Hôm nay,  

Thể Lệ Lập Hơn Thú Tại Việt Nam Và Tại Mỹ

10/07/199900:00:00(Xem: 4953)
Mục di trú và bảo lãnh hàng tuần do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách, chỉ có mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý độc giả nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Việc tín nhiệm các tin tức trong mục này hoàn toàn thuộc quyền tự do và trách nhiệm của quý độc giả.
Trong thời gian gần đây chúng tôi nhận thấy có khá nhiều trường người ở Hoa Kỳ về Việt Nam lấy vợ hoặc lấy chồng.
Quyết định lập gia đình là một quyết định quan trọng có ảnh hưởng đến nhiều phương diện trong đời sống của mình. Ở đây chúng tôi chỉ xin đề cập đến phương diện di trú, vì khi lập gia đình xong thì phải tiến hành việc bảo lãnh người phối ngẫu sang Hoa Kỳ để chung sống.

I- Thủ tục lập hôn thú tại Việt Nam:
Trong thủ tục bảo lãnh người phối ngẫu thì trước hết phải làm giấy hôn thú. Nói thì giản dị, nhưng khi bắt tay vào việc thì những cái rắc rối mới bắt đầu xuất hiện và có thể làm nản lòng cho một số các người trong cuộc.
Các sự rắc rối này không phải vì chuyện vợ chồng rắc rối mà là do luật lệ, thủ tục ở Việt Nam rất phiền toái. Do đó, chúng tôi xin trình bày về thủ tục lập hôn thú ở Việt Nam, để quý vị khi gặp vấn đề này cũng tránh được bỡ ngỡ.
Muốn lập hôn thú ở Việt Nam, trước hết đương sự phải có giấy “công hàm” tức là tờ khai hữu thệ về tình trạng độc thân của mình. Chữ ký trong tờ khai này phải được thị thực bởi công chứng viên (notary public) và phải có chứng nhận của đại diện của hai quốc gia tức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Việt Nam, cho nên mới gọi là “công hàm”.
Đương sự phải nộp giấy công hàm kèm theo đơn xin kết hôn cho cơ quan địa phương tại Việt Nam, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký công hàm. Quá thời hạn 3 tháng, các cơ quan Việt Nam sẽ không nhận. Đương sự cũng cần phải nộp khai sanh của mình trong hồ sơ xin đăng ký kết hôn.
Sau khi nộp hồ sơ xin kết hôn xong, các đương sự phải chờ một thời gian khoảng từ 45 đến 60 ngày mới được cấp giấy hôn thú.
Sau khi có hôn thú, đương sự mang hôn thú về Hoa Kỳ để thiết lập hồ sơ xin chiếu khán di dân gởi Sở Di Trú. Chỉ cần đem bản sao có thị thực của hôn thú chớ không cần bản chánh.
Trên đây là nguyên tắc căn bản về thủ tục lập hôn thú tại Việt Nam, nhưng trên thực tế nó rất phức tạp và có nhiều rắc rối bất ngờ làm mất nhiều thì giờ và tiền bạc cho các đương sự, do thủ tục không đồng nhất giữa tỉnh này và tỉnh khác, thành phố này và thành phố khác. Luật lệ ban hành là một việc còn địa phương có áp dụng hay không là việc khác, theo các lệ “giang sơn nào anh hùng nấy”. Thí dụ như :
1-Việc nộp hồ sơ xin kết hôn thì có tỉnh chỉ một người nộp được rồi, có tỉnh đòi hỏi hai vợ chồng phải có mặt mới nộp được, và mẫu tờ khai đăng ký kết hôn, có nơi nộp 2 bản, có nơi đòi phải đủ 3 bản.
2-Việc khám sức khỏe thì có tỉnh nhận cho người ở Hoa Kỳ được khám tại Hoa Kỳ, còn người ở Việt Nam khám tại Việt Nam, nhưng có tỉnh bắt buộc cả hai người phải khám tại Việt Nam hết.
3- Về thời gian chờ để cấp giấy hôn thú, có nơi 45 ngày, có nơi 60 ngày. Nếu cứ đinh ninh là 45 ngày rồi xin đi phép 45 ngày (vacation) về Việt Nam để nhận hôn thú, nhưng chờ đến 50 ngày mà chưa nhận hôn thú, trong khi đã hết hạn nghỉ phép thì rất phiền.
4- Về việc cấp giấy hôn thú cũng không đồng nhất, vì có nơi chỉ cần một người, có nơi bắt buộc phải có mặt đủ hai người mới được cấp.


5- Về việc nộp khai sanh trong hồ sơ xin đăng ký kết hôn cũng không kém phần rắc rối, vì có nơi nhận giấy thế vì khai sanh, có nơi không, ngoài ra còn có một vài tỉnh ở miền Nam lại chỉ nhận khai sanh của chính quyền Hà Nội.
Ngoài ra, còn một cái phiền bất ngờ nữa là cái giấy chứng nhận độc thân, một khi đã nộp vào hồ sơ xin đăng ký kết hôn thì kể như xong, không còn dùng đến nữa. Nhưng khi tổ chức đám cưới thì có địa phương đòi hỏi phải trình giấy chứng nhận độc thân mới được giấy phép tổ chức tiệc cưới.
Nhận thấy thủ tục làm giấy hôn thú tại Việt Nam mất nhiều thì giờ và công sức quá, nên có một số người muốn làm hôn thú tại Hoa Kỳ thay vì tại Việt Nam, đó là cách thức bảo lãnh theo diện vị hôn thê/hôn phu.
Điều kiện bảo lãnh vị hôn thê là người đứng bảo lãnh phải có quốc tịch Hoa Kỳ, và đương sự cũng cần phải về Việt Nam để gặp gỡ, tìm hiểu và kết ước với vị hôn thê của mình.
Tuy nhiên về thủ tục bảo lãnh vị hôn thê/hôn phu tại Việt Nam cũng không tránh được trường hợp rắc rối, vì có tỉnh chịu cấp giấy xuất cảnh cho vị hôn thê/hôn phu, có tỉnh lại không chịu cấp, mà chỉ cấp giấy xuất cảnh cho diện vợ chồng mà thôi. Nếu gặp trường hợp như vậy, đương sự chỉ còn cách duy nhất là thiết lập hôn thú và bảo lãnh theo diện vợ chồng.
Trong trường hợp xin được giấy xuất cảnh theo diện vị hôn thê, thì sau khi đến Hoa Kỳ, đương sự phải lập hôn thú trong vòng 90 ngày và sau đó nộp đơn xin điều chỉnh tình trạng di trú, tức xin thẻ xanh.
II- Thủ tục lập hôn thú tại California:
Thủ tục lập hôn thú tại tiểu bang California, sau khi vị hôn thê đã đến Hoa Kỳ, như sau:
1- Trước hết đương sự đến phòng trước bạ của quận hạt địa phương (county clerk and recorder’s office) để xin giấy phép kết hôn (marriage license). Lệ phí là $50. Tùy theo mỗi quận hạt, có nơi đòi hỏi phải có giấy thử máu, nhưng phần lớn quận hạt không còn đòi giấy thử máu nữa.
2- Sau khi có giấy phép kết hôn, đương sự phải làm lễ kết hôn. Lễ kết hôn có thể được thực hiện do một giới chức tôn giáo hoặc giới chức tòa án.
3-Cuối cùng là đăng ký hôn thú tại Phòng hộ tịch (registration office) của quận hạt và xin cấp giấy hôn thú tại đây (marriage certificate). Đương sự dùng giấy hôn thú này để nộp hồ sơ xin thẻ xanh cho vị hôn thê, mà bây giờ đã trở thành người phối ngẫu.
Tại tiểu bang California, nếu đương sự trước đây đã có lần lập gia đình và đã xin ly dị, thì phải chờ đợi ít nhất 6 tháng sau khi ly dị mới có thể lập hôn thú với người khác, và án ly dị phải là án chung quyết (final judgement) mới được. Mặc dù có khi đương sự nhận án chung quyết không đầy 6 tháng sau khi nộp đơn, nhưng cũng phải đợi hết thời gian 6 tháng sau khi nộp đơn mới được làm hôn thú khác.

Câu hỏi 1: Tôi có thể làm hồ sơ bảo lãnh cho vị hôn thê của tôi trước khi có án ly dị chung quyết không" (xin nói rõ là bảo lãnh vị hôn thê chớ chưa phải là vợ.)
Đáp: Không được thưa ông! Ông phải trong tình trạng hợp pháp để cưới vợ mới có thể bảo lãnh vợ hay vị hôn thê được.

Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM đến 7:30PM và 11:30AM-12PM mỗi trưa Chủ Nhật, trên hai làn sóng 1430AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất, tại Nam California: (714) 890-9933, Bắc California: (408) 294-3888, OaklanđSan Francisco: (510) 238-8830 hay qua Email: info@rmiodp.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.