Hôm nay,  

Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc

23/05/200500:00:00(Xem: 5054)
LTS. Bài viết sau đây do tác giả TVTĐức gửi tới, với đề nghị “xếp lại quá khứ để hướng tới tương lai,” trong đó từng bước sửa Hiến Pháp, công nhận các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tổng tuyển cử và sinh hoạt dân chủ đa nguyên... trong ôn hòa và xây dựng. Quan điểm tác giả không nhất thiết phản ảnh quan điểm tòa soạn. Bài viết như sau.
Thưa các bạn,
Nhằm mục đích xếp lại quá khứ, hòa giải dân tộc, và để thuận tiện trong phong cách trình bày thân thiện, người viết xin được phép dùng danh xưng BẠN gọi chung cho tất cả các đối tượng liên quan trong bài viết cho dù đó là đảng Cộng Sản Việt Nam, đồng bào trong nước, Việt kiều hải ngoại, tất cả bạn đọc kể cả những người liên quan đến cuộc tranh luận. Người viết xin được nói lên lời xin lổi trước nếu lối xưng hô này đã mạo phạm đến các bạn.
I/- Cuộc tranh luận: “Tên gọi cuộc chiến”
Có thể nói cuộc tranh luận trên trang web Talawas về đề tài “Ba mươi năm gọi tên gì cho cuộc chiến” là một tranh luận công khai hiếm hoi đã xãy ra khá muộn màng so với thời gian kết thúc cuộc chiến. Dù muộn còn hơn không, người viết hy vọng cuộc tranh luận sẽ là một bước đột phá bức bỏ tất cả các dị ứng “Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc” của các bên liên quan để mở màn cho các cuộc tranh luận xây dựng và xích lại gần nhau hơn trong tương lai.
Bạn Nguyễn Hòa là người lính trở về từ cuộc chiến cũng là đảng viên Cộng Sản trình bày quan điểm của mình trên diển đàn với nhiều ưu thế về không gian trình bày hơn các bạn khác đó là được phổ biến trên nhật báo Nhân Dân ở Hà Nội là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là điều các bạn khác không có được, cho dù các bạn có quyền đòi hỏi được công khai tranh luận trên cùng một tờ báo đó khi có bài viết liên quan đến mình. Vì thế mà cuộc tranh luận đã xãy ra trên trang web Talawas thay vì thật sự nên diễn ra trên báo chí Việt Nam để đồng bào trong nước có cơ hội tham gia biểu lộ sự đồng tình của mình.
Qua cuộc tranh luận, người viết rất tâm đắc với bạn Nguyễn Hòa về ý kiến “Vì vậy qua đây tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình, rất mong sự bảo lưu ấy sẽ không làm mếch lòng bạn đọc” (thư của bạn ngày 17-5-2005) và tất cả chúng ta đã, đang, và sẽ tham dự trong cuộc tranh luận đều có quyền bảo lưu ý kiến của mình. Đó là nguyên tắc cơ bản của DÂN CHỦ và CÔNG BÌNH thật sự trong tương quan giữa người và người với nhau. Trên cơ sở đồng thuận này, thì phải chăng chúng ta có thể cùng nhau đánh giá lại nền dân chủ tập trung của Mác Lê Nin tại Việt Nam là sai". Vì rằng đó là nền dân chủ không chấp nhận sự sống còn của tiếng nói khác hệ với mình và cũng không chấp nhận sự bình đẳng giữa con người và con người, mỗi người trong xã hội Việt Nam đều có giá trị khác nhau để từ đó có quyền ăn nói khác nhau và tấm thẻ đỏ là bằng chứng thân phận của mỗi người, mà tấm thẻ đỏ cùng hệ và đương thời tại chức mới có ưu quyền tối thượng. Bạn Nguyễn Hòa không phản đối chứ gì"
1)- Tên gọi cuộc chiến
Bạn Lê Xuân Khoa qua trình bày tiến trình lịch sử những tên gọi cuộc chiến như: chiến tranh chống Cộng, chiến tranh chống Mỹ - Ngụy, nội chiến, chiến tranh của Mỹ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh ủy nhiệm và cuối cùng kết luận “để các phe liên hệ có thể vượt lên khỏi những ám ảnh tiêu cực của quá khứ và chấm dứt những cuộc tranh luận do tình cảm chủ quan” bạn Lê Xuân Khoa đã đề nghị tên gọi cuộc chiến nên gọi đơn giản là ”chiến tranh Việt Nam”. Bạn Nguyễn Hòa dựa trên quan điểm chính thức của Đảng Cộng Sản hiện nay đã không đồng ý và cho rằng gọi tên cuộc chiến như vậy là xuyên tạc sự thật (") sau khi đã viện dẫn những chứng liệu lịch sử liên quan. Còn bạn Nguyên Trường đề nghị tên gọi là “Cuộc chiến tranh hai mươi năm” mà không cần thêm chữ Việt Nam vì nó đã rõ ràng là ở Việt Nam rồi. Cuối cùng các bên tranh luận vẫn chưa đi đến thống nhất được tên gọi cuộc chiến, cho dù các bên đều cố gắng lãng quên quá khứ để hướng về tương lai. Theo ý kiến người viết là các bên tranh luận đều ít nhiều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc chiến chứ chưa thật sự có cái nhìn khách quan của người làm sử đứng ngoài, trên cuộc chiến và dựa trên quyền lợi của tổ quốc nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì thế người viết đề nghị nên trả lại vấn đề này cho người viết sử tương lai. Cho dù nay là thời điểm tốt nhất để cho các nhà làm sử khởi công viết những trang lịch sử hiện đại nhưng phần kết thì nên để dành ít nhất là 10 năm hay lâu hơn nữa mới có thể hy vọng có tên gọi thống nhất cho cuộc chiến.
2)- Lòng yêu nước, bạn Lê Xuân Khoa đề nghị nên đánh giá lòng yêu nước rạch ròi để tránh ngộ nhận và cũng để tránh tình trạng độc quyền yêu nước và đã dẫn chứng câu chuyện Hồ Chí Minh đã nhận xét rằng Ngô Đình Diệm là “một người yêu nước theo cách riêng của ông ấy”. Riêng bạn Nguyễn Hòa phát xuất từ quan niệm chính thức của đảng là “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã Hội” đã bác lại quan niệm trên bằng lý luận lòng yêu nước chỉ thật sự là lòng yêu nước khi nó phối hợp sự hình thành trong mỗi người một lòng tự tôn, biết hành động vì lợi ích đất nước, không làm điều gì gây tổn hại tới danh dự, quyền lợi của đất nước... Và cuối cùng các bên tranh luận cũng không đi đến sự thống nhất về lòng yêu nước. Sở dỉ có tình trạng như vậy theo người viết vì các bên đã không đưa ra một tiêu chuẩn rõ ràng, thật sự khách quan nào để đánh giá lòng yêu nước. Người viết xin đưa ra hai tiêu chuẩn CẦN và ĐỦ về lòng yêu nước mong tìm được sự đồng thuận trong vấn đề này.
* Lòng yêu nước là một phạm trù tình cảm dân tộc, tự thân của nó không bị giới hạn bởi THỜI GIAN và KHÔNG GIAN trong suốt quá trình sinh tồn của đất nước. Thật vậy kể từ khi một đất nước được thành lập, thì người dân của đất nước đó đã tự nhiên hình thành lòng yêu nước của mình, cho dù tình cảnh đất nước đó nhỏ, to, giàu, nghèo; hoàn cảnh xã hội là bộ lạc, chậm tiến, phát triển hay đất nước nằm trong giai đoạn chiến tranh, hòa bình; dưới chế độ dân chủ, độc tài, quân chủ chăng nữa. Lòng yêu nước của người dân vẫn trường tồn gắn liền với đất nước chứ không phải gắn liền với một giai đoạn lịch sử.
* Trên đây chỉ là điều kiện CẦN mà thôi, ngoài ra còn điều kiện ĐỦ nữa đó là đánh giá lòng yêu nước dựa trên quyền lợi đích thực của dân tộc và đất nước, chứ không phải trên quyền lợi cá nhân hay phe nhóm, đảng phái. Thật vậy quyền lợi dân tộc và đất nước là quyền lợi chung được lưu truyền từ đời này sang đời khác, còn quyền lợi cá nhân hay phe nhóm chỉ là quyền lợi riêng và chỉ tồn tại gắn liền với sự hiện diện của cá nhân hay phe nhóm trong sinh hoạt xã hội chính trị nhất thời mà thôi.
Dựa vào hai tiêu chuẩn trên chúng ta thử đánh giá quan niệm “ yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa” hiện nay ra sao". Trước hết về mặt lý thuyết khái niệm yêu nước là một phạm trù tình cảm dân tộc, còn yêu Xã Hội Chủ Nghĩa là một phạm trù tình cảm chính trị, do nhu cầu tuyên truyền ở một giai đoạn lịch sử đảng Cộng Sản Việt Nam đã cố tình đồng hóa hai phạm trù nói trên là một. Giờ đây giá trị tuyên truyền cho Xã Hội Chủ Nghĩa không còn nữa ("), Đất nước đang trong quá trình hội nhập vào sân chơi tư bản chủ nghĩa. Phải chăng đã đến lúc đưa quan niệm trên vào quá khứ trả lại giá trị thật cho lòng yêu nước, để tránh cho nhiều người đã từng than vản là lòng yêu nước của họ bị “hiếp dâm” vì bị áp đặt thêm lòng yêu Xã Hội Chủ Nghĩa mà thật sự ra họ không hiểu và cũng không có ai (trong đó kể cả bộ chính trị, ban Tuyên huấn, và ban tư tưởng trung ương đảng Cộng Sản) giải thích minh bạch và rạch ròi cho họ biết Xã Hội Chủ Nghĩa là cái gì"
Khái niệm yêu Xã Hội Chủ Nghĩa thật sự xuất hiện chính thức tại Việt Nam kể từ khi có Đảng Cộng Sản đầu thập niên 1930s trong khi khái niệm lòng yêu nước đã thật sự hình thành và gắn bó với đất nước suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của cha ông ta qua hơn 4000 năm nay.
Cũng tương tự như vậy nếu vì một lý do nào đó mà thời kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa đi vào dĩ vãng thì phải chăng dân tộc Việt Nam không còn lòng yêu nước theo như quan niệm của đảng Cộng Sản Việt Nam"
Về yếu tố không gian thì người dân dù ở trong hay ngoài nước đều có quyền yêu nước chứ không thể hạn hẹp gò bó trong không gian Xã hội chủ nghĩa được. Các nước Liên Xô, Đức, Ba Lan, Hung Gia lợi, Tiệp Khắc trước đây theo Xã Hội Chủ Nghĩa dùng quan niệm này đánh giá lòng yêu nước của người dân, nay không gian Xã Hội Chủ Nghĩa không còn nữa, chúng ta có thể nào nói những dân tộc đó không có lòng yêu nước"
Với điều kiện thứ hai là đánh giá lòng yêu nước phải dựa trên quyền lợi đích thực cho dân tộc và đất nước thì theo quan niệm “yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa” có đúng không, nhất là trong hiện tại Đảng Cộng Sản đã bí mật ký hiệp ước nhượng đất cho Trung Quốc không phát xuất từ quyền lợi dân tộc và đất nước mà vì quyền lợi của phe nhóm hay cá nhân của đảng, chúng ta phải đánh giá ra sao hay là để các bạn đọc tự mình đánh giá" Theo bạn Nguyễn Hòa suy nghĩ thế nào về vấn đề này nhỉ" Tóm lại, không thể nào dùng quan niệm “Yêu nước là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa” để đánh giá những nhân vật lịch sử trong quá khứ được vì đã không thỏa mãn những điều kiện cần và đủ đã đề ra ở trên. Riêng về quan niệm lòng yêu nước của bạn Lê Xuân Khoa và các bạn khác đã đánh giá theo lịch sử hiện đại có lẽ cũng còn khá sớm để đạt được sự đồng thuận như đã trình bày trên.
II/- Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc:
Đây là một trong những đề tài gai góc nhất đã phát xuất từ khi cuộc chiến còn đỏ lửa, được đề xuất bởi một số trí thức yêu nước tự nhận là lực lượng thứ ba. Vấn đề này khởi thủy mang ý nghĩa hóa giải hận thù giữa hai phe “Quốc-Cộng” nhằm đem đến hòa bình cho đất nước. Một đề xuất rất tích cực, mang tính nhân bản, đem lại lợi ích cho dân tộc Thế nhưng không được các bên tham chiến nồng nhiệt đón nhận. Phía Quốc Gia vẫn còn chủ trương “bốn KHÔNG”. Phía đối kháng độc quyền yêu nước lại càng chối bỏ.
Giờ đây cuộc chiến chấm dứt, đất nước thống nhất, khái niệm Quốc gia mờ nhạt, ý thức hệ “Cộng Sản” chỉ còn trên giấy tờ, thế nhưng lòng người dân Việt vẫn còn lằn ranh phân cách ngày càng sâu rộng" Đa số những người trực tiếp tham chiến đã ở vào lứa tuổi “gần đất xa trời” tại sao không làm được một chút gì để lấp bằng hố sâu này" để cho các thế hệ sau không phải tủi hổ về cha ông mình. Tại sao các bên tham chiến đều thờ ơ hay dị ứng khi phải đối diện với vấn đề này("). Phải chăng những ai đó sợ thua thiệt" Sợ mất mát" Sợ đau đớn" Sợ đổ nát hận thù".
Như trên đã nói mục đích bài viết là xếp lại quá khứ hướng về tương lai, muốn được như vậy, chúng ta phải dũng cảm mổ xẽ ung nhọt ra cho dù đau đớn cũng phải làm, mới trị hết bệnh được. Vì thế những giòng chữ sau đây không nhằm mục đích kết tội cho ai, không nhầm mục đích đào sâu thêm hận thù, mà chỉ nhằm một mục đích duy nhất trình bày rõ hết mọi sự thật đau lòng để có thể đề ra biện pháp hòa giải hữu hiệu được. Luật đào thải sẽ báo ứng đối với ai quá khích, cố chấp, đi ngược lại xu thế hòa bình dân chủ hiện nay. Họ sẽ phải trả giá cho hành động của chính mình ở hiện tại và chịu sự phê phán nghiêm khắc của lịch sử tương lai. Vì vậy người viết sẽ lần lượt trình bày những điểm cụ thể như sau:
Ai là người có trách nhiệm đứng ra hòa giải dân tộc"
Đối tượng hòa giải là ai"
Biện pháp hòa giải
1)- Ai là người có trách nhiệm đứng ra hòa giải"

Chúng ta lần lượt điểm qua các thành phần tham chiến để thử xem ai là người có đủ tư cách đứng ra gánh vác trách nhiệm hòa hợp hòa giải dân tộc.
a)- Hoa Kỳ: Từng là cái đích gây nhiều tranh cải nhất, về ý nghĩa cuộc chiến, thật sự giả từ chiến cuộc vào năm 1973, hiện tái lập bang giao với Việt Nam, đã tuyên bố chính thức “chôn vùi quá khứ, để hướng về tương lai” từng bước đóng góp tích cực vào công việc tái thiết và hàn gắn vết thương chiến tranh, không thể đứng ra gánh vác công việc này vì đây là vấn đề Việt Nam phải do chính dân tộc Việt Nam giải quyết.
b)- Việt Nam Cộng Hòa đại diện cho phía Quốc Gia, đã từng mở rộng vòng tay “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”, trên thực tế đã là phe bại trận, họ đã bị tan hàng, bị phân hóa, không còn địa bàn, phương tiện hoạt động, cũng không có trọng lượng để đứng ra hòa hợp hòa giải dân tộc. Tuy vậy họ vẫn là một thực thể hiện hữu trong đời sống sinh hoạt chính trị Việt Nam trên một vị thế nào đó.
c)- Mặt trận Giải Phóng Dân Tộc trong này bao gồm lực lượng thứ ba là người đã từng đề xướng ra vấn đề này, họ đã sớm bị bức tử khi men rượu mừng chưa kịp mềm môi người thắng trận. Họ thật sự tan tác, đi vào im lặng trong bóng tối chính trị, với niềm tin đổ vở hoàn toàn.
d)- Đảng Cộng Sản Việt Nam: Đây là phe chiến thắng đang lảnh đạo đất nước trước lịch sử và theo hiến pháp hiện hành. Trong giai đoạn hiện nay đảng Cộng Sản Việt Nam chịu trách nhiệm hưng vong của đất nước vì thế phải gánh vác trách nhiệm đứng ra chủ động HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC. Và sự hòa giải ở đây không còn mang ý nghĩa “QUỐC CỘNG” như trên đã nói mà nó mang ý nghĩa hòa giải thật sự trong lòng người dân Việt đã LY TÁN TỪ KHI CUỘC CHIẾN CHẤM DỨT CHO ĐẾN NAY.
Đó cũng là lý do tại sao trong thời gian qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam đứng ra hàn gắn vết thương (") hay thủ tướng Phan Văn Khải kêu gọi hóa giải hận thù đều không có hiệu quả. Thực chất Mặt trận tổ quốc và Thủ tướng đều không có thẩm quyền cũng như không đủ tư cách để đứng ra hòa giải dân tộc, hơn nữa tiếng nói của họ không chính thức và cũng không có trọng lượng trong đảng Cộng sản Việt nam.
Nếu Đảng Cộng Sản Việt Nam không dám nhận lảnh trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử thì chính đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chưa thật tâm muốn hòa giải dân tộc, phải chăng (") muốn tiếp tục tình trạng ly tán hiện nay. Đây là điều kiện tiên quyết của mọi vấn đề hòa giải hiện nay.
2)- Đối tượng cần được hòa giải: Chính sách của nhà nước hiện nay tạo thuận lợi cho Việt Kiều về nước làm ăn nhưng không được hưởng ứng. Vì thực chất của các chính sách này chỉ nhằm vào túi tiền và chất xám của họ chứ không nhằm hóa giải hận thù trong lòng dân tộc. Một điểm cần nói ở đây khối Việt Kiều hải ngoại chỉ là một trong những thành phần cần được hòa giải dân tộc chứ không phải là tất cả. Và Cộng đồng hải ngoại không phải là đa số, cũng không thể đại diện cho ai trong tất cả các đối tượng cần được hòa giải. Chính sách hòa giải của đảng Cộng Sản đã thất bại vì SAI ĐỐI TƯỢNG.
a)- Khối cựu đảng viên Cộng sản Đa số là người đã một thời theo tiếng gọi của đảng, vì lý tưởng Cộng sản, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đảng. Họ chịu đựng nhiều hy sinh của gia đình, tài sản và cả những phần thân thể trong thời chiến. Giờ đây hòa bình đảng tha hóa, từng bước đi dần vào con đường tư bản chủ nghỉa. Nhiều người nhìn lại, nhận ra rằng là tin lầm lý tưởng. Một số người cực đoan thì cho rằng đảng hiện nay đã phản bội lý tưởng Cộng sản. Một số khác nhận thức được xu thế thời đại, đã phản tỉnh nói lên tiếng nói của lương tri, thì bị trù dập, tù đày, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Chính khối người này là đối tượng cần phải hóa giải trước tiên. Đảng không thể nào vắt chanh bỏ vỏ, chạy theo đồng đô la của Việt Kiều và ngoại nhân, mà không nói lời công đạo với họ.
b)-Khối dân chúng một thời theo đảng: Ước chừng trên dưới 35.000.000 người đây là khối người từng gắn bó với đảng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cùng đi với đảng trong hành trình xây dựng xã hội chủ nghĩa họ là nạn nhân của công cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc trước 1954; Nạn nhân của đấu tranh giai cấp; Nạn nhân của phòng trào trăm hoa đua nở; họ và gia đình đã chịu nhiều hy sinh trong cuộc chiến giải phóng miền Nam. Tất cả họ được đảng nung nấu ý chí căm thù “Đế quốc Mỹ là kẽ thù số một của nhân dân ta”. Với lòng yêu nước họ chấp nhận hy sinh tất cả cho tổ quốc. Thế mà giờ đây đảng giao thương trở lại với Hoa Kỳ, chấp nhận đế quốc Mỹ có thể hiện diện bất cứ nơi nào trên đất nước mà đảng không đưa ra một lời giải thích chính thức. Họ đã mất tất cả. Họ bị lừa gạt, bị phản bội niềm tin, phải chăng sự hy sinh của họ đã trở thành vô nghĩa" Lòng hận thù đang có xu hướng đổi chiều, cần được hóa giải kịp thời, nếu không chính khối người này sẽ là nguồn gốc của cuộc nội chiến, khi con người bị áp bức, không còn gì để mất với ý chí căm thù sống dậy cao độ.

c)- Khối dân chúng miền Nam: Họ là những con người lở sinh ra trong vùng đất nằm giữa hai lằn đạn, họ đã từng chịu đựng cảnh khổ đau trong tình huống “Ngày Quốc Gia đêm Cộng Sản”. Họ chính là nạn nhân âm thầm của các bên tham chiến. Họ chịu nhiều hy sinh mất mát, khi hòa bình họ chẳng hưởng được gì mà còn bị cướp đất, cướp nhà, bị hà hiếp nhũng lạm bởi cán bộ tham nhũng hối lộ, họ là người thấp cố bé miệng không biết kêu vào đâu, lòng hận thù của họ thực sự hình thành khi đâu đây vang vọng bài ca “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
d)- Khối người liên quan đến chế độ củ và tư sản (") Là con dân miền Nam ít nhiều cũng liên quan đến chế độ củ, hai khối người sau này trên dưới 35.000.000. Sau khi cuộc chiến kết thúc họ là nạn nhận trực tiếp của kẽ chiến thắng qua chính sách học tập cải tạo, cải tạo công thương nghiệp, cải tạo người Hoa, chánh sách cai trị bằng lý lịch vô sản. Họ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Họ đã trở thành “Việt Kiều thứ cấp ngay trên quê hương thân yêu của họ”. Mất mát tài sản, tánh mạng, không danh phận, không tương lai, không lối thoát chính là nguồn gốc của oán hận, ai là người tạo ra nghịch cảnh này"
e)- Khối Việt kiều hải ngoại: Đây là thành phần đa dạng thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau nằm rải rác trên thế giới mà đông nhất là cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Họ ra nước ngoài do nhiều động lực khác nhau như: - Tỵ nạn chính trị. - Đi tìm tự do bằng đôi chân bé nhỏ họ vượt rừng, vượt sóng cả - Du học. - hợp tác lao động rồi ở lại. - Lìa bỏ đảng. Khối này bị phân hóa trầm trọng, phát xuất từ tầm nhìn, tham vọng, từ động lực ra đi, chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa, xã hội, chính trị tại vùng đất tạm dung. Đây là khối người được đảng đánh giá cao nhờ vào tài sản và chất xám của họ. Đảng và nhà nước đang cố tình vuốt ve mong họ trở lại đất nước. Nhưng họ làm sao trở lại được khi người thân tại quê nhà vẫn còn bị trù dập, bị bức hiếp. Hành lang pháp lý không an toànï. Đảng cũng chưa sẵn sàng mở cửa để cho họ có chổ đứng bình đẳng đối với các thành viên khác trong chính quyền, trong xã hội. Khối người này có điều kiện thuận lợi hơn những khối người trong nước là có quyền cất cao lên tiếng nói của mình, đóng góp ý kiến xây dựng cho quê hương (ngoại trừ một vài tiếng nói quá khích lạc lõng trong xu thế hiện nay). Tiếc thay với chính sách “Bế quan tỏa cảng về tư tưởng” của “đỉnh cao trí tuệ thời đại”, lời vàng đóng góp không có cơ hội hiện thực. Bài ca “Ngụy quân ngụy quyền” vẫn ung dung song hành với hào quang chiến thắng. Việt kiều vẫn là công dân hạng hai qua thủ tục visa nhập cảnh (tại sao người Việt trở về quê hương mà phải xin phép" Phải chăng thân phận của họ không bằng công dân của những nước mà đảng chấp thuận nhập cảnh mà không cần chiếu khán").
Cuối cùng không thể không đề cập đến một khối người chính yếu, quan trọng nhất trong suốt quá trình hòa hợp hòa giải dân tộc, có toàn quyền sinh sát nhưng với số lượng người ít nhất trên dưới khoảng 50.000. Đó chính là khối đảng viên đương quyền. Họ chính là nạn nhân trực tiếp đầu tiên của chính sách trồng người, lửa sân hận đã triền miên đốt cháy lương tri qua lý tưởng “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”. Họ cũng chính là tác giả viết lên những bi kịch lịch sử dân tộc cận đại. Hơn ai hết chính khối này phải hồi tâm thức tỉnh mới có thể thật lòng mở vòng tay hòa hợp hòa giải.
3)- Biện pháp hòa giải:
Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể đạt đến một biện pháp hòa giải mà không gây thêm hận thù đổ vở, không gây bất ổn xã hội chính trị, không đưa đến một cuộc nội chiến hay loạn sứ quân trong tình hình ly tán nhân tâm hiện nay. Người viết xin đề nghị một “hành trình ba bước hòa giải” dựa trên quyền lợi tối thượng của dân tộc như sau:
a)- Sưởi ấm lòng người: Ngược giòng lịch sử vào tháng 10 - 1956 khi thấy hậu quả sai lầm của chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, đảng Lao động (hóa thân của đảng Cộng Sản ngày nay) đại diện bởi tổng bí thư Trường Chinh đã dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm và sửa chửa hậu quả kịp thời trước hội nghị trung ương mặt trận. Nay trước hậu quả nghiêm trọng của tất cả sai lầm đã trình bày ở trên thì đảng không thể không chính thức đứng ra làm một nghĩa cử cao đẹp sưởi ấm lòng người qua việc tổ chức long trọng một buổi LỂ CẦU SIÊU cho tất cả con dân Việt đã hy sinh trong thời gian qua, không phân biệt chính kiến, Nam Bắc qua hai cuộc chiến, vong hồn trong biển cả, núi rừng, kể cả binh lính ngoại nhập. Trước là để những oan hồn này được siêu thoát ( số oan hồn này trên dưới 8.000.000), sau là sưởi ấm lòng người ở lại..
Đàn tế Nam Giao (Huế) là nơi tổ chức thích hợp nhất hiện nay vì ở vào vị thế trung tâm giữa hai miền Nam Bắc, vì nơi đây là vùng đất đã chứng kiến buổi lể bàn giao vào ngày 25/8/1945: ”vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, vì nền độc lập của Việt Nam” hoàng đế Bảo Đại đã trực tiếp trao lại trách nhiệm cho Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam qua đại diện là Trần Huy Liệu. Giờ đây trách nhiệm không tròn thì đảng cũng nên chọn lựa địa điểm này báo cáo với quốc dân và hồn thiêng sông núi. Buổi lể không thể thiếu vắng những vị sư như Thích Quảng Độ, Nhất hạnh, tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo khác, đại diện Hoa Kỳ và các nước từng tham chiến tại Việt Nam.
Ngoài ra người viết cũng đề nghị dùng tiếng chuông Thiên Mụ để cầu hồn, ở đây người viết nhớ lại hoài bãûo tốt đẹp của ông Đạo Dừa (Kỷ sư Nguyễn Thành Nam) từng đề nghị làm thuyền Bát Nhã dùng chuông Thiên Mụ cầu hòa bình cho đất nước tại giòng sông Bến Hải.
b)- Đoàn kết xây dựng: Nhân buổi cầu hồn này đảng Cộng Sản nên khởi công xây dựng đoàn kết dân tộc bằng tuyên cáo trước nhân dân: – Chính sách cởi mở về đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù. - Sự sửa đổi cương lĩnh hoạt động của đảng, kèm theo một lời phản tỉnh đối với đồng chí đồng đội của mình và khối dân chúng một thời theo đảng.
c)- Xây dựng đất nước: Tiếp nối là mở rộng các quyền tự do căn bản của người dân như tự do ngôn luận,báo chí, tự do ứng cử và bầu cử, tự do sinh hoat tôn giáo. Qua tiến trình này chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn kế tiếp là tổng tuyển cử toàn dân. Lá phiếu người dân sẽ quyết định vận mạng đất nước. Tất cả đều phải tôn trọng và chấp nhận kết quả bầu cử. “Ý dân là ý trời”.
Đến đây người viết xin tạm dừng với ước mơ được cùng với các bạn đọc quen lạ xa gần đồng thống nhất một điều là cùng nhau nâng chén rượu mừng khi lịch sử sang trang. Chiến tranh thật sự lùi vào quá vãng.
Giấc mơ bao giờ trở thành hiện thực hở các bạn!
Cali vào hè 2005

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.