Hôm nay,  

Bút Lan Man... Hà Thúc Sinh -- Người Từ Nỗi Đau Hóa Bướm

24/04/200500:00:00(Xem: 5903)
Từ ngày Văn Nghệ ra đời, cái Báo quán nhỏ bé nhưng đầm ấm, đã được hân hạnh tiếp đón nhiều "cao thủ võ lâm" thuộïc đủ các... môn phái gần xa đến ăn dầm nằm dề, đấu hót tận tình bằng ngôn ngữ đầy phóng khoáng của thời đã qua, đã mất. Mỗi kẻ giữ của nhau một mảnh đời quá khứ. Thấy nhau, ôm chầm lấy rồi "mày mày, tao tao" kèm theo những câu nói không cần phải giữ gìn ý tứ là phút chốc trút bỏ được lớp bụi thời gian đang mỗi ngày, mỗi ngày chôn mình từng tấc đất. Tuổi già gặp lại bạn cũ là dịp được trở về với chính mình. Là cơ may tìm lại được phần báu-vật-tuổi-trẻ tưởng chừng như đã bị vùi sâu trong quên lãng.
Sau những Trọng Minh, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Nguyễn Ngọc Ngạn... mới đây, Báo quán Văn Nghệ lại "lột xác" làm trẻ hóa cho Nhất Giang và Hà Thúc Sinh khi hai người bạn cũ này gặp lại nhau. Người viết tuy chưa có cái duyên quen biết trước với "ông Đại Học Máu" và cũng là "người Tủi Nhục Ca", nên không được cái sướng như Nhất Giang và Hà Thúc Sinh tha hồ tung hê tuổi già, mày tao vung vít rồi cùng bày ra những viên kẹo ngọt của tuổi thanh xuân. Người viết chỉ biết Hà Thúc Sinh từ "Đại Học Máu", từ "Tủi Nhục Ca" hay biết hơn một chút là Thi sĩ Hà Thúc Sinh với những bài thơ trên các tờ tạp chí văn học nổi tiếng trước năm 1975 như Bách Khoa, Văn, Văn Học...
Người viết mặc dù cũng bằng con đường viết tiểu thuyết "feuilleton", vài chục bài thơ đến với làng viết, nhưng chỉ ngồi chiếu dưới của những anh nhà báo, còn một khoảng cách khá xa với những người làm văn học nghệ thuật thuần túy như Hà Thúc Sinh thời đó. Khoảng cách bất thành văn này, có vẻ trừu tượng, không ai đặt định, nhưng vẫn là lằn ranh rõ nét giữa hai "nhà" - nhà báo và nhà văn. Cũng chẳng hiểu sao nhà báo muốn "lên" làm nhà văn thì thiên nan vạn nan, nhưng nhà văn muốn "xuống" làm nhà báo thì tích tắc, được ngay. Điển hình là Nhà văn Lê Tất Điều với bút hiệu đánh đấm Kiều Phong đã trở thành nhà báo thứ dữ; Nhà văn Thái Phương với bút hiệu Đoàn Dự, cũng mau chóng biến thành nhà báo nặng ký. Còn nhiều, còn nhiều nhà văn "xuống" làm nhà báo nữa như Văn Quang, Nguyễn Thụy Long... vân vân. Chỉ có một điểm có thể gần gũi hòa đồng được giữa hai "nhà" là: "Nhà văn, nhà báo hai nhà đều... nhà nghèo cả!". Riêng với Hà Thúc Sinh, trước năm 1975, anh chưa "bước xuống" làm nhà báo, nên người viết vốn chỉ quanh quẩn quanh cái làng báo khiêm tốn của mình, chưa có dịp để quen với anh.
Cái tên của anh ngày càng đậm nét trong trí nhớ qua "Tủi Nhục Ca" trong những ngày người viết còn chờ đợi được thanh lọc tại trại tỵ nạn Panat Nikhom Thailand vào năm 1989, rồi Đại Học Máu khi mới được tái định cư tại Úc Đại Lợi năm 1992. Nhưng mãi đến bây giờ người viết mới được hân hạnh "kiến kỳ hình". Lại may mắn thấy được con người thật nhất, dễ gần gũi nhất khi hai ông bạn cũ từ thuở thanh niên là tác giả Đại Học Máu và Nhất Giang trút bỏ hết tuổi tác cùng những gì đang có, đang mang, để thảnh thơi sống thật với nhau. Gặp Hà Thúc Sinh, người viết gần được ngay nhờ đó.
Bề ngoài tác giả Đại Học Máu và Tủi Nhục Ca tuy không to con, nhưng dáng đi dáng đứng lại sừng sững như con Tê Giác. Có lẽ cái tinh thần trẻ trung, mạnh mẽ, thẳng thừng đã làm anh lớn hơn so với phần thể xác. Vừa mới gặp nhau, Hà Thúc Sinh không xã giao màu mè mà "xông" thẳng vào tình cảm bằng hữu, đồng nghiệp khiến người viết và toàn thể anh em tòa soạn cũng có được cái cảm giác giống như mình gặp lại người bạn cũ và tình thân đã bừng nở ngay từ phút ban đầu. Bởi vậy, đến Sydney không bao lâu, Hà Thúc Sinh đã từ Báo quán Văn Nghệ túa đi và bằng hữu của anh từ khắp nơi ùa tới. Nếu cho rằng, Hà Thúc Sinh có được cái tính cách xông xáo, năng nổ và chân thật đó vì anh vốn là một trưởng Hướng Đạo, thì có lẽ cũng chỉ đúng một phần. Cái chính là con người Hà Thúc Sinh - luôn sống hết mình với yêu và ghét. Luôn gai góc với kẻ thù, tròn trịa với anh em bạn bè và chân thật với chính mình.
Gặp Hà Thúc Sinh, khi về nhà người viết lôi từ tủ sách ra cuốn Đại Học Máu để đọc lại và thấy rằng tác giả rất chân thật khi tự bạch: "Quyển sách này không thể là một tác phẩm tiểu thuyết văn chương, cũng không thể nằm trong hình thức một hồi ký chính trị hoặc một bút ký lao tù. Quyển sách này, thực tế, chỉ có thể được coi như đống quặng mỏ, được khai quật và còn giữ nguyên hình thái chân thực của nó. Hoặc có thể nói một cách khác, bẩy mươi chương sách này có thể xem như bẩy mươi tấm ảnh, được chụp liên tục và được rửa ra bởi một phó nháy may mắn và có tính tiếc của, nháy được bẩy mươi hoàn cảnh buồn nhưng có ý nghĩa trong đời tù cải tạo dưới chế độ cộng sản..."
Hà Thúc Sinh đã nói đúng, tác phẩm văn chương thì phải dùng thủ pháp hư cấu, nhiều khi xa sự thực, hay ít nhất cũng làm người đọc nghi ngờ về sự thực. Còn hồi ký chính trị mà rất nhiều người đã viết thì luôn vấp phải bóng những "cái tôi" làm méo mó cả sự thật. Với Đại Học Máu, Hà Thúc Sinh chỉ khiêm tốn trong vai trò một ông phó nháy dùng lương tri để lưu lại những "bức ảnh" mà thôi. Qua những "bức ảnh" của Hà Thúc Sinh, tự nó đã nói lên sự thật không thể chối cãi và chỉ có những bức ảnh là không thể bị chế độ chính trị nào bóp méo được những gì đã ghi nhận. Và đó là lý do khiến cho "cuốn album" gồm 70 "tấm hình" trong Đại Học Máu có sức sống mãnh liệt, vượt thời gian.

Hẳn những ai đã từng đọc Đại Học Máu, cũng không khỏi xót xa khi thấy trong chế độ lao tù cộng sản, nhân cách con người lại bị đem ra thách thức một cách khốc liệt đến như thế. Chỉ một sát-na gục ngã trước nỗi sợ hãi, thèm khát miếng ăn, hoặc ham hố đôi chút ưu tiên, con người có thể biến thành con vật với cái tên gọi quen thuộc trong các trại tù cải tạo: "Ăng-ten". Thật khó mà chọn được một điển hình trong hằng hà sa số những trại tù. Nhưng chỉ cần nhìn "tấm hình" sau đây của tác giả Đại Học Máu cũng đủ cho ta thấy nhói lòng:
"... Hình ảnh của ông luật sư Lê Quốc Việt vẫn như mọi chiều xuất hiện trong tầm nhìn của Vĩnh. Ông đang rón rén chiết ra khỏi keo chao tí mỡ, rón rén múc ra khỏi lọ tí mắm ruốc, rón rén moi ra khỏi bao vắt mì rồi rón rén bưng nồi chạy ra sau bếp với mấy thanh củi nhỏ kẹp nơi nách. Hoặc hình ảnh của đội trưởng Lễ. Trong lúc ngồi xếp những cái cần cho một cuộc nấu nướng, đôi mắt hắn vẫn đảo nhanh chung quanh như sợ có kẻ thình lình đánh vào gáy mình..."
Trong văn chương đôi lúc người ta thấy thấp thoáng có bàn tay của tác giả giật dây cho nhân vật. Nhưng ở "tấm hình" từ Đại Học Máu, ông "phó nháy" Hà Thúc Sinh chỉ khách quan ghi nhận. Tấm hình đã "nói" hết cái bi thảm từ cuộc thử thách nhân cách của một số trí thức trong hoàn cảnh lao tù.
Cũng trong lời nói đầu tác phẩm Đại Học Máu, Hà Thúc Sinh không dấu diếm hoài vọng của mình là "mong sao mớ quặng này sẽ được sử dụng như một thứ nguyên liệu cho một công trình biến hóa có ích lợi". Ở đây, với cái nhìn chủ quan, có thể là phiến diện, người viết thấy rằng hình như mớ "quặng mỏ" mà tác giả Hà Thúc Sinh đã lấy máu đào lên vẫn chỉ được xem như một-thứ-kỷ-niệm-chung và nhiều người còn muốn quay mặt trốn tránh những "ám ảnh" để được hưởng trọn vẹn những gì đang thụ hưởng ở hiện tại và dễ dàng trơn tuột vào "thiên đàng mới". Dù sao, thì mớ quặng đó cũng có giá trị lịch sử nhất định vì bên trong vẫn còn nguyên chất ngọc lấp lánh bất khả hủy diệt. Hà Thúc Sinh đã làm xong trách nhiệm của một người khai quật, để hiến tặng mớ quặng đó cho lương tri nhân loại.
Từ đó, Hà Thúc Sinh có quyền xếp "cuốc, xẻng" để ôm cây đàn guitar, nghêu ngao hát "Tủi Nhục Ca" chia đều những cơn đau quặn thắt đến các thân phận mất nước, lưu vong và những người còn vướng lại trên quê hương đầy bóng tối:
"Đêm thế giới đang dồn một lần
trên đất nước tôi gọi Việt Nam
Đêm bát ngát những khu trại giam.
Đời thênh thang thu hẹp dần dần.
Đêm em bé lên mười cùm gần
anh chiến sĩ gốc Biệt Động Quân
Đêm thiếu nữ áo đơn tạm thu
ngồi kề bên vai gái giang hồ..."
Dòng nhạc "Tủi Nhục Ca" của Hà Thúc Sinh không phải là lời than van tuyệt vọng. Ngay trong nhà tù với đói khát, với cái chết luôn rình rập từng giây từng phút, Hà Thúc Sinh vẫn luôn tự nói với mình:
"Đừng chết nhé ta ơi
Gánh nặng cười đi tới
dù gông xích lao lung tả tơi
Hỡi tim trong ngực
Vì ta làm ơn giữ cho máu hồng
giữ cho căm hờn
một mai phá tan cơn buồn..."
Và rồi từ trong cơn buồn vừa được phá tan, "Ông Đại Học Máu" cũng là "Chàng Tủi Nhục Ca" Hà Thúc Sinh kia, bỗng thấy trái tim mình hóa bướm chập chờn trên những giai điệu của tình yêu:
"Xin tặng em đây mùa xuân
một buổi sáng vươn vai
bông hồng gai, chiếc bàn vuông;
vừa từ giã đêm dài.
Xin tặng em những giọt sương
vừa chợt khô trên kính;
con chim xanh quấn quýt mái tây hiên..."
Độc đáo từ lời, đặc biệt từ nét nhạc và cũng giống như văn chương, thi ca, nếu "quẳng" Hà Thúc Sinh vào bộ môn nghệ thuật nào, thì cũng vẫn là... Hà Thúc Sinh chẳng giống ai và không ai giống. Cứ sừng sững một mình một cõi riêng. Chỉ "riêng" thôi, chứ không "nhất", Hà Thúc Sinh đã nói với anh em Văn Nghệ như thế, mặc dù theo nhận xét của Nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1980 thì "trong số những người còn soạn ca khúc Việt Nam vào lúc này ở Mỹ hay ở Âu châu, Úc châu... thì Hà Thúc Sinh có thể được coi là người nhạc sĩ có những bài hát hay nhất, trí thức nhất".
Điều đó đã được thể nghiệm phần nào trong Đêm dạ vũ mừng báo Văn Nghệ Lên Hai, với những tràng pháo tay tán thưởng của khán thính giả dành cho ca khúc của Hà Thúc Sinh qua sự diễn tả của Tuyết Lê, Thiên Phước và Bích Loan.
Ngoài ra những CD các ca khúc "Tủi Nhục Ca", "Người Em Quận Cam" (gồm 12 tình khúc), Tập nhạc "Sinh Ca" cũng đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhất từ trước đến nay so với các sinh hoạt ra mắt CD ca khúc tại Úc châu.
Anh em Văn Nghệ xin được chia xẻ niềm vui với "ông thợ đào quặng" kiêm "phó nháy" Hà Thúc Sinh của Đại Học Máu. Hy vọng các nơi anh sắp đến như Melbourne, Adelaide, Brisbane… trong những ngày sắp tới đây sẽ là những vườn mộng thêng thang đón nhận cánh bướm vừa được hóa thân từ trái tim còn vương máu...

(Sydney, tháng Tư - 2005)

*Hồ Ông

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.