Hôm nay,  

Tt Bush Đã Thắng

04/11/200400:00:00(Xem: 5229)
TT George W. Bush đã đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Sáng thứ tư TNS John Kerry đã chúc mừng ông Bush trong một cuộc điện đàm chỉ có 5 phút. Theo các nguồn tin của cả hai phía, Bush gọi Kerry là một “đối thủ xứng đáng, cứng rắn và có danh dự”. Kerry nói với Bush đất nước đã quá chia rẽ và Bush đồng ý như vậy. Bush nói: “Chúng ta phải làm một cái gì về chuyện đó”. Như vậy sau một cuộc tranh cử gay go, một cuộc kiểm phiếu cũng gay cấn chẳng kém, cuộc bầu cử năm 2004 đã có kết quả mau lẹ và mỹ mãn. Cho đến sáng sớm ngày thứ tư vẫn chưa có kết quả chính thức, nhưng TT Bush đã dẫn đầu vì đã chiếm được 254 phiếu cử tri đoàn so với TNS Kerry được 252 phiếu. Về phiếu phổ thông, Bush cũng hơn Kerry, với 51% so với 48%. Riêng ở California, một tiểu bang có đến 55 phiếu cử tri đoàn, Kerry đã thắng vì hơn Bush khoảng 1 triệu phiếu phổ thông.

Sau khi Dân Chủ nhận thua ở Ohio, TT Bush đã chính thức đắc cử. Về cuộc bầu cử năm nay, người ta có thể thấy một vài con số rất có ý nghĩa. Trên toàn quốc số cử tri ghi danh đã vọt lên rất cao đến 73%, cao nhất kể từ năm 1992. Khoảng 120 triệu phiếu được kiểm, tức là nhiều hơn 5 triệu phiếu ghi nhận 4 năm trước. Số người đi bầu gia tăng vào đúng thời điểm này là một điều phấn khởi cho hệ thống dân chủ ở Mỹ, vì nó chứng tỏ người dân Mỹ đã quan tâm hơn đến vận mệnh đất nước giữa lúc có nhiều vấn đề trọng đại đặt ra.

Sở dĩ TT Bush thắng là vì một yếu tố rất quan trọng: sự an toàn của dân chúng Mỹ trước hiểm họa khủng bố. Sau ngày 9/11, gần 4 năm trôi qua bọn khủng bố al-Qaida do bin Laden cầm đầu đã không đánh được một đòn nào vào nước Mỹ. Sự thật hiển nhiên này đã vượt trên những âu lo của dân Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới nhất là chiến tranh Iraq, về tình hình tài chính mặc dù có số thâm thủng ngân sách lên đến kỷ lục và sự phục hồi kinh tế vẫn còn trì trệ, cũng như về một số vấn đề khác như y tế, phúc lợi, môi sinh vv... có thể đã nghiêng về Kerry trong cuộc vận động tranh cử. Đảng Dân Chủ đã thất bại trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm nay, nhưng điều đáng buồn là họ đã thua cả về cuộc tranh cử bổ túc Lưỡng Viện Quốc hội. Vào sáng thứ tư, người ta đã biết đảng Cộng Hòa nay kiểm soát cả hai viện. Tại Thượng Viện, Cộng Hòa đã có thêm 4 ghế, tức là tổng cộng họ có 55 ghế, còn Dân Chủ chỉ còn 44 ghế; 1 ghế độc lập. Thê thảm nhất là TNS Tom Daschle, lãnh tụ thiểu số Dân chủ, đã mất ghế TNS vào tay một cựu dân biểu Cộng Hòa, ông John Thune. Tại Hạ Viện, Cộng Hòa được thêm 4 ghế đạt đến tổng cộng 233 ghế, còn Dân Chủ mất 4 ghế, nay chỉ còn 201 ghế; 1 ghế độc lập. Về chức Thống đốc, Cộng hòa có 29, Dân Chủ có 21.

Nhìn chung cán cân quyền lực sau cuộc bầu cử, chẳng những TT Bush tái đắc cử mà đảng Cộng Hòa còn chiếm đa số tại Lưỡng viện, làm một hậu thuẫn đáng kể cho ông trong việc chuẩn y và thi hành chính sách. Xét đa số Cộng Hòa tại Quốc Hội, người ta thấy dù ông John Kerry có đắc cử Tổng Thống, ông cũng sẽ gặp nhiều thế kẹt với sự cản trở của đa số Quốc Hội. Như vậy để TT Bush có thêm một nhiệm kỳ chẳng tốt hay sao" Nếu ông Kerry lại quậy để đòi kiểm phiếu lại hay kiện thưa bất cứ điều gì trước Tòa án, kết quả sẽ chỉ kéo dài thêm khắc khoải và đào sâu thêm hố chia rẽ trong dư luận quần chúng. Việc Kerry sớm nhận thua là điều đáng ca ngợi, vì điều dư luận rất lo ngại, như chúng tôi đã nêu ra trước đây, là thấy bóng ma của cuộc bầu cử năm 2000 lại hiện ra với màn kết là cảnh gấu ó tranh tụng, tố cáo lẫn nhau, không đẹp chút nào trong lúc cả thế giới đang nhìn về nước Mỹ. Nay với kết quả cuộc tranh cử sớm được quyết định, TT Bush và đảng Cộng Hòa đã có đầy đủ quyền lực, và khi đã có quyền tất cũng phải chịu trách nhiệm lãnh đạo đất nước trong cuộc chiến tranh chống khủng bố rất gay go. Thành hay bại dĩ nhiên là chuyện tương lai, bởi vì những vấn đề đặt ra không phải nhỏ. Nóng bỏng nhất ngay trước mặt là chiến tranh Iraq.

TT Bush đã hạ quyết tâm để quân Mỹ ở lại Iraq cho đến ngày nước này có một chế độ dân chủ và sau đó được bảo đảm sống trong hòa bình và ổn định. Vấn đề tổn phí được đặt ra. Trước đây chính phủ Bush đã xin được Quốc hội cấp sẵn một ngân khoản 25 triệu đô-la trong tài khóa mới nhưng sau cuộc bầu cử này, TT Bush sẽ phải xin cấp thêm nhiều hơn, theo một vài nguồn ước lượng có thể lên đến 70 triệu đô-la, để gánh nặng quân sự ở Iraq và cả ở Afghanistan có thể được ứng đối một cách thực tế hơn. Ngoài ra TT Bush cũng có thể phải tăng thêm quân số Mỹ ở Iraq để diệt trừ những mầm mống nổi loạn liên minh với khủng bố, đã lộng hành trong những ngày trước bầu cử. Mặt khác một vấn đề dài hạn cũng được đặt ra trong chính sách đối ngoại. Đó là việc tăng cường và củng cố mối liên minh quốc tế trong mặt trận chống khủng bố nói chung.

Ở điểm này có một câu hỏi được đặt ra. Thứ sáu tuần trước, đúng 3 ngày trước cuộc bầu cử ở Mỹ, một cuốn băng video của bin Laden đã được nhiều đài TV trên thế giới và ở Mỹ chiếu lại. Trong cuốn băng, trùm khủng bố nói với dân Mỹ: “Chuyện tôi nói với quý vị là về cách tốt nhất để tránh một vụ Manhattan nữa...An ninh của quý vị không nằm trong tay Kerry, Bush hay Al-Qaida. An ninh của quý vị nằm trong tay chính quý vị. Nước nào không quậy phá nền an ninh của chúng tôi tự nhiên sẽ được bảo đảm an ninh”. Bin Laden có dụng ý gì vậy" Hắn muốn gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ chăng" Chúng tôi nghĩ đó không phải là mục tiêu của hắn. Hiển nhiên bin Laden bất chấp ai làm Tổng Thống. Điều mà bin Laden nhắm vào là gây chia rẽ, vì một chiến lược gia như bin Laden đã biết hắn sẽ thất bại trước sức mạnh đoàn kết của người dân Mỹ. Để kết luận về cuộc bầu cử 2004, chúng tôi muốn nhắc lại một lời hứa năm 2000 của TT Bush: ông sẽ là một người lãnh đạo tạo đoàn kết chớ không gây chia rẽ. Mong lắm thay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.