Hôm nay,  

Những Ngày Không Quên

20/05/200500:00:00(Xem: 5104)
(Hạng khuyến khích giải thi viết văn nhân Ngày Đấu Tranh Cho Tự Do Việt Nam 30-4-2005)
Mỗi lần ngày 30 tháng tư đến, những hình ảnh của cuộc đổi đời bi thảm, của cả dân tộc tôi nói chung và của gia đình tôi nói riêng, lại quay trở lại trong đầu óc tôi như một cuốn phim vừa mới xem hôm nay. Dù đã gần ba thập niên những hình ảnh đó sao vẫn còn mới" Những dòng lệ của cha mẹ, bạn bè, họ hàng tôi, sao vẫn còn nóng" Những vết thương trong tâm hồn mà tôi và những người thân của tôi đã mang phải từ những năm sống mất quyền làm người dưới chế độ Cộng Sản, sao vẫn còn tươi" Tuy thời gian không làm nhạt phai những xúc động đó bao nhiêu, nhưng nó đã đem đến cho tôi những kiến thức và suy tư mới về lịch sử và vận mệnh của dân tộc tôi. Trong 30 ngày 30 tháng tư tôi đã sống qua, một số ngày là những cái mốc lịch sử của cả dân tộc tôi, và một số có ý nghĩa sâu xa riêng cho gia đình tôi. Đối với tôi, đó mãi mãi là những ngày không thể quên.
Ngày 30 tháng tư năm 1975
Tiếng đạn pháo kích đã ngừng hẳn. Từ bốn ngày nay, tôi đã quen dần với những tiếng nổ kinh hồn này khi quân Cộng Sản bắt đầu tấn công vào thị xã Vũng Tàu. Bây giờ, những tiếng súng đạn liên thanh lại nghe rất gần. Quân Cộng Sản chắc đã vào thị xã rồi và đang càn quét những chốt kháng cự sau cùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Gia đình tôi và một gia đình khác cùng nằm tránh pháo kích dưới một căn hầm chật chội ở một căn nhà tại Bến Đình kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu. Như biết là giờ cuối cùng của miền Nam đã đến, bố tôi rút hết đạn trong khẩu súng lục mà ông vẫn đeo bên người suốt ba ngày qua. Là một thằng bé tò mò, tôi hỏi bố tôi tại sao ông làm như vậy. Với nét mặt mệt mỏi và chán chường, bố tôi nói tin mới nhất ông nghe qua radio là quân đội miền Nam đã tan rã, quân Bắc Việt đang tập trung ngoài Sàigòn, và người Mỹ đã rút hết người của họ khỏi Việt Nam. Tướng Dương Văn Minh đang điều đình với tướng lãnh Cộng Sản và chắc sẽ tuyên bố đầu hàng chiều hôm nay thôi.
Miền Nam đầu hàng sớm hơn bố tôi tưởng. Vào trưa ngày, đài truyền thanh loan tin chính quyền miền Nam đã đầu hàng để chấm dứt sự đổ máu. Xe tăng Cộng Sản bắt đầu lăn vào thủ đô. Sau khi tin đầu hàng được loan ra, những tiếng súng và tiếng đạn pháo kích tôi đã quen nghe ba ngày qua bỗng nhiên im hẳn.
Chúng tôi leo ra và co dãn những gân cốt bị cong rúm từ ba ngày ngồi bó chân trong hầm. Bố tôi và nhiều người đàn ông trong khu xóm lấy hết quân phục mang đi đốt. Sau đó, họ bỏ tất cả súng đạn vào trong một cái túi vải và một người lái xe máy mang cái túi đi vất ở một nơi khác. Đến hai giờ chiều, nhiều người trong xóm bắt đầu đi ra đường phố để xem động tĩnh. Tôi cũng ra đường xem theo. Những tiếng nổ của chiến tranh đã ngừng hẳn. Tôi ngạc nhiên khi thấy khu phố nơi đây không có vẻ gì bị hư hại. Ở phía nam, những cuộn khói đen dầy đặc bốc lên từ hướng trường Thiếu Sinh Quân. Trường này chắc đã bị bắn phá nặng nề. Mặc dù vậy, nhiều người ùn ùn chạy về hướng đó. Tôi nghe lóm thóm tiếng nhiều người bảo rằng những thiếu sinh ở đó hoặc đã chết, hoặc đã đi mất rồi. Quân Bắc Việt chưa kịp chiếm đóng và chẳng còn ai ở đó để coi giữ kho gạo của trường nữa. Vì vậy, mọi người chạy về nơi đó để giật gạo.
Một người đàn ông trong nhà rủ tôi đi theo ông ta để cùng mọi người tranh lấy gạo. Tôi lắc đầu từ chối vì biết bố tôi sẽ giận lắm nếu tôi làm như vậy. Trong phút chốc, khu phố đang đông người bỗng nhiên vắng lặng. Không biết làm gì, tôi quay vào trong nhà nói cho bố mẹ tôi hay.
Bố tôi lắc đầu thở dài. Mặc dầu ông đã biết và chấp nhận từ nhiều ngày trước là tình thế không còn cứu vãn được, khi sự việc xảy ra, ông vẫn bị xúc động mạnh đến gần như tê liệt. Sau khi nghe tin chính quyền Sàigòn đầu hàng vài tiếng trước, ông ngồi yên một chỗ trong góc nhà và không nói một tiếng nào với ai. Khi nghe tôi kể chuyện những người trong xóm đi giật gạo, ông càng chán nản hơn. Chúng ta vừa mới mất nước vào tay Cộng Sản, ông bảo mẹ tôi, vậy mà điều duy nhất thiên hạ có thể nghĩ tới là việc đi giật gạo!
Ngày hôm sau, tôi nhìn thấy lính chính quy Bắc Việt lần đầu tiên. Khoảng mười giờ, tôi nghe tiếng hoan hô inh ỏi bên ngoài nên chạy ra xem. Nhiều người đứng đông nghẹt hai bên đường phố hoan hô một toán bộ đội Bắc Việt. Những người lính này đi cạnh một chiếc xe tăng lớn đi về hướng bắc. Nhiều người lính Bắc Việt trông quá trẻ đến nỗi tôi không nghĩ là họ quá mười bảy tuổi.
Nhìn mọi người hoan hô quân Cộng Sản, tôi đâm ra bực bội và khó chịu. Không phải quân Cộng Sản là những người thật tàn ác hay sao" Không phải họ chính là những kẻ sát nhân đã chém giết cả ngàn thường dân vô tội trên quốc lộ 1 trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 hay sao" Không lẽ mọi người chung quanh đây điên rồi sao"
Không nén được sự thắc mắc nữa, tôi hỏi bố tại sao người ta làm như vậy. Bố tôi chỉ lắc đầu rồi nhẫn nại giải thích. Người ta hoan hô quân Cộng Sản vì nhiều lý do riêng của họ. Nhiều người chỉ tò mò ra xem rồi bắt chước những người khác hoan hô. Có một số người thích Cộng Sản thực sự. Bây giờ quân Cộng Sản chiến thắng rồi thì họ ra đường hoan hô. Có những người chưa sống với Cộng Sản một ngày nào và không tin là người Cộng Sản có thể tồi tệ như những lời tuyên truyền của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Còn có những người khác hoan hô nhưng không phải cho quân đội Cộng Sản. Họ hoan hô chiến tranh đã chấm dứt, một cuộc chiến tranh tàn khốc đã gây nên núi xương sông máu cho dân tộc Việt Nam.
Những lời giải thích của bố tôi làm tôi càng thắc mắc thêm. Là một thằng bé 12 tuổi hay tò mò chuyện người lớn, tôi vẫn không hiểu như vậy người Cộng Sản là người tốt hay người xấu. Khi tôi hỏi tiếp, bố tôi bảo rằng hơn hai mươi năm trước ở miền Bắc, ông đã biết họ là những người rất tàn ác. Trong hai mươi năm chiến tranh với miền Nam, họ còn tàn ác hơn. Bây giờ họ chiến thắng rồi, có gì ngăn cản được họ nữa chứ" Những người ngây thơ hoan hô quân Cộng Sản trên đường phố ngày hôm nay chẳng bao lâu nữa rồi cũng sẽ học những bài học cay đắng cho chính bản thân họ thôi.
Ngày 30 tháng tư năm 1976
Tôi xếp hàng với những đứa bạn học trong lớp để chuẩn bị đi một cuộc mít tinh chào mừng kỷ niệm ngày "Giải Phóng miền Nam" mà ban điều hành trường tôi, trường Trung Học Châu Thành, bắt buộc tất cả mọi học sinh phải tham dự. Trong khi những thằng bạn tôi đứng tán dóc ầm ĩ, tôi đứng trầm tư một mình, không ngờ rằng mình đã sống qua được một năm từ khi ánh hy vọng cho một cuộc đời tươi sáng đã mờ mất. Một năm đã trôi qua từ ngày đổi đời cay nghiệt ấy. Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi sau ngày 30 tháng tư năm trước, cuộc sống của gia đình tôi biến từ những ngày hạnh phúc êm ấm đến những ngày khốn khổ cùng cực. Bố tôi, một sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã bị bắt đi học tập cải tạo chỉ vài tuần sau khi quân Cộng Sản tiếp thu thị xã Vũng Tàu. Sau đó, mẹ con tôi bị trục xuất khỏi căn nhà mà chúng tôi ở mười mấy năm nay tại khu cư xá quân đội Đống Đa, khi quân Cộng Sản tiếp thu khu này. Không những mất nhà, gia đình tôi còn mất một phần lớn tài sản của mình vào tay bọn "Quân Đội Nhân Dân" vì không kịp mang hết đồ đạc của mình ra khỏi nơi này.
Mẹ tôi mướn một căn phòng nhỏ ở nhà một người quen để làm nơi trú thân cho gia đình tôi. Mẹ và bốn anh em tôi sống chen chúc trong một căn phòng nhỏ hẹp và dơ bẩn. Mỗi ngày, mẹ tôi phải đi bán dạo ngoài chợ để kiếm tiền nuôi bốn đứa con thơ dại và tiếp tế cho chồng trong trại cải tạo. Là con cả, tôi phải thay bố để săn sóc và lo lắng cho các em. Mỗi ngày, tôi phải đi gánh nước, giặt quần áo cho cả nhà, đi lượm tất cả những gì có thể dùng đốt được để nấu cơm cho gia đình tôi. Vốn là một thằng bé quen được nuông chiều, tôi chưa bao giờ phải làm một việc nào nặng nhọc trong đời. Bây giờ, mỗi ngày thân thể tôi mệt rã rời khi làm xong những công việc này. Hơn bao giờ hết, tôi thấm hiểu ý nghĩa cay đắng của câu khẩu hiệu "Lao động là vinh quang" mà chúng tôi bị bắt phải lập đi lập lại mỗi ngày trong trường học.
Nhưng sự khốn cùng của gia đình tôi, cũng như hàng triệu người dân Việt khác, không chỉ ngừng ở đó. Vài tháng sau khi chiến thắng, chính quyền Cộng Sản thi hành một cuộc đổi tiền trên khắp miền Nam. Mục đích chính của sự đổi tiền là để thiết lập một thứ tiền duy nhất dùng trong cả nước. Nhưng cuộc đổi tiền này còn có một mục đích thâm hiểm khác mà không bao giờ được chính thức nói ra. Cuộc đổi tiền này là một trong những phương pháp chính trong chiến dịch đánh giai cấp "tư sản mại bản" của chính quyền Cộng Sản, để bần cùng hóa tất cả mọi người dân miền Nam.
Chính quyền Cộng Sản thi hành mục đích ẩn của việc đổi tiền bằng cách giới hạn số tiền mỗi gia đình có thể đổi được. Mỗi đầu người chỉ được đổi một số tiền giới hạn mà thôi. Giới hạn đổi tiền cho trẻ em và người lớn đều bằng nhau. Vì thế, mỗi gia đình chỉ được đổi nhiều nhất là giới hạn của mỗi đầu người nhân tổng số người chính thức có trong danh sách hộ khẩu của gia đình. Số tiền đổi giới hạn của mỗi người được đặt thấp đến nỗi đa số những gia đình ở miền Nam không thể nào đổi hết được những tiền mặt Việt Nam Cộng Hòa họ có. Sau ngày đổi tiền, những tiền miền Nam trước đây trở thành vô giá trị.
Ngoài việc đổi tiền, chính quyền Cộng Sản còn cho Công An thẳng tay lục lạo và trưng dụng tài sản của những người khá giả. Nhiều ngày trước khi đổi tiền, nhiều toán Công An xông vào những nhà khá giả để lục soát. Chúng lập thống kê tài sản của những gia đình này để họ không có cơ hội dấu hoặc phân tán của cải. Nhiều khi, những tên Công An đòi những gia đình này "tặng" hoặc "cho nhà nước mượn" những đồ dùng như tivi, máy đánh chữ, hoặc những đồ dùng quý giá khác. Một khi đã được cho "nhà nước mượn," những đồ dùng này sẽ không bao giờ được trả lại. Những người dám từ chối "cho mượn" sẽ bị đe dọa bỏ tù hoặc bị tịch thu một phần lớn tài sản của họ.
Chính quyền Cộng Sản viện lẽ cho sự ăn cướp trắng trợn của họ là "yêu cầu nhân dân đóng góp xứng đáng cho cách mạng." Những người bị cướp của còn bị chụp mũ là "bọn tư sản mại bản bóc lột nhân dân, làm giàu trên mồ hôi nước mắt của những người lao động." Những ai dám mở miệng phản đối bọn Công An nhanh chóng bị bắt giữ và tống giam. Ngoài ra, chính quyền còn ra lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối mỗi đêm để làm khó khăn thêm cho những người muốn phân tán tài sản của họ đi nơi khác.
Chương trình đổi tiền và những hành động ăn cướp của bọn Công An gây nên tai hại nặng nề cho thương mại nhiều ngày trước khi đổi tiền. Đa số người dân miền Nam có nhiều tiền hơn là số tiền họ được phép đổi. Vì vậy, mọi người đua nhau tìm cách dùng hết số tiền họ không thể đổi được bằng cách mua tất cả những gì họ có thể mua được. Ngược lại, những con buôn có hàng lại không chịu bán. Những người bán hàng đều biết rằng nếu bán, họ sẽ là người sau cùng giữ những đồng tiền miền Nam vô giá trị. Vì vậy, những thương gia đua nhau dấu hàng. Cũng như mọi người khác, họ tìm đủ cách để sống sót cuộc tấn công kinh tế đầu tiên này.
Kết quả là sự khủng hoảng giá cả trầm trọng. Giá những đồ vật cần dùng hàng ngày như gạo, thức ăn, và than đá tăng lên cả ngàn phầm trăm. Ngay với giá cao như vậy, gần như không ai có thể kiếm được để mua những hàng này ở chợ. Kết quả đầu tiên của chiến dịch đánh "tư sản mại bản" là sự thiệt hại khốn cùng cho mọi người dân miền Nam. Ngay cả những người nghèo không có nhiều tiền cũng bị thiệt hại nặng nề. Họ không thể nào mua nổi thức ăn và đồ dùng trong những ngày trước khi đổi tiền.
Sự thi đua dấu diếm tài sản khỏi sự soi mói của Công An và tiêu xài hết tiền miền Nam còn thừa trở thành một cơn sốt căng thẳng cho mọi người. Nhiều người đào lỗ trong sân nhà để dấu đồ đạc quý báu. Những người khác mang đồ đạc đến để nhờ ở nhà họ hàng nghèo hơn, hy vọng rằng Công An sẽ không lục lọi ở những nơi ấy. Những người khá giả tìm kiếm những người nghèo hơn để nhờ họ giúp đổi thêm tiền. Nhiều người tìm cách mua vàng và tiền đô la ở bất cứ giá nào.
Biết vậy, nhân viên Công An cũng tìm đủ cách để giới hạn sự đi lại của mọi người và tìm kiếm những sản vật được dấu. Khi vào lục soát nhà thường dân, họ mò kiếm tất cả mọi góc gãnh để tìm vàng và đô la. Họ tìm kiếm những dấu vết của đất mới đào ở vườn nhà người dân để kiếm những vật được dấu. Ngoài đường, các toán Công An chận người đi lại để kiểm soát xem có phải họ di chuyển đồ vật hoặc tiền bạc đi đâu. Nếu bị bắt, những tiền bạc và đồ vật này lập tức bị tịch thu. Cuộc săn bắt đầu. Thợ săn và thú bị săn tìm đủ cách để bắt và lẫn tránh nhau.
Mẹ tôi ngừng đi bán hàng ngoài chợ sau ngày bà nghe tin đổi tiền. Mặc dầu đã mất phần lớn tài sản của gia đinh tôi khi bị tống ra khỏi cư xá Đống Đa, mẹ tôi vẫn còn nhiều tiền miền Nam bà không có thể đổi được. Bà tìm đủ cách để dùng hết những tiền còn dư. Mẹ tôi cũng mang chôn ít lượng vàng bà có và những hàng buôn bán dưới một cái cây lớn gần cầu tiêu. Bà nghĩ rằng ngay cả Công An cũng không nghĩ đến việc lục soát đồ đạc gần một chỗ hôi thối như vậy. Ngoài ra, bà cũng dẹp bớt đồ trong phòng và bỏ nhiều giấy rác vào để cho nó trông có vẻ dơ dáy hơn. May mắn thay, kế hoạch của mẹ tôi đạt được kết quả bà muốn. Những tên Công An vào xét nhà tôi chỉ liếc sơ rồi đi ra. Căn phòng của gia đình tôi nhìn trơ trọi và quá dơ nên chúng vội đi nơi khác tìm những con mồi béo bở hơn.
Trong khi mẹ tôi giữ được đồ đạc của bà khỏi bị Công An tịch thu, bà không làm sao dùng được số tiền còn dư. Cũng như cả triệu người dân miền Nam khác, gia đình tôi thấy tài sản khiêm nhường của mình vốn đã mất nhiều sau khi bị đuổi khỏi nhà, bây giờ lại càng bị mất nhiều hơn sau cuộc đổi tiền. Tôi vốn tưởng rằng cuộc sống của gia đình tôi không thể nào có thể khốn cùng hơn sau khi bị đuổi khỏi nhà. Tôi đã hoàn toàn sai lầm.
Kết quả của những áp lực căng thẳng này với mẹ tôi trông ngày càng rõ rệt. Bà không ăn uống gì nhiều và sụt cân nhanh chóng. Ban đêm, bà ngủ không bao nhiêu và thức cả đêm để nghĩ cách làm sao giữ số tiền ít oi còn lại cho khỏi bị mất đi vào tay "nhà nước." Trong những ngày thơ ấu ấy, tôi chỉ có thể nhìn sự việc xảy ra. Tôi không thể làm bất cứ gì được để giúp mẹ tôi.
Nhìn thấy mẹ tôi như vậy, một sự tức giận thầm lặng nhưng sâu đậm tràn ngập linh hồn tôi. Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ biết thù ghét một ai. Mặc dù tôi quen nghe những câu chuyện kinh hoàng về Cộng Sản khi lớn lên, cảm tưởng của tôi đối với họ lúc nào cũng là sự tò mò và sợ hãi, nhưng không phải thù hận. Bây giờ, sau những gì họ đã lấy mất đi của gia đình tôi, tôi bỗng nhiên biết đến một sự thù hận thật sâu đến nỗi đôi khi tôi tự hỏi mình có phải đã trở thành một quái vật cũng tệ hại như những kẻ tôi thù hận hay không. Bây giờ, tôi mới thực sự hiểu những câu chuyện bố mẹ kể cho tôi nghe bao nhiêu năm nay. Bây giờ tôi mới thực sự hiểu tại sao con người có thể thù hận nhau đến như vậy. Bây giờ khi gia đình tôi trở thành nạn nhân của Cộng Sản, tôi không thể nào đẩy được những ý nghĩ căm phẫn và trả thù ra khỏi trí óc tôi. Bây giờ, mọi việc đối với tôi rõ ràng như trắng với đen. Tôi biết rằng ngày nào tôi còn sống, tôi sẽ không thể nào quên những gì chính quyền Cộng Sản đã lấy mất đi của gia đình tôi.
Trở về với hiện tại, bọn học sinh chúng tôi đứng nhiều giờ đồng hồ trong một sân vận động để nghe nhiều người cán bộ Cộng Sản thay phiên nhau đọc những bài diễn văn dài đến nôn mửa. Họ không có gì để nói ngoài việc lập lại những lời tuyên truyền mà họ đã dùng mọi cách để nhét sâu vào trong đầu bọn trẻ con chúng tôi cả năm nay, những lời tung hô "Bác Hồ" và "Đảng Cộng Sản Việt Nam" là những "đỉnh cao trí tuệ của loài người." Sau đó, những người đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản, vốn đã được phân chia nhiệm vụ của họ từ trước, đốc thúc học sinh các lớp đua nhau hô vang câu khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Hồ Chí Minh. Trong khi phải mở miệng để hô câu khẩu hiệu này, tôi chua chát thấy rõ chỉ có phần đầu tiên của câu nói, "Không có gì" là đúng sự thật mà thôi. Rồi đây, gia đình tôi sẽ sống còn được bao lâu trong cái "Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa không có gì" này"
Ngày 30 tháng tư năm 1985
Trong một giảng đường lớn tại đại học UC Irvine, tôi ngồi cùng với đám bạn sinh viên nghe một diễn giả nói về ý nghĩa của ngày hôm nay, ngày tưởng niệm mười năm "Quốc Hận." Từ ba năm nay, hội sinh viên Việt Nam UCI đã tổ chức tưởng niệm ngày này mỗi năm. Tổ chức năm nay lớn hơn mọi năm, hiển nhiên vì ngày tưởng niệm 10 năm có một ý nghĩa đặc biệt hơn những năm khác.

Ngay cả bây giờ, sau khi đã ở Hoa Kỳ gần 6 năm, tôi vẫn không ngờ là mình còn sống để ngồi đây. Trong ngày 30 tháng 4 bảy năm trước, năm 1978, tôi còn đang ngồi trên một miếng rẫy đầy sỏi đá trên Núi Nhỏ ở Vũng Tàu, không biết tương lai mình rồi sẽ còn đen tối đến như thế nào. Chỉ vài hôm trước, tôi bị đuổi học, nạn nhân của một trò phá phách "phản động," hay đúng hơn, một biểu lộ sự tức giận của lũ bạn học lớp tôi. Trong một đêm khi lớp chúng tôi phải trực trong trường, vài tên quỷ sứ trong lớp đợi cho tới khi những đứa khác ngủ rồi lấy phân bôi đầy lên các tấm hình của Hồ Chí Minh trong các lớp học.
Động lực thúc đẩy chúng làm việc này chắc có lẽ là những câu chuyện mà Dũng, một học sinh cũ trường tôi vừa mới bị động viên vào bộ đội, kể cho chúng tôi nghe khi hắn ghé thăm tối hôm đó. Chỉ vài tuần sau khi bị động viên, Dũng bị đưa ra đóng ở Tây Ninh, gần biên giới Việt Miên. Khi ấy, chiến tranh Việt Miên sắp sửa bùng nổ và tình hình biên giới thật căng thẳng. Chỉ trong vòng vài tuần, quân đặc công Khờ Me đỏ ban đêm chui vào trong doanh trại bộ đội và giết vài người trong tiểu đội của nó. Sau khi vài người bộ đội khác lại bị bắt giết khi đi tuần gần trại, Dũng sợ quá và đào ngũ trở về Vũng Tàu. Nó trốn ở nhà vài ngày rồi tìm vào trường buổi tối kể chuyện đi bộ đội cho lũ học sinh chúng tôi nghe. Những câu chuyện Dũng kể làm cho bọn chúng tôi, vốn đã uất ức từ truớc vì nhiều đứa có bố bị bắt đi cải tạo hoặc gia tài bị Công An tịch thu, giờ càng tức giận thêm. Chúng tôi thừa hiểu rằng tương lai mình sẽ còn đen tối hơn nữa khi chiến tranh Việt Miên bùng nổ, một điều chắc chắn sẽ xẩy ra. Khi ấy, chúng tôi, con của những gia đình "phản động," sẽ bị bắt đi bộ đội và bị dùng làm những con chốt thí cho quân đội Cộng Sản.
Sự tức giận này khiến cho những tên rắn mắt trong lớp tôi quyết định cho "Bác Hồ ăn cứt." Mặc dù bọn học sinh lớp tôi có rất nhiều thành tích phá phách trong mấy năm qua, việc bôi phẩn lên hình Hồ Chí Minh được coi là tội nghiêm trọng nhất. Những học sinh đi trực tối hôm đó bị kêu lên văn phòng hiệu trưởng để tra khảo từng đứa một. Những học sinh nào không nhận tội hoặc không tố cáo đứa khác đều bị đuổi học. Dù không có nhúng tay vào việc này, tôi cũng bị đuổi học vì không chịu tố cáo ai.


Tôi không phải lo lắng về tương lai bị thất học của mình lâu. Chỉ vài ngày sau đó, mẹ tôi đã dàn xếp cho tôi đi vượt biên với gia đình chị họ tôi. Sau một chuyến đi hãi hùng, trôi lênh đênh vô định trên biển cả 9 ngày dài, tàu chúng tôi may mắn được cập bến vào một hải đảo ở miền đông Mã Lai Á. Sau ít tháng ở trại tị nạn, tôi được đi định cư ở California cùng với gia đình chị họ tôi. Tôi là người duy nhất trong gia đình tôi vượt biên lần ấy. Mẹ tôi không đủ tiền lúc đó để trả cho các em tôi vượt biên, và bà còn ở lại để đợi cho đến khi bố tôi được thả ra.
Với sự hy sinh và nhẫn nại vô bờ bến của người phụ nữ Việt Nam, mẹ tôi lại tiếp tục làm việc vất vả, tiết kiệm từng đồng một, và tìm cách cho các em tôi vượt biên. Chỉ trong vòng hai năm sau, bà đã lo cho các em tôi vượt biên thành công. Sau một năm ở trại tị nạn tại Nam Dương, các em tôi được định cư và đoàn tụ với tôi tại California. Khi tôi bắt đầu tin rằng có thể gia đình tôi sẽ được đoàn tụ và sống những ngày hạnh phúc như xưa, thì tai họa xảy đến. Sau gần bảy năm đi cải tạo, bố tôi được thả về năm 1981. Lúc ấy, chỉ còn có mẹ tôi ở lại Việt Nam đợi ông. Bố mẹ tôi tìm cách vượt biên nhiều lần, nhưng không thành công. Lần sau cùng khi ông bà vượt biên vào cuối năm 1982, chiếc tàu của họ ra ngoài khơi rồi mất tích.
Trong nhiều năm trời, tôi cố bám víu vào niềm hy vọng mỏng manh là có thể bố mẹ tôi vẫn còn sống và đang bị lạc ở một hoang đảo nào đó giữa biển đông. Trong ba năm qua, tôi đã viết thư cho Hồng Thập Tự hoặc bất cứ tổ chức nào tôi biết có làm việc giúp người tị nạn ở Đông Nam Á, nhưng vẫn không có một tin tức gì về bố mẹ tôi. Sự lo âu về số phận của bố mẹ tôi là viên đá nặng ngàn cân tôi mang trong lòng mỗi ngày trong mấy năm nay. Dần dần, nó được thay thế bằng sự đau đớn và chấp nhận rằng bố mẹ tôi đã không may vùi thây giữa biển cả trên con đường tìm tự do.
Giờ đây, ngồi trong nhóm sinh viên đại học UCI nghe người diễn giả trên kia nói về số phận cay đắng của đất nước và dân tộc Việt Nam từ khi mất vào tay Cộng Sản, tôi thầm nghĩ không biết những người sinh viên ngồi quanh tôi có thật sự hiểu ý nghĩa những điều này như tôi hay không. Khác các bạn tôi, tôi hiểu những điều này không phải bằng những lời nói, những con số thống kê, hoặc những lý luận trừu tượng. Tôi hiểu sự đau đớn của số phận dân tộc Việt Nam qua những giòng lệ của mẹ và anh em tôi, qua những giọt mồ hôi tôi đã đổ để sống còn trong ba năm lớn lên dưới chế độ "Xã Hội Chủ Nghĩa," và bây giờ với số mạng hẩm hiu của bố mẹ tôi giữa biển Đông và những xác chết của những bạn học không may bị gửi đi làm những con cờ thí cho quân đội Cộng Sản ở chiến trường Cao Miên.
Nhưng "Họa trung hữu phúc," người diễn giả trong giảng đường tiếp tục nói. Trong cái không may mất nước vào tay Cộng Sản, dân tộc Việt Nam lần đầu tiên có cơ hội có hàng triệu người được ra nước ngoài, và hàng trăm ngàn người trẻ Việt Nam được học tại các trường đại học Tây Phương. Nếu một mai Việt Nam không còn Cộng Sản nữa, những người này sẽ trở thành một nguồn nhân tài to lớn để đóng góp vào việc xây dựng lại đất nước.
Trong khi những sinh viên khác ngồi gật đầu đồng ý hoặc vỗ tay tán thưởng, tôi ngồi yên với những nghi hoặc trong lòng mình. Tương lai một Việt Nam không Cộng Sản, lúc ấy, đối với tôi hãy còn quá xa vời. Tới khi Việt Nam được tự do, những người trẻ ở ngoại quốc có muốn trở về giúp xây dựng đất nước hay không sẽ là một chữ "Nếu" rất lớn mà chưa ai biết được câu trả lời. Tôi không biết là mình sẽ còn sống để thấy ngày đó đến hay không. Hiện giờ, tôi chỉ biết một điều duy nhất sẽ xảy ra. Bố mẹ tôi không còn sống để mãn nguyện khi thấy tôi tốt nghiệp đại học vào năm tới, điều mà ông bà đã hy sinh cả cuộc đời để tôi có thể làm được.
Ngày 30 tháng tư năm 1995
Cũng như những người hiếu kỳ khác, tôi phạm một lỗi lầm lớn ngày hôm ấy khi dại dột lái xe gắn máy vào trung tâm Sàigòn để xem cuộc diễn hành và các lễ lạc chính quyền Cộng Sản tổ chức để kỷ niệm 20 năm ngày "Giải Phóng Miền Nam." Chỉ vừa đi tới đường Nguyễn Thị Minh Khai, tôi đã bị kẹt cứng ngắc với hàng ngàn chiếc xe gắn máy khác trong một cuộc kẹt xe khổng lồ mà Sàigòn chưa từng thấy trong 20 năm nay. Trong ba tiếng đồng hồ, điều duy nhất tôi trông thấy được là tay lái của những chiếc xe gắn máy kế cạnh và cái lưng của những người phía trước.
Từ nhiều hôm trước, các cơ quan truyền tin Việt Nam đã đua nhau tuyên dương ngày kỷ niệm 20 năm này là một sự kiện "lịch sử vĩ đại." Điều này không có gì làm tôi ngạc nhiên. Nhưng điều đáng buồn cười là các cơ quan thông tin quốc tế hình như cũng đồng ý với sự tuyên truyền này. Hàng trăm phóng viên và nhiếp ảnh gia ngoại quốc bay đến Sàigòn để săn tin. Những đường phố Sàigòn, vốn đã bắt đầu thấy nhiều người ngoại quốc, người Á châu lẫn người da trắng, trong những năm gần đây, giờ tăng thêm gấp mấy lần những người da trắng với máy ảnh và tập giấy đi khắp nơi để chụp hình hoặc phỏng vấn người địa phương. Tôi thầm nghĩ không biết rồi những thông tin hay bình luận về Việt Nam những phóng viên này loan ra sẽ sâu sắc hoặc chính xác tới đâu. Dựa vào những gì tôi đọc từ báo chí ngoại quốc về Việt Nam từ nhiều năm nay, tôi không có hy vọng gì là sự hiểu biết của họ có tăng thêm phần nào so với mấy mươi năm về trước.
Mười bảy năm sau khi vượt biên, tôi đã trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào tháng ba năm nay. Khi ra đi, tôi là một thằng bé rách rưới và ốm đói. Khi trở về, tôi là một người "quản lý tiếp thị" (marketing manager) cho Procter & Gamble, một trong những công ty sản xuất hàng gia dụng lớn nhất thế giới. Trong bao nhiêu năm xa quê hương, tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có một ngày trở về để làm gì đó hữu ích cho đất nước và dân tộc. Dù rất nhiều người đã trở về thăm hoặc du lịch Việt Nam trong nhiều năm trước, tôi vẫn không muốn làm như vậy. Tôi không muốn trở về theo cái phong cách "vinh quy bái tổ," hoặc ăn chơi, hoặc tiêu xài rộng rãi để làm le với những người khác. Đã lớn lên trong những ngày đen tối, thiếu thốn dưới chế độ Cộng Sản, tôi hiểu rõ sự đau khổ và chịu đựng của những người còn ở lại. Tôi không muốn là một người thiếu hiểu biết và tế nhị để xúc phạm lòng tự ái hay tự trọng của những người kém may mắn hơn mình.
Từ khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử từ đại học UCI vào năm 1986, tôi vẫn nuôi ước mong được một ngày trở về Việt Nam làm việc và giúp đỡ họ hàng mình và những người kém may mắn khác. Nhưng tôi không muốn làm một việc gì dính dáng tới chính quyền Cộng Sản hoặc những công ty quốc doanh của họ. Với những giới hạn đã tự đặt ra cho mình như vậy, không làm việc với Cộng Sản và không chỉ về để du lịch, tôi không biết tới bao giờ mình mới có thể trở về được.
Sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và khối Cộng Sản Đông Âu vào năm 1989 đưa đến cho tôi hy vọng là Cộng Sản Việt Nam rồi cũng sẽ đến ngày tàn như vậy. Khi ấy giấc mơ trở về nước làm việc của tôi có thể thành sự thật. Lúc đó, tôi cần phải có những kiến thức và khả năng thiết thực để góp phần vào việc xây dựng đất nước. Với suy nghĩ ấy, tôi bỏ nghề kỹ sư mình đã làm từ bốn năm nay và đi học trở lại. Vào cuối năm 1990, tôi được nhập học ngành quản trị hành chánh tại đại học Stanford University. Hai năm sau, tôi tốt nghiệp MBA từ trường này và được nhận vào làm về Marketing với Procter & Gamble.
Việc tôi đi làm cho Procter & Gamble không phải là chuyện ngẫu nhiên. Trong khi phỏng vấn, họ đã cho tôi biết rõ ý định là sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam một khi chính quyền Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận. Vào đầu thập niên 1990, những công ty Hoa Kỳ biết chắc là việc này sẽ xảy ra. Vì thế, họ bắt đầu chuẩn bị tuyển dụng những nhân viên gốc Việt được giáo dục ở Hoa Kỳ nhưng có kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Procter & Gamble tuyển dụng tôi chính vì lý do ấy. Về phần tôi, đây là cơ hội tôi tìm kiếm từ nhiều năm nay. Sau cùng, tôi có thể trở về đất nước để làm việc và giúp đỡ những người thân mà không có điều gì bị cắn rứt với lương tâm.
Lệnh cấm vận được bãi bỏ vào đầu năm 1994. Ngay sau đó, nhiều công ty Hoa Kỳ, kể cả Procter & Gamble, Coca Cola, và Pepsi, lập tức cho người vào Việt Nam mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh đầu tư. Vào tháng ba năm 1995, sau nhiều năm chờ đợi, tôi được trở về Sàigòn để cùng với 6 nhân viên ngoại quốc khác của hãng thành lập công ty Procter & Gamble Việt Nam.
Nhiều năm trước khi trở về, tôi chú ý đọc những bài báo về Việt Nam từ các cơ quan thông tấn quốc tế hoặc những tạp chí về Á châu như tờ Viễn Đông Kinh Tế (Far Eastern Economic Review). Đa số những bài viết này vẽ lên một viễn tượng kinh tế tươi đẹp và gán cho Việt Nam cái tên hiệu là "con cọp kinh tế" mới của Á châu. Bây giờ, dù chỉ mới về Việt Nam làm việc hai tháng, tôi đã có đủ những kinh nghiệm và quan sát cá nhân để tự nhận xét cho mình về những lời tiên đoán này. Nếu tử tế, tôi nghĩ rằng những lời tiên đoán này là những sự sai lầm thật tình của những người, dù có theo dõi, vẫn không hiểu nhiều về Việt Nam. Nếu thiếu rộng lượng, tôi có lẽ đã cho là những người này hoặc có ý đồ riêng hoặc được những thế lực nào đó trả tiền để viết những điều xa sự thật như vậy.
Tôi hãy còn cách Dinh Độc Lập cũ ít nhất là hai cây số nhưng chẳng còn ham muốn gì đi đến đó. Bây giờ, điều duy nhất tôi nghĩ đến là làm sao thoát được trận kẹt xe điên khùng này. Sau ba tiếng đồng hồ ngửi bụi và những khói xăng nồng nặc, tôi mới thoát được con đường Nguyễn Thị Minh Khai để đi về nhà. Gần như tất cả các đường phố trong trung tâm Sàigòn đều bị kẹt cứng ngắc. Tôi lắc đầu tự hỏi không biết những phóng viên ngoại quốc làm thế nào để đến được những chỗ có lễ lạc để tường thuật sự kiện.
Về đến nhà xong, tôi lại quyết định lái xe đi Vũng Tàu. Tôi đã sống ở thành phố này từ thuở bé cho đến khi vượt biên. Từ khi trở về Việt Nam đến giờ, tôi quá bận công việc nên chưa có dịp trở về đây thăm. Thay vì ở lại Sàigòn, nơi đông nghẹt hàng triệu người hiếu kỳ đi tìm kiếm những ảo tưởng vô nghĩa, trở về Vũng Tàu để tìm kiếm những người bạn tôi đã mất liên lạc hơn mười mấy năm nay có ý nghĩa hơn nhiều.
Khi đến Vũng Tàu, tôi tìm đến nhà vài người bạn học cũ vẫn còn ở đây. Khi còn ở Mỹ, thỉnh thoảng tôi có nhận được vài lá thư của họ gửi đến. Tôi không biết họ làm sao có được địa chỉ của tôi ở Hoa Kỳ. Bây giờ, tôi lại dựa vào địa chỉ trên những lá thư ấy để tìm họ.
Trong hai ngày ở Vũng Tàu, tôi chỉ tìm thấy được hai người bạn học cũ. Họ lại dẫn tôi đi gặp hai thầy giáo còn ở đây. Tôi mời họ đi ăn và nói chuyện rất lâu. Tôi, các bạn tôi, và các thầy cũ, có quá nhiều chuyện để nói và để hỏi nhau, nhưng cũng có quá nhiều cách biệt về lối suy nghĩ, về kinh nghiệm sống trong mười mấy năm qua, và những gì mình hiểu được trong hiện tại và tương lai, để thật sự hiểu nhau. Tôi không biết những người bạn và thầy cũ của tôi nghĩ thế nào về những gì tôi đã trải qua ở Hoa Kỳ và đời sống hiện tại của tôi, dựa vào những điều tôi nói. Có thể, đối với họ bây giờ tôi là một ông xếp lớn với một cuộc sống vương giả trên đất nước nghèo đói này. Những sự may mắn tôi có được ở Hoa Kỳ là những giấc mộng thần tiên họ mong có được. Riêng về tôi, tôi xót xa nhận ra là trong mười mấy năm qua, cuộc sống khó khăn nghèo nàn của thầy và bạn tôi không có gì thay đổi. Các bạn tôi không có cơ hội được đi học đại học và bây giờ làm việc lao động để sống qua ngày. Các thầy tôi đã không dạy từ mười mấy năm nay và chỉ nhờ vào con cháu nuôi nấng. Hình như họ là những người bị đông lại trong thời gian, vẫn ước mơ những may mắn hay cơ hội không bao giờ đến. Trong bao nhiêu năm nay, họ là những công dân hạng nhì ở ngay thành phố họ được sinh ra hoặc sống cả cuộc đời. Tất cả những cơ hội, chức vị, hoặc công việc tốt tại đây được dành cho những công dân hạng nhất, những đảng viên Cộng Sản hoặc những người Bắc di cư đến Vũng Tàu sau năm 1975.
Tôi không muốn nói nhiều về mình để tránh xúc phạm hoặc làm thầy và bạn tôi tủi thân. Hố cách biệt giữa chúng tôi, dù muốn dù không, cũng tự nhiên bị đào sâu vì hoàn cảnh khác nhau bây giờ. Nhưng điều tôi không muốn làm vẫn không sao tránh được. Thầy và bạn tôi vẫn muốn nghe những cơ hội và sự tự do thần tiên những người Việt kiều như tôi may mắn có được ở xứ người. Sự mong muốn và thán phục trong ánh mắt họ làm tôi khổ tâm. Làm sao tôi có thể nói được về những thành công nhỏ nhoi của mình mà không bị hiểu lầm là khoe khoang" Làm sao tôi có thể nói nhiều được về những cơ hội mà những người sống tự do ở Hoa Kỳ coi như là quyền làm người hiển nhiên của họ, khi tôi biết rằng thầy và bạn tôi có lẽ sẽ không bao giờ có được những quyền và cơ hội đó ở đất nước này"
Khi rời Vũng Tàu hai ngày sau, tôi có cảm tưởng như mình đã vĩnh viễn đóng lại một chương sách trong quá khứ. Với những người tôi còn biết ở đây, tôi chỉ có thể chia xẻ và hiểu được với họ một phần nào trong quá khứ. Nhưng chúng tôi không có gì chung và khó lòng hiểu nhau được trong hiện tại và tương lai. Trong ba năm làm việc tại Việt Nam, tôi sẽ trở lại Vũng Tàu để thăm thầy và bạn tôi nhiều lần nữa, nhưng càng ngày chúng tôi càng có ít chuyện để nói. Ngay trong lần thăm đầu tiên này, tôi đã thấy được là bên dưới thái độ hiền lành và chấp nhận số phận của họ là những uất ức, tức giận của những cuộc đời không được sống để xây dựng cho chính đời mình và đất nước. Bao nhiêu người miền Nam cũng mang sự cay đắng và tức giận này đối với những người miền Bắc đã mang sự "Giải Phóng" này đến cho họ" Qua những gì tôi nghe và thấy trong hai tháng trở về, tôi chỉ có thể đoán là đa số người miền Nam nuôi sự căm hận ngấm ngầm này. Nếu sự thật như vậy, sự thái bình và ổn định của Việt Nam bây giờ có thể chỉ là một ảo tưởng che đậy một sự căm hận và chia rẽ sâu đậm đang cháy âm ỉ, một ổ thuốc súng đang đe dọa một ngày nào đó sẽ nổ tung và đốt cháy Việt Nam trong nội chiến một lần nữa.
Ngày 30 tháng tư năm 2004
Hôm nay không phải là một ngày 30 tháng tư quan trọng vì nó không phải là một trong những ngày kỷ niệm 5, 10, 15, 20, 25, hay 30 năm. Nhưng đối với tôi, nó có hai ý nghĩa đặc biệt. Kể từ 1975, đây là ngày 30 tháng tư lần thứ 30 tôi đã sống qua. Những ngày lớn lên dưới chế độ Cộng Sản, tôi không nghĩ là mình sẽ sống đến 20 tuổi. Vì thế, tôi còn sống và được thở không khí tự do trong lần thứ 30 của ngày này là một ân phúc đặc biệt của Thượng Đế. Điều đặc biệt thứ hai là một sự ngạc nhiên thích thú. Mặc dù nhà xuất bản McFarland vẫn tiếp tục bảo tôi là sẽ không in xong cho đến tháng bảy, tôi nhận được thùng sách với 50 quyển hồi ký "Saigon to San Diego - Memoirs of a Boy Who Escaped From Communist Viet Nam" khi về nhà hôm nay.
Tôi viết quyển hồi ký này vì nhiều lý do. Một phần, tôi muốn viết về sự hy sinh vô bờ bến của bố mẹ tôi để tôi có được ngày hôm nay. Một phần, tôi muốn viết về những người bạn học thời niên thiếu, những người cũng đã trải qua những ngày khốn khó như tôi dưới chế độ Cộng Sản, nhưng không được may mắn như tôi. Một phần khác, tôi muốn viết về những chính sách tàn ác chính quyền Cộng Sản thi hành sau khi chiếm được miền Nam để lôi cả dân tộc đi vào cái "Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa" của họ. Những năm 1975 đến 1980, đối với tôi, là một giai đoạn đen tối trong lịch sử Việt Nam mà ít người thật sự hiểu rõ hoặc viết đến. Ít nhất, điều này đúng với hàng chục triệu người Việt Nam được sinh ra sau năm 1975, hàng trăm ngàn người trẻ Việt Nam ở ngoại quốc, những người bây giờ mang quốc tịch Mỹ, Anh, Pháp, Úc, v. v., và không đọc được tiếng Việt, và những người Mỹ mà Việt Nam cho tới bây giờ đối với họ vẫn chỉ là một cuộc chiến tranh chứ không phải là một quốc gia và dân tộc.
Bắt đầu viết quyển hồi ký này từ năm 1992, tôi phải bỏ nửa chừng và cất bản thảo đi khi tôi được gửi sang Việt Nam làm việc vào năm 1995. Tôi hiểu rõ hệ thống Công An của chính quyền Cộng Sản thế nào cũng theo dõi những người như tôi và không muốn bị bắt giam, làm khó dễ, hoặc tống ra khỏi nước trong khi làm việc tại đây. Khi rời Việt Nam cuối năm 1997, tôi mới tiếp tục viết trở lại và viết xong vào cuối năm 1998.
Sau đó tôi lại tiếp tục viết quyển hồi ký thứ hai, với tựa đề "With Different Eyes," về kinh nghiệm trở về nước làm việc trong ba năm. Ngoài việc đi gặp lại những họ hàng và bè bạn tôi xa cách gần hai mươi năm, tôi đi nhiều nơi trong nước để quan sát đời sống hàng ngày của những người dân bình thường và làm những công việc từ thiện. Dựa vào những điều tai nghe mắt thấy, kinh nghiệm làm việc hàng ngày cho công ty tôi, và kinh nghiệm giao tiếp với những người trong hệ thống hành chánh thối nát của Cộng Sản, tôi viết cặn kẽ về những căn bệnh thâm sâu về giáo dục, y tế, hành chánh, và tham nhũng tại Việt Nam ngày hôm nay. Nếu một mai kia Việt Nam may mắn được tự do, các căn bệnh thâm căn cố đế này sẽ là những thử thách lớn lao trong công việc xây dựng lại đất nước. Tôi chỉ hy vọng rằng những gì tôi viết ra sẽ giúp những thế hệ người Việt Nam sau này hiểu được thêm về lịch sử và những thử thách mà dân tộc mình sẽ còn phải đối phó.
Lần kỷ niệm thứ 30 ngày 30 tháng tư sắp đến. Hơn mười lăm năm đã trôi qua khi bức tường Bá Linh và khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, nhưng chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã không sụp đổ mau như tôi nghĩ. Như những con vi trùng độc hại tàn phá cơ thể một bệnh nhân, những người Cộng Sản Việt Nam vẫn còn sống sung sướng trong khi hàng triệu người Việt Nam sống lất lây trong nghèo đói và tuyệt vọng, trong khi tài nguyên đất nước cạn dần, và môi trường ngày càng bị tàn phá.
Tuy vậy, tôi vẫn tin tưởng là ngày dân tộc Việt Nam được tự do sẽ không xa. Khi tôi ôn lại lịch sử, sự sụp đổ của Nga Xô và khối Cộng Sản Đông Âu vào năm 1989 đã khiến thế giới hoàn toàn ngạc nhiên. Dù mầm mống của sự sụp đổ này đã tích tụ từ mấy mươi năm, những dấu vết rạn nứt của nó được che dấu thật kỹ và chỉ phơi bày ra sau khi sự việc đã rồi. Trong những năm làm việc ở Sàigòn, tôi đã thấy những dấu vết của sự rạn nứt từ nền móng của Cộng Sản Việt Nam. Dù họ khéo che đậy những rạn nứt và thối mục từ bên trong, điều duy nhất họ có thể thành công được là sống lâu hơn người khác tưởng, nhưng họ sẽ không thể nào tồn tại lâu dài được.
Khi ngày Việt Nam được tự do đến, tôi sẽ có cơ hội về quê hương lần thứ hai để thật sự góp một phần nào vào việc xây dựng lại đất nước. Tôi mong rằng ngày đó không còn xa lắm, để tôi và hàng triệu người Việt khác sẽ không phải làm kỷ niệm 35, 40, hay 45 năm ngày này nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.