Hôm nay,  

Bão Tố Trên Biển Dầu

29/09/200400:00:00(Xem: 5050)
Hai ứng viên Bush-Kerry sắp bước qua màn tranh luận cho cuộc tranh cử tổng thống thì ông Bush đã lãnh một trận bão kéo dài, thổi bung giá dầu lên mức nguy hiểm.
Chưa ai biết là Tổng thống Bush hay Nghị sĩ Kerry, ai sẽ thắng điểm trong cuộc tranh luận đầu tiên, vào tối Thứ Năm nay. Nhưng, chưa ra quân ông Bush đã lãnh họa với việc giá dầu thô đã vượt mức tâm lý là 50 đô la một thùng, và sẽ còn lơ lửng trên đó khá lâu nếu bão tổ không dừng thổi.
Kinh tế Mỹ đã không có chỉ dấu lạc quan trong hai tháng Sáu và Bảy, lại còn có dấu hiệu bi quan trong tháng Tám, với tâm lý bất trắc của giới tiêu thụ. Yếu tố tác động mạnh nhất là cơn sốt dầu hỏa. Tuần qua, cơn sốt không giảm mà còn tăng vì một số biến cố.
Trước tiên là vụ một Pháp kiều bị ám sát tại Jeddah của Saudi Arabia vào hôm 26.
Ông Laurent Barbot này hình như là có liên hệ đến tình báo Pháp. Ông làm gì tại Saudi thì chỉ có chính phủ Pháp biết được thôi. Tình báo Pháp và cả tình báo của quân khủng bố nữa. Quân khủng bố đã có thể xâm nhập vào hệ thống an ninh Saudi hay tình báo Tây phương hoạt động ở đây: Barbot bị hạ sát bởi những tay chuyên nghiệp, “trong nghề”. Biến cố cho thấy là sau mùa nghỉ hè, trở về Saudi Arabia thì kiều dân Tây phương lại trở thành nạn nhân của khủng bố, và dù có hoạt động về tình báo, ông Barbot vẫn bị bắn hạ dễ dàng. Kết luận: Saudi Arabia chưa yên, quốc gia số một thế giới về dầu hỏa đang bị quân khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công gián tiếp, bằng cách sát hại người ngoại quốc công tác nơi đây, điều đã được thấy từ tháng Năm và tạm lắng trong trong Tám. Nay các hãng dầu hay chuyên gia dầu khí Tây phương tiếp tục được cảnh cáo, một lời cảnh cáo tất nhiên làm bốc giá dầu thô trên thế giới.
Biến cố thứ hai là biến động tại Nigeria (đừng lầm với xứ láng giềng là Niger). Một nhóm phiến loạn tự xưng là Chí nguyện quân vùng Châu thổ sông Niger (NDPVF) tuyên bố hôm 27 là kể từ mùng một tháng 10, họ sẽ tấn công vào kỹ nghệ dầu hỏa xứ này trong trận chiến toàn diện chống chính quyền Nigeria. Lực lượng phiến loạn thuộc sắc tộc Ijaw, cư ngụ trong vùng châu thổ sông Niger, là một trung tâm dầu hỏa, địa điểm chuyển vận then chốt của xứ này. Tin loan ra lập tức thổi bùng giá dầu lên mức 50 đô la vì Nigeria là một nguồn dầu hỏa lớn của Phi châu.
Biến cố thứ ba là truyện dài chưa đoạn kết về những trận bãùo đang tới tấp đánh vào miền Đông Nam Hoa Kỳ, tràn qua vùng Vịnh Mễ Tây Cơ. Trận bão mang tên Ivan đã gây thiệt hại cho kỹ nghệ lọc dầu trong vùng Vịnh đến độ chính quyền Bush cuối cùng phải ra lệnh cho các nhà máy lọc dầu vay trước dầu thô của kho dự trữ chiến lược hầu kịp thời chế biến cho thị trường trong nước. Trước trận Ivan, Hoa Kỳ đã bị các trận Charley, Frances và nay đang bị trận Jeanne, chưa biết thiệt hại sẽ lên tới đâu. Nếu có đạt lại mức sản xuất trước đợt bão tố này, hệ thống lọc dầu của Hoa Kỳ vẫn bị thiếu hụt đâu đó 11 triệu thùng.

Quả là bão tố không ngừng, mà toàn là tin kém vui, từ muôn phương đổ vào Hoa Kỳ, trong khi tình hình Iraq tất nhiên là nóng bỏng vì hai cuộc bầu cử, tại Hoa Kỳ và tại Iraq. Trong chiến cuộc, khi đã có lịch sinh hoạt thì càng gần tới thời điểm, giao tranh sẽ càng tăng để khủng bố và chiến sự sẽ tác động vào chính trị và kết quả bầu cử.
Hiện nay, tình hình cung cầu dầu thô trên thế giới đã lên tới mức “căng”, vì sản xuất gần đến tối đa mà chưa đủ cho số cầu, khi kinh tế Mỹ đã hồi phục, kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang hút dầu như nước lã. Vì vậy, giá dầu mới tăng đến đỉnh, vượt định mức tối đa của OPEC (là 28 đồng một thùng) đến gần 80%.
Đã vậy, tin từ Saudi, Phi Châu và vùng Vịnh (của Mỹ) lại chỉ là hung tín.
Saudi Arabia cung cấp cho thị trường thế giới gần 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, còn sản lượng của Nigeria là hai triệu tư mỗi ngày, bằng với Iraq. Lực lượng chính quy xứ này có ra tay càn quét đám phiến quân NDPVF thì các trung tâm dầu hỏa cũng sẽ tan tành và việc sản xuất sẽ bị đình trệ. Loạt bão tố của thiên nhiên lại ập vào đúng mùa các hãng dầu phải chuẩn bị dự trữ cho đà tiêu thụ mùa Đông, mùa lễ lạc sau ngày bầu cử.
Họa vô đơn chí, từ Liên bang Nga, trận thư hùng giữa chính quyền Vladimir Putin và tập đoàn dầu khí Yukos vẫn chưa ngã ngũ, sản lượng của Nga do đó hụt mất hơn hai triệu thùng mỗi ngày. Từ Venezuela, người ta cũng khó trông đợi gì hơn vì hệ thống dầu khí xứ này chưa ngóc đầu ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị của chế độ Hugo Chavez.
Cứ tính nhẩm như vậy thì dù chẳng là chuyên gia dầu khí, người ta cũng thấy rằng giá dầu thô sẽ không hạ mà chỉ có thể tăng. Nếu tình trạng này kéo dài, giá dầu thô trên 50 đồng trong suốt ba tháng liền sẽ là cơn chấn động cho kinh tế thế giới, trước tiên cho kinh tế Hoa Kỳ. Nếu từ nay đến cuối năm, tình hình an ninh tại Trung Đông lại suy đồi hơn, chấn động dầu hỏa có thể dẫn tới khủng hoảng. Trước mắt là đến cuối năm, qua mùa tranh cử, giá dầu xăng cho giới tiêu thụ sẽ còn tăng, và đánh sụt khả năng tiêu thụ của dân Mỹ. Suốt mấy chục năm qua, ba cơn sốt dầu hỏa đều đã gây chấn động kinh tế cho Hoa Kỳ chỉ vì xảy ra khi kinh tế Mỹ đang trì trệ, là điều có thể đang xảy ra.
Bão tố dầu hỏa vì vậy đang quạt nặng vào cuộc tranh cử của ông Bush, một lợi thế bất ngờ cho ông Kerry mà không biết ông ta có kịp khai thác hay chăng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.