Hôm nay,  

Thăm Lăng Ông Bà Chiểu Nhơn Ngày Tết

22/02/200500:00:00(Xem: 5979)
Người Việt Nam có lệ kiêng cử gọi tên . Trong nhà con cháu cử gọi tên cha mẹ, ông bà. Xóm làng cử tên ông chủ điền, ông hội đồng, cả nước cử tên vua và hoàng tộc . . .
Đặc biệt ở xứ Đồng Nai- Lục Tỉnh, lệ kiêng cử này rất phổ biến hơn miền Trung và miền Bắc.
Ví dụ : Vì cử tên hoàng tử Cảnh, người dân miền Nam đọc trại là Kiểng (cây kiểng, một kiểng hai huê) ; cử tên bà Phi vợ vua Minh Mạng Hồ Thị Hoa, đọc trại là bông, là huê ( mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh)
Đặc biệt trường hợp Lăng Ông Bà Chiểu lại rất ngộ nghĩnh: cụm từ "Ông Bà Chiểu" làm lắm người tưởng đó là lăng của ông và bà tên "Chiểu" nào đó ! ! !
Không biết hồi nào mà người dân Saigon Xưa đã có thói quen gọi "lăng Ông Bà Chiểu" để chỉ lăng thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt, người đã hai lần giữ chức Tổng Trấn Gia Định. Lăng thờ ông Lê Văn Duyệt tọa lạc tại khu vực Bà Chiểu, gần chợ Bà Chiểu, làng Bình Hòa thuộc tỉnh Gia Định trước năm 1975.
Theo nhà văn Sơn Nam, tên Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên. Ở Thủ Đức cũng có vùng đất tên là Linh Chiểu ( Sơn Nam, Một Mảnh Tình Riêng, trang 51)
Nếu đúng như thế thì tên lăng Ông Bà Chiểu chỉ mới xuất hiện thời Tự Đức, sau khi ông được truy phục quyền chức và mộ được xây đắp lại như ngày nay, và những huyền thoại về ông Lê Văn Duyệt cũng được xuất hiện từ đấy.
Người Tàu Chợ Lớn tôn vinh ông là "Phò Mã Gia Gia", như là ông Bổn, một vị thần trong lịch sử Trung Hoa,rất được thờ phổ biến trong giới người Tàu hải ngoại vùng Đông Nam Á mà thôi.
Theo hai ông Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình được ông Vương Hồng Sển kể lại trong cuốn Saigon Năm Xưa thì : Ông Bổn là ông quan thái giám, tên Trịnh Hòa thời vua Vĩnh Lạc (1403-1424) bên Tàu, được vua cử đi điều tra tình hình người Tàu sinh sống ở vùng Đông Nam Á như Việt Nam , Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm; đi đến đâu ông thái giám cũng vân động người địa phương giúp đỡ người Tàu, nên sau khi chết ông được vua phong là "Bổn Đầu Công".
Hàng năm tại Lăng Ông Bà Chiểu có hai lễ hội lớn :đó là ngày giỗ (mồng một tháng 8 âm lịch) và ngày đầu xuân (mồng một, mồng hai Tết). Lễ hội lăng Ông Bà Chiểu không phải là lễ tưởng niệm anh hùng dân tộc như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực hay Nguyễn Huỳnh Đức . . . mà là lễ hội mang tính dân gian như lễ Bà Chúa Xứ hoặc vía Điện Bà ở Tây Ninh.
Chú ý đến số người tham dự, người ta thấy trên 50 % là người Tàu và một số tiểu thương vùng Sài Gòn Gia Định.
Bởi lẽ người Tàu xem ông như là ông Bổn, đã hết lòng nâng đỡ tổ tiên họ ngày xưa!
Khách đến lễ bái để cầu phát tài, bỏ tiền vào thùng "phước sương" để đổi lấy lộc (hái lộc) hoặc "đổi hương" (thỉnh cây nhang còn cháy đem về nhà) . . . mong được "ông Bổn Lê Văn Duyệt" giúp họ làm ăn phát tài.
Chánh sách "nâng đỡ" người Hoa đặc biệt của Lê Văn Duyệt được người Pháp sau này áp dụng; họ tạo ra một giới Hoa Kiều làm giàu trên đất nước Việt Nam mà không góp phần nhỏ nào vào việc xây dựng và giữ gìn đất nước Việt Nam.Và chánh sách đó vẫn tiếp tục đến ngày 30-4-1975.
Có điều cần suy nghĩ là ở Mỹ Tho cũng như Quãng Ngãi quê hương của Lê Văn Duyệt cũng như quê nội tổ của ông, không có một công trình nào để "ghi công" Lê Văn Duyệt cả.
Trớ trêu thay là chánh quyền ông Nguyễn Văn Thiệu, gần ngày 30.4.75 lại vội vàng cho phát hành giấy bạc có hình ông Lê Văn Duyệt, chân dung vị Tả Quân mặt mày nhợt nhạt, xanh xao . . . khiến người dân đàm tiếu không ít . . . (nếu nhớ không lầm là giấy bạc 500 đồng " )
Ông Lê Văn Duyệt, cuộc đời, cá nhân, là một "con người đặc biệt" từ lúc tuổi trẻ hàn vi đến lúc làm Tổng Trấn, quyền như là Phó Vương (người Tây Phương gọi bấy giờ), đến lúc chết luôn là một nhơn vật huyền thoại ở xứ Đồng Nai, Gia Định . . .
*
Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Văn Duyệt là một chuỗi tình cờ, do đẩy đưa của thời thế. Ông sanh năm 1763 (mất năm 1832) ở đất Định Tường, nhưng nội tổ là người Quãng Ngãi phiêu bạc vào Nam.
Sanh ra Lê Văn Duyệt có tật bẩm sanh, là ái nam, nên tánh khí bất thường, lại thích bạo động : bắn chim, đá gà, đá cá. . . Thích tập hợp thanh niên lêu lổng thay vì chí thú làm ăn như bản chất dân quê bấy giờ.
Lúc bấy giờ Chúa Duệ Tôn và Đông Cung Dương nhà Nguyễn đã bị Nguyễn Huệ giết. Nguyễn Lữ là Đông Định Vương trấn thủ ở Gia Định, truy đuổi Nguyễn Ánh chạy ngang Rạch Gầm Mỹ Tho, được ông Lê Văn Toại, cha Lê Văn Duyệt che chở, chứa chấp.
Đến năm 1780, khi khắc phục Gia Định, Nguyễn Ánh xưng vương, gọi Lê Văn Duyệt đến cho làm thái giám, để lo việc nội đình vì biết ông là ái nam, rồi sau cử làm Cai Cơ coi việc bảo vệ nội cung.
Vốn tính hiếu động, Lê Văn Duyệt tìm cách bước ra khỏi nội cung, hai lần theo phò Nguyễn Ánh bôn tẩu sang Xiêm, nên được phong chức Thuộc Nội Vệ Úy (bảo vệ).
Năm 1801 với chức Vệ Úy, Lê Văn Duyệt theo Nguyễn Ánh ra Thi Nại dẹp quân Tây Sơn, mở đầu cho việc chiến thắng Phú Xuân, đưa đến việc Nguyễn Ánh xưng đế tháng 5 năm 1802.
Năm ấy, Lê Văn Duyệt được phong làm Khâm Sai Tả Quân Bình Tây Đại Tướng Quân. Sau đó ông cùng Lê Chất, Tống Phước Hiệp đem quân vào Bình Định dứt nhà Tây Sơn. Dẹp xong Tây Sơn, ông cùng Lê Chất, Nguyễn Văn Trương ra Bắc Hà dứt nhà Lê theo lịnh vua Gia Long.
Từ đây tên tuổi Lê Văn Duyệt được nhắc tới như là một khai quốc công thần của nhà Nguyễn cùng Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương . . . .
Do vậy Lê Văn Duyệt được chọn sung chức Kinh Lược Thanh Nghệ, quê hương của dòng họ Nguyễn. Trong thời gian này ông thâu nhận thổ hào Nguyễn Hữu Khôi, tên nổi loạn chống nhà Nguyễn ở Cao Bằng, bị đánh bại chạy trốn vào Thanh Hóa.
Quan Kinh Lược Lê Văn Duyệt nhận Khôi làm con nuôi còn (cả gan) cho đổi sang họ mình với tên mới là Lê Văn Khôi ! !! . Để rồi mãi sau nầy, Lê Văn Duyệt khi thụ chức Tổng Trấn Gia Định, đã phong Khôi chức Phó Vệ Úy, cái chức mà Lê Văn Duyệt đã được Nguyễn Ánh phong trước đây.
Đây là nguồn gốc đưa đến những biến động lịch sử sau này và đưa đến vụ án Lê Văn Duyệt, bị vua Minh Mạng kết 11 tội.
Cần nhắc lại đến năm 1802, Gia Định chỉ là một trấn, do một trấn quan trông coi. Gia Định lại là đất khởi nghiệp của Gia Long, ở đó, người Đồng Nai, dân Minh Hương, Chân Lạp, Xiêm La luôn luôn thần phục nhà Nguyễn, nên không có điều gì khiến nhà Nguyễn quan tâm.
Trái lại Bắc Hà là "đất ngụy", nơi mà Gia Long cần trả thù, nên ông đã giao cho Nguyễn Văn Thành làm Tổng Trấn, cai trị dưới chế độ "quân quản".
Trong suốt 10 năm từ 1802 -1812 giặc giã nổi lên đặc biệt ở Bắc Thành (có 87 cuộc nổi dậy thời Gia Long) khiến Gia Long mới nghĩ đến việc xây dựng đất Gia Định, làm chỗ dựa hầu đối phó với phương Bắc nếu tình huống xấu xảy ra.
Trấn Gia Định do vậy biến thành Gia Định Thành năm 1812 bao gồm từ xứ Bình Thuận trở vào tận Cà Mau và Lê Văn Duyệt là Tổng Trấn đầu tiên từ năm 1812 -1816.
Đến năm 1816 Lê Văn Duyệt bị triệu về kinh với lý do là bàn luận việc lập hoàng tử, và ông bị giữ lại kinh, mãi đến năm 1820 khi Tổng Trấn Gia Định Nguyễn Huỳnh Đức chết thì Lê Văn Duyệt mới được phục chức Tổng Trấn Gia Định lần thứ hai (1820-1832).
Nguyễn Huỳnh Đức cũng là khai quốc công thần xuất thân võ quan, làm Tổng Trấn Gia Định từ 1816-1820, thì chết. Nếu không thì Lê Văn Duyệt còn bị lưu giữ tại Huế chưa biết tới lúc nào (").
Lần thứ hai được cử làm Tổng Trấn trên danh nghĩa giao cho Lê Văn Duyệt đi dẹp giặc Thổ (Cao Miên) nổi lên ở Lục Tỉnh.
Nhìn chung, bấy giờ so với những đồng liêu, đồng khai quốc công thần như Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương . .v . .v . . thì Lê Văn Duyệt là người biết vận dụng cơ hội, quyền lực để đoạt địa vị cao nhứt, nhanh nhứt và quyền lực như là phó vương, dầu xuất thân thái giám.
Bởi lẽ trước hết ông là thái giám, luôn gần gũi Nguyễn Ánh, thêm tánh tình bất cặp, cứng cỏi gần như gian ác, hợp với con người Nguyễn Ánh, hợp với thời buổi loạn ly, thời tẩu quốc tòng vong, nơi vùng đất mới, phiêu bạc, giang hồ . . .
Lê Văn Duyệt còn được Gia Long ban đặc ân mà không ai có như: Thượng Phương Kiếm (tiền trảm hậu tấu), được vào chầu vua miễn lạy, làm Thượng Phụ của hoàng tử Đảm tức Minh Mạng sau này.
Tất cả những điều đó làm cho Lê Văn Duyệt ngạo mạn, tự chuyên, bất chấp triều đình, như 11 tội mà triều đình kết cho ông, khiến bị san bằng mộ, đục bỏ bia . . . sau khi ông chết năm 1832 (") .
*
Gia Định Thành và Lê Văn Duyệt có liên quan mật thiết với nhau. Theo Gia Định Thành Thông Chí, thì năm 1777, Nguyễn Ánh thâu phục đất Saigon ( mà chữ Saigon lúc đó ám chỉ thành phố của người Tàu ăn ở buôn bán, họ phát âm là " Tai ngôn" hoặc "Tin gan" ). Lúc ấy, cả phía Nam chưa có thành trì gì là kiên cố , binh của Chúa "đồn" dinh trại ở xóm Tân Mỹ, rồi sau dời về "chợ Điều Khiển" xóm Tân Thuận.
Đến năm 1779 chúa sai tu định lại địa đồ, lập địa giới cho lập dinh Phiên Trấn. Đến năm 1790 cho đắp thành bát quái trên khu gò cao thôn Tân Khai thuộc tổng Bình Dương gọi là Gia Định Kinh, thuộc phủ Gia Định.
Công trình xây dựng này do Olivier de Manuel một người Pháp xây theo kiểu thành Tây Phương. Ta nhớ lại là vào đầu năm 1874 Nguyễn Ánh cử linh mục Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Gặp cuộc cách mạng Pháp 1789, đoàn không xin được gì bèn về nước đem theo một số người Pháp phiêu lưu chạy trốn cách mạng trong đó có Olivier de Manuel. Olivier được đặt tên Việt là ông Tính, được phong chức Khâm Sai Cai Đội Oai Hầu.
Thành Gia Định xây theo lịnh Gia Long, hình bát quái, tám cạnh, gọi là Qui Thành, vách cao 15 thước ta (4m80), bằng đá ông Biên Hòa, đá kiểu lục lăng tám cạnh (0 m.34x 0 m.34 x 0m.11).
Khi lên ngôi năm 1802, Gia Long cải phủ Gia Định lại thành ra Trấn Gia Định, đặt trấn quan coi mọi việc.
Đến năm 1812, trấn Gia Định được nâng thành Gia Định Thành, có một quan Tổng Trấn, một quan Hiệp Trấn và một quan Phó Trấn thống trị từ Bình Thuận trở vào.

Theo ông Trương Vĩnh Ký thì 4 vách của thành Gia Định nhằm vào đường Lê Thánh Tôn - Phan Đình Phùng - Đinh Tiên Hoàng và Công Lý, đo khoảng 794 trượng (độ 4000m), xung quanh có hào sâu, có cầu bắt qua hào, giữa có cột cờ 3 tầng, cao 12 trượng 15 thước ta, tầng trên có tháp canh.
Mỗi vách thành có 2 cửa, trong thành có các công trình như : Dinh ông Thượng Lê Văn Duyệt, Trường Thi , Trường Tiền, Pháp Trường và trại binh xây xung quanh.
Đến năm 1813, Gia Long sai Nguyễn Văn Thành và Trịnh Hoài Đức vào Gia Định lập hành cung trong thành Gia Định như là hoàng cung ngay phía trước dinh ông Thượng để dè chừng hữu sự sau này.
Sau này khi Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng Trấn Gia Định lần thứ hai, thì ông tự ý cho cơi thành cao thêm 1 thước rưỡi ta (độ 0m 80) với lý do đề phòng giặc Miên (")
Còn về Lê Văn Khôi, bấy giờ được Lê Văn Duyệt tin dùng, giao chức Phó Vệ Úy, một chức quan võ coi trên 500 quân, bảo vệ nội thành (một vệ xưa độ 500 lính).
Như vậy thành Gia Định trước sau có hai vị Tổng Trấn :
Lê Văn Duyệt (1812-1816) bị triệu về kinh
Nguyễn Huỳnh Đức (1816-1820) chết
Lê Văn Duyệt (1820-1832) chết.
Sau vụ Lê Văn Khôi, Gia Định Thành bị hủy theo lịnh Minh Mạng và bãi bỏ chức Tổng Trấn. Nam Kỳ bấy giờ chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Ngoài chức Tổng Trấn còn có một Hiệp Trấn và một Phó Trấn. Tới nay sử chỉ nhắc đến trường hợp của Phó Trấn Huỳnh Công Lý, người có công chỉ huy đào kinh Tàu Hủ được vua Gia Long khen thưởng, sau này bị Lê Văn Duyệt buộc tội "lạm dụng của dân", chặt đầu gởi về Huế.
Trường hợp khác là Bạch Xuân Nguyên được vua Minh Mạng cử làm Phó Trấn bị Lê Văn Duyệt từ chối và trả về Huế.
Có lẽ các nhà biên khảo lịch sử cần tìm hiểu thêm về lịch sử xứ Đồng Nai -Lục Tỉnh trong giai đoạn nầy. Chắc chắn phải còn có thêm một số Hiệp Trấn cũng như Phó Trấn ngoài những người đã nêu trên và hiểu thêm về con người của Lê Văn Duyệt.
*
Vụ án Lê Văn Duyệt tới nay vẫn còn là một ẩn số (") Theo sử , thì sau khi Lê Văn Duyệt chết, năm 1832 Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi lên làm loạn, chiếm giữ thành Gia Định, giết Tổng Đốc Gia Định là Nguyễn Văn Quê và Bốâ Chánh là Bạch Xuân Nguyên, đưa con trai của hoàng tử Cảnh là Hoàng Tôn Đán lên để chiêu an.
Đến tháng chạp năm 1833 Lê Văn Khôi đau chết, con là Lê Văn Cầu lên thay cha làm Nguyên Soái tiếp tục chống triều đình. Đến tháng 7 năm 1833 thì thành bị hạ, tất cả 1.831 người trong thành bị bắt, bị giết và chôn tập thể gọi là "mã ngụy".
Sau vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835) thì Lê Văn Duyệt bị Minh Mạng kết 11 tội "tự chuyên" , san bằng mã, dựng tấm bảng kể tội "quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử" ngay tại mã cũ.
Đã gần 3 thế kỷ (1835-2005), nhìn lại một biến cố lịch sử, một vụ án lịch sử đối với một nhơn vật khai quốc công thần, một "con người huyền thoại" ta cần có cái nhìn khách quan, mang tánh lịch sử. Đưa vụ việc trở về thời gian 300 năm trước, trong bối cảnh lịch sử phong kiến, trước sức ép của thực dân Tây Phương, quyền lực phong kiến vua chúa (dựa trên Nho giáo) bị đe dọa bởi sự hào nhoáng, bề thế, của văn minh Ki Tô Giáo La Mã.
Trở lại 11 tội mà triều đình Minh Mạng buộc Lê Văn Duyệt tới nay chưa có tài liệu nào trình bày cụ thể, chứng liệu rõ ràng. Do vậy, qua tiểu sử và cuộc đời Lê Văn Duyệt ta thử nêu ra 11 chứng cớ mà từ đó khiến Lê Văn Duyệt bị kết tội "tự chuyên":
1. Trước hết và bao trùm vụ án là trường hợp Lê Văn Khôi. Khôi là tên thổ hào tham gia nổi loạn ở Cao Bằng những ngày đầu lúc quyền lực Gia Long còn tranh tối tranh sáng. Xứ Cao Bằng có dính dáng đến tàn quân nhà Lê -Chúa Trịnh, Lê Trịnh là dòng họ mà Gia Long cần phải tiêu diệt cho hết. Thế mà Lê Văn Duyệt , đương là Kinh Lược Thanh Hóa , quê hương Gia Long, lại dám thu nhận làm con nuôi!
Hơn thế nữa, Lê Văn Duyệt lại cải họ Nguyễn thành họ Lê (Nguyễn Hữu Khôi thành Lê Văn Khôi). Thời đó, chỉ có vua mới làm như thế, chắc Lê Văn Duyệt không phải không biết mà làm (").
Tha mạng cho Khôi, nhận làm con nuôi, cho cải theo họ mình, như thế Lê Văn Duyệt quả không chỉ là tự chuyên mà còn khi quân nữa !
2. Khi làm Tổng Trấn Gia Định, Lê Văn Duyệt cho Khôi làm Phó Vệ Úy coi độ trên 500 quân , thân tín, túc vệ trong khi cả thành Gia Định lúc nổi loạn năm 1833 chỉ có 2000 quân lính và vợ con cùng quan chức.
Còn tên Vệ Úy lúc bấy giờ là Thái Công Triều, nguyên là cấp chỉ huy của Khôi ; thật sự không có uy quyền gì cả. Nên khi nổi loạn Lê Văn Khôi mới xưng là Nguyên Soái. Và vì đó , sau khi Khôi bị bịnh chết, Vệ Úy Thái Công Triều chống lại con Khôi là Lê Văn Cầu (Triều dẫn quân đầu hàng triều đình đánh lại Lê Văn Cầu).
3. Vụ Lê Văn Khôi nổi loạn không thể không có dính dáng Lê Văn Duyệt. Tại sao "
Bởi lẽ Khôi là tên thổ hào ở Cao Bằng, tận miền Bắc, làm gì có khả năng qui tụ được quân 6 dinh theo để chống triều đình. Lại nữa Khôi còn biết chọn Hoàng Tôn Đán con hoàng tử Cảnh để tôn phò hầu thay thế Minh Mạng sau khi thành công.
Ta biết rằng chính Lê Văn Duyệt đã có ý đó nên không đồng ý với Gia Long đưa hoàng tử Đảm lên ngôi . Vì vậy, Lê Văn Duyệt bị lưu lại Huế từ năm 1816-1820 và Nguyễn Huỳnh Đức được cử làm Tổng Trấn Gia Định.
4. Khi Gia Long chọn hoàng tử Đảm, thấy Lê Văn Duyệt quyết tâm chống đối, Gia Long đã phải cử Lê Văn Duyệt làm Thượng Phụ và bắt hoàng tử Đảm lạy Lê Văn Duyệt trước mặt triều thần ! ! !
Thế mà Lê Văn Duyệt vẫn không bằng lòng, quả là quá đáng, không tự chuyên, tự phụ thì là gì "
5.Bọn phiêu lưu, thực dân Tây Phương cũng như các giáo sĩ ca ngợi Lê Văn Duyệt, cho rằng Lê Văn Duyệt dung thứ, che chở cho họ, trong khi bấy giờ triều đình đã cảnh cáo bọn người này có ẩn ý, mưu toan can thiệp nội tình Việt Nam ! !! Ấy thế mà Lê Văn Duyệt là Tổng Trấn coi 6 tỉnh phía Nam là thần dân nhà vua mà cãi lịnh thì có đáng tội khi quân không "
6. Khi tiếp sứ thần Miên, Lê Văn Duyệt tỏ ra độc đoán, uy quyền như vua, mà ngay vua Gia Long, Minh Mạng không làm như vậy. Do vậy, bấy giờ dư luận gọi Lê Văn Duyệt là Phó Vương.
7. Đối với người Tàu, trong lịch sử phản Thanh phục Minh, bọn lưu vong kết hợp với Nguyễn Ánh để nương tựa đồng tồn tại, chống lại nhà Tây Sơn nên bị quân Tây Sơn tàn sát ở Bến Nghé.
Khi lên ngôi, Gia Long có chánh sách ưu đãi người Tàu đặc biệt là người Minh Hương ở Bến Nghé -Saigon Xưa, và vùng Hà Tiên như là cách trả ơn họ.
Trái lại khi lên ngôi vua Minh Mạng có chánh sách khác vua cha : không ưu đãi người Tàu hơn người Việt; không để cho họ nắm độc quyền kinh tế, ngoại thương vì e nguy hiểm cho kinh tế lẫn an ninh trước nguy cơ dòm ngó của Tây Phương, nên bị người Tàu chống, không ủng hộ.
Trong khi Lê Văn Duyệt đi ngược lại chánh sách Minh Mạng, tiếp tục nâng đỡ người Tàu, nên được họ tôn là ông Bổn của họ, vì lo bảo vệ quyền lợi cho họ. Trong vụ án Huỳnh Công Lý, Phó Trấn của Lê Văn Duyệt, chứng tỏ Lê Văn Duyệt có lòng riêng tư, binh vực người Hoa.
Vì Huỳnh Công Lý không nâng đỡ thương nhân Tàu, khiến lại họ tố cáo lên Lê Văn Duyệt rằng Huỳnh Công Lý "nhũng lạm" !!!. Lê Văn Duyệt nhân đó dùng quyền "tiền trảm hậu tấu" để chặt đầu Phó Trấn của mình thay vì đưa về kinh hỏi tội. Trong khi Lê Văn Duyệt biết Huỳnh Công Lý là cha vợ của Minh Mạng.
8. Hàng năm Lê Văn Duyệt, nói là thay mặt vua, chủ trì lễ Tịch Điền. Đây là nghi thức mà bấy giờ ở Việt Nam chỉ dành cho vua. Ở miền Bắc, Tổng Trấn Bắc Hà không hề chủ trì lễ Tịch Điền. Lễ Tịch Điền chỉ có ở Huế, đích thân vua Gia Long và Minh Mạng chủ lễ mà thôi. Việc này, Lê Văn Duyệt làm suốt thời gian ông làm Tổng Trấn. Bên cạnh đó ông còn chủ trì lễ duyệt binh, tập hợp quân 6 dinh Lục Tỉnh về "Đồn Tập Trận" để chính Lê Văn Duyệt duyệt binh như là vị tư lịnh, mà đó là quyền của vua.
9. Khi Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn lần thứ hai (1820-1832) đã tự ý cơi thành Gia Định lên cao hơn 1 thước rưỡi ta (độ 0m.80) mà không hỏi ý vua. Lê Văn Duyệt lại không nhận Bạch Xuân Nguyên làm Phó Trấn theo lịnh của vua. Trong thời điểm phong kiến, một quan Tổng Trấn không thể không nghe lịnh vua. Quả Lê Văn Duyệt đúng là tự chuyên rồi.
10. Lúc sanh tiền, Lê Văn Duyệt tự xây tư dinh gọi là Dinh Ông Thượng, lập chánh thất là bà Đỗ Thị Phẩn, trong khi Lê Văn Duyệt là thái giám, làm như vậy là mang tội "khi quân" (có dư luận cho rằng vua Gia Long đồng ý cho Lê Văn Duyệt lập chánh thất (") ).
11. Ngoài việc xây tư dinh, Lê Văn Duyệt còn xây lăng cho em ruột mình là Lê Văn Phong gọi là Tả Dinh (theo ông Vương Hồng Sển thì dinh này nằm ở đường Mac-mahon ngày xưa tức là Lê Đình Khôi trước 75). Lê Văn Phong không phải là công thần, không có chức vụ gì bấy giờ. Lê Văn Duyệt dùng quyền Tổng Trấn và tiền của công làm việc riêng cho em. Đây là cái tội mà chính Lê Văn Duyệt đã kết tội cho Huỳnh Công Lý "lấy công dĩ tư ".
*
Nhân đầu năm viết về lăng Ông Bà Chiểu; về nhơn vật huyền thoại Lê Văn Duyệt, về sự tích thành Gia Định, về cuộc đời các quan Tổng Trấn . . . Tất cả cho thấy rằng lịch sử cá nhân con người luôn gắn bó với thời đại mà họ sống và thi thố.
Người Saigon Gia Định -Đồng Nai - Lục Tỉnh ít nhứt có lần ghé qua lăng ông Bà Chiểu, hoặc đọc đâu đó về con người Lê Văn Duyệt.
Hãy đưa suy nghĩ về thời đại 270 năm trước để tìm hiểu về lịch sử của ông cha mình, tìm hiểu về 11 tội mà Minh Mạng kết cho ông Lê Văn Duyệt quả là một nhu cầu.
Sự tìm hiểu nầy không có nghĩa là lên án một nhân vật, nên không vì thế mà làm cho lễ hội lăng ông Bà Chiểu kém phần nhộn nhịp; và cũng không nhằm hạn chế bà con tiểu thương, người Hoa đến lăng Ông cúng bái đầu năm, cầu xin làm ăn phát đạt như xưa nay đã làm .
Lễ hội là cái đẹp của dân tộc, nó làm cho cuộc sống chúng ta thêm phong phú, phong vị hơn, trong khi lịch sử nhiều khi "tàn nhẫn" vì nó nói lên sự thật mà có người không muốn biết.
Tặng bà con không về quê ăn Tết Ất Dậu
Trần Văn Chi
email : tranvanchi@earthlink.net
· Sách tham khảo :
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
- Saigon Năm Xưa của Vương Hồng Sển
- Một Mảnh Tình Riêng của Sơn Nam
- Người Hoa Tại Việt Nam của Nguyễn Văn Huy

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.