Hôm nay,  

Viễn Châu: Đời Một Nghệ Sĩ Tài Danh Lúc Về Chiều

18/05/200500:00:00(Xem: 6502)
Thưa quý đồng hương,
Lần về Việt Nam thăm gia đình mới đây, trong một buổi ăn sáng với soạn giả Nguyễn Phương, Tú Trinh và Trường Kỳ, tôi được nghe qua tình cảnh thương tâm của Viễn Châu, một nhạc sĩ nổi tiếng về đàn tranh và là soạn giả tài danh chuyên viết những bài ca ngắn cho các hãng dĩa và tuồng hát cho sân khấu cải lương miền Nam trước 75. Hoàn cảnh của soạn giả Viễn Châu hiện nay còn bi đát hơn nhạc sĩ Đức Quỳnh trước kia mà tôi đã gặp.
Tôi xin kể sơ qua trường hợp nhạc sĩ Đức Quỳnh.
Một hôm tôi và vài người bạn vào quán Ông Cả Cần ở đường Trương minh Giảng, một quán ăn có phụ diễn nhạc giúp vui. Món nổi tiếng tại đây lúc bấy giờ là "Bánh bao Cả Cần" bán tại đây và nhà hàng Thủy Tiên ở gần ngã sáu Chợ Lớn. Quán này không có sân khấu vì phần ca nhạc được coi là phụ thuộc. Giữa quán để một đàn piano, bao quanh là những bàn ăn của thực khách. Phần ca nhạc chỉ có một người, dáng tiều tụy, vừa đàn vừa hát với một máy đánh trống rất thô sơ thời bấy giờ. Lúc giải lao, chúng tôi mời ông ngồi vào bàn chúng tôi. Ông tự giới thiệu ông là nhạc sĩ Đức Quỳnh, trước kia có phòng trà nổi tiếng mang tên ông, tọa lạc trên lầu rạp chớp bóng Việt Long. Lúc đó biết bao người đến năn nỉ ông thu nhận làm học trò. Cũng chính nơi đó, ông đã đào tạo nhiều ca sĩ nổi tiếng. Theo dòng thời gian, họ càng nổi tiếng kiếm được nhiều tiền thì trái lại tuổi đời ông đã cao, tài nghệ cũng xuống dần theo năm tháng, tiền kiếm được càng ngày càng ít đi. Ông cũng không ngờ ông phải bám vào một nơi như thế này để kiếm sống qua ngày trong lúc học trò ông được các hãng dĩa, băng nhạc, các đài phát thanh, truyền hình, Đại nhạc hội tranh nhau săn đón như TT, MH... Để kết thúc câu chuyện, trở lại phục vụ khách hàng, ông thở dài thốt ra câu: "Đời là thế!" Đó là câu tự an ủi mà chúng ta thường nghe từ một người lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, không lối thoát của những nghệ sĩ lúc về chiều.
Thời đó, ít nhứt nhạc sĩ Đức Quỳnh còn có cơ hội để kiếm sống lai rai qua ngày. Còn trường hợp soạn giả Viễn Châu bây giờ thì khác hẳn, xin để soạn giả Nguyễn Phương kể hầu quí vị ở đoạn sau.
Tuy không cùng một lãnh vực, nhưng cùng một sở thích là yêu mến văn nghệ, nên tôi yêu cầu soạn giả Nguyễn Phương cho biết thêm chi tiết, xem có cách nào giúp đỡ không. Bởi vì, hầu hết những ai thích ca cổ hay tuồng cải lương, đều không xa lạ gì với tên tuổi nhạc sĩ Bảy Bá hay soạn giả Viễn Châu dù chưa một lần gặp mặt. Một số lớn nghệ sĩ thành danh được nhiều người biết đến cũng nhờ những sáng tác của ông. Trong các buổi văn nghệ bỏ túi hay trình diễn văn nghệ đông người, mọi người say mê những bài ca với lời văn trau chuốt, cốt chuyện và nội dung phong phú lôi cuốn người nghe là do công lao miệt mài, nặn tim óc của soạn giả viết ra. Đó là trường hợp của danh cầm Bảy Bá hay soạn giả Viễn Châu, hiện đang lâm vào tình cảnh khó khăn, tuyệt vọng cần sự giúp đỡ sau gần suốt cuộc đời đã bỏ bao công sức đóng góp cho nền ca cổ và sân khấu nước nhà, chưa được đền bù xứng đáng.
Lương an Cảnh
*
Sau khi trở về Úc, tôi có nhận được thơ từ Canada của soạn giả Nguyễn Phương như sau:
Gửi em Cảnh và các bạn yêu thích ngành ca cổ tại Úc Châu,
Tôi vừa về Việt Nam và có đến thăm soạn giả Viễn Châu. Anh bị tai nạn và gãy xương bánh chè, không đi lại được. Hiện anh đã về hưu, mỗi tháng chỉ lãnh được 600,000đ VN.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn, không tiền thuốc thang, không người thăm viếng an ủi, anh vô cùng khổ sở và tuyệt vọng.
Tôi có giúp anh chút ít, nhưng không thấm vào đâu trong tình cảnh hiện tại của anh. Tôi cũng đang kêu gọi lòng hảo tâm của những người yêu thích cổ nhạc khắp mọi nơi, mỗi người một ít, giúp cho người nghệ sĩ về chiều qua cơn hoạn nạn. Tôi có kèm theo đây bài viết về tiểu sử của anh.
*
Sân Khấu Và Cuộc Đời - Tiểu sử của soạn giả Viễn Châu
Trong chương viết về các nhạc sư, nhạc sĩ cổ nhạc trong các thập niên từ 40 đến 70, tôi không biết mời nhạc sĩ đàn tranh Bảy Bá ngồi ở hàng ghế danh dự nào" Một lý do giản dị là vì anh quá đa tài trong nhiều lãnh vực.
Về đàn tranh, anh được xếp ngang hàng với một danh cầm đàn anh là Sáu Quí. Về viết lời ca vọng cổ, anh cũng được xếp hàng đầu. Về tuồng cải lương, anh cũng được coi là một soạn giả tài danh, đứng trong hàng ngũ những soạn giả có tuồng ăn khách nhất. Về tài làm thơ, tuy không nổi bật như Kiên Giang Hà Huy Hà, Xuân Diệu, Nguyễn Bính v.v... nhưng anh đã sáng tác hàng ngàn câu thơ hay trong các bài vọng cổ của anh. Trong lãnh vực hài hước, anh viết trên 200 bài, chẳng những mang lại những nụ cười hóm hỉnh và châm biếm cho khán thính giả khắp nơi, mà còn để nói lên những tệ nạn, thói hư tật xấu trong xã hội. Anh cũng là người đề xướng một lối ca mới là "tân cổ giao duyên," từng gây tranh luận sôi nổi trên các trang kịch trường trong thập niên 60 và 70.
Nhạc sĩ Bảy Bá hay soạn giả Viễn Châu có tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Hậu, tỉnh Trà Vinh. Cha mẹ anh sống về nghề ruộng rẫy, chỉ tạm đủ sống vì nhà đông con. Anh là người con thứ bảy trong gia đình nên các bạn trong nhóm đàn ca tài tử gọi là Bảy Bá. Anh có năng khiếu về văn thơ và say mê âm nhạc từ nhỏ. Anh học hết lớp năm, lấy bằng cấp Sơ Học hồi đó rồi nghỉ học ở nhà giúp cha mẹ. Lúc rảnh rỗi anh theo các bạn học đàn ca cổ nhạc và học đàn kìm.
Theo lời anh kể thì trong nhóm đàn ca tài tử của anh, có một anh nọ có tiền, thích đàn tranh, nên mua đàn và rước một ông thầy mù về dạy. Bảy Bá rất thích đàn tranh nhưng không có tiền, nên mỗi khi ông thầy dạy anh bạn, anh chú tâm theo dõi và học lóm. Thời bấy giờ, người ta thường dùng đàn kìm, đàn cò, guitar phím lõm, chứ ít người biết dùng đàn tranh. Anh bạn không có năng khiếu, học hoài vẫn không có kết quả nên chán nản, thôi học và cho Bảy Bá cây đàn. Anh bắt đầu tập dượt. Vì có năng khiếu và chuyên cần nên anh được mọi người biết đến khi mới 15 tuổi.
Nhạc sĩ Sáu Quí, một danh cầm đàn tranh thời bấy giờ đàn cho gánh cải lương Con Tầm, nhân dịp về Trà Vinh thăm nhạc sư Hai Phát, nghe nhiều người nói về Bảy Bá, đến gặp. Sau khi nghe Bảy Bá đàn, ông công nhận Bảy Bá là một nhạc sĩ có tài, tương lai sẽ rực rỡ trong lãnh vực cải lương và cổ nhạc. Quả thực lời tiên đoán đó không sai.
Đến nay, tuy đã ngoài 80 tuổi, nhớ lại thuở khởi đầu nghiệp cầm ca, anh cảm thấy lời nói của danh cầm Sáu Quí vô cùng quí báu, đã khuyến khích anh trên đường nghệ thuật, nhắc nhở anh luôn cố gắng mỗi khi gặp khó khăn.
Khi cha mẹ mất, anh không màng đến việc dự phần chia tài sản, một mình với cây đàn tranh lên Sàigòn lập nghiệp. Nhờ ngón đàn điêu luyện, anh được các bạn mới quen trong giới nghệ sĩ giới thiệu đàn cho các buổi tiệc và đài phát thanh Pháp Á.

Tuy thỏa mãn sự đam mê nghệ thuật, nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn, anh lang thang, nay ngủ nhờ nhà bạn này, mai nhờ nhà bạn khác, chỉ có cây đàn tranh là người bạn chung thủy, luôn luôn bên cạnh mình.
Khi thành danh, báo chí phỏng vấn anh, hỏi kỷ niệm nào đáng ghi nhớ nhất khi mới vào nghề, anh liền lấy ra một hộp gỗ khảm xà cừ, cất kỹ trong hộc tủ bàn thờ cha mẹ anh. Trong hộp đó chỉ đựng duy nhất tờ giấy bạc "Một Đồng Bạc Đông Dương" mà anh coi như một báu vật suốt nửa thế kỷ qua... Khi nhắc lại lai lịch tờ giấy bạc đó, anh không ngăn được dòng lệ, vì nó đã gợi lại cho anh một kỷ niệm khó quên và sau đây là câu chuyện về lai lịch tờ giấy bạc.
Năm 1940, khi vừa lên Sàigòn vài tháng, anh được các nhạc sĩ đưa đi đờn cho một cuộc vui ở Giồng Ông Tố. Vì cuộc vui kéo dài quá khuya nên anh mệt mỏi ngủ say, khi thức giấc thì các bạn đã trở về Sàigòn từ lúc nào không biết. Vì xứ lạ quê người, không biết đường đi nước bước, không quen biết một ai, trong túi lại không tiền, anh không biết làm cách nào để trở lại Sàigòn. Vừa đói lại vừa sợ, anh ôm cây đàn tranh đi loanh quanh từ chợ ra tới vệ đường gần cây cầu đúc, hy vọng gặp một người quen, để có thể nhờ giúp đ." Nhưng anh hoàn toàn thất vọng. Anh ôm cây đàn, ngồi trên bậc xi măng của cây cầu, gục mặt suy nghĩ tìm cách để về. Bỗng có một người vỗ vai anh và hỏi có chuyện gì buồn mà ngồi ở đây" Có lẽ ông ta tưởng anh thất tình hay buồn chán việc gì rồi có ý định tự tử chăng" Ông liền rủ anh trở lại chợ và mời anh ăn hủ tiếu với ông cho vui. Khi nghe anh thuật lại đầu đuôi, ông liền nhét vào túi anh đồng bạc Đông Dương, dẫn anh đến một anh đánh xe ngựa, trả tiền xe cho anh về Sàigòn. Vì quá mừng, anh chỉ biết cám ơn ông luôn miệng mà quên hỏi tên và địa chỉ của ông ta và đồng bạc ông ta cho anh không dám xài, mà giữ làm kỷ niệm.
Sau khi ông Sáu Quí giới thiệu anh vô đàn cho đoàn Việt Kịch Năm Châu, việc làm ổn định có chút ít tiền, anh trở lại Giồng Ông Tố tìm vị ân nhân, nhưng không ai biết. Anh chàng đánh xe ngựa trước kia cũng không tìm thấy, vì thế không sao anh đền ơn đáp nghĩa được. Anh có viết báo kể lại câu chuyện thật, mong rằng vị ân nhân đọc qua, biết và liên lạc với anh. Nhưng đã 50 năm trôi qua, anh vẫn chưa tìm ra được người đã cứu giúp anh. Anh nghĩ có lẽ ông ta đã ra người thiên cổ, vì vậy anh luôn giữ tờ giấy bạc ơn nghĩa nầy như thờ ông trong tâm tưởng của anh. Trong những buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện, anh luôn luôn tích cực tham gia, coi như noi gương người ân đã giúp anh, nhưng không cần đền đáp.
Anh tham gia đoàn Việt Kịch Năm Châu từ năm 1943, lưu diễn từ Nam chí Bắc. Nghệ sĩ Năm Châu thấy ngoài tài đàn, anh còn có khả năng làm thơ, viết văn, nên khuyến khích và hướng dẫn anh trong việc soạn tuồng cải lương.
Nhạc sĩ Bảy Bá nổi danh trong lãnh vực viết bài ca và tuồng cải lương với tên Viễn Châu. Anh cho biết quê anh ở xã Đôn Châu, vì say mê văn nghệ nên anh phải xa quê (Viễn xứ), nên anh lấy chữ Viễn để đầu, Châu là chữ sau, tên quê anh, ghép vào thành Viễn Châu, để mãi mãi nhớ đến nơi mình mở mắt chào đời.
Vở tuồng đầu tiên anh viết có tựa là "Nát Cánh Hoa Rừng," cảm tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn. Anh viết tất cả khoảng trên 50 tuồng cho sân khấu cải lương mà tôi còn nhớ được một số như: "Tình mẫu tử," "Đời cô Nga," "Sau bức màn nhung," "Hoa Mộc Lan" v.v...
Về lời ca, có thể nói những bài anh viết rất nổi bật, sáng chói. Tất cả các nghệ sĩ thành danh, được phong ngôi vương, không ít thì nhiều đều nhờ hát những bài ca do anh viết.
Út Trà Ôn vua Vọng cổ, khởi đầu được khán thính giả ưa thích qua các bài "Tôn Tẫn giả điên," "Thái sư Văn Trọng giáng thập điều,.".. Nhưng mãi về sau người ta nhớ và nhắc Út Trà Ôn qua các bài vọng cổ: "Tình anh bán chiếu," "Ông lão chèo đò," "Sầu vương ý nhạc," của Viễn Châu.
Út Bạch Lan khi mới vào đoàn Kim Thanh - Út Trà Ôn chỉ làm thể nữ, quân hầu. Viễn Châu viết vọng cổ thêm vô tuồng "Tình Vương hoa thắm" để giới thiệu giọng ca Út Bạch Lan. Sau đó Viễn Châu viết nhiều bài ca vọng cổ khác và hướng dẫn cho Út Bạch Lan ca trên các hãng dĩa Asia, Hồng Hoa, Continental, Việt Nam, Việt Hải... Từ đó Út Bạch Lan được nổi danh và được phong tước hiệu Nữ Hoàng Vọng cổ.
Các khôi nguyên Vọng cổ từ thập niên 60 trở về sau như: Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Tuấn đều ca các bài vọng cổ của Viễn Châu khi đi thi ca vọng cổ và nhờ đó mà đoạt giải khôi nguyên.
Trong các lớp dạy cổ nhạc của các nhạc sư giỏi, có uy tín như Út Trọng, Hai Khuê, Văn Vĩ, Bảy Quới, Tấn Nhì, Văn Giỏi, Vỹ Chổ, Ba Tu, Kim Anh, Hoàng Huệ, Văn Còn, Thanh Hải v.v..., đều dùng các bài vọng cổ của Viễn Châu sáng tác làm bài mẫu để dạy học trò.
Người ta luôn nhắc nhở và khen Hữu Phước - Thành Được trong bài vọng cổ "Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha." Hữu Phước được phong tặng tước hiệu "Giọng ca vàng" nhờ trình bày các bài vọng cổ của Viễn Châu như: "Tần Quỳnh khóc bạn," "Mục Liên tìm mẹ," "Nhựt ký đời tôi," "Lá bàng rơi," "Đêm tái ngộ"; Út Bạch Lan-Thành Được được nhắc nhở qua các bài: "Hoa Lan trắng," "Thương về xứ Huế," "Vợ tôi đi lấy chồng;" Hương Lan nổi danh qua bài "Đời nghệ sĩ."

Các nghệ sĩ khác nổi danh cũng nhờ vào một số bài của Viễn Châu như: Mỹ Châu, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Hải, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Tuấn, Hoài Thanh, Đỗ Quyên v.v...

Ca sĩ Thanh Tuyền trong lần về thăm quê hương cũng tìm đến Viễn Châu, nhờ anh viết 4 câu vọng cổ "Xin trả tôi về quê hương ngày cũ" để thu trong băng video "36 năm tiếng hát Thanh Tuyền."
Trước sau Viễn Châu đã viết khoảng 2,000 bài vọng cổ. Nội dung mỗi bài được coi như một chuyện tình ngắn, tâm sự và nhân vật đều khác nhau, không có sự trùng hợp hay lập lại, mọi người khi nghe qua đều khâm phục.
Nói về Viễn Châu, rất có nhiều đề tài cho chúng ta nhắc đến. Chỉ riêng hai trăm bài vọng cổ hài hước của anh do Văn Hường, hề Sa, hề Minh, hề Quới ca cũng là hai trăm chuyện châm biếm những thói hư tật xấu ở đời, lột trần bề trái xã hội, ghi dấu một thời kỳ va chạm của phong tục tập quán xưa cũ và cái nếp sống văn minh tiến bộ mới.
Và thêm một vấn đề khác cần đưa ra để bàn cãi, đó là sáng kiến của Viễn Châu khi đưa ra một đường lối mới là "Tân Cổ giao duyên" trong thập niên 60, 70. Việc làm này đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các báo chí Văn Nghệ trong nước, phe ủng hộ rất đông, phe phản đối cũng không kém. Tuy nhiên, những bài Tân cổ giao duyên vẫn còn tồn tại đến ngày nay và vấn đề tranh cãi dường như cũng không còn nữa.
Soạn giả Nguyễn Phương - Canada
Kính thưa vị có lòng hảo tâm,
Nếu quí vị có nhã ý giúp soạn giả Viễn Châu, xin gửi thẳng về:
Trương văn Bảy (tức nhạc sĩ Bảy Bá hay soạn giả Viễn Châu).
TK8/11 đường Trần Hưng Đạo
Phường Cầu Kho, Quận 1, TP-HCM, Vietnam.
ĐT: 84-8-9201062.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.