Hôm nay,  

Âu Châu: Khi Cuộc Tình Đã Chết…

04/06/200500:00:00(Xem: 5030)
Đành rằng Âu châu đang rạn vỡ, nhưng Đông Âu sẽ lách về đâu giữa các mảnh vụn ấy"
Trong thảm kịch Âu châu đang bày ra trước thế giới, một thành phần chuyên môn có thể thấy buồn nhất, là giới kinh tế gia. Và một thành phần khác đang lo sợ nhất, các chiến lược gia. Còn giới chính trị gia, hình như họ chưa hiểu gì… Chính trị gia là người giải thích cho dân biết rằng cái gì có lợi cho họ, có khi bất cần tới nhận thức hay phản ứng của người dân.
Về lý thuyết, khi biên cương giao dịch được mở rộng với tối thiểu hạn chế hay kiểm soát thì việc mua bán trở nên dễ dàng hơn và về dài điều ấy sẽ góp phần đem lại thịnh vượng cho mọi người. Lý thuyết kinh tế này đúng về dài, nhưng nhất thời tạo ra những thay đổi khiến có người được kẻ mất - hoặc cảm thấy là mình có lợi, hay bị thiệt. Phản ứng của họ trước những thay đổi có thể gây tác dụng ngược về kinh tế - và chính trị - là điều đang xảy ra tại Âu châu. Dù giới chính trị gia lãnh đạo Liên hiệp Âu châu đang lại trấn an dư luận như mọi khi, khủng hoảng đã bùng nổ. Rồi từ Tây Âu sẽ tràn qua Đông Âu, là vấn đề sẽ làm các nhà chiến lược đau đầu.
Hãy đi từ Tây Âu, từ nước Pháp….
Nước Pháp đa sự
Tuần qua, người dân của hai sáng lập viên Âu châu, từ thời Cộng đồng Than Thép, Cộng đồng Kinh tế Âu châu, Thỏa ước Maastritch về hệ thống tiền tệ thống nhất, v.v… là Pháp và Hòa Lan, đã đồng loạt bác bỏ Hiến pháp Âu châu, do một cựu Tổng thống Pháp là trưởng ban soạn thảo. Biến cố ấy đang chấn động Liên hiệp Âu châu, một tổ chức quy tụ 25 nước, và đánh dấu sự tan vỡ của nửa thế kỷ mơ ước Âu châu thống nhất.
Dân Pháp chống với tỷ lệ 55-45 và dân Hòa Lan với tỷ lệ 63-47, nhưng sự thể mỗi nơi mỗi khác và hậu quả chung là bản Hiến pháp coi như vô dụng. Có sửa đổi hay cho dân chúng xứ khác biểu quyết chống hay thuận thì cũng vô ích, có khi thiếu lương thiện, vì văn kiện này sẽ không thể được áp dụng nguyên vẹn 448 điều khoản đã được các lãnh tụ Âu châu thông qua vào tháng 10 năm ngoái.
Trở lại nỗi thất vọng của giới kinh tế thì thuần về kinh tế, xưa nay Hòa Lan vẫn cổ võ việc hội nhập Âu châu thành một thị trường thống nhất. Kinh tế Hòa Lan vượt kinh tế Pháp về hiệu năng và thu lợi nhiều nhờ sự hội nhập ấy. Cũng về kinh tế, nông gia của hai nước được hưởng nhiều nhất từ ngân sách trợ cấp nông nghiệp của Âu châu. Vậy mà họ đã bỏ phiếu chống. Kết luận: cơm áo không là tất cả.
Nghịch lý ở đây là họ không muốn một thiểu số chính khách, ở thủ đô quốc gia hay tại thủ đô Âu châu là Bruxelles, lại quyết định về khuôn khổ sinh hoạt của mình. Chẳng hạn như việc hòa nhập biên giới quốc gia vào một biên cương kinh tế rộng lớn hơn có thể giúp tài hóa lưu thông dễ dàng thì cũng mở ra nhiều đợt sóng di dân nhập cư từ nơi khác, khiến nếp sinh hoạt truyền thống phải thay đổi, bản sắc dân tộc bị de dọa. Các nhà kinh tế hay chính khách, thành phần ưu tú của cơ chế Âu châu, không tính ra phản ứng "phi kinh tế" ấy.
Do đó, mặc dù bản Hiến pháp sẽ đòi hỏi giới lãnh đạo Liên hiệp Âu châu phải có trách nhiệm nhiều hơn với công chúng vì quốc hội của từng nước lẫn quốc hội Âu châu sẽ có nhiều quyền hạn hơn với cơ chế Hành pháp Âu châu tại Bruxelles, người ta vẫn chống.
Xét tới hoàn cảnh của từng nước trong hai quốc gia vừa châm ngòi khủng hoảng thì dù Pháp là một nước lớn và có ảnh hưởng với Âu châu hơn là Hòa Lan, sự bác khước của Hòa Lan mới thực sự có ý nghĩa cho giới lãnh đạo Âu châu.
Dân Pháp chống Hiến pháp vì nhiều lý do mâu thuẫn với nhau, có khi chẳng liên hệ gì ới Âu châu.
Họ nổi giận với chính quyền, bất mãn vì thái độ họ coi là trịch thượng của Tổng thống Jacques Chirac, họ bực mình vì dáng vẻ bất lực của Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin và sốt ruột với những vụ đình công thường xuyên bùng nổ vì những lý do không đâu. Họ ưu lo vì nạn thất nghiệp đã như bệnh nan y không thuyên giảm từ cả chục năm nay, mấp mé 10% dân số lao động và đe dọa gần một phần tư dân số những người dưới 25 tuổi. Đã vậy, họ còn sợ mất việc vào tay "thợ ống nước Ba Lan", biểu tượng điển hình của cư dân Đông Âu nay có quyền giật mất việc làm của họ vì nhận lương thấp hơn, hay sợ mất nghiệp vào tay doanh nghiệp Estonia, biểu tượng của giới đầu tư đầy hiệu năng cạnh tranh.
Dân Pháp có cả trăm lý do rất phức tạp để chống lại Hiến pháp Âu châu, có khi "chống oan" và trách nhiệm của sự kiện này thuộc về chính quyền của Chirac. Tỷ lệ ủng hộ của ông hiện sụt đến mức cực thấp, vỏn vẹn 24%. Người Pháp ưa bất mãn và sẳn sàng đình công biểu tình về mọi chuyện lớn nhỏ nhưng luôn luôn tin tưởng rằng mô thức kinh tế xã hội và sắc thái văn hóa của họ phải đứng đầu thế giới, nên cuộc trưng cầu dân ý tại Pháp mới làm thế giới giật mình.
Dân Hòa Lan lại khác. Họ bình tĩnh tìm hiểu nội dung vấn đề, thảo luận kỹ lưỡng và cân nhắc lợi hại - một việc không dễ cho một văn kiện dài 70.000 chữ, in ra cũng bằng quyển sách dày mấy trăm trang (cần tham khảo, xin truy cập bản Anh ngữ http://europa.eu.int/eur-lex/en/treaties/dat/constit.html hay Pháp ngữ http://europa.fr.int/eur-lex/en/treaties/dat/constit.html.) Hiếm ai chịu khó đọc hết một bản hợp đồng mấy trăm trang, vậy mà nhiều người Hòa Lan đã cố làm việc ấy. Và bình tĩnh kết luận rằng họ không đồng ý, với một tỷ lệ còn lớn hơn của Pháp.
Họ chống vì nội dung và thực chất của dự án Âu châu, chứ không "chống oan" như dân Pháp. Kết cuộc thì các chính khách Hòa Lan, sau khi nồng nhiệt ủng hộ Hiến pháp với tỷ lệ áp đảo và đầy kinh ngạc là 85% đã đành chiều theo ý dân mà hết lấy rủi ro nói về việc cứu vãn Âu châu. Ta về ta tắm ao ta, Quốc hội Hòa Lan sẽ thảo luận về những đề mục cụ thể mà vô hại hơn.
Tây Âu đa đoan
Vì bản Hiến pháp sẽ chỉ có giá trị khi tất cả 25 hội viên của Liên hiệp Âu châu đều đồng ý, việc hai nước sáng lập lại bác bỏ coi như đã khai tử văn kiện này.
Như thông lệ, các lãnh tụ Âu châu vẫn muốn phủ nhận thực tế cứng đầu ấy - như Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, đương kim Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu châu, hay Chủ tịch Hội đồng Âu châu José Manuel Barroso, Chủ tịch Quốc hội Âu châu Joseph Borrell. Họ viện dẫn điều khoản pháp lý để tin rằng các nước sẽ tiếp tục tiến trình phê chuẩn, hoặc cùng lắm thì sẽ tu chỉnh dăm ba điều mà không làm thay đổi hẳn nội dung là mọi việc đều sẽ lại tốt đẹp.
Nếu các nước tiếp tục hỏi ý dân để phê chuẩn văn kiện này, có thể là dân Đan Mạch, Ba Lan, Tiệp, Anh và cả Luxembourg cũng sẽ chống. Lý do chính là vì tinh thần chủ quan duy ý chí của các quan chức Âu châu, khi dân ý đã sáng tỏ tại Pháp và Hòa Lan mà cơ chế lãnh đạo Liên Âu vẫn cứ coi như không. Vì nguyên tắc dân chủ, dân xứ nào cũng có quyền phát biểu về một văn kiện sẽ chi phối tương lai của họ, nhưng người dân 13 nước còn lại có lý do gì để biểu quyết một văn kiện sẽ không thể áp dụng chăng"
Nếu các quan chức Liên Âu muốn tu sửa vài điều khoản - một giải pháp chắp vá đã từng được áp dụng sau vụ Maastritch năm 1992 - nhiều mâu thuẫn chính trị về quyền lợi từng nước sẽ bùng nổ gay gắt. Chủ nghĩa quốc gia ích kỷ có thể phá vỡ tinh thần liên đới của Âu châu mà không giải quyết được khủng hoảng.
Ngoài ra, hai nước mạnh miệng nhất trong cơ chế Âu châu là Pháp và Đức lại đều thấy lãnh đạo bị suy yếu nên khó kết hợp nổi nỗ lực hàn gắn. Một chính khách của đảng UMP của Jacques Chirac còn ví von, rằng thế hợp tác giữa Chirac và (Thủ tướng Đức Erhard) Schroeder cũng tựa như "anh mù đi với anh què". Chưa biết là ai sẽ cõng ai, nhưng Thứ Bảy mùng bốn này, hai người sẽ gặp nhau tại Berlin để tìm cách đối phó.
Đối phó như thế nào trong điều kiện đầy bất ổn của ngần ấy nước"
Tại Pháp, trên những đổ vỡ của một vụ trưng cầu dân ý lịch sử, Tổng thống Chirac lại "nghề riêng có một chút này" - dùng thủ thuật chính trị để tồn tại. Ông trao quyền Thủ tướng cho thủ túc thân tín là Dominique de Villepin nhưng khéo cài một đối thủ của ông là Nicolas Sarkozy vào làm Quốc vụ khanh, kiêm Bộ trưởng Nội vụ và Cải cách Địa phương, kiêm Chủ tịch đảng UMP, kiêm nhân viên Hội đồng tỉnh tại một đơn vị ngoại thành Paris.
Hai người, de Villepin và Sarkozy, lại khác nhau như nước với lửa.
De Villepin dòng dõi quý phái, chưa hề một lần ra tranh cử, hãnh diện về nước Pháp vàng son, theo đường lối de Gaulle là nghi kỵ liên minh với Mỹ và chủ trương chế độ kinh tế bao cấp. Sarkozy là con nhà di dân gốc Hung (mẫu thân mang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái), có lập trường hòa hoãn hơn với Hoa Kỳ và chủ trương xu hướng kinh tế tự do, đã sinh hoạt đảng phái từ cơ sở và năm ngoái còn ra tranh cử chức chủ tịch đảng và thắng cử vẻ vang. Ông cũng không che giấu ý định sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2007 này và vì vậy có thể là một đối thủ của Chirac.
Chirac long trọng mời Sarkozy vào nội các để bảo vệ sự thống nhất của liên minh trung hữu về danh nghĩa, hoặc chỉ để an toàn đưa Sarkozy vào thế kẹt vì phải chịu trách nhiệm về nhựng biện pháp thất nhân tâm của chính phủ. Nhưng nội các Villepin, với Sarkozy thủ vai Phó thủ tướng trong thực tế, sẽ không cứu vãn được sự nghiệp Chirac từ nay cho đến bầu cử tổng thống. Từ nay đến đó, Chirac không thể làm gì thêm cho Âu châu. Chỉ mong tồn tại cũng đủ mệt hơi.
Đồng chí của ông là Thủ tướng Schroeder cũng không khá hơn.

Sau vụ đảng Dân chủ Xã hội SPD của ông bị thất cử tại một thành lũy của đảng (bang North Rhine-Wesphalia), Schroeder quyết định tổ chức bầu cử sớm. Trong cuộc bầu cử trước, Schroeder thắng cử khít khao nhờ khéo ồn ào chống Mỹ. Lần này, liên minh "Xanh-Đỏ" (đảng môi sinh và đảng Dân xã SPD) của ông có thể thất cử và đảng đối lập Dân chủ Thiên chúa giáo CDU sẽ thắng cử. Sau ngày bầu cử dự trù là 19 tháng Chín này, Thủ tướng Đức sẽ là phụ nữ, và là một phụ nữ xuất thân từ Đông Đức, bà Angela Merkel: cho tới nay, CDU vẫn dẫn trước SPD hơn 10 điểm. Từ nay đến đó, tiếng nói của Schroeder về Âu châu coi như vô giá trị. Hai nước dẫn đầu Âu châu đều có lãnh đạo chống nạng qua ngày thì Âu châu sẽ đi về đâu"
Một sáng lập viên khác của Âu châu là Ý Đại Lợi cũng khó ở vào hoàn cảnh cướp cờ cứu giá. Chính quyền trung hữu của Thủ tướng Silvio Berlusconi vừa thoát hiểm vào tháng Tư và lại gặp bầu cử vào năm tới, với rất nhiều bất trắc vì kinh tế trì trệ và vì Ý đã gửi quân qua Iraq. Y như Hòa Lan sau gáo nước lạnh hôm mùng một vừa qua, Ý sẽ không là tiếng nói có trọng lượng để cứu vãn tình hình Liên Âu.
Còn lại một quốc gia có thế giá và trọng lực. Đó là nước Anh, chưa đầy một tháng nữa sẽ là Chủ tịch luân phiên của Âu châu trong sáu tháng, từ mùng một Tháng Bảy này. Khốn nỗi, cả lãnh đạo lẫn người dân Anh quốc đều hoài nghi ý niệm thống nhất Âu châu và gia nhập trong tinh thần "hiện hữu để kiểm soát được tình hình". Ngoài ra, ngay từ đầu, Anh liên tục gây vấn đề về ngân sách vì không muốn phải góp tiền trợ cấp cho xứ khác và nay sẽ có nhiều đòi hỏi gắt gao hơn, như muốn giảm chi cho ngân sách Âu châu thuộc tài khóa 2007-2013, một đề tài dễ gây thêm sóng gió cho một cơ chế đang bị khủng hoảng. Đã vậy, sau Anh, quốc gia sẽ làm Chủ tịch luân phiên lại có cùng quan điểm về ngân sách với Anh là nước Áo.
Sau cùng, Anh quốc vẫn là trưởng tràng của trường phái kinh tế tự do ("kiểu Mỹ" theo quan điểm của xu hướng thiên tả và bao cấp) và một đối thủ của Pháp và Đức trên các vấn đề quốc tế. Sau khi hứa hẹn sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp trong năm tới, với hy vọng là dân Anh sẽ chống - vì những lý do trái ngược với dân Pháp - chính quyền của Thủ tướng Tony Blair đang xét lại lập trường, có khi khỏi cần dân ý cũng khai tử bản Hiến pháp đang hấp hối.
Như vậy, không một lãnh tụ Liên Âu nào lại có khả năng đánh ngược sóng để đề xướng ra giải pháp cứu vãn. Người ta có thể sẽ thấy điều ấy trong mươi ngày nữa, tại thượng đỉnh ở Luxembourg vào hai ngày 16-17 này.
Quá hạn ấy, kể từ Tháng Bảy tương lai Liên Âu sẽ nằm trong "thiện chí" của Tony Blair. Sau Tháng Bảy, mọi chuyện đều cũng là huề: dân chúng lẫn các lãnh tụ Âu châu sẽ bận rộn với một việc cực kỳ thiêng liêng, rất Âu châu. Đó là đi nghỉ hè! Không ai lấy quyết định gì hệ trọng trong thời gian ấy cả. Mùa hè năm ngoái, 15.000 người cao niên của Pháp đã thiệt mạng vì khí nóng, có thấy chính quyền Pháp hay Âu châu rúng động gì đâu"
Nhưng trái đất không ngừng xoay vì nỗi đa đoan đa sự của Tây Âu. Phân nửa lục địa Âu châu nay bỗng lỡ trớn vì những gì đang xảy ra tại Tây Âu và Liên bang Nga. Đó là… "Âu châu mới" với mối tình xưa, một thực thể xuất phát từ đại thế chính trị Âu châu, chứ không là sản phẩm hoang tưởng của Donald Rumsfeld trong bộ Quốc phòng Mỹ.
Đông Âu đa mang
Suốt tuần qua, dư luận quốc tế chỉ nói đến Tây Âu đa sự mà không nhìn thấy nỗi niềm Đông Âu.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, các nước Đông Âu - từ biển Baltic phía Bắc xuống tới Hắc hải phía Nam - đã có cơ hội "trở về mái nhà xưa", bị gián đoạn vì sai lầm khó tha thứ của Hoa Kỳ thời Roosevelt khi đồng ý chia đôi thiên hạ với Josef Stalin tại Yalta năm 1945. Cơ hội ấy là hội nhập với Tây Âu, là thành viên của Liên hiệp Âu châu, dân chủ, tự do và phú cường.
Mười lăm năm sau, cơ hội ấy đang tan tành trước mặt họ.
Thế chiến I (1914-1918) đã khiến một đế quốc thành hình là Liên bang Xô viết trên mảnh vụn của bốn đế quốc khác là đế quốc Nga, đế quốc Ottoman theo Hồi giáo, đế quốc Áo-Hung và đế quốc Đức. Giữa Nga và Đức, một loạt quốc gia đã thành hình, sau này là vùng trái độn giữa Liên xô và mảnh dân chủ của Đức là Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức), đó là khu vực ta vẫn gọi tắt là Đông Âu hay Trung Âu. Các nước nhỏ yếu này không đủ sức chống lại hai đại cường lục địa ở hai bên là Nga và Đức, mà cũng không đủ tin nhau để lập ra một thế "hợp tung" cho nhu cầu tự vệ. Họ lần lượt bị Nga và Đức khống chế, xâm lấn hoặc bán chác với nhau.
Trong hoàn cảnh ấy, họ chỉ còn giải pháp hoặc tự cường để tự vệ, hoặc liên kết với một cường quốc khác ngoài khu vực, hoặc thỏa hiệp với một trong hai thế lực Nga hay Đức để phần nào giữ được chủ quyền. Ba Lan và Tiệp Khắc ngả theo hai giải pháp đầu và cầu viện hai cường quốc bên ngoài là Anh và Pháp. Hung Gia Lợi ngả theo giải pháp thứ ba.
Đấy là khung cảnh của Thế chiến II, với kết cuộc là thỏa ước Yalta.
Khốn nỗi, liên minh Anh-Pháp không thể bảo vệ được Ba Lan hay Tiệp Khắc. Muốn can thiệp để cứu vãn thì hai nước này phải đưa quân qua tới miền Đông của lãnh thổ Đức. Sự nhu nhược của họ khiến Tiệp Khắc bị tấn công, đến khi muốn cứu Ba Lan, đến lượt hai nước bị kéo vào vòng chiến. Khi Thế chiến II kết thúc, Ba Lan tiếp tục bị hy sinh sau khi đã bị Đức quốc xã dày xéo. Năm 1945, nhờ Hoa Kỳ dừng bước, Liên xô đã lập được vùng trái độn để ngăn ngừa một đợt tấn công khác từ Tây Âu, đấy là các nước Đông Âu, từ biển Baltic xuống tới bán đảo Balkan, mà ta vẫn quen gọi là "chư hầu Xô viết". Thực tế là họ bị Liên xô khống chế và cải tạo thành một vùng đất kiệt quệ.
Tình trạng ấy kéo dài từ sau Thế chiến II cho đến khi Liên xô tan rã, năm 1991, nửa thế kỷ chiến tranh và cách mạng u ám!
Kể từ 1914 đến nay, lần đầu tiên dải đất nhiều tai ương ấy đã thực sự được giải phóng: Liên xô không còn; Liên bang Nga bị bào mỏng; Moscow hết là bá chủ; nước Đức hết hung hãn đe dọa an ninh hay thịnh vượng của khu vực, lại còn là thành viên của Minh ước NATO lẫn Liên hiệp Âu châu; và giữa các nước với nhau - trừ ngoại lệ là bảy nước của Liên bang Nam Tư cũ - mọi hiềm khích đều cũng nguôi ngoai, xóa bỏ. Từ gần một thế kỷ nay, Đông Âu mới có một định mệnh khác.
Trong khung cảnh mới, cộng đồng các nước Đông Âu chỉ còn thấy một mâu thuẫn mới, xảy ra giữa Hoa Kỳ và hai trụ cột Tây Âu là Pháp và Đức. Tổng thống George W. Bush không gây ra mâu thuẫn ấy, ông chỉ công khai ứng xử với thực tế mới, vốn dĩ manh nha từ trước, thí dụ như trong vụ can thiệp hay ổn định các mảnh vụn của Nam Tư. Dù sao, mâu thuẫn ấy chỉ là kèn cựa về quyền lợi và thế lực, chứ không căng thẳng như chuyện Đông-Tây đối đầu thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, khác với sự lạc quan của Hoa Kỳ, các nước Đông Âu đã trả giá quá đắt trong lịch sử để có thể tin rằng Nga hay Đức sẽ mãi mãi hiếu hòa. Họ e ngại chuyện bất thường và tự trấn an là với Nga, họ có lá chắn là Minh ước NATO; với Đức, họ có cái neo dân chủ là Liên Âu.
Thế rồi, tháng Năm vừa qua, mọi sự đều như đảo lộn.
Ba tuần trước khi dân Pháp đi bầu, ngay tại Latvia, Tổng thống Bush tố cáo sai lầm của Yalta và xẵng giọng với Liên bang Nga. Chính quyền Putin bèn tố ngược là Anh Mỹ nhúng tay vào vùng ảnh hưởng của họ với làn sóng dân chủ thổi bùng từ Georgia tới Ukraine rồi Gyrgyzstan, Uzbekistan. Đã từng là nạn nhân của trò đại thế chính trị giữa các đại cường, các nước Đông Âu ý thức rất rõ mối nguy xuất phát từ Liên bang Nga, nhiều hơn là dư luận Mỹ có thể thấy. Nếu xung đột chỉ xảy ra tại Georgia hay Ukraine thì họ còn tạm yên thân, nhưng liệu Moscow có chịu như vậy chăng khi đang bị dồn vào thế kẹt"
Trong điều kiện ấy, những rung chuyển tại Âu châu mới khiến Đông Âu e ngại: vụ Iraq rồi mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Pháp và Đức đã làm sứt mẻ quan hệ Bắc Đại Tây Dương và làm suy yếu Minh ước NATO. Giờ đây, nền móng của Liên Âu lại lung lay vì hai cuộc trưng cầu dân ý tuần qua… Đã vậy, dân Pháp còn có vẻ như muốn quy tội cho họ là cướp mất việc làm, ngả theo xu hướng kinh tế tự do và quá thân Mỹ. Trước đây, Tổng thống Chirac từng phát biểu về các nước Đông Âu: "họ nên nên ngậm miệng", bây giờ dân Pháp còn bỏ phiếu chống Hiến pháp vì e sợ mất mát quyền lợi kinh tế vào tay dân chúng Đông Âu!
Xưa kia, Đông Âu đã trông cậy vào hai cường quốc Anh-Pháp bên ngoài để bảo vệ an ninh bên trong, và bị Anh-Pháp hy sinh, rồi bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Lần này, với tình trạng Tây Âu bất nhất, họ có thể nương tựa vào Hoa Kỳ được chăng" Trong giả thuyết xung đột, Liên bang Nga còn dám lấy quyết định táo bạo vì vấn đề sinh tử của mình, chứ ở mãi bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ có dám nhập cuộc để cứu vãn tình hình chăng" Và sau khi ông Bush mãn nhiệm kỳ hai, Hoa Kỳ có còn là Hoa Kỳ không" Những câu hỏi này chưa được phía Hoa Kỳ trả lời đã đành mà cũng chẳng thấy các nước Tây Âu nêu lên. Họ còn đang bận tống táng một văn kiện vô giá trị, trước khi lên đường đi nghỉ hè.
(Trên cột báo này, từ nhiều tháng nay Việt Báo đã có loạt bài về tình hình Âu châu:
"Âu - Nga và Âu Lo" của Võ Thành Văn, ngày bảy tháng Tư;
"Âu Châu thiếu Pháp"" của Nguyễn Xuân Nghĩa, ngày 16 tháng Tư;
"Pháp gẫy đòn bẩy" của Võ Thành Văn, ngày 23 tháng Năm;
"Thời sự ngày mai" của Võ Thành Văn, ngày 26 tháng Năm;
"Sóng thần Âu châu: dân Pháp lắc đầu" của Nguyễn Xuân Nghĩa, ngày 30 tháng Năm)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.