Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

20/09/200400:00:00(Xem: 4961)

Hỏi (Ông Lê Lâm Điền): TB: Trong trường hợp chúng tôi không chịu nhận hàng vì công ty đã không chịu giao đúng hẹn, đồng thời chúng tôi muốn hoàn trả lại cho họ đợt hàng giao trước đó, vì hàng đã giao không đúng phẩm chất và kích thước như hợp đồng quy định.
Xin LS cho biết là chúng tôi có quyền buộc họ bồi hoàn lại toàn bộ số tiền đã trả hay không"

*

Trả lời: Vì khuôn khổ giới hạn của mục PLPT nên tôi không thể trả lời câu hỏi mà ông đã đặt ra vào phần tái bút trong số báo tuần trước được, nên đành phải giải đáp cho ông trong số báo này.
Để đọc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược sơ về câu hỏi của tuần trước.
Ông Lê Lâm Điền thành lập công ty xuất nhập cảng và muốn nhập cảng bàn ghế cùng các đồ mỹ nghệ từ Việt Nam.
Trong những năm đầu, công việc làm ăn khá suông sẽ mặc dầu cũng có những trở ngại nhỏ vì công ty chế tạo đồ mỹ nghệ đã không giao đủ số lượng hàng hóa theo sự quy định của hợp đồng. Tuy nhiên, vào đầu năm 2004, công ty chế tạo đồ mỹ nghệ tại Việt Nam đã vi phạm trắng trợn hợp đồng vì không những họ đã không giao đủ số lượng mà còn giao hàng không đúng phẩm chất và thời hạn quy định trong hợp đồng. Nay ông Lê Lâm Điền không muốn nhận chuyến hàng giao trễ, mà còn muốn trả lại số hàng mà ông đã nhận trước đây vì thiếu phẩm chất.
Việc không chịu nhận hàng vì giao trễ đã được giải đáp trong số báo tuần trước. Tuần này chúng tôi xin trả lời câu hỏi trong phần tái bút liên hệ đến việc liệu ông Lê Lâm Điền có quyền trả lại hàng hóa mà ông đã nhận trước đây hay không"
Vấn đề được đặt ra ở đây là luật mậu dịch quốc tế quy định như thế nào về “việc chấp nhận nhận hàng” (acceptance of goods).
Theo án lệ về việc mua bán hàng hóa thì người mua được xem như là đã chấp nhận nhận hàng nếu thuộc vào một trong ba trường hợp sau đây:
(1). Khi “người mua báo cho người bán biết rằng” (the buyer ‘intimates’ to the seller that) đương sự chấp nhận nhận hàng; (2) khi hàng hóa được chuyển giao đến cho người mua và người mua có những hành động xem hàng hóa đó không còn thuộc quyền sở hữu của người bán nữa; (3) sau khi hàng hóa được chuyển giao cho người mua trong một thời hạn nào đó, và trong thời hạn đó người mua đã không chịu báo cho người bán biết là đương sự chấp nhận nhận hàng.
Các Đạo Luật về việc Bán Hàng Hóa cũng như “Pháp Điển Thương Mãi Đồng Nhất” (the Uniform Commercial Code) đã có những điều khoản quy định về những điều lệ kể trên.
Người mua được xem như là đã đồng ý nhận hàng nếu sau khi xem xét hàng hóa và báo cho người bán biết rằng hàng đúng theo quy định, hoặc báo cho người bán là đương sự sẽ chấp nhận nhận hàng mặc dầu hàng không đúng tiêu chuẩn.
Trong vụ CMI Corporation kiện Leemar Steel Co Inc 733 F 2d 1410 (1984). Trong vụ đó, người mua nộp đơn khiếu kiện thỉnh cầu tòa hủy bỏ hợp đồng bán hàng và yêu cầu người bán phải trả lại tiền theo sự quy định của hợp đồng.
Thẩm Phán David L. Russell thuộc “Tòa Án Vùng của Hoa Kỳ cho Khu Vực Miền Tây Bang Oklahoma” (The United States District Court for the Western District of Oklahoma) đã đưa ra phán quyết theo sự thỉnh cầu của người mua. Người bán bèn kháng án.


Thẩm phán Barrett của Tòa Kháng Án đã đưa ra phán quyết rằng: mặc dầu người mua đã không báo cho người bán về việc từ chối nhận hàng vì hàng không đúng quy định, tuy nhiên người mua đã thu hồi lại đúng lúc sự chấp nhận nhận hàng và vì thế quyền sở hữu đối với hàng hóa được chuyển giao lại cho người bán, và người mua được miễn khỏi phải trả tiền mua hàng và được quyền đòi lại số tiền đã trả.
Người mua cũng được xem như là đã chấp nhận nhận hàng nếu đương sự có cơ hội để xem xét hàng hóa mà không chịu xem xét để đưa ra lời từ chối nhận hàng như đã được xét xử trong vụ Shokai Far East Ltd v Energy Conservation Systems Inc (1986).
Trong vụ đó, công ty xuất khẩu cũng là người bán các “tụ điện” (capacitor) đã khởi động tố quyền kiện người mua để đòi trả phần tiền chưa chịu trả mà người mua đã đồng ý về giá cả hàng hóa đã đặt mua, đồng thời đòi trả tiền bồi thường cho những thiệt hại ngoài dự tính.
Thẩm Phán Sweet của Tòa Án Vùng đã đưa ra phán quyết rằng: (1) sự thông báo của người mua về việc từ chối nhận hàng đã được đưa ra không đúng hạn định; (2) việc người mua xử dụng các tụ điện sau khi thử nghiệm đã cấu thành “sự chấp nhận nhận hàng;” (3) người bán được quyền đòi trả số tiền chưa trả về hàng hóa đã chuyển giao cho người mua mà người mua đã nhận; (4) người bán được quyền đòi người mua bồi thường những phí tổn liên hệ ngoài dự tính.
Người mua cũng có thể được xem như là đã “chấp nhận nhận hàng” khi đương sự có những hành động chứng tỏ rằng hàng hóa không còn thuộc quyền sở hữu của người bán, như đã được quyết định trong vụ Pratt kiện Winnebago Industries Inc (1979).
Trong vụ đó, người mua đã khởi động tố quyền để kiện đại lý và hãng chế tạo motor home nhằm hủy bỏ hợp đồng.
Chánh Án Weber của Tòa Án Vùng đã đưa ra phán quyết rằng: (1) việc người mua từ chối gởi motor home lại cho đại lý để được sửa chữa mà hãng chế tạo đã đồng ý chịu trả mọi phí tổn là sự từ chối không hợp lý, và vì thế người mua không được quyền hủy bỏ hợp đồng; và (2) các khuyết điểm của motor home mà hãng chế tạo đã mong muốn sửa chữa không phải là các khuyết điểm quan trọng có thể làm cho motor home bị giảm giá trị, vì thế người mua không được quyền thu hồi lại “việc chấp nhận nhận hàng” theo sự quy định của “Pháp Điển Thương Mãi Đồng Nhất.”
Dựa vào luật lệ cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn, ông có thể thấy được rằng hành động nhận hàng và việc đòi trả lại hàng hóa mà ông đã nhận trước đây, đồng thời đòi bồi hoàn lại tiền đã trả cho công ty xuất khẩu đồ mỹ nghệ là một việc làm khá phức tạp vì điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác cũng như các điều khoản và điều kiện được quy định trong hợp đồng mà ông đã ký kết trước đây với công ty chế tạo đồ mỹ nghệ tại Việt Nam.
Tôi đề nghị ông nên xem tiếp mục PLPT kỳ tới liên hệ đến “việc người mua từ chối nhận hàng” trong loạt bài trả lời những câu hỏi liên hệ đến “hợp đồng mua bán theo luật mậu dịch quốc tế” (contract of sale in international trade law) để ông có thể thấy được là ông thuộc trường hợp nào trong các trường hợp này.
Nhắn tin: Chúng tôi có nhận được email của Ông Phan Tấn Hải, Chủ Bút Việt Báo. Cám ơn ông đã có nhã ý yêu cầu cá nhân chúng tôi trả lời câu hỏi về luật pháp của cô Quyên Trần, một đọc giả của Việt Báo tại Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của Cô Quyên Trần theo thứ tự thư nhận được và sẽ gởi câu trả lời đến Việt Báo như đã được yêu cầu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.