Hôm nay,  

Chuyện Hậu Cộng Sản

31/03/200500:00:00(Xem: 5364)
Cuộc chính biến ở Kyrgyzstan lật đổ Tổng Thống Askar Akayev có nhiều điểm đáng chú ý. Kyrgyzstan là một nước nhỏ ở Trung Á, 5 triệu dân, ít người biết đến, nhưng lại có một vị trí địa lý - chính trị khá quan trọng của thời cuộc. Phía Đông nó tiếp giáp Trung Quốc, Bắc giáp Kazackhstan, Tây giáp Uzbekistan và Nam giáp Tajikistan. Nó lọt thỏm vào giữa các nước Trung Á lớn hơn, đa số theo Hồi giáo, trước đây là những nước Cộng Hòa Liên bang Xô viết. Năm 1991 Liên Xô rã đám, Kyrgyzstan và các nước Trung Á khác tuyên bố độc lập theo chế độ dân chủ. Dù vậy phần lớn các lãnh tụ và chính khách của những nước mới độc lập này đều xuất thân từ chế độ Cộng sản cũ.

Akayev lên làm Tổng Thống ngay từ lúc Kyrgyzstan trở thành một nước độc lập, và được bầu lại từ năm 1995 vì lúc đó dân coi ông như một người có óc cải cách. Vậy tại sao ông bị lật đổ" Từ 10 năm qua, Akayev tìm cách tập trung quyền lực độc đoán trong khi đất nước ngày càng xa lầy trong nạn nghèo đói. Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 13-3 vừa qua, những người đối lập ở trong nước tổ chức các cuộc biểu tình quy mô chống bầu cử gian lận. Họ tố cáo Akayev mưu toan cài người vào Quốc hội để đến tháng 10 năm nay, khi Akayev hết nhiệm kỳ Tổng Thống, ông ta sẽ tìm cách thay đổi Hiến pháp với sự ủng hộ của Quốc hội mới để tiếp tục được bầu lại lần nữa hoặc làm Tổng Thống suốt đời. Tệ nạn “Tổng Thống nhất thống giang hồ muôn năm trường trị” đã từng xẩy ra ở một số nước cựu Cộng sản, thuộc Liên Xô cũ. Thí dụ ở Turkmenian, Tổng Thống Nigazov đã ép Quốc Hội phải nhìn nhận ông là Tổng Thống suốt đời. Và tại Belarus, năm ngoái Tổng Thống Lukashenko đã lèo lái một cuộc trưng cầu dân ý cho phép ông ta được ra tái ứng cử không giới hạn.

Ở Kyrgyzstan suốt tuần qua, biểu tình bùng nổ dữ dội, Akayev phải trốn qua Nga. Đầu tuần này ở thủ đô Kyrgyzstan, phe đối lập đưa Kurmanbek Bakiyev, một cựu Thủ tướng, lên làm Tổng Thống kiêm Thủ tướng lâm thời. Cuộc cách mạng xuống đường lật đổ này khiến người ta nhớ lại một vài cuộc cách mạng khác cũng ở trong “khuôn viên” cũ cái mồ ma Xô viết. Tháng 11 năm 2003, dân chúng Georgia nổi dậy lật đổ Tổng Thống Shevarnadze, nguyên là Ngoại trưởng cũ của Liên Xô, vì tội nhũng lạm. Năm 2004 tại Ukraine, sau cuộc bầu cử bị dân biểu tình tố cáo gian lận và khủng bố đối lập, ứng viên đối lập Yushchenko được trúng cử trong cuộc bầu lại và trở thành Tổng Thống. Như vậy kể cả Kyrgyzstan, trong vòng 18 tháng đã có 3 cuộc cách mạng xuống đường. Xét ra khi không còn gông cùm Cộng sản, biểu tình là căn bệnh dễ truyền nhiễm làm thay đổi những chính quyền không phù hợp với ý nguyện của dân.

Tuy nhiên nếu căn bệnh biểu tình dễ lây lan, nó cũng có những mặt trái của nó. Tại Kyrgyzstan phong trào biểu tình thật dữ dội nhưng lại thiếu trật tự, đến khi đám biểu tình bao vây tòa nhà Quốc hội, một số du đãng đã đi đập phá các cửa tiệm tại Thủ đô hôi của và ăn cướp trong suốt 4 tiếng đồng hồ liền mà không có lực lượng trật tự nào ngăn cản. Những hành động côn đồ đó làm những người đối lập tổ chức biểu tình bị mang tiếng xấu trước mắt dân chúng. Cái mặt trái thứ hai là cuộc cách mạng thành công đã tạo ra một thế kình chống giữa hai Quốc hội, cũ và mới, đưa đến một sự rạn nứt trong nội bộ phe đối lập. Nên nhớ nguyên nhân chính của các làn sóng biểu tình từ tuần trước là chống bầu cử gian lận vì đó là âm mưu của Akayev để củng cố chính quyền độc đoán, nên coi Quốc hội mới bầu ra là bất hợp pháp. Nhưng nếu không chấp nhận Quốc hội mới bầu, Quốc hội cũ vẫn có quyền, trong khi một số các nhà quan sát vô tư nói Quốc hội cũ cũng là Quốc hội thân Akayev. Ngoài ra một số nhân vật đối lập được bầu vào Quốc hội lần này, chống việc giải tán Quốc hội mới.

Người ta e ngại sau khi cách mạng xuống đường thành công, hòa bình và ổn định vẫn không đến với Kyrgyzstan. Trong khi đó tại Moscow, Akayev đã rót dầu thêm vào lửa. Ông ta cảnh cáo một cuộc khủng hoảng chính trị sẽ làm nổ lớn những thù hận sắc tộc vẫn âm ỷ từ lâu. Hù dọa quá đáng chăng" Nhưng có một thực tế không thể chối cãi là sự kình chống giữa hai phe Quốc Hội cũ và mới là hiểm họa lớn, trong khi Quốc Hội cũ vẫn là phe nắm giữ các lực lượng an ninh trật tự trong lúc giao thời. Hôm thứ hai tuần này, Chủ tịch Hạ viện cũ, tuyên bố Hạ viện ngưng hoạt động “vì quyền lợi của nhân dân và để Tổng Thống lâm thời khỏi phải đương đầu với cảnh hai Quốc hội đối nghịch”. Hôm sau Chủ tịch Thượng viện cũ cũng làm theo, như vậy Quốc hội cũ rút lui, trao quyền cho Quốc hội mới dù có nhiều dân biểu đã từng được Akayev ủng hộ.

Tổng Thống lâm thời Bakiyev đã hoan nghênh quyết định của Quốc hội cũ và nói Quốc hội mới bầu có thể đem lại trật tự chính trị. Lời tuyên bố của Bakiyev cho thấy trong nội bộ phe đối lập đã có sự hòa hợp. Ngay sau khi có tin Quốc hội cũ rút lui nhường quyền cho Quốc hội mới bầu, Akayev đã chính thức xuất hiện trên truyền hình Moscow và cho biết ông ta chuẩn bị từ chức nếu có những bảo đảm pháp lý “thích hợp” cho ông ta trở về. Có thể đã có một sự dàn xếp ngầm tạo thế dung hòa chăng" Nếu chính quyền mới do đối lập dựng thành không chịu thừa nhận Quốc hội mới bầu, điều đó có nghĩa là cuộc bầu cử quả có gian lận đúng như sự tố cáo của những người biểu tình. Nếu vậy Akayev, người chịu trách nhiệm về cuộc bầu cử này, sẽ bị đưa ra Tòa lãnh án. Tuy nhiên Tổng Thống lâm thời Bakiyev nói Akayev không nên trở về lúc này vì bất ổn chính trị sẽ lại bùng lên. Trong khi đó Mỹ đã bắt đầu ngỏ ý ủng hộ chính quyền mới của Kyrgyzstan.

Bài học Kyrgyzstan hậu Cộng sản đã rõ. Biểu tình cần phải ôn hòa, tôn trọng trật tự, chống phá hoại, hôi của. Đối lập cần phải đoàn kết, nếu không mọi thắng lợi chỉ là ảo. Khi cách mạng đã thành công, nhu để hòa hợp vẫn tốt hơn cương để chia rẽ, vì tương lai đất nước nằm ở chỗ này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.