Hôm nay,  

Tại Sao Đồng Minh Tháo Chạy?

23/06/200500:00:00(Xem: 12784)
Trong số vào tuần vừa qua, tờ "Sóng Thần" ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn có cho đăng tải bài của ông Giao Chỉ nói về cuốn sách thứ hai của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng hiện được xem như "best seller" trong số sách Việt ngữ xuất bản ở hải ngoại. Chúng tôi chưa hân hạnh được đọc cuốn sách đó, nhưng bài của ông Giao Chỉ viết khá dài với nhiều chi tiết khả dĩ cho phép chúng tôi tạm có những nhận xét sau đây trong khi chờ đợi việc ra mắt sách trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng.
Trước hết sách có nhiều lời ca ngợi cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ví dụ như việc nói rằng ngay những kẻ lúc còn sống chống đối ông Thiệu khi ông chết đã tới nghiêng mình trước linh cửu của ông ta. Tôi nghĩ đó là việc rất thường tình vì nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai còn cố chấp khi sự việc đã qua rồi. Chỉ có lịch sử mới có quyền phê phán. Điều tôi chú ý không phải là những chuyện lặt vặt như vậy mà muốn đề cập tới nội dung chính của cuốn sách của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Đó là việc Đồng Minh tháo chạy làm cho miền Nam phải xụp đổ. Tôi thấy như có một cái gì thiếu trong cuốn sách của ông Hưng. Đó là vấn đề tại sao Đồng Minh tháo chạy, sau khi đã hy sinh gần 60.000 con dân của mình và mấy trăm tỷ mỹ kim. Tôi thấy cuốn sách của ông Hưng như khập khễnh vì thiếu mất một vế: vế thứ nhất là "Đồng Minh tháo chạy", vế thứ hai theo ý tôi, phải là "vì sao Đồng Minh tháo chạy"" thì cuốn sách mới cân bằng hơn. Chỉ nói Đồng Minh tháo chạy nên miền Nam xụp đổ mà không nói vì sao Đồng Minh tháo chạy là một thiếu sót lớn đối với lịch sử.
Tôi còn nhớ rõ khi tôi viết cuốn sách "Vì sao chúng ta thất trận" (Reasons of defeat) tôi có đề cập tới các lý do của sự thất trận đó. Các lý do mà tôi muốn nêu lên về sự thất trận của miền Nam cho tới nay vẫn còn có giá trị vì tôi thấy người Mỹ cũng như người Việt có trách nhiệm, chưa ai đề cập tới vấn đề đó một cách minh bạch. Điều này nói lên việc những người VN có trách nhiệm thường muốn đổ lỗi cho người Mỹ về sự xụp đổ của miền Nam, chứ người VN không làm điều gì xấu xa cả. Tôi cho như vậy là không công bằng và khách quan.

Theo ý tôi thì sự xụp đổ hay thất trận của miền Nam có nhiều nguyên nhân mà việc Đồng Minh tháo chạy chỉ là kết quả của những nguyên nhân đưa tới sự việc tan thương ngày 30 tháng 04 năm 1975. Lý do thứ nhất là các đảng phái quốc gia VN không đoàn kết nhất trí, thường "đồng sàng nhưng dị mộng", không bao giờ có thể trở thành một lực lượng làm nền tảng cho việc chiến đấu chống cộng. Ba nhân vật lãnh đạo đất nước trong ba giai đoạn khác nhau thì một ông là ông vua lười biếng, vô trách nhiệm, lo chơi hơn là lo việc nước, cứ trao quyền cho hết người này tới người khác, thậm chí biết trước người ta sẽ phản bội mình nhưng vẫn cứ trao quyền cho người ta. Ông thứ hai là một viên quan lại thời xa xưa, thương dân như người cha thương con cái trong gia đình, cho cái gì thì nhận cái đó, không có quyền đòi hỏi thêm. Nếu đòi hỏi là phản động, là thân cộng. Người thứ ba là một quan thái thú được gửi từ Washington qua Sài Gòn để cai trị VN: Mỹ bảo cái gì thì làm cái nấy, rút kinh nghiệm của những người đi trước, sợ cùng chung số phận như người đi trước. Khi ra đi khỏi VN, phải cúi đầu xuống, sợ người ta nhìn thấy mình trốn chạy trong khi toàn thể quân đội còn chiến đấu.
Có hai yếu tố khác làm cho Đồng Minh tháo chạy: nạn tham nhũng và thối nát trong các cơ quan chính quyền và ngay cả trong quân đội và cảnh sát. Cụ Trần Văn Hương đã nói tham nhũng làm mất nước. Mặt khác, vấn đề mà ít người nói tới vì nói tới là bị chụp mũ. Đó là các ưu điểm của cộng sản trong cuộc chiến 30 năm từ 45 tới 75. Họ có lãnh đạo thống nhất từ trên xuống dưới, họ có một tổ chức chặt chẽ, họ trường kỳ gian khổ, chấp nhận các hy sinh cần thiết để chiến thắng.
Thế thường khi hai kẻ hùn hạp nhau làm ăn kinh doanh mà một bên không cần kiệm, bất lực trong việc quản lý công cuộc kinh doanh để công ty phải lỗ lã thì việc "bỏ của chạy lấy người" của người thứ hai không phải là điều gì mới lạ. Khi Hoa Kỳ hy sinh nhân lực và tài lực để tìm một chiến thắng ở Việt Nam mà không thể đạt tới được thì việc tháo chạy của họ không phải là một điều gì đáng ngạc nghiên. Cái đáng ngạc nghiên là tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng không giải thích vì sao Đồng Minh phải tháo chạy để cho lịch sử được ghi nhận một cách khách quan. Đó là một điều đáng tiếc vậy.
Hồ Văn Đồng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.