Hôm nay,  

Cần Một Cái Nhìn Thành Thật…chuyến Đi Tây Nguyên Sắp Đến Và 28 Đợt Cứu Trợ Từ Thiện Tại Việt Nam

01/04/200500:00:00(Xem: 5646)
Từng hồi trống…....
Phá tan đêm trường……...
Có ít nhất là một lần trong cuộc đời, tôi đã từng nghe hát trên đài Phát Thanh Sài Gòn những nhạc khúc ca tụng núi đồi cao nguyên bạt ngàn của vùng Nam Trung Phần... Cái thuở còn là học sinh, tôi đã từng bị lôi cuốn bởi những tưởng tượng phong phú của chính tôi. Nào là rừng núi cao nguyên đẹp tuyệt vời với những con suối lượn lờ óng ả chen lẫn qua đám lá rừng xanh biếc, những thác nước hùng vĩ từ trên núi cao đổ ào xuống tạo thành một con sông chảy cuồn cuộn như thác lũ, rồi xuyên qua những ghềnh, những đèo, những hang động, dần dà cuốn hút, biến mất vào lòng núi rừng âm u, bí hiểm.
Để đêm đến, bên ánh lửa rừng tí tách với tiếng trống bập bùng.. bập bùng.. gây cho ta cảm giác một chút gì man dại, một chút gì hoang sơ, cùng tiếng “ tù và “ø lanh lảnh vang lên trong đêm trường, như kêu gọi, như mời mọc, như thách đố...
Để rồi sáng hôm sau, khi núi đồi chào đón ánh bình minh với tia nắng sớm ban mai, là những cô sơn nữ, đẹp như những đóa hoa hoang dại bên đường, với những cái gùi đeo lủng lẳng sau lưng, những bộ y phục với những túi thổ cẩm đủ màu sắc rực rỡ, nụ cười mộc mạc, hồn nhiên gọi nhau ơi ới, lúc hiện, lúc ẩn, giữa núi rừng hoang sơ, để thấy lòng lâng lâng một chút gì thương ai nhớ ai, nhất là trong buổi chiều tà, khi hoàng hôn dần xuống...

Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng
Bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh...
(Sơn Nữ Ca - Trần Hoàn)

Vùng cao nguyên Nam Trung Phần, giờ đây được mang tên mới là Tây Nguyên,
vẫn còn đó, nhưng có lẽ đã thay đổi rất nhiều theo diễn biến của nền kinh tế
thị trường mở cửa.

Em Pleiku giờ này ra sao "
Em có còn má đỏ môi hồng "
(ý thơ của Vũ Hữu Định)

Tây Nguyên trong sự tưởng tượng của một đứa trẻ như tôi thời niên thiếu là thế đấy !
Mơ ước được trở về quê hương sau bao năm xa cách để rồi tôi sẽ có dịp về miền Tây Nguyên, xuôi ra mạn Tây Bắc để vào tận những vùng sâu, vùng xa nơi tận cùng của miền thượng du Bắc Việt, như Sa Pa, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Hà, Bắc Giang.... để ít nhất là một lần trong đời, tôi sẽ được sống, được thở cái không khí thiên nhiên trong lành của núi rừng, của hoang sơ, của một nơi mà vết chân loài người ít khi tìm bước đến và cũng để một lần nhìn tận mặt các cô gái dân tộc đẹp đơn sơ nhưng thật tuyệt vời trong những y phục lộng lẫy ngày hội với những túi thổ cẩm sặc sỡ ngang lưng giữa núi rừng bạt ngàn xanh biếc.

Đầu tháng Ba năm 2005, Mục sư Nguyễn Xuân Bảo đã vui mừng báo tin cùng tôi là ông đã được chính quyền Việt Nam cấp giấy cho phép ông và đoàn cứu trợ từ thiện của Thánh Đường Sài Gòn vào vùng Tây Nguyên để hoạt động từ thiện cứu giúp những trại phong cùi và người nghèo. Trong niềm vui ấy có lẫn lộn một nỗi lo. Đó là trách nhiệm sẽ nhiều hơn, người nghèo và nạn nhân phong cùi sẽ đông hơn, biết có đủ phương tiện tài chính để quán xuyến và chu toàn những hoạt động từ thiện càng ngày càng lớn rộng này không.
Ông có ý mời gọi chúng tôi theo chân ông về Tây Nguyên một chuyến, nhưng vì chưa chuẩn bị kịp cho chuyến cứu trợ thứ 28 này của ông, tôi đành bùi ngùi chờ đợi chuyến sau.

Tây Nguyên ơi ! Tôi sẽ về
Em Pleiku má đỏ môi hồng…. Đã 30 năm rồi còn gì. Em giờ này có lẽ đã già lắm rồi. Có thể giờ này em đang đi trên con đường hạnh phúc tuyệt vời cùng gia đình, hoặc giả, có thể giờ này em đang bệnh hoạn xanh xao, bơ vơ, đơn độc và sống vất vưởng trông chờ vào lòng từ thiện của tha nhân.

Tây Nguyên ơi ! Em Pleiku ơi ! Dù em thế nào đi nữa, tôi sẽ về thăm em.

Gian nan chuyến cứu trợ nghèo !
Trong cơn gió mát lạnh dễ chịu do những trận mưa cuối mùa tháng Ba, tôi đã có dịp nói chuyện với Mục Sư Bảo tại khuôn viên Thánh Đường Sài Gòn ở Quận Cam. Dù rằng ông đang vẫn còn bệnh và mệt mỏi vì vừa mới trở từ Việt Nam sau chuyến cứu trợ đợt thứ 28, ông đã tận tình dành cho tôi một chút thời gian cho bài viết này. Sau đây là phần tường trình về chuyến đi vừa qua và những giải thích thật đầy đủ của ông về công cuộc cứu trợ từ thiện trong suốt mấy năm qua:

Hớp một ngụm trà xanh, ông bắt đầu
Chúng tôi rời Los Angeles ngày 02-03-2005 đến phi trường Tân Sơn Nhất ngày 03 vào lúc 12 giờ khuya, khi về đến khách sạn là đã 2 giờ sáng ngày 04-03-2005.
Thứ Sáu ngày 4-3-05 lúc 6 giờ sáng đã thức giấc để chuẩn bị đi phát gạo cho 4 trại phong cùi: Bến-Sắn, Bình-Minh, Phước-Tân, Thanh-Bình, cùng đi với chúng tôi có ông Vũ Đạm, phóng viên truyền hình của đài Little SàiGòn TV tại Orange County, ông vừa từ Singapore về Việt Nam thăm viếng thân nhân, tình cờ biết chúng tôi đang ở Việt Nam, ông ngỏ ý muốn đi theo cùng phái đoàn cứu trợ của mục sư đươc không " Tôi trả lời “ Rất hoan nghinh. Đâu có gì mà dấu diếm. Tôi cũng đang cần nhiều phóng viên của các cơ quan truyền thông đi theo để quan sát và tường trình một cách trung thực hầu giúp đồng bào hải ngoại thấu hiểu tận tường công tác cứu trợ của chúng tôi tại quê nhà “. Đúng 8 giờ sáng thì phái đoàn chúng tôi đã có mặt tại trại phong Bến-Sắn, tỉnh Bình Dương. Tại đây chúng tôi đã phát 264 bao gạo, mỗi bao 25 kg. Nổi thống khổ tột cùng của họ thì không bút mực nào có thể diễn tả hết được. Sau khi phát xong đoàn rời Bến-Sắn ra Long Thành đến trại phong Bình-Minh để phát 124 bao gạo. Thấy cảnh đồng bao phong cùi ngồi chờ lãnh gạo thật nao lòng ! Họ không mơ ước gì cả, chỉ mong có ít gạo để nấu chén cơm, chén cháo sống qua ngày, thấy như vậy mình nỡ lòng nào mà không giúp họ ! Tôi bùi ngùi lưu luyến rời trại Bình-Minh đoàn qua trại phong Phước-Tân.
Khi đến nơi phái đoàn xuống xe vào trại thì tôi đang lên cơn sốt nằm bất động trên xe. Chờ đến 15 phút sau tôi mới bớt sốt và cố gắng đi vào. Tại đây Soeur Kim Ngân lo lắng cho từng ly nước, trái cây cho phái đoàn. Soeur rất vui tính, vừa cười vừa nói đùa là trái cây và nước uống là do đồng bào bệnh nhân làm để đãi phái đoàn. Những người đã từng đi theo cứu trợ nhiều lần thì biết ý là Soeur nói đùa, nhưng người đi lần đầu tiên thì tưởng thật, nhìn ly nước, dĩa trái cây rồi ngần ngừ không dám đụng đến. Mãi cho đến khi tôi cầm lên ăn, mọi người mới an tâm ăn theo. Tại đây chúng tôi đã phát 98 bao gạo. Một ông cụ cụt cả hai chân và tay, đứng khập khễnh run rẩy, chảy nước mắt nói với chúng tôi :
- Mục sư đừng bỏ chúng con nghen mục sư ! (nguyên văn)
Soeur Kim Ngân nói:
- Nếu mục sư có bề gì thì chắc họ sẽ đói lắm.
Tôi nói đỡ lời Soeur Kim Ngân:
- Công việc của quý soeur mới là quan trọng. Các soeur là những mẹ Theresa Việt Nam mà thế giới bên ngoài ít ai biết đến. Quý soeur đã tận tụy hy sinh cả đời cho những kẻ bất hạnh này, còn tôi chỉ đem đến mấy kí lô gạo của đồng bào hải ngoại quyên góp thì có thấm thía gì đâu !

Tại trại phong Phước-Tân, chúng tôi phát 98 bao gạo. Sau đó phái đoàn trở về Quận 2 Sài Gòn thăm trại phong Thanh-Bình ở Thủ Thiêm. Nơi đây, chúng tôi đã phát 110 bao gạo cho đồng bào và sau đó chúng tôi trở về nghỉ đêm ở Sài Gòn.

Theo chương trình thì ngày hôm sau, tức thứ Bảy ngày 5-3-05, phái đoàn của chúng tôi sẽ lên đường đi miền Trung, nhưng vì tôi đang bị bệnh nên đành phải lưu lại Sài Gòn 2 ngày để dưỡng bệnh. Bốn giờ sáng tinh sương ngày 7-03-05 khi phố phường còn đang ngủ yên, chúng tôi rời Sài Gòn để đi Nha Trang. Đến Nha Trang lúc 12 giờ 30 trưa. Ăn trưa xong, chúng tôi vào trại phong Núi-Sạn lúc 2 giờ chiều để phát 110 bao gạo cho đồng bào tại đây. Sau đó, chúng tôi lên đường đi Qui Nhơn. Đến Qui Nhơn lúc 7 giờ 30 tối, thành phố chìm trong bóng đêm, chúng tôi tìm một khách sạn nhỏ rẻ tiền để nghỉ qua đêm.
Sáng tinh sương ngày 08-03-05, khi gà cuối xóm chưa kịp báo thức là chúng tôi đã thức dậy và sẵn sàng. Dùng điểm tâm qua loa xong, đoàn chúng tôi đi thẳng đến trại phong Qui-Hòa, thuộc thành phố Qui-Nhơn. Đây là một trong những trại phong lớn nhất Việt Nam cũng là nơi trước đây hơn 60 năm nhà thơ Hàn Mạc-Tử đã nằm điều trị và qua đời tại đây. Chúng tôi đã phát 344 bao gạo. Ngay sau đó, chúng tôi lên đường đi Quảng Ngãi, Tam Kỳ và nghỉ đêm tại Đà Nẳng.
Sáng ngày 09-03-05, chúng tôi đến quận Linh Chiểu. Theo thuyền chở gạo đi sang trại phong Hòa-Vân dưới chân đèo Hải Vân để phát 170 bao gạo cho đồng bào phong cùi tại đây. Chúng tôi phát gạo ngay trên bãi biển. Đồng bào phong cùi người vác, kẻ kéo bao gạo trông thật tội nghiệp nhưng khuôn mặt họ lộ vẻ vui mừng vô cùng. Có người cố gắng vác bao gạo lên vai, nhưng hai bàn tay không còn ngón nào cả, tôi đến giúp, họ nói “ được được rồi mục sư “ , nhưng thực ra bàn tay của họ không còn lành lặn để giữ bao gạo cho nên bao gạo cứ bị rớt lên rớt xuống. Thiên Chúa tạo dựng nên con người có hai tay hai chân để đi lại và làm việc, nhưng bị cùi cả hai thì làm sao kiếm sống được " Vì hoàn cảnh như vậy, họ mới nhờ đến mình, nhưng trên đời này còn có những người có những hành động vô ý thức hay thất đức đang tìm cách giựt chén cơm, chén cháo của họ để đổ đi bằng cách này hay cách khác. Họ nói ra những lời tiêu cực làm nản chí những người ân nhân đóng góp. Trong Thánh Kinh Chúa có kể câu chuyện của La-Xa-Rơ và một người nhà giàu. La-Xa-Rơ là một người nghèo, luôn luôn ngồi trước cửa để chờ ăn những miếng bánh vụn của người giàu trên bàn rơi xuống. Nhưng người giàu làm lơ, cuối cùng khi người giàu chết, y bị ném vào địa ngục. Y bị rơi vào hỏa ngục không phải vì y giàu, nhưng vì cố y làm ngơ trước cảnh khổ của người khác. Chỉ có tội làm ngơ đã bị đày xuống địa ngục rồi, huống chi đi cổ võ, xúi giục người khác đừng đóng góp, thì hậu quả chắc chắn không lường. Chúa phán “ Ai ghét người tức là ghét Ta “. Những người phong cùi, tàn phế cũng là những người được Thiên Chúa tạo dựng nên, theo hình ảnh của Ngài. Mình yêu thương họ, tức mình yêu thương Thiên Chúa vậy.
Từ trại phong Hòa-Vân, chúng tôi lên ghe trở vào đất liền và sau đó đi thẳng lên Đại-Lộc. Theo chương trình dự định, chúng tôi sẽ lên huyện Nam-Giang tức Giằng, nhưng vì dịch cúm gà đang phát xuất, nên sở Y Tế tỉnh khuyên chúng tôi không nên lên đó. Buộc lòng chúng tôi đổi lịch trình đi Huế để các thành viên trong đoàn được thư giãn đôi chút vì suốt cuộc hành trình, họ thấy toàn là cảnh cùi bò lết không hà. Đường hầm xuyên qua đèo Hải Vân tuy đã hoàn thành xong, nhưng đến tháng 5 này chính phủ Việt Nam mới cho khánh thành, nên xe vẫn phải leo đèo như xưa. Có đi mới thấy là quê hương ta đẹp tuyệt vời. Qua đèo uốân khúc quanh co, cheo leo chỉ trời và nước, một bên là núi rừng xanh biếc bạt ngàn, một bên là đại dương trắng xóa mênh mông. Khi xe đến Huế thì phố phường đã lên đèn, chúng tôi tìm một nơi để ngơi nghỉ. Sáng hôm sau phái đoàn của chúng tôi đến thăm các lăng tẩm và thành nội Huế trước khi trở vào Đà Nẵng . Chúng tôi bay trở về Sài Gòn để ông Vũ Đạm, phóng viên đài Little Saigon T.V. còn kịp làm phóng sự về mật gấu. Ông Đạm là một phóng viên truyền hình chuyên nghiệp, nên chắc chắn bà con miền Nam và Bắc California và khắp nơi sẽ có dịp xem những hình ảnh vô cùng cảm động của đồng bào phong cùi Việt Nam trên đài Little Saigon T.V. và DVD số 8 của Thánh Đường chúng tôi sắp tới qua lăng kính chuyên nghiệp của ông.
Ngày 11 và 12 tôi lại bị bệnh sốt nặng do ảnh hưởng của cơn sốt trước nên buộc lòng ở lại Sài Gòn để dưỡng bệnh. Ôâng Vũ Đạm đi Lâm-Đồng, Đà Lạt, đến tối Chúa Nhật 13 ông Đạm từ Đà Lạt trở về. Chúng tôi lại lên đường đi Tây Nguyên, đi suốt đêm; đến Buôn-Mê-Thuột lúc 6 giờ sáng ngày 14, nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ và cũng để cho tài xế được ngủ một giấc. Sau đó chúng tôi tiếp tục lên đường đi Gia-Lai rồi ra KonTum. Từ Sài Gòn đến Kon Tum là 650 km đường đèo cheo leo hiểm trở, cảnh vật tuyệt đẹp vời với núi rừng bạt ngàn xanh ngát, bận đi và về khoảng 1300 km. Đến trưa gần 2 giờ chiều chúng tôi đến trại phong Dak-Kia, ở đây hầu hết là đồng bào Thượng, họ rất thật thà chất phác, cho gì thì lấy đấy. Tôi cho một người già yếu tiền, người đứng kế bên không ngửa tay xin như những nơi khác, đó là điều làm tôi thật cảm động. Tại đây chúng tôi phát 170 bao gạo cho 170 gia đình. Theo sự yêu cầu của họ, chúng tôi phát thêm cho mỗi gia đình 1 kg muối Iot, 1/2 kg đường và 400 gr bột ngọt. Họ vui mừng vô cùng. Họ nói chưa có phái đoàn nào phát nhiều như thế, thường thì họ chỉ được vài ba kí lô gạo mà thôi. Tôi nghĩ có thể cũng vì đường xá quá xa xôi cách trở nên ít phái đoàn từ thiện nào đến đó.
Những gương mặt thật thà chất phác sạm nắng Tây Nguyên đó đã lưu lại trong tôi nhiều cảm tình yêu mến và sự quyến luyến khi chia tay. Tây Nguyên ơi ! Tôi hứa rằng tôi sẽ trở lại.
Lòng bùi ngùi ra đi, chúng tôi lên đường trở về Sài Gòn. Nhưng khi đến Buôn-Mê-Thuột, mọi người đều mệt nhoài không thể đi thêm được nữa, nên chúng tôi đành ngủ đêm tại đấy để sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên đường trở về Sài Gòn. Đáng lý ra, chúng tôi còn phải tiếp tục đi Cà Mau theo dự định, nhưng không ai còn có sức để đi nữa và vì tôi cũng chưa được khỏe mạnh hẳn. Hơn nữa, phóng viên Vũ Đạm lại phải chia tay sớm để trở lại Singapore để đi làm phóng sự tại đảo Pulau Bidong. Tôi rất muốn đi theo ông về thăm Pulau Bidong, nơi mà 27 năm về trước tôi đã sống hơn một năm trên đảo đó, nhưng vì tuần sắp đến là Tuần Thánh, nên tôi phải trở về Hoa Kỳ. Như quý vị đã biết, đảo Bidong là nơi tạm cư cho 245,000 người tị nạn kể cả tôi. Từ ngày thành lập trại tị nạn Pulau Bidong 21-07-1978 đến 1991, có 400 người đã ra đi vĩnh viễn tại đây và có 4500 trẻ sơ sinh được chào đời tại hòn đảo này. Có một gia đình tị nạn sinh ra 2 đứa con trên đảo, đặt tên một đứa tên Bi và một đứa tên Đông.
Quý vị nào ở miền Nam California xin chờ đón xem hình ảnh Pulau Bidong qua phóng viên Vũ Đạm trên đài Little Saigon T.V. vào lúc 4 giờ chiều mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu trong những ngày sắp đến.
Ngày 18-03-05 tôi lên đường trở về Hoa Kỳ. Dù mệt mỏi nhưng lòng tôi cảm thấy thật phấn chấn, thật vui mừng phước hạnh là vì mình đã làm tròn trọng trách mà bà con cô bác ủy thác và đã đem tặng phẩm của bà con cô bác đóng góp về tận nơi, trao tận tay cho đồng bào mình. Trong đợt cứu trợ 28 vừa qua, chúng tôi chỉ phát gạo và các nhu yếu phẩm khác, nhưng không có phát xe lắc tay vì tài chính cứu trợ quá hạn chế. Công tác cứu trợ 29 sắp đến, sẽ diễn ra vào ngày 09 tháng 05, đợt 30 ngày 11 tháng 7, và đợt 31 ngày 05 tháng 09. Tôi rất mong có các phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình tại Hoa Kỳ đi theo để làm phóng sự như đài Little Saigon T.V. đã và đang làm, để đem đến bản tin chính xác cho cộng đồng. Tôi rất mong bà con cô bác tích cực đóng góp xe lắc tay cho anh em thương tật, gạo, giếng nước cũng như cầu cống. Đây là công tác từ thiện chung của cộng đồng không phân biệt tôn giáo. Tôi không biết mình còn có đủ sức đi được bao nhiêu chuyến nữa, nhưng có một điều chắc chắn là ngày nào bà con cô bác còn đóng góp, thì ngày ấy tôi sẽ còn tiếp tục ra đi đem theo tặng phẩm của bà con cô bác về đến tận nơi trao tận tay cho họ.
Tôi rất mong quý vị mạnh thường quân, các cơ sở thương mại bảo trợ một cách rộng rải cho họ. Hàng ngàn người tàn phế bất hạnh đang chờ chiếc xe lắc tay quý vị tặng. Hàng ngày đồng bào phong cùi đang mong ước có gạo để ăn, và bao nhiêu dân lành ở những vùng xa xôi hẻo lánh đang cần những chiếc cầu xi-măng thay cho cầu khỉ, giếng nước trong ngọt thay cho nước bùn ở sông rạch...
Uống nước nhớ nguồn, chắc chắn họ và con cháu họ sau này luôn nhớ ơn quý vị. Nếu quý vị bảo trợ 1000 bao gạo trở lên, tôi sẽ cho in tên của quý vị hay hội đoàn của quý vị lên trên bao gạo, miễn là hội đoàn không dính líu đến chính trị. Nếu có thể, quý vị bao trọn một chuyến đi, tôi sẽ tận lực tổ chức để quý vị hay đại diện quí vị đi phát trực tiếp, và quý vị cũng trực tiếp trả tiền gạo, trả tiền xe, trả tiền cho hãng khắc tên, in bao, chuyên chở, nhân viên thực hiện, nhân viên bốc vác, xe cộ đi phân phát, khách sạn, ăn uống cho phái đoàn đi phát vân vân... quý vị sẽ biết rõ giá thành của một chuyến đi cứu trợ ngay. Không nên ngồi bên này bờ Thái Bình Dương mà suy đoán, xin đi đến tận nơi, nhìn tận mắt như ông Đinh Xuân Thái, cô Phương-Trang, ông Vũ Đạm của đài Little Saigon T. V. đã và đang làm, trăm nghe không bằng mắt thấy.

Cứu trợ không biên giới
Vừa trở về Hoa Kỳ chiều thứ Sáu ngày 18 tháng 03 tôi vội xuống văn phòng, nhìn nền nhà thờ đã bị ủi sạch trong lúc tôi đi vắng.Tôi ngậm ngùi đau lòng hồi tưởng lại những ngày cả đoàn người đông đảo đi lễ mỗi tuần, nay chỉ còn nền xi măng trơ trọi. Lòng còn đang miên man hồi tưởng lại chuyện xưa thì bỗng có một cựu Trung Uùy Hải Quân, ông Nguyễn Văn Ty khóa 18 Hải Quân Nha Trang tìm đến. Ông không gia đình, không vợ con, chỉ có bà mẹ già 99 tuổi bị mù lòa còn ở lại quê nhà. Không nhà, không cửa, từ New York về California, ông ngủ ngoài hiên của một siêu thị. Cảnh sát đến nơi xem lý lịch thì biết hồ sơ của ông trong sạch, nên đã đưa ông về Overnight Mission ở Santa Ana. Nhưng ông không ở được vì cuộc sống tại đó vô cùng phức tạp, nên ông tìm đến các nhà thờ và hội ái hữu của đơn vị ông, nhưng ai nấy cũng bận rộn không tiếp ông được. Có người khuyên ông nên tìm đến Thánh Đường Sài Gòn của mục sư Nguyễn Xuân Bảo nhưng ông đi lạc đến Bolsa, là nhà thờ cũ của chúng tôi. Ông hỏi thì không ai dẫn đường, hỏi Thánh Đường Sài Gòn của mục sư Bảo ở đâu, họ cũng chỉ nói bâng quơ. Mãi hai ngày sau, ông mới tìm đến chúng tôi để nhờ giúp đỡ. Khi gặp anh, tôi cung cấp chỗ ăn ở tạm và hiện đang vận động tiền để mua vé phi cơ cho anh này về quê thăm và phụng dưỡng mẹ già mù lòa trên 99 tuổi. Thường thì trong cộng đồng có tang chế, bệnh hoạn khó khăn đều tìm đến Thánh Đường Sài Gòn. Quả đúng như một tờ báo của Hoa Kỳ trong mục “ The Body In Motion” đã mô tả Thánh Đường Sài Gòn là “ A Church That Won’t Say No” Một Thánh Đường không bao giờ từ chối ai. Báo Orange County Register gọi công việc của Thánh Đường Sài Gòn là “The Power Of Love” do sức mạnh của Tình Yêu, hay một phóng sự khác gọi “Heeding The Call For Help”.
Tôi thường nói:” Nghe đạo, theo đạo thì rất tốt, nhưng điều quan trọng là phải hành đạo”. Quả thật Thánh Đường Saigòn luôn luôn chủ trương thưc hiện đúng theo như lời Chúa dạy :” Những điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ. Hỡi những kẻ được Thiên Chúa ban phước hãy đến hưởng nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các con từ khi dựng nên trời và đất, vì Ta đói các con cho Ta ăn, Ta khát các con cho Ta uống. Ta là khách lạ các con tiếp rước ta... Nếu các con làm điều đó cho một kẻ rất nghèo khổ là các con đã làm cho Ta rồi “. Qua những câu Thánh Kinh trên, quý vị hiểu được tại sao Thánh Đường Sài Gòn đứng ra bảo trợ và định cư hàng chục ngàn tị nạn từ thuyền nhân, con lai, H.O., Ethiopian, Lỗ Ma Ni, Tiệp Khắc, Ba Lan vân vân... Lo công tác vận động vớt thuyền nhân trên biển Đông năm 1983 và tôi đã đích thân lên tàu Akuna đi vớt người lênh đênh trên biển. Ngày nay, dấn thân vào việc cứu trợ đồng bào phong cùi, nạn nhân chiến tranh tàn phế, cũng như thương phế binh, lợp nhà cho người có nhà bị giột, khoan giếng cho người khát, làm cầu cống cho người dân có đường đi ... Tất cả đều do mệnh lệnh của Thiên Chúa, là Công Tác Tông Đồ, mà nhiều người thắc mắc là tại sao tôi lại tận tụy đến thế " Không có lợi lộc thì ai mà làm " Nhưng người Ki-Tô không nhắm vào lợi lộc vật chất tạm bợ trên trần gian này, vì khi mình chết có mang được gì theo đâu " Nhưng hướng về phần thưởng cao quý nhất là được hưởng phước hạnh đời đời trên trời. Ở đời, có gieo thì có gặt, trên trần gian này mà không gieo những điều nhân đức thì làm sao ta mong ước được gặt hái những điều tốt lành ở đời sau "

Phương pháp cứu trợ "
Thánh Đường Sài Gòn là một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp

Trong mấy tháng gần đây, tiền bà con cô bác đóng góp bị giới hạn rất nhiều, vì tất cả đều đổ vào cứu trợ cho nạn nhân sóng thần Ấn Độ Dương. Do đó, công tác cứu trợ nhân đạo cho đồng bào nơi quê nhà ta đều bị giới hạn tối đa. Chẳng hạn như mỗi chuyến đi phát gạo, mỗi gia đình trước đây được hai bao gạo, nay chỉ còn một bao. Mỗi chuyến đi chúng tôi phát 200 đến 400 xe lắc tay, bây giờ chỉ phát được có ba, bốn chục chiếc. Đợt 28 vừa qua không có phát chiếc xe lắc tay nào cả cho các anh em thương tật. Vấn đề quyên góp đã khó khăn, nhưng thưa quý vị, việc mang được số tiền đó về tận nơi, trao tận tay đồng bào phong cùi cùng những người tàn phế bệnh tật lại càng khó khăn hơn.
Sau đây tôi xin trình bày để quý vị thấy công tác cứu trợ tại Việt Nam không đơn giản như mọi người nghĩ, hễ có tiền là mua đồ phát dễ dàng như móc kẹo trong túi áo ra cho trẻ con dọc đường.
Thưa quý vị ơi, đấy là cả một tổ chức quy mô, có hệ thống, phương pháp, phép tắc đàng hoàng hẳn hoi. Hữu hiệu và chuyên nghiệp không thua gì một tổ chức từ thiện nào của Hoa Kỳ cả, vì Thánh Đường Sàigòn có Tư Cách Pháp Nhân là Tổ Chức Tôn Giáo Bất Vụ Lợi, đã được Bộ Tài Chánh và Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ cấp phép ngày 17 tháng 12 năm 1998 theo Federal Income Tax Exempt under section 501(a) of the Internal Revenue Code in section 501(c) Vì vậy phòng kế toán phải khai trình cho sở thuế rõ ràng; và bà con đóng góp đều được khấu trừ thuế 100%. Chúng tôi chủ trương tiết kiệm tối đa để tiền bà con đóng góp được đem về tối đa cho đồng bào phong cùi và những người tàn phế bất hạnh. Tôi chủ trương hễ cho thì phải thực hiện đàng hoàng, không cho thì thôi, không tội tình gì mà phải làm chui làm lậu để cho nhà nước nghi ngờ cả. Đây là việc từ thiện kia mà ! Cho nên tôi xin đề nghị quý vị nếu có ai lạc quyên tiền bạc của quý vị để cứu trợ cho Việt Nam, xin quý vị hãy hỏi họ mấy câu đơn giản sau đây:

1. Quý vị đãõ cứu trợ tại Việt Nam lần nào chưa " Bao nhiêu lần " Ở đâu " Lúc nào " Gồm cái gì " Trị giá mỗi chuyến cứu trợ làø bao nhiêu " Tôi có thể nhờ người nhà bên Việt Nam kiểm lại không " Quý vị có thực hiện ghi lại tất cả hình ảnh cuộc cứu trợ không "


2. Hiện nay quý vị dự định sẽ làm gì " Có giấy phép của nhà nước Việt Nam cấp chưa " Tại đâu " Có visa nhập cảnh chưa " Khi nào thì quý vị khởi hành " Sẽ thực hiện ở đâu " Sẽ cấp phát những gì " Chúng tôi có thể đi theo hay nhờ phóng viên truyền hình đi theo quý vị được không " Vì nước Việt Nam có 62 Tỉnh, Thành; có 10,331 Xã, Phường, Thị Trấn; 490 Huyện; 33 Quận Nội Thành; nên chúng tôi muốn biết công tác từ thiện thực hiện ở đâu " Rõ ràng, địa điểm, ngày giờ cấp phát vân vân... chứ không thể nói bông lung được. Nếu không trực tiếp thực hiện được thì đừng nên lạc quyên tiền dưới hình thức cứu trợ để rồi đánh mất niềm tin của dân chúng.
3. Nhơn danh ai để thực hiện " Của tổ chức, tôn giáo nào hay nhơn danh cộng đồng Việt Nam hải ngoại ". Đây là điểm quan trọng, lẽ dĩ nhiên là làm từ thiện thì không cần xưng danh xưng tánh, nhưng người thực hiện có bổn phận phải cho dân chúng trong nước biết được tấm lòng của đồng bào hải ngoại. Không phải chỉ gửi ba, bốn tỷ Mỹ kim về cho thân nhân hàng năm mà thôi, mà chúng ta còn nên đóng góp giúp đỡ những người nghèo khổ không có thân nhân ở Mỹ tại quê nhà.
4. Có giấy phép của Bộ Tài Chánh do Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ (I.R.S.) cấp
(Federal Income Tax exempt under section code 501( c ) (3) ) chưa " Để bà con cô bác đóng góp có thể khai khấu trừ thuế cuối năm, nếu chưa có thì nên nộïp đơn xin ở Internal Revenue Services. Nếu có thì xin cho biết số giấy phép gồm 14 con số (DLN) là gì, vì đây không phải là 9 con số như của Federal I.D. ( Employer Identification number).

Nếu những câu hỏi trên được trả lời thỏa đáng và hợp lý thì xem như tổ chức ấy thực sự có thực hiện và có chất lượng, quý vị nên yểm trợ họ để họ giúp cho đồng bào mình. Đối với tôi, từ thiện là không biên giới, ai làm thì cũng đều tốt cả, vì tất cả đều hướng về dân nghèo của quê hương mình nhưng phải thực hiệân có hiệu quả rõ ràng, không thể dùng tiền lạc quyên cho người cùi mà đem cho chỗ khác được, vì đấy không phải là việc nhân đức mà là thất đức. Không thể thu góp tiền của bà con mà lại mang danh nghĩa riêng tư cho mình được. Đồng bào nơi quê nhà cần phải được thông báo là, những gì họ nhận được đều là do các đồng bào hải ngoại đóng góp. Không nên lấy của người làm phúc ta.

Sau đây là phương pháp cứu trợ mà chúng tôi đã và đang thực hiện trong những năm qua và những ngày sắp đến:

I. Khoan giếng nước ngọt
1. Việc đầu tiên là tìm hiểu nhu cầu của từng nơi chốn muốn xây giếng
2. Xin phép chính quyền cấp Tỉnh nơi chúng ta thực hiện. Việc này cần nhiều thời gian vì có tỉnh cho phép, có tỉnh không cho phép.
3. Sau khi được tỉnh cấp giấy phép, chúng ta đi xuống cấp Huyện, Xã, Aáp để thảo luận về địa điểm khoan giếng.
4. Cho nhân viên đi khảo sát từng điểm một, để công trình đáp ứng đúng theo nhu cầu của đồng bào trong khu vực đó.
5. Tìm người chủ đất bằng lòng tặng 4 mét vuông để làm giếng. Chủ đất phải ký hợp đồng với chúng tôi và chính quyền là tặng vĩnh viễn miếng đất này cho dân làng, không được rào cản lại, vì giếng nước là của chung của bà con trong vùng và cho luôn cả cho những khách hay xe cộ lỡ đường.
6. Nhân viên phải túc trực kiểm soát độ sâu của giếng vì đào càng sâu nước càng trong sạch, kiểm soát chất lượng nước, xi-măng, sắt xây nền, và nhất là 4 mét lược, phải là loại lược tốt. Thường một giếng nước phải đào sâu ít nhất là khoảng 475 feet để có được nước ngọt và trong không phèn.
7. Bảo trì giếng cho đến khi dân chúng quen dùng và biết cách thay da-bơm vì mỗi khi bị mòn, bơm không lên nước. Báo cáo cần bơm bị gãy hay cylinder bơm bị mòn, phải thay bơm mới.

II. Cấp phát xe lắc tay cho anh em thương phế binh và đồng bào tàn tật:
1. Trước hết lo vận động bà con cô bác hải ngoại qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, video, DVD vân vân... Mỗi lần đọc thông báo trên Radio là $45.00 trong vòng 45 giây đồng hồ, ngoại trừ một số đài tính giá từ thiện như VNCR, Saigon Radio Hải Ngoại, Viet Nam Radio. Đài phát thanh 30 phút là $300.00. Đài truyền hình 10 phút là $ 1,000.00 ngoại trừ đài Little Saigon T.V. tính đặc biệt 75% off, chương trình quảng bá được phát hình tại Nam California, San Jose, Portland, Seattle, Virginia, Toronto, Hawaii. DVD để quảng bá hình ảnh cứu trợ, mỗi lần in từ 10,000 đến 20,000 copies. Ngoài DVD, chúng tôi còn chụp hình những tặng phẩm của quý vị, do đó, phải tốn kém thêm tiền phim chụp hình và rửa hình, tiền cước bưu điện để gửi DVD, hình xe lắc tay, hình giếng nước và biên nhận cho quý bà con đã gửi tiền. Từng người và từng người ân nhân bảo trợ, chúng tôi làm việc với tất cả khả năng để đem những tài liệu này đến với từøng quý vị.
2. Sau khi nhận được tiền từ người bảo trợ, chúng tôi gửi danh sách về Việt Nam cho đặt xe, đặt bảng khắc tên của người bảo trợ để gắn sau lưng xe.
3. Cho nhân viên đi khảo sát từng nhà, từng người, đặt thứ tự ưu tiên: cụt 2 chân, liệt 2 chân là ưu tiên một. Liệt một chân hay cụt một chân hay rưỡi là ưu tiên hai. Sốt tê liệt còn sử dụng được tay hay không... vân vân. Nếu gặp người to con thì phải đặt xe khổ lớn hơn bình thường để họ ngồi cho vừa. Còn nếu người nhỏ con thì đặt xe nhỏ hơn để họ ngồi vừa tầm tay để lái.
4. Thuê mướn địa điểm để phân phát xe.
5. Cho người thông báo từng nhà một ngày giờ phát xe, vì hầu hết họ không có điện thoại, nhân viên hoàn toàn được thuê mướn và phải được trả công.
6. Mướn xe vận tải lớn để chở xe lắc tay đến các địa điểm phân phát. Nếu ở miền Trung thì chi phí chuyên chở rất cao vì xe lắc tay khá cồng kềnh.
7. Sau khi phát xe xong, chúng tôi còn cho họ một số tiền để họ mướn xe đò chở xe lắc tay về quê của họ, và đôi khi phải phát cho họ 25kg gạo nữa.
8. Ngoài ra, chúng tôi phải mướn xe chở phái đoàn đi phân phát, mướn khách sạn cho phái đoàn, trả tiền lương cho các nhân viên phụ trách vì họ cũng phải sống chứ, có ai mãi mãi làm không công được đâu " Đó là chưa nói đến chi phí điện thoại di động, tiền xăng dầu cho xe gắn máy đi làm việc trong thành phố, điện thoại bàn, Internet, fax vân vân.. ..
9. Bảo trì xe, mỗi khi xe bị hư, phải sửa cho họ. Phải có nhân viên thường trực liên lạc với hãng chế tạo để họ đến từng khu vực để giúp sửa chữa những xe bị hư. Chẳng những liên lạc mà còn phải có nhân viên theo dõi thường trực để đảm bảo rằng, hãng chế tạo sẽ sửa chữa xe cho anh em như đã ký trong hợp đồng.

III. Vấn Đề Phát gạo:
1. Xin phép chính quyền các tỉnh có trại phong cùi, hay vùng bị thiên tai hạn hán lũ lụt. Giấy phép phải do chính quyền Tỉnh cấp mới thực hiện được.
2. Nắm số lượng chính xác của số bệnh nhân phong cùi trong mỗi trại. Số lượng bệnh nhân lên xuống hàng tháng, số vừa chết, số vừa mới vào. Các nhân viên phải nắm chính xác số lượng trước khi đặt gạo. Nạn nhân lũ lụt cũng vậy, phải biết rõ con số trong vùng bị ảnh hưởng. Vì không phải chỉ cho gạo một nơi mà là nhiều địa điểm trong một ngày. Con số chính xác sẽ giúp phái đoàn lo liệu dễ dàng hơn.
3. Trên bao gạo in rõ ràng là “ Gạo Cứu Trợ Do Đồng Bào Việt Nam Hải Ngoại Quyên Tặng” nếu không thì khó qua được các trạm kiểm soát của Công An giao thông, kinh tế. Nếu các hội đoàn hay cá nhân bảo trợ từ 1000 bao gạo trở lên, chúng tôi in tên vị ân nhân bảo trợ hay cơ sở bảo trợ trên bao gạo. Để làm công việc riêng rẽ này, chúng tôi phải trả tiền thêm, vì số lượng chúng tôi in mỗi lần là 50,000 bao không để sẵn.
4. Đặt gạo và định ngày chuyên chở. Tiền chuyên chở chúng tôi phải trả riêng cho hãng xe vận tải.
5. Khi gạo đến nơi, phải trả tiền cho phu khuân vác xuống, cũng như cấp phát.
6. Mướn xe cộ, cơm nước, khách sạn cho phái đoàn đi phân phát gạo. Đôi khi chúng tôi đi đến 4, 5 địa điểm khác nhau trong cùng một ngày.
7. Mua sữa đặc có đường để phân phát cho những người già trong trại. Cho đến nay chúng tôi chỉ mới thực hiện phát sữa tại trại cùi Bến Sắn mà thôi. Nếu có tiền có thể mua thêm mì gói cho họ ăn sáng. Mong rằng bà con đóng góp rộng rãi để có thể mua thêm thực phẩm phụ cho họ.

IV. Việc Xây Cầu cũng vậy:
1. Xin giấy phép tại chính quyền cấp Tỉnh.
2. Chọn địa điểm khảo sát.
3. Chọn công ty xây dựng cầu.
4. Mướn chuyên viên chuyên vẽ kiểu cầu.
5. Trình giấy tờ hoạch định thiết kế cầu cho chính quyền tỉnh duyệt xét.
6. Nhân viên phải thường trực kiểm soát số lượng sắt, xi-măng, cát, đá, trong công trình thực hiện. Trả lương cho nhân viên và lao động.
7. Khi hoàn tất phải mời kỹ sư công chánh của nhà nước đến kiểm nghiệm thanh tra trước khi bàn giao và khánh thành cầu.
8. Tổ chức ngày khánh thành cầu. Mướn xe chở phái đoàn đi dự khánh thành cầu, ăn uống, khách sạn v.v.. và lập kế hoạch kế tiếp.

V. Việc Lợp nhà:
1. Xin phép chính quyền địa phương.
2. Chọn khu vực nghèo và giột nát nhất.
3. Cho nhân viên đi khảo sát, mỗi căn nhà cần bao nhiêu tấm tole " Nếu nhà nào tệ quá thì phải cấp cây, gỗ cho họ làm sườn nhà mới, lại tốn kém hơn, thay vì $ 100.00 USD để lợp nhà, trong trường hợp phải xây lại căn nhà mới phải tốn đến $ 1000.000 - $ 1500.00 USD. Còn nếu làm đơn giản hơn thì phải tốn ít nhất là $ 500.00 USD cho một cái nhà mới.
4. Đặt mua tole và định ngày chuyên chở tole đến địa điểm cấp phát
5. Phái tình nguyện viên hợp tác với dân chúng lợp nhà, nếu không thì họ có thể lấy tole đi bán, rồi cuối cùng thì vẫn ở nhà giột. Vì vậy, không phải chỉ phát tole mà còn phải bảo đảm rằng những tấm tole đó được đóng lên mái nhà. Kinh nghiệm đã dạy chúng tôi là không bao giờ nên cấp tole đầy đủ, nên phát thiếu một vài tấm để có lý do trở lại để kiểm soát và bổ túc.

Tất cả chương trình trên đều phải do một đội ngũ nhân sự làm việc có trả lương đàng hoàng. Chi phí quảng cáo trên báo chí, radio, TV, quay phim, chụp hình, làm video, làm DVD, chi phí tem thư để gửi biên nhận, hình ảnh, video, DVD cho những gia đình bảo trợ vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, khi phát xe cho các anh em thương phế binh và người tàn phế phải cho họ thêm một số tiền, để họ về nhà sống được ít ngày vui hưởng chiếc xe mới. Lẽ dĩ nhiên, cũng có nhiều người vừa lãnh xe xong rồi thì đi làm nghề bán vé số ngay, thật tội nghiệp. Trên đời này, có ai muốn mình tàn phế, thương tật, cùi hủi để được người khác thương hại đâu " Chẳng qua số phận của họ không may mắn, nên mình giúp được gì thì giúp để làm vơi đi một phần nào hoàn cảnh bất hạnh của họ.

Lời Tâm Huyết của Mục sư Bảo
Qua phúc trình trên, quý vị thấy việc cứu trợ không đơn giản chút nào. Phải chịu tốn kém đủ mọi mặt. Khác với nạn sóng thần, vì vận động cho sóng thần trên các đài phát thanh, báo chí, truyền hình đều là do sự tình nguyện đưa tin không tốn tiền, không giờ giấc, ngày đêm kêu gọi, kêu gọi riết rồi đồng bào cũng mủi lòng cho, dù hội Hồng Thập Tự thông cáo không nhận tiền nữa vì quá dư, trên chục tỉ đô la, cả thế giới đã đóng góp quá nhiều, không cần nữa, nhưng người ta vẫn tiếp tục kêu gọi đóng góp. Tôi ước gì những thương phế binh, những nạn nhân chiến tranh tàn phế, những đồng bào phong cùi bất hạnh Việt Nam được các cơ quan truyền thông ở hải ngoại chiếu cố kêu gọi ngày đêm, như vậy thì tôi tin chắc chắn rằng, ngày nay hàng 100,000 người tàn phế đã có xe đi và tôi cũng không cần phải lên đài phát thanh, TV vận động từng đồng, từng xu để mua gạo, mua xe nữa.
Quả dân tộc Việt Nam bất hạnh thật !
Vấn đề ở đây là ai thực hiện cứu trợ cho Việt Nam cũng được. Có thể ví von, “ Không cần biết mèo đen hay mèo trắng. Mèo nào bắt được chuột hiệu quả thì mình nuôi”. Có thế thôi ! Ai thực hiện cũng được, miễn là thực hiện trong tinh thần đứng đắn, đàng hoàng, trực tiếp,công khai, hiệu quả thì bà con yểm trơ. Đừng đổ thừa chính quyền Việt-Nam khó quá nên làm âm thầm, luận cứ đó đã lỗi thời rồi, vì hàng năm có đến nửa triệu người về quê ăn Tết, không làng mạc, xã ấp nào mà không có Việt-Kiều về thăm, không nơi nào mà không kiểm chứng được, nhất là chúng ta đang sống trong thời Internet, từ Việt-Nam đến Hoa-Kỳ chỉ cách nhau có vài phút thôi; đừng cố tình lấy thúng úp voi. Sự gian dối trước sau gì cũng lộ ra vì nó chỉ tồn tại được vài lần mà thôi, nhưng sự thật mới tồn tại lâu dài. Tại Việt Nam có hàng triệu người tàn phế đang cần quý đồng hương hải ngoại giúp đỡ. Giúp đâu cũng tốt, nhưng giúp cho bà con, cho quê hương dân tộc mình thì vẫn hơn. “ Ta về ta tắm ao ta”.

Công tác cứu trợ đợt 29 sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 5; đợt 30 ngày 11 tháng 7; đợt 31 ngày 5 tháng 9. Tôi rất mong bà con cô bác tích cực bảo trợ cho gạo, xe lắc tay, giếng và cầu. Mỗi gia đình đồng bào phong cùi cần được bảo trợ một tháng gạo $10.00. Nếu quý vị giúp $100.00 là giúp được 10 gia đình đồng bào phong cùi có gạo ăn trong một tháng; xe lắc tay mỗi chiếc $200.00 và mỗi giếng nước $ 500.00; mỗi căn nhà cần $100.00 để mua tole lợp, và cây cầu thì tùy theo dài ngắn và địa hình của các kinh rạch. Tất cả tặng phẩm đều được khắc tên quý ân nhân để kỷ niệm và được khấu trừ thuế.
Sở dĩ tôi nêu rõ con số tỉ mỉ như vậy là để bà con khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, kể cả các viên chức chính quyền, công an các cấp tại Việt Nam có thể đọc trên website của chúng tôi và hiểu rằng việc cứu trợ không phải là có tiền sẵn trong túi áo và móc ra cho, nhưng phải tốn kém vận động đủ mọi cách. Những tổ chức từ thiện ngoại quốc phải chi tiêu từ 50% đến 75% cho việc chi tiêu vận động, văn phòng, nhân viên v.v.. như trường hợp của chính phủ Hoa Kỳ cung cấp cho mỗi đầu người tỵ nạn trên $800.00 nhưng qua các tổ chức thiện nguyện họ chi tiêu thuê mướn văn phòng, nhân viên, fax, thủ tục , điện thoại, số tiền còøn lại chỉ đến tay người tỵ nạn từ $150.00 đến $300.00 mà thôi, tùy theo hội.

Như quí vị biết thực hiện một dĩa DVD kể cả công và của, để gửi đi đến từng nhà tốn $25,000.00 USD mới mong thu được $50,000.00 USD. Còn nếu không làm thì không có đồng nào cả, vì nếu không thấy hình ảnh thì không ai tin, không ai đóng góp. Còn các phương tiện truyền thông khác như truyền hình thì phải chiếu đi chiếu lại hàng tuần, Radio thì gần như hàng ngày. Trong khi đó, đi về Việt Nam theo sự quan sát của cô Phương-Trang, đài Little Saigon T.V. thì chúng tôi ăn cơm đường cháo chợ, ở thì ở khách sạn mini rẻ tiền, đi thì đi thuyền thúng nguy hiểm, di chuyển đường bộ bằng xe vận tải 2 đến 3 ngàn cây số, di chuyển trong thành phố thì bằng xe Honda ôm, nếu đi máy bay, ở khách sạn hạng sang, dùng Taxi, ăn nhà hàng đắt tiền thì còn tiền đâu để mà cứu trợ "

Tôi thường nói với những viên chức trong nước: “ Nơi tôi đang ở, địa vị tôi đang có, cả 80 triệu dân Việât Nam đều mơ ước để được. Nhưng tôi đã bỏ đó trở về với người cùi, người cụt, kẻ tàn phế bất hạnh, không ai có thể mướn tôi làm và cũng không ai có đủ sức mướn tôi. Chỉ có Thiên Chúa mới sai bảo tôi được mà thôi. Chính Thiên Chúa sai tôi trở về Việt Nam lo công tác nhân đạo này. Nếu không có Thiên Chúa sai bảo tôi thì giờ này tôi đang ở Vienna, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Cancun, hay một khu du lịch sang trọng nào đó trên thế giới rồi. Nhưng vì cớ đồng bào mình, dân tộc mình, nơi mà mình từ đó đi ra, thì làm sao mà quên họ được ! “. Tôi chỉ thực thi điều Chúa dạy “ Kính Chúa yêu người”, không dính líu gì đến chính trị, vì vậy tất cả 28 đợt cứu trợ vưà qua đã được thực hiện một cách công khai và rõ ràng.
Ở Hoa-Kỳ nhiều người lập luận cho rằng: Tôi là người của nhà nước Việt Nam, người của Mặt Trận, hay nói nôm na là Việt-Cộng, vì thế nhà nước mới để yên cho tôi làm, vì bởi tại sao người khác làm không được mà mục-sư Bảo làm được " Hay là mục sư đút lót nhiều tiền bạc cho cán bộ nhà nước để họ để cho làm" Tôi xin trả lời một lần đủ cả : Tôi không phải là người của chính quyền Việt Nam, cũng không phải là người của Mặt-Trận, nhưng tôi là người của người cùi, người của người tàn phế, thương tật, người của người nghèo, không phân biệt màu da, tiếng nóùi, tôn giáo hay khuynh hướng chính trị, vì đã làm từ thiện thì không bao giờ có biên giới cả. Còn nhà nước Việt Nam để tôi thực hiện vì họ thấy công việc của tôi không lợi dụng cứu trợ, hay đội lốt cứu trợ để làm việc khác. Đi đâu chúng tôi cũng xin phép tắc công khai rõ ràng, chính quyền cho phép thì thực hiện, không cho thì đi nơi khác. Hiện nay tại Việt-nam có nơi cho phép, có nơi không. Có nơi chỉ cho phát gạo nhưng không được phát xe như trường hợp của trại phong Quy-Hòa, Qui-Nhơn. Đâu có đơn giản, đi đâu cũng có công an theo, có đại diện chính quyền theo, đất nước là của người ta, đâu phải mình muốn làm gì thì làm, mình là công dân Hoa-Kỳ kia mà, mình bỏ phiếu cho ông Bush chứ mình đâu có bầu ông Phan Văn Khải đâu " Làm gì cũng phải có phép tắc cả, còn đút lót thì tiền đâu mà đút lót, hơn nữa làm từ thiện có lợi lộc gì đâu mà đút lót để được làm" Cho thì làm, không cho thì thôi, đuổi thì đi về, chứ tội tình chi mà phải mua đường, đút lót, hối lộ để được làm từ thiện, nếu người nào làm như vậy thì đương nhiên công an và nhà nước sẽ đặt câu hỏi: Chắc có mưu đồ gì đây"

Thưa quý vị,
Trên là nguyên văn những tâm tình chân chính mà mục sư Nguyễn Xuân Bảo đã dàn trải nhân dịp tôi tiếp xúc với ông trong ngày lễ Phục Sinh. Vì ảnh hưởng bởi nạn sóng thần mà mọi sựï giúp đỡ, mọi phương tiện nhân đạo ông đang làm đành phải bị thu hẹp tối đa. Mục-sư Bảo dành dụm, chắt chiu từng đồng từng cắc để dành cho đồng bào nghèo nơi quê nhà, nhưng vì trái tim nhân đạo, ông đã không đành lòng làm ngơ trước các tình huống không may của đồng bào tại Quận Cam, nên ông đã phải đành lòng chia sẻ không nhiều thì ít. Nhưng, gánh nặng hàng ngày mà ông đối mặt đã làm ông kiệt lực. Lớp lo cho quê nhà chưa xong, nay lại gánh vác chuyện cộng đồng hải ngoại. Chẳng những ông mà cả tôi nữa, thường xuyên cầu nguyện Ơn Trên ra tay giúp đỡ, vì chỉ có Chúa, vâng, chỉ có Chúa thôi, mới hiểu được thế nào là sự khó khăn nhọc nhằn của ông. Sức khỏe ngày một yếu đi, phương tiện giúp đỡ ngày càng khó khăn cho ông, nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc mà ông vẫn còn mong được đi mãi...
Tôi đã hết lòng khuyên ông nên đi chậm lại. Mọi việc đâu rồi sẽ vào đó hay là vẫn còn đó. Sức khỏe của ông là trên hết. Nếu ông có bề nào, thì ai sẽ làm thay cho ông cái sứ mệnh cao cả này " Nhưng tấm lòng nhân ái của ông đã vượt lên cao, cao hơn tất cả mọi khó khăn vất vả mà ông đang đối diện hàng ngày.
May mắn thay cho Mục Sư , những năm gần đây, ông đã được chính quyền Việt Nam dành cho một số điều kiện dễ dàng để ông có thể đem phương tiện cứu trợ đến cho đồng bào ta cùng các làng mạc Việt Nam. Tại mỗi nơi cứu trợ, dĩ nhiên là sẽ có sự giám sát của chính quyền địa phương trong tất cả mọi hoạt động của ông. Tuy nhiên, qua những cố gắng vượt bực, sự thẳng thắn, sự bộc trực của ông và qua những thành quả tốt đẹp mà ông đã và đang đem đến cho đồng bào, chính quyền địa phương đã thông cảm và tạo sự thuận lợi tốt đẹp cho phái đoàn cứu trợ nhân đạo của ông.
Chúng ta may mắn quá, không phải làm gì cả ngoài việc đóng góp cho ông. Những gì chúng ta đã và đang làm đã được đồng bào Việt Nam ghi ơn cảm kích. Phải nhìn tận mặt của họ, ánh mắt vui mừng khấp khởi khi tìm được nước ngọt, nụ cười già nua nhăn nheo trên gương mặt của các cụ khi nhận được gạo thơm 25 kí lô vì biết rằng “ hết đói rồi ! “, sự cảm động nghẹn ngào đến độ không nói nên lời của các anh em thương tật khi nhận được chiếc xe lắc tay, một món quà quá sức tưởng tượng mà kể từ ngày tàn phế đến giờ, các anh chưa từng được hưởng, thì chúng ta mới nhận thấy rằng, chúng ta đã góp phần hàn gắn vết thương và xoa dịu nỗi đau của quê hương yêu dấu đến độ nào.

Xin quý vị đừng ngừng lại ở đây, vì tình thương và sự nhân đạo trong ta không bao giờ biến mất dù cho vật đổi sao dời. Tôi chỉ lo sợ, lòng người chùng xuống vì một cơn bão nhỏ nào đó mà thôi. Quê hương đang trông chờ chúng ta, xin quý vị nếu chưa bắt đầu, thì xin bắt đầu………… từ bây giờ ... nếu đã bắt đầu thì xin tiếp tục….. .
Quê Hương ơi ! Tôi sẽ về
Chuyến cứu trợ sắp đến sẽ bắt đầu từ ngày 9 tháng 5, 2005. Nếu có thể, xin tha thiết yêu cầu quý vị hãy tham gia ngay bây giờ. Lần đầu tiên trong 30 năm nay, tôi sẽ trở về quê hương theo chân phái đoàn của mục sư Bảo để có dịp chứng kiến tận mắt những gì mà tôi đã tường trình cùng quý vị. Mong rằng cuộc hành trình về quê hương này sẽ là một kinh nghiệm quý báu cho tôi, để cho tôi thấy rằng, vẫn còn đó, rất nhiều sự thương tâm, sự đau lòng trên mọi miền đất nước quê hương lam lũ, nhưng cũng còn đó, rất nhiều tấm lòng nhân ái, những công lao vô bờ, những tình yêu không ranh giới, để xoa dịu nỗi đau thương ngút ngàn của dân tộc. Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo xin chân thành cảm ơn những tấm lòng nhân đạo của quý ân nhân, cảm ơn các đài truyền hình, truyền thanh, báo chí đã thông suốt và ủng hộ công việc từ thiện của chúng tôi bằng cách đăng tải, phổ biến tin tức, tính giá từ thiện đặc biệt cho chúng tôi, nhờ đó chúng tôi mới có đủ phương tiện để quảng bá hoạt động từ thiện, và đặc biệt cảm ơn công khó của các thành viên trong phái đoàn cứu trợ, chân thành cảm ơn các vị mục sư nhân từ, chân chính, không màng tên tuổi bên Việt Nam đã âm thầm tận lực bao năm qua cùng với mục sư Bảo để chỉ cùng nhìn về một con đường, đó là con đường cứu trợ nhân đạo cho đồng bào nghèo của chúng ta.

Đường vào Tây Nguyên và những nẻo đường xa xôi của quê hương có lẽ sẽ gian nan vất vả trong chuyến đi này, nhưng có gian nan nào, vất vả nào sánh bằng những gian nan, khốn khó mà đồng bào nghèo của ta đã âm thầm gánh chịu bao năm nay " Xin cho họ một tấm lòng và một vòng tay yêu thương.

Quý vị giúp đỡ bảo trợ xin vui lòng gửi ngay để kịp chuyến đi sắp đến này. Gửi check hay money order xin đề :
Thánh Đường Sài Gòn hay Saigon Reformed Presbyterian Church
Và gửi về:
Thánh Đường Sài Gòn
5321 W. McFadden Ave.
Santa Ana, CA. 92704
Tel 714-775-8852
Website: www.saigonchurch.com
Xin quý vị cho biết tên và địa chỉ để chúng tôi gửi thư cảm ơn, biên nhận, hình ảnh và DVD. Mục Sư Bảo nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho toàn thể quý vị.

Ngọc Lan
Si Phu Foundation
Phục Sinh 2005

Lời phụ thêm: Khi bài viết này sắp sửa được phổ biến, thì tôi được mục sư Bảo cho hay là qua sự vận động của ông trên các đài phát thanh, cựu Trung Uùy Hải Quân Nguyễn Văn Ty đã may mắn được một vị thính giả ân nhân mua tặng ông một vé máy bay về ViệtNam và ông hiện đang trên đường về quê nhà thăm bà mẹ già.
Vô cùng cảm độâng và cảm tạ lòng tốt của vị ân nhân này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.