Hôm nay,  

Bush / Kerry: Bầu Cho Ai?

15/09/200400:00:00(Xem: 4777)
LTS. Tòa soạn đăng tải nơi đây các hướng nhìn về cuộc bầu cử để độc giả có dữ kiện cân nhắc; quan điểm trong các bài viết đều là nhận định riêng của các tác giả.

Chỉ còn 2 tháng là đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thứ ba 2 tháng 11, 2004.
Thông thường thì cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc chỉ bắt đầu gay cấn và quyết liệt sau đại hội của hai đảng tức là sau ngày Labor Day.
Tuy nhiên với cuộc bầu cử tổng thống năm nay sự gay go và quyết liệt xảy ra ngay từ đầu. Trong những cuộc vận động chúng ta thấy có nhiều dấu hiệu tiêu cực ( negative). Điều này cũng dễ hiểu vì thông thường trong cuộc bầu tổng thống, vị tổng thống đương nhiệm luôn luôn có lợi thế và thường dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò. Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay tổng thống Bush không được những lợi thế đó.
Khi đảng Dân Chủ chính thức bầu Kerry là đại diện của đảng để tranh cử với Bush thì những thăm dò cho thấy sự ủng hộ hai ứng cử viên Bush và Kerry rất khít khao, chỉ xê xích một hai điểm thôi. Tuy nhiên từ khi Kerry bổ nhiệm John Edwards là ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh với ông thì sự khít khao này thay đổi nghiêng về Kerry. Hầu hết những cuộc thăm dò cho thấy liên danh Kerry-Edwards thắng điểm liên danh Bush-Cheney. Theo một số nhà phân tích chính trị cho rằng còn quá sớm để biết ứng cử viên nào sẽ thắng trong ngày bầu cử 2 tháng 11, 2004. Với tỷlệ khít khao ngang ngửa của hai liên danh lần này chúng ta phải chờ đến phút chót mới biết rõ được liên danh nào thắng. Có thể lần bầu cử này sẽ có những gay go tranh chấp tại một vài tiểu bang giống năm 2000 và phải đưa đến Tối Cao Pháp Viện xét xử.
Đó là nhìn về thăm dò qua những nhận xét tổng quát bên ngoài. Chúng ta nên đi vào chi tiết để tìm hiểu tường tận hơn về hai ứng cử viên Bush và Kerry để từ đó chúng ta có những nhận định về hai ứng cử viên đó rồi mới có quyết định rõ ràng sẽ bầu cho ai : Bush hay Kerry"
Ở đây người viết chỉ muốn trình bày những sự kiện đã đựơc công luận ghi nhận để rồi dựa vào đó mà lấy quyết định bầu cho ai thay vì chúng ta bầu cho ứng cử viên này hoặc cho ứng cử viên khác vì cảm xúc và vì thành kiến.
Những đề tài chính trong cuộc tranh cử lần này gồm có theo thứ tự ưu tiên như sau: Iraq, an ninh, kinh tế, jobs, an sinh xã hội, sức khoẻ, môi sinh và đồng tính luyến ái. Thứ tự ưu tiên này đã thay đổi đưa Iraq và an ninh ưu tiên hơn kinh tế và job so với cách đây một năm vì những xáo trộn, bạo động đặt bom của quân nổi dậy tại Iraq. Những bạo động, đánh phá, đặt bom của quân nổi dậy Iraq làm cho sự thiệt hại của quân đội Hoa Kỳ ngày càng cao khiến cho người dân nghi ngờ về chinh sách Iraq của chính quyền Bush. Gần 1,000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận và trên 6,000 thương vong chưa kể hàng chục ngàn dân và quân nổi dậy Iraq chết và bị thương. Chính quyền Bush lúng túng giải quyết giao quyền cho Iraq và bị động trong việc dẹp loạn quân Sunni và Shiite.
Chính những bế tắc và bị động trong chính sách của Hoa Kỳ thời hậu Saddam là một yếu tố then chốt làm cho sự ủng hộ của Bush giảm đi một cách nhanh chóng. Lúc quân đội Hoa Kỳ bắt được Saddam tại hang nhện vào tháng 12, 2003, Bush được sự ủng hộ lên đến 72%, nhưng trong những tháng 6,7 và 8 sự ủng hộ Bush chỉ còn 45%. Cũng chính từ những luộm thuộm và bị động của chính sách với Iraq mà dư luận dân chúng Hoa Kỳ xoay chiều chuyển ưu tiên từ kinh tế qua Iraq. Tình hình bất ổn Iraq hiện nay đưa đến cho Bush nhiều bất lợi. Mặc dù đảng Cộng Hoà có truyền thống mạnh trên vấn đề an ninh và quân sự.
Chính quyền Bush lúng túng và bị động trong chiến tranh Iraq là vì những lý do Bush đưa ra từ lúc đầu không vững và đúng với thực tế. Kết án Saddam có vũ khí giết người tập thể và nguyên tử (WMD) nhưng đến nay sau hơn 13 tháng quân đội Hoa Kỳ vẫn không tìm ra. Nói Saddam có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda, nhưng Uỷ Ban Độc Lập Lưỡng Viện 9/11 (911 Commission gồm 5 DC 5 CH) xác nhận không có chuyện này mặc dù cho tới nay Bush cũng như Cheney vẫn ra sức cố gắng xác nhận có liên hệ giữa Al Qaeda và Saddam để thuyết phục dư luận. Cụ thể là Uỷ Ban 9/11 đã chính thức xác nhận "chính Iran là nước bao che cho khủng bố Al Qaeda chớ không phải Saddam".
Kết án Saddam là đe dọa an ninh Hoa Kỳ, chính quyền Bush cũng không chứng minh được điều này trước công luận trong nước cũng như quốc tế. Bị chỉ trích mạnh mẽ và ồ ạt từ khắp nơi vì lý do đánh Iraq không vững, bí quá chính quyền Bush đã thay đổi chiến thuật biện minh cho cuộc tấn công Iraq đơn phương của mình là Hoa Kỳ muốn giải phóng dân Iraq khỏi ách độc tài Saddam và xây dựng dân chủ , tự do cho dân Iraq cũng như làm nền tảng gương mẫu thể chế dân chủ cho toàn vùng Trung Đông để mong tìm lại được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và thế giới.
Hành động cụ thể đầu tiên của việc thực thi dân chủ Iraq là chính quyền Bush đã gấp rút chuyển giao quyền hành cho Iraq vào cuối tháng 6 vưà qua với một chính quyền lâm thơì Iraq dưới sự lãnh đạo của tổng thống Al Yawar và thủ tướng Allawi đã được đại diện Liên Hiêp Quốc Brahimi lựa chọn và đề cử với sự chấp thuận của Hoa Kỳ.
Trước khi đánh Iraq, chính quyền Bush luôn luôn cho rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ được dân chúng Iraq tung hô chào đón như những đoàn quân giải phóng (Liberator). Nhưng thực tế cho thấy đa số dân chúng Iraq, ngay cả phái Shiite cũng coi quân đội Mỹ là đoàn quân chiếm đóng (occupation troops)
Biện minh cho cuộc tấn công Iraq của mình là chính đáng, Bush luôn luôn cho rằng chế độ Saddam bị lật đổ đã đem lại cho nước Mỹ an toàn hơn. Trong các cuộc vận động Bush luôn đưa ra khẩu hiệu : "muốn nước Mỹ và thế giới an toàn hơn hãy bầu cho Bush".
Trong khi đó Kerry và một số nhà phân tích quân sự và chuyên viên tình báo chống khủng bố cho rằng sự an toàn của nước Mỹ ngày nay bấp bênh hơn mặc dù từ sau ngày 9-11 Hoa Kỳ chưa bị quân khủng bố tấn công. Tuy nhiên khách quan nhìn nhận rằng quyền lợi của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông nói riêng và trên thế giới nói chung đang bị đe dọa có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Tổng Thư Kỳ LHQ ông Annan đã tuyên bố trong cuộc họp báo về Iraq cho rằng "chiến tranh Iraq do Bush gây ra đã làm cho thế giới mất an ninh hơn 2, 3 năm trước đây".
Chính sách ngoại giao đơn phương của chính quyền Bush đã làm cho nước Mỹ ngày nay trở nên bị cô lập. Uỷ Ban Lưỡng Viện 911 trong báo cáo cũng khuyến cáo chính phủ Bush về chính sách ngoại giao đơn phương. Nói là quân đội liên quân bảo vệ Iraq nhưng thực ra chỉ có hai nước Mỹ và Anh có quân đội nhiều mà thôi còn các nước khác chỉ là tượng trưng và hình thức. Gần đây với đe doạ của khủng bố bắt cóc con tin đã làm cho một số nước rút quân khỏi Iraq hoặc không dám cam kết lâu dài.
Từ chổ cô lập về ngoại giao chính quyền cũng phải gánh chịu một gánh nặng khổng lồ chi phí quân sự và tái thiết Iraq. Chi phí này đến gần 300 tỉ dollars và sẽ còn tiếp tục gia tăng nếu còn dính líu đến Iraq. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến thiếu hụt ngân sách quốc gia Hoa Kỳ trầm trọng.
Trái ngược với chính sách ngoại giao đơn phương của Bush, Kerry ngay từ đầu đã chủ trương cần có sự hợp tác của quốc tế qua Liên Hiệp Quốc. Kerry cho rằng can phải vận dụng mọi phương tiện tương quan ngoại giao sẵn có cho đến khi không còn hữu hiệu nữa thì lúc đó Hoa Kỳ mới đi đến chiến tranh. Về vấn đề Iraq, Kerry đã chủ trương là phải giao cho LHQ hoặc khối NATO có vai trò chính như tại Afghanistan. Chủ trương cộng tác với quốc tế, TNS Kerry không muốn Hoa Kỳ bị cô lập trên trường quốc tế và đồng thời làm giảm đi gánh nặng quốc phòng và chi tiêu khổng lồ tại Iraq mà người dân Mỹ đã và đang phải gánh chịu.
Nói đến tái thiết Iraq, chính quyền Bush còn mắc phải một vụ có thể ngờ vực gọi là “bao che tham nhũng” trong chính quyền qua việc ký hợp đồng tái thiết Iraq của công ty Halliburton của phó tổng thống Cheney. Theo cơ quan kiểm soát tài chánh bộ quốc phòng cho biết công ty Halliburton trúng thầu tái thiết Iraq không qua một cuộc đấu thầu công khai. Ngoài ra trong thời gian thầu làm công tác tái thiết Iraq, công ty Halliburton đã "overcharge" chính quyền Hoa Kỳ về những chi phí cung cấp xăng dầu, thức ăn và vật dụng cho quân đội Hoa Kỳ tại Iraq. Số tiền này lên đến hàng trăm triệu dollars.
Từ việc "overcharge" này, công ty Halliburton và phó tổng thống Cheney bị chỉ trích và bị đòi đưa ra một Ủy Ban Độc Lập điều tra đã làm cho Cheney nổi giận trước diễn đàn quốc hội thượng viện. Không cầm đượïc sự tức giận của mình, Cheney văng tục đã chửi thề thượng nghị sĩ Patrick Leahy khi thượng nghị sĩ này chất vấn và chỉ trích việc làm của công ty Halliburton. Để biện luận cho việc đấu thầu tái thiết Iraq của công ty Halliburton, chính quyền Bush cho rằng vì tính cách khẩn cấp và sự chuyên môn cũng như kinh nghiệm và khả năng của công ty Halliburton mà không thể có một công ty nào khác có thể đảm đương nổi.
Với "scandal công ty Halliburton", uy tín của Cheney bị sút giảm một cách nhanh chóng chỉ có 42% mà thôi và vai trò của Cheney trong liên danh Bush Cheney bị nhiều lãnh tụ đảng Cộng Hoà đặt lại vấn đề là có nên tiếp tục duy trì Cheney trong liên danh Bush-Cheney hay phải thay đổi Cheney bằng một người nào đó để hy vọng Bush có thể tái đắc cử trong kỳ bầu cử 2 tháng 11 sắp tới.


Tính cho đến nay hầu hết những công ty có đóng góp cho quỹ bầu cử của Bush trong năm 2000 đều trúng thầu tái thiết Iraq. Kerry nhận định rằng: "rõ ràng chính quyền Bush gây ra chiến tranh Iraq là để phục vụ cho tư bản dầu hoả và tư bản thân tín với Toà Bạch Ốc". Ngoài ra mới đây Bush vừa ký một sắc lịnh mở cửa cho bán vũ khí vào Iraq. Điều này càng chứng minh rõ ràng chính quyền Bush khi đánh Iraq là một phần phục vụ giới tư bản súng ống mà từ trên 8 năm nay ngành kỹ nghệ súng ống bị khựng lại vì không có chiến tranh. Dân biểu DC Waxman của tiểu bang Cali đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu quốc hội cần phải thành lập một Uỷ Ban Đặc Biệt Độc Lập để điều tra vụ đấu thầu tái thiết Iraq và công ty Halliburton nhưng bị quốc hội lưỡng viện do đảng Cộng Hoà đang chiếm đa số nhận chìm xuồng.
Về kinh tế trên tổng quát hai ứng cử viên Bush và Kerry có một số những khác biệt căn bản như về tăng hay giảm thuế. Bush cho rằng Kerry chủ trương tăng thuế để gia tăng chi tiêu những chương trình phúc lợi xã hội. Kerry thì cho rằng nội các của ông nếu đắc cử sẽ chấm dứt ngay việc giảm thuế 1.3 trillion dollars của Bush mà Kerry cho rằng việc cắt giảm thuế này chỉ có lợi cho 1% thiểu số giàu có với số lương trên $200,000 mà Bush gần đây đang ra sức tiếp tục vận động quốc hội thông qua luật thuế này trở thành thường trực mà luật thuế này sẽ hết hạn vào năm tới. Bush vẫn luôn ca tụng cho rằng chính sách giảm thuế của ông có hiệu quả vì đã kích thích nền kinh tế hồi phục.
Trong khi đó Kerry cho rằng chính sự cắt giảm thuế quá nhiều đã làm cho ngân sách thâm thủng trầm trọng. Chính Toà Bạch Ốc vừa mới tuyên bố về ngân sách 2005 cho biết số thâm thủng ngân sách lên đến gần 445 tỉ dollars. Đây là số thâm thủng ngân sách kỷ lục từ trước đến nay. Kerry còn cho rằng sự cắt giảm thuế của Bush đã đưa ngân sách quốc gia từ những thặng dư của thời tổng thống Clinton đến những thâm thủng như ngày hôm nay và sự thâm thủng có thể sẽ còn kéo dài khoảng 10 năm nưã. Kerry cho rằng chính sách giảm thuế của ông sẽ chú tâm vào giai cấp trung lưu lao động thợ thuyền.
Kinh tế đã hồi phục từ tháng 8 năm 2003 nhưng sự hồi phục này còn chậm và số job vẫn không cung cấp đủ cho lực lượng lao động Mỹ mặc dù tính cho đến nay số job tạo ra là 1.5 triệu nhưng tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc vẫn ở mức 5.6%. Điều làm cho giới lao động không thấy được sự hồi phục kinh tế đến với họ là job ở Mỹ vẫn đang bị xuất cảng ra nước ngoài (outsourcing).
Những chỉ số của thị trường chứng khoán như Dow Jones vẫn còn lẫn quẫn ở 10,000 điểm, còn chỉ số chứng khoán Nasdaq thì không vượt qua được 2,000 điểm.
Dù kinh tế có hồi phục khá hơn hai năm trước đây nhưng thăm dò cho thấy sự tin cậy vào chính quyền Bush về kinh tế vẫn còn thấp chỉ có 43% mà thôi. Nhiều kinh tế gia và chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương là ông Greenspan cho rằng sự cắt giảm thuế của Bush chỉ làm cho ngân sách thâm thủng thêm mà thôi. Nếu còn dính líu đến những chi tiêu cho Iraq thì sự thâm thủng này còn cao hơn và kéo dài hơn. Cũng từ thâm thủng ngân sách đã đưa quốc gia Hoa Kỳ đến chổ phải thiếu nợ. Số nợ quốc gia lên đến hàng trillion dollars. Ai sẽ gánh chịu trả số nợ này" Con cháu của chúng ta phải gánh chịu trả số nợ này chớ còn ai khác vào đây" Maya MacGuineas, Giám Đốc cơ quan Concord Coalition and Committee for a Responsible Federal Budget nhận định như sau: " Chúng ta không thể tiếp tục để gánh nặng lên con và cháu chúng ta chịu được".
Kerry cho rằng với chính sách giảm thuế của Bush đã đưa đến sự cắt giảm nhiều chương trình phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và cảnh sát của chính phủ.
Về an sinh xã hội và sức khoẻ, Bush chủ trương tư nhân hoá. Bush cho rằng như vậy người già có tự lựa chọn và được discount qua Discount Card. Nhưng Kerry cho rằng với chính sách về an sinh xã hội và sức khoẻ hiện nay của Bush đã làm cho bảo hiểm phí gia tăng cao hơn mà người đi làm cũng như giới chủ nhân phải gánh chịu trong khi đó ngành bảo hiểm và kỷ nghệ thuốc men được hưởng lợi.
Kerry cho rằng chính sách của ông là sẽ mở rộng bảo hiểm sức khoẻ đến những người Mỹ lâu nay không có bảo hiểm sức khoẻ đồng thời Kerry cũng chủ trương giảm phí tổn bảo hiểm sức khoẻ cho giai cấp trung lưu và giới có lợi tức thấp được hưởng. Cũng trong vấn đề này Bush chủ trương qua chương trình gọi là "tax credit" để giúp giới lao động và lợi tức thấp khi mua bảo hiểm sức khoẻ.
Về chiến tranh Việt Nam, cả hai ứng cử viên Bush và Kerry đều gây ra nhiều tranh cải.
Kerry là một cựu chiến binh Việt Nam, ông đã từng tham chiến tại Việt Nam trong binh chủng hải quân, chỉ huy một diệt lôi đĩnh trong vùng sông Cữu Long. Kerry đã được nhiều huy chương trong chiến tranh. Nhưng sau khi hết nhiệm vụ trở về Mỹ, Kerry đã tham gia phong trào phản chiến chống đối chính phủ Hoa Kỳ về chiến tranh Việt Nam. Trước sự việc này một số cựu chiến binh Việt Nam và dân chúng Mỹ cho rằng Kerry đã phản bội lại đồng đội của mình và đất nước Hoa Kỳ. Trong buổi phỏng vấn về vấn đề này của Dan Rather đài truyền hình CBS, Kerry đã trả lời ngắn gọn như sau :
Hỏi : TNS có thấy là mình có lỗi lầm trong chiến tranh Việt Nam không"
Kerry: Tôi rất hãnh diện đã chiến đấu cho đất nước Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhưng tôi cũng hãnh diện khi chống lại chính quyền Mỹ trong chiến tranh Việt Nam vì chính quyền Hoa Kỳ lúc đó đã nói láo với dân chúng Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra cũng nên biết thêm là Kerry sau khi tốt nghiệp Yale có thể xin hoãn dịch như Clinton, Cheney hoặc tránh né qua Vệ Binh Quốc Gia như Bush nhưng ông ta đã tình nguyện gia nhập quân đội Hoa Kỳ thuộc binh chủng hải quân qua Việt Nam tác chiến.
Với Bush thì khác hơn, Bush không tham gia trực tiếp cuộc chiến tại Việt Nam. Dựa vào thế lực của gia đình Bush không bị động viên đưa qua tác chiến tại Việt Nam mà chỉ tham gia vào Vệ Binh Quốc Gia tại Texas sau đó tại Alabama. Những tin tức và những cuộc điều tra cho biết tình trạng động viên của Bush trong Vệ Binh Quồc Gia không rõ ràng. Tài liệu cho biết có nhiều lúc Bush không thi hành nhiệm vụ huấn luyện và vắng mặt dài hạn khi được phái qua tiểu bang Alabama. Gần đây áp lực dư luận muốn biết rõ tình trạng vệ binh của Bush năm 1972 tại Texas và Alabama, đòi coi sổ lương của vệ binh Bush thì bộ quốc phòng Mỹ cho rằng sổ lương của vệ binh Bush đã bị tiêu hủy.
Dư luận cho rằng đây là hành động bao che, dấu diếm tình trạng vệ binh của Bush trong thời kỳ chiến tranh Viêt Nam. Thông tấn xã AP đã kiện bộ quốc phòng về việc dấu diếm và tiêu hủy hồ sơ lương bổng của vệ binh Bush.
Sợ vấn đề này bùng nổ lớn không có lợi cho Bush, sau cùng bộ quốc phòng đành chấp nhận đưa ra hồ sơ lương bổng của vệ binh Bush. Theo hồ sơ lương bổng này cho biết rõ ràng Bush đã vắng mặt không thi hành nhiệm vụ vệ binh tại Alabama trong mùa hè 1972. Theo tài liệu còn cho biết lúc đó Bush đã bỏ vệ binh quốc gia Alabama (AWOL- vắng mặt không có giấp phép) để tham dự vào cuộc vận động giúp người trong gia đình của ông tranh cử thượng viện. Ban tham mưu của Bush vẫn biện hộ cho sự vắng mặt của Bush năm 1972 tại Alabama và lấp lững giải thích không rõ ràng về tình trạng của vệ binh Bush và luôn luôn tránh né vấn đề vệ binh của Bush trong chiến tranh Việt Nam.

Thay lời kết .

Những sự kiện chính đã được phơi bày. Lập trường và chủ trương cũng như chính sách của hai ứng cử viên Bush và Kerry đã được đưa ra và đã được hai bên tranh luận.
Kết quả thăm dò ngang ngửa dựa trên những ý kiến có tính cách phe phái (partisan) tức là đảng viên của đảng nào bầu cho ứng viên của đảng đó. Vì thế cho nên quyết định sự đắc cử của Bush hay Kerry hoàn toàn dựa vào số phiếu của cử tri độc lập. Số cử tri này chiếm khoảng 20% tổng số cử tri toàn quốc. Chính vì lý do này mà hai ban tham mưu tranh cử của Bush và Kerry đã tập trung mọi nỗ lực về tài chánh và thời giới vận động thuyết phục những cử tri độc lập này bỏ phiếu cho mình tại những tiểu bang như Ohio, Pennsylvania, Michigan, Florida ..v..v
Người Việt chúng ta đa số có lập trường cố hưũ ủng hộ đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên gần đây theo thăm dò cho biết thế hệ trẻ Việt Nam có tư tưởng và lập trường cởi mở, tiến bộ và độc lập hơn. Cũng từ thống kê cho biết hiện nay số người Việt ghi danh theo đảng Dân Chủ ngày càng đông tương đương với đảng Cộng Hoà hiện nay.
Chúng ta sống ở Mỹ đã học được nhiều bài học về tự do, dân chủ cho nên biết rõ ràng về giá trị lá phiếu. Chúng ta phải cân nhắc và suy nghỉ cho kỷ để cho lá phiếu của chúng ta có giá trị và theo đúng đường hướng chung theo dòng chính ( mainstream) của đại đa số người dân Mỹ.
Chúng ta bầu cho Bush hay bầu cho Kerry phải dựa trên những chính sách của hai ứng cử viên có thích hợp với chúng ta về những phương diện như : an sinh xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế và môi sinh cho đến những vấn đề anh ninh, quốc phòng và ngoại giao.v..v Nếu chúng ta chỉ chú tâm vào một vài lãnh vực nào theo ý thích của chúng ta để quyết định bầu cho một ứng cử viên nào đó thì e rằng lá phiếu của chúng ta có nhiều thiếu sót và phiến diện.
Chúng ta đừng quá câu nệ vào Cộng Hoà hay Dân Chủ để bầu. Chúng ta phải bầu cho một ứng cử viên mà chúng ta nghỉ rằng có đủ tài, đức xứng đáng lãnh đạo nước Mỹ đưa kinh tế đến phồn vinh, làm cho Hoa Kỳ mạnh hơn, an toàn hơn và được thế giới kính nể và ủng hộ.
Đưa thành kiến vào quyết định lá phiếu của mình người viết nghĩ rằng có phần chủ quan, phiến diện và phe phái.
Ngươì viết nghĩ rằng người Việt chúng ta sẽ có nhiều quyến định trưởng thành về tự do, dân chủ hơn trong lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chicago 2 tháng 9, 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.