Hôm nay,  

Thời Sự Úc Châu: Giá Trị Cao Cả Của Người Lính Úc Trong Cuộc Ctvn

08/05/200500:00:00(Xem: 5431)
Tuần rồi, hầu hết tất cả các nhật báo hàng đầu của Úc đều có một số bài viết nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày CS cưỡng chiếm VNCH. Ngoài việc tố cáo tội ác của CSVN, các báo, đặc biệt là tờ nhật báo Sydney Morning Herald, cũng còn đề cập đến những hình ảnh tiêu biểu cho sự thành công của cộng đồng tÿ nạn Việt Nam trong việc định cư và hội nhập vô xã hội Úc trong suốt ba thập niên qua.
Bài nhận định của ký giả Gerard Henderson trên The Australian ngày 26/3, được Saigon Times phỏng dịch và đăng tải trong số báo tuần trước, đã phần nào định hướng cho những bài viết sau đó của nhật báo mang tầm vóc quốc gia này. Kế đến là bài viết của bà Quỳnh Dao ngày 29/4/05, nhằm nêu lên sự thật về cuộc chiến tranh xâm lăng của CSVN, đồng thời đánh đổ một số luận điệu tuyên truyền của CSVN thời bấy giờ mà cho đến bây giờ vẫn được một số người thiếu hiểu biết rả rích khơi lại như là sự thật.
Cuộc chiến Việt Nam thường được giới truyền thông cùng trí thức Úc ngày nay cho là một sự kiện không kém phần quan trọng khi so sánh với cuộc đổ bộ ở Gallipolli trong Thế Chiến I vì nó đã “định rõ cả một thế hệ” (defined a generation). Thế hệ ấy là thế hệ của những người sanh ra sau Thế Chiến II, trưởng thành trong sự bộc phát về kinh tế của Úc song song với sự phát triển của tầng lớp trí thức, của những phong trào cải cách tranh đấu cho công bằng xã hội, của một tinh thần đối kháng trực diện với thế hệ đi trước. Theo tiến sĩ Peter Edwards, sử gia chính thống (official historian) của Úc, thì trong suốt gần một thập niên, từ năm 1965 khi chính phủ Tự Do của thủ tướng Robert Menzies quyết định đưa quân tham chiến tại VN, cho đến khi Úc quyết định rút quân khỏi Việt Nam năm 1972, nước Úc thực sự bị phân hóa giữa hai quan điểm đối nghịch.
Ký giả Tom Parkinson trong bài báo “A Bitter Conflict That Defined A Generation” trên The Age ngày 30/4/05 cũng đồng ý với cái nhìn này của tiến sĩ Edwards. Theo ông thì cho đến bây giờ thế hệ được mệnh danh là “baby boomer” (những người được sanh ra từ sau Thế Chiến II cho đến khoảng cuối thập niên 50) vẫn xem những kinh nghiệm của họ trong thời chiến tranh Việt Nam như những cái mốc để từ đó suy xét, khẳng định mọi sự việc khác. Đối với những người này thì Việt Nam trở thành “một vấn đề siêu việt, phủ quyết tất cả mọi vấn đề khác và (qua đó) lọc lựa cái thiện ra khỏi cái ác”.
Thế nhưng, ký giả Parkinson đã nêu lên một câu hỏi mà cho đến bây giờ, có lẽ những người phản chiến vẫn chưa - hoặc không thể nào - trả lời được: Động cơ nào là động cơ mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy giới trẻ phản chiến Úc rầm rộ xuống đường biểu tình đòi đình chiến, đòi rút quân khỏi Việt Nam" Có phải động cơ ấy là nhận xét (như họ vẫn thường hô hào) rằng Hoa Kỳ và Úc gây hấn với nhân dân các quốc gia Đông Dương, khởi động một cuộc chiến tranh bất hợp pháp" Hoặc động cơ ấy là (vì một lý do mang nhiều tính ích kỷ hơn) để chống việc bắt quân dịch, vốn được xem là việc thế hệ trước cưỡng ép thế hệ sau làm một việc mà họ không muốn"
Dù gì đi nữa thì chiến tranh Việt Nam quả thực đã tạo nhiều ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình chính trị của Úc. Theo ký giả Paul Kelly của nhật báo The Australian thì thoạt đầu, việc tham chiến ở Việt Nam là một việc được sự hậu thuẫn của đại đa số quần chúng Úc. Nhờ quyết định này mà chính phủ Tự Do liên tục thắng cử và đảng Lao động thảm bại nhục nhã (a humiliating disaster) vì chống lại nó.
Luật sư Michael Sexton, Cố Vấn Luật Pháp (Solicitor General) của chính phủ tiểu bang NSW, trong bài viết đăng tải trên nhật báo The Age số 29/4/05, cũng nhấn mạnh rằng các cuộc trưng cầu dân ý trong những năm đầu của cuộc chiến cho thấy hơn 2/3 dân chúng yểm trợ việc Úc tham chiến vào Việt Nam, yểm trợ cho chính nghĩa bảo vệ tự do dân chủ cho nhân dân miền Nam Việt Nam. Ông cũng nhắc lại rằng chính phủ Tự Do đại thắng cuộc tổng tuyển cử năm 1966 với một tỷ số lớn nhất từ khi Úc trở thành liên bang cho đến bấy giờ. Và vấn đề trọng yếu nhất của cuộc tổng tuyển cử ấy là việc tham chiến ở Việt Nam để bảo vệ tự do dân chủ, để ngăn chận không cho chủ nghĩa cộng sản bành trướng khắp vùng Đông Nam Á, đặc biệt là Nam Dương, láng giềng kề cận nhất của Úc.
Thế cờ chỉ thay đổi và cuộc chiến Việt Nam trở thành vấn đề nhức nhối lương tâm, khi Úc bắt đầu có thương vong, khi giới truyền thông liên tục đưa ra những hình ảnh bất lợi cho chính nghĩa của phe Đồng Minh, để cuối cùng tạo nên một ý nghĩ rằng đấy là một cuộc chiến bất khả thắng. Độc địa hơn nữa là sự giúp sức - vô tình hay cố ý - của giới truyền thông cho những luận điệu tuyên truyền của CSVN đã biến hình ảnh cuộc chiến cao cả bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam thành một “cuộc chiến vô luân, ngu xuẩn và hết sức phí phạm mà lẽ ra Úc không nên dự phần”, như lời khảng định của Simon Townsend, một kẻ phản chiến đã từng bị cầm tù vì từ chối không chịu nhập ngũ khi bị động viên.
Mặc dù cho đến lúc cuộc tổng tuyển cử năm 1972 được tổ chức thì chiến tranh Việt Nam không còn là vấn đề chủ yếu trên chính trường Úc nữa - vì Úc đã rút quân khỏi Việt Nam - thế nhưng, những dư âm của nó, đặc biệt là những ảnh hưởng tai hại của nó đối với uy tín của đảng Tự Do, cũng góp phần vào sự thất bại của đảng Tự Do, sau hơn 23 năm nắm quyền.
Khác với những người lính từ những cuộc chiến trước đó như Thế Chiến I và Thế Chiến II, những người lính Úc tham chiến tại Việt Nam trở về trong âm thầm câm nín và những hy sinh của họ chẳng những không được tri ân, mà ngược lại, nhiều người còn bị chỉ trích và ngược đãi. Họ bị dồn nén đến độ phải sống như những bóng ma câm nín, chối bỏ một phần của cuộc đời họ, chối bỏ những hy sinh cao cả và những đóng góp to lớn của họ trong việc bảo vệ tự do, hòa bình cho VNCH, một tiền đồn chống CS quan trọng của thế giới tự do.
Ông Barry Heard, một cựu quân nhân từng tham chiến tại Úc, bây giờ là giáo viên, tâm sự với ký giả Gary Tipet của nhật báo The Age như sau: “Khi chúng tôi trở về, điều đầu tiên mà chúng tôi học hỏi được chỉ trong vòng 6 tháng là: đừng bao giờ cho người ta biết mình là cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam; phải cố gắng hết sức để tránh né không để người ta thấy mình liên lạc với các cựu chiến binh khác. Nghĩa là phải sống cô độc, phải biết ngậm bồ hòn yên lặng... Tôi không bao giờ đọc báo, không bao giờ xem truyền hình, cố tránh những cuộc biểu tình”.
Một cựu quân nhân khác, ông Bernie Cox, cũng thố lộ với ký giả của The Australian rằng sau khi trở về từ Việt Nam vào năm 1970 ông bị dồn nén cho đến độ ông cảm thấy tủi hổ, không dám thừa nhận rằng ông từng là lính trinh sát trong suốt 10 tháng ở Việt Nam. Ông nói: “Những kẻ biểu tình phản chiến chĩa mũi dùi vào các quân nhân. Họ cho rằng những người lính này là những kẻ xấu xa, tồi bại. Thế nhưng, chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ của chúng tôi mà thôi”.
Ngay cả những y tá quân đội cũng không tránh khỏi tình trạng bị khinh miệt, bị lăng mạ vô cớ chỉ vì đã từng tham chiến ở Việt Nam, theo như kinh nghiệm của bà Maggie Hopcraft, một trong số bốn nữ y tá quân đội Úc đầu tiên tùng sự tại Việt Nam.
Nhưng điều phi lý và bất nhân hơn, ngay ở thời điểm hiện nay, 30 năm sau khi chiến tranh VN kết thúc, khi bộ mặt tàn nhẫn vô nhân đạo của CSVN đã thực sự được phơi bầy, rất ít người trong số những kẻ phản chiến Úc thuở xưa thấy hối hận về hành động của họ. Những người được các nhật báo phỏng vấn trong tuần qua như Michael Hyde, viết sách, Val Noone, giảng nghiệm viên đại học, Bob Muntz, ký giả... đều tỏ ra hãnh diện về những hành động của họ thời bấy giờ.
Dù vậy, đại đa số những cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam vẫn vững tin vào những lý tưởng về trách nhiệm của họ. Điển hình là ông Gary McKay, vốn là viên sĩ quan Úc cuối cùng bị thương ở Việt Nam và nhận được huân chương cao quý Military Cross. Ông tâm sự cùng ký giả Malcolm Brown của nhật báo Sydney Morning Herald: “Tôi không muốn nhìn cảnh cộng sản chiến thắng năm 1975. Khi chúng tôi bị rút về năm 1971 thì tôi lại càng cảm thấy lo âu kinh khủng. Tôi có cảm tưởng rằng sứ mạng mà chúng tôi khởi sự vẫn chưa được hoàn tất”.

Như ký giả Gerard Henderson đã nhận xét thật đúng đắn, trong thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi trong quan điểm của quảng đại quần chúng Úc về cuộc chiến ở Việt Nam. Từ năm 1987, sau cuộc diễn hành Chào Mừng Người Về Sau Chiến Tranh Việt Nam - Vietnam Welcome Home Parade - thì những cựu quân nhân Úc mới bắt đầu được đối xử tốt đẹp hơn, được nhiều thông cảm hơn từ quảng đại quần chúng Úc. Tuy nhiên, quan niệm về chiến tranh Việt Nam vẫn không thay đổi, vẫn được xem như là một cuộc chiến mà lẽ ra Úc không nên dự phần.
Cho mãi đến gần đây thì mới có dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi về quan điểm này. Giáo sư triết học Doug Kirsner của đại học Deakin cho biết: “Dạo ấy, tôi là một người phản chiến, kịch liệt chống đối chiến tranh Việt Nam cũng như sự tham chiến của Úc. Dạo ấy, chúng tôi xem nó là một cuộc tranh chấp mang tính cục bộ. Thế nhưng, bây giờ nhìn lại thì tôi thấy rõ ràng, chúng ta đã sai lầm khi không tiếp tham chiến tại VN. Cuộc chiến chống khủng bố ở A Phú Hãn và Iraq đã khiến tôi suy nghĩ lại về Việt Nam.. Chủ nghĩa cộng sản quả là một đại họa (unmitigated disaster) và có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta trong những thập niên 60 và 70”.
Bài Quan Điểm tựa đề “Đã Đến Lúc Phải Nhìn Lại Một Cách Tỉnh Táo Hơn Về Việt Nam” (Time To Take A Sober Second Look At VN) của nhật báo The Australian số ngày 30/4/05 thừa nhận rằng “ngày càng trở nên rõ rệt là (lúc ấy) miền Nam Việt Nam có thể chế dân chủ thực sự” và “Việt Nam đã bị bỏ rơi ngược đãi (hung out to dry), trước tiên bởi quan điểm của giới cầm đầu dư luận, và rồi sau đó bởi những chính phủ đã không có can đảm giữ vững lập trường trước thế lực tổng hợp của những dư luận ấy”.
Bài viết nhấn mạnh rằng qua những hồ sơ mật của Nga Sô được bạch hóa từ sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại đấy thì người ta mới thấy được rõ rệt chủ thuyết domino không phải là một chủ thuyết vô lý, và “bây giờ người ta mới thấy được cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến có lý tưởng, xứng đáng để chiến đấu và khả thắng. Và những quân nhân Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Thái Lan và Nam Việt Nam bị tử trận đã không hy sinh tính mạng một cách lãng phí. Nếu phe cộng sản không bị thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến Việt Nam thì có lẽ cả khu vực (Đông Nam Á) đã bị tấn công [bị nhuộm đỏ] rồi”.
Bài viết thừa nhận rằng dân chúng Việt Nam từ năm 1975 đến nay đã bị buộc phải sống dưới ách thống trị độc tài của cộng sản Việt Nam. Bài Quan điểm kết thúc bằng những câu sau đây: “Nếu Hoa Kỳ và Úc không bỏ rơi Việt Nam, thì chúng ta không thể đoan chắc được khi nào cuộc chiến sẽ chấm dứt, và chấm dứt dưới hình thức nào. Tuy nhiên, rõ rệt nhất là nếu không có CS, đất nước ấy sẽ phát triển tốt đẹp như thế nào trong 30 năm qua. Ngày nay Việt Nam mục rữa dưới chế độ CS bạo tàn (tyranny) trong khi những quốc gia dân chủ láng giềng ngày càng trở nên thịnh vượng hơn trong tự do”.
Bài viết cũng lên án những kẻ tả khuynh thân cộng cho đến bây giờ vẫn không hề lên tiếng bày tỏ lòng hối hận vì đã lớn tiếng cổ động cho Việt Cộng, vì đã từng có thái độ thù nghịch đối với người tÿ nạn cộng sản lúc bấy giờ.
Một lần nữa, sự chính xác của ký giả Henderson trong bài viết ngày 26/4 lại được minh chứng qua loạt những bài viết được đăng tải trên hai tờ nhật báo The Age và The Sydney Morning Herald về thành công của người Việt Nam tÿ nạn cộng sản cũng như những đóng góp tích cực của chúng ta cho quê hương thứ hai này.
Nhật báo The Age số 26/4/05 đã đăng tải bài viết tựa đề “Hành Trình Từ Thảm Họa Sang Hy Vọng” của bà Cẩm Nguyễn, chủ tịch Hội Phụ Nữ Việt Úc (Australian Vietnamese Women’s Welfare Association) tại Victoria, đồng thời là chủ bút của tạp chí Phụ Nữ Việt.
Bà Cẩm so sánh đại nạn 30/4 với vụ sóng thần vừa qua tại Nam Á vốn đã khiến dân Úc xúc động vô vàn. Theo bà thì những sự khủng hoảng, những đau khổ mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu còn to lớn gấp bội so với những mất mát đau khổ của nạn nhân sóng thần. Hơn thế nữa, những ảnh hưởng kinh hoàng của việc Sài gòn thất thủ, còn kéo dài cho đến nhiều thập niên sau đó nữa.
Bà cho biết người Việt Nam tÿ nạn là nhóm người da màu (non-white) đông đảo nhất được cho phép định cư tại Úc sau khi chính sách Nước Úc [của người] Da Trắng bị xóa bỏ. Bà cũng nhận định rằng quá trình định cư của người tÿ nạn Việt Nam tại Úc đã thành công phần lớn nhờ vào nỗ lực của người tÿ nạn cũng như của các chính sách khôn ngoan đầy viễn kiến của chính phủ các cấp trong những thập niên sau đó.
Theo bà Cẩm, một bài phúc trình năm 2002 của hai nhà nghiên cứu Bob Birrell và Siew Ean Khoo cho thấy là vào năm 1996, 41% thanh niên Việt Nam trong lứa tuổi 20-21 đang học đại học, gấp đôi tỷ số của những người công dân Úc thuộc thế hệ thứ ba. Đấy là minh chứng hùng hồn cho sự thành công và hội nhập của cộng đồng Việt Nam.
Hai bài báo của ký giả Christopher Kremmer, cùng được đăng trên The Sydney Morning Herald ngày 30/4 “Thế Hệ V” (Generation V) và “Sau 30 Năm Có Giọng Việt Trong Sự Thành Công” (After 30 Years Success Has A Vietnamese Accent) đưa ra một vài hình ảnh tiêu biểu cho sự thành công của người Việt, từ Thế Hệ Thứ Nhất, sang Thế Hệ Một Rưỡi đến Thế Hệ Thứ Nhì, tại Úc. Ông cho rằng chính những mẫu chuyện về sự cố công khắc phục khó khăn để đạt được thành công trong các lãnh vực khác nhau đã đưa cộng đồng tÿ nạn đến bến bờ mong ước của tự do, thịnh vượng và được sự chấp nhận của quảng đại quần chúng Úc (it’s stories like theirs that guide the diaspora towards the fabled shores of freedom, prosperity and acceptance).
Ông nêu lên một vài thí dụ về sự thành công trên thương trường của những người thuộc thế hệ đầu tiên, chẳng hạn như hai anh em Thomas và Simon Tran, người đã sáng lập ra công ty Astracom, một công ty bán thẻ gọi điện thoại viễn liên rẻ tiền bây giờ trị giá 30 triệu Úc Kim, hoặc ông D. Luong, người đã gầy dựng nên công ty rửa phim QFL Laboratories với 220 nhân viên từ một cửa tiệm rửa phim nhỏ bé ở Collingwood.
Thêm vào đó, ông cũng đưa anh Vincent Đoàn ra như một thí dụ điển hình về sự đóng góp của người Việt tÿ nạn trong lãnh vực xã hội. Anh một người tÿ nạn Việt Nam nay là nhân viên xã hội thuộc tổ chức từ thiện Open Family Australia, chuyên trợ giúp thanh thiếu niên bụi đời từ đủ mọi nguồn gốc.
Về những gặt hái và đóng góp từ lớp trẻ tÿ nạn Việt Nam, ký giả Kremmer nhắc đến hai anh em anh Đỗ Anh và Đỗ Khoa, đến Úc với tư cách tÿ nạn từ khi còn ấu thơ sau một chuyến hải hành gian khổ, đã gặt hái được nhiều thành công trong lãnh vực nghệ thuật nhưng đồng thời cũng vẫn không quên được cội nguồn.
Ông nhắc đến cô Nhã Ca Magaret Nguyễn, chỉ là cái bào thai trong bụng mẹ trong chuyến vượt biên nguy hiểm, thế nhưng gần đây đã được trao tặng danh vị Người Úc Trẻ Năm 2005 của HĐTP Fairfield vì những đóng góp của cô trong lãnh vực xã hội, đặc biệt là khi cô tạm đình hoãn việc học một năm để giúp đỡ người tÿ nạn từ Sudan. Cô nói: “Khi tôi làm việc với những người Sudan tÿ nạn ở Sydney, tôi thấy rõ mồn một khuôn mặt của mẹ tôi. Chúng tôi rất đội ơn cha mẹ chúng tôi, thế hệ đã hy sinh tất cả để có thể mang chúng tôi đến đây”.
Ông nhắc đến anh Alastair Trung, một nhà tạo mẫu trẻ tuổi cũng là người tÿ nạn với một kỷ niệm kinh hoàng khi bị tầu tuần biên cộng sản truy bắn trong lúc vượt biên. Anh hiện là một nhà tạo mẫu tương lai sáng rạng với một cửa tiệm thanh lịch ở Paddington, Sydney. Tuy thành công vượt bực, tuy từng bị mẹ anh cấm cản khi anh tỏ ý định muốn thành người tạo mẫu, anh cho biết anh vẫn muôn đời đội ơn cha mẹ anh đã hy sinh vô bờ bến cho anh.
Xuyên suốt bài báo về thế hệ 1.5 hoặc thế hệ thứ 2 của Việt Nam, người ta nhận thấy có một điểm tương đồng, như một sợi dây vô hình liên kết những người trẻ tuổi này với cộng đồng của họ, với gia đình của họ: sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, truyền thống ăn trái nhớ kẻ trồng cây, sự gắng công miệt mài để vượt qua mọi khó khăn, cộng thêm vào đó là lòng tự tin và tự hào đáng quý về nguồn gốc của họ. Cô Nhã Ca tuyên bố: “Chúng tôi vững tin vào bản chất của chúng tôi. Chúng tôi biết chúng tôi là người Việt Nam, và đồng thời cũng là người Úc. Chúng tôi rất hãnh diện về điều này. Và không ai có thể tước đoạt nó từ chúng tôi cả”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.