Hôm nay,  

Mở Hồ Sơ 30 Năm: Vì Sao Mỹ Thất Trận?

23/04/200500:00:00(Xem: 6412)

Ba mươi năm qua, Hoa Kỳ có cả ngàn cuốn sách về cuộc chiến VN và cả trăm giải thích về nguyên nhân thất trận. Lý luận chung là Mỹ thắng về quân sự mà thua về chính trị. Chưa chắc.
Hãy đi lại từ đầu.
Khi can thiệp vào Việt Nam, các nhà hoạch định chánh sách của chính quyền Kennedy đã viện dẫn một lý do chiến lược: tầm quan trọng của Việt Nam trên bình diện quốc tế để chặn đà bánh trướng của cộng sản.
Thực tế thì đây là một sự ngụy tín: sau khi thất thế trong cuộc thử lửa tại Cuba - mà vẫn làm dư luận tưởng rằng mình thắng - Tổng thống Kennedy muốn bày ra một cuộc thử lửa khác, an toàn hơn cho nước Mỹ vì ở xa lãnh thổ Mỹ. Việt Nam được chọn làm thí điểm và trở thành "Tiền đồn Thế giới Tự do".
Kennedy có thể chỉ muốn biểu dương quyết tâm để chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống năm 1964, và sau đó sẽ rút. Chính quyền ông lật đổ và sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm vì ông Diệm cản trở việc biểu dương ấy khi không muốn Mỹ can thiệp quá mạnh vào Việt Nam. Đó là về lý do tham chiến. Như đa số dư luận Mỹ, người Việt ta cũng lầm tưởng rằng Việt Nam ở vào vị trí chiến lược vì vậy mới tiếp tục lầm tưởng rằng "Mỹ không bao giờ bỏ Việt Nam". Thực ra, trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, bất cứ nơi nào - dù hoang đảo không tài nguyên hay núi cao không người ở - mà có sự tiếp cận giữa hai khối thì cũng có thể là vùng chiến lược. Không bảo vệ nổi vùng này là chứng tỏ mình yếu thế, không đáng tin đối với các đồng minh, và không đáng sợ đối với các đối thủ.
Điều éo le là ba tuần sau khi ông Diệm bị giết thì Kennedy bị ám sát và Phó Tổng thống Johnson lên thay. Kế nhiệm trong điều kiện bi thảm một người được cả nước (lầm) tưởng là anh hùng, Johnson phải tiếp tục nỗ lực biểu dương ấy và duy trì toàn bộ ban tham mưu của Kennedy: anh em McGeorge và William Bundy, Cố vấn An ninh Walt Rostow (một lý thuyết gia kinh tế) và Tổng trưởng Quốc phòng McNamara.
Ban tham mưu ấy đã thực sự góp phần đưa tới thất trận vì ngay từ đầu đã trù hoạch sai - vì chủ quan duy ý chí (Rostow) và kiêu mạn (McNamara) - việc tiến hành chiến tranh. Người nhìn thấy tầm quan trọng tương đối - và không đáng - của Việt Nam (cho quyền lợi Mỹ) là Richard Nixon. Ông ta chuẩn bị rút và Kissinger thi hành việc triệt thoái ấy một cách gian xảo nhưng dù có hay không có vụ Watergate thì Hoa Kỳ cũng triệt thoái.
Phản ứng đầy bất ngờ của người Việt là bằng mọi giá thoát khỏi sự hà khắc của chế độ cộng sản đã dẫn tới hiện tượng vượt biên; từ tâm của chính quyền Carter (cứu vớt thuyền nhân) và ý chí của chính quyền Reagan (giải thoát và đón nhận tù cải tạo) đã tạo cơ hội cho sự hình thành của một cộng đồng người Việt tự do trên đất Mỹ. Trong khi ấy, người Việt trong nước vẫn là con tin của một chế độ lạc hậu, được người Việt hải ngoại hàng năm chu cấp chính thức là ba bốn tỷ Mỹ kim, thực tế thì có thể gấp đôi.
Sự hàn gắn giữa cộng đồng hải ngoại và chế độ cộng sản trong nước - "hòa hợp hòa giải" - không thể có vì - và vẫn vì - những lầm lẫn của Hà Nội. Lãnh đạo Việt Nam không thấy có nhu cầu hòa giải vì tưởng rằng có thể trực tiếp vận động với chính quyền Hoa Kỳ, chẳng hạn như để trở thành một nguồn lợi kinh tế hay một thành lũy - lại một tiền đồn - ngăn ngừa đà bành trướng Trung Quốc. Và sẽ lại tái phạm sai lầm cũ của miền Nam sau khi đã sai lầm đứng làm mũi xung kích cho chủ nghĩa cộng sản để gây ra chiến tranh kéo dài và tàn phá đất nước lẫn con người.
Tổng kết về hơn nửa thế kỷ bi đát của Việt Nam rồi, ta hãy thử nhìn lại về những nguyên nhân thất trận của Hoa Kỳ, trong đó có một nguyên nhân ít ai nói tới: quân sự.
*
Hoa Kỳ ở vào thế tất bại vì can thiệp vào Việt Nam với một mục đích tiêu cực: miễn rằng không thua thì đã là thắng. Đánh toàn cầu hòa là nhường vai trò chủ động cho đối phương. Đây là nguyên nhân thứ nhất và căn bản nhất.
Đối phương ở đây là bộ máy chiến tranh và các trung tâm kỹ nghệ của khối cộng sản - của Liên Xô và Trung Quốc và các đường tiếp vận nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam - chứ không là xã hội nông nghiệp của miền Bắc hay cả đường mòn Hồ Chí Minh. Đã đánh toàn cầu hòa mà không triệt hạ được nguồn tiếp vận ấy, Hoa Kỳ chỉ gây tổn thất ngoài da cho đối thủ - mà thể thảm cho người Việt ở cả hai miền. Và, quan trọng hơn cả, gây phản tác dụng cho dư luận thế giới vì ấn tượng là một siêu cường công nghiệp lại tàn phá một nước nhỏ bé chỉ khát khao độc lập. Đây là nguyên nhân thứ hai: chọn sai mục tiêu, lầm lẫn giữa điểm và diện.
Nhìn trên toàn cuộc, Hoa Kỳ có võ khí nguyên tử và tài nguyên dồi dào khả dĩ "trả mọi giá, chấp nhận mọi phí tổn" để bảo vệ miền Nam, như lý luận tuyên truyền của Kennedy. Thực tế thì Mỹ không thể dùng võ khí nguyên tử tại Việt Nam hoặc trong khối cộng sản và cũng có nhiều cam kết còn chiến lược hơn trên thế giới - Tây Âu hay Trung Đông chẳng hạn - nên không thể bảo vệ miền Nam bằng mọi giá và trong lâu dài. Trong một cuộc chiến mang tính chất biểu dương ý chí, Hoa Kỳ không thể có ý chí trường kỳ - bầu cử bốn năm một lần là một giới hạn - và sẽ thua nếu đối thủ có ý chí mạnh hơn và chấp nhận mọi giá để thủ thắng, khi cái giá đó lại do người dân phải trả. Đây là nguyên nhân thứ ba.
Ba nguyên nhân căn bản trên đây dẫn tới một sự thể là hai chính quyền Kennedy và Johnson nhường cho khối cộng sản - và Hà Nội - sáng kiến chiến hòa và quyết định về cường độ giao tranh mạnh yếu, trong khi lại là con tin của chính trường và bầu cử trong nước.
*
Trên trận thế kỳ cục ấy, Hoa Kỳ còn phạm nhiều sai lầm tai hại khác.
Không thể tiêu diệt cái gốc của chiến tranh - tại Liên Xô và Trung Quốc - Mỹ cũng không thể gieo chiến tranh vào miền Bắc trong khi không quyết định nổi mức độ ưu tiên của việc bảo vệ miền Nam. Đã vậy, sau khi ngang ngược tiến vào Việt Nam, dù với cái giá quái đản là lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để chuyển từ vai trò cố vấn yểm trợ qua vai trò chủ chốt, chính quyền Kennedy còn phát minh một sáng kiến "tiền hiện đại" là giúp miền Nam xây dựng định chế tự do dân chủ.
Ý niệm "xây dựng dân chủ" không là một phát minh của George W. Bush, nó xuất phát từ bộ óc uyên bác của kinh tế gia Walt Rostow. Hệ quả của nó là miền Nam lâm chiến trong khi vẫn phải tiến hành một cuộc "cách mạng xã hội", theo tiêu chuẩn Mỹ, dưới sự phán đoán nông cạn của dư luận Mỹ. Đây là nguyên nhân tất bại thứ tư: "cách mạng xã hội" vốn là chủ trương và khẩu hiệu của Cộng sản Bắc Việt, với nội dung hoàn toàn khác biệt về "cách mạng" mà dư luận và truyền thông Mỹ không thể biết và không thèm biết.
Hoa Kỳ đã nhường thế chủ động cho đối phương lại còn bày ra trận thế cải cách xã hội mà không minh định tiêu chuẩn thẩm xét rõ ràng cho cả hai chế độ! Chính quyền Ngô Đình Diệm bị hậu phương Mỹ phê phán trong khi chính quyền Hồ Chí Minh được hậu phương Nga Tầu xoa đầu khen giỏi.
Ông Diệm bị đả kích về những tội thực ra không đáng kể nếu so sánh với những gì đã và đang xảy ra tại miền Bắc khi đó. Nhưng không ai làm công việc so sánh ấy, kể cả những người miền Nam chống Diệm. Cái thước đo lường thành quả cách mạng là cái thước co giãn vì nhân thức thiên lệch.

Khi quyết định là không gây chiến với Liên Xô và láng giềng cộng sản gần nhất của miền Bắc là Trung Quốc, Hoa Kỳ dưới thời Kennedy và Johnson chỉ còn một chọn lựa tiêu cực là thi đua ý chí với Hà Nội. Chọn lựa ấy dẫn tới chiến lược oanh tạc miền Bắc và truy lùng để tiêu diệt cán binh cộng sản ở trong Nam.
*
Các bộ óc phi thường của chính quyền Johnson - kể cả Westmoreland - đi vào việc truy lùng để tiêu diệt, thực chất là cuộc thi đua đếm xác, với hy vọng là cán binh cộng sản bị giết tới một số nào đó thì Hà Nội sẽ thua. Hy vọng hão huyền, vì Hà Nội không coi mạng sống con người là trọng mà dư luận Mỹ thì chỉ biết đếm xác lính Mỹ, với sự tiếp tay tích cực của truyền thông và nhất là truyền hình.
Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được trực tiếp truyền hình và ống kính truyền hình Mỹ lại chỉ chiếu vào các đơn vị Mỹ. Kết quả là Washington mất ý chí trước Hà Nội. Đây là nguyên nhân của lý luận "Mỹ thắng tại tiền tuyến mà thua tại hậu phương". Nguyên nhân này có thể vuốt ve tự ái của quân đội Mỹ nhưng vẫn không là nguyên nhân chính. Vì thực ra vẫn thua ngay tại tiền tuyến. Nguyên nhân chính là sai lầm của chính quyền Johnson và nhất là của McNamara khi tưởng rằng oanh tạc miền Bắc đến một cường độ nào đó thì sẽ đủ bẻ gãy ý chí của Hà Nội.
Từ sai lầm chiến lược ấy, bộ Quốc phòng và nhiều giới chức dân sự trong chính quyền Johnson mơ rằng nếu các cơ sở công nghiệp và kinh tế miền Bắc bị oanh tạc nặng thì có khi Hà Nội sẽ bị khuất phục và thay vì làm chư hầu của Trung Quốc thì sẽ làm đồng minh của Mỹ (lối nguy nghĩ này dường như đang tái diễn, nhưng có "đổi mới": thay vì là đạn bom thì sức ép lần này sẽ là quyền lợi kinh tế.)
Có một người do dự với chiến lược ấy chính là McNamara: nếu tấn công miền Bắc quá nặng thì có khi phải đối đầu với Trung Quốc.
Kết quả là thay vì đánh phủ đầu bằng các đợt oanh tạc vũ bão - là điều Nixon sẽ làm qua 12 ngày oanh tạc mùa Giáng sinh 1972, không để thắng mà để rút lui "trong danh dự" - Hoa Kỳ chọn cách "leo thang chiến tranh", trong chừng mực không gây hấn với Moscow hay Bắc Kinh và cũng chẳng tiêu diệt chế độ cộng sản Hà Nội. Tức là đòi trường kỳ kháng chiến với một đối thủ có khả năng trường kỳ trong khi chính mình lại bị giới hạn bởi sự phán xét của dư luận và tấm lịch bầu cử. Hà Nội có cơ hội thích ứng với mức độ tàn phá cầm chừng ấy và chủ động leo thang chiến tranh, từ chiến tranh phá hoại qua du kích chiến lên tới trận địa chiến.
Một chiến thắng rõ rệt nhất về quân sự - do sức kháng cự bất ngờ của quân lực Việt Nam Côäng Hòa - là vụ tổng tấn công Mậu Thân, chiến thắng quân sự ấy lại bị hậu phương Hoa Kỳ coi là một thất bại chính trị, và mất ý chí chiến đấu.
*
Do chiến lược đầy mâu thuẫn của chính quyền Johnson, ta có một tương quan lực lượng bất thường:
Miền Bắc có hậu phương công nghiệp nặng và bất khả xâm phạm nằm ngoài lãnh thổ để có thể chiến đấu lâu dài trong khi lại có một tiền tuyến (lãnh thổ miền Bắc) lạc hậu khả dĩ chịu đựng được sự tàn phá cầm chừng của Mỹ. Ngược lại, Mỹ lao vào một cuộc chiến với ấn tượng bất công phi nghĩa (siêu cường kỹ nghệ tàn phá xứ nhược tiểu nông nghiệp) và bị dư luận ở hậu phương phê phán nặng mà không bẻ gãy được ý chí của đối phương.
Theo lối đánh này, Mỹ chỉ đạt kết quả nếu đánh ít mà gây tổn thất nhiều, là điều chưa thể có với trình độ kỹ thuật chiến tranh thời ấy: oanh tạc thiếu chính xác nên phải dùng lượng thay phẩm và gây phí tổn kinh tế quá lợi ích của việc tham chiến. Đây là nguyên nhân thất bại chính yếu, một nguyên nhân thuộc lãnh vực quân sự.
Nếu dùng lối oanh tạc chiến lược - như đã áp dụng hai lần tại Iraq sau này - thì Hoa Kỳ có thể sẽ đụng độ với Liên Xô và Trung Quốc, là điều chính quyền không muốn vì cho là không đáng và đi ngược mục tiêu thụ động từ ban đầu, là đánh toàn cầu hòa. Bị bó tay trong chọn lựa ấy, Không quân Mỹ không biết làm sao tiêu diệt bộ máy chiến tranh của Hà Nội mà chỉ biết gieo tổn thất kinh tế cho xã hội miền Bắc, với cái giá phải trả là mất dần chính nghĩa.
Phân vân với giải pháp oanh tạc Hà Nội hay Hải Phòng, các hải cảng hay tàu bè tiếp vận ngoài khơi và các đường vận chuyển Hoa-Việt, với rủi ro gây hấn với khối cộng sản, Hoa Kỳ chọn giải pháp thích hợp với địa dư Việt Nam: làm cạn kiệt đường mòn Hồ Chí Minh và không mang tiếng là tấn công một nước láng giềng "trung lập" là Lào, bằng cánh đánh cầu Long Biên tại Hà Nội và cầu Hàm Rồng tại Thanh Hóa. Vừa an toàn về mặt ngoại giao vừa có thể chặn đường tiếp vận vào Nam.
*
Giải pháp ấy gây tổn thất nặng cho phi cơ và phi công Mỹ mà lại không hữu hiệu.
Lý do là Mỹ tốn rất nhiều bom trong nhiều phi vụ mà không đạt kết quả. Một phần vì kiến trúc kiên cố của hai cây cầu này, phần nữa vì khả năng huy động dân chúng sửa chữa lại những nhịp cầu gẫy, phần sau cùng - đối với cầu Hàm Rồng - là vị trí eo hẹp rất khó tấn công. Chẳng hạn, tháng Tư 1965, hơn một trăm phi vụ Mỹ đã dội hơn năm trăm trái bom loại 750 cân Anh (pound) và Mỹ bị mất năm phi cơ mà không phá nổi cầu Hàm Rồng. Lần đầu tiên Hoa Kỳ đạt kết quả quyết định là đánh xập cả hai cây cầu ấy là vào mùa Xuân 1972, mà không mất một phi cơ nào nhờ thế hệ đầu tiên của "bom khôn"… thì mọi chuyện đã quá trễ.
Tám tháng sau, Hiệp định Paris được ký kết để cột tay miền Nam trao cho Hà Nội.
Tổng kết lại, Hoa Kỳ thất trận tại Việt Nam vì rất nhiều lý do, nhưng ngược với sự suy luận của dư luận, một trong những lý do ấy chính là quân sự, là điều mà bộ Quốc phòng Mỹ ngày nay không mắc phải. Điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ ngày nay không sai lầm trong nhiều lãnh vực khác.
Hoa Kỳ chủ quan nhập cuộc và Mỹ hóa cuộc chiến với những lầm lẫn tai hại, Khi Johnson và nhất là Nixon khởi sự Việt hóa cuộc chiến thì dư luận đã xoay chiều. Quân lực miền Nam không được đánh trận theo lề lối của mình, đến khi Mỹ đòi Việt hóa chiến tranh và miền Nam quyết chí đánh thì quân đội bị bó tay, cúp đạn, vì Mỹ muốn rút lui trong danh dự.
Hoa Kỳ thất trận vì những sai lầm của mình, miền Nam thất trận vì tiếp tay lật đổ chính quyền Diệm, lãnh đạo dìu nhau vào luân vũ chính trị (đảo chính) và kèn cựa về quyền lực nên không cản được sự can thiệp của Mỹ, mà sau đó còn lạc quan trông cậy vào Mỹ như một nguồn yển trợ vô tận và vĩnh viễn. Cuộc chiến mang tính chất toàn diện mà lãnh đạo miền Nam lại chỉ nhìn thấy một khía cạnh quân sự và vai trò của Mỹ. Miền Bắc thắng trận và kiêu hãnh về sự chiến thắng ấy mà không thấy ra tổn thất lâu dài cho cả dân tộc: chiến tranh giải phóng miền Nam là một sai lầm mở đầu cho nhiều sai lầm kế tiếp về đường lối tái thiết và phát triển trong hòa bình.
Chưa hết, trong tương lai đã cận kề, sai lầm nặng nhất là tưởng rằng sẽ ăn tiền của Mỹ để bảo vệ một chế độ độc tài thực ra đã rụm rã và hết khả năng bảo vệ chủ quyền. Nếu lại nghĩ rằng nhờ sức yểm trợ của Hoa Kỳ thì sẽ tồn tại và yên thân với Bắc Kinh thì lại càng không hiểu gì cả.
Ba mươi năm sau, có nhắc lại những điều ấy có lẽ cũng không thừa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.