Hôm nay,  

Chúng Ta Tái Sinh

23/03/200000:00:00(Xem: 5578)
Quốc dân đảng Trung Hoa là kẻ tử thù của đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy tại sao khi thấy Quốc dân đảng bị đánh bại trong cuộc bầu cử Tổng Thống Đài Loan, Bắc Kinh không mỉm cười mà chỉ thấy rởn tóc gáy rùng mình" Cố nhiên ai cũng biết Trung Quốc chỉ sợ Đài Loan trở thành một nước độc lập và đã dùng biết bao đao to búa lớn để hăm he. Nhưng tôi nghĩ chế độ cộng sản Bắc Kinh còn có một cái sợ lớn hơn cả một nước Đài Loan độc lập.

Sau khi ông Trần Thủy Biển và bà Lữ Tú Liên của đảng Dân Chủ Cấp Tiến thắng cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống ở Đài Loan, tự nhiên thấy bao nhiêu tiếng gươm đao, chiêng trống, la hét ở Hoa Lục im re, rồi đổi giọng lễ phép hơn, nhỏ nhẹ nói một tiếng “trông và chờ” đầy vẻ bất lực thê thảm. Té ra con “cọp đói” chẳng làm được ai sợ hết, từ nay tiếng gầm rú của nó hết hiệu nghiệm kiếm mồi. Tôi thích tựa “Thanh âm và Thịnh nộ” của bài trước, vì tôi nghĩ đến cuốn tiểu thuyết “The Sound anh The Fury” của văn hào Mỹ William Faulkner. Đó là chuyện trong bộ óc của một anh khùng. Bây giờ Bắc Kinh hết khùng rồi mà nín khe, bởi vì cái sợ âm thầm đang chui vào tim gan phèo phổi. Bắc Kinh chính thức tuyên bố: “Chúng tôi đang lắng nghe những lời nói và coi hành động của người lãnh đạo mới Đài Loan xem ông ta đưa mối quan hệ ngang qua eo biển về hướng nào”.

Sau khi đắc cử Tổng Thống, Trần tiên sinh không nói gì đến việc thay đổi hiến pháp hay trưng cầu dân ý để thành lập một nước cộng hòa độc lập, đổi tên là Đài Loan Dân Quốc (Đài Loan của người Đài Loan) như đảng Dân Chủ Cấp Tiến trước vẫn chủ trương. Tôi nghĩ nếu ông nói đến Đài Loan Dân Quốc chắc Bắc Kinh còn đỡ sợ. Đàng này ông Trần xác nhận một lập trường căn bản: ông là vị Tổng Thống thứ 10 được trúng cử của Trung Hoa Dân Quốc (chớ không phải của Đài Loan), nghĩa là ông vẫn đứng trong một chế độ chính trị và theo chính sách truyền thống của Quốc dân đảng, di sản của Tưởng Thống Chế là quang phục lại Hoa lục. Ông không nói gì đến hai chữ “độc lập”, nhưng nhấn mạnh “chủ quyền của Đài Loan phải được bảo đảm vĩnh viễn”. Tôi không muốn bàn thêm mà chỉ xin hỏi nhỏ một câu: Nước không độc lập, làm sao dân có chủ quyền"

Trần Thủy Biển nói đến một “thiên mạng” ông phải hoàn thành là tạo hòa bình trường cửu trên eo biển Đài Loan. Nhưng ông nhấn mạnh không chấp nhận kiểu “nhất quốc lưỡng chế” Bắc Kinh đã thi hành ở Hong Kong. Theo kiểu một nước hai chế độ này, Hong Kong chỉ được quyền tự trị, còn Ngoại giao và Quốc phòng đều do Bắc Kinh nắm hết. Khi hai anh có súng nói chuyện phải quấy với nhau đó là thương thuyết, còn khi một anh có súng, một anh tay không mồm bị bịt chân bị trói, đó là đầu hàng chớ không phải thương thuyết. Quốc dân đảng từ ngày chạy ra Đài Loan chưa hề đầu hàng. Ông Trần không nói đến “độc lập” vì không cần, ông không nói đến “thống nhất” vì nó đã quá rõ. Nhưng ông đã mở rộng tầm tay hơn cả Quốc dân đảng, khi mời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ sang thăm Đài Loan, đối lại ông cũng sẵn sàng đến thăm Bắc Kinh trước khi tựu chức vào tháng 5 này.

Bắc Kinh nói muốn chờ xem. Đúng vậy Bắc Kinh nên xem và khỏi cần phải chờ, có thể xem ngay từ lúc này. Sau khi ông Trần Thủy Biển và bà Lữ Tú Liên đắc cử, dân chúng Đài Loan đã đốt pháo, reo hò mừng rỡ. Những người trẻ tuổi hô lớn: “Chúng ta đã tái sinh”. Sống lại là đúng, bởi vì họ đã chấm dứt được chế độ cai trị của Quốc dân đảng từ 53 năm qua ở đảo. Chế độ cai trị đó đã bị chấm dứt ở Hoa Lục từ 1949 trong cuộc chiến tranh với cộng sản, nhưng nay nó chấm dứt trong hòa bình bởi những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ thực sự. Đây là xu thế thời đại mới, nó chính là “diễn biến hòa bình” mà Bắc Kinh nên xem và cả những người ở Hà Nội cũng nên nhìn cho rõ.

Tại sao Quốc dân đảng đại bại trong cuộc bầu cử này" Mặc dầu Quốc dân đảng đã có công đưa nền kinh tế Đài Loan đến sự phồn thịnh như ngày nay và mặc dù vào giai đoạn cuối, dưới thời ông Lý Đăng Huy, đảng đã chịu cởi mở cho chế độ được có một nên dân chủ thực sự, nhưng Quốc dân đảng là một đảng đã già và cầm quyền liên tục quá lâu. Đảng già không phải là xấu, nhưng khi cố bám lấy chính quyền độc đoán trong một thời gian dài thiếu dân chủ, nó bị suy sụp trong tham nhũng và thế lực của tội ác có tổ chức do chính sự chuyên quyền độc đoán gây ra, để rồi đảng bất lực không giải quyết nổi. Đó chính là lý do Quốc dân đảng không còn được dân chúng tín nhiệm nữa.

Đài Loan là một đảo nhỏ so với lãnh thổ rộng lớn của Hoa Lục. Nó cũng không lớn bằng Nhật Bản. Nhưng Đài Loan đã trở thành một cái đầu máy uy thế nhất trong sự sản xuất kỹ thuật học cao ở Á Đông. Chỉ cần nhìn những giá trị tăng vọt của chứng khoán các ngành kỹ nghệ kỹ thuật học cấp cao ở Mỹ và những nước tiên tiến khác trên khắp thế giới, người ta cũng đủ thấy cách mạng kỹ thuật học đang nở rộ. Chính quyền chuyển sang tay thế hệ trẻ có đầu óc tiến bộ là phù hợp với xu thế thời đại. Tại sao Trung Quốc sợ cuộc bầu cử ở Đài Loan để rồi phải nín thở chờ xem"

Trong bài bình luận có tựa đề “Các vị Kỳ vương” ngày 25-2, tôi đã viết vấn đề Đài Loan không còn là vấn đề thống nhất của Trung Quốc, nó đang trở thành một sự tranh chấp giữa một chế độ có dân chủ tiến bộ và một chế độ không có dân chủ và lạc hậu. Không có hai nước Trung Hoa, chỉ có một nước Trung Hoa. Vấn đề là nước Trung Hoa đó đặt dưới chế độ nào, dân chủ hay phi dân chủ. Người Trung Hoa ở Đài Loan đã có lý khi họ nói: “Chúng ta tái sinh”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.