Hôm nay,  

Triển Lãm "what's Going On?" Ở Oakland: Mờ Nhạt Hình Ảnh Việt, Đậm Nét Hậu Chiến Cali

09/09/200400:00:00(Xem: 4939)
Cuộc chiến Việt Nam dù đã tàn có đến ba mươi năm, nhưng mỗi lần nhắc lại là mỗi lần có những tranh luận.
Điều đó đã xảy ra trong tiến trình thành hình một dự án triển lãm lớn nhất ở Hoa Kỳ từ trước đến nay về ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với bang California, nhưng không phải là tranh cãi giữa những người Mỹ ủng hộ hay phản đối cuộc chiến, mà là giữa ban tổ chức của Bảo Tàng Viện Oakland và những công dân Mỹ gốc Việt đang sống ở California, những người đã là dân của nước Việt Nam Cộng Hòa mà trong cuộc chiến nhiều khi bị coi là kẻ đứng ngoài, dù rằng kiểm điểm lại họ đã hy sinh gấp bốn lần hơn con số người Mỹ đã bỏ mình; và họ, cùng gia đình và con cháu, còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa sau khi chiến tranh chấm dứt. Như là một hệ lụy của cuộc chiến đó, ngày nay hiện có nửa triệu người Việt sống ở California, nhưng ban tổ chức của bảo tàng viện Oakland đã coi con số đó như không có.
Điều bất công này được cô Mimi Nguyễn, người gốc Việt duy nhất làm việc cho dự án, lên tiếng phản đối ban tổ chức và chỉ ít lâu sau thì cô bị cho nghỉ việc. Thời gian lúc đó là tháng 10 năm 2003, khi mà dự án đã được chuẩn bị từ hơn 3 năm trước đó. Điều này ngược lại với lời kêu gọi của ban tổ chức triển lãm, trong cuộc hội thảo về Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng Ba, 2000, khi một giới chức lên tiếng mời gọi sự đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Trước những bất công đối với cô Mimi Nguyễn nói riêng và với cộng đồng nói chung, người Mỹ gốc Việt, qua nhiều tiếng nói, nhiều hình thức đã một mặt phản đối, một mặt kêu gọi sự hợp tác để cuộc triển lãm phản ánh trung thực về họ. Đầu năm 2004, một ban cố vấn gồm mười người đã được hình thành để giúp cho cuộc triển lãm. Cùng lúc, bảo tàng viện nhận Ben Trần vào làm việc như một người thay thế cô Mimi Nguyễn. Nhưng chỉ được ít lâu Ben Trần từ nhiệm. Ông cho biết ban tổ chức không thật sự quan tâm đến cộng đồng mà chỉ làm một cách vá víu.
Cuối cùng thì cuộc triển lãm "What's Going on" - California and the Vienam Era" (Chuyện Gì Đây" - California và Thời Đại Chiến Tranh Việt Nam) đã mở cửa vào ngày 28 tháng Tám, 2004.
Hai vùng đất cách nhau bởi biển Thái Bình bao la nay được thu nhỏ lại trong diện tích 7 nghìn bộ vuông, trong đó ghi lại hình ảnh, âm thanh, chứng tích của một gian đoạn lịch sử kéo dài nửa thế kỷ từ thập niên 50 cho đến ngày nay, chú trọng nhiều vào thời chiến tranh ở giai đoạn cao điểm, cùng lúc với phong trào sinh viên đòi tự do phát biểu quan điểm chính trị bùng lên trong sân trường đại học Berkeley, với cao trào phản chiến bộc phát, với Ronald Reagan, đại diện cho phe tân bảo thủ, thắng cử thống đốc California.
Mới bước vào, khách tham quan được coi một phim ngắn, một giới thiệu tổng thể về cuộc triển lãm: Nước Mỹ lo sợ hiểm hoạ chiến tranh nguyên tử sau thế chiến thứ nhì thời thập niên 1950. Thập niên 1960 Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam, California với hình ảnh chuyển quân, với biểu tình phản chiến, với xung đột màu da; chuyển qua chiến trường Việt Nam với bom rơi, đạn nổ, chết chóc; rồi cuộc chiến tàn sẽ thấy binh lính, tù binh Mỹ trở về. Khi Sài-gòn sụp đổ thì đó là hình ảnh di tản, cùng lúc bên kia địa cầu một cộng đồng di dân mới được khai sinh.
Sau phần chiếu phim, người xem sẽ thấy một bảng ghi rõ định nghĩa của hai từ "Communism" (cộng sản) và "Democracy" (dân chủ) mà chiến trường Việt Nam là xung đột cao độ của hai hệ tư tưởng đó.
Sau khi xem triển lãm vào tối ngày khai mạc, cô Nguyễn Bích Ngọc, một thành viên trong ban cố vấn, đến từ San Diego, phát biểu: "Cuộc triển lãm sẽ không được như thế này nếu không có những phản đối từ Mimi Nguyễn. Mimi đã can đảm hy sinh rất nhiều, dám lên tiếng để bị mất việc."
Với hơn nửa năm làm việc trong ban cố vấn, cô Bích Ngọc nhận xét: "Ban tổ chức đã có thay đổi và cải tiến." Tuy nhiên, cũng có những đề nghị khác đã không được ban tổ chức thực hiện để phản ánh nguyên do: "Tại sao người Việt có mặt ở đây"" Cô nói, người Việt bỏ nước ra đi vì quá sợ cộng sản mà hình ảnh thảm sát ở Huế là những gì cô muốn đưa vào cuộc triển lãm để minh chứng điều đó.
Mậu Thân 1968, khởi đi với biến cố đó mà người Mỹ gọi là "Tet Offensive" cũng là dấu mốc thời gian quan trọng được ghi lại nhiều trong cuộc triển lãm. Thời gian của những biến động ở Mỹ, với ám sát chính trị, với Richard Nixon đắc cử tổng thống, với những phong trào chống chiến tranh lên cao, trong khi chiến trường Việt Nam ngày càng sôi động với nửa triệu lính Mỹ tham chiến.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc triển lãm, ban tổ chức dự dịnh trưng một tấm tranh lớn về vụ thảm sát ở Mỹ Lai, như lời phát biểu của một thành viên là để: "nói lên cái giá nhân mạng của cuộc chiến." Sau đó có đề nghị trưng hình ảnh về thảm sát Mậu Thân ở Huế, về những nấm mồ trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi chôn cất lính miền Nam và Nghĩa Trang Trường Sơn, nơi chôn cất bộ đội miền Bắc. Tất cả đều nói lên những cái chết trong cuộc chiến.
Ban tổ chức cuối cùng đã bỏ qua những đề nghị đó. Thay vào là một tác phẩm hội họa của Bình Danh, một cựu thuyền nhân, tựa đề: "The Implosion of Souls" với những chiếc lá vàng, lá xanh. Tuy không nói ra nhưng đó biểu tượng của sự "lá rụng về cội," một cách nhìn văn hoá và triết lý để tưởng nhớ những sinh linh đã bỏ mình trong cuộc chiến.

Trong số 11 khu vực triển lãm, 2 khu cuối cùng dẫn người xem đến ít nhiều hiểu biết về sự thành hình và phát triển của cộng đồng người Việt.
Trong thời chiến tranh, California là căn cứ chuyển lính và quân trang quân dụng sang chiến trường. Chiến tranh chấm dứt, đối với người Mỹ là vào năm 1973, nơi đây lại là trạm dừng chân đầu tiên của binh lính, tù binh Mỹ trên đường trở lại cố hương. Năm 1975 thì California là trạm đến của trẻ mồ côi, là nơi có trại tị nạn Pendleton được dựng lên khi Sài-gòn sụp đổ vào tháng Tư 1975 để đón tiếp người tị nạn đến một quê hương mới.
Di vật của giai đoạn đó có những hành trang nhỏ mà người Việt trong cơn hốt hoảng đã mang theo được: chiếc túi sách, cuốn kinh hay bộ quân phục còn lại của một người lính Việt Nam Cộng Hòa. Những di vật đầu tiên còn có bản thảo bài hát "Sài-gòn Vĩnh Biệt" do nhạc sĩ Nam Lộc sáng tác trong trại tị nạn.
Giai đoạn từ sau chiến tranh cho đến đầu thập niên 1980 thì nước Mỹ muốn quên đi chuyện thất bại ở Việt Nam. Thời gian đó cộng đồng người Việt lại trở nên đông thêm với những thuyền nhân vượt biển đến định cư sau nhiều cuộc hành trình tang thương trên biển cả. Một nhân chứng còn giữ lại di vật là tờ danh sách số người lên đảo từ một con tàu - bề dài 8 mét, rộng 2 mét và cao 1 mét 50 phân - khi ra đi có 23 người mà đến được đảo tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai ngày 24 tháng 11, 1986 chỉ còn một người sống sót.
"Bạn không được phép cười nếu không có lý do. Bạn không được hát nếu không có lý do. Lúc nào cũng phải là điều tốt cho tổ quốc, cho Đảng" là lời của Ho Phuoc Hieng được ghi lại như là nguyên do bỏ Việt Nam ra đi của ông và nhiều thuyền nhân khác. Trong khu này còn có di vật của những người từng bị giam tù trong các trại học tập cải tạo, từ chiếc điều cày, tấm áo tù đến bản kê khai lý lịch cá nhân.
Nhìn toàn bộ cuộc triển lãm, kỹ sư Trình Đỗ từ Fremont - một thành viên của ban cố vấn - nói ông khá hài lòng với những gì đã thấy. Riêng phần liên quan đến người Mỹ gốc Việt, ông Trình khen đó là một công trình "well done" (tốt đẹp). Nhưng ông Trình Đỗ, tác giả cuốn hồi ức "Saigon to San Diego" mới phát hành đã có ý kiến phản bác lại một số luận điểm trong cuốn sách mang cùng tựa đề với cuộc triển lãm, do University of California Press ấn hành. Ông nói: "Một vài luận điểm trong sách đưa ra nói rằng những thuyền nhân đến Mỹ vì mưu cầu một đời sống tốt hơn, với xe BMW, với nhà có ga-ra đậu hai xe" là không đúng. Ông dẫn chứng trong lịch sử Việt Nam chưa có một cuộc bỏ nước ra đi nào mà đông đảo, với 2 triệu người, và hao tốn sinh mạng như cuộc vượt biển của người Việt vào cuối thế kỷ qua. Trình Đỗ sẽ là một trong những diễn giả được bảo tàng viện mời nói chuyện trong một chương trình hội thảo vào trung tuần tháng Mười tới đây.
Trong khi đó Khang Nguyễn, 34 tuổi, cư dân Oakland, nhận xét là cuộc triển lãm không nói lên được những đóng góp kinh tế của người Việt cho California. Ông nói: "Tôi có thấy hình ảnh người Việt tham gia sinh hoạt chính trị như Madison Nguyễn, Văn Trần. Nhưng những thương gia, luật sư, bác sĩ, kỹ sư thì không thấy đâu." Ông Khang tỏ vẻ thất vọng khi không thấy hình ảnh những khu thương mại của người Việt trong cuộc triển lãm.
Đứng trước tủ trưng bày di vật từ những trại tù cải tạo, Giáo sư Isabelle Thuy Pelaud của Trung Tâm Nghiên Cứu Về Người Mỹ gốc Việt tại Đại Học San Francisco State University đưa ra ý kiến của bà như sau: "Người Mỹ gốc Việt là một phần của California thì cộng đồng đó phải là một phần của lịch sử." Và bà trách ban tổ chức: "đã đến với cộng đồng trễ. Nếu đến với cộng đồng sớm hơn, họ còn có thể đóng góp được nhiều nữa cho cuộc triển lãm." Giáo sư Pelaud cũng đồng ý rằng nếu không có sự lên tiếng phản đối của cô Mimi Nguyễn thì những di vật của người Việt chắc là sẽ không hiện diện trong cuộc triển lãm hôm nay.
Phần cuối của cuộc triển lãm là khu trưng bày những biểu trưng cho những vấn đề còn tồn đọng do bởi hệ lụy của cuộc chiến Việt Nam. Đó là một lá cờ Mỹ từng phủ quan tài đã được xếp gọn, là những vòng đeo tay khắc tên những POW/MIA, là những lá thư của cựu chiến binh Mỹ kêu gọi chính phủ giúp đỡ họ. Ở đó cũng có hình ảnh biểu tình chống biểu tượng cộng sản, có bích chương về Ngày Quốc Hận 30 tháng Tư tổ chức mới đây dưới chân tượng đài Việt-Mỹ ở Little Sài-gòn.
Cuối cùng là một tủ chứa đựng sinh hoạt văn hoá, báo chí của cộng đồng người Việt. Trong đó có những tờ quảng bá hội thảo thơ văn do Trung Tâm Nghiên Cứu Về Người Mỹ gốc Việt tại San Francisco State University tổ chức, có những tác phẩm tiêu biểu của những tác giả gốc Việt: South Wind Changing của Jade Ngọc Quang Huỳnh, The Sacred Willow của Duong Van Mai Elliott, Catfish and Mandala của Andrew X. Pham, The Gansgster We Are All Looking For của le thi diem thuy, Saigon to San Diego của Trinh Do. Khách tham quan, nếu muốn tìm hiểu thêm về người Việt ở Mỹ thì những tác phẩm đó đưa ra những cái nhìn của người Việt về một quê hương cũ, là bản tường trình về nguyên do khiến họ đã bỏ nước ra đi để chọn nước Mỹ, chọn California làm quê hương mới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.