Hôm nay,  

Thông Điệp Phù Đổng Thiên Vương

18/04/200500:00:00(Xem: 5318)
(Trình bày tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Toronto, ngày 17-4-2005)
Kính thưa Ban Tổ chức,
Kính thưa quý vị quan khách,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban Tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được thưa chuyện ngày hôm nay, về truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương, nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Kính thưa quý vị,
Như mọi người đều biết, truyền thuyết Hùng Vương xuất hiện lần đầu trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn xong năm 1479 dưới triều đại vua Lê Thánh Tông. Ngoài huyền thoại vua Hùng, truyền thuyết nầy còn bao gồm nhiều chuyện cổ tích chung quanh vua Hùng, như Sơn tinh Thủy tinh, Trầu cau, Phù Đổng thiên vương... Tại diễn đàn nầy, chúng tôi đã thưa chuyện với quý vị về "Truyền thuyết Hùng Vương", về "Sự tích trầu cau", nay tôi xin được hầu chuyện với quý vị về "Thông điệp Phù Đổng thiên vương".

"Phù Đổng thiên vương" có nghĩa là "vua trời làng Phù Đổng". Theo truyền thuyết Hùng Vương, làng Phù Đổng thuộc bộ Võ Ninh, một trong 15 bộ của nước ta thời Hùng Vương. Làng Phù Đổng còn có tên là làng Gióng. Dưới thời nhà Nguyễn, làng Phù Đổng thuộc tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, xã Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Câu chuyện Phù Đổng Thiên vương được chép lần đầu trong sách Lĩnh nam chích quái (Trích những chuyện quái đản ở vùng phía Nam núi Ngũ Lĩnh), được soạn khoảng trước hoặc đầu thế kỷ 15, do một tác giả khuyết danh, hay có thể do Trần Thế Pháp, và được các tác giả Vũ Quỳnh (đỗ tiến sĩ năm 1478) và Kiều Phú (đỗ tiến sĩ năm 1475) hiệu chính. Theo giáo sư Dươgn Quảng Hàm, Sách nầy "góp nhặt những chuyện thần tiên cổ tích về đời Hồng Bàng, những chuyện Bạch trĩ (trĩ trắng), Kim quy (rùa vàng), Tân lang (trầu cau), Tây qua (dưa hấu), Bánh chưng, Phù Đổng thiên vương, Lý Ông Trọng, Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thần Tản Viên...

Điều đặc biệt, sách Lĩnh nam chích quái kể chuyện Phù Đổng thiên vương xảy ra vào đời Hùng Vương thứ 3, nhưng sau đó, khi chép lại câu chuyện nầy, sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên cho rằng câu chuyện xảy ra vào đời Hùng vương thứ 6.

Sau đây là lời thuật của sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược về chuyện Phù Đổng thiên vương: "Đời Hùng Vương thứ 6, có đám giặc gọi là giặc Ân, hung mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, có đứa trẻ xin đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa, và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong, thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc. Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong làm Phù Đổng thiên vương."

Dưới thời nhà Tiền Lê (980-1010), sau khi chiến thắng quân Tống năm 981, vua Lê Hoàn (trị vì 980-1005) phong Phù Đổng thiên vương làm Sóc Sơn Đổng thiên vương, Đà giang hiển thánh, phù Thánh giá đại vương, Thượng đẳng sơn thần. Như thế, sắc phong nầy bao gồm cả ba tước hiệu: vương, thánh và thần. Lễ hội thánh Gióng diễn ra hằng năm vào các ngày mồng 9 tháng 4 âm lịch tại làng Phù Đổng.

Kính thưa quý vị,
Trình bày câu chuyện Phù Đổng thiên vương trên đây, chúng tôi không muốn đi sâu vào khía cạnh nghiên cứu lịch sử. Bởi vì khi nghe câu chuyện nầy, chắc chắn quý vị, nhất là giới thanh niên đang theo học nền văn hóa khoa học thực nghiệm ở Bắc Mỹ, đều hiểu rằng chuyện nầy, cũng như truyền thuyết Hùng Vương, không thể là sự thực lịch sử, mà chỉ là chuyện cổ tích, có tính cách huyền thoại mà thôi.
Theo một tác giả Tây phương, chuyên nghiên cứu về huyền thoại, thì huyền thoại là những câu chuyện có tính cách tưởng tượng, "được trình bày như thể đã thực sự xảy ra ở một thời đại trước để giải thích những truyền thống có tính cách vũ trụ luận và siêu nhiên của một dân tộc, những vị thần linh, những anh hùng, những đặc điểm văn hóa và tín ngưỡng của họ. Mục đích của huyền thoại là để giải thích sự sáng tạo con người, loài vật, địa lý, các hiện tượng tự nhiên, cũng như những nghi lễ trên nền tảng tôn giáo."

Như thế, khi sáng tạo và kể lại truyền thuyết về Phù Đổng thiên vương, hay Thánh Gióng, các tác giả Lĩnh Nam chích quái và Đại Việt sử ký toàn thư hẳn phải có một dụng ý gì, hoặc một mục đích gì"

Dụng ý rõ nét nhất là câu chuyện nầy cho biết rằng từ thuở bình minh của lịch sử, nước ta là một khu vực tự trị độc lập, như lời Nguyễn Trãi (1380-1442) đã viết khi mở đầu bài "Bình ngô đại cáo": "Như nước Việt ta từ trước: vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia; phong tục bắc nam cũng khác."


Thứ hai, chuyện "Phù Đổng thiên vương" báo động rằng, ngay từ thời lập quốc, dân tộc và đất nước chúng ta luôn luôn bị những người bắc phương đe dọa, xâm lăng. Giặc Ân từ phương bắc tượng trưng cho mối hiểm họa thường trực xuyên suốt từ thời xa xưa cho đến ngày hôm nay. Sử sách cho thấy các triều đại phong kiến Trung Hoa đã nhiều lần đem quân xâm lăng nước ta. Sử sách cũng cho thấy, trong thời đại nầy, Cộng Sản Trung Quốc cũng đã đem quân tấn công nước ta. Cộng sản Trung Quốc chẳng những đã chiếm mất thác bản Giốc, ải Nam Quan, mà hằng ngày đe dọa, uy hiếp đời sống dân chúng Việt Nam trên miền biên giới, hoặc các ngư phủ trong vùng lãnh hải Việt Nam. Vừa qua, sáng ngày 8-1-2005, các ngư dân tỉnh Thanh Hóa, trong khi đánh cá hợp pháp ngoài khơi vịnh Bắc Việt, đã bị tàu Trung Quốc nổ súng tấn công trong hai vụ khác nhau, giết chết tại chỗ chín ngư phủ (trong cả hai vụ), và bắt đi tám người khác trong đó có hai người bị thương.
Điểm thứ ba, khi giặc Ân đến, một em bé ba tuổi ở làng Gióng đã lên đường dẹp giặc. Đây là hình ảnh tượng trưng cho người trẻ tuổi dấn thân phục vụ tổ quốc đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Dầu chỉ là truyền thuyết, nhưng truyền thuyết nầy nhắm đề cao tinh thần hy sinh phục vụ đất nước của những người trẻ tuổi lúc tổ quốc lâm nguy, như bà Đoàn Thị Điểm đã mô tả trong bản dịch Chinh phụ ngâm khúc:
"Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung,
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời." (Câu 17-20)
Chẳng những thanh thiếu niên tham gia chiến đấu lúc tổ quốc lâm nguy, mà tục ngữ Việt Nam cũng luôn luôn nhắc nhở: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Ở đây, trong hội trường nầy, có lẽ một số vị niên truởng trong Quân lực VNCH đã từng chứng kiến cảnh những nữ chiến sĩ không có quân số, tức những bà vợ của các chiến binh, tiếp tay chuyền đạn cho chồng trong những căn cứ địa phương, để chống cộng sản xâm lăng của cộng sản trước năm 1975.

Thế mà, thưa quý vị, thế mà sau năm 1975, rất tiếc là Quân đội nhân dân Cộng Sản Việt Nam, những người tự hào đã từng chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, nay lại cởi giáp quy hàng, dâng nạp thác bản Giốc, Ải Nam Quan, và khoảng 10,000 km2 mặt biển vịnh Bắc Việt cho Trung Quốc. Thê thảm hơn nữa, cũng chính Quân đội nhân dân CSVN khoanh tay đứng nhìn binh sĩ Trung Quốc bắn giết đồng bào vô tội trên Biển Đông, mà không một phản ứng và không một câu tự hỏi, như người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm khúc: "Xanh kia thăm thẵm từng trên / Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy"" (câu 3-4).

Điều nầy thật trái ngược với hình ảnh hào hùng của những chiến sĩ Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tuy biết rằng yếu thế, năm 1974 vẫn xã thân bảo vệ hải đảo Hoàng Sa của tổ quốc thân yêu. Những vị nầy là những thánh Gióng của thời đại chúng ta, hay ít ra, quý vị không thành công, nhưng đã "thành nhân".

Trở lại câu chuyện Phù Đổng thiên vương, một thông điệp khác của thiên anh hùng ca nầy là em bé làng Gióng tự nguyện đứng ra chiến đấu bảo vệ quê hương, mà không lưu lại tên tuổi và không đòi hỏi vinh danh, vì sau khi thành công, em bé làng Giống đã lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt. Đây là hình ảnh của những chiến sĩ vô danh đã hàng hàng lớp lớp, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, hy sinh thân mạng để bảo vệ và xây dựng đất nước. Những tên tuổi như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung là những tinh hoa kết tụ từ biết bao nhiêu chiến sĩ vô danh, như một thi sĩ đã mô tả:
"Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được ảnh ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

Họ là kẻ từ ngàn năm thủơ trước,
Đã băng rừng, xẻ núi lấp đồng sâu,
Và đã làm cho đất cát hoang vu,
Biến thành những dải sơn hà gấm vóc..."
Không đòi hỏi lợi lộc, không đòi hỏi danh vọng hay địa vị như Thánh Gióng là bài học thật sâu sắc cho người Việt chúng ta, để cùng nhau thật tâm đoàn kết mới có thể tạo được sức mạnh tổng lực của dân tộc, phục vụ quê hương trong giai đoạn nầy. Chỉ có đoàn kết và sức mạnh tổng lực dân tộc mới có thể cùng nhau chống lại cường quyền cộng sản độc tài độc đảng, hiện vẫn còn ngự trị trên quê hương chúng ta. Chế độ hiện tại ở trong nước có hai đặc tính:

Thứ nhất, ở trong nước thì đàn áp tối đa mọi quyền tự do của dân chúng, từ tự do tôn giáo, đến tự do báo chí, tự do lập hội, tự do chính trị. Cho đến bây giờ, năm 2005, trong nước chưa có một tờ báo tư nhân, chưa có một đảng phái đối lập thật sự, và nhà nước cộng sản đã bắt bớ, giam cầm những tu sĩ chỉ biết cầu nguyện nhưng không chịu sự quản lý của nhà nước.

Thứ nhì, ở ngoài nước thì chế độ cộng sản khiếp nhược một cách nhục nhã đối với những lãnh tụ hiếu chiến Bắc Kinh, đến nổi binh sĩ Trung Quốc bắn giết ngư dân Việt Nam ngày mồng 8-1-2005, mà ngày 14-1 viên bộ trưởng ngoại giao Hà Nội vẫn đến tòa Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội tham dự Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước cộng sản Việt Trung, biểu lộ tình hữu nghị Việt Trung, xem như không có việc gì xảy.

Kính thưa quý vị,
Tôi nghĩ rằng thiên anh hùng ca Thánh Gióng còn nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi thêm, nhưng đến đây, vừa đủ thời hạn ban Tổ chức lễ Giỗ Tổ hôm nay cho phép. Chúng tôi xin tạm dừng cuộc nói chuyện, hy vọng chúng ta sẽ còn gặp nhau thảo luận trong tương lai.
Trân trọng cảm tạ quý vị đã lắng nghe, và kính chúc quý vị được an vui hưởng lộc tổ.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 17-4-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.