Hôm nay,  

Y Học Biên Cương Mới

02/06/200500:00:00(Xem: 5317)
Tuần trước Hạ viện Mỹ đã biểu quyết chấp thuận với đa số lớn dự luật bãi bỏ những hạn chế thiết lập 4 năm trước đây về việc dùng quỹ liên bang tài trợ các cuộc khảo cứu tế bào gốc. Cuộc biểu quyết này được coi như một sự thách thức đối với TT Bush vì ông đã hăm dọa sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ mọi toan tính sửa đổi những hạn chế đó. Tại sao có tình trạng này và ý nghĩa thực sự của nó như thế nào" Hành động của TT Bush dựa trên một niềm tin tôn giáo rất mạnh của một số người bảo thủ Ky tô giáo, và cũng có thể của chính ông. Ông nói đạo luật hủy bỏ sự hạn chế tài trợ liên bang sẽ “đưa chúng ta vuợt qua lằn ranh phê phán của đạo lý” vì đó là sự khuyến khích phá hủy các phôi thai con người. Đức tin tôn giáo là điều rất quý, nhưng ở đây nó đã tạo ra cuộc tranh luận đầy xúc cảm liên quan đến ý nghĩa của sự sống và tiến bộ khoa học.

Cơ thể con người gồm nhiều loại tế bào khác nhau tùy theo mỗi cơ quan và bộ phận. Tế bào gốc là một loại tế bào chủ chốt để từ đó biến hóa thành các loại tế bào. Tế bào gốc nằm trong phôi thai, nếu lấy các tế bào gốc đó để khảo cứu, phôi thai sẽ chết. Phôi thai có nghĩa là giai đoan sơ khai của sự thụ thai. Khoảng 5 ngày sau khi thụ tinh trùng của người nam, trứng của nguời nữ bắt đầu biến hóa, đến vài tháng sau mới có thể gọi là bào thai trong bụng mẹ. Tế bào trứng rất nhỏ, chỉ bằng dấu chấm câu in trên bài báo này. Sau khi có một con tinh trùng chui vào, tế bào trứng bắt đầu nẩy nở, một thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám...Khoảng 5 ngày sau đã có tới 100 tế bào nằm trong một cái bọc, y học gọi đó là “blastocyst”. Như vậy bọc đó cũng chỉ bằng một giọt máu nhỏ xíu. Lấy tế bào gốc làm giọt máu đó bị hủy hoại, liệu có thể bị coi như đã giết một sinh mạng hay chăng" Gia dĩ những cái trứng đó thường vẫn bị Bà Mẹ Thiên Nhiên đẩy ra ngoài cơ thể theo kinh nguyệt.

Vấn đề đặt ra là một giọt máu như vậy đã có hình thù hay linh hồn để có thể gọi đó là sự sống của con người không" Những tư tưởng bảo thủ đến cực đoan chống lại sự mở rộng cuộc khảo cứu tế bào gốc có thể còn liên hệ đến chủ trương chống phá thai của họ. Nhưng phá thai hay không phá thai là một chuyện khác, từ bao lâu nay đó là một đề tài gây chia rẽ ngang ngửa trong dư luận Mỹ. Nay nếu đem sự tranh cãi này gắn luôn vào vấn đề khảo cứu tế bào gốc, đó là một điều đáng tiếc. Vì người ta đã lợi dụng một lập luận chống phá thai để cứu sự sống, nhưng mỉa mai thay lại gây cản trở một tiến bộ y học rất quan trọng mà mục đích cũng chỉ nhằm cứu sự sống. Các nhà khoa học hy vọng tế bào gốc sẽ chữa khỏi những bệnh nan y như Alzheimer, Parkinson, tiểu đường cho trẻ sơ sinh, thương tật nơi xương sống. Ở đây có một từ ngữ mới được đặt ra. Đó là “vô tính trị liệu”. Chữ “vô tính” (cloning) làm người ta liên tưởng đến tạo sinh vô tính người. Nhưng vô tính trị liệu không có gì ghê gớm, nó chỉ có nghĩa là lấy một tế bào gốc ra nuôi nó sinh trưởng trong đĩa nghiệm thành những tế bào tủy, óc, gan thận cần thiết rồi cấy vào cơ quan hư hỏng của cơ thể để nó tiếp tục bành trướng thay thế các tế bào bệnh hoạn của cơ quan đó. Phe bảo thủ đến cùng cho rằng khoa học còn lâu mới đạt được kết quả đó, vậy bây giờ tại sao lại bảo quỹ liên bang phải tài trợ cho những việc mò mẫm như thế" Sự thật chưa cần đi đến kết quả chữa bệnh, ngay trước mắt việc khảo cứu tế bào gốc cũng rất có ích cho việc tìm hiểu nguồn gốc một loạt những bệnh nan y.

Mặt khác mối lo ngại khảo cứu tế bào gốc sẽ hủy hoại sự sống đã được giảm đi rất nhiều, bởi vì các nhà bác học đã tìm được một nơi để lấy tế bào gốc, không phải từ phôi thai hay bào thai, mà từ cuống nhau của những trẻ sơ sinh. Sau khi đứa trẻ ra đời, người ta phải cắt cuống nhau của nó rồi vứt vào thùng rác ở bệnh viện. Máu ở cuống nhau có rất nhiều tế bào gốc. Hơn nữa đạo luật mới được Hạ viện biểu quyết còn cho phép quỹ liên bang tài trợ khảo cứu tế bào gốc lấy ra từ kho dự trữ khoảng 400,000 phôi thai vẫn để đông lạnh từ lâu nơi các bệnh viện hỗ trợ sinh sản. Như vậy sẽ có hàng ngàn phôi thai để thí nghiệm nếu Quốc hội Mỹ tìm được cách tài trợ những công cuộc đó. Đạo luật mới đã được Hạ viện chấp thuận, rồi đây nó được chuyển qua Thượng viện, chưa biết số phận nó ra sao. Nhưng dù nó có qua khỏi chặng này, vẫn còn một hàng rào chót phải vượt qua. Đó là phiếu phủ quyết của TT Bush mà ông nói sẽ sử dụng để chống. Dù sao cuộc biểu quyết ở Hạ viện đã có nhiều ý nghĩa. Hiện nay đảng Cộng hòa chiếm Bạch Cung, nắm đa số ở cả Thượng Hạ viện. Cuộc biểu quyết tại Hạ viện tuần trước đã có 238 phiếu thuận, 194 phiếu chống, như vậy nhiều dân biểu Cộng hòa đã đồng ý với đạo luật, ranh giới giữa hai đảng bị xóa nhòa trong vụ này. Những người ôn hòa của cả hai đảng đã thắng vì nhu cầu tiến bộ khoa học, mang lại hy vọng cho những người mắc bệnh nan y và gia đình của họ.

Nhưng thật ra chẳng cần đến quỹ liên bang, ở nhiều nơi dân chúng đã biểu quyết dùng quỹ tiểu bang tài trợ cho nỗ lực này. Điển hình nhất là cử tri California hồi năm ngoái đã chấp thuận ngân sách chi 3 tỷ đô-la trong 10 năm liền để tài trợ cho công cuộc khảo cứu tế bào gốc, khiến California đứng hàng đầu trong cuộc chạy đua. Cũng vào tuần qua Nam Hàn cho biết các nhà bác học của họ đã tìm ra được phương pháp chế tạo tế bào gốc, khiến Hàn quốc trở thành nước lãnh đạo thế giới trong lãnh vực này. Người ta dùng một tế bào trứng do phụ nữ tình nguyện tặng. Trứng có một cái nhân, các nhà học Nam Hàn dùng mũi kim nhỏ xíu chích qua vỏ, hút cái nhân đó ra ngoài. Sau đó họ dùng một tế bào da có nhân sẵn, cấy vào cái trứng rỗng ruột, rồi cho nó một luồng điện để cái nhân dính vào trứng. Kế đó đem trứng ngâm trong một dung dịch để nó sinh sôi nẩy nở bình thường. Vài ngày sau họ thu được một blastocyst chứa đầy tế bào gốc riêng của người đã có da cấy vào trứng. Dùng tế bào gốc này chữa bệnh nan y cho người đó là tốt nhất. Các nhà khảo cứu Nam Hàn được quỹ chính phủ của họ tài trợ. Một biên cương mới đã mở ra cho y học. Lẽ nào nước Mỹ không dám dấn thân thám hiểm"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.