Hôm nay,  

26 Năm Một Nỗi Đau - Phần Ii

21/04/200100:00:00(Xem: 5554)
Tôi đến thẳng tòa Đại sứ Pháp. Họ lập lại ý trên và cho biết thêm rằng Việt Cộng chờ đến ngày chúa nhật 27 tháng 4, nếu không có gì tiến triển thì họ sẽ pháo kích vào Sài Gòn. Sợ đổ máu cho dân chúng đang sống dầy đặc trong thủ đô, tôi hứa sẽ về cố gắng dàn xếp để tìm giải pháp.

Vào 4 giờ 30 chiều ngày 24 tháng 4, ông Khiêm điện thoại cho tôi biết ông Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ Tướng. Theo ông Khiêm thì ông Huy là người chống cộng triệt để nên khó có thể hòa giải được. Tôi điện thoại cho ông Minh biết tin này, ông Minh mời tôi lại nhà bàn tính công chuyện.

Đến nhà ông Minh tôi thấy đã có nhiều ký giả săn tin, họ biết cuộc gặp gỡ hồi sáng giữa ông Hương và ông Minh thất bại nên muốn biết ý kiến của ông Minh. Ông Minh tha thiết muốn ông Hương trao chức vụ lại để ông ấy thương thuyết gấp. Tôi cũng nghĩ là nên có áp lực của Quân Đội như đề nghị của ông Minh. Tôi điện thoại mời Đại Tướng Khiêm và Đại Tướng Viên đến nhà ông Minh, nhưng hai ông ấy đến thẳng dinh Độc Lập.

Lúc 5 giờ 45 phút, tôi vào dinh Độc Lập gặp ông Nguyễn Ngọc Huy đang nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phong từ Pháp mới về. Thoáng thấy Đại sứ Mỹ Martin ở trong văn phòng Tổng Thống ra tôi hỏi:

- Có phải Tổng Thống Hương chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ Tướng Không"

Đại sứ Martin trả lời:

- Việc đó không có!

Trong lúc đó, ông Khiêm vào gặp ông Hương, trở ra xác nhận với tôi một lần nữa là ông Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ Tướng.

Đến lượt ông Huy vào nói chuyện với ông Hương. Sau đó, tôi và Cao Văn Viên vào trình bày tình hình quân sự: vòng đai Sài Gòn đang bị thu hẹp lại, đạn dược thiếu, tinh thần chiến đấu của binh sĩ quá sa sút...

Ông Hương nhìn ông Viên nói:

- Ông sẽ là Tổng Tư Lệnh.

Ông Hương nói tiếp rằng ông ấy chia xẻ với số phận anh em quân nhân tại chiến trường, nghĩa là ông ấy cùng chết với binh sĩ.

Trước khi ra về, tôi nói với ông Hương:

- Cụ nghiên cứu lại, vì bên kia họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi.

Đến 8 giờ tối hôm đó, tôi trở lại nhà ông Minh thấy ông Nguyễn Văn Huyền, cựu Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và ông Brochand, cố vấn Pháp.

Ông Minh cho biết ông Hương không muốn từ chức.

Tôi nói:

- Ông Hương vừa mới lên mà yêu cầu ông từ chức thì cũng khó xử cho ông ấy; hơn nữa còn Hiến Pháp, còn Quốc Hội...

Ông Huyền đồng ý với tôi.

Riêng ông Minh và ông Mẫu cho rằng ông Hương trì hoãn như vậy nhưng thế nào rồi cũng chấp nhận.

Lúc 8 giờ 30 sáng ngàng thứ sáu 25 tháng 4, ông Thiệu điện thoại cho tôi ý muốn đươc gặp tôi tại dinh Độc Lập (ông Thiệu tuy từ chức nhưng vẫn còn ở trong dinh) nhờ tôi lấy cho bạn ông ấy một giấy chiếu khán đi ngoại quốc.

Khi tôi vào Dinh, ông Thiệu cho biết ông ấy hiểu rõ những diễn tiến chính trị. Nếu ông Hương mời ông Huy làm Thủ Tướng thì đó là điều không tốt.

Câu chuyện nửa chừng, ông Thiệu điện thoại cho ông Hương khuyên nếu có thi hành giải pháp thì đừng chỉ định ông Huy làm Thủ Tướng... "Nếu ông Dương Văn Minh không chịu làm Thủ Tướng toàn quyền thì Cụ tìm một người khác có thể thương thuyết với bên kia mà người đó theo tôi là ông Đôn".

Để điện thoại xuống, ông Thiệu nói với tôi:

- Theo tôi thì ngoài ông Minh ra, ông là người có thể nhận trách nhiệm này. Tôi đã nghĩ đến ông từ năm 1973. Tôi biết ông từng tiếp xúc nhiều với các giới chức, ông gặp nhiều nhân vật chính trị các nước Mỹ, Pháp, Nhật. Uy tín ông có trong giới chính trị và quân đội trong nước. Nhưng vì tôi không thay đổi lập trường chống Cộng triệt để của tôi nên không thể ngồi chung với họ. Nếu chịu thương thuyết, tôi đã mời ông làm Thủ Tướng từ năm 1973 rồi. Nhưng ngày nay thì tôi đề nghị với ông Hương mời ông làm việc.

- Ông có nghĩ bây giờ đã trễ không"

Ông Thiệu im lặng không trả lời.

***

Khoảng 10 giờ sáng ngày thứ bảy 26 tháng 4, Tổng Thống Trần Văn Hương mời Quốc Hội họp phiên đặc biệt. Tôi cũng có mặt với tư cách là dân biểu và quyền Tổng Trưởng Quốc Phòng. Ông Hương trình bày diễn tiến cuộc họp với ông Minh, cho biết có mời ông Minh làm Thủ Tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận, mà yêu cầu ông Hương từ chức, giao ghế Tổng Thống để ông Minh có toàn quyền nói chuyện với Việt Cộng. Ông Hương cho biết ông không thể làm như vậy được vì đó là quyền của Quốc Hội. Hiến Pháp còn đó, ông chỉ có quyền mời Thủ Tướng, còn trao ghế Tổng Thống không phải là việc nhỏ như trao một chiếc khăn tay... Cuối cùng ông Hương đề nghị Lưỡng Viện Quốc Hội chấp nhận cho một trong hai giải pháp:

1. Cho ông toàn quyền chỉ định một Thủ Tướng toàn quyền.

2. Bầu ông Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống.

Nói xong ông Hương ra về để các dân biểu nghị sĩ họp quyết định.

Khi ông Hương ra về, Quốc Hội tạm ngưng phiên họp thì dư luận hành lang của đa số dân biểu nghị sĩ nghiêng về biện pháp trao quyền cho ông Hương chỉ định Thủ Tướng toàn quyền vì cho rằng ông Minh xem thường Lưỡng Viện Quốc Hội. Tôi ra về lúc một giờ trưa trong khi Quốc Hội tiếp tục họp. Đến nhà có điện thoại của ông Hương gọi:

- Anh Đôn, tôi sẽ chỉ định anh làm Thủ Tướng toàn quyền khi Quốc Hội biểu quyết cho tôi chỉ định Thủ Tướng.

***

Khi biết tin Tổng Thống Hương có thể sẽ chỉ định tôi làm Thủ Tướng toàn quyền, ông Đại sứ Pháp ngần ngại:

- Không thể được. Hà Nội chỉ muốn nói chuyện với ông Dương Văn Minh. Nếu người thương thuyết không phải là ông Minh thì họ sẽ pháo kích ngay tối nay.

- Tại sao ông Đại sứ biết"

- Vì tôi có liên lạc với Hà Nội. Họ hạn định thời gian tối nay.

- Nếu thật sự như vậy thì Đại sứ nên trình bày lại cho Tổng Thống Hương.

Sau đó tôi điện thoại cho ông Đại sứ Mỹ, thì ông Martin cũng nói như vậy, tôi đề nghị:

- Nếu vậy yêu cầu ông Đại sứ trình bày lại cho Tổng Thống Hương rõ.

Tôi đến nhà ông Hương thuật lại cuộc tiếp xúc với hai ông Đại sứ Pháp, Mỹ vừa rồi. Nhưng khi tôi vừa mở lời thì ông Hương cho biết hai ông Đại sứ Pháp và Mỹ vừa điện thoại cho ông ấy biết rồi! Ông Hương nói:

- Qua hiểu rồi! Họ muốn ông Minh! Qua sẽ từ chức!

Tôi ghé lại cho Đại sứ Pháp và Mỹ biết tin ông Hương sẽ từ chức. Nghe tôi báo tin họ có vẻ đau lòng. Rồi tôi ghé cho ông Minh biết là Quốc Hội sẽ biểu quyết để cho ông Minh làm Tổng Thống để ông Minh chuẩn bị trước những gì sẽ làm cho kịp thời.

Sáng chúa nhật 27 tháng 4, ông Hương họp tại nhà riêng, gồm có các ông:

- Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện,

- Trần Văn Lắm, chủ tịch Thượng Nghị Viện,

- Phạm Văn Út, chủ tịch Hạ Nghị Viện,

- Phụ tá tư pháp của ông Hương,

- Và tôi [Trần Văn Đôn].

để bàn làm thế nào khi Quốc Hội biểu quyết trao quyền Tổng Thống cho người khác.

Buổi họp chấm dứt lúc 12 giờ trưa sau khi các ông ấy đọc kỹ lại Hiến Pháp. Sẵn dịp đó ông Viên xin ông Hương ký sắc lệnh cho mình nghỉ dài hạn không lương kể từ ngày đó với lý do "không thể làm việc dưới quyền ông Minh." Ông Hương chấp thuận lời yêu cầu của ông Viên. Tôi là người ra khỏi nhà ông Hương sau cùng, thấy vẻ bất bình của ông Hương khi ông nói với tôi:

- Họ muốn ông Minh thì có ông Minh!

Vào lúc 3 giờ trưa hôm đó 27 tháng 4, Đại sứ Pháp điện thoại cho tôi biết:

- Sáu giờ chiều này nếu không có gì thay đổi thì Hà Nội sẽ pháo kích vào Sài Gòn bằng súng 130 ly có tầm bắn xa 30 cây số.

Được tin, tôi tìm ông Trần Văn Lắm yêu cầu họp gấp Lưỡng Viện vào buổi chiều và điện thoại yêu cầu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Phạm Văn Út thông báo các dân biểu Hạ Nghị Viện đến họp.

***

6 giờ 45 chúng tôi đến họp với Quốc Hội tại Hội Trường Diên Hồng, thấy khoảng 100 dân biểu, nghị sĩ cùng một số đông ký giả trong và ngoài nước.

7 giờ 30 cuộc họp khẩn cấp đặc biệt Lưỡng Viện Quốc Hội bắt đầu với số dân biểu nghị sĩ là 138 vị, đủ để quyết định sự việc vì quá bán tổng số dân cử 200 người của Thượng và Hạ Nghị Viện. Sau khi phái đoàn của chúng tôi trình bày tình hình quân sự:

- Mười sáu sư đoàn Việt Cộng đang bao vây Sài gòn với một số đông thiết giáp dùng súng pháo binh hạng nặng.

- Vòng đai phòng thủ của ta đang từ từ bị thu hẹp.

- Chúng ta chỉ còn miền Tây.

Tôi hỏi có ai cần nêu câu hỏi nào không để chúng tôi giải đáp. Lúc đó có hai người hỏi là nghị sĩ Phạm Đình Ái và nghị sĩ Vũ Văn Mẫu: Tổng trừ bị của ta ở đâu" Còn hay không" Vòng đai phòng thủ Sài Gòn thế nào"

Chúng tôi cho biết:

- Tổng trừ bị đang ở vòng đai phòng thủ Sài Gòn. Trong Sài Gòn có Biệt Động Quân và Cảnh Sát Dã Chiến.

Vòng đai phòng thủ do các sư đoàn quanh thủ đô, các sư đoàn tiền tuyến cũng lập vòng đai bảo vệ Sài Gòn và đang đối diện với các sư đoàn Bắc Việt.

Không ai hỏi thêm gì nữa, nên Phó Thủ Tướng nguyễn Văn Hảo phụ trách kinh tế trình bày việc các cơ quan rút tiền ở ngân hàng ra đã tạo khủng hoảng trong dân chúng.

Nghị sĩ Tôn Thất Đính đề nghị biểu quyết vụ trao quyền Tổng Thống cho nhanh, tình hình kinh tế không thiết yếu bây giờ, nhưng ông Hảo cũng cho biết thêm "tất cả các ngân hàng đã đóng cửa, các cơ quan không còn ai lãnh đạo".

Phần thuyết trình quốc phòng xong, chúng tôi ra về trong lúc Quốc Hội tiếp tục họp.

Tôi ghé lại nhà ông Hương trình bày công việc vừa rồi ở Quốc Hội. Tôi còn ngồi nói chuyện với ông Hương thì sĩ quan tùy viên đem tin 136/138 dân biểu nghị sĩ đã biểu quyết trao quyền Tổng Thống cho ông Minh. Hai người không biểu quyết là Chủ Tịch Thượng Nghị Viện và Chủ Tịch Hạ Nghị viện. Được tin, ông Hương nhờ tôi nói với ông Minh là ông Hương sẵn sàng trao quyền bất cứ lúc nào.

5 giờ chiều thứ hai 28 tháng 4, tại phòng họp nơi ông Thiệu trao quyền Tổng Thống lại cho Hương tuần trước, thì nay lại có một cuộc lễ để ông Hương trao quyền Tổng Thống lại cho ông Minh. Trong cuộc lễ này bên Quân Đội cử Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân và Trung Tướng Đồng Văn Khuyên thay Đại Tướng Cao Văn Viên đến dự lễ. Sau nghi lễ nhận chức vụ Tổng Thống, ông Minh giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng Thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ Tướng. Ông Minh trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của mình là sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Ngày 29 tháng 4, khoảng 10 giờ sáng vì thấy tình hình tại Sài Gòn rất bi đát, Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân đến cho ông Minh biết hiện tình tàu bè đủ để chở chính phủ và binh sĩ xuống miền Tây (các tỉnh Hậu Giang, Phú Quốc, Côn Sơn) nhưng ông Minh cho biết đang lo thương thuyết. Cũng trong ngày 29 tháng 4 ông Minh chỉ định Trung Tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng.

5 giờ chiều, ông Minh gọi Đô Đốc Chung Tấn Cang đến gấp. Ông Cang ở lại Bộ Chỉ Huy, phái Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy đến gặp Tổng Thống Dương Văn Minh.

Ông Minh nói với ông Thủy:

- Tôi trao cho Hải Quân được toàn quyền hoạt động.

Theo tôi biết sau này thì lúc 4 giờ 30 chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975 Cố vấn tại Tòa Đại sứ Pháp ông Brochand có cho ông Minh biết Hà Nội không chịu nói chuyện với ông Minh nữa. Ông Minh gọi Tư Lệnh Hải Quân đến rồi ông cho bà Minh đi với Hải Quân, nhưng bà Minh nói nếu ông không đi thì bà ấy cũng ở lại. Ông Minh nhờ Phó Đề Đốc Diệp Quang Thủy dẫn rể của ông là Đại Tá Đại vì vợ đã rời Việt Nam mấy ngày hôm trước rồi, ông cũng nhờ đưa giùm Trung Tướng Mai Hữu Xuân, Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Hoàng và con gái ra khỏi nước.

Dù đã biết không thể thương thuyết được nữa, nhưng ông Minh vẫn không cho Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng và nội các hay, có lẽ vì sợ các ông ấy bỏ đi sẽ dễ gây thêm xáo trộn.

Tối 29 tháng 4, ông Minh nghĩ là thua rồi, nên đưa vợ với tất cả các sĩ quan bộ tham mưu chính trị vào dinh Độc Lập để gặp họ ngay tại đây.

Lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Tổng Tham mưu Trưởng Vĩnh Lộc điện thoại hỏi ông Minh cuộc thương thuyết đi tới đâu, ông Minh vẫn không cho biết rõ. Lúc 10 giờ họ nghe qua đài phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của ông Minh, thì tại Bộ Tổng Tham Mưu có các ông Trung Tướng Vĩnh Lộc Tổng Tham Mưu Trưởng, Trung Tướng Trần Văn Trung Tổng Giám Đốc Nha Chiến Tranh Chính Trị, Đại Tá Trần Ngọc Huyến và một số sĩ quan cấp Tá, cấp Úy cùng quyết định phải ra đi vì chiến xa của Việt Cộng đã ồ ạt vào Thủ đô.

Từ cổng Bộ Tổng Tham Mưu đoàn xe của Trung Tướng Vĩnh Lộc ra đường Cách Mạng không ngang qua dinh Độc Lập mà xuống phía Thị Nghè thẳng ra Hải cảng. Trong khi đó đoàn xe của Việt Cộng đi ngược chiều vào bằng con đường song song nên không gặp.

Một số cán bộ nằm vùng tại Sài Gòn lúc đó ra mặt, họ mặc thường phục lấy miếng vải đỏ đính trên túi áo hoặc cột băng tay, cầm súng lục ra vài ngã tư đường như đi yểm trợ cho đoàn xe vào. Một vài chiếc xe jeep của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang xử dụng bị những người ấy chận lại phải bỏ xe xuống đi bộ, những bộ quân phục của quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị vất đầy mấy góc phố.

Gần chợ Trương Minh Giảng một bộ quân phục sĩ quan mà người cởi ra không nỡ quăng xuống đất nên treo ngay ngắn trên cây bên đường, cạnh bên để một cái kết sĩ quan làm cho người nào đi ngang qua đều cảm thấy xót thương kẻ thua cuộc. Khoảng 9 giờ đoàn xe Việt Cộng từ miệt Lăng Cha Cả xuống nhà thờ Ba Chuông thẳng đường Trương Minh Giảng vào Trung tâm Sài Gòn. Đoàn xe đến mấy chục chiếc, đi đầu là xe tăng rồi đến xe GMC chở bộ đội đa số là dân miền Bắc, xe chạy chầm chậm, trên có cờ của Mặt Trận Giải Phóng nửa xanh nửa đỏ. Dân chúng kẻ ra đường nhìn, người mở cửa đứng ngó ra thẫn thờ và ngơ ngác vì thấy đa số những kẻ chiến thắng vẻ mặt ngớ ngẩn, non choẹt, xanh xao.

Đoàn xe của Trung Tướng Vĩnh Lộc đến công xưởng Hải Quân, nơi đây chỉ còn một chiếc tàu hư đang sửa chữa, ông phải lấy ra đi. Vì còn một máy chạy được nên tàu ra khỏi sông Sài Gòn nhưng đến cửa biển thì tàu hư, hoàn toàn không chạy được. Nhờ có máy truyền tin kêu cứu, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cho tàu lại vớt. Khi đó thì xe tăng của Hà Nội đã vào dinh Độc Lập.

(Trích Việt Nam Nhân Chứng - Tác giả: Trần Văn Đôn)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.