Hôm nay,  

Đôi Điều Về Bài Báo: “ngụy Giáo Sư” Trần Khuê Và Màn Hài Kịch “chống Tham Nhũng”

16/05/200500:00:00(Xem: 6307)
Cứ mỗi khi xem chương trình thời sự quốc tế của Đài truyền hình Việt Nam là tôi cứ lại ước ao rằng: giá như người Việt Nam được phát biểu chỉ trích Tổng thống như cái ông kia!, giá như Người Việt được phê phán ông thủ tướng như cái bà nọ!, giá như người Việt nam mình được tự do biểu tình ủng hộ cái này hoặc phản đối cái kia như nhân dân nhiều nước trên thế giới!, giá như cái cuộc tranh cử tổng thống kiểu kia được diễn ra ở ngay trên đất nước mình!, giá như có nhiều tờ báo, nhiều đài truyền hình, nhiều hãng thông tấn có quan điểm khác nhau kia được hiện hữu ở Việt Nam!, giá như chính phủ Việt Nam cũng bảo vệ công dân của nước mình như chính phủ nước nọ, giá như…, giá như… và giá như… thì chắc hẳn trên mảnh đất thân yêu của chúng ta sẽ không còn “Hội tham nhũng” để ai đó muốn thành lập “Hội chống tham nhũng”.
Từ cái khát vọng cháy bỏng này mà hễ cứ có bài viết nào hiện lên trong đó mấy chữ “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền’, “tham nhũng” là tôi lại đọc nó một cách kỹ càng để xem tác giả nói gì và cách viết đó có thể đem lại cho bản thân mình, cho nhân dân mình cái ước mong bình dị đó hay không "
Thế rồi tôi cũng đã được gặp cái bài viết đó ở trên một tờ báo của Việt Nam, đó là bài “”Ngụy giáo sư” Trần Khuê và màn hài kịch “chống tham nhũng”!” được đăng tải trên tờ Pháp luật Việt Nam số 93 (2563) ngày 19/4/2005. Sau khi đọc nhanh một lượt toàn bài, nhận thấy ở trong bài viết có chứa đựng nhiều điều thú vị cho nên tôi đã đọc kỹ lại nhiều lần, lật đi lật lại từng câu, từng chữ, thậm chí (nói ra hơi buồn cười) là còn mang cả kính hiển vi ra để soi vào bài viết xem đó là dấu chấm hay dấu phảy.
Cái gây ra sự chú ý đầu tiên là ở tên tác giả - Thủy Băng, chắc hẳn phải có một ý nghĩa gì ghê gớm đây mà cái tên này thật khó giải nghĩa, nó na ná như tên của người Trung Hoa hơn là tên của người Việt Nam. Tôi cứ tìm cách luận mãi mà cảm thấy không được ổn cho lắm nên đành tìm cách đoán mò. “Thủy” thì có thể là nước nhưng còn “Băng” là cái gì" là nước đông cứng " là băng nhóm " là băng đạn, băng giấy " hay là … " Cuối cùng tôi có vẻ tạm hài lòng sự võ đoán của mình: Thủy Băng là phụ nữ mà tôi dự định gọi bằng chị. Nếu điều võ đoán không đúng thì cũng mong được tác giả bài báo và bạn đọc bỏ qua vì đây chỉ là một sự suy luận theo cảm tính. Nó cũng giống như nhiều sự suy luận thiếu logic ở trong bài báo này mà tôi xin được nêu ra dưới đây.
Cũng vì ấn tượng về một cái tên nêu trên mà trong bài viết của mình tôi vừa phân tích những điều thú vị của bài báo lại vừa viết kèm như những lời tâm tình với “chị Thủy Băng”.
Là nhà báo của tờ Pháp luật, chắc hẳn chị Thủy Băng phải rất am tường Luật pháp, ấy vậy mà ngay câu mở đầu đã có sự nhầm lẫn về cơ quan bổ nhiệm chức danh giáo sư: Theo Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 của Chính phủ về Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư thì người có thẩm quyền phong hàm giáo sư, phó giáo sư cho các nhà giáo là “Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước” chứ không phải là “Hội đồng học hàm”. Ai không để ý một chút thì rất dễ bị nhầm cửa chạy chức giáo sư lắm.
Thưa chị Thủy Băng giáo sư là một chức danh mà người đời phong cho những nhà giáo có trình độ và tâm huyết với nghề để bày tỏ lòng tôn kính, thế mà trong bài báo chị lại mỉa mai coi giáo sư chỉ là một “mỹ từ” thì xem chừng chị đã có lời xúc phạm đến 1.131 giáo sư của Việt Nam rồi đấy. Đã thế, chị lại dùng tới cụm từ “Ngụy giáo sư” để làm tên bài báo thì khi đọc lên, có thể nhiều giáo sư rất dễ bị chạnh lòng vì theo Giáo sư Hoàng Tụy có đến một 1/3 trong số trên không xứng đáng với chức danh này.
Về việc ông Trần Khuê có được gọi là giáo sư hay không thì câu chuyện có thể diễn đạt theo cách thế này: nhà nước ta không thích ông Trần Khuê, không phong cho ông chức giáo sư không gọi ông là giáo sư thì đó là thuộc quyền của chị Thủy Băng và quyền của nhà nước Việt Nam (mặc dù ông là nhà giáo rất xứng đáng với các công trình nghiên cứu sâu sắc như tác phẩm Đối thoại), còn những người khác, người ta ngưỡng mộ cái trí tuệ và dũng khí của ông ấy, phong cho ông chức danh giáo sư theo một tiêu chí khác với của nhà nước mình thì có gì mà chị Thủy Băng cần phải bựcmình và đi mỉa mai cái từ giáo sư làm gì. Cuộc sống quanh ta còn nhiều thứ cần giải quyết hơn nhiều chị Thủy Băng ạ! Xin chị hãy dành sự chú ý cho việc đi đường, nếu không cẩn thận là dễ bị xơi cái món TNGT lắm, cũng xin chị hãy để ý đến cái túi xách cầm tay vì bọn ăn cắp chúng nó rình rập suốt cả ngày, cứ hở ra là nó giật liền, và xin chị hãy để ý tới đám trẻ con ở nhà đừng để cái con ma túy nó dẫn dụ con chị vào con đường chích choác thì xót xa lắm chị ơi !….
Trong bài báo, chị cho rằng ông Trần Khuê mượn danh nghĩa chống tham nhũng để chống lại đảng, vậy xin được đặt cho chị Thủy Băng một câu hỏi: nếu đảng viên từ cấp cao đến cấp thấp không tham nhũng, đảng không tạo ra cơ chế (môi trường) cho tham nhũng phát triển thì ông Trần Khuê có thể chuyển từ chống tham nhũng thành chống Đảng được không" Với sức mạnh của 80 triệu nhân dân Việt Nam tin đảng và một lòng đi theo đảng thì ông Trần Khuê cùng vài ba Việt Kiều lưu vong có thể làm nên được trò trống gì", Nhân dân Miền Bắc đã có thời gian dài 50 năm, còn nhân dân miền nam cũng có đến 30 năm được đảng giác ngộ và truyền bá học thuyết Mac-Lê nin thì ông Trần Khuê làm sao có thể chia rẽ và kích động nhân dân chống lại những cái gì được gọi tốt đẹp " Xin chị Thủy Băng hãy đừng lo việc đảng ta bị mắc bẫy ông Trần Khuê, về nghệ thuật đấu tranh cách mạng thì đảng ta luôn là bậc thầy trong lĩnh vực này rồi, còn Ông Trần Khuê chỉ đáng bậc “xách dép” như chị đã nói thôi, phải không chị"
Trong phần một của bài báo- ““Hội chống tham nhũng” của Trần Khuê – Hội gì"” Chị Thủy Băng mô tả ông Trần Khuê như là một kẻ phạm trọng tội với những tội danh tày đình như “chống lại đảng”, “chống lại dân tộc”. Bàn về nhận định này cũng là một đề tài thú vị cho nên tôi dành một chút thời gian cho phần này trước khi chuyển sang trình bày những điều thú vị khác được tìm thấy ở trong bài báo.
Để ý một chút, chúng ta thấy, dù với cách viết nào thì chị Thủy Băng luôn tìm cách gắn hai từ “đảng” và “dân tộc” lại với nhau. Cách viết đồng hóa các từ này tưởng là hay nhưng kỳ thực lại đặt ra tính không chính danh của “đảng”. Là nhà báo của tờ có tên Pháp luật, chắc chắn chị Thủy Băng hiểu rằng nếu chỉ nói ông Trần Khuê chống lại dân tộc không thôi thì có vẻ không ổn vì sẽ chẳng có bằng chứng nào chứng minh được điều đó: ông Trần Khuê không làm lãnh đạo dân tộc cho nên ông không thể đắc tội cản trở dân tộc phát triển, ông cũng chẳng ra lời kêu gọi nước ngoài vào bóc lột người dân Việt Nam để mà can tội chống người lao động, ông không có bất cứ hành vi nào tiếp tay cho quân đội nước ngoài vào chiếm đóng đất nước Việt Nam để can tội bán nước, chỉ thấy ông “lộng ngôn” viết thư cho ông Giang Trạch Dân phản đối Trung quốc chiếm đất, chiếm biển Việt Nam, còn việc “thiết lập quan hệ ngoại giao” với người cùng dân tộc thì chắc hẳn lại càng không phải là lý do để kết tội phản bội dân tộc. Như chị Thủy Băng biết đấy, Vừa rồi Bộ chính trị ĐCSVN còn ra hẳn một nghị quyết mang số 36 nhằm lôi kéo người Việt ở nước ngoài về tham gia xây dựng đất nước cơ mà. Trong thời đại mới, tôi nghĩ chị Thủy Băng không đến nỗi bảo thủ áp dụng trở lại chế độ bao cấp trong việc phân phối quyền được quan hệ với Việt kiều.
Còn chỉ nói ông Trần Khuê “chống” đảng không thôi thì việc chống đảng lại không phải là một tội và cũng chẳng phải là một việc làm xấu. Nếu hiểu từ chống theo nghĩa là hoạt động ngược lại, gây trở lực cho hành động của đảng thì ta cần phải xem đảng có những hoạt động nào và ông Trần Khuê đã có những hành động ra sao!.
Hành động của ông Trần Khuê có thể chia thành ba nhóm:
Nhóm 1: Hành động cùng chiều
· Đảng nói: “Phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mac-Lê Nin vào thực tế cách mạng nước ta” – Ông Trần Khuê viết tác phẩm Đối thoại nhằm phân tích những cái được và chưa được của học thuyết này để từ đó tìm ra con đường phát triển đúng đắn nhất (sáng tạo) cho đất nước.
· Đảng nói: “Phải chống tham nhũng, chống tham nhũng quyết liệt hơn” – Ông Trần Khuê hành động: Thành lập Hội Nhân nhân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng.
· Đảng nói: Mục tiêu của CNXH là “Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” – Ông Trần Khuê kêu gọi dân chủ hóa đất nước.
· Đảng chấp thuận ở trong hiến pháp có điều khoản: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do biểu tình” – Ông Trần Khuê đã sử dụng các quyền đó.
· Đảng nói: “Thực hiện chiến lược ngoại giao nhân dân” – Ông Trần Khuê quan hệ với nhân dân nước ngoài để tìm kiếm lợi ích cho quốc gia dân tộc.
· Đảng nói: “Thực hiện tốt đại đoàn kết dân tộc, hòa giải hòa hợp dân tộc” – Ông Trần Khuê tìm cách hòa giải hòa hợp với những người Việt ở nước ngoài.
· Đảng đưa ra chương trình “Xóa đói giảm nghèo” – Ông Trần Khuê đưa ra cách thức để nước ta thoát khỏi cảnh đói nghèo triền miên để rồi không còn phải đi ngửa tay xin tiền viên trợ của nước ngoài nữa.
· Đảng nói: “Mỗi công dân phải có trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại” – Ông Trần Khuê viết thư cho Giang Trạch Dân đòi lại đất và biển mà Trung Quốc đã chiếm của ta.
· Đảng dạy: “Phải sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” – Ông Trần Khuê viết đề nghị thực hiện theo đúng di chúc của người.
· ….
Các hoạt động nêu trên của Ông trần Khuê đều cùng chiều với điều đảng đã đề ra. Trong trường hợp này nếu nói rằng ông Trần Khuê chống đảng thì chỉ có thể là đảng không làm theo điều mình nói, khi đó hành động của ông Khuê sẽ trở nên ngược lại với hành động của đảng. Ông Trần Khuê không thể là người đắc tội với đảng trong trường hợp này.
Nhóm 2: hành động ngược chiều
· Đảng tự xác định cho mình cái quyền độc tôn lãnh đạo đất nước không cần sự chấp thuận của nhân dân một cách chính tắc thông qua trưng cầu dân ý. – Ông Trần Khuê lên tiếng đòi lại cái quyền lựa chọn người lãnh đạo đất nước về cho nhân dân, tức là đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân.
· Đảng giữ cái quyền của người dân – Ông Trần Khuê là người dân đòi lại cái quyền của mình. Việc làm đó không thể là xấu và cũng không thể coi là có tội, Ông Trần Khuê không phá đảng, không thể mang tội với đảng. Nếu đảng không còn được lãnh đạo đất nước nữa thì do chính bản thân đảng đã mất tín nhiệm với nhân dân . Dù có hành động đi ngược lại với hành động của đảng thì ông Trần Khuê cũng không phải là người gây nên hậu quả xấu cho đảng.
Nhóm 3: Hành động phê phán, chỉ trích
· Đảng để cho cán bộ của mình thoái hóa biến chất – Ông Trần Khuê phê phán cán bộ đảng và phê phán cái cơ chế do đảng tạo ra để cho tham nhũng tồn tại một cach phổ biến như hiện nay.
· Đất bị tụt hậu, tham nhũng, tệ nạn xã hội – Ông Trần Khuê phê phán chỉ trích.
Nếu đảng đã tự nhận là người lãnh đạo đất nước thì phải chấp nhận cho người bị lãnh đạo phê bình chỉ trích mình, đúng thì nhận lỗi và sửa, còn sai thì thảo luận lại và công khai cho mọi người biết. Nếu đảng cho rằng những lời phê phán là làm cho đảng sụp đổ thì vấn đề không nằm ở lời phê phán, mà cái đó là do chính đảng bị mắc lỗi đúng như cái lời ông Trần Khuê phê phán. Nếu cứ không vừa ý một chút mà đi chụp cho người phê bình chỉ trích mình cái mũ chống đảng để bỏ tù thì có lẽ người dân Việt nam chỉ còn biết suốt đời câm lặng mà thôi.

Nếu nhìn sự vật theo chiều hướng tích cực và với một thái độ cầu thị thì việc “chống đảng” thực ra lại là một việc có tác dụng làm cho đảng mạnh lên và duy trì quyền lãnh đạo được lâu hơn. Xin chị Thủy Băng hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu không có những người được gọi là “chống đảng” đó, tức là chẳng có ai thèm nói câu nào về đảng, thì đảng ta sẽ trở nên như thế nào" Ở trong một chòm xóm chẳng ai thèm đoái hoài tới nhà chị thì chị có cảm thấy buồn không" Con chị bị nghiện hút hàng xóm chẳng thèm nói, gia đình chị sẽ ra sao" Qua báo đài trong nước và qua cả các phát ngôn của nhiều người lãnh đạo cao cấp thì việc phát hiện ra tham nhũng đều là từ nhân dân và báo chí đấy chứ, tự bản thân đảng có tìm ra và xử lý ai đâu! Nếu nhân dân không nói nữa, không có những người như ông Trần Khuê nói nữa, thử hỏi cơ thể của đảng sẽ như thế nào"
Như chị Thủy Băng đã biết, Đảng CSVN được định nghĩa là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam lấy học thuyết Mac-Lê nin làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Như vậy, đảng là một tổ chức tập hợp những người tiên tiến đứng ra làm đại diện cho giai cấp công nhân Việt Nam, mà giai cấp công nhân chỉ là một phần của dân tộc chứ không phải là toàn thể. (Điều này Đảng CS Trung Quốc ý thức rất rõ cho nên vừa qua họ đã thay đổi lại bản chất giai cấp của đảng bằng học thuyết ba đại diện). Ngay bản thân đảng cũng xác định đảng và dân tộc là hai đối tượng độc lập nhau thể hiện qua khẩu hiệu: “Đảng là trí tuệ, là niềm tin dẫn dắt dân tộc đi theo con đường chủ nghĩa xã hội” hay khẩu hiệu: “Đảng đồng hành cùng dân tộc”.
Về phương diện tình cảm, ông Trần Khuê cũng như những người dân khác có thể yêu tổ chức này hoặc ghét tổ chức kia, có thể khen hoặc chê tài lãnh đạo của tổ chức hoặc cá nhân nào đó. Ngược lại, đảng và chị Thủy Băng cũng có thể ứng xử như vậy đối với ông Trần Khuê và những người dân khác. Trong trường hợp không thích nhau, nếu nhẹ thì người ta có thể từ đi từ phê bình tới chỉ trích, nếu nặng thì quy tội cho nhau. Cho nên Chị Thủy Băng kết luận ông Trần Khuê chống lại đảng thì đó cũng chỉ là quan niệm và cách gọi của chị mà thôi, tự bản thân nó không phải là một tội nếu những điều nói ra không mang tính chất vu khống, không đúng sự thật hoặc có tính xúc phạm tới nhân phẩm. Nếu xét thấy cần thiết thì chị có thể báo cáo với đảng kiện ông Trần Khuê ra tòa án vì can tội xúc phạm danh dự của tổ chức mà mình yêu thích. Điều đó không sao đâu chị ạ! Về phần cá nhân tôi hoàn toàn tôn trọng tình cảm của chị đối với đảng. Tất nhiên cái việc ứng xử với nhau như thế nào cần phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ một luật chơi công bằng cho cả hai phía, không thể ỷ thế mình có sức mạnh mà đi tìm cách trấn áp người khác. Tạo hóa đã sinh ra bộ óc của mỗi người là không giống nhau, cùng một thông tin mỗi người có thể có cách tiếp nhận và xử lý khác nhau, cho nên nghĩ khác làm khác là chuyện thường tình ở trên đời này, Chị Thủy Băng có quyền đăng báo phê phán ông Trần Khuê thì ngược lại ông Trần Khuê cũng phải có quyền đăng báo phản bác hoặc phê phán lại.. Tôi có một lời khuyên nho nhỏ muốn nhắn gửi tới chị rằng: là người phụ nữ chị hãy đừng như cái ông Nguyễn Như Phong hiện nay đang hô hào nhà nước đưa ông Trần Khuê vào nhà thương điên, như vậy là tàn ác lắm, như vậy là không đàng hoàng một chút nào đâu!. Trong ứng xử giữa con người với con người, hãy nên là người có văn hóa thể hiện một tầm trí tuệ cao chứ không nên dùng tới cách nói chửi bới, thóa mạ kiểu chợ trời, và cũng đừng nên xử nhau bằng dao búa theo kiểu xã hội đen.
Nhân đây tôi cũng xin nói thêm một chút: cha tôi cũng rất yêu đảng, ông đã dành cho đảng tất cả sức lực của mình trong suốt bốn cuộc chiến tranh (Pháp, Mỹ, Trung quốc, Cam Pu chia) hầu mong cho một lý tưởng cao đẹp là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Giờ đây ông vẫn còn khuyên tôi, hãy biết sống vì mọi người và tôi đã làm thế. Tôi luôn trân trọng tình cảm đó của cha tôi cũng như của các bác cựu chiến binh và của các bác lão thành cách mạng khác.


Như vậy là, việc kết luận ông Trần Khuê chống lại dân tộc là thiếu cơ sở pháp lý, kết luận ông chống đảng thì đó là câu chuyện về mối quan hệ giữa một tổ chức và một cá nhân tồn tại ở trong một cộng đồng xã hội, còn nếu muốn nói rằng chống đảng là chống dân tộc (tức đồng hóa đảng với dân tộc) thì đó chỉ là quan niệm và cách đánh giá từ phía đảng, còn dân tộc (bao gồm 80 triệu nhân dân Việt Nam với nhiều thành phần khác nhau như Trí nhân, doanh nhân, công nhân, nông nhân, thương nhân, học sinh sinh viên…) có thừa nhận đảng là dân tộc, hoa(.c đảng đại diện cho dân tộc hay không thì lại cần một cuộc bỏ phiếu đàng hoàng để xác nhận tính chính danh của nó. Đây là một việc lớn liên quan đến vận mệnh của dân tộc, không một tổ chức nào có quyền khẳng định tính đại diện độc tôn của mình nếu không được dân tộc biểu quyết tán thành. Sự tán thành có thể là vĩnh viễn hoặc có thể trong một thời kỳ nào đó, hết thời hạn là phải biểu quyết lại. Nếu cho rằng công việc của mình làm là vì dân thì xin đảng hãy để cho mỗi một đời người dân Việt Nam được ít nhất một lần làm cuộc bỏ phiếu lựa chọn. Nếu đảng được nhân dân tín nhiệm theo một cách thức như vậy thì tính chính danh của đảng sẽ trở nên sáng ngời.
Chuyển sang một tình tiết thú vị khác trong bài báo là chuyện “gừng”. Nếu chị Thủy Băng dùng câu châm ngôn “Gừng càng già càng cay” thì phải “lạ” cái loại “gừng cực già” mà “không cay” hoặc loại “gừng trẻ mà cũng cay” chứ! Sao lại chuyển sang lạ cái chuyện hấp thụ chất cặn bã của cây gừng. Giữa “già” (thời gian) và “hấp thụ” (hoạt động) có ăn nhập gì với nhau đâu" Về mặt sinh học, có phải cứ ở trong đất có chứa cặn bã là cây trồng bị thối bị sâu không" Về kiến thức sinh học chị có thể nhờ tới ông Hà Sỹ Phu –Tiến sỹ sinh vật học giải thích dùm. Chị Thủy Băng ơi! Chị quên mất bà con nông dân rồi sao, hay là chị chưa một ngày nào ở nông thôn" Chị có biết không cái thứ chất cặn bã do con người thải ra đó, cây cối cực kỳ thích, củ gừng ở trong chất cặn bã đó sẽ mập lắm đấy. Trồng ớt mà có tí cặn bã của con “kê” thì tuyệt cay chị ạ!.
Tiếp đến là nói tới chuyện so sánh giữa ông Trần Khuê và ông Đinh Đình Phú. Chị Thủy Băng cho rằng ông Trần Khuê chỉ thuộc hàng “xách dép” cho ông Đinh Đình Phú. Quả thực đây là một ý tưởng rất “sâu” và “hiểm”, một mũi tên hầu nhằm trúng hai đích: vừa nhằm hạ thấp ông Trần Khuê lại vừa nhằm chia rẽ hai ông với nhau. Nhưng chị Thủy Băng ơi! Hình như nội dung chị viết có vẻ không theo đúng như mong muốn của chị. Chị bảo ông Khuê thuộc hàng “xách dép” (từ này thường được dùng ở chợ trời ngày xưa) mà sao chị lại chú tâm đến ông ấy nhiều quá vậy! cỡ đấy thì làm nên trò trống gì mà phải tốn kém giấy mực và công sức của chị và của Nhà báo Nguyễn Như Phong. Ông Trần Khuê đòi chống tham nhũng, tự khắc những người trong hội tham nhũng sẽ tìm cách chống lại ông ta ngay thôi, như chị cũng đã nói đấy: “bác Phú đã phải hứng chịu nhiều sự trù dập và trả đũa”. Tham nhũng ở Việt Nam mình nhiều lắm không cần đến chị phải giúp họ đâu!, Hay là …chị cũng…thuộc…. Thế rồi những điều chị viết lại làm người đọc hiểu ra một điều rằng những người có can đảm chống tham nhũng như ông trần Khuê và ông Đinh Đình Phú là những người có cùng chung một lý tưởng chống tham nhũng nhưng lại có những “cách đánh” khác nhau. Ông Đinh Đình Phú là nhà quân sự (cấp hàm Đại tá) đã dùng cách đánh trực diện theo kiểu vỗ mặt gặt hái ngay được thành công với một số tổn thất nhỏ. Còn ông Trần Khuê là nhà giáo (cấp hàm “Ngụy giáo sư”) lại có “cách đánh” theo kiểu giáo dục mang tính lâu dài, giải quyết vấn đề theo hướng đi tìm căn nguyên để trị tận gốc tham nhũng, thành công được chờ đón ở tương lai tươi sáng của dân tộc. Điều đó thể hiện đây là một cuộc “chiến tranh nhân dân” chống tham nhũng mang đầy tính sáng tạo của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, mỗi người làm một việc tùy theo khả năng và sự hiểu biết của mình. Nếu đặt ra sự so sánh như trên thì chị Thủy Băng đã tầm thường hóa việc làm của bác Đinh Đình Phú rồi đấy. Trong lúc Tổ quốc bị nỗi nhục tụt hậu bởi tham nhũng và thiếu dân chủ, chống tham nhũng lúc này là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi con người Việt Nam, nó không phải là thứ để đem ra so sánh ai tài hơn ai và nó cũng không phải là thứ để đem ra k! 875; công ai to hơn ai. Kỳ thực, theo cách viết của bài báo thì chị Thủy Băng cũng chẳng đề cao gì bác Đinh Đình Phú đâu, Chị ví việc làm của bác Phú cũng chỉ như một “thứ gừng” mà thôi, nó cũng làm cay một ai đó nhưng chưa đủ mức cay như thứ gừng của ông Trần Khuê để được gọi là “gừng thối, gừng sâu”. Chị muốn chê ông Trần Khuê nhưng kỳ thực chị lại mô tả ông Trần Khuê là một người đã học được rất nhiều bài học từ cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta trước đây. Này nhé, ông Trần Khuê đã lập ra ra trang Web (website) là giống như sự xuất hiện của tờ báo “Người cùng khổ” ở Pháp, ông liên kết với người Việt Nam ở nước ngoài là từ bài học của Nguyễn Ái Quốc tìm đến những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, ông cũng biết cách kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc huy động nguồn tài chính của mọi thành phần đặc biệt là của người Việt Nam yêu nước ở ngước ngoài (vì nhân dân trong nước còn nghèo) để phục vụ cho sự nghiệp chống tham nhũng của mình…. “Trần Khuê quả là khôn khéo và thâm hiểm” như lời chị Thủy Băng nhận xét. Chị lại còn ca ngợi ông Trần Khuê là một người suốt đời đấu tranh cho tự do dân chủ, tất cả mọi việc làm của ông đều hướng tới dân chủ hóa xã hội - là cái thứ mà nhân dân Việt Nam đang thèm khát hiện nay. Chị đã viết: “ Sách lược nào (của ông Trần Khuê) cũng phải phục vụ cho sự nghiệp dân chủ hóa và phải tìm cách ra một tờ báo”, “Từ đó cho thấy cái hội chống tham nhũng của Khuê và những kẻ khác chẳng qua chỉ là một cái vỏ để cho Khuê rêu rao về dân chủ”. Ôi! Ông Trần Khuê quả là một con người tuyệt vời vì nước vì dân!
Trong bài báo, chị Thủy Băng cũng đề cập nhiều đến chuyện lập hội. Bởi vậy chúng ta chuyển sang bàn với nhau về vấn đề này nhé! Như chị đã biết, từ thủa khai sinh lập địa, để sinh tồn, muôn loài trong tự nhiên bao gồm cả động vật và thực vật đều biết cố kết với nhau thành bầy đàn để tồn tại. Con vật càng nhỏ, sức lực càng yếu đuối thì tính bầy đàn lại càng cao: cỏ là loại cây mềm yếu cho nên chúng phải liên kết móc xích với nhau để thành bãi cỏ, kiến là con vật nhỏ bé cho nên chúng phải liên kết sống vo+i nhau thành tổ….. Con người cũng vậy, họ cần liên kết với nhau để tồn tại trong cuộc sống, Chính vì vậy việc lập hội để bảo vệ mình là một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người đã được cộng đồng quốc tế ghi trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và được quốc hội nước ta ghi trong Hiến pháp. Khởi nguồn của việc lập hội, lập nhóm của con người nói chung là để tự vệ, là để đấu tranh sinh tồn. Con người tập hợp nhau lại để chống chọi với thiên nhiên, chống chọi với thú dữ, chống chọi với áp bức bóc lột…Ban đầu là vậy nhưng rồi cũng có những người sử dụng sức mạnh của hội nhóm nhằm vào các mưu đồ cá nhân như thỏa mãn nhu cầu say mê quyền lực, say mê chinh phục, say mê danh vọng, say mê tiền bạc, say mê giết chóc…
Vì tham nhũng là ăn cắp, ăn cướp tài sản của quốc gia, mà tài sản quốc gia là của nhân dân, vậy nhân dân là đối tượng bị tham nhũng tước đoạt cuộc sống, sinh ra cảnh bần hàn cơ cực, trong khi đó bọn tham nhũng lại cực kỳ xảo quyệt và dã man, chúng sẵn sàng trù dập người chống tham nhũng kể cả sát hại tính mạng con người (có rất nhiều ví dụ về điều đó). Trong một hoàn cảnh bị bọn tham nhũng áp bức như vậy, tất yếu nhân dân phải đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình, càng áp bức nhiều thì sự phản kháng càng mạnh. Và những người có ý định chống tham nhũng hiểu rằng, nếu chỉ đơn lẻ từng người một thực hiện thì chắc chắn sẽ bị thua thiệt, bởi vậy việc cố kết lại với nhau là một điều hiển nhiên. “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” luôn là bài học có giá trị thôi thúc mọi người đến với nhau nếu không muốn bị đè bẹp. Ngày hôm nay chưa lập hội cố kết với nhau thì ngày may sẽ làm điều đó, người này không đứng ra tổ chức được thì người khác sẽ đứng ra thực hiện việc đó. Nếu còn tham nhũng thì chắc chắn sẽ có Hội nhân nhân Việt Nam chống tham nhũng. Đó là quy luật đấu tranh sinh tồn của tự nhiên. Cũng giống như vấn đề tự do, dân chủ - một giải pháp giải quyết tận gốc nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc và đất nước đang là khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, cho nên, không sớm thì muộn chắc chắn nhân dân sẽ cố kết lại với nhau dưới dạng một hội nào đó để giành lại quyền đó về nhiều hơn cho mình. Sự hình thành một hội để giải quyết vấn đề tự do dân chủ tự nó sẽ đến.
Hiện nay ở Việt Nam chỉ có duy nhất một lực lượng có sức mạnh để chống tham nhũng là Đảng CSVN. Nhưng vấn đề rắc rối cho cuộc chống tham nhũng là ở chỗ những kẻ tham nhũng phần lớn lại là thành viên của đảng, cấp càng cao thì tham nhũng càng nhiều cho nên đặt ra cho đảng một bài toán rất khó tìm lời giải. Nếu kiên quyết chống tham nhũng, xử hết kẻ tham nhũng thì đảng sẽ mất lực lượng cán bộ trung thành với cơ chế duy trì sự lãnh đạo độc tôn của đảng, cái cơ chế mà bọn tham nhũng rất thích vì nó là bàn đạp cho chúng leo cao chui sâu, là lá chắn cho chúng khi mắc tội, chúng thừa biết rằng trong một cơ chế dân chủ (chỉ là dân chủ trong nội bộ đảng thôi) thì với tài cán như chúng, với cái đạo đức tham lam như chúng sẽ không thể nào giành chức giành quyền để có chỗ tham nhũng được. Trong khi đảng không muốn lực lượng của mình bị sứt mẻ, không muốn tự nhìn nhận bệnh tật của mình thì công việc chống tham nhũng của đảng khó mà đi tới thành công. Yêu cầu đảng chống tham nhũng là gây khó cho đảng.
Bởi vậy ông Trần Khuê và ông Phạm Quế Dương nhận thấy không muốn làm phiền đảng nữa mà tự nhân dân phải đứng ra bảo vệ lấy cuộc sống của mình bằng cách thành lập hội chống tham nhũng. Nếu có hội chống tham nhũng thì những người bị gặp hoạn nạn như bác Đinh Đình Phú, nhà báo Lan Anh…. sẽ được che chở. Hội chống tham nhũng của ông Trần Khuê không nói tới mục tiêu chiếm quyền, chiềm tài sản, không kêu gọi giết người, cướp của, chỉ phát hiện và phanh phui các vụ tham nhũng báo cáo cho đảng và nhà nước biết để xử to^.i theo pháp luật, chỉ đề cập tới giải pháp diệt tham nhũng tận gốc là dân chủ hóa xã hội. Một hội được ra đời xuất phát từ nhu cầu cháy bỏng của nhân dân như vậy, sao chị Thủy Băng lại gán cho cái mác chống đảng, để yêu cầu đảng ra tay tiêu diệt nó "!. Chị nói: mượn Hội chống tham nhũng để rêu rao về dân chủ, chả lẽ vấn đề dân chủ không phải là điều đảng muốn, nếu không rêu rao về dân chủ là phương cách giải quyết tận gốc nạn tham nhũng thì rêu rao cái gì đây" Chị lại nói: dùng Hội chống tham nhũng để tập hợp lực lượng tạo ra một bộ phận đối nghịch với đảng. Tập hợp lực lượng là điều đương nhiên, có như vậy mới đủ sức chống lại được bọn tham nhũng, nhưng nếu coi những người tham gia chống tham nhũng là đối nghịch với đảng thì phải chăng chị Thủy Băng muốn ám chỉ đảng tham nhũng.
Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện: Ở một Tổng nọ, Trong một đám đông, có một người hô to: «Bắt lấy thằng ăn cắp», đám đông im lặng một lúc, bỗng, có một người nhảy ra và trừng mắt quát: «Mày định chống tao hả "!» (hết chuyện) Chị Thủy Băng nghĩ gì về câu chuyện này"
Giờ đây, xin được cùng chị Thủy Băng chuyển sang phần hai của bài báo với nhan đề «Ăn quả không nhớ ơn người trồng cây».
Vâng ! quả là chị Thủy Băng đã dẫn ra một vấn đề rất hay cho cuộc trao đổi này. Phải biết ơn người đã sinh thành ra mình, biết ơn người đã đem lại cuộc sống cho mình, đó là đạo lý làm người, vô ơn bạc nghĩa là trở thành người rất xấu xa.
Theo như cách diễn giải của chị Thủy Băng thì đảng rất sáng suốt lãnh đạo dân tộc giành được rất nhiều thành tựu, và bởi vậy không ai có quyền phủ nhận quyền lãnh đạo suốt đời của đảng đối với dân tộc. Mọi sự phủ nhận quyền lãnh đạo độc tôn này đều là vô ơn bạc nghĩa.
Vậy ơn nghĩa trong trường hợp này cần được hiểu như thế nào "
Thưa chị Thủy Băng! có thể nói trong suốt 75 năm qua đảng đã trồng được rất nhiều cây cho dân tộc, trong số đó có rất nhiều cây như chị đã nói, đặc biệt là cái cây độc lập dân tộc trồng vào năm 1945 đã được đa số các thành phần trong dân tộc thừa nhận công sức to lớn của đảng . Nhưng còn những cái cây về sự tụt hậu của đất nước, sự tha hóa của đạo đức xã hội, sự xuống cấp của giáo dục, sự kém cỏi của y tế, sự leo thanh của các tệ nạn xã hội , sự mất phương hướng của lớp trẻ, sự kém cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế…" Những cái cây này cần phải cần phải nhìn nhận như thế nào" Xin dành câu trả lời cho chị Thủy Băng.
Trong các bài học lịch sử, cả chị và tôi đều được học về tấm lòng hy sinh cao cả của những người chiến sỹ cách mạng, họ sẵn sàng xả thân để đem lại hạnh phúc cho mọi người, họ không chiến đấu để tranh giành quyền lực. Tôi e rằng cách đặt vấn đề như của chị Thủy Băng sẽ làm giảm đi nghĩa cử cao đẹp mà đảng đã đề ra trong mục tiêu hành động của mình, những sự hy sinh mất mát của các nhà cách mạng không phải là thứ đem ra mặc cả đổi chác, bán mua.
Còn lãnh đạo là vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc ở thời hiện tại và tương lai, cho nên quyền lãnh đạo đất nước cần giành được bằng sự tín nhiệm của nhân dân ở thời hiện tại, công lao đóng góp vào một thành công lịch sử không thể là thứ đem ra tính toán trả thay bằng quyền lãnh đạo. (Ngô Quyền đã đem lại độc lập cho dân tộc sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, không có lẽ dòng họ Ngô sẽ làm vua trị vì suốt đời").
Mặt khác cũng đề nghị chị Thủy Băng nhìn nhận xem: đảng có cần phải tri ân với dân tộc đã cưu mang, che chở, cung cấp nhân tài vật lực cho sự thành công của đảng hay không " Đảng có thể tri ân dân tộc bằng cách trả về cho nhân dân cái quyền được lựa chọn người lãnh đạo của mình như lời ông Trần Khuê đề nghị hay không" (Nhân đây xin được nói rõ hơn ý của ông Trần Khuê một chút: ông đề nghị xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp, tức là xóa bỏ quy định quyền lãnh đạo độc tôn của đảng, mà không phải xóa bỏ sự lãnh đạo của đảng. ảng có thể lãnh đạo đất nước thông qua sự lựa chọn của nhân dân bằng hình thức bầu cử tự do dân chủ). Có nhiều đối tượng để lựa chọn chắc chắn sẽ hơn là chỉ duy nhất có một phải không chị"
Thưa Chị Thủy Băng! Chị tin tưởng và khẳng định tài năng lãnh đạo của đảng, không biết chị có tin vào khả năng nhận định và tài đánh giá của nhân dân hay không" Nếu chị đặt niềm tin vào sự sáng suốt của nhân dân thì việc làm của ông Trần Khuê không làm lay chuyển được vị thế của đảng khiến dùng tới những lời lẽ thóa mạ một người già như vậy.
Cuối cùng xin có đôi điều nói thêm với chị Thủy Băng: người Việt Nam ta có lẽ sống là «Kính lão, đắc thọ», ông Trần Khuê tuổi cũng đã cao, dù là người mà chị ghét cay ghét đắng đi chăng nữa thì cũng nên dùng tới những từ ngữ lịch sự trong bài viết của mình, đối tượng phục vụ của chị là độc giả kia mà! Còn ông Trần Khuê chắc cũng chỉ biết mỉm cười mà thôi. Còn một điều nữa định đưa ra bàn thảo với chị, đó là cái dấu chấm, nhưng vì thời gian có hạn cho nên xin dừng tại đây.
Xin gửi tới chị Thủy Băng lời chào trân trọng!
Tr. Lâm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.