Hôm nay,  

30 Năm Cộng Đồng - Sự Hình Thành Và Phát Triển

13/06/200500:00:00(Xem: 4970)
Cựu Thủ Tướng Úc Ngài Malcolm Fraser đã được toàn thể hội trường đứng dạy bày tỏ lòng tôn kính khi ông được mời lên phát biểu khai mạc buổi triển lãm 30 Năm Hình Thành Cộng Đồng Việt Nam (30 Years in the Making of the Vietnamese Community in Australia) tại Viện Bảo Tàng Di Dân vào Chủ Nhật, 5/6/2005.
Ban Tổ Chức (Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria và Viện Bảo Tàng Di Dân cùng với một số hội đoàn cá nhân trong cộng đồng Việt Nam) cho biết đây là cơ hội mà 30 năm qua chúng tôi chưa có để chính thức tạ ơn vị ân nhân, người xứng đáng được gọi là vị cứu tinh (saviour) đối với hàng trăm nghìn người Việt tị nạn đang định cư tại Úc. Ông Bà Fraser được Ban Tổ Chức tặng một bó hoa thật đẹp và những món quà lưu niệm.
Cũng cần nhắc lại, trước khi cựu Thủ Tướng Malcolm Fraser lên nắm chính quyền sau cuộc chính biến 11 tháng 11 năm 1975, chính phủ Gough Whitlam vì quan điểm chính trị nên không chủ trương tiếp nhận người Việt tị nạn ngoài trừ một số trường hợp đặc biệt. Khi lên nắm chính quyền, mặc dầu dư luận Úc vẫn chưa sẵn sàng đón nhận hàng chục ngàn thuyền nhân từ các trại tị nạn, chính phủ Fraser đã lãnh đạo quốc hội và dư luận Úc thay đổi chính sách di dân và thực sự bỏ hẳn chính sách nước Úc da trắng (White Australia Policy). Do đó mà trước năm 1975, có khoảng 700 người Việt tại Úc, đa số là sinh viên du học, trẻ mồ côi, hay vợ của các viên chức Úc từng phục vụ tại Việt Nam; vào cuối năm 1975, Úc đã nhận 400 người Việt tị nạn từ các trại ở Guam, Hồng Kông, Tân Gia Ba và Mã Lai; nhưng khi ông Fraser lên làm Thủ Tướng, từ con số 2427 người Việt vào năm 1976 đã tăng lên 49,616 người vào năm 1981. Đây là một tỷ lệ tiếp nhận người tị nạn kỷ lục chưa từng thấy tại Úc. Và chính sách di dân dưới thời ông Fraser lãnh đạo đã được phe cầm quyền và cả phe đối lập thông qua, và sau này khi đảng Lao Động dưới thời ông Bob Hawke cầm quyền cũng đã tiếp tục những chính sách thuận lợi đối với người Việt tị nạn. Do đó mà ngày nay đã có một cộng đồng người Việt 200,000 người và khoảng 50 ngàn thuộc thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Úc.
Ông Fraser cho biết ông rất cảm kích với những cử chỉ này nhưng ông nghĩ có rất nhiều người khác đã đóng góp vào sự việc này. Trong bài phát biểu, cựu Thủ Tướng Fraser chia sẻ nhiều điều đáng suy ngẫm. Là người cổ võ cho chính sách đa văn hoá (multiculturalism), ông Fraser nhấn mạnh đến cái cốt lõi của chính sách này là không phân biệt nguồn gốc sắc tộc từ đâu đến. Đồng thời ông cũng kêu gọi mọi người nên nhớ nguồn gốc của mình, nhớ quá khứ của mình, để giúp chúng ta hướng về tương lai và giúp cho xã hội đặc sắc. Ông hiểu rằng không có gì khó khăn hơn cái quyết định phải từ bỏ đất nước của mình, mà tất cả chỉ vì muốn có tự do, muốn có một đời sống lương thiện hơn... cho tương lai của con em mình. Thông điệp quan trọng nhất trong bài diễn văn của ông là, đừng bao giờ cho rằng, nền pháp trị và tính công bằng trước pháp luật là điều hiển nhiên, mà chúng ta phải bảo vệ nó bằng mọi giá. Theo ông thì dù pháp luật có đó, dù có người nói rất hay về những giá trị đó, nhưng vẫn có những sự vi phạm xảy ra; và nếu vậy thì chúng ta phải có bổn phận tìm ra những sai lầm đó, ai chịu trách nhiệm, và làm sao để những việc này không xảy ra nữa. Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ tự do của mình và của người khác, mặc dù có thể gặp nguy hiểm, đe doạ, sợ hãi v.v... nhất là trong thời đại khủng bố này, nhưng chúng ta phải chiến đấu với khủng bố để bảo vệ nguyên lý và nền dân chủ của mình. Trong khung cảnh nói chuyện với cộng đồng người Việt tị nạn, hẳn ông Fraser có nhiều thông điệp không riêng gì đối với khán thính giả đang nghe ông.

Vào phần cuối của chương trình khai mạc, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã trao tặng tấm Plaque cho bà Padmini Sebastian (người quản lý của Immigration Museum) với nội dung: "Tấm Plaque này là để tưởng nhớ đến hàng trăm ngàn người Việt tị nạn và thuyền nhân đã mất mạng trên con đường tìm tự do, khỏi sự đàn áp của cộng sản. Nó cũng tưởng niệm sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Victoria kể từ năm 1975." Bà Sebastian cho biết là sẽ treo tấm Plaque này ở chỗ triển lãm và sẽ lưu trữ vĩnh viễn trong Conference Room của viện bảo tàng. Tấm Plaque này sẽ góp phần không nhỏ cho thế hệ con cháu người Việt tị nạn sau này biết được hành trình đi tìm tự do của cha ông.
Phần chính của sinh hoạt là cuộc triển lãm 11 tấm bảng lớn về sự hình thành và phát triển của người Việt tị nạn trong 30 năm qua. Tấm bảng đầu tiên là tấm hình một chiếc thuyền vượt biên tiêu biểu của thuyền nhân Việt Nam có treo cờ SOS, để biết cộng đồng Việt Nam từ đâu đến; thứ hai là về biến cố 30 tháng 4 năm 1975; thứ ba là hành trình tìm tự do; thứ tư là định cư tại Úc; thứ năm là hội nhập và phát triển; thứ sáu là cộng đồng, hội đoàn và các sinh hoạt; thứ bảy là đóng góp vào kinh tế Úc; thứ tám là duy trì văn hoá và truyền thống; thứ chín là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho Việt Nam và đồng bào của mình; thứ mười là về tương lai phiá trước; và thứ mười một là lời cảm tạ. Những người đi xem cuộc triển lãm, nhất là các bạn trẻ, cho biết các tấm bảng này đã giúp họ hiểu được nhiều hơn về sự hình thành và phát triển của cộng đồng cũng như lý do tại sao họ có mặt ở nơi đây.
Ngoài cuộc triển lãm thì chương trình còn nhiều tiết mục đặc biệt khác như hướng dẫn nấu các món ăn Việt Nam, cắm hoa, hay các chương trình cho thiếu nhi như kể chuyện, xếp lồng đèn v.v... Một chương trình văn nghệ đặc sắc do các hội đoàn Việt Nam tại Victoria đóng góp với các tiết mục ca, muá, nhạc kịch và trình diễn áo dài với màu sắc thật đẹp làm cho khán thính giả, đặc biệt là người Úc, rất thích thú. Đội muá của học sinh trung học có cả các em người Úc và các sắc tộc khác. Xen kẽ các tiết mục văn nghệ, người điều khiển chương trình đã trình bày thêm về văn hoá Việt Nam, lịch sử chiếc áo dài, cuộc đấu tranh giành độc lập của Hai Bà Trưng, ca dao và nhạc dân ca v.v...
Buổi triển lãm đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm nơi người đi xem, gợi lại bao nhiêu kỷ niệm vui buồn từ Việt Nam sang các trại tị nạn cho đến những năm tháng đầu đặt chân đến nước Úc.
Các quan khách tham dự gồm có đại diện chính quyền tiểu bang như nghị sĩ Nguyễn Sang, dân biểu Murray Thompson, trưởng nhiệm SBS Radio LS Lưu Tường Quang, Giám đốc Viện Bảo Tàng Victoria TS Patrick Greene, ông Nguyễn Thế Phong Chủ Tịch Cộng Đồng Sắc Tộc Victoria, ông Châu Xuân Hùng và Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, và nhiều hội đoàn tổ chức và hơn 500 đồng bào, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Viện Bảo Tàng Di Dân sẽ triển lãm câu chuyện của người Việt tị nạn từ ngày 5 tháng 6 đến đầu tháng Giêng năm 2006 để du khách và nhiều người địa phương chưa có cơ hội tham dự Chủ Nhật vừa qua có thể đến xem. - Nguyệt Như - Đài Chân Trời Mới tường trình từ Melbourne, Úc Châu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.