Hôm nay,  

Khoa Học, Thiền Và Sức Khỏe

28/09/200400:00:00(Xem: 5480)
Càng ngày người Mỹ càng chú ý đến thiền, họ nghiên cứu thiền, áp dụng thiền trong đời sống và nhất là phối hợp thiền trong việc phòng ngừa và trị liệu y khoa.
Báo Times trong số ra ngày 4 tháng 8 năm 2003 đã viết về Thiền vớiø những lợi ích của nó, ký giả Joel Stein cho biết nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiền làm cho hệ thống miễn nhiễm hoạt động mạnh hơn, thiền có khả năng làm cho bớt đi những căng thẳng tâm trí, làm chậm lại sự phát triển và kềm chế được các cơn đau gây ra do các bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh aids, bệnh ung thư, thiền còn chữa được cả bệnh hiếm muộn.
Báo Newsweek số ra ngày 27 tháng 9 năm 2004 có hình nơi trang bìa là một gương mặt phụ nữ nhắm mắt trong trạng thái đang bị thôi miên, phía trên là một logo về thư giãn, phía bên trái có tiêu đề Health For Life tức là Sức Khỏe Cho Đời Sống. Dưới đó là những hàng chữ Tha thứ và Sức khỏe, Căng hẳng và sự Hiếm muộn, Suy nghiệm lại về Thôi miên và Manh mối của Chứng đau tim.
Trang 48 của báo này có bài viết nhan đề Giáo Huấn của Phật (Buddha Lessons), ký giả Claudia Kalb khởi đầu bài viết nói về sự chịu đựng những đau đớn cùng cực kéo dài cả hàng chục năm của DALIA ISICOFF bởi bệnh thấp khớp phối hợp với bệnh đau cột xương sống cùng với hậu quả của nhiều lần mổ xương chậu. Các loại thuốc chống đau đều lờn, chẳng còn hiệu nghiệm nữa cho mãi đến sau khi đã tham dự khoá Y Học Tổng Hợp của Trung Tâm Maryland thì cô mới khám phá ra rằng trong cô có một vũ khí đầy uy lực, đó là tâm của cô. Cô đã thực tập phương pháp gọi là Giảm Thiểu Căng Thẳng Bằng Chánh Niệm MBSR (Mindfulness-Based Stress Reduction) và nhờ đó cô hiểu được rằng là phải làm sao nhận ra được cơn đau thay vì thống trị nó.
Những chuỗi tư tưởng yếm thế và tiêu cực như "Chỉ có tệ hại hơn thôi", "Chắc thế nào cũng phải ngồi xe lăn thôi" đã khởi sự tiêu tan, cô ta đã có thể cắt giảm các liều lượng thuốc men. Các cơn đau chưa phải là biến hết nhưng tôi thấy bây giờ có thêm một đồng minh, cô nói, "Chánh niệm thật là một sự chuyển hóa".
Chánh niệm đã có cội gốc nơi đạo Phật từ thuở xa xưa, bây giờ chiếm được chỗ đứng như là một thứ thuốc trị liệu cho tất cả các loại bệnh. Từ các bệnh căng thẳng thần kinh mãn tính cho đến các bệnh trầm cảm và ngay cả những biến chứng trong việc trị liệu ung thư.
Đã có 15 ngàn người tham dự khóa thực tập phương pháp trị liệu bằng Chánh Niệm MBSR trong 8 tuần lễ tại trường Đại Học Y Khoa của tiểu bang Massachusetts do Jon Kabat-Zinn khởi xướng. Ngoài ra còn có hành trăm người tham dự tại các trung tâm điều trị y khoa trên khắp nước Mỹ. Nghiên cứu cho biết Chánh Niệm có thể làm giảm đi các cơn đau và những sự lo âu. Các nhà nghiên cứu đã dùng các phương pháp thử máu lẫn sự phân hình não bộ và cho biết các kết quả đầu tiên đã đem lại nhiều khích lệ. Trong buổi hội thảo đầu tiên do Viện Sức Khoẻ Quốc Gia, được tổ chức trong mùa xuân vừa qua, nhà tâm lý học Ruth Baer của đại học Kentucky nói, "Những người trong cộng đồng khoa học đã thường cho rằng đó thật là một việc quá mơ hồ và huyền hoặc, bây giờ họ nói rằng, phải bắt đầu chú tâm đi".
Chú tâm là cốt lõi của Chánh Niệm. Trong 45 phút thiền tập học viên học quan sát sự khởi niệm lung tung trong tâm và những cảm giác nơi thân mình. Nguyên tắc căn bản là phải nhận biết được những gì đang xẩy ra từ giây phút này đến giây phút khác mà không khởi tâm phân biệt hay lý giải. Việc này không phải là dễ. Người theo đạo Phật gọi là cái "tâm con khỉ", khi muốn ám chỉ đến những hỗn độn khởi ra trong tâm, lôi kéo chúng ta không ngừng nghỉ, từ những hối tiếc trong quá khứ đến những lo lắng cho tương lai, chỉ có một chút xíu thì giờ dành cho cái ngay bây giờ và hiện ở đây. Những nỗ lực thực tập ban đầu chỉ đưa đến những chán nản ("Tôi chẳng bao giờ tập thiền được"), mất kiên nhẫn ("Chừng nào xong"") và những niệm khởi tẻ nhạt ("Tôi phải nấu gì cho buổi ăn tối""). Mục tiêu không phải là đạt Niết Bàn, mà là quán sát những cái tạp nhạp đó với một thái độ từ ái và bao dung, để chấp nhận được đó chỉ là một thoáng ngắn ngủi, tỷ như những bọt nước trong nồi nước sôi hay là những thay đổi hình thái của những đám mây trên bầu trời.

Cái chìa khóa của Chánh Niệm là sự thiền tập đều đặn hằng ngày, và phải coi nó như là một lối sống. Philippe Goldin thuộc Đại học Stanford khuyến khích bệnh nhân phải chiến đấu với căn bệnh lo âu bất bình thường bằng cách có được những sự ngưng nghỉ có ý nghĩa trong ngày, coi đó là một cách theo dõi và đối trị những lo âu, sợ hãi và chao đảo. Một bệnh nhân nói, "tôi đã từng nghĩ sự lo âu đã nắm giữ tôi, nhưng tôi đã nhận được ra là không phải thế, mà là ngược lại tôi đã nắm nó trong bàn tay tôi; vấn đề là làm sao tập được sự buông bỏ."
Tự kiềm chế là một dụng cụ hữu hiệu trong việc chống chỏi với mọi căn bệnh mãn tính. Khi theo dõi và nghiên cứu căn bệnh béo phì của 18 phụ nữ, bà Jean Kristeller, giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu về Sức Khỏe, Tôn Giáo và Tâm Linh của đại học Indiana, khám phá ra rằng sự thiền định trong Chánh Niệm kèm theo việc ăn trong Chánh Niệm (chậm rãi thưởng thức hương vị miếng cheese ngậm tan trong miệng, cảm nhận được số lượng cần thiết và vừa đủ) có thể giúp làm giảm thiểu sự tiêu thụ từ 4 miếng trong 1 tuần còn lại một hay một miếng rưỡi thôi.
Chánh Niệm giúp bệnh nhân Chuck Cooley, 43 tuổi, nhận ra được bệnh âu sầu lo lắng là do việc ăn uống quá nhiều nên đã giảm thiểu sự ăn nhiều pizzas. Ông nói, trước kia tôi cứ tự nhiên ăn thoải mái, bây giờ tôi thưởng thức từ từ từng miếng nhỏ một.
Chánh niệm làm ta thoát ra được những tập quán, thói quen lâu ngày. Chúng ta không phải đấu võ với cái tâm của ta nữa mà là chúng ta đang thích thú đứng quan sát nó. Sự tách ly đó không phải là thụ đông mà là một lối suy nghĩ mới.
Ảnh hưởng sinh học của Chánh Niệm trên bộ óc, trong máu, đối với hệ thống miễn nhiễm là phạm vi kế tiếp của sự nghiên cứu khoa học.
Kabat-Zinn khám phá ra rằng khi những người bị bệnh vẩy nến được nghe nhạc thiền trong khi điều trị bằng tia sáng cực tím thì sự lành bệnh sẽ nhanh hơn gấp bốn lần so với những người không được nghe nhạc thiền.
Kabat-Zinn và nhà khoa học về thần kinh Richard Davidson của đại học Wisconsin thấy rằng sau 8 tuần tham gia thiền Chánh Niệm MBSR các cán sự vi sinh học đã có dấu hiệu gia tăng sinh hoạt nơi vỏ não bên trái phía trước - nơi mà não bộ có liên hệ đến trạng thái hạnh phúc hơn nơi tâm thức - hơn các đồng nghiệp không được thực tập thiền Chánh Niệm. Và khi những người này được chích ngừa cúm thì những người có hoạt động mạnh nơi não trái có sự chống trả đối với vi khuẩn mãnh liệt hơn.
Còn nhiều điều liên hệ để nói. Đại học Massachusetts đang nghiên cứu tác động của Chánh Niệm và sự dinh dưỡng trên các mức độ PSA của bệnh ung thư nhiếp hộ tuyến. Goldin của đại học Stanford lấy các kết quả phân hình não bộ của các bệnh nhân mắc bệnh lo buồn xã hội (social-anxiety) để xem xem sự thực tập Chánh Niệm có ảnh hưởng đến những điểm kích thích tình cảm không. Tại trung tâm tổng hợp y khoa ở Maryland, bác sĩ giám đốc Brian Berman đang lấy các dữ kiện đo đạt về các cái sưng tấy lẫn những biểu đồ về nhiễm sắc thể nơi những người mắc bệnh thấp khớp.
Riêng với cô Dalia Isicoff thì sự hiệu quả thật là rõ ràng, cô nói: "Tôi rất an lạc". Thân và tâm cô đã đồng nhất.
LTS: Thầy Thích Trí Châu là pháp tự Thiền Tông từ dòng Vân Môn, Trung Quốc, do Ngài Phật Nguyên truyền đăng. Thầy Trí Châu đang hoằng pháp tại Quận Cam với các khóa hàng tuần, ở địa chỉ 12441 B Magnolia, Garden Grove, CA92841 (góc Magnolia và Lampson):
Mỗi chiều thứ tư và thứ sáu từ 7:00PM đến 9:30PM
Mỗi sáng thứ bẩy từ 10:00AM đến 12:30NOON
Buổi thiền tập: có thuyết pháp, thư giãn, tọa thiền và pháp đàm. Đang giảng Bát Nhã Tâm Kinh. Vì chỗ giới hạn, xin gọi số (714) 839-2579, nhắn lại tên họ và số phone, sẽ thông báo sự tham dự.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.