Hôm nay,  

Iraq Của Bush: Có Những Niềm Riêng

30/06/200500:00:00(Xem: 5260)
Trong bài diễn văn thuộc loại hùng biện nhất của mình, ông Bush không lùi một bước tại Iraq. Nhưng đã giải thích nhiều điểm đáng chú ý...
Ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố 9-11, người viết những dòng này đã suy luận rằng từ nay Hoa Kỳ sẽ bất đắc dĩ hành xử như một đế quốc. Và phải tìm ra lý do giải thích sự chọn lựa ấy. Sau đó, lời giải thích đã có: Mỹ phải lãnh đạo và phát huy dân chủ là điều có lợi cho hoà bình thế giới.
Tất nhiên, khái niệm “đế quốc dân chủ” – đế quốc là “xấu”, dân chủ là “tốt” – phải gây ra tranh luận, từ Đông sang Tây và ngay ở nhà. Vụ Iraq trở thành mấu chốt của tranh luận, và tình hình chưa ngã ngũ nơi đây càng khiến Tổng thống George W. Bush phải lên tiếng giải thích cho rõ ràng hơn.
Bài diễn văn đọc tại Fort Bragg, tiểu bang North Carolina, tối 28 tháng Sáu, là một nỗ lực thuyết phục của ông. Dư luận đánh giá bài diễn văn trên luận điểm thắng hay bại tại Iraq, hoặc làm sao để thắng, hay vì sao không nêu ra lịch trình triệt thoái, v.v.... Có lẽ chúng ta phải đi xa hơn vậy....
Nhưng trước hết, hãy nói về Iraq đã.
Bài toán Iraq
Trong bài diễn văn mà từ nay dư luận sẽ gọi là “diễn văn Fort Bragg”, ông Bush mượn diễn đàn là căn cứ của hai binh chủng ưu tú, Sư đoàn Không Kỵ 82 của Nhảy Dù và Lực lượng Đặc biệt của Lục quân, để nói với quốc dân và toàn thế giới về những gì Hoa Kỳ sẽ tiến hành tại Iraq và trên thế giới.
Vốn là người ít long trọng nói chuyện với quốc dân về Iraq, mà nếu nói thì chỉ nhấn mạnh đến những điều tích cực hay thành tích quân sự, lần này, ông Bush nghiêm trọng nói thẳng về những trở ngại và nhấn mạnh đến yếu tố chính trị, đến những bài toán phức tạp của nội tình Iraq. Ông kêu gọi dân chúng kiên nhẫn hơn và định ra tiêu chuẩn của chiến thắng, hay ngày về, là khi dân Iraq có thể đảm nhiệm lấy việc tự bảo vệ.
Lý do của bài diễn văn là dân chúng đã có vẻ hoài nghi về sự thể Iraq, số tự nguyện đăng lính đã giảm và tỷ lệ ủng hộ tổng thống sa sút mạnh sau kỳ tái đắc cử vẻ vang năm ngoái.
Bài diễn văn dài hơn 3.600 chữ, đọc trong 28 phút, được đánh giá là hùng hồn và được chính quân đội – từ các tướng lãnh tới binh lính – hưởng ứng mạnh mẽ nhất, dù nội dung cho thấy là ông Bush không lùi tại Iraq và ngày về của các đơn vị tác chiến sẽ còn xa.
Tất nhiên, phe đối lập vẫn chống, và đòi ông phải xin lỗi về những sai lầm, phải đề ra một sách lược tất thắng hoặc nêu rõ lịch trình triệt thoái, v.v... Lằn ranh chống đối hay ủng hộ vẫn là lằn ranh giữa hai đảng, nhưng quần chúng sẽ phán xét và phản ứng chung ngay sau bài diễn văn là ông Bush có giành được thiện cảm cho mình. Hai người ca tụng ông nhiệt liệt nhất là hai Nghị sĩ có uy thế và tư thế trong Thượng viện, John McCain và John Warner.
Ông được ca tụng vì nhìn vào sự thật và nói về đại thế lâu dài, chứ không có ưu tư nhất thời về tỷ lệ ủng hộ mà tìm cách chiều lòng dư luận.
Khác với mọi bài diễn văn trước về Iraq, lần này ông Bush không đề cao thành tích quân sự - sau khi Baghdad đổi chủ, thành tích ấy đã tan trong khói súng – mà nói thẳng đến mấy điều dư luận thắc mắc, vì sao không đổ thêm quân, vì sao không định ngày rút và tình hình đang ngã ngũ ra sao, dân Iraq đã tự đảm nhiệm việc bảo vệ an ninh đến mức độ nào, v.v.... Điểm đáng chú ý nhất trên địa hạt chính trị là sự tham gia của dân Sunni trong chính quyền mới. Kết luận chung của bài diễn văn là Hoa Kỳ sẽ đi tới cùng và chỉ coi nhiệm vụ hoàn tất khi Iraq có một chính quyền dân chủ, có khả năng tự vệ để là một đồng minh của Mỹ trên trận tuyến chống khủng bố toàn cầu.
Ít ra, ông Bush cũng trấn an được dân Iraq là Mỹ không tháo chạy, và cho đối phương – các lực lượng phiến loạn gồm quân khủng bố ngoại nhập dưới lá cờ “Thánh chiến”, tàn dư của đảng Baath thuộc chế độ cũ và những phần tử dân tộc cực đoan người Sunni - biết ý chí của mình.
Nhưng xuyên qua vụ Iraq, bài diễn văn Fort Bragg còn cho thấy - một cách gián tiếp - tầm nhìn chiến lược của chính ông Bush, về trận chiến chống khủng bố và về lý do can thiệp vào Iraq. Đáng lẽ, ông phải trình bày sự việc này ngay từ đầu, từ ba năm trước.

Và chúng ta trở về vấn đề “đế quốc dân chủ”, hoặc vì sao Hoa Kỳ đã can thiệp vào Iraq. Chưa hiểu ra điều này, người ta có thể đánh giá sai cách phân định thắng bại ở tại chỗ và trên toàn cầu.
Vì sao Iraq
Hoa Kỳ có nhiều lý do tiến vào Iraq, chính quyền Bush đã chọn lý do mơ hồ nhất – võ khí tàn sát của chế độ Saddam Hussein – không vì gian dối mà vì sự mù mờ về tình báo và do sai lầm trong lý luận và sách lược khai chiến. Bất đắc dĩ phải thủ vai đế quốc, Hoa Kỳ đã chọn một lý do mong manh đến độ bị đả kích là lý cớ để trình bày cho dư luận. Lý do thực lại nằm rất sâu bên dưới và chỉ được ông Bush giải trình rõ rệt hơn tại Fort Bragg, vào tối Thứ Ba.
Trong mấy tuần qua, dư luận Việt Nam tập trung chú ý vào chuyến Mỹ du của ông Phan Văn Khải nên đã không có dịp tìm hiểu về một vụ tai tiếng chính trị từ Anh dội ngược về Mỹ, đó là tài liệu mật của chính quyền Tony Blair về cuộc chiến Iraq, gọi là “Downing Street Memorandum.” Được thảo ra hôm 23 Tháng Bảy, 2002, tài liệu ấy giải thích lý do vì sao Hoa Kỳ nhất quyết mở ra chiến dịch Iraq sau khi đã tấn công chế độ Taliban tại Afghanistan.
Xuyên qua những điều được phanh phui từ những tranh luận trong nội các Tony Blair, người ta biết là chính Tổng thống Bush là người quyết định ngay từ đầu là phải tấn công Iraq. Lập luận cố hữu của truyền thông rằng ông Bush ngờ nghệch, thiếu định kiến và bị chi phối bởi các tay diều hâu, hay tân bảo thủ, như Phó Tổng thống Dich Cheney, Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld hay Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz thực ra không đứng vững nếu ta chịu khó tìm hiểu bản văn này.
Ngay từ đầu, George W. Bush muốn lật đổ chế độ Saddam Hussein và hỏi ban tham mưu về những lý do trình bày trước công luận. Cuối cùng, họ chọn lý do võ khí tàn sát – WMD – vì nhiều nguyên nhân. Năm ngoái, Thứ trưởng Wolfowitz đã nêu ra một nguyên nhân này trong bài phỏng vấn của tờ Vanity Fair và bị xuyên tạc bóp méo nên càng làm dư luận không hiểu, hoặc hoài nghi.
Bây giờ, ta cần trở lại chuyện ấy để hiểu rõ nội vụ bên trong.
Thứ nhất, chính quyền Bush nghĩ rằng Saddam Hussein có thể sử dụng võ khí tàn sát, dù không đến mức độ nguy hiểm như nhiều chế độ Hồi giáo khác ở trong vùng, Iran hay Lybia chẳng hạn. Thứ hai, dù như vậy, chính quyền Bush vẫn nêu WMD như lý do vì dễ vận động quốc tế: nếu Saddam Hussein đang phát triển thêm loại võ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt, các nước sẽ dễ ủng hộ Hoa Kỳ hơn. Thứ ba, vì chính quyền Anh muốn có một lý do pháp lý vững chắc trước khi tham chiến mà Mỹ muốn kéo Anh vào cuộc nên chính quyền Bush phải thuyết phục Liên hiệp quốc ban hành một nghị quyết về Iraq. Từ ngần ấy lý do, Hoa Kỳ phải lòng vòng chạy qua Liên hiệp quốc với hồ sơ WMD mà vẫn bị nhiều nước chống đối - hoặc phá hoại, như trường hợp của Pháp.
Nếu chỉ nhìn vào chuyện WMD hoặc “gian ý” của Hoa Kỳ - một sự tái diễn của Nghị quyết vịnh Bắc bộ thời đảng Dân chủ đang lãnh đạo để tham chiến tại Việt Nam - người ta có thể không hiểu vì sao Mỹ đã vào Iraq. Và khi nào sẽ ra" Chính giới Mỹ, nhất là cánh tả và phe phản chiến trong đảng Dân chủ, dường như còn nghĩ như vậy. Mục tiêu của họ chỉ là triệt Bush bằng mọi giá và họ sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử - như cử tri cũng đã quyết định trước khi lịch sử lên tiếng bằng cách tái cử ông Bush năm ngoái.


Nguyên nhân tham chiến Iraq khởi sự từ một vấn đề: “khả tín”.
Nước Mỹ đã gây thất vọng vì những bất nhất trong chánh sách và sự nhu nhược trong đối sách với các chế độ hung đồ. Vụ Việt Nam 75 và Iran 79 là tiêu biểu. Chính là sự nhu nhược ấy mới khích lệ quân khủng bố và đưa tới sự hình thành của mạng lưới al-Qaeda, rồi vụ khủng bố 9-11. Khi tai hoạ xảy ra rồi, ông Bush - chứ không phải ai khác - muốn làm một cuộc chứng minh tâm lý, rằng Hoa Kỳ không nhượng bộ và thỏa hiệp như trong quá khứ mà sẽ đánh đến cùng. Sau khi tung quân vào sào huyệt của al-Qaeda là Afghanistan, chính quyền Bush chọn nơi chứng minh ý chí của mình. Iraq được chọn vì là một quốc gia hung đồ, ít có thiện cảm của thế giới, lại nằm trong một vùng chiến lược của thế giới Hồi giáo. Quyết tâm ấy sẽ thuyết phục các nước Hồi giáo khác, trước tiên là Saudi Arabia, không nên tiếp tục dung chứa al-Qaeda mà phải ngả theo Mỹ.
Nhưng, làm sao nói ra lý do thật – “chúng tôi phải đánh phủ đầu một quốc gia Hồi giáo để răn đe các nước Hồi giáo khác là nên thiết lập chế độ dân chủ thì mới diệt được khủng bố” – mà thiên hạ chịu nghe" Làm sao giải thích là từ nay, Hoa Kỳ sẽ vì quyền lợi của mình mà giành quyền lãnh đạo thế giới, đến độ đòi cải tổ cả Liên hiệp quốc theo quan điểm của mình và trở thành một đế quốc phát huy dân chủ" Giải thích rồi mà có thuyết phục được hay không nếu không dụng võ" Có lẽ vì những niềm riêng như vậy, ông Bush quyết định đánh trước nói sau. Đánh vì bất cứ lý do nào có vẻ tạm ổn. Điều ấy mới giải thích những lúng túng vụng về của chính quyền Bush với hồ sơ WMD không không có có...
Tất nhiên, đấy không phải là những vụng về duy nhất.
Thứ nhất, ngược với sự suy luận của nhiều người, hệ thống tình báo của Hoa Kỳ không đủ tinh tế để nắm vững địch tình, có lúc còn hốt hoảng bậy với nguy cơ bị al-Qaeda tấn công lần nữa bằng võ khí nguyên tử. Kế tiếp, sau khi vụ WMD đã bị phơi bày là chẳng có gì đáng sợ, Hoa Kỳ không tìm ra một cách giải thích nào hợp lý hơn. Thứ ba, khi đã vào Iraq lại không dự phòng một kịch bản bi quan là sẽ gặp sự chống đối sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ, là điều đang xảy ra. Thứ tư, kế hoạch tham chiến và bình định không trù tính được nhu cầu quân số, để tác chiến và bình định, truy lùng khủng bố ở ngoài và canh chợ ở trong. Thứ năm, lực lượng viễn chinh không được tổ chức cho sát với nhu cầu, đâm ra ưu binh có khi phải canh chợ và nhiều đơn vị phải đồn trú tại Iraq lâu hơn dự trù, v.v...
Ngần ấy sự vụng về khiến thành quả không phải là nhỏ bé tại Iraq vẫn bị đánh giá sai. Hoa Kỳ có đạt nhiều thành tích tại chỗ (tổ chức được bầu cử và xây dựng được bộ máy chính quyền) và trên toàn vùng (khiến Saudi Arabia hết dám đu dây giữa Mỹ và al-Qaeda mà tung lưới truy lùng khủng bố) nhưng vẫn gây ấn tượng là đang bị lúng túng. Khi thấy đối thủ bị lúng túng, các phe đảng đối lập và phản chiến tất nhiên khai thác và mở chiến dịch công kích, khiến dân chúng phân vân. Ông Bush phải giải thích trước truyền hình hôm 28 vừa rồi là vì các yếu tố ấy.
Nhưng, nếu nhớ đến lý do thật và nguyên nhân chính của chuyện Iraq, người ta có thể nhìn ra một bức tranh toàn cảnh khác.
Bức tranh toàn cảnh
Đặt vụ Iraq trong cục diện chống khủng bố toàn cầu, người ta có thể thấy ra những gì"
Tại Iraq, phe chống Mỹ chỉ còn hoạt động trong vùng tam giác Sunni. Dù truyền thông chỉ chiếu đèn vào đấy và nói đến số thương vong của Mỹ, sự thật thì hơn ba phần tư diện tích của quốc gia này đang yên bình xây dựng chính quyền và học tập dân chủ. Các lực lượng nổi loạn chẳng những không phá nổi bầu cử hay cản trở nổi việc xây dựng chính quyền mà hai phe Shiite và Kurd, tổng cộng 80% dân số, đang cùng hợp tác để thiết lập cơ chế cầm quyền vững bền hơn.
Ngay trong nội bộ các lực lượng nổi loạn Sunnite, nhiều lãnh tụ bắt đầu đảo ngược lập trường, tham gia sinh hoạt chính trị với dân Shiite mà họ đã từng khống chế hơn ba chục năm và còn cung cấp nhiều tin tức quý báu về tình báo. Các lực lượng khủng bố hay đặc công tự sát nhân danh Thánh chiến cũng bị cô lập trong khu vực Sunni và đường xâm nhập từ bên ngoài của họ đang bị triệt hạ.
Ra khỏi Iraq, các chế độ Hồi giáo không sụp đổ và được thay thế bởi những phần tử quá khích, thân khủng bố, như Osama bin Laden kêu gọi. Ngược lại, đổi thay chính trị đang xảy ra ở nhiều nơi theo hướng tốt đẹp hơn, dù chưa hẳn là tự do và dân chủ (ngoại lệ duy nhất là Iran): Lybia, Palestine, Lebannon, Egypt và nhất là Saudi Arabia.
Mục tiêu của al-Qaeda trong vụ 9-11 đã không thành, tầm hoạt động và liên lạc của bin Laden bị thu hẹp vì thiếu sự yểm trợ của các lực lượng hay chính quyền Hồi giáo. Ngoại trừ Iran, các chế độ Hồi giáo tại Trung Đông đã có mối quan hệ thân thiện hơn với Hoa Kỳ.
Trên đại thể, tình hình quả ra không đến nỗi tệ và nếu Hoa Kỳ không tháo chạy, như ông Bush đã khẳng định, các nhóm chống Mỹ sẽ phải xét lại chiến lược của họ.
Các lãnh tụ Sunni thấy là họ không đủ sức ngăn cản cỗ xe dân chủ đang do tộc Shia và Kurd xây dựng, họ phải quyết định là tham gia hay tiếp tục đứng ngoài để phá hoại. Nếu Hoa Kỳ còn ở tại Iraq, họ sẽ chỉ có một ghế thiểu số tương xứng với dân số 20% của mình chứ không thể đòi hơn. Nếu Hoa Kỳ rút lui, có khi họ sẽ bị hai sắc tộc kia tàn sát. Trước Tổng thống Bush hai ngày, Tổng trưởng Rumsfeld đưa ra lời tiên đoán, rằng chiến tranh Iraq sẽ còn kéo dài 12 năm nữa. Điều ấy không có nghĩa là Mỹ sẽ tác chiến trong suốt thời gian đằng đẵng này. Nhưng ông cũng tiết lộ là Hoa Kỳ đang thương thảo với các nhóm nổi loạn của dân Sunni. Mỹ yểm trợ hai lực lượng Shiite và Kurd để thuyết phục lực lượng Sunni là nên buông súng. Bush nói tiếp là khi nào dân Iraq đứng dậy được thì quân Mỹ sẽ ra về và được binh lính vỗ tay! Đấy là lời cảnh báo cho các lãnh tụ Sunni.
Và đấy cũng là lời cảnh báo cho khủng bố. Hoa Kỳ sẽ không bỏ cuộc nửa chừng mà sẽ truy lùng khủng bố đến cùng, bằng cách đánh thẳng vào cơ sở quần chúng của họ: phát huy dân chủ ngay trong thế giới Hồi giáo sẽ diệt trừ được mầm mống khủng bố. Nếu đọc kỹ, ta còn thấy ông Bush nói rõ, kẻ thù của Iraq là các nhóm đặc công du kích ngụy danh Thánh chiến, tức là các nhóm khủng bố xâm nhập từ bên ngoài. Mạng lưới al-Qaeda có hiểu ngôn ngữ ấy khi Osama bin Laden kêu gọi phong trào khủng bố phải chuyển qua đấu tranh chính trị.
Mối liên hệ giữa Iraq và khủng bố vì vậy không phải là võ khí WMD hay liên hệ giữa Saddam Hussein với Osama bin Laden mà là dân chủ.
Hoa Kỳ chưa thể có giải pháp quân sự dứt khoát để diệt trừ khủng bố, nhưng dù bị nhiều thất bại, sức mạnh quân sự ấy đang tạo điều kiện chuyển hoá vấn đề khủng bố sang lãnh vực chính trị, tại Iraq và trong toàn vùng. Và đấu tranh chính trị trong một môi trường chưa có nền tảng dân chủ thì dù có nhiễu nhương hay bất trắc thì cũng còn hơn là đánh bom hay khủng bố tự sát. Nếu không có hơn 100 ngàn quân chiếm đóng Iraq, Hoa Kỳ không thể nào đạt kết quả này.
Vì vậy, người ta cần đánh giá thành bại ở Iraq trên một thế trận rộng lớn hơn. Cho dù giao tranh và bạo động vẫn xảy ra - và chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới - chúng là điều kiện tiên quyết cho những giải pháp chính trị sau này. Trước khi sáng, trời thường tối đen như mực.
May là ông Bush không tối và đòi tìm hoà bình trong danh dự qua một lịch trình tháo chạy như Hoa Kỳ đã từng làm tại Việt Nam, sau khi đã thắng trận Mậu Thân mà tưởng là thua.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.