Hôm nay,  

Phế Thải Y Tế

11/03/200500:00:00(Xem: 5031)
Trong những kỳ thảo luận trên Tạp chí Khoa học & Môi trường trước đây, chúng tôi có đế cập đến chất thải gia cư và chất thải rắn kỹ nghệ. Hôm nay qua Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, chủ tịch Ban Chấp hành Hội KH&KT Việt Nam, đài RFA chúng tôi sẽ trao đổi về chất thải y tế.

Hỏi 1: Trước hết xin TS MTT cho biết định nghĩa và thành phần của chất thải y tế.
Đáp 2: Chất thải y tế còn gọi là chất thải bịnh viện là những chất phế thải từ bịnh viện qua những dịch vụ y tế như chửa trị, mổ xẻ, và thử nghiệm. Đại để đó là những quần áo bịnh nhân và y công, bác sĩ sau khi chửa trị có dính máu và chất thải của người bịnh, cũng như vi khuẩn, các bộ phận bị tách rời, hóa chất, thuốc men cùng dụng cụ dùng trong các sinh hoạt trên. Do đó, phế thải y tế rất dễ bị lây nhiễm và có nguy cơ ảnh hưởng lên sức khỏe con người sống chung quanh bịnh viện, nếu không được xử lý thích đáng. Thông thường theo ước tính trong 4 Kg phế thải y tế có 1 Kg phế thải đã bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm.

Hỏi 2: Như vậy đây là một loại phế thải dộc hại hơn cả phế thải gia cư và kỹ nghệ nữa phải không, thưa TS"
Đáp 2: Đúng như vậy, thưa anh. Vì phế thải y tế có thể trực tiếp ảnh hưởng tức khắc lên sức khỏe của con người, và hơn nữa có thể có nguy cơ tạo ra bịnh dịch qua sự lây nhiễm. Còn tính độc hại của hai loại phế thải gia cư và kỹ nghệ có tính cách lâu dài hơn và khó nhận diện trước mắt.

Hỏi 3: Vậy trên thế giới cung cách xử lý loại phế thải nầy như thế nào"
Đáp 3: Hiện tại, trên thế giới ở hầu hết các quốc gia kỹ nghệ, trong các bịnh viện, cơ sở săn sóc sức khỏe, hay những công ty đặc biệt xử lý phế thải đều có thiết lập hệ thống xử lý loại phế thải nầy. Đó là các lò đốt (incinerators) ở nhiệt độ cao tùy theo loại phế thải từ 1.000oC đến trên 4.000oC. Tuy nhiên phương pháp nầy hiện nay vẫn còn đang tranh cải về việc xử lý khí và bụi sau khi đốt đã được thải hồi vào không khí.

Hỏi 4: Đó là khí thải gì thưa TS"
Đáp 4: Các phế thải y tế trong khi đốt, thải hồi vào không khí nhiều hạt bụi li ti và các hóa chất độc hại phát sinh ra do quá trình thiêu đốt như: acid cloridric, dioxin/furan, và một số kim loại độc hại như thủy ngân, chì, hoặc arsenic, cadmium. Do đó, tại Hoa Kỳ vào năm 1996, đã bắt đầu các điều luật về khí thải của lò đốt nghiêm khắc hơn và lượng khí thải hồi phải được giảm thiểu bằng những hệ thống lọc hóa học và cơ học tùy theo loại phế thải. Cũng như các hạt bụi phóng thích sau khi đốt phải nhỏ hơn 10 umm.

Hỏi 5: Ngoài ra còn có phương pháp nào khác để giải quyết vấn đề nầy không thưa TS"
Đáp 5: Như đã nói ở phần trên, phương pháp đốt đã gây ra nhiều bất lợi vì lượng khí độc hại phát sinh thải vào không khí; do đó các nhà khoa học hiện đang áp dụng một phương pháp mới. Đó là phương pháp nghiền nát chất phế thải và xử lý dưới nhiệt độ và áp suất cao để tránh việc phóng thích khí thải trong khi xử lý.
Dựa theo phương pháp nầy phế thải bịnh viện được chuyển qua một máy nghiền nát. Phế thải đã được nghiền xong sẽ được chuyển qua một phòng hơi có nhiệt dộ 138 o C và áp suấn 3,8 bar (1bar tương đương với áp suất 1 atmosphere). Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất trên là điều kiện tối ưu cho hơi nước bảo hòa. Phế thải được xử lý trong vòng 40 đến 60 phút. Sau cùng phế thải rắn đã sẽ được chuyển đến các bãi rác thông thường vì đã đạt được tiêu chuẩn tiệt trùng. Phương pháp nầy có thêm lợi điểm là làm giảm được khối lượng phế thải vì được nghiền nát, chi phí ít tốn kém hơn lò đốt, cũng như không tạo ra khí thải vào không khí.

Hỏi 6: Nhưng còn ở các nước đang phát triển thì phế thải y tế được xử lý như thế nào"


Đáp 6: Đối với các quốc gia đang phát triển, việc quản lý môi trường chung vẫn còn rất lơ là, nhất là đối với phế thải bịnh viện. Tuy nhiên trong khoảng 5 năm trở lại đây, các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến việc bảo vệ môi trường, và có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các lò đốt ở bịnh viện. Đặc biệt ở Ấn Độ từ năm 1998, chính ohủ đã ban hành Luật về "Phế thải y tế: Lập thủ tục và Quản lý". trong bộ luật nầy có ghi rõ ràng phương pháp tiếp nhận phế thải, phân loại phế thải, cùng việc xử lý và di dời đến các bãi rác. . Do đó vấn đề phế phải độc hại của quốc gia nầy đã được cải thiện rất nhiều.

Hỏi 7: Còn Việt Nam thì sao"
Đáp 7: Như đã nói ở những chương trình trước đây, VN hiện nay chưa đặt mối quan tâm đúng mức về vấn đề nầy, ngay cả đối với rác gia cư và rác kỹ nghệ. Hà Nội có 36 bịnh viện mà chỉ có một bịnh viện có lò đốt. Tp HCM cũng chẳng khá gì hơn, chỉ có 3 lò đốt cho trên 100 bịnh viện trong thành phố. Đối với các tỉnh , thị xã còn lại, chúng tôi thiết nghĩ cũng không có bịnh viện nào có trang bị lò đốt cả.
Cho đến hiện nay, chúng tôi chưa thấy có chỉ dấu nào của Việt Nam về việc cải thiện tình trạng quản lý các nguồn rác nói chung , và phế thải y tế nói riêng. Các loại phế thải rắn và lỏng là hai vấn nạn môi trường quan trọng nhất hiện tại mà Việt Nam phải đối mặt và giải quyết một cách rốt ráo. Nếu Việt Nam không chịu thay đổi cung cách hành xử chúng tôi e rằng Việt Nam sẽ phải chịu một cơn khủng hoảng môi trường nghiêm trọng trong một tương lai rất gần.

Hỏi 8: Đúng trước tình trạng cấp bách về việc xử lý phế thải y tế, cũng như khả năng tài chính của các bịnh viện không thể nào trang trải cho chi phí thiết lập một lò đốt, TS thấy có một phương cách giải quyết nào trước mắt để có thể hạn chế được chất thải nầy hay không"
Đáp 8: Thưa anh, vấn đề chỉ có thể giải quyết từng bước một khi có sự tham gia của nhà cầm quyền. Đối với các bịnh viện có bịnh nhân dễ bị nhiễm trùng và truyền nhiễm cao như các bịnh viện nhiệt đới, nhà bảo sinh, nhà nước bắt buộc bằng giá nào cũng phải xây lò đốt càng sớm càng tốt. Thêm nữa cần phải tăng cường kiểm soát việc quản lý các lò đốt của bịnh viện. Và việc làm cấp yếu tức thời đối với những bịnh viện còn lại là phải hạn chế chất thải y tế tối đa.

Hỏi 9: Nhưng mà làm thế nào để hạn chế chất thải y tế trong bịnh viện"
Đáp 9: Ở các quốc gia kỹ nghệ, song hành với việc xử ký phế thải, Cơ quan Bảo vệ môi trường sở tại thường thiết lập chính sách khen thưởng bằng cách giảm thuế cho cơ sở sản xuất nào áp dụng chương trình giảm thiểu phế thải. Mức độ khen thưởng tùy theo điều kiện và mức độ độc hại cho mỗi quy trình. Trong trường hợp chất thải y tế, chúng tôi xin gợi ý vài phương cách để làm giảm thiểu chất thải:
- Trước hết, trong bịnh viện không nên xử dụng bao tay, áo choàng, khăn trải v.v.. bằng chất dẽo nhân tạo như PVC, mà được thay thế các dụng cụ trên bằng cao su thiên nhiên (latex).
- Thủy ngân trong các hổn hợp kim loại dùng trong việc trám răng, trồng răng, cũng như Chì (Pb) dùng làm điện cực của pin trong các hệ thống theo dõi nạn nhân bị bịnh tim v.v.. sẽ được tái xử dụng bằng phương pháp tái sinh hóa học.
- Một số trang phục và hệ thống hô hấp trong phòng mổ có thể được tiệt trùng và dùng lại nhiều lần.
- Các dung môi thông thường trong bịnh viện như benzen, toluene, xylen có thể được xử dụng lại qua hệ thống chưng cất phân đoạn.
Tóm lại, bịnh viện có thể xử dụng lại tất cả những dụng cụ, hóa chất nào có thể tái sinh được và làm dúng theo quy định về an toàn y tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều phương cách để giảm thiểu phế thải y tế cho từng bịnh viện chuyên ngành khác.

Nếu làm được một số việc căn bản đan cử trên đây, chúng ta đã hạn chế được một phần nào tình trạng ô nhiễm, giảm thiểu lượng chất thải và mức độ độc hại của chúng,và nhất là giảm thiểu được chi phí điều hành.

Sau hết, với sự tham gia đúng mức của các thành phần nhân sự trong bịnh viện từ nhân viên quản lý đến nhân viên y tế, cùng bịnh nhân sẽ chứng minh mức độ thành công của chương trình giảm thiểu chất thải nói chung.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.