Hôm nay,  

Đại Hội Chuyên Gia Bắc Mỹ 1999

18/10/199900:00:00(Xem: 4535)
Đại Hội Chuyên Gia Bắc Mỹ 1999 với chủ đề “Việt Nam Trong Thế Kỷ 20: Những Kinh Nghiệm cho Thế Kỷ 21” đã diễn ra vào lúc 1 giờ trưa thứ bảy, ngày 9 tháng 10 năm 1999 tại hội trường Capital Camps, thành phố Waynesboro, tiểu bang Pennsylvania. Đại Hội kéo dài đến trưa thứ hai (11/10) với trên 100 người từ các tiểu bang về tham dự. Được biết đây là lần đầu tiên ban tổ chức thử nghiệm một hình thức Đại Hội lớn trong khung cảnh nội trú trại.

Ngày thứ nhất (thứ Bảy, 9/10): Sau nghi thức khai mạc, chị Lê Diệp Mỹ Dung, Phân Hội Trưởng Phân Hội Chuyên Gia Việt Nam (HCGVN) Vùng Hoa Thịnh Đốn đã lên diễn đàn chào mừng Đại Hội. Sau đó, anh Trần Quốc Dũng, Hội Phó HCGVN Đặc Trách Bắc Mỹ lược qua nội dung của hai ngày sinh hoạt. Các đề tài trong hai ngày Đại Hội nhằm mục đích cho giới trẻ học hỏi kinh nghiệm của tiền nhân trong suốt chiều dài lịch sử của thế kỷ 20 để chuẩn bị hành trang cho thế kỷ 21.

Tiếp theo là slide show về lịch sử Việt Nam kéo dài 10 phút đã cho mọi người thấy hình ảnh của nước ta từ ngày lập quốc, trải qua các giai đoạn chiến đấu chống ngoại xâm và thảm trạng đất nước do cộng sản gây ra. Hình ảnh hy sinh của tiền nhân trong giai đoạn chống Pháp đã gây xúc động cho nhiều người.

Kế tiếp, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Danh, Hội Trưởng HCGVN đến từ Paris, thay mặt Ban Chấp Hành tuyên bố khai mạc đại hội. Ông nhận định rằng “với cuộc cách mạng điện toán và kinh tế toàn cầu hiện nay, các nước tư bản đi tìm những nước có nhân công rẻ để khai thác và do đó họ cần tìm hiểu văn hóa của nước họ sẽ tới. Ở hải ngoại, chúng ta được may mắn học hỏi văn hóa tây phương và bồi đắp văn hóa VN cho thêm phong phú. Đây là một lợi điểm cho VN. Chúng ta cần phải bảo vệ, bồi đắp và phát huy văn hóa VN, để khi có điều kiện thuận lợi, tức khi đất nước có dân chủ tự do, chúng ta có cơ hội xây dựng đất nước”.

Bước vào mục chính trong Đại Hội là đề tài thứ nhất “Tuổi trẻ hải ngoại và văn hóa Việt Nam” do nhà thơ Trần Trung Đạo đến từ Boston trình bày. Anh cho rằng nguyên nhân sâu xa để cho tuổi trẻ dấn thân trong vụ Trần Trường ở Nam California và cao trào tuổi trẻ lên đường nổi lên khắp nơi là do văn hóa Việt Nam. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm trong một giai đoạn lịch sử, và trong giai đoạn lịch sử hiện tại, thế hệ trẻ sẽ làm tròn trách nhiệm của thế hệ mình.
Sau đó là hội thảo nhóm. Các tham dự viên được chia làm hai nhóm tùy theo sự lựa chọn riêng của mỗi cá nhân theo đề tài ưa thích. Nhóm 1A với đề tài “Âm nhạc: phương tiện chuyên chở ý niệm tự do” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành đến từ Alabama phụ trách. Tới Hoa Kỳ năm 1980, anh sáng tác nhạc hướng về quê hương và cộng đồng liên tục từ đó đến nay. Nhóm 1B với đề tài “Truyền Thông: Phương tiện để đem đến thay đổi” do chị Trần Diệu Chân đảm trách. Chị là nghiên cứu gia về kinh tế, và là chủ bút tạp chí Vietnam Insight và Internet Service từ 1990 để tranh đấu cho nhân quyền và tự do cho Việt Nam.

Sau phần giải lao, chương trình hội thảo nhóm tiếp tục. Nhóm 2A với đề tài “Chữ tình trong ca dao Việt Nam” do chị Ngô Thị Hiền thuyết trình. Chị hiện là chủ tịch Ủy Ban Tranh Đấu Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam và là thành viên trong Ban Giám Đốc Đài Tiếng Nói VN Hải Ngoại. Với giọng ngâm của cô Nguyễn Định Yên, các câu ca dao về tình cha mẹ, tình anh em, bạn bè và tình lứa đôi, vợ chồng đã làm rung động con tim những người tham dự. Xen kẽ là bản nhạc “Mẹ Cội Nguồn” của nhạc sĩ Nghiêu Minh cũng đã gây xúc cảm cho mọi người. Nhóm 2B với đề tài “Văn Thơ Việt Nam” do nhà thơ Trần Trung Đạo trình bày cũng đã gây được nhiều cảm tình của tham dự viên.

Sau bữa cơm tối và nghỉ ngơi, mọi người lại tụ tập ở hội trường sinh hoạt văn nghệ kết thân. Những giọng hát, tiếng cười trong những màn kịch lẫn những tiếng vỗ tay vang lên kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, đặc biệt có sự đóng góp của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thành, nhà thơ Trần Trung Đạo, v.v. Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 10 giờ 30 tối để chuẩn bị cho ngày hôm sau.


Ngày thứ nhì (Chủ Nhật 10.10.99): Đề tài chính trong ngày thứ nhì là “Những bài học lịch sử cận đại” do chị Trần Diệu Chân trình bày. Diễn giả lược qua lịch sử cận đại, từ cuộc đấu tranh giành độc lập từ thực dân Pháp, cho đến cuộc chiến đấu bảo vệ tự do 1954-1975, và hiện tại là cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài CSVN. Lịch sử đã giúp cho thế hệ hôm nay rút ra được bài học quý giá.

Tiếp theo là hội thảo nhóm. Nhóm 3A với đề tài “Những khuynh hướng đấu tranh kháng Pháp” do anh Lê trọng Việt, Đại biểu Hội Đồng Quản trị Trung ương Cộng Đồng VN Massachusetts, anh Lâm Sĩ Văn và Võ Tiến Đạt thuộc đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu trình bày. Nhóm 3B với đề tài “Cách mạng dân chủ tại Việt Nam” do ông Nguyễn Cao Quyền, Chủ tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN tại Vùng Hoa Thịnh Đốn đảm trách. Hai đề tài nêu ra hai cách nhìn cuả những giai đoạn lịch sử: từ phong trào Văn Thân, Đông Du tới sự hình thành của các đảng phái quốc qia dưới thời Pháp thuộc. Về cuộc đấu tranh hiện tại, chúng ta tin vào thế tất thắng của dân chủ tự do.
Chương trình tiếp nối với hội thảo nhóm tiếp tục. Nhóm 4A với đề tài “Những phương thức vận động chính trị” do Tiến sĩ Phan Anh Philip-Franz Seitz, Phó Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Thần Dương (Shenyang) vùng Mãn Châu, Trung Quốc, trình bày bằng tiếng Việt. Ông nêu lên 4 lãnh vực chính chúng ta cần lưu ý để có tiếng nói ở môi trường chính trị Hoa Kỳ. Đó là xây dựng cộng đồng, vận động Quốc Hội, cơ quan truyền thông và hỗ trợ các đơn vị trong nước. Nhóm 4B với đề tài “Xây dựng tác phong dân chủ” do Kỹ sư Huỳnh Ngọc Phước trình bày. Mọi người có dịp thảo luận và góp ý trong vấn đề xây dựng và phát huy tinh thần cũng như cung cách dân chủ. Trong phần ăn trưa, với đề tài “Một vài thay đổi tại VN sau 30/4/75”, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã kể lại những kinh nghiệm hoạt động bản thân từ năm 1975 cho đến khi ra hải ngoại, kể cả thời gian bị tù đày. Ông kêu gọi mọi người cùng nhau chung sức nhận lãnh trách nhiệm giải trừ chế độ cộng sản.

Chương trình tiếp tục với hội thảo nhóm. Nhóm 5A với đề tài “Gia đình và xã hội VN qua thế kỷ 20” do Bác sĩ Đặng Vũ Chấn trình bày. Bs Chấn đề cập đến tình trạng gia đình và xã hội VN trong thế kỷ 20, đặc biệt là tiến trình xuống cấp về gia đình và xã hội của VN dưới chế độ CSVN hiện nay, đồng thời đề nghị phương hướng thay đổi. Nhóm 5B với đề tài “Những vấn đề hội nhập” do Tiến sĩ Vương Ý Như đảm trách. Vấn đề giới trẻ hải ngoại phải đối diện với những khó khăn và hội nhập ra sao đã được mọi người thảo luận và góp ý với kinh nghiệm bản thân thật hữu ích và sôi nổi. Hội thảo nhóm tiếp tục. Nhóm 6A với đề tài “Những vấn đề tương quan giữa người Việt trong và ngoài nước” do Bs Đặng Vũ Chấn phụ trách. Nhóm này thảo luận về những vấn đề tâm lý trong quan hệ giữa người Việt trong và ngoài nước và một số những phương hướng để Người Việt hai nơi có thể làm việc chung một cách hài hòa trong việc canh tân đất nước trong thế kỷ 21 . Nhóm 6B với đề tài “Chuyển biến kinh tế và tác động của kỹ thuật tại VN” do Kỹ sư Vũ Bảo Kỳ phụ trách. Diễn giả cho thấy chính sách kinh tế của CSVN thất bại vì không đi đôi với thể chế chính trị.

Bước sang phần đúc kết, Kỹ sư Trần Quốc Dũng, Hội Phó HCGVN Đặc Trách Bắc Mỹ đã lược qua sinh hoạt trong hai ngày Đại Hội. Mọi người có dịp quen biết nhau, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về VN trong thế kỷ 20 và những vấn nạn hiện nay. Sau đó, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Danh, tường trình về tình hình HCGVN khắp nơi và thông báo về Đại Hội Chuyên Gia Thế Giới năm 2000 sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 7 năm tới.

Trong hai ngày Đại Hội với chủ đề “Việt Nam Trong Thế Kỷ 20”, những học hỏi qua các đề tài liên quan đến văn hóa nghệ thuật, lịch sử cận đại và gia đình xã hội của thế kỷ 20, đã bồi đắp cho hành trang của giới trẻ chuẩn bị bước vào thế kỷ 21.
Buổi tối có sinh hoạt văn nghệ lửa trại. Đại Hội bế mạc vào trưa thứ Hai, 11/10, sau trò chơi trại giải trí kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ. (VL News)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.