Hôm nay,  

Mùa Xuân Ottawa Nhớ Người Việt Ở Phi

18/02/200500:00:00(Xem: 5408)
Tết âm lịch Ottawa vẫn còn lạnh. Nhiệt độ ban ngày lên xuống khoảng 0 độ C. Tuyết ngừng rơi. Thỉnh thoảng đây đó còn vương vải vài ụ tuyết của những ngày mạnh đông. So với hai tháng qua, thời tiết bắt đầu ấm trở lại, như để cho người Việt ở Ottawa mừng xuân, mừng Hội Chợ Tết, trong khi sinh hoạt của thành phố vẫn bình thường theo nhịp sống Tây phương.
Trong cảnh sinh hoạt bình thường đó, có một nhóm nhỏ người Việt, và cũng nhỏ cả tuổi đời nữa, vừa mừng xuân với đồng bào Việt ở Ottawa, vừa tất bật lao vào dòng chính sinh hoạt chính trị ở thủ đô Canada, để tìm mọi cách vận động với các dân biểu Canada đang về đây nhóm phiên đầu năm của Quốc Hội Liên bang.
Câu chuyện nói ra thật dài dòng. Dài dòng từ những năm 1989 trở đi. Và không phải ở Canada, mà ở tận bên trời đông, tại Phi Luật Tân. Năm đó, một số người Việt vượt thoát được chế độ kềm kẹp ở trong nước, đến tạm cư ở Phi Luật Tân. Nói một số là so với dân số đông đảo của Việt Nam, chứ một số đó, dầu lai rai đã được thân nhân bảo lãnh, nay vẫn còn khoảng 2,000 người trong các trại tỵ nạn. Từ đó cho đến nay, tức 16 năm ròng, họ sống ở Phi Luật Tân trong tình trạng vô quốc tịch. Khắc khoải đợi chờ. Họ như một quả bóng được nhởn nhơ chuyền qua chuyền lại giữa những hảo thủ thượng thặng, từ Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, đến Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Úc Châu...
Báo chí đã nói đến nhiều, câu chuyện của 2,000 thuyền nhân còn kẹt lại ở Phi Luật Tân. Ở đây chỉ xin đề cập đến các thanh niên tại miền đông Canada đang bỏ cả công ăn việc làm, bỏ tiền riêng, bỏ toàn thời gian, dồn hết sức lực để cùng nhau chắp tay bốn phương tám hướng, vận động, năn nỉ, van xin, cho đồng bào Việt ở Phi được có một chỗ để định cư. Người ta đi làm bảy ngày một tuần để sinh nhai, nhưng các em bảy tuần (qua) không một ngày làm việc, mà vẫn tự nguyện lấy tiền túi trang trải chi phí vận động. Người ta "xuân du phương thảo địa" (mùa xuân đi thăm miền cỏ thơm). Mùa xuân, các em đi tìm kiếm một mùa xuân cho kẻ khác, đi tìm kiếm một miền cỏ thơm cho đồng bào đang ở Phi.
Thoạt đầu, sáng kiến nầy do một nhóm thanh niên và sinh viên ở Mississauga (thành phố lân cận Toronto), Ontario, đã từng tham gia trong các công tác vận động tranh cử của các dân biểu địa phương, cùng nhau bàn chuyện làm thế nào cứu giúp đồng bào ruột thịt còn kẹt lại ở Phi Luật Tân. Thế là nhóm SOS Việt Phi thành hình, và ba thanh niên Maxwell Võ, Kim Phạm, Tú Anh, tình nguyện hoạt động thường trực cho kế hoạch nầy. Rồi lại có anh Dũng, dầu tình trạng đi đứng khó khăn, cũng nhảy vào cuộc, hăng hái hoạt động. Tuổi trẻ dấn thân, đi vào sinh hoạt dòng chính, nhưng sau khi nói chuyện với quý vị dân cử, SOS Việt Phi nhận thấy cần thêm nhiều trợ lực từ phía cộng đồng, trước khi vấn đề được đưa ra trước Quốc hội Liên bang ở Ottawa trong khóa họp đầu năm.
Vì các em chỉ thiện nguyện làm việc, không có trụ sở, không có văn phòng, nên các em đã xin mượn tạm Hội trường của Trung tâm Văn hóa Pháp Vân để tổ chức phiên họp đầu tiên công khai với cộng đồng người Việt ở Toronto. Dầu chỉ là ngày thường, ngày thứ Tư 26-01-2005, dầu vào buổi tối lạnh lẽo, dầu tuyết rơi liên tục suốt buổi chiều hôm đó, số người đến tham dự khá đông.
Anh chị em trong SOS Việt Phi đã trình bày cặn kẽ vấn đề. Lối trình bày đôi khi vụng về, phải chêm vào những từ ngữ tiếng Anh, vì các em đều lớn lên và tốt nghiệp ở Canada. Tuy nhiên người nghe lại rất yêu mến sự vụng về đó, vì đó là sự thành khẩn, sự thẳng thắn, sự can đảm, và nhất là sự dấn thân hoàn toàn vô vị lợi của tuổi trẻ thế hệ thứ hai, những người đã được hưởng đầy đủ một đời sống văn minh, tiến bộ, sung túc, nhưng không quên nguồn cội của mình, không quên những đồng hương đang khắc khoải đợi chờ ở bên trời đông. Hầu như tất cả những người hiện diện buổi tối hôm đó, khoảng trên 100 người, đều đồng thuận, đều ủng hộ. Đáng quý nhất là sự ủng hộ của quý vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo.
Tiếng vang thật lớn. Tiếng vang khắp miền đông Canada, nhất là một khi được sự tiếp sức của một thanh niên trí thức lãng tử đáng mến. Cái anh chàng ở Úc đó, cái anh chàng có bằng luật sư trong tay, thay vì mở văn phòng luật để vinh thân phì gia, thì lại bỏ đi qua Phi Luật Tân, sống cực khổ để giúp đỡ những đồng hương đang bơ vơ, và cố gắng tranh đấu tìm một ngày mai tươi sáng cho họ. Trịnh Hội cùng nhóm SOS Việt Phi xuất hiện trong kỳ Hội Chợ Tết ở Toronto do Hội Người Việt tổ chức ngày Thứ Bảy 5-02-2005, một lần kêu gọi sự tiếp tay của cộng đồng người Việt ở Toronto.
Toronto là một thành phố lớn, rất đông dân Việt, nhưng Toronto không phải là thủ đô của Canada. Thủ đô của Canada là Ottawa. Do đó, cả nhóm và cả Trịnh Hội lại đến Ottawa đúng vào ngày Hội Chợ Tết của đồng bào Việt tại đây, ngày Chủ Nhật 6-2-2005. Cũng như Toronto, xin được sự ủng hộ của đồng bào. Đúng như câu nói của người xưa "Hoàng thiên bất phụ hảo nhân" (Ông trời không phụ kẻ có lòng tốt). Tuy người Việt ở Ottawa không đông, nhưng mà phải nói sự yểm trợ của đồng bào ở đây thật hết sức lớn lao, thật đáng kể trong những ngày kế tiếp.
Từ ngày 6 đến ngày 9-2-2005, toàn nhóm đã ráo riết đi gặp một số dân biểu, thượng nghị sĩ, để xin Quốc hội yêu cầu Bộ Di trú thừa nhận quy chế tỵ nạn cho những người Việt còn kẹt lại ở Phi Luật Tân để họ được thân nhân bảo lãnh vào Canada. Các vị dân cử đã chấp thuận cho nhóm SOS Việt Phi ra điều trần trước Uỷ ban Công dân vụ và Di trú của Quốc hội (Standing Committee on Citizenship and Immigration, CIMM) (gồm 14 người) lúc 11 giờ ngày thứ Năm 10-2-2005. (Cuộc điều trần đã được đài BBC Luân Đôn tường thuật ngay trong bản tin ngày hôm sau.) Tất cả những câu hỏi của các vị dân cử đã được nhóm SOS, luật sư Trịnh Hội và luật sư Rotenberg, một luật gia danh tiếng ở Toronto lên Ottawa giúp đoàn, giải thích và trả lời rõ ràng. Max Võ, đại diện nhóm SOS Việt Phi kêu gọi lòng nhân đạo của quý vị dân cử và của chính phủ Canada.
Ngày Thứ Ba 15-2-2005, là ngày dự tính diễn ra cuộc bỏ phiếu quyết định. Ngoài đồng hương Việt Nam tại Ottawa, các phái đoàn người Việt từ Toronto, Montréal đã đến Tòa nhà Quốc hội khá đông. Tuy nhiên, rất tiếc, vì một số công việc khẩn cấp khác, cuộc biểu quyết của Quốc hội đã được hoãn lại. Đó là cách giải thích hành chánh thông thường, nhưng về phương diện sinh hoạt chính trị (ngoại giao), thì phải chăng đây là một kế hoãn binh kín đáo"

Trong khi đó, cuộc họp báo của nhóm SOS Việt Phi vẫn được thực hiện. Mục đích để chính thức thông báo cùng dư luận toàn quốc tình trạng 2,000 người Việt vô quốc tịch hiện còn kẹt ở Phi Luật Tân, kêu gọi chính phủ Canada thay đổi chính sách di dân và thâu nhận khoảng 200 gia đình gồm khoảng 500 người, cả người lớn lẫn trẻ em, được đến định cư tại Canada. Trước đây, những người nầy không được hưởng quy chế tỵ nạn, nhưng trong thời gian gần đây, Na Uy, Úc Châu, Hoa Kỳ đã thay đổi quan điểm, chấp nhận cho nhiều người trong số thuyền nhân ở Phi Luật Tân được tỵ nạn. Dựa vào yếu tố mới nầy, nhóm SOS Việt Phi xin chính phủ Canada hãy theo gương của Úc, Na Uy, Hoa Kỳ, ra tay cứu giúp đồng bào Việt Nam còn sót lại sau 16 năm tỵ nạn.
Sau hơn một tuần làm việc, nhóm SOS Việt Phi đã gặp gỡ hơn 30 dân biểu và thượng nghị sĩ của các đảng Tự Do (Liberal), Bảo thủ (Party Concervative), Tân Dân Chủ (New Democrat Party), Khối Québec (Bloc Québecois). Tất cả đều hứa hẹn sẽ ủng hộ nguyện vọng của người Việt, thông qua một nghị quyết của Quốc hội, yêu cầu Bộ Công dân vụ và Di trú thay đổi quan điểm và công nhận quyền tỵ nạn của người Việt còn sót lại ở Phi Luật Tân.
Cuộc tiếp tân vào lúc 5 giờ chiều Thứ Ba 15-2-2005 thành công ngoài sự mong đợi. Khoảng hơn 150 đồng hương Việt đứng chật cả hai phòng hội. Có cả những phái đoàn tôn giáo. Đông đảo nhất là phái đoàn Phật giáo, gồm quý vị thượng tọa, đại đức: Thích Bổn Đạt, Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại Canada, Thích Chơn Thảo (Vancouver, người vừa đoạn mãi một miếng đất lớn để cúng hiến vào quỹ cứu trợ nạn nhân sóng thần Đông Nam Á), Thích Viên Tánh (chùa Hiếu Giang, Ottawa), Thích Trường Phước (chùa Quan Âm, Montréal), Thích Tâm Đăng (chùa Hương Đàm, Hamilton), Thích Đạo Chơn, Thích Đạo Hạnh (chùa Viên Quang, Kitchener), Thích Từ Diệu (chùa Huệ Quang, Brampton), Thích Tâm Hòa, Thích Nhật Quán, Thích Nữ Chơn Thành (chùa Pháp Vân, Toronto), Thích Huệ Minh (chùa Cam Lộ Vương, Toronto), Thích Nguyên Mãn (chùa Long Hoa, Toronto).
Nổi bật nhất trong cuộc tiếp tân nầy là sự tham gia hết sức đông đảo và tích cực của các em sinh viên và học sinh. Các em sống rải rác ở các thành phố Ottawa, Montréal, Toronto, Mississauga..., và tập trung về đây để phụ giúp phần tổ chức cuộc tiếp tân thật long trọng. Các em vui vẻ, ân cần, thân mật, kỷ luật, và theo đúng phong cách ngoại giao, từ phục sức đến ngôn ngữ. Điều quan trọng là các em thấy công việc cần làm và phải làm, là các em tự nguyện tham gia nhiệt tình, vô vị lợi.
Điều đáng nói và đáng đề cao là thái độ cởi mở và nhân đạo của các thượng nghị sĩ và dân biểu Liên bang như quý dân biểu Colleen Beaumier (đảng Tự Do), Meili Faille (Khối Québecois), David Kilgour (đảng Tư Do), John Duncan (đảng Bảo Thủ), và quý vị thượng nghị sĩ Mac Harb (đảng Tự Do), Tose-Marie Losier-Cool (đảng Tự Do).
Trong cuộc điều trần của nhóm SOS Việt Phi ngày 10-2-2005, cũng như trong buổi tiếp tân chiều 15-2-2005, nữ dân biểu Meili Faille đã nói rằng đây là một vấn đề nhân quyền mà như mọi người đều biết, khối Québecois luôn luôn quan tâm đến tất cả những gì liên hệ đến nhân quyền, quyền được có quốc tịch và quyền được hưởng những nhu cầu tối thiểu của con người.
Các dân biểu và nghị sĩ trong buổi tiếp tân đều ngỏ ý sẵn sàng yểm trợ nguyện vọng của người Việt, chấp nhận quy chế tỵ nạn cho khoảng 500 thuyền nhân đã được thân nhân ở Canada sẵn sàng bảo lãnh qua định cư. Đặc biệt dân biểu Ed Broadbent, đơn vị Ottawa Centre, đã gởi thư đề ngày 14-2-2005 cho ông Joseph Volpe, Bộ trưởng Bộ Công dân vụ và Di trú Liên bang đề nghị chấp thuận cho phép 231 gia đình trong số những người tỵ nạn Việt Nam hiện còn ở Phi Luật Tân, được nhập cư vào Canada để đoàn tụ với thân nhân đang đứng lo thủ tục bảo lãnh.
Trong phần phát biểu của quan khách người Việt, đáng chú ý là câu chuyện kể của thượng tọa Thích Tâm Hòa, chùa Pháp Vân, Toronto. Thầy Tâm Hòa nhắc lại câu chuyện của vị thuyền trưởng người Triều Tiên, vừa mới được đồng bào Việt vinh danh tại California cách đây vài tháng. Vào năm 1985, vì cứu giúp một chiếc thuyền chở 96 người đang lâm nạn, mà cấp trên không cho phép, vị thuyền trưởng nầy đã bị cất chức. Về phía thuyền nhân, sau khi đi định cư, những người Việt trên chiếc thuyền lâm nạn đó luôn luôn nhớ đến vị ân nhân đã cứu độ mình giữa biển cả. Họ ra công tìm kiếm và cuối cùng liên lạc được với vị cựu thuyền trưởng. Một buổi lễ vinh danh ân nhân đã được tổ chức trọng thể tại Garden Grove, với sự hiện diện của các thuyền nhân lâm nạn, của đại diện cộng đồng người Việt và của đại diện chính quyền địa phương. Thầy Tâm Hòa đã thưa với quý vị dân cử Canada rằng nếu ngày nay, quý vị ra tay giúp đỡ những thuyền nhân Việt ở Phi, chẳng những Cộng đồng người Việt biết ơn, mà cả trăm năm sau, con cháu của họ sẽ mãi mãi ghi ơn quý vị.
Sự hứa hẹn của quý vị vị dân cử là điều đáng quý, nhưng từ đây cho đến khi được Quốc hội biểu quyết, và được ông Bộ trưởng Di trú cũng như chính phủ Canada chính thức chấp nhận chương trình nầy, còn là một bước dài. Trong khi nói chuyện riêng với luật sư Trịnh Hội, có người hỏi anh rằng xác suất hy vọng thành công có cao không, thì Trịnh Hội trả lời rất thực tế: "Hy vọng nhiều hay ít là tùy cộng đồng người Việt chúng ta. Nếu cộng đồng thường xuyên đề nghị, kêu gọi, nhắc nhở, đòi hỏi, thì quý vị dân cử và chính phủ sẽ phải theo đó cứu xét. Còn nếu cộng đồng lơ là, bỏ qua, buông xuôi thì quý vị dân cử cũng như chính phủ sẽ chẳng cứu xét đến, cho qua phà. Do đó, cộng đồng người Việt cần phải kiên trì tranh đấu thì hy vọng thành công sẽ khá lớn."
Như thế, rõ ràng công việc còn lại là của cộng đồng người Việt chúng ta. Nhóm SOS Việt Phi mới chỉ nhen lên ngọn lửa. Làm cho ngọn lửa đó sáng lên, cần phải được sự tiếp sức thường xuyên của đồng hương người Việt trên khắp Canada. Xin quý vị hãy tiếp tay với anh chị em SOS Việt Phi. Xin quý vị hãy thường xuyên trình bày nguyện vọng chính đáng của cộng đồng chúng ta với quý vị dân cử địa phương, và nhắc nhở quý vị đó trình lên chính phủ tỉnh bang cũng như chính phủ Liên bang nguyện vọng của cộng đồng chúng ta. Đồng thời, xin quý vị hãy tiếp sức với anh chị em SOS Việt Phi về vật chất cũng như tinh thần, để anh chị em có điều kiện giữ vững mục tiêu, thường xuyên liên lạc, thúc đẩy quý vị dân cử Liên bang, thông qua Quốc hội, yêu cầu Bộ Di trú thay đổi quan điểm, chấp nhận quy chế tỵ nạn cho đồng bào chúng ta hiện còn thiếu may mắn ở Phi Luật Tân.
Tục ngữ chúng ta có câu: "Dẫu xây chín cấp phù đồ, Sao bằng làm phước cứu cho một người." Nếu ai muốn xây phù đồ theo sở thích của mình thì cứ làm, chỉ xin quý vị hãy gắng thêm cho một chút, xin hãy "làm phước cứu cho", chẳng những cho một người, mà cho cả hàng ngàn đồng bào của chúng ta đang lâm vào tình trạng vô quốc tịch tại Phi Luật Tân. Kính mong lắm thay! Kính mong lắm thay!
TRẦN GIA PHỤNG
(Ottawa 15-2 - Toronto 16-2)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.