Hôm nay,  

Dầu Nóng Và Dầu Lạnh

20/05/200500:00:00(Xem: 5220)
Dự đoán giá xăng dầu là khó. Nhưng, nếu dầu thô tiếp tục sụt giá, chuyện gì có thể xảy ra"
Từ hai năm qua, thế giới bị nóng đầu vì cơn sốt dầu khí, cao điểm là vào đầu tháng Tư vừa qua, khi dầu thô trên thị trường NYMEX chờn vờn 60 Mỹ kim một thùng. Thế rồi, giá dầu bỗng sụt, dưới 48 đồng hôm Thứ Tư: chưa đầy ba tháng giảm 20%. Phải chăng, những yếu tố nâng giá nay đã hết tác động"
Nếu chiều hướng này tiếp tục, chuyện gì có thể xảy ra" Muốn có câu trả lời, ta cần tìm hiểu từ đầu, về những yếu tố thăng giáng giá cả.
Vì sao dầu thô lên giá"
Từ hai năm qua, giá dầu thô đã tăng đều trên thế giới sau khi tụt đến đáy là khoảng 10 đô la một thùng năm 1998 do hậu quả của khủng hoảng tài chánh Đông Á 1997-1998. Vì sao giá lại tăng là câu hỏi đã có nhiều giải đáp. Thứ nhất, thuần túy về cung cầu thì khả năng sản xuất và xuất cảng của các quốc gia dầu hỏa trong và ngoài khối OPEC đã lên tới đỉnh. Quốc gia có dự trữ lớn nhất và xuất cảng nhiều nhất là Saudi Arabia thì dù có khẳng định rằng mình còn tiềm năng, thực tế vẫn không đáng tin vì đã bơm gần hết công xuất hiện có. Đó là về mặt cung của cán cân cung cầu.
Thứ hai, về mặt cầu thì sau giai đoạn suy trầm nhẹ của các ba đầu máy kinh tế mạnh nhất thế giới vào năm 2001, tình hình sản xuất đã cải thiện và riêng năm 2004 vừa qua, kinh tế thế giới đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua. Đặc biệt là Trung Quốc đã thành một nguồn tiêu thụ lớn, vượt qua Nhật Bản đứng hàng thứ nhì, sau Mỹ trong các nước nhập cảnh dầu.
Lý do thứ ba thuộc về an ninh là nguy cơ khủng bố và tình trạng chiến tranh tại Afghanistan và Trung Đông khiến dư luận lo ngại là các nguồn sản xuất hay vận chuyển dầu khí sẽ bị tấn công. Yếu tố rủi ro ấy nâng giá dầu thêm từ năm đến 15 đô la một thùng, gọi là "bảo phí hiểm tai". Đã vậy, trong chiều hướng cung cầu căng thẳng, lại gặp thêm nỗi lo sụy sụp tiếp vận, nhiều tổ hợp đầu tư đã đầu cơ và gây thêm sức ép cho giá cả.
Ngần ấy yếu tố khiến giá dầu có lúc tăng vọt lên tới mức kỷ lục là gần 60 mỹ kim một thùng; nhiều trung tâm nghiên cứu còn báo động là giá dầu có thể lên tới biên độ đáng sợ là 100- 105 đồng một thùng.
Thế rồi, mọi việc diễn biến ra sao"
Định nghĩa đỉnh cao
Giá dầu thực sự đã tăng từ trước 2004 và mỗi đợt tăng giá lại được truyền thông báo động là "đến mức kỷ lục". Vấn đề là phải định nghĩa lại mức "kỷ lục" đó.
Giá 60 đồng quả là mức kỷ lục, so với thời điểm 1984, nhưng nếu được gia giảm bởi vật giá (giải trừ hiệu ứng lệ lạm phát) thì mức kỷ lục ấy chỉ bằng phân nửa giá dầu vào năm 1979. Năm 1979, giá dầu đã vọt tới đỉnh cao tuyệt đối là 95 đồng một thùng. Nhìn như vậy, mức "kỷ lục" 60 đồng thực ra vô nghĩa: giá dầu ngày nay vẫn còn thấp so với tình hình 1979-1980.
Nhưng ít ai nghĩ vậy và khi đổ xăng, người ta chỉ than là xăng đắt mà quên mất mãi lực, sức mua, của mình vào thời gian trước, thí dụ như khi đi làm chỉ lãnh lương chừng vài đồng một giờ so với một chục bạc ngày nay.
Yếu tố đáng chú ý thứ hai trong những năm thế giới bị nóng đầu vì giá dầu thô là thị trường sản xuất và tiêu thụ vẫn… lạnh tanh. Dù giá dầu lên tới mức "kỷ lục" về tâm lý, số tiêu thụ không giảm và nền sản xuất không bị ảnh hưởng: kinh tế thế giới không bị suy trầm vì giá dầu thô tăng vọt, thị trường chứng khoán cũng không sụp vì cơn sốt tâm lý ấy.
Tuy nhiên, dư luận quần chúng nói chung vẫn có ấn tượng là giá dầu quá cao. Và truyền thông làm nốt phần vụ còn lại, mà không nói gì tới một hiện tượng mới là giá dầu đang giảm.
Vì sao dầu thô sụt giá"
Dầu thô đang sụt giá vì những yếu tố nâng giá vừa trình bày ở trên đã hết tác dụng.
Thứ nhất, nhu cầu đầu cơ để ứng phó với nạn khan hiếm bất ngờ do căng thẳng cung cầu và an ninh nay đã hết. Lượng tồn kho dự phòng về dầu trên thế giới nay đã ở mức cao nhất kể từ năm năm nay. Riêng tại Hoa Kỳ, khối dự phòng này còn cao hơn mức trung bình của năm năm qua và chính là thông tin cập nhật về mức dự phòng khả quan này đã khiến dầu thô sụt giá hôm 18 vừa qua.
Thứ hai, ngoài lượng dự phòng dầu khí của thị trường thế giới, khối dự trữ chiến lược (Strategic Petrolium Reserve) của Hoa Kỳ cũng đã gần lên tới đỉnh và có thể đạt 700 triệu thùng vào tháng Tám tới đây. Dù trữ lượng này thực ra không lớn so với số tiêu thụ hàng ngày của thị trường Mỹ, yếu tố khả quan ấy cũng khiến thị trường bớt lo sợ, làm phản ứng đầu cơ phải nguội dần.
Thứ ba, bên vế cầu thì tình hình tăng trưởng kinh tế của Âu châu đã có chỉ dấu đình đọng: kinh tế Pháp chưa có triển vọng phục hồi, kinh tế Đức vừa ra khỏi hố sâu suy trầm thì kinh tế Ý lại tụt vào đó. Thêm vào đấy, yêu cầu mới về việc kiểm soát thán khí của Hiệp định thư Kyoto khiến số cầu của Âu châu sẽ không tăng. Trong khi ấy, kinh tế Trung Quốc cũng đang có vấn đề và số cầu của thị trường này hết tăng mạnh như trong năm qua. Cần thấy rõ là vẫn còn tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. Chiều hướng này sẽ còn tiếp tục trong suốt năm nay qua năm tới, nếu Hoa lục chưa bị suy trầm hay khủng hoảng. Nhờ vậy mà cán cân cung cầu đầy bấp bênh của năm ngoái nay đã bớt căng thẳng.
Thứ tư, nguy cơ khủng bố tấn công vào hệ thống dầu khí đang bị đẩy lui.
Al Qaeda không thể ra đòn như đã hăm dọa nhiều lần và ảnh hưởng của khủng bố tại Saudi Arabia cũng thoái lui. Chẳng những xứ này trở mặt tấn công al-Qaeda mà quân khủng bố cũng không thể đánh vào cơ sở hay nhân sự dầu khí của Tây phương tại đây. Ngoài ra, Hoàng gia Saudi còn lập kế hoạch nâng cao sản lượng vào năm 2010 này. Dù thời hạn còn lâu - năm năm - quyết định ấy cũng trấn an thị trường và làm giảm mối lo thiếu dầu.
Tại Iraq, một số hoạt động phá hoại lại nhắm vào thường dân hay nguồn tiếp tế cho thị trường xâng dầu nội địa hơn là nguồn xuất cảng ra thị trường quốc tế. Khủng bố không đánh nổi vào nguồn cung cấp dầu khí cho thế giới, "bảo phí hiểm tai" đang sụt dần.
Sau cùng, một yếu tố thứ năm cũng làm sụt giá dầu trên thế giới là hối suất đồng Mỹ kim nay đã hết sụt nếu so với đồng Euro và đồng Yen Nhật. Vì các hợp đồng giao dịch mua bán dầu khí đều tính bằng Mỹ kim, các nước bán dầu sợ Mỹ kim sụt giá đều bán Mỹ kim và mua vào tài sản bằng ngoại tệ khác khiến Mỹ kim càng sụt và dầu thô càng tăng giá. Chiều hướng ấy nay đã hết và khi Mỹ kim đứng giá, giá vàng và dầu khí đều giảm.
Ngần ấy yếu tố đang đẩy giá dầu xuống thấp hơn nhiều dự đoán trước đây.
Như vậy, tương lai sẽ ra sao"

Không ai có thể dự đoán tình hình giá cả một cách chính xác, nhưng sau khi kinh tế thế giới - nhất là của các nước tiêu thụ dầu - không bị suy trầm lúc giá dầu tăng thì nếu giá dầu tiếp tục giảm, tình hình sẽ xoay chuyển thế nào" Các nước tiêu thụ dầu sẽ thấy tình hình sản xuất và vật giá khả quan hơn, nhưng các nước sản xuất và xuất cảng dầu có khi sẽ gặp nhiều bất ngờ.
Chúng ta cần dự đoán ra những bất ngờ ấy.
Tương lai màu đen của vàng đen
Chúng ta đều hiểu rằng quy luật cung cầu của kinh tế tác động vào giá cả, và tình hình giá cả sau đó chi phối lại quy luật cung cầu. Yếu tố then chốt ở đây là phản ứng tâm lý của thị trường, hoặc ấn tượng của con người về những biến chuyển tương lai của thị trường.
Ngoài kinh tế, có một lãnh vực mà ấn tượng cũng tác động mạnh, chính là lãnh vực chính trị. Điều ấy tất nhiên chi phối tình hình các quốc gia sản xuất và xuất cảng dầu khí, sau nhiều năm hứa hẹn những chuyện tốt đẹp nhờ dầu thô lên giá. Sự thất vọng của quần chúng khi lời hứa hẹn trở thành viển vông vì dầu thô sụt giá mới là đề tài đáng quan tâm, và đáng tìm hiểu.
Trước tiên, Liên bang Nga là quốc gia kiếm lời khá nhiều khi dầu thô lên giá. Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức trên cao trào tốt đẹp ấy. Nếu dầu thô sụt giá, uy tín và giá trị của chính quyền ông sẽ sụt nặng, và nặng hơn thực tế kinh tế vì ấn tượng tâm lý vừa nói ở trên.
Như Boris Yeltsin, ông Putin lên cầm quyền bằng cách đu dây giữa hai thế lực đối nghịch. Một bên, thuộc cánh tả, là xu hướng quốc gia cực đoan và xu hướng cộng sản hoài cổ, đối nghịch với bên kia là xu hướng tự do và cải cách theo kiểu Tây phương. Cả hai người, Yeltsin và Putin, đều dựa vào đám tài phiệt để gìn giữ quyền bính giữa hai thế lực ấy. Tuy nhiên, Putin đang mất dần hậu thuẫn của tài phiệt vì tấn công vào quyền lợi kinh tế và chính trị của họ, nhất là sau vụ truy tố và làm thịt tập đoàn dầu khí Yukos, từ tháng 10 năm kia. Khi đám tài phiệt này lại bị nạn giá dầu sụt giảm, họ sẽ mất hết kiên nhẫn và trở thành một thách đố mới cho Putin.
Huống hồ Tổng thống Nga lại mất lòng quần chúng vì nhiều thất bại liên tục của mình từ ba năm qua. Khi cần in giấy bạc để mua chuộc cử tri mà giá dầu lại sụt, ngân sách quốc gia sẽ bị thâm hụt, và thế lực chính trị của Putin cũng vậy. Trong khi ấy, chính quyền Bush tiếp tục đẩy cỗ xe hủ lô trưng cờ dân chủ vào trong vùng ảnh hưởng của Liên bang Nga…
Ngần ấy yếu tố khiến nạn dầu thô sụt giá sẽ thu hẹp khả năng ứng phó của Putin và thúc đẩy sự sụp đổ của Liên bang Nga. Đây là vấn đề mà ta cần theo dõi trong thời gian tới.
Ngoài Liên bang Nga, Venezuela cũng là quốc gia đáng chú ý. Xứ này đang là mũi xung kích của chủ nghĩa chống Mỹ và thiên tả tại Mỹ châu Latinh.
Vì chủ trương chống Mỹ, Tổng thống Hugo Chavez muốn OPEC triệt để khai thác lợi thế dầu khí nhằm gây khó cho kinh tế Hoa Kỳ. Song song, ông cũng muốn dùng quốc doanh dầu khí Petroleos de Venezuela (PDVSA) của mình làm công cụ tấn công các tổ hợp dầu khí Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Khi ở vào cảnh diều gặp gió nhờ dầu thô tăng giá, Chavez có thể tung hoành hang dọc và dùng tiền bạc mua chuộc quần chúng hoặc ly gián đối lập, thậm chí trang bị võ khi cho các đám phiến loạn chống Mỹ hay thân cộng tại nhiều xứ khác. Nhưng, PDVSA là một hệ thống quản trị lạc hậu và bất tài nhất nên không có khả năng gia tăng sản lượng như mong muốn và nếu dầu thô sụt giá, xứ này sẽ hết phương tiện khuấy động ở bên ngoài hoặc ngăn ngừa động loạn bên trọng.
Nếu dầu thô tiếp tục sụt giá, chính quyền Hugo Chavez sẽ gặp nhiều rủi ro và khủng hoảng có thể bùng nổ tại Venezuela. Lần này, Mỹ sẽ tụ thủ bàng quan, vòng tay đứng ngoài, nhìn chế độ suy sụp luôn. Sau Liên bang Nga, Venezuela là nơi sẽ trở thành thời sự, có khi với sự tiếp tay thiếu kín đáo của Hoa Kỳ.
Một khu vực thứ ba đáng chú ý là Trung Đông, nơi có bốn nước nhỏ với trữ lượng lớn, là Kuwait, Lybia, Quatar hay Liên hiệp các Tiểu vương quốc UAE, và ba nước lớn là Saudi Arabia, Iran hay Iraq.
Các nước nhỏ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu dầu thô sụt giá vì tỷ lệ lợi tức rất cao so với dân số rất nhỏ. Còn lại, Saudi Arabia và Iran là hai nước sẽ bị thiệt hại nhiều vì có tham vọng và hứa hẹn lớn đối với quần chúng.
Nếu giá dầu sụt giảm, chính quyền Saudi sẽ phải cân nhắc hai lợi ích đối nghịch là tung tiền yểm trợ các hoạt động giáo phái - kể cả các xu hướng thân al-Qaeda - nhằm bảo vệ Hoàng gia hay là mua chuộc các thế lực quân sự hay thân Tây phương trong hệ thống cai trị hiện tại. Một giải pháp thứ ba là đạp thắng trên hệ thống bơm dầu để chặn đà sụt giá dầu thô. Chúng ta chưa biết chế độ Riyadh sẽ xử lý ra sao nhưng nên theo dõi phản ứng của Hoàng gia Saudi, nhất là trong giai đoạn chuyển giao quyền lực hiện nay khi Hoàng gia đề cử ra vị vua mới.
Dù sao, Hoàng gia Saudi chưa ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo như chế độ Tehran của Iran. Chế độ này cần sự ổn định tài chánh ở nhà để theo đuổi tham vọng rất lớn là duy trì hệ thống cai trị hiện hành mà không gặp nội loạn, đồng thời xây dựng khả năng chế tạo võ khí nguyên tử, chi phối tình hình Iraq, hay củng cố tư thế của mình trong thế giới Hồi giáo. Ngần ấy mục tiêu đều dễ thực hiện nếu công quỹ thu vào nhiều tiền hơn nhờ dầu khí lên giá. Khi giá dầu lại sụt, Iran hết cơ hội múa may. Điều ấy chứ không phải vai trò hòa giải của Liên hiệp Âu châu hay ba nước Âu châu, Anh, Đức, Pháp chống lại sức ép của Mỹ mới là yếu tố đáng chú ý. Dầu thô sụt giá vì vậy là điều bất lợi cho Tehran và chế độ Iran sẽ xử trí ra sao là điều chúng ta cần theo dõi.
Còn Việt Nam"
Việt Nam có trữ lượng không đáng kể, và không giống Malaysia là quốc gia có trữ lượng lớn mà lại ít lệ thuộc vào nguồn xuất cảng dầu, Việt Nam bán dầu một thì mua xăng gấp hai. Khi dầu thô tăng giá thì Việt Nam được một mà mất hai vì phải nhập cảng xăng dầu với giá cao. Nạn dầu thô lên giá đã thổi bùng lạm phát và gây thiếu hụt cho ngân sách quốc gia. Ngược lại, dầu thô sụt giá tất nhiên sẽ nới giá xang dầu nên không gây hậu quả tai hại quá lớn về kinh tế toàn quốc.
Tuy nhiên, dầu thô sụt giá có thể khiến khu vực dầu khí của Việt Nam mất vai trò con cưng của chế độ và - như tại Liên bang Nga - các tài phiệt đỏ thu lợi nhờ dầu khí sẽ thấy thế lực của mình giảm sút trong hệ thống kinh doanh và chính trị. Hậu quả sẽ ra sao chúng ta còn cần theo dõi thì mới thấy hết được.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.