Hôm nay,  

Tin Úc Đại Lợi - Phần Ii

16/09/200000:00:00(Xem: 4396)
TỘI PHẠM NGA BỊ CẤM VÀO ÚC

CANBERRA: Một viên chức cao cấp của giới võ sĩ quyền Anh quốc tế đã bị cấm nhập cảnh vào Úc sau khi chính quyền liên bang Úc phát hiện nhân vật này có quan hệ với bọn mafia Nga. Chính phủ Úc cũng khẳng định rằng sẽ thẳng tay bác bỏ lời đề nghị của chủ tịch ủy ban thế vận Juan Antonio về việc cấp chiếu khán cho Gafur Rakhimov, một viên chức mang quốc tịch Uzabekistan. Gafur Rakhimov bị tố cáo tại Anh và tại Uzabekistan là một trong những nhân vật mờ ám có những mối quan hệ buôn bán ma túy với bọn mafia Nga. Hiện đã có hai viên chức thế vận quốc tế bị cấm vào Úc do các nghi vấn về tội phạm.

Ngoài trừ Gafur Rakhimov, còn có một viên chức khác từ Hồng Kông cũng bị từ chối chiếu khán nhập cảnh vào Úc. Bộ trưởng di trú Úc tuyên bố rằng việc cấm hai viên chức nói trên vào Úc là nhằm để bảo vệ cuộc sống an ninh của cộng đồng dân chúng Úc. Hiện Gafur Rakhimov đang yêu cầu chủ tịch ủy ban thế vận Juan Antonio kháng cáo tuy nhiên viên chức Hồng Kông đã không hề lên tiếng về quyết định này của chính phủ liên bang Úc. Trước đó nhân vật Gafur Rakhimov cũng đã bị cấm vào Hoa kỳ tham dự giải quyền Anh tại Houston Texas. Thủ tướng John Howard đã lên tiếng ủng hộ quyết định nói trên của bộ di trú Úc.

CẢNH SÁT BỊ TRUY TỐ TỘI BẮN CHẾT NGƯỜI

SYDNEY: Một cảnh sát viên tại Sydney hồi tuần trước đã bị truy tố tội sát nhân sau khi nổ súng bắn chết một thanh niên đang ngồi đàng sau tay lái của một chiếc xe tình nghi bị ăn trộm. Cảnh sát viên Rueben Sakey 26 tuổi đã ra hiện diện trước tòa của chánh án Brian Lulham để trả lời về cáo buộc sát nhân nói trên. Theo lời nhiều nhân chứng thuật lại thì cảnh sát viên Sakey đã nổ súng vào thanh niên nạn nhân Edison Berrio khi tưởng mình sắp bị chiếc xe đụng phải. Sau khi nổ súng, Sakey đã nói với đồng nghiệp rằng anh có thể sẽ bị truy tố tội sát nhân.

Trong chiếc xe của Berrio có một thanh xà beng và một con dao, tuy nhiên nhân chứng cho biết tài xế Berrio đã không hề có hành động nào chứng tỏ hắn ta muốn sử dụng những vũ khí nói trên. Công tố viên Michael Calacouris không phản đối việc Sakey được tại ngoại hầu tra sau khi đóng tiền thế chân 10 ngàn đô la, tuy nhiên đòi hỏi bị can phải chấp hành một số điều kiện. Được biết cảnh sát viên Sakey đã phục vụ lực lượng cảnh sát ba năm rưỡi. Hiện chưa được biết chiếc xe do nạn nhân Berrio lái có phải là xe ăn trộm hay không, tuy nhiên nạn nhân không phải là tay vừa vì đã có 17 tiền án tiền sự liên quan đến trộm cắp.

KHAN HIẾM CƠ PHẬN NGƯỜI TẠI ÚC

VICTORIA: Úc là một trong những quốc gia tây phương trên thế giới có tỷ lệ người tự nguyện hiến tặng cơ phận rất ít so với nhiều quốc gia khác. Trong khi đó số lượng bệnh nhân chờ được ghép các cơ phận đang ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng. Nhiều bệnh nhân chờ đợi trong tuyệt vọng không biết khi nào thì mình mới được ghép cơ phận để có thể kéo dài thêm cuộc sống. Hiện nay chính phủ liên bang Úc đang chuẩn bị nhiều chương trình giáo dục và vận động để dân chúng Úc có ý thức tự nguyện hiến tặng cơ phận mỗi khi một người nào đó không may bị tai nạn qua đời.

Có một trường hợp rất đáng khen ngợi là trường hợp của thợ điện Barney Meddings. Ông già 66 tuổi này có hai người anh đã bị chết vì chứng nhồi máu cơ tim và bản thân ông cũng đã từng bị đau tim nhiều lần. Barney biết rằng một ngày kia mình cũng sẽ chết vì chứng bệnh nói trên và quyết định cho xâm lên ngực mình một dòng chữ "Tôi là người hiến tặng cơ phận". Theo Barney thì khi ông chết mọi người sẽ mở áo ra để làm hô hấp nhân tạo cho ông và lập tức hiểu rằng ông tự nguyện hiến tặng cơ phận. Trường hợp của ông Barney là một tấm gương sáng cho mọi người Úc khác noi theo.

XĂNG DẦU TỪ ĐÂU GÂY Ô NHIỄM TẠI APOLLO BAY

MELBOURNE: Chính phủ tiểu bang Victoria đã ra lệnh điều tra việc tìm thấy xăng dầu chảy vào hệ thống thoát nước của thành phố. Sau khi sự việc được phát hiện, cây xăng duy nhất trong thành phố này đã bị đóng cửa, và sẽ tiếp tục bị đóng cửa cho đến bao giờ việc điều tra nguyên nhân hoàn tất. Dân chúng trong vùng có thể sẽ được thông báo di tản đến nơi an toàn, nếu các nhân viên cứu hỏa thấy rằng có một nguy cơ xảy ra những vụ nổ vì lượng xăng dầu thoát ra trong đường thoát nước rất nhiều. Nhiều công nhân xây dựng làm việc trong khu vực này đã than phiền rằng mùi xăng dầu nồng nặc đã bốc lên từ các ống cống của vùng Apollo Bay.

Thoạt đầu các chuyên viên cho rằng xăng dầu thoát ra từ bồn chứa duới đất của cây xăng chính trong khu vực. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện xăng dầu chảy ra từ một khu vực kế cận. Hiện nay cư dân địa phương lo ngại rằng sự cố sẽ làm cho vùng Apollo Bay sẽ không có xăng dùng trong một thời gian nào đó gây trở ngại nghiêm trọng cho mọi hoạt động trong vùng. Theo cảnh sát cho biết thì trạm xăng nói trên đang có kế hoạch thay thế bồn xăng bằng thép 25 ngàn lít dưới đất đã xưa cũ bằng một bồn chứa hiện đại hơn làm bằng sợi thủy tinh tổng hợp. Tuy nhiên việc thay thế chưa được thực hiện thì sự cố đã xảy ra.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ ĐẠO ĐỨC CỦA CÁC CHÍNH TRỊ GIA

BRISBANE: Phải mất đến bốn năm các chính trị gia Queensland mới có thể thống nhất thông qua được một quy định mới về tư cách đạo đức của các vị đại diện dân cử. Tuy nhiên quy định này cần phải được chấp thuận bởi quốc hội tiểu bang trước khi trở thành quy định chính thức mà các chính trị gia phải tuân theo. Bản đề nghị chính thức được soạn thảo từ năm 1996 và trong vòng bốn năm qua một ủy ban đặc biệt đã liên tục làm việc để hoàn chỉnh mọi điều khoản của bản quy định về đạo đức và tư cách của giới chính trị gia tiểu bang Queensland.

Những chuyên viên soạn thảo và hoàn chỉnh bản quy định nói trên đã tham khảo những tài liệu tương đương của liên bang và các tiểu bang khác trước khi đưa ra những quy định cụ thể ứng dụng cho các chính trị gia tiểu bang Queensland. Những điều lệ ghi trong bản quy định về mặt nguyên tắc làm cho các chính trị gia hiểu được quyền hạn và trách nhiệm của mình trong tư cách các đại diện dân cử. Tuy nhiên nhiều giới đã lên tiếng phê bình bản quy định nói trên vì thật ra không cần phải mất đến bốn năm để các chính trị gia tiểu bang Queensland hiểu rõ mình phải cư xử như thế nào cho đáng mặt dân biểu và nghị sĩ.

VŨ KHÍ CỦA QUÂN ĐỘI BỊ MẤT TRỘM

QUEENSLAND: Cảnh sát và quân đội đóng trong tiểu bang Queensland đang tiến hành điều tra vụ nhiều vũ khí tấn công của quân đội đã bị đánh cắp từ một viện bảo tàng trong một căn cứ quân sự tại Townsville. Trong số vũ khí nói trên có nhiều vũ khí rất cổ và có giá trị như các cổ vật. Toàn bộ số vũ khí bị đánh cắp trị giá chừng 50 ngàn đô la. Được biết vụ mất trộm này rất ly kỳ vì viện bảo tàng này không mở ra cho công chúng vào xem. Căn cứ quân sự nói trên cũng là một căn cứ được canh phòng hết sức cẩn mật và các xe dân sự không hề được lăn bánh qua cổng của căn cứ.

Trong số vũ khí mất cắp gồm có những khẩu súng phóng lựu loại M-203, bốn súng lục gồm một khẩu Browning 32 ly, một khẩu Tokarev 9 ly, một khẩu Colt và một khẩu Webley, một khẩu M-16 Armalite, bốn khẩu Ak-47 và bốn khẩu AKS/AKM. Ngoài ra còn có bảy khẩu súng khác cũng đã bị mất trộm. Những khẩu súng nói trên đã bị đem ra khỏi viện bảo tàng trong thời gian từ tháng 11 năm 1999 đến tháng 2 năm 2000. Các nhân viên của viện bảo tàng cho biết các khẩu súng nói trên không thể gây nguy hại cho dân chúng vì tất cả đều là những vũ khí không thể dùng để bắn được.

CẢNH SÁT CẦN SỰ GIÚP ĐỠ ĐỂ ĐIỀU TRA BA VỤ SÁT NHÂN

ADELAIDE: Cảnh sát Nam Úc hiện đang kêu gọi dân chúng cung cấp những tin tức quan trọng, có thể giúp khám phá tìm ra thủ phạm của ba vụ sát nhân tại Adelaide trong thời gian vừa qua. Những vụ sát nhân này đã làm ba nạn nhân chết thảm gồm Robert Sabeckis ở Maslin Beach, bà cụ Kathleen Durdin ở Ilamley Bridge và thiếu niên Melissa Brown gần Port Adelaide. Theo thám tử Paul Schramm thì cảnh sát mặc dầu đang làm việc tích cực vẫn rất cần những tin tức quan trọng do các nhân chứng nào đó có thể cung cấp cho cảnh sát. Trong ba vụ sát nhân nói trên cảnh sát hầu như không tìm được động cơ của các tên giết người.

Những vũ khí dùng để giết người đã bị đánh cắp trước đó và được tìm thấy bị vứt bỏ gần nơi có thi hài của các nạn nhân. Những điều tra cộng với xét nghiệm phân tử di truyền hầu như chẳng giúp cảnh sát tìm ra được bất cứ chi tiết nào khả quan. Trong ba nạn nhân nói trên thi hài của thiếu nữ Melissa hiện vẫn chưa được tìm thấy. Theo các thám tử thì thiếu nữ Melissa đã bị bắt cóc và giết hại sau khi đón xe đi nhờ và không ngờ lên đúng xe của tên giết người. Những bằng chứng cũng cố cho giả thuyết các vụ giết người liên quan đến ma túy cũng không xác định được. Nếu dân cư tại Adelaide biết tin tức gì về các vụ sát nhân nói trên xin liên hệ với cảnh sát tiểu bang.

TRẺ CON THI NHAU CHÀO ĐỜI TẠI NAM ÚC

NAM ÚC: Nhiều trường hợp phẫu thuật phụ khoa tại bệnh viện Adelaide đã tạm thời bị đình hoãn để dành giường đối phó với tình hình trẻ con thi nhau ra đời trong tháng 9 tại Adelaide. Theo các bác sĩ sản khoa thì sở dĩ có tình trạng trẻ con thi nhau ra đời trong tháng chín năm nay vì có nhiều phụ nữ đã tính sai khi muốn thụ thai và sinh đứa con vào đúng ngày giao thừa của thiên niên kỷ 2000. Thông thường vào tháng chín hàng năm chỉ có 320 trẻ sơ sinh ra đời trong khi năm nay bệnh viện Adelaide cho biết ít nhất sẽ có 380 trẻ em ra đời và các giường nằm đều dành riêng cho các sản phụ.

Chủ tịch y sĩ đoàn Nam Úc là bác sĩ Michael Rice cho biết mặc dầu có tình trạng các phẫu thuật phụ khoa bị đình hoãn, tuy nhiên chỉ có một số ít bị đình hoãn mà thôi. Trong khi đó các y tá và nữ hộ sinh đã được báo trước một tháng bận rộn nhất trong năm. Theo thống kê của liên bang Úc thì trong năm 2000 sẽ có 10 ngàn trường hợp sinh nở tức là tăng 12.5% so với năm 1999. Đa số các trường hợp sinh nở này xảy ra vào tháng ba và tháng chín năm nay. Nhiều phụ nữ Á Châu cũng ào ạt mang bầu để sinh được con trai hoặc con gái trong năm thìn mà họ cho là sang số và sau này xênh xang áo mão làm vẻ vang cho cha mẹ.

CÔNG DÂN ÚC VÀO TÙ THÁI VÌ BUÔN MA TÚY

TÂY ÚC: Lần đầu tiên phạm nhân buôn bán ma túy người Úc là Holly Deane Johns đã lên tiếng thố lộ về đời sống bên trong nhà tù của Thái lan, nơi cô ta có thể đang chờ đợi bị hành quyết. Hiện nhà tù nơi Holly bị giam có đến 6000 tù nhân và tất cả đều được giam giữ như nông dân nhốt lợn trong chuồng và hầu như các tù nhân phải nằm chồng lên nhau mà ngủ vì không có đủ chỗ cho tất cả phạm nhân trên sàn nhà tù làm bằng gỗ mục nát. Thư từ của các phạm nhân đều bị kiểm duyệt chặt chẽ và việc tuồn thư ra ngoài được coi là bất hợp pháp.

Holly cùng với đồng bọn là Robert Halliwell ở Victoria đã bị cảnh sát chống ma túy Thái lan bắt giữ với tang vật là 30 gam heroin sắp được mang ra khỏi Thái lan và đưa vào Úc. Được biết mẹ của Holly cũng là một phụ nữ nghiện ma túy quá độ và đã chết vì một liều ma túy cực mạnh. Hiện nay Holly cùng với đồng bọn đang bị giam giữ chờ bị xét xử tại Thái lan và có thể sẽ nhận án tử hình. Bố của Holly là ông Deane Johns cho biết ông hy vọng rằng con gái ông sẽ may mắn được tha tội tại Thái lan để quay về Úc và từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời.

TÌNH TRẠNG CHUẨN BỊ AN NINH THẾ VẬN HỘI HOÀN HẢO

SYDNEY: Trong tuần rồi các đơn vị và lực lượng bảo vệ an ninh thế vận hội đã có dịp thực tập lần cuối cùng các phương án an ninh khi 100 ngàn người đến dự xem cuộc diễn tập lần cuối các chương trình biểu diễn khai mạc thế vận hội. Tất cả các nhân viên an ninh đã hoàn thành lần cuối cùng các phương án của họ khi sân vận động tại Homebush đón chào các thiện nguyện viên, thân nhân của các diễn viên, các nhà bảo trợ và các thành viên của các câu lạc bộ đến tham dự buổi tổng dợt lần cuối. Cho đến giờ phút này nội dung của các chương trình biểu diễn khai mạc thế vận hội vẫn được giữ tuyệt đối bí mật.

Hệ thống hỏa xa và xe bus phục vụ thế vận cũng đã hài lòng nhận thấy các chương trình phục vụ đã đáp ứng được hoàn hảo nhu cầu đi lại của du khách với số lượng lên đến 100 ngàn người trong một đêm. Lực lượng cảnh sát tại khu thế vận hội cũng lên tiếng khen ngợi đám đông 100 ngàn người nói trên đã hết sức có ý thức đối với việc giữ gìn an ninh và trật tự trong khu thế vận Homebush. Mọi phương tiên giao thông cá nhân đều bị cấm để giới chức thế vận thử nghiệm lần cuối cùng mức độ hữu hiệu của hệ thống xe bus và hỏa xa phục vụ thế vận hội. Sydney đã sẵn sàng mọi mặt để bắt đầu mùa thế vận lần thứ 27.

XE BUS TÔNG CÀNG VÀO ĐÁM ĐÔNG KHIẾN MỘT NGƯỜI CHẾT

SYDNEY: Một tai nạn xe bus xảy ra hồi tuần trước tại Sydney đã làm cho một người chết và 13 người khác bị thương. Tại nạn này xảy ra khi tài xế chiếc xe bus bị bệnh và thình lình bất tỉnh, gục ngay trên tay lái khiến chiếc xe không người điều khiển lao thẳng vào đám đông bên đường. Tai nạn đã xảy ra ngay trước mặt nhiều phóng viên truyền thông quốc tế đến tham dự thế vận hội Sydney năm 2000. Các phóng viên nói trên thuộc các đài truyền hình Pháp và Hoa kỳ đã nhanh chóng có mặt để tường trình sự kiện. Nhiều người đã than phiền rằng sự việc này nhất định mang xui xẻo đến cho thế vận hội Sydney năm 2000.

Một trong số các nạn nhân đã phát biểu rằng giới chức thế vận Sydney luôn luôn nói rằng họ sẽ hoàn thiện đến mức tối đa các phương tiện giao thông phục vụ thế vận. Tuy nhiên chưa phục vụ ai mà xe bus thế vận đã làm chết một người và làm bị thương 13 người khác. Chiếc xe bus lao qua một đèn đỏ, húc vào một chiếc tắc xi, một chiếc xe hơi và một chiếc xe bus khác trước khi lao thẳng vào đám đông. Công ty xe bus nói trên không hề biết tay tài xế lại có căn bệnh nguy hiểm như thế. Nội vụ hiện nay đang được cảnh sát và giới chức quản lý công ty xe bus nói trên điều tra.

Nam - Bắc Hàn chung đoàn diễn hành tại Thế Vận Hội

SYDNEY: Các vận động viên Bắc Hàn và Nam Hàn sẽ cùng nhau diễn hành trong một đoàn duy nhất ở buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội năm 2000 tại Sydney cuối tuần này.

Chủ tịch Uỷ hội Thế vận Quốc tế Juan Antonio Samaranch loan báo sự kiện lịch sử này tối Chủ Nhật trong phiên khai mạc cuộc họp thường niên của Uỷ hội tại nhà hát với kiến trúc nổi tiếng của thành phố Sydney. Trong cuộc họp báo, ông nói rằng đây là hành động biểu lộ với toàn thế giới ý nguyện của hai nước muốn sớm đi đến thống nhất.

Bắc Hàn lo lắng với việc phái đoàn khoảng 70 người của họ sẽ chìm lấp trong phái đoàn 400 người của Nam Hàn. Nhưng ông Samaranch, người đã vận động dàn xếp đi đến kết quả sau 5 ngày thương lượng, cho biết sẽ có 180 người đi diễn hành, mỗi nước 90 người. Sẽ có một lá quốc kỳ hỗn hợp chung do hai vận động viên của mỗi nước mang đi đầu đoàn. Bảng tên của đoàn sẽ là "Korea".

Hai đoàn còn đang tiếp tục thảo luận thêm những chi tiết về đồng phục trong buổi lễ khai mạc ngày Thứ Sáu. Sau đó hai đoàn sẽ thi đấu tại Olympic như hai quốc gia riêng biệt với y phục, quốc kỳ, quốc ca riêng của mình.

Chủ tịch Uỷ hội Thế vận Quốc tế Samaranch cho biết đã gởi thư cho hai nhà lãnh đạo Nam Bắc Hàn hồi tháng 6 và đề nghị hai đoàn đi chung nhau phía sau lá cờ Thế Vận và mỗi đoàn mang quốc kỳ riêng của họ. Nam Hàn chấp nhận ngay đề nghị này còn Bắc Hàn cho rằng không cần thiết phải có hai quốc kỳ vì mục tiêu tối hậu của quốc gia là sự thống nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.