Hôm nay,  

Thầy Nhất Hạnh Ở Kim Sơn, 10-1999

03/10/199900:00:00(Xem: 7222)
Chùa Kim Sơn, tôi trở lại lần thứ hai. Hình như không thay đổi nhiều, ngoài một công trình xây cất mới đang được tiến hành. Ngoài túi hành lý gọn, tôi còn mang theo một chậu lan, của vườn lan Ngô Bảo. Tất cả vào một căn lều, gọi là liêu.
Liêu được ngăn đôi. Gian trong là chỗ ở của một ni sư, cũng hẹp thôi, vì còn một cái giường nhỏ kế bên dành cho khách. Gian ngoài là văn phòng tạm của cô Quảng Thanh, người đã đón và đưa tôi về chùa. Tôi đi cùng với ni sư Diệu Ngọc, viện chủ chùa A Di Dà, và cả hai được nghỉ ngơi tại đây.
Chùa Kim Sơn đang có khóa dạy của thầy Nhất Hạnh dành riêng cho tăng ni. Tôi thật lạc lõng khi sư cô Diệu Ngọc nhập vào khóa tu. Trong liêu, có một ni sư bị bệnh. Nhưng tôi cũng không hàn huyên gì được, vì ni sư Thanh Chơn tuy không dự khóa tu, cũng không vì bệnh mà lơ là việc tu học. Ni sư ngồi hằng tiếng, quay mặt vô tường, tụng niệm và thiền.
Nghỉ ngơi một lát, tôi thấy mình bị cuốn hút theo cái tĩnh lặng chung. Chùa Kim Sơn ẩn sâu trong rừng núi. Thung lũng xa, màn sương dày đặc như cõi mịt mờ từ thiên cổ. Tôi bước xuống những bậc gỗ, đi một vòng quanh chùa. Đứng rất lâu bên hàng trúc dài mút, nhìn xuống con đường vòng tới một bìa rừng. Nhớ những hàng bạch dương Thụy Điển, những bờ tre quanh làng xóm Việt Nam, những ơn nghĩa chúng sinh mà mình đã được hưởng.
Lẽ ra, tôi đã phải đi gặp thầy Nhất Hạnh vào những buổi giảng dạy mới đây ở Santa Barbara. Anh chị Doãn Quốc Sỹ từ Houston đã về dự. Nhiều người khác cũng cũng nao nức gặp Thầy. Tôi cũng có chung nỗi nao nức ấy, từ hơn 10 năm trước.
Ngay những ngày đầu mới từ Việt Nam tới Thụy Điển, chúng tôi có nhận tấm chi phiếu từ Làng Hồng, cho cả gia đình về đó. Nhưng chuyến đi Mỹ, rồi công việc cuốn hút. Bao năm qua, tôi chỉ mới được gặp cô Chân Không một lần, vội vã. Cô Chân Không, cô Phượng, cô Chín của chúng tôi và các cháu, mỉm cười: “Tất cả tùy duyên.” Vậy thì cũng không nên áy náy, duyên chưa đến thì chưa gặp. Cho tới giờ này.
Đúng ngọ, lúc trở về trước chánh điện, tôi thật sự bối rối khi từ bên trong vọng ra tiếng chuông. Ngay từ tiếng chuông thứ nhất ngân nga, thì từ rừng, núi, thiên nhiên, sương mù và cả con người như lắng đọng. Mọi sinh hoạt tức thì ngừng lại. Các Phật Tử đang tất bật dọn bữa cơm trưa cũng dừng lại, chắp tay. Người đang đi, dừng bước. Người đang nói, đang cười, im bặt. Tất cả đều tĩnh lặng hướng về ba tiếng chuông nối nhau. Tôi chợt nhớ ra, từ lúc bước chân vào chùa, tôi đã bao lần nghe những tiếng chuông ngân nga như vậy, tất cả đã tĩnh lặng, chỉ riêng tôi, thân tâm không ngừng động.
May mắn thay, trong bữa cơm tôi gặp một bạn học cũ. Chị Yến. Dù vậy, ăn uống cũng phải cẩn thận, không phát tiếng động, không nói chuyện. Sau bữa cơm, chúng tôi mới dẫn nhau ra ngồi trên những khúc gỗ cưa ngắn, sắp san sát dành một khoảng đất lớn trước sân chùa. Bạn tôi mặc áo tràng lam, lời nói, cử chỉ cân nhắc, nhuốm mùi đạo.
Trong giây phút đó, tôi gặp lại Chân Không. Mỉm cười với nhau. Thì vậy, nụ cười đã gần gụi theo những hộp quà từ Làng Hồng về Việt Nam, trong cơn thập tử nhất sinh của cả nước. Cầm tay, lắc lắc. “Chị nhận không ra phải không" Em già rồi!” Chân Không nói. Cười. Bao nhiêu dấu vết tuổi tác, chỉ một nụ cười cũng đủ để xóa hết. Nụ cười không bao giờ có tuổi.
Chân Không bỏ vào trong, lát sau cầm ra một CD: “Có CD Tiếng Hát Chân Không tặng chị”. Tôi siết tay cô Chín thân thương của đàn con: “Đây là lần đầu tiên, nhận một món quà mà không phải thùng đồ”. Cười.
Chuyện không bao lâu, lại có tiếng chuông điểm. Tiếng chuông nhắc nhở sự tĩnh lặng. Sau ba hồi chuông, cô Chân Không phải lo một khóa tu cho các ni. Dặn: “Sau năm giờ, hết khóa tu sĩ, chị gặp Thầy.”
Trở về liêu, máy fax kêu xè xè, điện thoại reo không ngớt. Cô Quảng Thanh làm việc bất kể giờ giấc, hình như cũng chưa hề ăn sáng, ăn trưa. Ly nước lạnh rót từ lâu, vẫn đầy, để đó. Tôi lục kệ sách, lôi ra cuốn “Giải thoát trong lòng tay” của sư cô Trí Hải dịch và đọc miên man. Đang đọc dang dở thì một thị giả ló đầu vào: “Thưa, ai là cô Nhã Ca, thầy mời xuống cốc.”
Tôi bước theo bén gót chân tăng sĩ thị giả. Theo danh từ của Làng Hồng, chắc đây chỉ là một sư chú. Vòng qua chánh điện, tới khoảng đất trống nhìn xuống phía xa là đại vực, chìm trong sương mù. Cốc nằm chìm dưới thung lũng, trong một rừng thông xanh thưa thớt, được bao bọc bởi một hành lang bằng ván có tay dựa.
Sư chú thị giả gõ nhẹ vào cửa ba tiếng. Nhẹ lắm. Cánh cửa cũng nhẹ lắm, mở. Một sư chú nữa đứng bên trong nép vào một bên. Tôi nhận ra một khuôn mặt ngoại quốc rất trẻ, đẹp, nghiêm trang. Rồi khuôn mặt Thầy Nhất Hạnh. Bây giờ thì nhận ra rồi, cười, đưa tay mời vào.
Gian phòng hình chữ nhật, bàn thấp, với nhiều gối ngồi. Trên tủ cao sát tường là những giò lan trắng rất thanh thoát. Không thấy giò lan của tôi gửi tới thầy. Chậu lan hẳn đang đi lạc đường. Một luồng sáng vàng chói xuyên qua cửa sổ, rọi xuống mặt bàn, ánh gợn lên mầu áo nâu của Thầy, khi thầy ngồi trên cái gối thấp. Tôi cũng ngồi trên chiếc gối thấp.
Thị giả người da trắng, biết khá nhiều tiếng Việt, lặng lẽ pha trà. Ánh nắng chếch lên một tí, để nhảy chiếu vào khi hai ly trà được đặt lên bàn.
“Rồi cũng có lúc cùng ngồi uống trà, Nhã Ca.”
Thầy cười. Nụ cười như tiếng nói vẫn nhẹ nhàng, chừng mực.
“Từ có nhắc tới lần chở thầy trên chiếc xe Mô bi lét tới đài phát thanh không"”
“Có, thầy. Chưa kịp nhắc thì thầy đã nhớ.”
Đó là chuyện ba mươi lăm năm trước, thời thầy Nhất Hạnh lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, dựng Phương Bối Am ở Bảo Lộc, làm báo “Giữ Thơm Quê Mẹ” ở Saigon.
“Các cháu"”
Tôi cảm động vì sự quan tâm của thầy. Từ những ngày khổ ải ở Việt Nam, tới khi thoát thân tới Thụy Điển, rồi qua Mỹ, làm báo. Không lúc nào thầy không lo cho, hỏi thăm, nhắc nhở. Tôi kể chuyện Từ, các cháu, từng đứa.
Khi tôi quyết định đi Kim Sơn gặp Thầy, tôi không hề có ý định phỏng vấn để viết báo. Người ta đã phỏng vấn, đã viết quá nhiều về thầy. Tôi chỉ mong gặp thầy, thăm thầy, để nói vài điều mà tôi muốn nói riêng với thầy. Và tôi nói liền.
Tôi nói về chuyện sư phụ tôi, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, về những oan nghiệp mà sư phụ tôi đã cắn răng chịu lúc cuối đời. Một lúc nào đó, tôi nhìn, thấy Thầy Nhất Hạnh ngồi thật im lặng, môi hơi mím lại. Thầy nghĩ gì, tôi không biết. Nhưng tôi thấy trong mắt thầy, thoáng nét buồn của sư phụ tôi. Tôi thấy trong người nhẹ đi nhiều, vì tôi đã nói ra được.
“Uống trà đi, Nhã Ca.”
Một ngụm trà.
“Cám ơn thầy.”
Chắc phải nói chuyện khác. Coi kìa, thầy đang đưa ly trà lên. Đang mỉm cười. Đôi mắt hiền từ cúi xuống. Tu là làm đẹp. Một phần là vậy. Tu cũng lãng mạn nữa. Coi kìa, ánh chiều đang đi dạo trong phòng, tới lui trên tà áo nâu sậm, trên mái tóc quá 70 mươi tuổi, thời gian còn chịu thua, chưa nhuốm bạc được bao nhiêu.
Thầy ngồi rất thẳng, nói chuyện mà thân vẫn trong tư thế thiền. Chuyện khác đi. Chuyện gì bây giờ. Tôi đã nói đi thăm, không phỏng vấn. Nhưng câu chuyện cứ tới:
“Thầy, lâu nay báo chí Mỹ thường hỏi thầy những gì"”
“Có hai vấn đề. Thứ nhất là vấn đề thầy có về Việt Nam không" Thứ hai là chuyện thầy đi Trung Quốc. Nhã Ca nghĩ là thầy có muốn về Việt Nam không"”
“Con nghĩ là không trong điều kiện hiện nay.”
Không gật đầu, cũng không lắc đầu. Im lặng một lúc. Nói:
“Về Việt Nam hay không, lúc này không còn là chuyện quan trọng đối với thầy. Mà sự việc phương pháp đường lối giáo lý về Bụt của thầy cũng như phương pháp tu thiền, những thứ đó đang đi vào với tuổi trẻ Việt Nam một cách tự nhiên, không bạo lực nào ngăn chặn nổi.” Cười nụ.
“Có sự vận động để thầy về nước, nhưng không do thầy chủ động, mà là cả một sự vận động của quốc tế, kể cả tổ chức Unesco, để thầy được hoằng pháp một cách tự do và tiếp xúc với đồng bào quê nhà. Nhưng thầy không thể về khi phải đi qua và tùy thuộc vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, một tổ chức của nhà nước. Thầy là một nhà văn hóa chớ không phải chỉ đi hành đạo. Đạo Phật có thể là một tôn giáo, nhưng trước nhất đạo Phật là một nền văn hóa. Thầy không chấp nhận các tăng sĩ về nước chỉ được ở khách sạn mà không ở chùa, không được tự do giảng dạy.”
“Còn vấn đề thứ hai, thầy"”

“Lúc đầu có khó khăn, nhất là về giấy tờ. Nhưng do sự can thiệp của Thao Pu Chu, chuyến vào Trung Quốc từ tháng 5/ 1999 đến 3 tháng 6/1999 coi như thành công.”
“Thao Pu Chu là ai"”
“Ông ta, có thể coi là một cố vấn, một Quốc Sư. Ông ta đã 94 tuổi. Nhân vật quan trọng.”
“Mục đích chuyến đi của thầy"”
“Thầy có nói tại chùa Quảng Tế ở Bắc Kinh, trước hàng ngàn Phật Tử rằng: Mười năm đầu thầy biết Bụt nhờ kinh điển tiếng Hán. Nếu không có các sư tổ dịch từ tiếng Phạn ra Hán thì thầy làm sao biết học, tu tập được theo kinh điển. Cho nên thầy muốn đến tận nơi để đảnh lễ, trả ơn chư tổ như Huệ Năng, Huyền Trang, Lâm Tế, Triệu Châu..., qua hình ảnh những đại tăng còn sống.”
Thầy Nhất Hạnh nói, thầy chọn Trung Quốc để truyền bá đường lối của thầy về đạo Phật, vì qua bao nhiêu biến đổi, nhất là sau thời kỳ cộng sản cầm quyền, Phật Giáo Trung Quốc chỉ còn cúng bái và cầu xin, mê tín, không có ai truyền bá giáo lý Bụt.
Tôi qua một chuyện khác:
“Từ Phương Bối am, chúng con có nhận một E-mail của thi sĩ.”
Đôi mắt của thầy đã sáng, như sáng hơn. Thầy đã biết thi sĩ là ai rồi. Thầy nói thầy muốn biết nội dung E-mail của Nguyễn Đức Sơn. Lúc trưa, gặp cô Chân Không, chúng tôi cũng có nhắc tới Phương Bối Am và người bạn thi sĩ này. Chúng tôi đã cười vui và đều thương mến cái bản tính “kỳ dị” của thi sĩ.
Đã qua tuần trà thứ hai. Vạt nắng chiều trên vai áo nâu của thầy đã tắt. Có tiếng gõ cửa. Thị giả bước vào:
“Thưa thầy, có sư cô Diệu Ngọc.”
Khoát tay. Ra dấu bảo chờ. Tôi còn một điều muốn hỏi nữa:
“Thưa thầy, thầy có nghĩ là nếu có cơ duyên, thầy có ngồi lại với Đức Đạt Lai Lạt Ma"”
“Thầy nghĩ là có. Nhưng chưa phải bây giờ. Từ văn phòng chính, đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn liên lạc với thầy. Vấn đề của thầy ngày hôm nay là đưa giáo lý của Bụt trở lại Trung Quốc.”
Thầy nói vừa đủ, nhưng tôi hiểu.
“Còn trong nước, thầy Quảng Độ"”
“Thầy Quảng Độ là một nhà tu đầy đạo hạnh và cam đảm. Rất can đảm.”
Câu chuyện cứ đi lan man. Phải dừng lại thôi. Tôi nhìn thầy và mỉm cười. Tôi cũng nhận lại nụ cười thật đẹp của thầy. Phải. Lúc mới bước vào, thầy đã nói: Rồi cũng ngồi uống trà với nhau. Chén trà đã nguội ngắt. (Mấy ngày sau, trở về, tôi gặp Hòa Thượng Mãn Giác, kể lại lời khen của thầy Nhất Hạnh về thầy Quảng Độ. Thầy Mãn Giác cũng cười, hiền lành, nói với tôi: Nếu có thầy ngồi bên cạnh Nhất Hạnh lúc đó, thầy sẽ bổ túc thêm mấy lời khen thầy Thiện Siêu. Trong lúc thầy Quảng Độ ngang nhiên chống cộng, thì Thầy Thiện Siêu cũng gồng mình chịu đựng bao tai tiếng, nào mũ đỏ, nào sư quốc doanh. Sự chịu đựng đó cũng rất can đảm. Cám ơn thầy Mãn Giác, thầy Thiện Siêu cũng là sư thúc của tôi. Sư phụ tôi cũng đã mang tiếng như thế, rồi bị chính cộng sản bức tử.)
Im lặng một lúc. Thầy khoát tay, nói với thị giả mới bước vào:
“Cho mời sư cô Diệu Ngọc.”
Tôi ngồi yên lặng, lắng nghe thầy trò nói chuyện, thăm hỏi nhau. Bình trà đã thay nước sôi mới. Thêm một ly nữa trước mặt ni sư Diệu Ngọc.
“Chờ thầy một chút.”
Thầy đứng dậy đi vào trong. Lúc ra, một CD và một máy nghe nhỏ. Không khí phải thay đổi rồi. Thầy vừa cho CD vào máy, vừa nói:
“Nghe bài “Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng” của thầy. Bài dài chừng mười ba phút.”
“...Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
“Mẹ gọi tôi về bên bếp lửa...
“Mới hôm qua đây tôi thấy bướm bay
“Từng đàn rộn rã
“Trong khu vườn cải hoa vàng...
Bài hát do nhạc sĩ Anh Việt phổ thơ Nhất Hạnh. Gần bốn mươi năm sau, thơ của tác giả “Bông Hồng Cài Áo” vẫn có mẹ, có em, có hoa có trái và có bươm bướm bay đầy một vườn cải hoa vàng.
Thiền sư thi sĩ đang ngồi y như thiền với một tư thế đẹp. Tu là làm đẹp, cho đạo, cho mình và cho người. Tu cũng lãng mạn lắm chứ. Tiếc thay, như tôi này, ở gần chùa, gần Phật, gần chư Tăng đức độ, sáng thức dậy bằng tiếng chuông, tối đi ngủ bằng tiếng chuông, trong giấc ngủ, giấc mơ cũng đầy tiếng chuông, vậy mà chưa biết tu một ngày nào.
Thầy có cười, nói:
“Đừng như ông Phạm Văn Đồng, đến cái thời trí óc đã mòn, sự hiểu biết cùng xác thân gần lụi, mới quy y”.
Thầy cười nhẹ nữa.
Bài hát hết lúc nào tôi không hay biết. Cho tới lúc nghe tiếng của thầy:
“Đúng 13 phút.”
“Thưa thầy...”
Có tiếng gõ cửa. Câu muốn hỏi gì đó rơi mất đâu rồi, không nhớ nữa. Thầy Tự Lực, thầy Phổ Hòa của Trung Tâm Hayward đứng ở ngoài:
“Mời chị đi dùng cơm.”
Tôi chợt nhớ tới cây lan đã công khó mang theo chuyến bay, đã nhờ gửi thầy. Nhưng rõ ràng cây lan đã đi lạc. Tôi nói:
“Có đem lên thầy một cây lan. Đến giờ này nó ở đâu, con cũng không biết.”
Thầy cười:
“Coi như thầy đã nhận.”
Bước ra khỏi cốc, ánh sáng đã nhạt nhòa nhưng vẫn còn thấy bóng dáng của các tu sĩ đang tập họp về nhà ăn. Thầy Tự Lực, thầy Phổ Hòa đã lấy xong phần cơm. Thật ra, tôi vẫn gọi thầy Phổ Hòa là anh Tuân, vì anh mãi mãi là Anh Trưởng Phan Cảnh Tuân thương kính của mấy thế hệ Phật Tử Huế.
Đêm đó, tôi nghỉ trong liêu hay cái cốc nhỏ của ni cô Thanh Chơn. Trằn trọc không ngủ được. Tôi ra phòng ngoài, hé cửa nhìn ra. Đêm tháng Tám của rằm Trung Thu, nhưng chỉ mới là ánh trăng non của mùng bảy, như cái lưỡi liềm, vắt ngang qua tàng thông xanh, ánh sáng yếu ớt không soi thủng nỗi đại vực đang chìm trong đêm tối. Dưới thung lũng nhỏ, cái cốc “hơi lớn” của sư ông Nhất Hạnh cũng chìm trong màn đen.
Sáng hôm sau, lúc đang ngồi lục lọi mấy cuốn sách, định xem thì sư cô Chân Không bước vào. Cô Chân Không ngồi bên máy điện thoại và máy Fax, không ngừng điện thoại với Làng Hồng, với các nơi, và máy Fax giao dịch kêu xè xè hết tờ giấy này tới tờ giấy khác, có cả điện thư từ văn phòng chính của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hình như cô Chân Không làm việc không biết mệt.
Khi thở được một chút, chúng tôi nói chuyện với nhau. Chân Không bổ túc câu chuyện thầy đi Trung Quốc. Cô kể về chuyến đi Bắc Kinh. Cô nói về Thao Pu Chu, nhân vật quan trọng của Trung Quốc mà thầy Nhất Hạnh đã nói tới. Ông ta 94 tuổi, vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Và về sau, chính thầy Nhất Hạnh đã tập cho vị Quốc Sư này đi thiền hành.
Phái đoàn gồm 203 người, gồm 182 tăng ni Tây phương và 21 tu sĩ từ Hoa Nam đi tàu lửa đến Bắc Kinh. Tại Pháp Nguyên Phật Học Viện, ở ngoại ô Bắc Kinh, có tới trên năm ngàn Phật Tử. Chính quyền Trung Quốc, một mặt cần, một mặt lại rất sợ, nên không cho phổ biến. Nếu được phổ biến thì chắc sẽ có hàng chục ngàn người. Phật Tử Trung Quốc nghe giảng, rất thành kính, như uống từng lời. Nhiều người cảm động quá, khóc.
Tại chùa Bách Lâm, (thiền viện lớn của Tổ Triệu Châu), đích thân Hòa Thượng Tịnh Duệ, trù trì, tiếp đón sư ông và phái đoàn. Báo chí phỏng vấn, viết bài về khóa thiền của sư ông. Rồi tới chùa Cao Mân, một trong ba thiền viện lớn nhất. Chùa Cao Mân ở Dương Châu, gần Nam Kinh, là nơi Thiền Sư Lai Quả tu tập và đã thọ tới 120 tuổi. Hòa thượng trù trì đã 86 tuổi, có qua một thời gian đi học tập cải tạo. Phật Tử đến tham dự chừng bảy trăm người, ban tổ chức cũng không dám phổ biến rộng rãi, sợ Phật hàng chục ngàn người đến, sẽ gây bất lợi cho phái đoàn. Sư ông dạy thiền liên tiếp ba ngày.
Trước đây, bốn cấp cao nhất của chính quyền đã từ chối không cho phái đòan của sư ông vào Trung Quốc, nhưng Thao Pu Chu đã không chịu nhượng bộ. Họ cử 4 người đến nghe, dò la những người trong phái đoàn. Họ muốn biết ý kiến sư ông về chiến tranh Kosovo, dỹ nhiên, sư ông không ủng hộ chiến tranh, cũng không đồng ý sự kỳ thị chủng tộc.
Đến ngày thứ ba, vị trù trì long trọng trao cho sư ông hương bản và ghế ngồi chức vị Nguyên Tòa, người kế vị của thiền viện và sư Tịnh Nhân, một tiến sĩ học ở Anh, làm thủ tọa.
Một số đại diện chính quyền đã xin được đọc những cuốn sách dịch ra tiếng Trung Quốc của sư ông trong đó có cuốn “Đường Xưa Mây Trắng”, và chỉ một tuần sau, chính họ đã yêu cầu được phổ biến sách của sư ông.
Tiếng chuông gióng lên, chậm, nhắc nhở. Có lẽ cô Chân Không đã hơi trễ một khóa tu tập. Cười. Siết tay từ giã.
Cuốn CD “Tiếng Hát Chân Không” còn nằm trên bàn. Tôi nhìn xuống giòng chữ ghi: “Mở Thêm Rộng Lớn Con Đường” . Và tôi nghe chuông. Tôi đã lắng lòng được.
Trưa hôm đó, thầy Tự Lực, thầy Phổ Hòa đưa tôi trở lại San José. Ở San Jose, tôi đi dự một buổi đàn pháp Mạn Đà La ở chùa An Lạc với Anh Chị Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

NHÃ CA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.