Hôm nay,  

Thời Sự Úc Châu: Khủng Hoảng Giáo Dục Ở Úc?

10/10/200500:00:00(Xem: 5602)
Từ hơn 30 năm qua, vấn đề giáo dục luôn được giới chính trị gia sử dụng như một trái cầu tung hứng để kiếm điểm với cử tri. Họ luôn hứa hẹn sẽ tăng thêm tiền cho vấn đề giáo dục để nâng cao trình độ hiện thời. Tùy theo họ ở phe đối lập hoặc nắm chính quyền, họ sẽ tuyển chọn và sử dụng những con số thống kê nào khả dĩ yểm trợ cho lập luận của họ rằng trình độ hiện thời là tệ hại nhất, hoặc tốt nhất.
Tuần qua, một trong những đề tài chính được bàn cãi khá sâu rộng là việc cải tổ hệ thống và chính sách giáo dục ở Úc, từ tiểu học đến trung học, khiến người ta không khỏi thắc mắc e ngại có phải nền giáo dục ở Úc đang gặp khủng hoảng hay không"
Trước hết, ông Alan Fels cựu chủ tịch ủy Ban Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Thụ (Australian Competition & Consumers Commission - ACCC) lên tiếng kêu gọi chính phủ các cấp cùng giới chuyên môn trong ngành giáo dục bắt đầu nghị luận bàn thảo về phương thức nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi gia đình Úc có được sự chọn lựa trường học theo ý muốn, không để chỉ riêng những người giàu, có tiền cho con học trường tư mới có sự lựa chọn này.
Tiếp theo đó, tiến sĩ Barry McGaw, nguyên chủ tịch Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Dục Úc (Australian Council of Education Research), trong một cuộc hội thảo tại đại học Sydney, đưa ra lời đề nghị rằng quyền điều hành tất cả các trường học công lập tại Úc cần được phân tán xuống địa phương thay vì tập trung vào bộ Giáo Dục. Theo đề nghị của TS McGaw thì mỗi trường sẽ được một hội đồng quản trị (school council) địa phương điều hành. Thành viên của hội đồng quản trị này bao gồm giáo viên, phụ huynh học sinh và những nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương. Hội đồng sẽ có trách nhiệm quản trị tài chánh chi thu của trường, thuê mướn hoặc sa thải giáo viên cũng như hoạch định kỷ luật (codes of conduct) thích hợp cho trường. TS McGaw cũng nhấn mạnh rằng việc soạn thảo giáo trình vẫn là phạm vi chuyên môn của các tổ chức ngoại vi, độc lập, chẳng hạn như Hội Đồng Giáo Dục NSW (NSW Board of Studies). Ông McGaw nhấn mạnh rằng “việc các trường học được điều hành bởi các cộng đồng nhỏ thay vì vô số các trung tâm thư lại (bureaucracies) sẽ tốt hơn cho các trường; và tốt hơn cho (việc phát triển) những sáng kiến mới trong cách giảng dạy (teaching innovation)”.
Tổng trưởng giáo dục liên bang, bác sĩ Brendan Nelson, lập tức lên tiếng ủng hộ đề nghị ngay sau đó. Ông cho biết đấy chính là mục tiêu trong tương lai của ông. Ông sẽ đặt điều kiện với các chính phủ tiểu bang rằng nếu muốn nhận tài trợ giáo dục từ chính phủ liên bang thì quyền điều hành trường học công lập phải được trao cho hiệu trưởng, phụ huynh và những người khác để bảo đảm rằng những trường này có thể cạnh tranh với các trường tư thục. Tổng trưởng Nelson nói: “Điều đáng tiếc là cứ mỗi một đô-la dành cho con em chúng ta tại các trường công thì có đến 25 xu đã bị guồng máy thư lại quá tốn kém nuốt mất”.
Cũng cùng thời điểm ấy, trong một bài thuyết trình tại Trường Hành Chánh Úc và Tân Tây Lan (Australia & Newzealand School of Government), lãnh tụ đối lập liên bang Kim Beazley cũng đưa ra một số đề nghị cải tổ chính sách giáo dục hiện hành. Ông đề nghị xóa bỏ địa phận riêng của trường trung học và cho học sinh quyền chọn lựa theo học tại bất kỳ trường học nào thích hợp nhất và tốt nhất cho tương lai của chính các em. Các trường trung học sẽ chỉ bị buộc phải dạy các môn học chủ yếu như Anh Văn và Toán. Ngoài ra, các trường có thể tự chọn lãnh vực chuyên môn để làm sở trường giảng dạy. Có trường sẽ chuyên tâm vào việc huấn nghệ (trade-focused) dạy các môn liên quan đến những nghề như thợ điện, thợ ống nước, thợ mộc.v.v. Có trường sẽ chuyên trị tin học và khoa học để làm chuyên ngành. Có trường sẽ chỉ chọn sở trường là việc học khoa bảng (academics). Và còn nhiều lãnh vực chuyên môn khác nữa. Theo đề nghị này thì việc hai năm cuối của trung học sẽ là năm mà các trường sẽ được quyền chọn sở trường.
Thêm vào đó, việc tranh cãi về phương cách và nội dung giảng dạy ở cấp tiểu học cũng ngày càng ồn ào sôi động hơn, sau khi bản phúc trình so sánh trình độ học sinh tiểu học tại Úc với một số quốc gia khác được phổ biến. Bản phúc trình này được chính phủ liên bang thuê mướn TS Kevin Donelly, giám đốc công ty tư vấn Education Strategies, soạn thảo nhằm so sánh trình độ học sinh ở mỗi tiểu bang tại Úc với Anh Quốc, Tân Gia Ba và tiểu bang California ở Hoa Kỳ - những quốc gia đã vượt trội hơn Úc trong các kỳ thi quốc tế. Bản phúc trình cho thấy rằng trong ba lãnh vực chính là Văn (English), Khoa Học và Toán, phương cách giảng dạy “nhắm theo thành quả” (outcomes-based) đương đại của Úc đã khiến học sinh bị thua kém bạn bè đồng trang lứa ở các nước nêu trên.

“Outcomes-based” là một phương pháp giảng dạy được áp dụng tại Úc bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 80 đến nay. Phương pháp giảng dạy này dựa theo lý thuyết rằng mọi học sinh - dù nhanh hay chậm - cũng đều có thể đạt được thành quả trong bất kỳ một môn học nào, ngang với mức của nó, và học sinh thường không phải trải qua một kỳ thi sát hạch nào khác. Giáo trình do đó chỉ có những điểm đại cương, còn về chi tiết thì tùy từng giáo viên linh động cho phù hợp với mức độ tiếp thu của học sinh.
Theo phương pháp truyền thống, vốn đang được các quốc gia kia sử dụng, thì giáo trình và giáo án chi tiết được soạn sẵn và học sinh phải trải qua các kỳ thi khảo hạch để thẩm định khả năng. Nếu không đạt được khả năng tối thiểu thì phải nhồi lại cho đến khi nào đạt được.
Với những sự kiện đã nêu trên, có phải nền giáo dục ở Úc đang thực sự gặp cơn khủng hoảng hay không" Có phải nền giáo dục công lập đang bị kiệt quệ dần mòn để trở nên một hệ thống hạng bét mà chỉ có người nghèo, không đủ tiền mới phải bấm bụng cho con em theo đuổi không" Có phải những lời đề nghị cải tổ trê n, đặc biệt là từ các chính trị gia, có hợp lý hợp tình không hay chỉ là những hành động có chủ đích thủ lợi chính trị nhiều hơn là vì sự quan tâm thật sự đến vấn đề này"
Đầu tiên xin phân tích sơ về đề nghị của ông Barry McGaw trong việc phân quyền về cấp địa phương. Đề nghị này thoạt nghe có vẻ hợp lý hợp tình vì nó tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia tích cực hơn nữa vào đời sống hàng ngày của trường. Thế nhưng, có lẽ chỉ ở những vùng mà mức sống của dân chúng tương đối khá giả, phụ huynh đa số là những người có ngành nghề chuyên môn, có thời giờ rảnh rỗi và có đủ khả năng và tự tin thì mới có thể thành lập được một hội đồng quản trị có thể đáp ứng với các đòi hỏi nhiêu khê trong việc điều hành một cơ sở rộng lớn như một trường công lập. Còn nếu chẳng may nhà trường nằm ở những vùng mà đại đa số phụ huynh thuộc giới lao động, phải đầu tắt mặt tối vì kế sinh nhai thì làm gì còn thời giờ rảnh rỗi để đi dự các buổi họp hội phụ huynh học sinh chứ đừng nói đến việc mạnh dạn tham gia vào hội đồng quản trị của trường. Và nếu thế thì hội đồng quản trị sẽ dễ dàng có nguy cơ bị khuynh đảo bởi một thiểu số để rồi đưa đến nhiều phiền toái khác nữa.
Kế đến, là việc tổng trưởng giáo dục Nelson dùng tiền tài trợ từ chính phủ liên bang để ép buộc chính phủ tiểu bang phải tòng thuận theo các đòi hỏi của ông về việc thay đổi giá trị giáo dục thì từ năm 1997 cho đến nay, số tiền mà chính phủ liên bang chi cho vấn đề giáo dục đại học đã bị cắt giảm hơn 5 tỷ. Từ 1995 đến nay, số tiền đầu tư từ chính phủ Howard vào nền giáo dục công lập và vào hệ thống trường cao đẳng kỹ thuật (TAFE) bị sụt giảm 8%. Cũng trong thời gian đó, mức đầu tư giáo dục của các quốc gia trong khối OECD tăng lên là 38%. Úc là quốc gia kỹ nghệ hóa duy nhất mà tiền đầu tư giáo dục sụt giảm. So với các quốc gia đã phát triển thì số công quỹ chi ra về vấn đề giáo dục cho mỗi học sinh của Úc ở dưới mức trung bình. Và với sự chi tiêu bị giảm sụt, dĩ nhiên là trình độ học vấn sẽ bị sụt giảm. Chính vì thế mà từ 1997 đến nay, con số học sinh Úc hoàn tất tú tài, lên đại học bị sụt giảm 20% và vào trường TAFE giảm sụt 14%.
Về bản phúc trình của TS Donnelly thì đã có nhiều sự phản bác, cho thấy có thể bản phúc trình đã không được soạn thảo một cách vô tư mà có lẽ, như bộ trưởng giáo dục Tasmania, bà Paula Wriedt, nhận xét: “Ông Nelson sắp xếp cho một người bạn viết một bản phúc trình mà ông ta muốn - và rồi sao" Ông ta đã được toại nguyện”. Bà cho rằng bản phúc trình chẳng qua chỉ là “công cụ tuyên truyền của đảng Tự Do”, bởi vì ông Donnelly là một đảng viên đảng Tự Do, vốn từng là đổng lý văn phòng (chief of staff) cho tổng trưởng lao tư Kevin Andrews, và từng tranh quyền làm ứng cử viên cho đảng Tự do trong kỳ bầu cử tiểu bang ở Victoria trước đó.
Còn về phần lời tuyên bố của lãnh tụ đối lập Kim Beazley về việc cho trường học chọn sở trường chuyên môn, đặc biệt là những trường chuyên chú về việc dạy các ngành nghề, thì xin thưa rằng hệ thống TAFE đang hiện hữu chính là nơi đó vậy, và có lẽ ông cũng chưa nghiên cứu kỹ về sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường trung học - đặc biệt là ở NSW và ở Victoria - và hệ thống TAFE, khi các em học sinh lớp 11 và 12 có thể chọn học một số môn huấn nghệ tại TAFE nếu các em không có dự định lên đại học sau khi hoàn tất HSC hoặc VCE.
Từ đó, người ta có thể đi đến kết luận rằng, trước những lời tuyên bố ầm ĩ về giáo dục tại Úc, có lẽ không có gì để chúng ta phải hoang mang lo sợ về thực trạng của nền giáo dục tại Úc, và tương lai của con em chúng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.