạng lưới al Qaeda vẫn tiếp tục gieo rắc đau thương kinh hoàng cho người vô tội. Gần ba năm sau khi khủng bố quyết tử gây thảm nạn tại Bali, thì một lần nữa, chúng lại tạo nhiều thiệt hại cho hòn đảo du lịch hiền hòa này. Tháng 10/05 thành viên của tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah đeo ba lô bom bước vào ba hàng quán ăn uống giết hại 23 người, trong đó có 4 người Úc. Mặc dù thiệt hại vật chất và sinh mạng ít hơn nhiều so với vụ nổ năm 2002, nhưng nó tạo nhiều thiệt hại về tinh thần cũng như về kinh tế lâu dài cho sự sống còn của hòn đảo ít nhiều lệ thuộc vào kỹ nghệ du lịch của thế giới.
Trước đó, vào tháng 7/05, cả thế giới bàng hoàng trước tin khủng bố quyết tử đã tấn công một số phương tiện giao thông công cộng ở giữa thành phố Luân đôn, thủ đô Anh Quốc, khiến 52 người thiệt mạng và 700 người khác bị thương. Tuy số thương vong không cao so với những vụ khủng bố tấn công khác, nhưng nó gây chấn động khắp thế giới vì căn cước của những tên khủng bố quyết tử này. Tất cả đều là công dân Anh theo đạo Hồi, đều ở lứa tuổi thanh niên. Chuyện này cho thấy thật rõ ràng hố sâu ngăn cách mà vô tình hay cố ý, các chính phủ Tây Phương đã tạo ra giữa những người không Hồi giáo và những tín đồ Hồi Giáo, để đưa đến việc giới trẻ Hồi giáo cảm thấy bị cô lập, bị đàn áp, bị đối xử bất công, bị loại ra khỏi xã hội, khiến họ phải nổi loạn, quay sang thù hận chính những giá trị xã hội dân chủ ở chính quê hương đã nuôi nấng họ và ao ước tin theo một thế giới đại đồng huyễn hoặc.
Không phải chỉ có giới trẻ Hồi Giáo tại Anh quốc mới nổi loạn, mà ngay tại Ba lê giới trẻ gốc Hồi giáo, đa số thuộc giai cấp lao động sinh sống tại những khu gia cư chính phủ chật chội, nghèo nàn, đã bùng lên nổi loạn, đốt phá thành phố, khiến chính phủ gần như phải ban hành thiết quân luật để cuối cùng dẹp yên được cuộc nổi loạn này sau hơn 2 tuần lễ. Đây là cuộc nổi loạn lớn nhất, trầm trọng nhất trong gần 40 năm qua tại Pháp, kể từ sau cuộc nổi loạn của giới trẻ trong năm 1967-68.
Tưởng cũng nên nhắc lại, vào thời điểm ấy, giới trẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới, tư bản như Hoa Kỳ, Pháp, cộng sản như Tiệp Khắc, đều không hẹn mà cùng nổi lên chống đối chính phủ, đòi hỏi phải thay đổi, đòi hỏi nhiều tự do dân chủ hơn trước nữa. Và giờ đây, những tự do dân chủ ấy có thực sự được tôn trọng hay không" Hoặc đã bị những ông già đầu bạc - đồng trang lứa với họ thời đó (hoặc có thể là chính họ) - hủy diệt, đục ruỗng đi rồi chăng"
Trong khoảng gần cuối năm 2005 thì dân chúng Hoa Kỳ, một quốc gia vốn tự hào là ánh sáng soi đường cho tự do dân chủ, luôn đấu tranh để mang lại tự do, nhân quyền cho các dân tộc, các quốc gia yếu kém, bỗng bị chấn động vì hai nguồn tin động trời (vốn vẫn còn đang tạo nhiều âm vang khi bài viết này được lên khuôn) về những hành động phi dân chủ, chà đạp dân quyền và nhân quyền mà chính phủ Bush đã và đang thi hành.
Thứ nhất là bản tin từ nhật báo uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ, tờ Washington Post, báo động rằng Trung Ương Tình Báo Sở CIA đã sử dụng những quần đảo ngục tù ngầm tại các quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ, đa số ở Đông Âu (như Lỗ Ma Ni, Ba Lan) vốn không có luật lệ nghiêm cấm việc tra tấn tù nhân, để giam cầm, tra khảo, hành hạ những tù nhân và nghi phạm được xem là quan trọng trong hàng ngũ quân khủng bố al Qaeda. Liên quan đến bản tin này là việc Hoa Kỳ lén lút sử dụng không phận của các quốc gia khác ở Tây Âu, như Anh, Đức trong lúc chuyên chở các tù nhân này mà không thông báo cho họ biết, theo quy luật quốc tế. Cũng liên quan đến tin này là nguồn tin cho rằng Hoa Kỳ bắt cóc công dân của các quốc gia khác, bị tình nghi là khủng bố để tra khảo, lấy tin. Một công dân Đức, Khaled al Masri đã khởi đơn kiện vì bị bắt cóc từ Macedonia mang sang Hồi Quốc giam cầm trong suốt hơn 5 tháng. Chính phủ Ý, vốn thân Hoa Kỳ, cũng đang tiến hành thủ tục kiện Hoa Kỳ vì đã bắt cóc công dân Ý ngay trên đất nước Ý.
Tin thứ nhì, chấn động hơn tin thứ nhất bội phần, đã được một tờ báo khác, không kém uy tín xì ra sau hơn một năm điều tra, nghiên cứu: chính tổng thống George W. Bush đã cho phép cơ quan National Security Agency được quyền nghe lén điện thoại và đọc lén điện thư email của bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào mà không cần phải xin trát lệnh của Tòa.
Chính vì thế mà năm 2005 quả là một annus horibilis cho nhân loại về mọi mặt vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.