Hôm nay,  

Về Một Thế Hệ Trí Thức Cải Cách Trong Bộ Máy: Hiện Thực, Phê Phán Và Di Sản Dang Dở

31/03/200500:00:00(Xem: 5747)
LGT của VB: Bài này nguyên khởi đăng trên Talawas.org tuần trứơc, cho thấy tấm lòng của nhiều trí thức trẻ trong guồng máy nhà nước, nhìn từ quan điểm chuyên gia về các nan đề phát triển quê nhà. Bài này đăng lại nơi đây với sự cho phép của Ban Biên Tập Talawas, để độc giả nhìn sâu hơn về suy nghĩ của trí thức trẻ VB. Như sau.
*
Bài viết này được gợi hứng từ Bài phát biểu của ông Lê Đăng Doanh ngày 2.11.2004 trong khuôn khổ chương trình KX 10. Xin gửi tặng một thế hệ trí thức cải cách trong bộ máy, những người đã vượt qua những hạn chế trong tư tưởng và trong thể chế để đến gần với hiện thực của dân tộc.
Trong một xã hội dân chủ, mỗi trí thức phải có khả năng bám chân vào hiện thực để phê phán. Nhưng với trí thức trong bộ máy hậu toàn trị ở Việt Nam, đó là phép thử khắc nghiệt nhất. Trong hai mươi năm sau Đổi mới, những trí thức cải cách trong bộ máy phải vượt qua những gì và để lại gì cho thế hệ sau"
*
Hệ thống lí luận Marxist ở Việt Nam từ lâu đã không còn khả năng tự phê phán. Khởi lên trong lòng tư bản chủ nghĩa, các nhà lập thuyết đã từng có cơ hội quan sát kĩ lưỡng hiện thực để xây dựng một lí thuyết phê phán triệt để và trong thế đối lập. Nhưng khi trở thành bản quy hoạch toàn diện cho một xã hội hoàn toàn mới, chủ thuyết buộc phải từ bỏ bản chất phê phán để giáo điều hóa thành xương sống cho hệ thống toàn trị. Tinh thần phê phán bám chặt vào hiện thực - cái chỉ đến một lần trong vòng đời của chủ thuyết - bị chôn sâu dưới mười tầng móng của chính nó. Chủ thuyết tiến hóa đến giai đoạn tột cùng bằng cách hi sinh phương tiện tự tiến hóa. Đến đây, chủ thuyết tạo ra giới tăng lữ cho mình, những kẻ có năng lực nhận ra rằng toàn bộ hiện thực chỉ là minh họa tẻ nhạt cho chủ thuyết.
Khác với Đông Âu, nơi hiện thực Tây Âu vẫn ẩn hiện sau bức màn sắt, Việt Nam thập niên 80 chìm sâu trong chủ thuyết, hoàn toàn không có các cuộc luận chiến về "chủ nghĩa xã hội thị trường". Những trí thức tinh hoa trưởng thành trong thời kì miền Bắc xây dựng CNXH, thời kì mà chủ thuyết đã hoàn toàn chế ngự hiện thực, không có cơ may một lần nhìn ra ngoài chân trời của chủ thuyết. Trong suốt 60 năm sau Cách mạng, ở Việt Nam XHCN chỉ còn những lời tụng ca "(bao nhiêu) năm chặng đường vẻ vang". Không còn bóng những điều tra sâu sắc như Tình cảnh giai cấp công nhân Anh của Engels hay Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần Văn Giàu. (Trí thức độc lập thì còn quá non trẻ để cho ra cái gì tương tự như Điều tra nông dân Trung Quốc).
Khoảnh khắc Đổi mới do vậy đã là một cuộc đảo lộn bất ngờ và hiếm hoi trong toàn hệ thống XHCN. Xé rào (một tên gọi nôm na thích hợp!), vì thế, xuất phát từ dưới lên. Xé rào thực sự bắt đầu từ Sài Gòn, nơi dân chúng còn kí ức chưa phai về một hiện thực khác. Đó cũng là nơi các nhà quản lý còn chưa kịp thấm nhuần chủ thuyết, và như vậy có cơ may trở thành nhà cải cách.
Xé rào, và tiếp đến là quá trình dò dẫm Đổi mới là một thành tích của các trí thức tiến bộ trong bộ máy. Bởi vì dù bị thúc đẩy bởi khủng hoảng toàn diện, Đổi mới vẫn không phải là tất yếu (hãy nhìn Bắc Hàn ngày nay). Tình trạng thiếu thốn và đói rét những năm đầu 80 chỉ là yếu tố kích thích nhưng không phải là động lực chính của cải cách. Kiệt quệ cả về thể xác và tư tưởng, chỉ có những trí thức còn giữ được lương tri mới dám nghĩ đến cải cách. Bị bần cùng hóa về phương pháp luận, chỉ có những trí thức còn bám chân vào hiện thực mới có khả năng tư duy về cải cách.
*
Sau khoảnh khắc đổi mới, Việt Nam chuyển sang giai đoạn hậu toàn trị. Chủ thuyết không mất đi mà bị tha hóa thêm một lần nữa, thành các mặt nạ ngôn từ đơn thuần, phủ lên hiện thực nghèo đói và bất công. Người thống trị đôi khi phê chuẩn thêm một ít từ vựng cho "phù hợp với tình hình mới". [1] Nhưng, bi hài thay, hệ thống "ngôn mới" [2] ấy vẫn cứ độc tôn, và mọi ý tưởng cải cách nằm ngoài hệ thống tin điều cũ vẫn phải náu mình sau những cliché của nó. [3] Hai mươi năm sau xé rào, bộ máy vẫn dò dẫm từng bước đi. Vị hoàng đế vẫn mặc bộ quần áo "ngôn mới" vờ như không biết đến khoảng chân không tư tưởng ngày càng há rộng.
Đối mặt với thực tiễn sống động đã vượt bỏ chủ thuyết, những trí thức cải cách trong bộ máy đã chuyển lậu những công cụ phân tích mới vào các chính sách trong thập niên 90, với tốc độ tuy nhỏ giọt nhưng tăng dần. Nhất là trong lĩnh vực kinh tế học, nơi ngôn ngữ kĩ thuật giúp lọt qua kiểm duyệt, và cấu trúc logic đảm bảo rằng tư tưởng không bị bóp méo khi ngụy trang bằng "ngôn mới". Vì thế, về mặt kĩ trị thì giới kinh tế học Việt Nam đã tiến bộ nhanh chóng hơn nhiều ngành khoa học xã hội khác như xã hội học, chính trị học, nhân chủng học v.v. Trong những năm đầu sau cải cách, sợi dây trói nền kinh tế vào chủ thuyết còn chưa bị kéo căng. Nền kinh tế vì được tiếp sức ngấm ngầm bằng các công cụ tư duy mới đã đi được một chặng đường nhất định.
Nhưng trong suốt 20 năm sau đổi mới, địa vị của các trí thức cải cách trong bộ máy vẫn hết sức bấp bênh. Tính chất toàn trị của hệ thống núp dưới cái tên "tập trung dân chủ" vẫn tiếp tục tước đi quyền làm thiểu số được tôn trọng. Đại đa số trí thức cải cách trong bộ máy (đã và đang là thiểu số) đã chọn cách không phát lên tiếng công khai mà kín đáo gài những tư tưởng mới vào chính sách. Nếu không im lặng nổi, họ chỉ còn cách nói kín với Đảng, và cắn răng nhịn đau khi bị "đánh". Dân chúng hầu như không biết đến sự kiên trì và nhẫn nhục của họ. Chỉ một vài "liệt sĩ" hiếm hoi còn được dân gian truyền tụng (như ông bí thư Vĩnh Phú năm nào làm khoán chui).

Tất nhiên, chính sử (một trang sức khác của hệ thống hậu toàn trị) sẽ không ghi lại công lao của những nhà cải cách, các trí thức tiến bộ trong bộ máy. Với thói tự sùng bái và coi nhẹ con người, hệ thống lại thêu dệt những huyền thoại lí thuyết mới. Nhiều năm sau, những tay thợ lí thuyết vẫn còn gắng sức đắp lên Đổi mới cái khăn trùm chủ thuyết. Gần 20 năm trôi qua, công trình đầy tham vọng ấy mới chỉ viết được một tiêu đề trống rỗng: "kinh tế thị trường định hướng XHCN".
*
Nhưng cái lối tiếp cận thỏa hiệp và lén lút của các trí thức cải cách trong bộ máy ngày càng bộc lộ nhược điểm.
Một là, vì phải gài những ý tưởng cải cách theo lối lén lút, đi đường vòng để tránh những cọc tiêu ý thức hệ, nên họ chưa bao giờ được phép có một quy hoạch tổng thể. Giới kinh tế học phát triển nhanh nhất trong các ngành khoa học xã hội, nhưng tự giữ một khoảng cách an toàn với các ngành khoa học xã hội "nhạy cảm" khác, họ không có được sức mạnh liên ngành để giải quyết rốt ráo tình trạng chân không tư tưởng. Những ý tưởng không gộp lại thành tư tưởng hay chủ thuyết. Co mình lại về mặt lý thuyết để tránh đánh động hệ thống, họ đã không để lại một nền tảng tư tưởng cho những giải pháp lâu dài.
Do chiến thuật đơn lẻ và kín đáo, các trí thức cải cách trong bộ máy không trở thành một nhóm xã hội độc lập để ảnh hưởng sâu rộng hơn và không đào tạo được thế hệ kế cận. Hành động đơn lẻ và kín đáo là chiến thuật nhằm tránh đánh động hệ thống, đồng thời là cách tự vệ trước nguy cơ bị chụp mũ về các mưu đồ chính trị. Nhưng chiến thuật ấy không cho phép họ vun đắp những tri thức hiện đại cho dân chúng, và vì thế họ không có được sự ủng hộ rộng rãi từ xã hội. Trọn đời sống trong hệ thống toàn trị (nơi mà quần chúng bị điều khiển) và hệ thống hậu toàn trị (nơi mà quần chúng thờ ơ) họ cũng chưa tin vào sức mạnh từ dân chúng.
Hạn chế lớn nhất xuất phát từ việc các trí thức cải cách xác định vị trí của mình với hệ thống và với dân tộc. Họ tự coi mình là những "quân sư" trong hệ thống và thuộc về hệ thống. Trong hệ thống, họ dần dần nhận ra cái cản trở lớn nhất cho phát triển là chế độ "đảng trị, chuyên chế, mất dân chủ" [4] . Nhưng không tự tách mình ra khỏi hệ thống, họ không có điều kiện trải nghiệm các phương án thay thế hệ thống. Thuộc về hệ thống, họ đã tăng tốc cho những bước dò dẫm thời kì Đổi mới. Nhưng không thuộc về dân tộc, họ không có động lực truyền hiểu biết về thời cuộc, lòng dũng cảm và những lo âu của họ cho thế hệ trí thức trẻ. Trí thức cải cách trong guồng máy thời hậu Đổi mới như Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đã bế tắc về con đường phát triển đất nước lâu dài và không đủ viễn kiến để vạch đường cho thế hệ trí thức trẻ.
Hậu quả là 20 năm sau đổi mới, dân tộc đã không có được một nền tảng tư tưởng cho các phương án phát triển thay thế chủ thuyết đã phá sản. Tình trạng khủng hoảng tư tưởng chỉ được tiêm những liều giảm đau mà không được giải phẫu. Bế tắc tư tưởng làm cho xã hội ngày càng chất chứa mâu thuẫn, một mặt là mâu thuẫn nội tại của kinh tế thị trường vừa nguyên thủy vừa bị bóp méo bởi độc quyền, mặt khác là mâu thuẫn giữa hệ thống hậu toàn trị với nhu cầu phát triển và mở ra thế giới. Nguồn trí tuệ và bản lĩnh cho một cuộc đại phẫu về tư tưởng để đặt dân tộc lên một đường ray phát triển mới cũng chưa được tích lũy. Hai mươi năm, các trí thức trong bộ máy đã không làm được nhiều để giúp nới lỏng "mũ kim cô" chủ thuyết kẹp chặt các thế hệ trí thức trẻ, khiến họ cứ nối tiếp nhau "trở nên xoàng, trở nên hời hợt, trở nên không có trách nhiệm đầy đủ với dân tộc".
*
Chúng tôi có may mắn được gặp nhiều trí thức cải cách trong bộ máy, những người đã làm nên Xé rào và Đổi mới. Họ đã một lần vượt lên hệ thống để đẩy dân tộc ra khỏi tổng khủng hoảng, nhưng họ không còn đủ sức để đặt dân tộc lên đường ray của phát triển bền vững và lâu dài. Nhiều người giờ đây bất bình, nhưng mười người như một cùng khuyên những gã trẻ tuổi như chúng tôi: tránh xa "chính trị" mà lo lấy thân. Tôi biết họ thực lòng, và con cái họ đã làm theo lời họ dạy. Họ, sinh ra, trưởng thành, xây sự nghiệp trong hệ thống hậu toàn trị, dốc toàn lực cho Đổi mới, rồi cạn sức cho một cuộc trường chinh mới. Chúng tôi xin nghiêng mình trước cả thành công và những di sản dang dở của họ.
Tháng Ba, 2005
© 2005 talawas
[1]Một thống kê tỉ mỉ trên báo chí Việt Nam đương đại sẽ cho thấy sự thống trị của "ngôn mới" trong các lĩnh vực chính trị và tư tưởng vẫn còn tiếp diễn: cũ thì có "định hướng xã hội chủ nghĩa", "thành phần kinh tế chủ đạo", "tập trung dân chủ", "làm chủ tập thể", "người tốt việc tốt" v.v. Mới thì có: "hội nhập mà không hòa tan", "nhìn thẳng vào sự thật", "dân chủ cơ sở" v.v.
[2]Chữ George Orwell dùng trong 1984, một kiệt tác văn học về chế độ toàn trị.
[3](Vì thế, những người thiếu tinh tế hẳn sẽ thất vọng khi so sánh bài nói chuyện trần trụi của ông Lê Đăng Doanh trước Bộ chính trị, với bài trả lời phỏng vấn có đeo mặt nạ với Đài Châu Á Tự do)
[4]Trích lời Phát biểu của tiến sỹ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương ngày 2/11/2004 trong khuôn khổ chương trình KX 10.
(http://www.talawas.org)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.