Hôm nay,  

Hai Lần Phép Lạ

21/01/200600:00:00(Xem: 5632)
- Tháng 1-2006, Jan 19, 2006

(Bài viết theo lời kể của bà Nguyễn Thị Yến, thuyền nhân từ Phi đến định cư tại San Jose. Khách mời của đêm tân niên hội ngộ mùng 1 Tết Bính Tuất do Radio Dân Sinh và IRCC tổ chức.)

Vâng, tôi xin kể hầu quý vị về cuộc đời làm mẹ của tôi với hai lần phép lạ. Tôi có hai đứa con mà chẳng bao giờ được gần nhau.

16 năm trước, ghe tỵ nạn của tôi ra đi từ Năm Căn ở Cà Mau. Trước khi cơn bão đến, cả tàu 156 người toàn đàn bà, trẻ con tưởng chết ở biển khơi thì được tàu Mỹ của hạm đội 7 vớt.

Đó là phép lạ đến với cuộc đời tôi lần thứ nhất trên biển đông.

Phép lạ lần thứ hai hiện ra ngay tại văn phòng của thủ đô Phi Luật Tân ở Manila vào ngày 27 tháng 8-2005.

Cuộc đời của tôi đã có dịp kể rõ trong buổi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ như sau:

Hôm đó tôi gặp ông Mỹ trắng hơn 50 tuổi, nói tiếng Việt rất rõ ràng. Tuy có thông dịch viên, nhưng tôi được nói chuyện thẳng với ông và ông hiểu rõ câu chuyện đời tôi. Vừa nói vừa khóc, tôi kể đời tỵ nạn cho ông Mỹ là tại sao tôi là người mẹ có chồng, có con mà 16 năm qua lại ở Palawan một mình. Tôi nói với ông Mỹ như thế này.

Thưa ông, xin ông thương cháu. Bố mẹ gốc miền Bắc, Thiên Chúa giáo, di cư vào Nam 1954, sinh ra cháu có đi học ở Sài Gòn. Trước năm 1975 đã đi học ở trường Đắc Lộ và đỗ tú tài. Cháu thi tuyển vào làm nhân viên dân chính ở Cục Công Binh ở đường Trần Quốc Toản được một năm thì “giải phóng” vào.

Vâng, vì là nhân viên của chính quyền ngụy nên cũng phải đi học tập mấy tuần và phải tham gia công tác thủy lợi. Gia đình di cư, anh cháu lại là trung sĩ nhảy dù nên cuộc sống không có tương lai trong chế độ mới.

Sau cháu lập gia đình rồi đi bán chợ. Khi được hai con, con gái 6 tuổi, con trai 2 tuổi thì cả nhà tìm đường vượt biên. Đã đi nhiều lần không thoát, nhưng lần cuối ngày 10 tháng 6-1989 coi như thành công. Nhưng khổ thay, từ hai ghe nhỏ chở ra ghe vượt biên, gia đình cháu chia đôi. Người tổ chức cho đàn bà đi trước. Cháu xách theo hai giỏ quần áo cho cả nhà. Chồng thì ôm hai đứa con đi với đàn ông ở chuyến sau.

Đàn bà và một số trẻ em lên ghe được tất cả 156 người. Các ghe sau của đàn ông bị bắt lại. Ghe vượt biên thành công ra biển mà chỉ toàn đàn bà, trẻ con với biết bao nhiêu là tiếng khóc. Nhà nào cũng có chồng con kẹt lại. Đã thế còn chưa xong. Đi được ba ngày thì tàu hỏng máy. Tài công bỏ neo cố sửa chữa. Suốt 5 ngày ai nấy đều lo sợ, đạo nào cầu theo đạo ấy.

Sau cùng tàu lại chạy được nhưng chỉ đi tới chứ không đi lui, nên cũng chẳng biết hướng nào mà chạy.

Tiếp theo là cơn bão đen trời kéo đến. Tất cả coi sắp chết hết. Cả tàu lại cầu kinh. Và phép lạ lần đầu tiên hiện ra. Tàu chiến Mỹ chạy đến cứu tất cả 155 người. Chỉ có 1 người chết.

Trên tàu chiến Mỹ của hạm đội 7 có mấy người lính gốc Việt đến giúp dân tỵ nạn. Thôi thì mừng rỡ biết đâu mà kể xiết. Cả tàu viết thư nhờ Mỹ gửi về Việt Nam báo tin. Sau đó Mỹ điện về báo cáo và Cao Ủy thuận, đưa về Phi Luật Tân. Nhưng lúc đó vào năm 1989, trại đã có thanh lọc. Các nước không nhận tỵ nạn dễ dàng như trước.

Thưa với ông Mỹ là cháu ở trại tỵ nạn đã 8 năm trên đảo Palawan. Ngày đêm cầu nguyện cho hai đứa con bỏ lại. Tin tức cho biết là chồng và hai con bị tù vượt biên mấy tháng rồi chạy ra được. Bố con ở với nhau một thời gian rồi cha các cháu gửi hai con nhỏ cho người bác nuôi. Chồng cháu đi kiếm việc làm ăn và được một vài năm thì có vợ khác. Hai đứa con nhỏ làm con nuôi nhưng cũng được nuôi sống qua ngày.

Suốt 8 năm đầu, khai với ông Mỹ là sống rất vất vả trong trại nên không có gì để gửi về cho con. Tưởng là nhân viên dân chính của Cục Công Binh thì cũng có điều kiện đi Mỹ nhưng bị rớt. Tưởng là tàu Mỹ vớt thì cũng có ưu tiên nhưng lại bị từ chối vì vớt sau thời hạn ấn định.

Tuy thương hai con nhỏ nhưng cũng cắn răng chịu và ngày ngày đi làm công tác tình nguyện trông nom các trẻ em không cha mẹ ở trại tỵ nạn.

Sau 8 năm dài, có lệnh trục xuất rồi lại được chính phủ Phi cho về Làng Việt Nam. Ở Làng được thời gian ngắn tôi dọn ra phố để đi bán rong. Mới ra bán hàng được một tuần thì bị cướp sạch. Lại còn bị đánh, hiện trên mặt còn vết sẹo lớn. Nhưng rồi phải gây dựng lại để đi bán rong, quần áo, giầy dép, đủ cả. Những năm sau này bắt đầu có tiền gửi về cho con.

Từ sau năm 2000, nhờ máy điện toán, mẹ con hẹn nói chuyện và coi hình của nhau. Khi nào có tiền là ra ngoài phố. Hai mẹ con còn nhờ người ta chỉ cho để nói chuyện và coi được cả hình. Lúc đầu thì chỉ khóc, rồi dần dần mẹ con trò chuyện, khuyên bảo, nâng đỡ tinh thần nhau.

Tuy nói chuyện, thấy hình ảnh nhưng thực sự không biết ngày nào có thể gặp nhau. Nói với ông Mỹ phỏng vấn là mình thương, nhớ các con biết chừng nào. Mẹ con xa nhau trong một chuyến vượt biên ghê gớm như thế. Nếu ông có đứa con gái 6 tuổi với thằng con trai 2 tuổi mà xa cách 16 năm, ông nghĩ sao"

Rồi để tôi kể tiếp cho các chị nghe. Tuy là đời sống buôn bán có chút tiền nhưng rất vất vả và hoàn toàn không có tương lai. Không lẽ mẹ con cứ xa cách mãi sao"

Đến khi có tin luật sư Trịnh Hội xin cho được đi Mỹ, chúng tôi rất mừng rỡ nhưng nghĩ đến con cái, lòng lại đau thắt ruột. Mẹ con nói chuyện với nhau và các con ước mong được đi như mẹ. Nhưng con ơi, mẹ là dân tỵ nạn 16 năm chờ đợi mới cho đi chứ các con dù mồ côi hay khổ sở nhưng lớn lên ở Sài Gòn thì làm sao mà xin đi được. Thôi đành để mẹ đi trước rồi sẽ xin đoàn tụ sau.

Tôi cũng trình bày hoàn cảnh với ông Mỹ phỏng vấn như thế. Vừa nói vừa khóc. Ông Mỹ này hiểu biết. Chợt ông gặng hỏi là thế hồ sơ của bà đi như thế là bây giờ chỉ có một mình hay sao" Bà có lấy ai ở Phi không" Không, nhà cháu suốt 16 năm vẫn có một mình và ý nghĩa của cả cuộc đời là hai đứa con. Bây giờ, đứa nhỏ đã 18 tuổi và đứa con gái lớn 22 tuổi.

Dù đã biết rằng, hai đứa con của tôi ở Sài Gòn nhưng ông vẫn hỏi: Thế hai đứa con của bà bây giờ ở đâu"

Ôi, Chúa ơi! Tôi khóc thật lớn và nói rằng, ông Mỹ ơi, hai đứa con của cháu hiện giờ nó đứng chờ ở bên ngoài kia.

Ông Mỹ rất ngạc nhiên liền cho hai cháu vào gặp. Qua bao nhiêu là nước mắt, ông Mỹ phỏng vấn cầm hồ sơ ngần ngại, lật qua, lật lại rồi nói rằng: Tôi đặc biệt làm giấy giờ cho con trai bà vì nói dưới 21 tuổi, còn độc thân. Con gái thì trên 21 tuổi, quá 3 tháng nên không nhận được.

Mẹ con tôi lại ôm nhau khóc, nhưng tôi biết rằng, đi được một đứa cũng là phép lạ rồi.

Thú thật là tôi không hề nghĩ sẽ đem cháu đi được nhưng người mẹ nào cũng có những hy vọng rất vô lý.

Vì thế trước khi đi lên Manila phỏng vấn, tôi đã cố gửi tiền về cho hai con chạy xin chiếu khán du lịch qua Phi. Phải mua vé khứ hồi $500 Mỹ kim để được phép đi tối đa 21 ngày.

Tôi bán đồ lấy tiền lên thủ đô vào ở nhà người quen chờ phỏng vấn. Lại ra phi trường đón các con từ Sài Gòn qua rồi cùng đi gặp phái đoàn. Những đứa con tôi chỉ nghe tiếng nói và thấy mặt qua hình nhưng khi gặp lại thì nó đã lớn biết chừng nào. Con gái khi tôi bỏ đi có 6 tuổi. Con trai 2 tuổi. Chia tay ở Năm Căn, Cà Mau tưởng chốc lát gặp lại, nào ngờ vĩnh biệt.

16 năm mới gặp lại. Cháu gái sắp tốt nghiệp đại học. Thằng con trai năm nay 18 tuổi, vừa thi đỗ vào đại học. 30 ngàn người mà chỉ tuyển có 300, vậy mà cháu đỗ được hai ngày thì đem túi quần áo qua Phi tưởng là gặp mẹ lần chót tiễn chân đi Mỹ. Chúng nó chờ tôi ở ngoài, xem mẹ phỏng vấn có đậu không.

Qua câu chuyện đầy nước mắt, phép lạ lần thứ hai trong đời tôi đã xảy ra. Ông Mỹ cho con trai tôi ghép hồ sơ. Mẹ độc thân ở trại 16 năm chợt có thêm đứa con 18 tuổi.

Con trai tôi cầm thông hành du lịch đi khứ hồi mà nay đổi qua diện tỵ nạn cấp kỳ. Nó xững sờ không thể ngờ được sự kêu nài vớ vẩn của mẹ thành sự thật.

Cháu đến Phi ngày 25 tháng 8-2005 ở đảo Palawan với tôi đến 28 tháng 11-2005 là vào Mỹ. Chị nó ở chơi với tôi và em đủ 21 ngày là phải trở về Sài Gòn để dự thi tốt nghiệp.

Các bác có biết không" Tôi là mẹ mà không nuôi được con. Chị em nó đùm bọc nhau suốt 16 năm. Trong chuyến đi Phi, em được ở lại với mẹ, chị phải về Sài Gòn chỉ vì khai sinh lớn hơn có 3 tháng nên quá 21 tuổi. Giữa chị em nó tình cảm lớn lao làm sao đo được. Bây giờ chúng nó lại chỉ gặp nhau trên máy điện toán.

Ngay sau khi tôi mở đường suôi lọt thì bà con còn lại điện về Sài Gòn cho các đám con dưới 21 tuổi mấy chục đứa qua Phi vào phỏng vấn đều đi được hết.

Thật cũng đáng công cha mẹ ở lỳ bên Palawan 16 năm dài để phúc cho con.

Khi tôi được tàu Mỹ vớt vào năm 1989, các anh lính Việt trên tàu Mỹ nói là có lệnh của tổng thống từ thời ông Carter. Đồng bào Việt Nam biểu tình thắp nến ở thủ đô được ông tổng thống Mỹ thương cảm mà chấp thuận cho hải quân cứu thuyền nhân. Đó là phép lạ lần thứ nhất.

Đến lần phép lạ lần thứ hai, 16 năm sau đưa được con trai của tôi vào Mỹ, không biết nhờ được thần linh nào giúp đỡ hay chỉ do ông Mỹ phỏng vấn thấy tôi khóc quá nên rủ lòng thương.

Bây giơ tôi thấy ngày tháng sao quá lâu, chỉ mong sao cho qua mau để làm hồ sơ đoàn tụ cho con gái tôi là Nguyễn Hương Nhiên được may mắn như em nó.

Còn con trai tôi là Nguyễn Đức Cảnh, mới qua nhưng đã thi được bằng lái xe. Mẹ con chỉ mong sao thuê được chỗ ở rẻ tiền vì từ lúc vào thiên đường nước Mỹ đến nay, cháu chưa được ngủ trên giường.

Tuy nhiên, tôi vẫn biết tôi là bà mẹ đau khổ nhất nhưng cũng là bà mẹ sung sướng nhất. Con trai 2 tuổi của tôi suốt 16 năm sống không có mẹ, bây giờ chợt lại sống có mẹ một bên. Nhà không có tiền mà trở thành đi du học Hoa Kỳ.

16 năm dài chờ đợi ở đất Phi, bây giờ đã trở thành tiền bạc mua hạnh phúc cho tương lai của con tôi. Phép lạ biển Đông 16 năm trước cứu được mẹ, phép lạ 16 năm sau trên đất Phi, trong phòng thanh lọc, ông Mỹ lại cứu thêm đứa con tôi.

Đó là câu chuyện của một người mẹ không nuôi được con chỉ có cầu nguyện và nước mắt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.