Hôm nay,  

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam Giới Thiệu: Về Johor Tìm Mộ Ba

20/07/200500:00:00(Xem: 5586)

Cô Trúc Ly từ Mỹ sang Singapore khi chúng tôi còn ở tiểu bang Terengganu. Chúng tôi đã nhờ Ông Wong đến phi trường đón Trúc Ly về khách sạn. Chiếu tối ngày 10-7 chúng tôi về tới Singapore. Thế là sáng ngày 11-7 cả đoàn chúng tôi lên xe Ông Wong để cùng đi trở lại Malaysia, đưa Trúc Ly và Châu Hùng đến Johor. Châu Hùng còn có quen biết với Ông Alcoh Wong trong chuyến đi hồi tháng 3 nhưng Trúc Ly thì chẳng quen người cũng không biết đường đi nước bước. Đến ngày hôm sau, trong thất vọng, vào giờ phút cuối cùng họ tìm được ngôi một thân phụ của Trúc Ly đã qua đời tại nơi này năm 1980. Ngôi mộ không một tấm bia, không có vết tích, chỉ còn ghi dấu trên bản đồ với một "lot number" may mắn tìm thấy được trong hồ sơ ở địa phương. Từ câu chuyện cảm động này, chúng tôi nhận thấy việc tìm lại, ghi dấu mộ phần và di tích người Việt tỵ nạn trong toàn khu vực Đông Nam Á là một việc làm cần thiết để con cháu thân nhân những người qua đời còn có cơ hội tìm lại được người thân. Đó chính là một trong những trọng trách của Uỷ Ban Bảo vệ Di tích Người Việt Tỵ nạn mà chúng tôi vừa mới thành hình lúc 16g30 ngày 09-7-2005.
Trần Đông
Giám đốc
Văn khố Thuyền nhân Việt nam


Về Johor tìm mộ ba

Trúc Ly

Cũng như mọi năm, gia đình tôi chỉ đọc kinh, xin lễ, chị em xum họp để kỷ niệm ngày Ba chúng tôi qua đời. Năm nay, Ba chúng tôi qua đời được 25 năm bên Mã Lai.
Một tuần sau đó, tôi tự dưng nảy ra ý định mua miếng đất để lo phần hậu sự cho Mẹ. Ý của Mẹ tôi là muốn nằm ở gần biển, vì thế tôi đã chọn nghĩa trang The Good Shepherd, cách bãi biển khoảng 5 dặm. Khi tôi nhìn ngắm lại miếng đất cỏ xanh tươi đó, tôi cảm thấy tim nhói đau khi nghĩ tới Ba, bao nhiêu câu hỏi dồn dập hiện lên trong đầu, xót xa khi nghĩ đến Ba đã 25 năm qua, chẳng môt nén hương hoặc một bóng người thăm viếng. Trong đầu tôi nảy ra ý định nhất quyết phải tìm ra mộ cuả Ba, mang hài cốt đến Mỹ để sau này chôn cạnh Mẹ.
Kỷ vật Ba để lại cho tôi là hai lá thư Ba viết cho hai Bác ở Mỹ trong khi chờ đợi bảo lãnh đi định cư nước thứ ba. Hai lá thư Mẹ viết cho Ba trong thời gian Ba đang nương náu nơi nhà người quen khi công chuyện phục quốc bị bể. Một thư của chị tôi viết méc với Ba là tôi không nghe lời Mẹ, mấy tấm hình ở Pulau Tengah, một tấm hình lúc Ba còn trẻ với hai câu thơ ở mặt sau, một bài Tâm Niệm mà tôi hầu như thuộc làu làu, và một tấm giấy nhỏ nói Ba tôi qua đời tại Jahor Hospital và chôn ở Jahor, Malaysia. Trong mấy tấm hình chụp ở Pulau Tengah, có một tấm hình ai đó chụp lúc Ba qua đời tại nhà thưong, tôi đã nhìn tấm hình ấy bao lần và sợ hãi, rồi liệng đi cách đây cũng 23 năm rồi. Hình ảnh người cha chết một cách ghê sợ ấy không sao phai mờ trong óc tôi, từ sợ sệt đã khiến tôi kiên cường hơn và thương Ba nhiều hơn sau khi hiểu được cái chết tức tưởi của Ba.
Đọc đi đọc lại những dòng chữ trong thư thì được biết Ba tôi tới Pulau Tengah năm 1979. Vì vết thương bị hải tặc Thái đánh mà phải xin vô Mersing để chữa trị, sau đó có lẽ vì vết thương trở nên nặng hơn lên được chuyển đến Johor Hospital ở Johor Bahru. Mọi liên lạc với Ba thì qua địa chỉ của cha Philip Malan, Daisamy Catholic Church, Kolan Geraga, Ulu Tirem, Johor. Hành trang với chỉ bấy nhiêu chi tiết nhưng tôi tin là tôi sẽ tìm được mộ Ba.
Chẳng hiểu sao tôi lại chọn đài phát thanh Little Saigon mà gọi tới và được anh Thái cho biết website www.e terengganu.com của ông Alcoh Wong ở Terengganu bên Mã Lai có liệt kê một số ngôi mộ của người Việt ở Mã Lai. Tôi lại được biết thêm là một phái đoàn bên Úc cùng với Mỹ trong tháng 3 vừa qua đã viếng thăm hai đảo Bidong và Galang và cho tôi biết thêm chi tiết cuả chuyến đi này qua website www.bidonggalang.com. Tôi tiếc ngẩn ngơ, dẫu biết rằng Ba không ở hai nơi này nhưng tôi nghĩ là nếu tham dự được chuyến đi vừa qua thì ít ra tôi cũng sẽ có khái niệm về Mã Lai và hy vọng sẽ giúp tôi trong việc tìm kiếm mộ Ba.
Website của ông Alcoh Wong chỉ bao gồm khu vực Terengganu và Kelantan nhưng tôi hy vọng trong trang Guest thì tôi sẽ tìm ra người nào đó đã ở Pulau Tengah, nơi mà Ba tôi đã từng ở, hoặc một người nào đó ở Mersing thì có thể giúp tôi đến thành phố Mersing để tìm ra nhà thương mà Ba tôi đã được ở đó để chữa trị vết thương. Mọi phút rảnh rỗi trong ngày tôi đều có mặt trong trang Guest để đọc từng message, hầu mong tìm ra ai đó. Tôi cũng đã tìm ra được mấy người nhưng qua vài lần liên lạc thì chẳng đạt được kết quả gì.
Tôi liền nảy ra ý định email cho ông Alcoh Wong kể về hòn đảo Pulau Tengah và về người cha qúa cố của tôi. Ông Wong email lại và hứa sẽ giúp tìm thêm xem có người Việt tỵ nạn nào đã qua đời ở Mersing và Pulau Tengah. Sau đó ông cho biết là ở Pulau Tengah có khoảng 13 ngàn người đã tới đó. Có một số người Việt chết ở Mersing và có lẽ đã chôn trong nghĩa trang của người Hoa. Tuy biết Ba không chết ở Mersing nhưng với chi tiết trên tôi vẫn mong sẽ có phái đoàn hoặc tìm được ai đó đi Mersing và Pulau Tengah, để tôi có thể đi theo, mà tìm hiểu những nơi dừng chân cuối cùng của Ba.
Từ website www.e terengganu.com và website www.bidonggalang.com tôi tìm tới website www.bidong.org. Trong trang Guest cùa các website này tôi tìm thêm được vài người trước đây đã ở Pulau Tengah và một người duy nhất ở Mersing. Anh này đã giúp và chỉ cho tôi đường đi từ Singapore, qua Johor Bahru để đi đến Mersing.
Sau này cũng trong website www.bidong.org tôi tìm được một người hồi xưa cũng đã từng ở Pulau Tengah nhưng tới trại tỵ nạn trước Ba tôi. Qua mấy lần email qua lại tôi chợt nhận ra người này có rất nhiều điểm giống tôi, hay nói cho đúng hơn là tôi giống người này. Tôi cảm nhận dường như giữa tôi với người này có một sự liên hệ vô hình nào đó. Tôi không biết làm sao diễn tả được, và tôi cảm thấy sợ sợ. Khi khám phá ra ngay cả đứa con đầu lòng của chúng tôi đều đặt tên giống nhau, và nếu tôi đã có con gái thì tên của con tôi cũng sẽ giống như tên của con thứ hai của người này, điều này đã khiến tôi thật sự sợ hãi đến nỗi phải thốt lên là "có ma."
Không phải một chuyện mà bao sự trùng hợp một cách lạ lùng mà cả hai chúng tôi đều cảm thấy như có một sợi dây vô hình nào đó xui khiến chúng tôi phải liên lạc với nhau. Sau này tôi mới biết người này tên là Châu Xuân Hùng và đang ở Úc. Tôi kể chuyện này cho Mẹ tôi nghe và Mẹ tôi nói là Mẹ tin rằng linh hồn Ba phù hộ và xui khiến con liên lạc với chú Hùng để chú ấy giúp con tìm mộ Ba.
Ngày Thứ Hai, July 4th, chú Hùng email nói ngày Thứ Năm tuần này sẽ có phái đoàn đi Galang và Bidong về vụ Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân, và chú ấy sẽ đến Mersing thâu thập tin tức về một số người Việt đã chết ở đó và cũng sẽ đến thăm Pulau Tengah, nơi mà chú ấy đã từng mơ ước sẽ có ngày trở lại. Chú Hùng nói với tôi là khi đến Mersing chú ấy sẽ nhờ người một người bạn của ông Alcoh Wong dẫn đi tìm mộ của Ba tôi và khi có kết qủa thì sẽ báo tin cho tôi. Không chần chờ tôi nhất định phải đi theo phái đoàn để tới Mersing và nhất là hòn đảo Pulau Tengah đó. Tôi chỉ biết làm sao mua được vé máy bay qua Singapore để kịp chuyến xe bus đi Mersing vào sáng thứ Hai tuần tới.
Hành trình tôi mang theo chỉ vọn vẹn ít tiền, một tấm hình của Ba lúc còn trẻ, bài Tâm Niệm và địa chỉ của cha Philip Malan. Vali quần áo cũng em tôi thu xếp, chỗ ở khi tới Singapore tôi cũng không nghĩ tới, khi tới Mersing thì ra sao tôi cũng chẳng màng. Tâm hồn tôi không cảm thấy lo âu, sợ sệt hay suy tư mà thật an lành cất bước.
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay, tôi nhận rất nhiều email từ những người đã lo lắng chỗ ăn và chỗ ở cho tôi khi tới Singapore và Mersing. Thật lạ lùng thay, tôi chẳng biết họ nhưng không hiểu sao họ lại quan tâm và hết sức giúp đỡ tôi. Tâm hồn tôi không một chút lo lắng mà bình thản vô ngần.

***
Mersing, thứ Hai July 11, tôi đã gặp một số người thật dễ thương đã cùng tôi sánh vai tìm mộ Ba. Ông Wong ở Singapore đã lái xe đưa chúng tôi tới Johor, cô Anne làm việc chung với Ông Wong. Chú Trần Đông, Ban Tổ chức chuyến đi tháng 3 vừa qua, Chú Châu Hùng ở Melbourne. Tới nghĩa trang Mersing chúng tôi còn gặp được Ông Alcoh Wong ở Terengganu tới cùng vợ chồng Ông Heng Haođã chờ chúng tôi từ trước. Có nhiều ngôi mộ rải rác khắp ngọn đồi, trong số đó là khoảng 50 ngôi mộ người Việt, cỏ mọc ngập lối đi, những ngôi mộ không một ai chăm sóc nay chỉ còn tấm bia đá với mặt đất phẳng lì. Chúng tôi đã đến từng ngôi mộ để đọc tên người quá cố, tìm ra được một ngôi mộ có cùng họ Ba tôi, nhưng tên thì khác và người này trẻ hơn Ba tôi.
Sau khi ăn trưa xong, chúng tôi ra bến tàu. Con tàu nhỏ đang sẵn sàng chờ đợi để đưa chúng tôi ra đảo Tengah. Trên con tàu ngoài chú Hùng và tôi, còn có ông Alcoh Wong và ông bà Heng Hao. Ông Wong, cô Anne và chú Đông đã trở về Singapore. Chú Hùng kể cho tôi biết là con tàu vượt biên của chú cũng nhỏ giống như con tàu này, chiều dài khoảng 11 mét và chiều ngang khoảng 2 mét. Con tàu của chú đã cập bến Mersing, được phép đậu ở bờ sông này 3 ngày, sau đó được chuyển qua Pulau Tengah. Mersing là nơi hàng trăm con tàu tỵ nạn đã đến, tất cả đều được người dân địa phương tiếp đón niềm nở, do đó chú ấy không bao giờ quên được những kỷ niệm của những ngày đầu được đến bến bờ tự do.


Khi gần đến Pulau Tengah, chú Hùng chỉ cho tôi thấy hòn đảo nhỏ nằm giữa 2 hòn đảo lớn, một đảo có tên là Pulau Besar và một hòn đảo nữa mà chú ấy không nhớ tên gì. Chú ấy nói với tôi Pulau Tengah nhìn từ xa trông giống như một "bà mẹ đang mang bầu," thật vậy, nơi đây đã nuôi dưỡng biết bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam.
Không ngờ Pulau Tengah lại đẹp và thơ mộng đến thế. Bãi cát trắng xóa, nước biển thật yên lặng và xanh ngắt, tôi giật mình vì chợt nhận ra tâm hồn mình cũng như mặt nước biển Pulau Tengah, êm đềm và thảnh thơi. Một vài di tích của người tỵ nạn ở Pulau Tengah vẫn còn nhất là mấy cái giếng nước có ghi khắc một số tên và chữ ký của những người đến Pulau. Ngoài ra còn một cầu thang trước đây dùng để leo lên ngọn núi cao gần đó để đi qua bãi biển bên kia. Còn một vài tấm vách của những căn nhà mà người tỵ nạn đã từng ở. Trên ngọn đồi cao còn có một ngôi mộ của một em bé sinh ra tại Pulau Tengah, đã chết và được chôn ở nơi đây.
Khi trở lại đất liền tôi cũng được đến nhà thương Mersing, nay đã trở thành Trạm Y Tế và một nhà thương mới đã được xây ngay bên cạnh nhà thương cũ. Thế là ngày hôm nay tôi đã một phần nào được toại nguyện, vì đã được đặt chân đến sông Mersing, qua Pulau Tengah và đến nhà thương Mersing, những nơi mà Ba tôi đã từng đi qua. Tuy chưa có tin tức gì của Ba nhưng lòng tôi vẫn yên lặng như mặt biển Pulau Tengah.
***
Thứ Ba, July 12, 2005, trước khi khởi hành đi Johor, chú Hùng nói với ông Alcoh Wong và Heng Hao là trước khi tạm biệt Mersing chúng tôi muốn đến viếng thăm những ngôi mộ của người tỵ nạn một lần nữa để cầu nguyện cho những người này. Chú Hùng đã đến từng ngôi mộ thắp nhang và âm thầm cầu nguyện, còn tôi thì thích gieo hột bông có tên là California Poppy. Poppy nổi tiếng bên Cali vào mỗi mùa hè nóng bức, bông này nó không cần nước mà bông hoa vàng thắm cả một khung trời. Tôi hy vọng với khí hâu nóng như ở Mã Lai, bông Poppy sẽ nở vàng khắp ngôi mộ của những người Việt xấu số, bông hoa vàng như một biểu tượng cho những lá cờ vàng tung bay giữa bầu trời xanh mơ.
Chúng tôi quyết định tới nhà thờ dựa theo điạ chỉ của Ba để lại mà tìm cha Philip Malan. Chúng tôi không biết năm nay cha đã bao nhiêu tuổi và có còn trên dương thế hay không" Đến nhà thờ thì may mắn gặp được Cha Xứ và được biết cha Philip Malan đang giúp xứ khác. Cha Xứ ở Ulu Tirem gọi điện thoại cho cha Philip Malan và sau đó cha Philip nói chuyện với chú Hùng. Được biết là trước đây cha vẫn thường hay đến trại tỵ nạn Pulau Tengah để dâng thánh lễ vào mỗi ngày Chúa Nhật, cha nói là cha quen biết nhiều người Việt và có giúp công việc chuyển thư từ cho những người ở trong trại tỵ nạn, nhưng đã hơn 25 năm rồi, cha không thể nào nhớ tên của từng người một. Tuy vậy cha đề nghị là chúng tôi nên đến nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Johor Bahru mà hỏi thăm, vì nếu chết ở Johor Bahru thì rất có hy vọng là đã được mang đến nhà thờ để làm nghi thức an táng trước khi mang đi chôn cất.
Cha Xứ ở Ulu Tirem đề nghị chúng tôi trước khi đến nhà thờ hãy ghé vào nghiã trang công giáo xem coi có chôn ở đó không, vì ở nghiã trang này có dành một phần đất để chôn những người không có thân nhân. Khi tới nghiã trang chúng tôi đã đến xem từng ngôi mộ nhưng không tìm thấy mộ của Ba. Mọi người đều có vẻ như buồn cho tôi, nhưng không hiểu làm sao, tâm hồn tôi vẫn lặng yên và không một chút giao động.
Sau đó chúng tôi tìm đến nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và được Cha Xứ cho chúng tôi xem cuốn sách có ghi tên của những người đã được làm lễ an táng tại nơi đây, nhưng tôi cũng không tìm thấy tên của Ba.
Chỉ còn hai nơi duy nhất mà chúng tôi đặt nhiều hy vọng, đó là la nghĩa trang của người Hoa và nhà thương Johor ở Johor Bahru. Trước khi đi qua Mã Lai, tôi đã gọi điện thoại đến nhà thương Johor để hỏi thăm về tin tức của Ba, nhưng họ cho biết là sau 20 năm thì họ không còn giữ hồ sơ bịnh nhân nữa. Tôi cũng đã gọi điện thoại đến Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thì họ cũng cho biết là hồ sơ không còn lưu trữ nữa vì đã hơn 20 năm rồi.
Khi tới nghĩa trang của người Hoa, nhân viên văn phòng cho biết nghĩa trang này không bao giờ chôn người ngoại quốc. Còn nghĩa trang kia thì rộng mênh mông làm sao có thể tìm thấy mộ và đã 25 năm rồi thì không còn hồ sơ chôn cất gì đâu. Ông Heng và ông Alcoh buồn bã nói với tôi "sorry Ly, we do our best." Mắt hai ông buồn thỉu buồn thiu, nhưng không hiểu sao, lòng tôi vẫn yên lặng, không một chút giao động. Nguyên chuyến đi tôi luôn thầm thì cùng Ba là "Ba ơi, con tìm Ba nè, Ba dắt con tới với Ba nha."
Trong khi mọi người đang tỏ vẻ thất vọng thì từ trong văn phòng của nghĩa trang, chú Hùng đến bên tôi níu tay tôi và nói là tìm thấy mộ Ba rồi, chôn ở một nghĩa trang gần đây và họ có cho biết luôn "lot number" nữa. Mọi người lúc đó ai cũng vui mừng và hỏi chú Hùng kiếm tin tức này ở đâu ra, còn ông Alcoh Wong thì giơ hai tay lên trời cười to. Riêng tôi, lòng vẫn thanh thản, không một chút giao động. Tôi nhìn đồng hồ, 2 giờ 30 chiều, cũng giờ này ngày hôm qua chúng tôi đi tầu qua Pulau Tengah.
Trên đường đi đến nghĩa trang Tionghua ở Johor Jaya (cách Johor Bahru khoảng 7 dặm), tôi được biết thêm là trong lúc mọi người đang thất vọng thì chú Hùng nói với một nhân viên ở đó là làm ơn gọi điện thoại đến Ban Quản Trị của Nghĩa Trang Tionghua để hỏi coi họ còn giữ hồ sơ những người đã chôn ở nghĩa trang bên kia không. Nhân viên này sau khi nghe chú Hùng trình bày đầu đuôi câu chuyện đã tận tình gọi điện thoại dùm, và nói với chú Hùng là phải đợi khoảng 10, 15 phút, vì đã hơn 25 năm rối nên họ phải đi tìm hồ sơ cũ. Và thật không ngờ là họ đã tìm ra hồ sơ cũ, người bên kia đường dây điện thoại nói chuyện với chú Hùng và nói là có một tên rất giống tên Ba chỉ hơi khác một chút, khi chú Hùng so sánh lại tên, ngày chết và tuổi tác thì chú ấy biết chắc chắn đó là Ba tôi.
Nghĩa trang rộng lớn này chia thành hai bên, được ngăn cách bởi con đường chính đi tới Mersing hoặc trở về Singapore. Khi gần tới nghĩa trang thi ông Heng hỏi chúng tôi là thử đoán coi mộ được chôn ở bên phải hay bên trái của con đường này. Chú Hùng nói là bên phiá trái, còn ông Heng thì nói là bên phải. Xe rẽ về bên phải và khi tới nơi, chúng tôi lai ngơ ngẩn nhìn nhau vì không biết phải bắt đầu tìm từ đâu, nhưng chúng tôi cũng chia nhau ra đi tìm, vài phút sau tự dưng có một người tới hỏi thăm và giới thiệu tên là Francis Chu, đã làm việc chôn cất ở nơi đây hơn 30 năm rồi. Khi chúng tôi đọc cho ông ta biết "lot number" thì ông ta nói rằng "lot number" đó nằm ở phía bên kia, tức là phiá bên trái của con đường chính.
Khi dẫn chúng tôi đi qua phía bên kia, thì chúng tôi thấy có một số ngôi mộ có ghi "lot number," một số thì không ghi gì cả và chúng tôi không thấy ngôi mộ nào có ghi "lot number" của Ba tôi. ông Francis nói để ông ta gọi điện thoại đến Ban Quản Tri của nghĩa trang để xin bản sao bản đồ của nghiã trang, nếu có bản đồ của nghiã trang thì mới tìm ra "lot number" được.
Dò theo bản đồ chúng tôi lần mò đến một khu đất nằm ở góc cuối của nghĩa trang, tìm mãi vẫn không thấy ngôi mộ nào có cùng "lot number" của Ba. Tuy nhiên ở nơi đây, có một vài chỗ đất trống, ở chung quanh thì có các ngôi mộ. Lạ lùng thay, khi bước chân tới đó, tự dưng tôi cảm thấy có một chút gì quen thuộc, thì ra trước khu đất trống này có một cây cao cao với những bông hoa màu vàng mà hồi xưa ngay trước nhà tôi có hai cây này. Tôi thường hái bông của nó và kết thành chữ màu vàng trông rất đẹp mắt, tôi không nhớ rõ lắm tên của cây này. Tôi nói với chú Hùng chắc nơi đây là mộ của Ba, tôi giải thích cho chú Hùng biết vì có cây này mọc ở đây, giống như trước nhà ở Việt Nam. Chú Hùng nhìn chung quanh và nói thật lạ, trong nghĩa trang rộng mênh mông này có trồng rất nhiều loại cây, nhưng duy nhất chỉ nơi đây mới có cây này. Tôi còn nói thêm là hồi nhỏ cháu hay chơi hay chơi ở dưới gốc cây này. Khi nói đến đó thì bỗng dưng một đàn chuồn chuồn bay khắp nơi, tôi cũng chợt nhớ ra hồi nhỏ mình cũng hay bắt mấy con chuồn chuồn ở cây này và làm đồ hàng chơi với mấy đứa bạn hàng xóm, nhất là vào những tháng hè. Ở Mã Lai bây giờ cũng đang là mùa hè. Cũng phiá trước miếng đất trống này, còn có một cây mọc cành lá xum xuê, cây tuy nhỏ nhưng rất nhiều lá, cây này làm cho tôi chợt nhớ tới những lần Mẹ hay ngắt lá, giã nát, vắt lấy nước, tắm cho tôi khi tôi bị nổi mề đay.
Ông Francis nét mặt đăm chiêu, cầm bản đồ trong tay ông đi từ xa xa đếm từng ngôi mộ, khi đến khu đất trống này, ông nói theo như bản đồ thì ngôi mộ có "lot number" này nằm ở nơi đây, chính là nơi ở phiá trước có cây với những bông hoa vàng.
***
July 12, 2005, đánh dấu kỷ niệm ngày tìm ra mộ Ba. Hôm đó, tôi mặc áo mầu vàng, cây mọc ở trước mộ Ba cũng bông màu vàng, bông California Poppy cũng màu vàng, màu vàng cũng là màu tôi yêu thích nhất. Ba qua đời lúc 35 xuân xanh và năm nay tôi được 35 tuổi.
Cám ơn Ba đã 25 năm nay luôn theo sát an ủi, dẫn dắt, che chở bao bọc cho con. Ba cũng là người mà con thường tâm sự khi vui cũng như lúc buồn. Xin ba luôn phù trợ cho những người chung quanh con. Nhất là người mà Ba đã chọn để cùng với con tìm kiếm Ba, cũng có vết thẹo bàn ủi y như con, chỉ khác là con thì ở bàn tay, còn người ấy thì ở trên cánh tay... có phải cánh tay tương trợ cho bàn tay phải không Ba"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.