Hôm nay,  

Phỏng Vấn: Bs Nguyễn Mạnh Tiến, Người Vừa Được Úc Trao Tặng Huy Chương Oam

07/02/200500:00:00(Xem: 4990)
LGT: Trong ngày Quốc Khánh Úc Đại Lợi 26 tháng Giêng 2005 vừa qua, cộng đồng người Việt tại Úc vô cùng vinh dự và vui mừng có anh Đỗ Khoa được trao tặng danh hiệu Young Australian of the Year, và Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến được trao tặng huy chương OAM. Nhân dịp này, Sàigòn Times đã ngỏ ý được phỏng vấn BS Nguyễn Mạnh Tiến qua email, và được BS chấp thuận. Sàigòn Times chân thành cảm ơn BS, và sau đây xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả những suy nghĩ cùng tâm tình của BS Nguyễn Mạnh Tiến sau khi BS được trao tặng huy chương OAM.

* * *

SGT: Thưa Bác sĩ, người Việt tại Úc hân hạnh được biết, Bác sĩ vừa được Council for the Order of Australia trao tặng huy chương OAM để vinh danh những cống hiến phục vụ của BS đối với cộng đồng người Việt tại Úc, cũng như tại hải ngoại, và đặc biệt là những đóng góp qúy báu của BS đối với người tỵ nạn nói chung. Vậy xin BS cho biết, BS đã hay biết mình được trao tặng huy chương trong hoàn cảnh nào" Người đầu tiên BS báo tin mừng này là ai" Cảm tưởng của BS như thế nào khi nhận được tin mừng này" Và nếu gọi Medal of the Order of Australia (OAM) bằng tiếng Việt, BS gọi như thế nào"
BS N.M.Tiến: Tôi nghĩ rất khó để "dịch" chính xác cụm từ OAM, bởi lẽ đơn giản là Việt Nam chúng ta không có huy chương nào giống hệt như thế. Vậy thì cứ gọi nguyên văn tên của nó là huy chương hay bội tinh OAM cho gọn! Trước hết, tôi phải cảm ơn anh Dương Xuân là người đã đứng ra làm đơn đề cử tôi. Thực ra, anh Xuân đã nói chuyện này với tôi từ 3, 4 năm trước đây và yêu cầu tôi gửi cho anh những chi tiết về những công việc tôi đã làm trong những năm qua để anh viết hồ sơ đề cử. Đầu tiên, tôi ngần ngại, phần vì không muốn "khoe khoang thành tích" kẻo thiên hạ lại nghĩ rằng mình "show off", phần khác cũng vì bận và... lười! Nhưng anh Xuân luôn luôn thúc dục nhắc nhở, và thuyết phục tôi rằng cộng đồng mình cần phải có nhiều tiếng vang tốt như có nhiều người đạt được huy chưong, khen thưởng này khác để giúp làm tăng thêm uy tín với các CĐ bạn và với CĐ chính mạch Úc. Mãi đến giữa năm 2003, sau cuộc biểu tình 30/4, được rảnh rỗi đôi chút tôi mới bỏ ra một buổi để tìm kiếm các dữ kiện, tài liệu và đưa cho anh.
Bẵng đi hơn một năm trời không thấy động tĩnh gì, tôi gần như đã quên hẳn việc này. Cho đến cách ngày Australia Day độ 2 tuần thì tôi nhận được một lá thư của Hội Đồng Huy Chương Úc Châu (Council for the Order of Australia) báo cho biết rằng tôi đã được chọn là một trong những người được lãnh huy chương OAM năm nay, nhưng phải giữ kín cho đến khi kết quả được chính thức công bố vào sáng ngày Australia Day 26/01.
Tôi rất vui, phần thì đây là một vinh dự lớn lao cho cá nhân mình (mỗi năm chỉ có 2 dịp tưởng thưởng huy chương là ngày Australia Day và ngày Queen's Birthday, mỗi dịp như thế trên toàn quốc chỉ có khoảng 7, 8 trăm người được huy chương OAM), phần khác, nó cũng góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt trên đất Úc.
Và lẽ dĩ nhiên, người đầu tiên mà tôi gọi điện thoại "khoe" tin mừng này là bà xã tôi, người gần gũi và chia xẻ với tôi nhất. Chiều hôm ấy khi đi làm về, trong lúc cả nhà ngồi ăn cơm tôi cũng nói cho 3 cô con gái của tôi biết, và dặn dò mọi người là phải giữ kín theo đúng luật định. Ngoài gia đình ra, tôi không nói tin này cho ai biết cả.
Xin phép được nói thêm rằng, tôi cảm thấy mình rất may mắn có một tiểu gia đình rất hiểu biết, thông cảm và chia xẻ với tôi những điều mà tôi tin tưởng, thậm chí vui vẻ chấp nhận thiệt thòi khi tôi phải bỏ ra nhiều thời giờ làm việc cộng đồng, do đó không gần gũi nhiều với vợ con như những người chồng, người cha khác. Không có được sự hỗ trợ như thế từ vợ con là những người thân yêu gần gũi mình nhất, chắc chắn tôi không thể làm việc CĐ bền bỉ như vậy từ hơn 18 năm qua.
SGT: Trong năm 2005, ngoài anh Đỗ Khoa được trao tặng danh hiệu "2005 Young Australian of The Year", và BS được trao tặng OAM, còn có người Việt nào ở Úc được hưởng vinh dự tương tự" Và từ xưa đến nay, trong cộng đồng VN đã có những ai được trao tặng huy chương các loại, thưa Bác sĩ"
BS N.M.Tiến: Năm nay, ngoài Đỗ Khoa và tôi còn có một ngươì trẻ khác là em Margaret Nhã Ca Nguyễn cũng được Hội Đồng Thị Xã Fairfield bầu là "Công Dân Trẻ Tuổi Xuất Sắc", và đó cũng là một vinh dự đáng kể cho CĐ người Việt. Điều đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là trong năm nay 2005, đánh dấu 30 năm hiện diện của người Việt trên đất Úc, việc Đỗ Khoa được bầu làm Young Australian of The Year (mỗi năm chỉ có 1 người mà thôi!) là một vinh dự rất lớn, nói lên được một cách cụ thể sự hội nhập thành công cũng như những đóng góp to lớn của người Việt cho xã hội Úc. Khi nghe tin này, tôi đã điện thoại ngay để chúc mừng Khoa, vốn là một người trẻ đã từng làm việc chung với tôi trong nhiều công tác, đặc biệt là công tác gây quỹ giúp những thuyền nhân Việt bị thế giới bỏ rơi tại Phi Luật Tân.
Trong quá khứ đã có một số người Việt được tưởng thưởng những vinh dự có tầm vóc quốc gia: hai vị cựu Chủ Tịch CĐNVTD/Liên bang Úc Châu là LS Lưu Tường Quang và BS Bùi Trọng Cường, Chủ tịch CĐNVTD Queensland ông Trần Hưng Việt, Tiến sĩ Trần Mỹ Vân ở Adelaide... và một số người khác tôi không nhớ hết. Vào năm 1998 hay 99 gì đó thì danh hiệu Young Australian of The Year, vì lý do khó hiểu nào đó, được trao cho một cô người Việt rất ít người biết là con gái của nghị viên Hồ Mai ở Melbourne. Việc này cũng đã gây nhiều xôn xao trong dư luận người Việt.


SGT: The Order of Australia được thành lập vào năm 1975, và từ đó đến nay đã có trên 14,000 người được trao tặng huy chương các loại. Vậy so với các cộng đồng khác, số người Việt được trao tặng huy chương ít hơn rất nhiều. Bác Sĩ có thể cho biết nguyên nhân được không"
BS N.M.Tiến: Theo chỗ tôi biết, nếu xét theo tỷ lệ dân số thì con số người được tưởng thưởng huy chương OAM trong những CĐ khác như CĐ người Ý, người Hy Lạp, người Hoa... vv năm nào cũng cao hơn CĐ mình nhiều. Lý do không phải là vì họ có nhiều người giỏi giang xứng đáng hơn chúng ta, mà chính là vì họ chịu khó đề cử người dự tranh những huy chương, giải thưởng đó hơn mình, vì họ hiểu rõ tác dụng làm tăng uy tín của CĐ qua việc có nhiều cá nhân đạt được những vinh dự như thế trước công luận Úc.
Nhìn lại CĐ chúng ta, tôi chắc chắn rằng có rất nhiều người đã đóng góp rất đáng kể vào những công tác CĐ, trong các lãnh vực từ thiện, văn hóa nghệ thuật, giáo dục... vv, xứng đáng để được nhận lãnh những huy chương, giải thưởng. Vấn đề là phải có người đề cử, chịu khó sưu tập và tổng hợp những thành tích của người được đề cử và lập hồ sơ gửi đi.
Do đó, tôi kêu gọi người Việt chúng ta hãy sốt sắng hơn trong việc đề cử những người trong CĐ có thành tích phục vụ CĐ, hoặc có những thành đạt về chuyên môn đáng kể và gửi hồ sơ đề cử cho Hội Đồng Huy Chương Úc Châu để được xét duyệt. Càng có nhiều hồ sơ đề cử, chúng ta càng có nhiều cơ hội có nhiều người Việt được chọn để trao tặng những vinh dự này. Không đề cử ai thì dĩ nhiên chúng ta sẽ chẳng có người nào trong CĐ được lãnh huy chương!
SGT: Xin BS cho biết, cách thức đề cử như thế nào" Căn cứ vào những tiêu chuẩn gì" Cơ quan nào cứu xét" Số người đề cử đông, hoặc những người đề cử là người có uy tín, có chức vụ cao trong xã hội, liệu có ảnh hưởng đến việc xét duyệt hay không"
BS N.M.Tiến: Cơ quan cứu xét việc trao tặng những huy chương quốc gia hàng năm là Hội Đồng Huy Chương Úc Châu. Đơn đề cử và chi tiết về các huy chương quốc gia có thể lấy được bằng cách vào website http://www.itsanhonour.gov.au/about/medal_descriptions/order_of_australia. html
Hội Đồng sẽ họp và duyệt xét các hồ sơ đề cử mỗi năm 2 lần. Tiêu chuẩn chọn lựa cho huy chương OAM là "những hoạt động xứng đáng được đặc biệt công nhận" (services worthy of particular recognition). Hội Đồng sẽ xem xét từng hồ sơ, và sẽ chọn trao tặng huy chương cho những ứng viên nào mà họ cho rằng có những nỗ lực đáng kể và thành tích xuất sắc trong việc phục vụ CĐ, hay những đóng góp nổi bật trong một lãnh vực nào đó.
Theo anh Xuân cho biết, hồ sơ đề cử phải nêu bật được những thành tích của ứng viên, kèm theo những tài liệu, hình ảnh, chứng cớ cụ thể và tên họ, địa chỉ cùng số điện thoại của những người chứng (referees) để Hội Đồng liên lạc và kiểm chứng khi cần. Con số người ký vào đơn đề cử, chức vụ của người đề cử hay của ứng viên... vv đều không có ảnh hưởng gì đối với quyết định của Hội Đồng Huy Chương Úc Châu.
SGT: BS đã làm việc CĐ từ hơn 18 năm nay trong nhiều lãnh vực, và lúc nào cũng tỏ ra hăng say năng nổ, luôn luôn tìm sáng kiến mới để phát triển những công việc chung. Động cơ nào khiến BS làm cái công việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" bền bỉ được như vậy"
BS N.M.Tiến: Tôi đã trải qua rất nhiều nguy hiểm, đã từng cận kề cái chết qua những tháng dài nằm tại vùng hỏa tuyến trong những năm cuối cùng của cuộc chiến VN, đã trở về sau mấy năm đày đọa trong trại tù CS, đã sống sót sau một chuyến hải hành khủng khiếp, đói khát trên con thuyền hỏng máy trôi lênh đênh hàng chục ngày trên biển Đông... Không những thế, tôi còn may mắn được nhận định cư tại nước Úc tươi đẹp này, được có cơ hội lấy lại bằng cấp, có cuộc sống sung túc ổn định, có một tiểu gia đình êm ấm hạnh phúc... Trong khi đó, có biết bao nhiêu người cũng cùng cảnh ngộ tương tự nhưng lại xấu số, bất hạnh hơn tôi, đã chết trận, chết trong tù, bỏ thây ngoài biển cả, hoặc còn sống lây lất bên lề xã hội tại VN... Tôi tự cho rằng mình mắc một món nợ lớn đối với cuộc đời, đối với nhân loại. Do đó, để trả lại một phần nào những ân sủng mà cuộc đời đã rộng rãi ban phát cho tôi, tôi không cho phép mình được sống ích kỷ, và trong khả năng và thời giờ hạn hẹp, cố gắng đóng góp hết sức mình cho xã hội, cho cộng đồng, cho những người chung quanh, chỉ mong rằng mình góp sức để làm cho cuộc đời đẹp hơn, tốt hơn một chút xíu. Vâng, chỉ một chút xíu thôi, chứ không dám có tham vọng vá trời lấp biển!
Tôi cũng nghĩ - giống như ý nghĩ của John Lennon qua bài hát "Imagine" - rằng nếu như trên cuộc đời này, ai cũng lưu tâm đến việc góp tay làm cho xã hội chung quanh tốt hơn một chút xíu, thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao!
Đây là những suy nghĩ chủ đạo quyết định cách sống của tôi từ gần 20 năm nay, và tôi nghĩ tôi sẽ sống như thế cho đến hết đời.
SGT: Nhân dịp được trao tặng Huy chương OAM, BS có điều gì muốn nhắn gửi"...
BS N.M.Tiến: Tôi xin mượn trang báo này để nói với các anh chị em trong CĐ đã từng cộng tác với tôi trong nhiều công tác những năm qua: những "thành tích" mà tôi đạt được sẽ không thể nào có nếu không có sự cộng tác đóng góp nhiệt thành của các bạn. Huy chương OAM này, tôi xin thay mặt các bạn để nhận lãnh, và xin vinh danh tất cả những kẻ có lòng đã từng đóng góp công sức trong những việc chung mà chúng ta đã cùng làm với nhau. Xin các bạn nhận nơi đây lòng thành thật biết ơn của tôi, và mong rằng trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh trong việc phục vụ và xây dựng CĐ.
SGT: Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.