Hôm nay,  

Trận Chiến Của Đđ 111, 112 Dù Tại La Vang, Nhà Ga Quảng Trị

14/07/199900:00:00(Xem: 8994)
Trong hai số trước, chúng tôi đã giới thiệu cuộc tiến quân của các tiểu đoàn 1, 2, 9 và 11 Nhảy Dù trong cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị. Như đã trình bày ngay trong phần mở đầu của loạt bài đơn vị và chiến trường, mong ước của chúng tôi khi thực hiện loạt bài viết này là tổng hợp được nhiều tài liệu để ghi nhận những câu chuyện về chiến trường trong những trận đánh ở cấp tiểu đoàn, đại đội, trung đội. Đây là những cấp đơn vị đã thường xuyên đụng độ với địch quân, và trong các trận giao tranh đã xuất hiện nhiều nhân vật anh hùng của đơn vị: Có thể đó là người binh nhì dũng cảm nhảy vào pháo tháp chiến xa địch ném lựu đạn, là những hạ sĩ tổ trưởng, trung sĩ tiểu đội đội trưởng, những sĩ quan cấp úy trung đội trưởng, đại đội trưởng, những vị tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng đã lập nhiều chiến tích, và có những người đã ngã xuống như những thiên thần, hiệp sĩ ...
Riêng với các trận đánh của lực lượng Nhảy Dù, một trong những đơn vị đã trải qua những trận chiến bi tráng nhất, hào hùng nhất là tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải 11 Nhảy Dù. Đây là đơn vị mà từ tiểu đoàn trưởng đến người khinh binh đã có những giờ phút “lấy tay không để chiến đấu, lấy hiên ngang để chống trả sự khống chế hỏa lực của đối phương”. Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù của trận chiến đầy nghiệt ngã ở Charlie với tiểu đoàn Nguyễn Đình Bảo, đại đội trưởng Thinh, trung đội trưởng Ba, tiểu đội trưởng Lung và nhiều chiến binh vĩnh viễn ở lại chiến trường; cũng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã đánh những trận đánh hào hùng bên bờ sông Mỹ Chánh và vùng ngoại ô Quảng Trị. Được sự đóng góp về tài liệu của một số cựu chiến binh Nhảy Dù, trong các số báo vừa qua, chúng tôi đã tổng hợp và biên soạn được một số bài viết về tiểu đoàn này.

* Trận chiến ở Diên Sanh và La Vang:
Trở lại với cuộc tiến quân của các đơn vị Nhảy Dù trong khuôn khổ cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, chiều ngày 3 tháng 7/1972, sau khi đánh bật Cộng quân ra khỏi khu vực ngoại ô Diên Sanh, quận lỵ quận Hải Lăng, tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã tung đợt tấn công quyết định vào trung tâm thị trấn quận lỵ này. 3 giờ 45 chiều ngày 3 tháng 7/1972, một đại đội Nhảy Dù đã tiến vào quận đường quận Hải Lăng, và làm lễ thượng kỳ Việt Nam Cộng Hòa, sau 63 ngày quận lỵ này lọt vào tay Cộng quân.
4 giờ chiều ngày 3/7/1972, các đại đội của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã kiểm soát trọn khu vực Diên Sanh và vùng phụ cận. Sáng ngày 4 tháng 7/1972, toàn tiểu đoàn đến An Thái, chỉ còn cách trung tâm thị xã Quảng Trị khoảng 2 km. Ở hướng Tây, tiểu đoàn 11 Nhảy Dù do thiếu tá Lê Văn Mễ chỉ huy đã tiến đến gần La Vang. Nhiệm vụ của tiểu đoàn này là đánh bật Cộng quân ra khỏi khu vực giáo đường.
Trên lộ trình tiến vào La Vang, các đại đội Nhảy Dù phải vượt qua một cây cầu nhỏ, đó là cầu Trường Phước. Tại khu vực quanh cầu, Cộng quân không tổ chức các chốt chận nhưng đã tập trung pháo súng cối bên trên và xung quanh cầu để chận bắn chận các toán quân của Nhảy Dù vượt qua cầu này. Tiến quân thật nhanh dưới làn mưa pháo của CQ, các trung đội Nhảy Dù đã vượt qua cầu để tiến về hướng Tây Bắc. Một số anh em đã ngã xuống ngay trên cái cầu có tên là Trường Phước này.
Sau khi đã vượt qua những chướng ngại của đoạn đường chiến binh, cuối cùng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã tiến vào vòng đai La Vang. Trước khi tung quân tái chiếm mục tiêu này, thiếu tá Lê Văn Mễ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, đã họp với thiếu tá Nguyễn Văn Thành, tiểu đoàn phó, và ban chỉ huy tiểu đoàn để nghiên cứu kế hoạch tấn công. Chỉ tay trên bản đồ, tiểu đoàn trưởng Mễ nói với tiểu đoàn phó Thành:
- Toa thấy cái La Vang hữu này không "
- Thấy.
- Toa thấy cái La Vang chính này không "
- Thấy rồi...
- Toa dẫn hai đại đội chiếm La Vang Hữu xong, quẹo tay trái vây Vương Cung Thánh Đường, bọc từ hướng Tây Nam đánh cả hai mục tiêu.

* Đại đội 111 và 112: trận chiến ở trung tâm Giáo đường La Vang và nhà Ga Quảng Trị:


Tại vòng đai La Vang, Cộng quân đã chống trả quyết liệt các đợt tấn công của tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, trận chiến diễn ra từ trưa cho đến tối. Tiểu đoàn từ hai mặt tấn công vào 1 tiểu đoàn Cộng quân cố thủ quanh La Vang. Địch đã dựa vào các công sự chống trả mạnh. Pháo của CQ cũng đã rót liên tục vào khu vực tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đang bố trí. Trước nhà thờ, gần tượng đài Đức Mẹ, CQ bố trí 2 chiến xa T54. Binh sĩ của cánh quân do tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Thành chỉ huy đã dùng M 72 bắn cháy 2 chiến xa này, sau đó đột kích vào khu vực trung tâm triệt hạ các cụm cố thủ của Cộng quân quanh giáo đường. Sau 3 giờ kịch chiến, lực lượng Nhảy Dù đã đánh bật CQ ra khỏi Vương Cung Thánh Đường. Tối hôm đó, Cộng quân điều động chiến xa phản công nhưng đã bị đại đội 112 của đại đội trưởng Hùng Móm đẩy lùi, thêm 2 chiến xa T 54 của CQ bị bắn cháy, thành phần bộ binh tùng thiết phải rút lui sau khi để lại trận địa hơn 10 xác Cộng quân.
Ngày 4 tháng 7/1972, các đại đội Nhảy Dù bung rộng quanh khu vực La Vang để truy quét CQ. 1 giờ chiều cùng ngày, thiếu tá Mễ chỉ định 1 binh sĩ Nhảy Dù leo lên đỉnh giáo đường cắm quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
Sau khi đã “dọn sạch” CQ tại vùng La Vang, tiểu đoàn 11 Nhày Dù tiến quân về hướng Đông để tái chiếm nhà ga Quảng Trị. Tiểu đoàn chia làm 2 cánh: cánh thứ nhất do Tiểu đoàn trưởng Mễ chỉ huy với 3 đại đội 110, 113 và 114, cánh quân thứ hai do tiểu đoàn phó Thành chỉ huy với 2 đại đội 111 và đại đội 112 đánh kẹp nách dọc đường rầy chiếm nhà ga.
Trước giờ xuất phát, thiếu tá Mễ nói với thiếu tá Thành:
- Chọn “Hùng móm” Quảng Trị làm nỗ lực chính để “lên ga tiễn em đi” (tấn công vào ga đuổi Cộng quân đi).
Rồi sau đó, tiểu đoàn trưởng Mễ (khóa 18 Đà Lạt) nói với Hùng (khóa 22 Đà Lạt):
- Mày đến ga, “tiễn em đi được” thì tao sau này sẽ mở sâm banh.
Đó là lời dặn của Mê Linh (danh hiệu truyền tin của thiếu tá Mễ) với Hùng móm.
Trận tấn công của đại đội Hùng móm và Tú Trinh vào sân ga để “tiễn em đi” vô cùng gian khó. CQ đã tổ chức các cụm kháng cự kiên cố để cố thủ. Đoạn đường rầy không quá 500 thước mà suốt 5 ngày hai đại đội 111 và 112 vẫn chưa vượt qua được.

* Người lính Nhảy Dù vĩnh viễn về với quê nhà Quảng Trị:
Hùng móm và Tú Trinh thay nhau “tiễn em đi” ra khỏi ga khỏi ga nhưng các cụm hỏa lực từ quanh sân ga bắn xối xả chận đoàn quân. Riêng với Hùng móm, suốt ngày 11 tháng 7/1972, đã nhiều lần điều động đại đội để tấn công vào nhà ga nhưng vẫn chưa chiếm được mục tiêu. Từ sự hăng hái trong những ngày đầu trong cuộc hành quân giải tỏa quê nhà Quảng Trị, tự nhiên Hùng đổi tính hay la binh sĩ (điều mà trước đó không bao giờ có vì anh rất thương anh em thuộc quyền). Hùng gọi máy nói chuyện với bác sĩ Tô Phạm Liệu, y sĩ trưởng tiểu đoàn, “Lấy được khẩu K54 thì tôi cho ông...Liệu ơi, sao moa nhớ mẹ moa quá, hôm ở Kontum có mấy ngày ngày phép lại không đi thăm bà...Chiếm xong Quảng Trị, moa sẽ xin phép vô Đà Nẵng vài ngày thăm mẹ... Chỉ còn 400 mét nữa là moa thấy cái nhà lúc nhỏ, vì thế mà cứ nhớ bà già.”
Ngày 14 tháng 7/1972, đúng 3 tháng sau ngày tiểu đoàn 11 Nhảy Dù rút khỏi Charlie trong một cuộc triệt thoái đầy bi tráng, Hùng bị trúng 1 quả đạn pháo của CQ. Anh ngã xuống khi chỉ còn cách ngôi nhà xưa 100 mét. Mãn khóa 22 Võ Bị Đà Lạt vào cuối năm 1967, sau gần 5 năm đánh giặc, Hùng đã có mặt trên nhiều chiến trường khốc liệt nhất, từ miền Đông Nam phần, từ Tây nguyên đèo cao, núi thẳm cho đến vùng Trị Thiên bão lửa. Sau khi vượt thoát vòng vây của CQ tại khu vực Bắc Kotum, Hùng cùng với nhiều lính Nhảy Dù quê Quảng Trị trở về cố thổ để tái chiếm lại thành phố xưa, những khu phố cũ và sân ga mà Hùng đã nhiều lần nhìn con tàu từ Sài Gòn ra để mơ ước những chuyến đi xa... Cuối cùng Hùng đã ngã xuống ngay nơi Hùng đã sinh ra và lớn lên. Khi nhắc đến cái chết của Hùng móm và những người lính quê Quảng Trị, nhà văn Phan Nhật Nam, cựu đại úy Nhảy Dù, đã ghi lại như sau: Chiến tranh thường có những sự kiện lạ như thế. Người biết mình sắp chết thì đổi tánh, biết mình sắp chết nên trối trăn. Và Hùng đã gọi máy nói chuyện với bác sĩ Liệu... Thảm thương chưa, con chim kêu tiếng bi ai trước khi chết, con người linh thiêng hơn biết tìm chốn quê hương để đi về.
Hùng chết, Tú Trinh quá thương bạn, trong căm hận anh dẫn cả đại đội 111 tấn công vào nhà ga. Bảy giờ sáng, Tú Tinh và binh sĩ của anh đã chiếm được mục tiêu này. Đại đội trưởng Tú Trinh gọi máy báo cho tiểu đoàn trưởng Mễ:
- Báo cáo với Mê Linh, tôi đến ga tiễn em rồi... Em đi rồi.
Sân ga vắng lặng, nhà ga đổ nát, mục tiêu ác liệt của 5 ngày trận chiến là đây. Hùng móm và nhiều anh em quê Quảng Trị đã ngã xuống trên sân ga quê nhà vào những ngày gió Lào hừng hực thổi…

Kỳ sau: Trận đánh của Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù ở Long Hưng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.